Văn học và chút ý ngĩa riêng

Trần Việt Hải, LA

 

 

Ngày xưa khi nghĩ về các bài viết của các nhà phê bình văn học như Võ Phiến, Doãn Quốc Sỹ (tác phẩm Văn Học và Tiểu Thuyết), Nguyễn Hiến Lê, Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Văn Trung, Vũ Ký, Tạ Tỵ, Vũ Bằng, Lê Huy Oanh,… Tôi vốn thích thú vì đã được tác giả phân tích và phê bình tác phẩm, sự trình bày sẵn có cho ta so sánh khi đọc một tác phẩm được phê bình. Dù là văn biên khảo hay văn phê bình tham luận văn học thì nền tảng của thể văn chất chứa cái nhìn mang tính duy bản luận (foundationalism), dựa trên hai tiền đề chính: Thứ nhất, văn học là cái gì đã có sẵn, xuất hiện trước rồi cho ta tham khảo, nên chúng ta chỉ cần thấu hiểu để nhận diện bản chất và những đặc trưng cơ bản của nó; thứ hai, văn học là một bộ phận trong cấu trúc chung và cố định của toàn xã hội, chúng ta chỉ cần khám phá ra các mối liên hệ giữa nó với các phạm vi khác. Cả hai tiền đề này đều được ghi nhận qua một quá trình lâu dài. í dụ chủ đề viết biên khảo hay phê bình văn học được ta xét về nguồn gốc tức quá khứ, dĩ vãng của chuyện đã qua, hay liên hệ về sử liệu,…

Trong lối văn biên khảo, ta cần tham khảo tài liệu dồi dào để trình bày đề tài đa diện và đa dạng từ nhiều khía cạnh, từ nhiều góc nhìn soi sáng hay hỗ trợ cho đề tài. Khi tham khảo tài liệu cần cho biết xuất xứ từ đâu. Đối với sách hay trang mạng tham chiếu, nên ghi rõ tên tác phẩm, tác giả, lần xuất bản,…

Chung quy mọi lối viết này lồng trong bộ môn văn học. Khi ta bước vào ngưỡng cửa của văn học, tôi muốn dùng ý tưởng của triết gia, nhà văn Jean-Paul Sartre qua tác phẩm độc đáo của ông, “Văn Học Là Gì?” (Qu’est-ce que la litérature?). Theo ý tưởng của Sartre, văn học là một loại hình thức sáng tác, hiện hữu trong những vấn đề của đời sống xã hội và của con người. Phương thức sáng tạo của văn học được ghi nhận qua sự hư cấu, hay cách thể hiện nội dung trình bày các đề tài có sẵn được biểu hiện qua ngôn ngữ. Khái niệm văn học đôi khi có nghĩa tương tự như khái niệm văn chương và thường bị dùng lẫn lộn. Tuy nhiên, về mặt tổng quát, khái niệm văn học thường có nghĩa rộng hơn khái niệm văn chương, văn chương thường chỉ nhấn mạnh vào tính thẩm mỹ của chữ nghĩa, sự sáng tạo của văn học thì nặng về phương diện ngôn ngữ và nghệ thuật ngôn từ. Văn chương dùng ngôn từ làm chất liệu để xây dựng hình tượng, phản ảnh và biểu hiện đời sống. Văn học có các thể loại khác nhau như tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kịch bản, nghiên cứu, biên khảo, tham luận phê bình,… Văn học có lịch sử phát triển từ lâu đời, là sự phát triển của văn học dân gian hay văn học truyền khẩu và văn học viết. Lịch sử của văn học viết là lịch sử phát triển của các bản viết bằng văn xuôi hay thơ, đây là những loại nhằm mục đích giải trí, khai sáng hoặc chỉ dẫn cho người đọc, người nghe. Không phải tất cả các loại bản viết đều là văn học. Một số tài liệu ghi chép như các tài liệu biên soạn thiên nhiều về những dữ liệu đôi khi như thống kê, toán học, luật pháp, kinh tế, thiên văn, khoa học,… sẽ không được xếp vào dạng văn học.

Kế đến là khi ta bàn đến vấn đề phê bình văn học là gì, hãy xét qua lối văn này. Phê bình là gì ? Nhà bình luận văn học Roland Barthes qua tác phẩm “Qu’est-ce que la critique?” của ông cho ta tìm ra những ý tưởng được trình bày theo đây. Khi ta đọc và hiểu một ngôn ngữ, theo sự phê bình văn học có thể đồng ý, nhất quán trong bản tính chủ quan hay tính khách quan, tính quá khừ của lịch sử và tính hiện hữu hiên tại, và ngôn ngữ được nhà phê bình lựa chọn và sử dụng đã có sẵn. Đó là loại ngôn ngữ của tác phẩm, loại ngôn ngữ có tính khách quan vốn là sản phẩm của những tri thức, những tư tưởng, những khát vọng tinh thần đạt tới độ chín muồi của lịch sử, nó là sự thiết yếu, nhưng mà nhà phê bình lại chọn cho mình cái ngôn ngữ cần thiết ấy để diễn tả theo cơ cấu sinh tồn của chính mình qua sự hiểu biết do tri thức hay do sự chứng kiến của lịch sử, thời gian trôi qua lựa chọn như một sự thực hiện chức năng trí tuệ theo sự am hiểu chiều sâu kinh nghiệm của đề tài, tất cả kinh nghiệm lựa chọn, thụ hưởng, chối bỏ hay chấp nhận. Được như vậy thì sự phê bình mới có thể mở ra trong tác phẩm cuộc đối thoại giữa hai thời đại lịch sử và hai chủ thể, tức tương quan giữa tác giả và nhà phê bình. Nhưng toàn bộ cuộc đối thoại được trình bày qua phương diện buýt pháp ghi nhận nhắm vào thời điểm hiện tại một cách vị kỷ, phê bình không thể trọng vọng dù có là sự thật hay “chân lý của quá khứ” hay “chân lý của kẻ khác”, nó là một sự tạo tác có thể hiểu ở thời đại chúng ta hiện hữu.

Do vậy, “Phê bình văn học” là một bộ môn của khoa học văn học xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ 19 ở châu Âu đến nay đã trải qua nhiều chặng đường biến hóa. Người ta có thể tùy theo mục tiêu nghiên cứu của mình mà trình bày diễn trình này theo những cách thức khác nhau. Phê bình văn học là sự phán đoán, bình phẩm, đánh giá và giải thích tác phẩm văn học, đồng thời kèm theo việc phán đoán, bình luận, giải thích, đánh giá những hiện tượng đời sống mà tác phẩm đề cập tới. Phê bình văn học được coi như một hoạt động tác động trong đời sống văn học và quá trình văn học như một loại sáng tác văn học, đồng thời còn được coi như một bộ môn thuộc khoa nghiên cứu văn học. Bên cạnh văn học sử lấy đối tượng là văn học thuộc về quá khứ, phê bình văn học ưu tiên lưu ý đến những quá trình, những chuyển động đã hay đang xảy ra trong hoàn cảnh văn học hiện tại như Roland Barthes nói bên trên, khảo sát các tác phẩm xuất bản và báo chí, phản ứng với các hiện tượng văn học, với sự cảm thụ văn học của quần chúng.

Một trong những đặc điểm của phê bình văn học so sánh với phê bình nghệ thuật nói chung, ví dụ như phê bình âm nhạc, phê bình sân khấu, phê bình kịch nghệ hay điện ảnh, phê bình hội họa v.v… là nếu các loại phê bình nói trên không thể trở thành đối tượng của nó thì phê bình văn học sẽ trở thành văn học, nghĩa là thuộc phạm trù văn chương, ngôn từ, như thi ca, văn xuôi. Bởi vì phê bình văn học đều sử dụng chất liệu ngôn ngữ tiếng nói cho mọi sáng tác văn học.

Tuy nhiên không phải mọi dạng viết văn nào thuộc phạm vi phê bình đều có thể được coi là văn học, tuy vậy lắm khi chỉ một số ít những tác phẩm được viết ra đạt được đặc tính nghệ thuật cao về ngôn từ thẩm mỹ, bộc lộ phong cách độc đáo, cái nhìn uyên bác mới trở thành văn học đúng nghĩa của nó.

Trần Việt Hải