Thạch Lam
Thạch Lam tên thật là Nguyễn Tường Vinh sinh năm 1910 tại Hà Nội , là người con thứ sáu trong gia đình Nguyễn Tường. Đến năm 14 tuổi mới đậu bằng cao đẳng tiểu học, ông phải khai tăng tuổi để thi lấy bằng Thành Chung rồi đổi tên là Nguyễn Tường Lân. Ông vào học Albert Sarraut, đậu tú tài phần thứ nhất rồi thôi học ra làm báo Phong Hoá, Ngày Nay với các anh ông là Nhất Linh, Hoàng Ðạo trong Tự Lực Văn Đoàn năm 1932. Ông bị bệnh lao mất vào tháng 6 năm 1942 trong cảnh nghèo nàn tại một ngôi nhà tranh làng Yên Phụ cạnh Hồ Tây.
Vì mất sớm nên sự nghiệp văn chương của Thạch Lam về số lượng rất khiêm tốn, tuy nhiên vì giá trị nghệ thuật của nó rất cao nên ông vẫn được coi là một nhà văn lớn trong nền văn chương Việt Nam cận đại.
Các tác phẩm gồm:
1- Ngày Mới, tiểu thuyết 1937
2- Gió Ðầu Mùa, tập truyện ngắn 1937.
3- Nắng Trong Vườn, tập truyện ngắn 1938.
4- Theo Giòng, nghị luận văn chương, 1941.
5- Sợi Tóc, tập truyện ngắn, 1942.
6- Hà Nội 36 Phố Phường, tùy bút, 1943.
Thạch Lam là một nhà văn có khuynh hướng xã hội thường mô tả đời sống của những người nghèo nàn cùng khổ bằng những nét chân thực đầy tình thương yêu nhân loại, ông thiên về bi kịch hơn Khái Hưng Nhất Linh trong Tự Lực văn đoàn, tác phẩm của ông có giá trị cao về nhân bản được viết ra như một chút tình thương dành cho những kẻ lầm than cơ cực. Ông khâm phục và chịu ảnh hưởng Dostoievsky rất nhiều trong kỹ thuật mô tả tâm lý nhân vật, chú trọng về mặt hướng nội. Thạch lam cũng là nhà văn thuộc trường phái lãng mạn như các bậc đàn anh trong văn đoàn tuy nhiên các truyện tình của ông khác với các nhà văn kia ở tính chân thật, ngây thơ, thi vị.
Ông Phạm Thế Ngũ nhận xét về Thạch Lam như sau.
“Trong văn học mới nước ta các nhà phê bình thường đồng ý là Thạch Lam- cây bút Tự Lực đã đưa thể đoản thiên đến độ nghệ thuật cao hơn cả. Trong ba tập đoản thiên của ông mà ta xét trên ta đều thấy nhiều đặc sắc nghệ thuật”
Hoặc.
“Nhưng dù sao không ai phủ nhận được ông đã đưa đoản thiên Việt Nam đến một trình độ nghệ thuật rất cao. Tác giả Nhà văn hiện đại cũng công nhận những truyện trong Sợi Tóc là những đoản thiên hay nhất trong văn chương Việt Nam”
Thật vậy, Thạch Lam là người chuyên về trước tác truyện ngắn và đã thành công nhiều trong thể loại văn chương này
Sợi Tóc là tập truyện ngắn giá trị và nổi tiếng của Thạch Lam do nhà xuất bản Ðời Nay, Hà Nội ấn hành năm 1942, toàn bộ gồm năm truyện vỏn vẹn chừng năm sáu chục trang giấy nhưng nội dung thật là súc tích và vô cùng hiện thực, những đề tài khác biệt nhau như đóa hoa ngũ sắc rực rỡ cùng thể hiện một nghệ thuật tuyệt vời. Chúng tôi xin phân ra làm ba đề tài chính : Tâm lý: Sợi Tóc; Bi kịch: Cô Hàng Xén, Tối Ba Mươi; Tình cảm : Dưới Bóng Hoàng Lan, Tình Xưa và đề cập giới hạn bốn truyện chọn lọc : Sợi Tóc, Cô Hàng Xén, Tối Ba Mươi và Dưới Bóng Hoàng Lan.
Sợi Tóc
Một truyện ngắn chừng mười trang giấy thể hiện cái thiên tài hiếm có của Thạch Lam trong kỹ thuật mô tả tâm lý con người, có dư luận phê bình cho rằng Sợi Tóc có thể coi như ngang hàng với các đoản thiên giá trị trên văn đàn thế giới. Ðó là truyện một anh chàng bị cám dỗ vì số tiền lớn của người anh họ, định lấy cắp nhưng rồi lưỡng lự đổi ý.
Thành có người anh họ rất giầu nhưng ngốc nghếch, Bân rất phục Thành là người sành đời, thạo ăn chơi, mỗi khi đi mua đồ đều hỏi Thành. Một hôm Bân rủ Thành đi mua đồng hồ, lúc hắn trả tiền Thành nhìn cái ví phồng và biết là nhiều tiền lắm, chàng thấy rõ cả những giấy trăm còn mới tinh, mua xong Bân rủ Thành đi ăn tiệm.
Bân cùng một cô nhân tình vào buồng nằm, hắn đem theo cả cái áo tây có ví tiền. Khi ấy Thành chán nản muốn bỏ về, chàng với lấy cái áo tây trên mắc thì ra là áo của Bân có ví tiền dầy cộm, Bân đã lấy nhầm áo của chàng vào buồng. Bân và các em đều muốn giữ Thành ở lại cho vui.
Khi ấy trong trí Thành rối bời cả lên vì nghĩ đến cái ví tiền , chàng định mở ví lấy vài trăm rồi đổi lấy áo của Bân vắt ở đầu giường hắn . . Thành hút một điếu thuốc phiện rồi thờ thẫn nghĩ ngợi, chàng cho rằng Bân sẽ không biết chàng lấy mà nghi cho nhân tình của hắn.
Nhưng khi cho tay vào ví, Thành lại đắn đo suy nghĩ đờ đẫn cả người, tự nhiên chàng trả áo cho Bân và bảo hắn đếm tiền chi kỹ. Cuối cùng sau một cuộc giằng co, sự cám dỗ tội lỗi đã bị lương tâm đè nén, ranh giới hai bên chỉ là một sợi tóc.
Ðây là một đoản thiên tâm lý sâu sắc nhất của Thạch Lam, của nền văn chương Việt Nam, xứng đáng được xếp ngang hàng với những truyện hay trên văn đàn thế giới. Ngòi bút thần sầu củaThạch Lam đã phô diễn được quá đầy đủ về bản chất con người, về cái biên giới mong manh như sợi tóc giữa thiện và ác, giữa lương tâm và tội lỗi. Cám dỗ bắt đầu xuất hiện khi Thành thấy ví của Bân lúc hắn trả tiền ngoái phố:
“Thoáng nhìn qua, tôi cũng biết ví nhiều tiền lắm: ngoái số tiền bạc lẻ hắn mang ra trả, tôi còn thấy gấp ở ngăn trên đến năm sáu cái giấy bạc một trăm nữa. Những giấy bạc mới màu còn tươi nguyên”
Và khi Thành lấy áo định ra về, cám dỗ lại tiến thêm một bước nữa:
“Vừa nói tôi vừa với cái áo tây của tôi treo trên mắc. Bỗng nhiên có cái gì chuyển mạnh qua tim tôi: tay tôi yên hẳn lại; tôi vừa mới nhận ra rằng cái áo tôi đương cầm không phải là cái áo của tôi. Thì ra lúc mang áo vào giường nằm, Bân đã mang nhầm áo. Hai chúng tôi cùng mặc một thứ hàng len giống màu, như vậy dễ lẫn lắm. Tôi ghé nhìn vào trong áo thấy cái ví tiền ở túi thò ra ngoài một tí. Cái ví tiền . . . mấy tờ giấy bạc”
Bằng lối diễn tả vô cùng khéo léo, Thạch Lam cho chúng ta thấy rõ những bước chân xâm lấn ghê gớm của cám dỗ:
“Những lời đối đáp ấy cứ tự nhiên buột miệng ra, tôi không để ý đến. Trước mắt tôi, mấy tờ giấy bạc một trăm gấp trong ngăn ví hiện ra rất rõ rệt. Lấy mấy tờ, độ hai tờ - tại sao lại hai? Tôi không biết - tôi cứ việc điềm nhiên với lấy áo, mở ví rút ra hai tờ. Rồi chọn lúc mọi người vô ý . . tôi đổi lấy áo của tôi . . thế là xong và gọn . . . .dễ dàng quá, mà không còn sợ cái gì cả”
Bằng một nghệ thuật vô cùng hiện thực ông cũng cho ta thấy sự rối bời trong tâm trạng con người vì sự giằng co tranh chấp giữa lương tâm và tội lỗi.
“Lan để tay nhẹ nhàng lên người tôi, lẳng lơ đưa mắt hỏi. Tôi giả vờ cười không đáp, rồi soay người nằm ngửa, nhìn lên trần nhà.Trong người bứt rứt không yên”
Hoặc như.
“Tâm hồn tôi lúc bấy giờ thế nào tôi không biết rõ. Tôi đứng lên, ngồi xuống như một cái máy. Tôi chỉ thấy băn khoăn bứt rứt . . và thời gian qua . . tôi cảm thấy đi qua tâm hồn tôi từ bên này sang bên kia . . như thế không biết bao nhiêu lâu . .”
Và sau khi đã trấn áp được cám dỗ tội lỗi, Thành lại ngẩn ngơ một chút tiếc thương, thiện ác vẫn còn vẩn vơ trong trí.
“- Áo anh này , đây là áo của tôi . . . . .
. . . Anh đếm lại tiền đi và để cẩn thận vào trong ấy . . .
Tôi bước một bước lùi ra cửa. Thế là hết bây giờ không sao đụng đến cái ví được nữa. Tôi bần thần ngẩn ngơ”
Thậm chí đến lúc Thành lên xe về nhà, tâm trí rối mù, chàng ngẩn ngơ như người mất hồn, vẫn còn chút tiếc rẻ ngấm ngầm , dù chàng đã tỉnh táo rồi, cám dỗ vẫn còn vương vấn trong lòng.
“Tất cả những cái đó bây giờ xa quá. Tâm trí tôi giãn ra, như một cây tre uốn cong trở lại cái thẳng thắn lúc thường. Tôi cảm thấy một cái thú khoái lạc kỳ dị khe khẽ và thầm lặng rung động trong người, có lẽ là cái khoái lạc bị cám dỗ, mà cũng có lẽ cái khoái lạc đã đè nén được sự cám dỗ. Và một mối tiếc ngấm ngầm, tôi không tự thú cho tôi biết và cũng cố ý không nghĩ đến, khiến cho cái cảm giác ấy của tâm hồn tôi thêm một vẻ rờn rợn và sâu sắc”
Người đọc tưởng như mình đang chơi vơi giữa thực và mộng, giữa cái thú của cám dỗ và khoái lạc của lương tâm, lý trí đã trấn áp được cám dỗ. Song vẫn chưa hết, đến khi Thành đã tỉnh táo, đã lên xe về nhà mà cám dỗ vẫn còn vương vấn như một sự tiếc nhớ vu vơ. Thạch Lam đã dẫn chúng ta đi sâu vào tận đáy tâm hồn con người để ta chứng kiến được cái biên giới mong manh giữa thiện, ác, giữa ăn cắp hay không ăn cắp, cái địa giới chỉ mỏng manh như một sợi tóc.
Cô Hàng Xén
Ðây là một truyện ngắn nổi tiếng của Thạch Lam đã được nhiều người hâm mộ, ca ngợi tấm lòng hy sinh của người phụ nữ Việt Nam và cũng là một bi kịch cuộc đời không lối thoát.
Tâm gánh hàng từ chợ băng qua cánh đồng về làng, băng qua sân đình rồi về đến nhà, chia bánh kẹo cho các em. Cô được mẹ già và các em âu yếm săn sóc. Từ ngày gia đình sa sút, ông Tú mắt kém thôi dạy học, cô buôn bán tần tảo để nuôi mẹ và các em.
Tâm là người con gái xinh đẹp nổi tiếng cả một vùng, thời gia đình còn sung túc cô đã được cắp sách đi học, nhưng nay rời bỏ quyển sách để bước chân vào cuộc đời tần tảo hy sinh, không bao giờ nghĩ đến cuộc đời riêng của mình.
Những ngày phiên chợ, cậu giáo Bài trường làng thường hay lại mua hàng và để ý đến Tâm, khi lên giường ngủ cô cũng có lúc nhớ tới cậu giáo. Vụ gặt xong, cậu giáo nhờ người mối lái đến hỏi Tâm. Bà Tú gọi Tâm vào buồng nói chuyện ấy, cô muốn ở nhà buôn bán trông nom gia đình, thương con bà mẹ bảo cô phải đi lấy chồng.
Ðám cưới cử hành trước tết, ngày về nhà chồng Tâm từ biệt các em. Về nhà chồng mấy hôm nàng lại sốc vác gánh hàng ra chợ. Nhà chồng nàng cũng nghèo, cậu giáo lương dăm bẩy đồng, nàng vừa phải gánh vác giang sơn nhà chồng lại lo cho các em ăn học. Em Lân lên học trường tỉnh, tốn kém hơn. Bà Tú nhắn người bảo nàng gửi tiền thêm, nàng lo quá: mẹ chồng, cậu giáo thường đay nghiến vì nàng không còn tiền đưa.
Hai năm sau Tâm đẻ con trai, nàng đã già đi nhiều, không còn đẹp như xưa. Tâm về nhà thăm cụ tú, các em. Lân xin một chục bạc, Tâm hốt hoảng vì chồng đã thôi dạy, nàng phải lo gánh vác bên nhà chồng. Lân giận dỗi, nàng đành phải lấy tiền đưa cho em rồi lo âu không biết lấy gì bù vào chỗ ấy. Cuộc đời nàng đen tối, khó nhọc như không bao giờ dứt.
Khác với Khái Hưng, Nhất Linh thường phơi bầy những sai lầm của nền luân lý cổ, ở đây Thạch Lam có khuynh hướng ca ngợi gia đình nền nếp nho phong, những cái hay cái đẹp còn rơi rớt lại của một nền văn minh tinh thần đã vang bóng một thời.
Hình ảnh cô Tâm gánh hàng xén ra chợ nuôi mẹ, nuôi các em ăn học để sau này đỗ đạt đi làm trên tỉnh giúp thầy mẹ già, không nghĩ đến cuộc đời riêng của mình tiêu biểu cho những cái đẹp tuyệt vời của nền nếp xã hội thời ấy.
“Tâm thấy vững vàng ở giá trị và lòng cao quí của mình. Nàng đã đảm đang nuôi cả một nhà”
Nàng cũng là thể hiện của sự chịu khó nhọc nhằn của những người phụ nữ Việt Nam đảm đang.
“Sáng sớm hôm sau, trong gió bấc lạnh, Tâm đã mở cổng gánh hàng lên chợ. Sương trắng còn đầy ở các ngõ trong làng . . .. . . tất cả cuộc đời nàng lúc nào cũng chịu khó và hết sức, như tấm vải thô dệt đều nhau. Có phải đâu chỉ một mình cô. Trong lũy tre xanh kia, bao nhiêu người cũng như cô, cũng phải chịu khó và nhọc nhằn, để kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con, nuôi các em”
Tâm chỉ nghĩ đến sự hy sinh cho cha mẹ, cho các em không nỡ bỏ nhà đi lấy chồng, bà Tú thương con buộc nàng phải xuất giá. Cô hàng xén xinh đẹp nổi tiếng cả một vùng ngày càng dấn thân vào cuộc đời khó nhọc, một tấn bi kịch không lối thoát. Về nhà chồng được mấy ngày nàng phải quẩy gánh hàng đi bán ngay, cậu giáo Bài lương chẳng bao nhiêu, Tâm lại phải è cổ gánh vác giang sơn nhà chồng:
“Bây giờ gánh hàng đã trở nên quá nặng trên đôi vai nhỏ bé. Chiếc đòn càng cong xuống và rền rĩ. Ngoài giang sơn nhà chồng nàng phải gánh vác, Tâm lại lo sao kiếm được đủ tiền để gửi thêm cho các em ăn học. Trong sương muối sớm, xót và giá lạnh, nàng đã phải bước ra ngõ và đi chợ rồi . . . . . Ðời nàng lại đi như trước, chẳng khác gì. Những ngày khó nhọc và cố sức lại kế tiếp nhau”
Thật là bất ngờ, một cô gái nết na xinh đẹp, nổi tiếng cả một vùng ngày càng dấn thân vào cuộc đời gian khổ. Ðó là thân phận một người phụ nữ một cổ hai chòng, cuộc đời nàng chỉ toàn là hy sinh gánh vác: Mọi chi tiêu trong gia đình chỉ trông vào nàng: Bà Tú nhắn người bảo Tâm gửi thêm cho em, nàng phải đưa dấu vì mẹ chồng vàcậu giáo Bài đã bắt đầu nghi ngờ và đay nghiến nàng.
Nàng đã già đi, nhan sắc phai tàn, đâu còn là cô hàng xén xinh đẹp nổi tiếng cả một vùng, tre già măng mọc, nàng nay đã hết thời, đã có những cô gái khác mới lớn tươi tắn và rưc rỡ . . Tác giả cũng ngụ ý về số mệnh con người.
“Tâm lại nghĩ đến ngày trước kia, hình như đã lâu lắm, nàng còn là cô hàng xén má hồng, môi đỏ e lệ cúi mặt dưới cái nhìn âu yếm của cậu giáo Bài nho nhã và đứng đắn trong tấm áo lương. Thời ấy bây giờ đâu? Chị Liên may mắn đã lấy được chồng giầu, lên buôn bán trên tỉnh . Chị ấy vẫn trẻ đẹp như xưa. Tâm khẽ thở dài: bây giờ các chị em bạn cũ không còn ai ở lại để cùng chia sẻ những nỗi khó nhọc với nàng”
Tác phẩm như để ca ngợi tấm lòng hy sinh cao cả của người phụ nữ Việt Nam nhưng chủ đề chính là bi kịch về thân phận con người, về những cuộc đời gian khổ đáng thương điển hình là cô hàng xén .
“Cái vòng đen của rặng tre làng Bằng bỗng vụt hiện ra trước mắt, tối tăm và dầy đặc. Tâm buồn rầu nhìn thấu cả cuộc đời nàng, cuộc đời cô hàng xén từ tuổi trẻ đến tuổi già, toàn khó nhọc và lo sợ, ngày nọ dệt ngày kia như tấm vải thô sơ. Nàng cúi đầu đi mau vào trong ngõ tối”
Cô Hàng Xén, một trong những đoản thiên hay nhất của nền văn chương Việt Nam đã cho ta thấy giá trị hiện thực tuyệt vời trong nghệ thuật tả chân của Thạch Lam. Một tác phẩm văn chương nhỏ bé đã làm sống lại cả một xã hội còn đượm những giá trị hy sinh cao đẹp, di sản của một nền văn minh tinh thần nay còn đâu? chúng ta không khỏi bùi ngùi cho thân phận bi đát của con người và cảm thấy nuối tiếc cho những giá trị cao cả tuyệt vời của nền văn minh tinh thần ấy nay đã bị chôn vùi dưới lớp cát bụi của thời gian.
Tối Ba Mươi
Một truyện ngắn đặc sắc, cảm động đầy nước mắt về thân phận của những người cùng mạt tận đáy xã hội.
Liên và Huệ, hai chị em họ, bỏ nhà đã bẩy tám năm nay sống đời giang hồ trụy lạc. Liên mua đồ cúng giao thừa về khi Hậu còn đang ngủ. Họ dở các gói thức ăn ra, nào lạp xưởng, bánh chưng, dò lụa.
Huệ rớm nước mắt nhớ tới thời thơ ấu, nàng mặc áo mới ngày mồng một tết . . nghĩ đến đấy tâm hồn nàng bỗng u ám nặng trĩu.
Họ bầy đồ cúng lên bàn: đĩa cam quít, bánh chưng, lạp xưởng rồi cắm hương lên tường cúng. Người bồi nhà chứa chào các cô về ăn tết, chỉ còn lại hai chị em trong căn nhà hoang vắng. Mùi hương tỏa ra khiến họ nhớ đến những ngày cúng giỗ ở nhà xa xưa.
Liên đứng trước bàn thờ một lúc rồi khóc nấc lên. Hai chị em tủi thân ôm nhau khóc trong tiếng pháo giao thừa nổ vang.
Ðây là tấn bi kịch cuộc đời tội lỗi đáng thương của hai cô gái như đã bị xã hội bỏ quên trong khi mọi người đang tưng bừng đón giao thừa, đón những ngày thiêng liêng, vui tuơi nhất của một năm.
“Nàng nhìn quanh căn phòng bẩn thỉu. Dưới ánh ngọn đèn mờ, lỏng chỏng các đồ đạc quen thuộc; cái giường Hồng Kông cũ đồng han và rỉ sạm, cái bàn ghỗ ẩm ướt ở góc tường, hai cái ghế long chân. Liên nghĩ đến sự trơ trọi của đời mình. Tết đến nơi rồi. Tết đến thăm nàng ở đây, trong căn buồng nhà săm này cũng như đến những nơi thơm tho đầm ấm’’
Hai chị em họ xa nhà từ bao lâu nay; một người mẹ chết, cha lấy vợ khác không biết ở đâu, người kia còn cha mẹ nhưng không dám về, họ cô đơn trơ trọi đón xuân trong căn phòng lạnh lẽo này và trạnh lòng nghĩ đến thân phận hẩm hiu của mình.
“Cái vắng lạnh như mênh mông ra tận đâu đâu, ở khắp cả các phố Hà Nội đêm nay, Huệ tưởng đến những căn nhà ấm cúng và sáng đèn, then cửa cài chặt, mọi người trong nhà đang tấp nập sửa soạn đón năm mới trong sự thân mật của gia đình. Chỉ có hai chị em nàng xa cửa xa nhà”
Ở Thạch Lam ta thấy một sự hiện thực chua chát và tàn nhẫn, thật không còn gì cay đắng hơn.
“- Có gạo đây. Nhưng đổ vào cái gì bây giờ?
Hai chị em nhìn quanh gian buồng nghĩ ngợi, Liên bỗng reo lên.
- Ðổ vào cái cốc này. Phải đấy, rất là . . .
Nàng im bặt dừng lại. Hình ảnh ô uế vừa đến trí nàng. Cái cốc bẩn ở góc tường, mà cả đến khách làng chơi cũng không thèm dùng đến, nàng định dùng làm bát hương cúng tổ tiên”
Sống trong một vũng bùn nhơ bẩn, họ tiếc thương quãng đời trong sạch đã mất đi mà không sao lấy lại được, tâm lý chung những kẻ đã mất quá khứ tươi đẹp của mình.
“Huệ nhắm mắt lại. Vì trông mưa bụi bay hay vì nàng khóc thật? Hình như có chút nước mắt vừa rớm ở mi nàng. Huệ chớp khẽ rồi nhớ đến cuộc đời mình, lúc trẻ thơ, lúc còn con gái ở nhà quê, một buổi sáng mồng một tết - Nàng không nhớ rõ năm nào, nhưng đã lâu lắm rồi thì phải - nàng mặc áo mới đứng trên thềm nhìn mấy bông hoa đào nở ở trước vườn”
Hoặc như .
“Khói hương lên thẳng rồi tỏa ra mùi thơm ngát đem lại cho hai nàng kỷ niệm những ngày cúng giỗ ở nhà, khi hai chị em còn là những cô gái trong sạch và ngây thơ”
Hai con chim lạc loài trơ trọi, lạc lõng giữa đêm giao thừa tưng bừng rộn rã khiến ta tưởng như họ là nạn nhân của cuộc đời, của xã hội và thấy xót xa cho cái thân phận cô đơn lạnh lẽo ấy đã bị đời khinh thị rẻ rúng.
“Nàng bỗng nấc lên rung động cả hai vai, rồi gục xuống ghế, tay ấp mặt. Những giọt nước mắt nóng chảy tràn mí mắt nàng không giữ được; Liên cảm thấy một nỗi tủi cực mênh mông tràn ngập cả người, một nỗi thương tiếc vô hạn; tất cả thân thế nàng lướt qua trước mắt với những ước mong tuổi trẻ, những thất vọng chán chường.
Huệ nhìn Liên rồi nhẹ nhàng đến gần, buồn rầu vỗ vai bạn:
- Liên khóc làm gì nữa buồn lắm.
Tiếng nàng cũng cảm động nghẹn ngào. Dưới bàn tay thân mật của bạn, Liên càng nức nở. Hai chị em giờ này cảm thấy trơ trọi quá. Liên ngửng mặt lên nhìn Huệ, cố gượng một nụ cười héo hắt:
- Chị cũng khóc đấy ư?
Huệ gục xuống vai bạn không trả lời. Nước mắt cũng ứ lên rồi lặng lẽ trào ra má. Nàng quàng tay ôm hết sức chặt lấy Liên”
Tấn bi kịch đầy nước mắt cuộc đời hai người con gái đáng thương lỡ sa chân xuống hố sâu tội lỗi, ngụp lặn trong bể khổ mênh mông, một tác phẩm tuy ngắn ngủi nhưng cũng chan chứa tình thương yêu đồng loại.
Dưới Bóng Hoàng Lan
Thanh nghỉ làm về quê thăm bà, bà cụ già tóc bạc phơ chống gậy mừng rỡ lại đón cháu, chàng rửa mặt. Thanh vắng nhà đã gần hai năm, cảnh vẫn y như cũ, bà chàng vẫn tóc bạc phơ, hiền từ. Căn nhà, thửa vườn là nơi mát mẻ hiền lành, bà vẫn đợi cháu trong tình thương trìu mến.
Chàng nằm nghỉ trên giường nhìn ra ngoài khung cửa sổ thấy cây hoàng lan cao vút, mùi hương thơm thoang thoảng đưa vào. Chàng cảm động vì bà yêu cháu quá.
Nga, cô gái hàng xóm thấy chàng về sang chơi, bà chàng mời cô ăn cơm. Cơm nước xong Thanh dắt nàng đi thăm vườn, chàng thấy tóc nàng thơm như hoa hoàng lan . Thanh và Nga vít cành hái hoa.
Hôm sau Thanh lên tỉnh, chàng gửi lời chào Nga và biết rằng nàng vẫn nhớ mong chàng như trước.
Ðây là một áng văn tao nhã tuyệt vời chưa từng thấy trong nền văn chương Việt Nam, một thế giới vô cùng thi vị thanh tao đầy những hương thơm của hoa hoàng lan, thiên lý.
Một truyện tình cảm thật đơn sơ nhưng đậm đà, một tình cảm khác lạ, tình bà cháu dịu dàng trìu mến .
“Thanh bước xuống dưới giàn thiên lý. Có tiếng người đi, rồi bà chàng, mái tóc bạc phơ, chống gậy trúc ở ngoài vườn vào. Thanh cảm động và mừng rỡ chạy lại gần.
- Cháu đã về đấy ư?
Bà cụ thôi nhai trầu, đôi mắt hiền từ dưới làn tóc trắng đưa lên nhìn cháu, âu yếm và mến thương.
- Ði vào trong nhà không nắng cháu.
Thanh đi bên bà, người thẳng, mạnh, cạnh bà cụ chống gậy còng. Tuy vậy chàng cảm thấy chính bà che chở cho chàng, cũng như những ngày chàng còn nhỏ”
Thanh vắng nhà gần hai năm nay, chàng làm việc trên tỉnh và mong đến ngày nghỉ để tìm lại tình thương trìu mến của bà già mái tóc bạc phơ:
“Căn nhà với thửa vườn này đối với chàng như một nơi mát mẻ và hiền lành, ở đấy bà chàng lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi để yêu mến chàng”
Hoặc như.
“Nghe tiếng bà đi vào, Thanh vừa nằm yên giả vờ ngủ. Bà lại gần săn sóc buông màn . . . . Chàng cảm động gần ứa nước mắt. Bà yêu thương cháu quá, giờ chỉ có mình cháu với mình bà”
Chàng về quê cũng như để tìm lại tình cảm ngây thơ, trong trắng với cô em hàng xóm mà chàng đôi lúc tưởng như em ruột mình.
“Thỉnh thoảng chàng nhìn đôi môi thắm của Nga, hai má hồng và nụ cười tươi nở, nàng lại nhìn Thanh, một chút thôi, nhưng biết bao âu yếm.
Ngoài vườn, trời vẫn nắng. Giàn thiên lý pha xanh một bên tá áo trắng của Nga. Những búp hoa lý non và thơm rủ liền trong giàn, lẫn vào đám lá. Gạch mát và phủ rêu khiến Thanh nhớ lại hai bàn chân xinh xắn của Nga ngày nào đi trên đó. Hai bàn chân nhỏ, lấm tấm cát, để dấu tự ngoài ao trở về”
Khác với không khí lãng mạn trong các tác phẩm của Nhất Linh, Khái Hưng. Tình yêu của Thạch Lam ở đây thanh cao, chân thực và thơm tho như mùi hoa hoàng lan thoang thoảng đâu đây, nó vừa là tình yêu, tình hàng xóm, tình anh em và tình người.
“Bữa ăn xong, Thanh với Nga trở lại thân mật như khi còn nhỏ. Thanh dắt nàng đi xem vườn; cây hoàng lan cao vút, cành lá rủ xuống như chào đón hai người. Có lúc gần nhau, Thanh thấy mái tóc Nga thoang thoảng hương thơm như có giắt hoàng lan. Nhưng hoa lan chưa rụng, vẫn còn tươi xanh ở trên cành. Nga bảo Thanh.
- Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá.
Thanh chẳng biết nói gì, chàng vít một cành lan xuống giữ ở trong tay Nga để tìm hoa, rồi nhẹ nhàng buông ra cho cành lại cong lên. Nắng soi vào hai người, nhưng dưới chân, đất vẫn mát như xưa”
Dưới Bóng Hoàng Lan không phải một mối tình lãng mạn tha thiết, nhưng một tình yêu ngây thơ, trong trắng, chất phác, hồn nhiên trong cảnh thanh cao, thơm ngát của thôn quê khiến ta mơ mơ màng màng như lạc vào cõi thần tiên.
“Ðêm ấy, một bà, một cháu với một cô láng giềng chuyện trò dưới bóng đèn mãi tới khuya. Khi trăng lên, qua vườn Thanh tiễn Nga ra đến cổng, đi qua hai bên bờ lá đã ướt sương. Mùi hoàng lan thoang thoảng bay trong gió mát. Không lưỡng lự, Thanh cầm lấy tay Nga để yên trong tay mình. Nga cũng đứng yên lặng. Lúc lâu Nga rút tay khẽ nói .
- Thôi em về!”
Căn nhà miền quê, thơm tho xinh đẹp tràn trề tình cảm là nơi Thanh trở về nghỉ ngơi sau thời gian làm việc để hưởng những ngày tươi đẹp.
Dưới Bóng Hoàng Lan, đoản thiên thanh tao và trang nhã nhất của Tự lực Văn Ðoàn, của nền văn chương Việt Nam.
Tác giả Nhà Văn Hiện Ðại đã dành cho tập truyện ngắn Sợi Tóc một địa vị rất cao trong văn chương Việt Nam, và cho tới nay chúng thấy hình như ít có tác phẩm nào sánh kịp. Các đề tài khác biệt nhau: xã hội, bi kịch, tình cảm y như đóa hoa ngũ sắc rực rỡ đã thể hiện cái thiên tài hiếm có của Thạch Lam, từ thanh cao cho đến ô trọc đều đã được ông diễn đạt một cách phong phú, sâu sắc. Nghệ thuật Thạch Lam mang nhiều ý nghĩa thâm sâu và sáng sủa, có lúc thật dễ thương, ngọt ngào tràn đầy tình cảm dạt dào, có lúc thật phũ phàng tàn nhẫn.
Trích từ
“Sợi Tóc – Những đoản thiên cuối cùng của Thạch Lam” của Trọng Ðạt
http://quocgiahanhchanh.com/
o0o
Hành Trình Cảm Giác
Nếu Thạch Lam là họạ sĩ,
Nếu Thạch Lam là nhạc sĩ,
Nếu Thạch Lam là nhà thơ,
Thật ra Thạch Lam có thể là cả ba, bởi nhà văn ấy ngắt câu bằng màu, chấm câu bằng nốt nhạc, chuyển đoạn bằng hình ảnh. Thử ngắm và nghe bức tranh Thạch Lam vẽ Nắng trong vườn, một bức tranh rất tầm thường, nhìn qua ta có cảm tưởng như ai cũng có thể viết được:
“… tôi thong thả theo con sông Cống, chạy khuất khúc lên giữa các đồi. Một cái cầu gỗ mong manh bắc qua sông. Hai rặng thông từ trên đỉnh đồi chạy xuôi xuống tận gần bờ, giữa luồng gió thoảng và cái tiếng rì rào như nhớ nhung của lá thông trái gió nhắc tôi nghĩ đến những cảnh rộng rãi, bao la.
Buổi chiều rất êm ả. Về phía tây, mây trời rực rỡ những màu sáng lạn và ánh nắng chiều loáng một khúc sông, trông như một giải vàng nổi lên giữa đồi ruộng đã bắt đầu tím lại. Một đàn chim đi ăn về vút bay qua ngang đầu, tiếng cánh vỗ rào rào như trận mưa; tôi ngửng lên nhìn theo đến khi cái vết đen linh động của đàn chim lặn hẳn với chân mây.” (Nắng trong vườn, in lại tại Hoa Kỳ, trang 8)
Ngòi bút vờn phác một dòng sông, có cầu gỗ bắc ngang, chấm phá thêm hai rặng thông từ trên đỉnh đồi chạy xuống, rồi điệu nhạc thầm nổi lên với âm chìm của tiếng thông “trái gió”, tiếng nắng chiều “loáng” trên sông, họa cùng âm nổi trong tiếng chim vỗ cánh “rào rào” như mưa, tiếng chim “lặn” vào chân mây… tất cả nhịp nhàng giao hoà trong thanh lặng, như thể cây cọ vẽ đến đâu, nhạc đệm len lỏi đến đấy, nhạc thoát ra từ thanh âm thầm kín của những con sông chạy khuất khúc, những cây thông chạy từ đỉnh đồi xuống bờ sông, những lá thông trái gió/ nắng chiều loáng/ đồi ruộng tím lại/ đàn chim vụt bay/ cánh vỗ rào rào như mưa, cho đến lúc vết đen của đàn chim lặn hẳn… nhạc cũng chìm vào chân mây.
Vậy mà dường như Thạch Lam không làm văn cũng không tả cảnh, ông chỉ đơn thuần ghi lại hành trình cảm giác. Ðối với ông, những ngõ dẫn con người ra khỏi trạng thái bình thường, tầm thường, để đến với những gì khác thường, có thể thay đổi toàn diện mạch sống, đôi khi phát xuất từ những cơ nguyên rất nhỏ như một tia nắng, vài cụm mây, mấy giọt sương, đôi mắt ngây thơ của đứa trẻ, tia lửa hồng trong lò sưởi… vô vàn hạt châu vây quanh quanh chúng ta, nhưng chúng ta không thấy, chúng ta vô tình dẫm lên, quay lưng lại. Thạch Lam lặng lẽ nhặt lên “từng hột sáng” ấy, dẫn chúng ta trở về lối cũ, dưới gốc hoàng lan, hưởng lại những mùi xưa, mùi tuổi thơ, mùi quê hương đã tàn phai trong trí nhớ truân chuyên phủ nhiều bụi bặm chua chát của trưởng thành. Nhà văn bảo chúng ta thử “ngửi cái mùi cát, mùi đất, lẫn mùi khói rác người ta đốt ở đầu làng buổi chiều, theo gió với sương mà tràn vào trong phố.” rồi Thạch Lam mách chúng ta nghe “tiếng tích tắc đều đều kêu se sẽ cái sống ban đêm của giây cót thép”, cho ta biết “nước giữ cái mát của đêm trên mặt, và cây hồng giữ cái mát của đêm trong kẽ lá”, tất cả những thứ đó tạm gọi là những “thủ pháp” sống, tiếng Pháp có chữ “truc”, láu hơn; và những nhân vật của Thạch Lam đầy những “truc” nhỏ như thế, Bính (trong Buổi sớm) cảm thấy “cái yên” và cái mát” gặp nhau trong giác quan “thứ sáu” của mình: “yên tĩnh và mát quá, một cái yên tĩnh mát hay một cái mát yên tĩnh chàng cũng không biết nữa” (trang 116), Bính còn nhận ra cả “cái chấm đỏ thắm như màu mệt của một ngọn đèn lục lộ treo giữa lối, lặng chiếu từ đầu xa” (trang 116).
Phải thính và tinh lắm mới nhìn được những màu sắc như thế, nghe được những tiếng động như thế, hoặc bắt gặp được “đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần” như thế (trang 102).
Với giác quan “thứ sáu”, Thạch Lam hay “chú sáu” có khả năng làm cho cái tĩnh trở thành cái động, cái động trở thành cái tĩnh, đôi khi cả tĩnh lẫn động cùng lên tiếng một lúc trong cõi giác vô âm: giác quan bí mật của nhà văn cộng hưởng với óc tưởng tượng của chúng ta; và để tạo nhạc, nhà văn không cần đến những tiếng động có sẵn, ồn ào bên ngoài.
Âm thanh, màu sắc, hương thơm, thoảng táp vào ngũ quản những bước âm thầm. Thạch Lam đã tìm ra con đường huyền bí nối liền thiên nhiên và con người, những huyền bí ấy đôi khi ta cảm thấy, nhưng không thể nói ra, không thể diễn tả một cách chính xác. Cuộc đi của Thạch Lam bao giờ cũng mở đầu bằng một ngẫu nhiên hết sức tầm thường:
“Gần hết mùa hè … Tôi không rời bỏ Hà Nội một cách đột nhiên. Buổi sớm kia, khi trở dậy trong căn phòng nhà trọ, tôi thấy ánh nắng rực rỡ xuyên qua các khe lá đến nhẩy múa trên mặt tường.
Trời trong và gió mát quá, khiến tôi chợt nhớ đến cánh đồi, ruộng ở chỗ ông Ba ở mà đã lâu năm tôi chưa về thăm.” (Nắng Trong Vườn, trang 7).
Ðó là lối kết hợp ngẫu nhiên và thiên nhiên, một bí quyết nghệ thuật thường thấy trong tác phẩm của Thạch Lam: Hôm nay trời nắng, nẩy ra ý đi chơi, từ đó sinh ra bao “sự” khác: gặp lá, gặp hoa, gặp người… Hôm nay trời mưa, giở quyển sách cũ ra đọc, lạc lối đến một chỗ khác, vào những quanh co rắm rối khác của tư tưởng…
Bên kia sông, quê tác giả, qua con cầu gỗ, có một chốn bí mật gọi là bến Sen, cậu sáu hồi đó muốn sang khám phá lắm nhưng chưa dám. Tình cờ có anh bạn ở bên Sen xin vào học cùng trường. Thế là có dịp sang chơi bên Sen, gặp và yêu chị Thúy… Bà Cả (trong Ðứa con) là một người đàn bà không có con, keo kiệt và đanh ác. Bỗng một hôm được bế một đứa bé kháu khỉnh, lòng dịu đi, bà thay đổi thái độ, trở nên rộng rãi gần như nhân từ… Chỉ cần một chút than hồng, khơi thêm ngọn lửa trong lò sưởi, Vân (trong Bóng người xưa) đã thấy hiện lên hình ảnh một người vợ khác – người đàn bà trẻ chàng đã yêu ngày xưa – khác hẳn người vợ già mà chàng luôn luôn dày vò và hành hạ bây giờ. Ðổi hẳn cách sử xự với vợ, từ lãnh đạm tàn ác chàng trở lại với âu yếm săn sóc… Chỉ cần một hôm dậy sớm, tiếp nhận “cái yên tĩnh mát” của buổi sáng và “một thứ ánh sáng lạnh và biêng biếc như thiếc mới” là Bính thấy “máu bắt đầu chẩy mạnh như xô nhau đi đón khí trời trong” và chàng đã tìm lại được “buổi sáng” mà từ lâu, sống đời trác táng giang hồ, chàng đã “quên không biết buổi sáng thế nào”…
Thạch Lam khác với những người cùng thời, kể cả các anh. Trong khi mọi người thi nhau viết tiểu thuyết luận đề, hoặc hiện thực xã hội, với những mục đích chính xác: lên án xã hội hoặc cổ vũ quần chúng theo con đường mới. Thạch Lam cũng muốn “tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác” đấy, như ông viết trong “Lời nói đầu” tập Gió đầu mùa, nhưng Thạch Lam không cải thiện, giáo huấn mà ông nhờ thiên nhiên, nhờ tình cờ nói hộ để gián tiếp “gơị ý” cho ta biết chỉ một “sự” cỏn con như vậy cũng có thể thay đổi định mệnh con người; ta có thể sống cao hơn, nhân ái hơn, tại sao không nghĩ ra? Và tất cả chỉ chênh vênh trên một “sợi tóc”, ai cũng có thể “làm nên” hay “làm xuống” những truyện tầy đình. Từ chối chỉ đạo mà chỉ gợi ý, Thạch Lam đã làm công việc của một nhà thơ trong văn và ông coi ngẫu nhiên như một tất yếu của cuộc sống…
Trích từ
“Thạch Lam” của Thụy Khuê
http://thuykhue.free.fr/
o0o
Tư Tưởng Nghệ Thuật của Thạch Lam
Hoàng Thiệu Khang
Mọi cái rồi sẽ trôi đi, riêng sự thật còn lại “Qua bao biến thiên lịch sử, qua bao chính kiến nghệ thuật tả hữu… dọc con đường từ 45, văn chương và tư tưởng về văn chương của Thạch Lam vẫn là một trong những giá trị còn lại”.
1 – Văn chương của Thạch Lam là những trang đẹp. Cho đến nay, nó càng làm lôi cuốn tâm hồn những con người đương đại, những con người đã trải qua hai cuộc chiến có máu và lửa thảm khốc. Thoát ra khỏi không gian và thời gian “Vầng trăng và quầng lửa”, con người hôm nay tìm về Thạch Lam như nhu cầu tìm về một cõi hiền hoà, yên tĩnh, dịu dàng…; về một cõi mình có thể lắng nghe mình – về thời gian của “Gió đầu mùa”, không gian của “Nắng trong vườn”, hương vị của “Hà nội 36 phố phường”…
2 – Văn chương của Thạch Lam là những trang hiện thực thoáng qua, những dấu ấn còn lại trong cảm nhận của ta sau một cơn gió nhẹ… dấu ấn trong miên man. Đó là chủ nghĩa hiện thực không tả thực, một chủ nghĩa hiện thực mỹ thuật (réolisme pitoresque). Ở đây không có rùng rợn và bão tố, không có sần sùi, gồ ghề kịch tính… Tất cả chỉ là đẹp và tinh tế; những “Dưới bóng hoàng lan, Đứa con đầu lòng”… đi nhẹ vào tâm thức ta.
3 – Cũng có khi văn chương của Thạch Lam đưa mỗi chúng ta vào một tự vấn về nhân cách, nhân phẩm, lương tâm, danh dự… nghĩa là những tự vấn ở vùng đạo lý, đạo đức tiên thiên; những “Sợi tóc, Đứa con trở về “… mang hình câu hỏi tra vấn nhẹ nhàng.
4 – Từ thẩm mỹ cho đến tư tưởng, văn chương Thạch Lam xu hướng vế cái đẹp của chất người, và chúng ta hiểu, vì sao Thạch Lam để lại nhiều giá trị hơn cả so với những giá trị khác trong Tự lực văn đoàn. Thạch Lam cảm hứng trên hằng số của tinh thần, cho nên văn chương của ông cũng trở thành một hằng số giá trị trong văn học Việt Nam.
Thời văn học Việt Nam những thập kỷ 30 – 40, các tư tưởng về nghệ thuật, dẫu đứng phía nào, ở nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh, ở chủ nghĩa hiện thực hay chủ nghĩa lãng mạn… cũng đều ở trình độ giản đơn, nếu không nói là thô sơ. Các nhà tư tưởng nghệ thuật thưở ấy mang cấu trúc tư duy tam đoạn luận. Chưa thấy có sự xác lập nhiều tiền đề trong mạch lý giải, biện luận. Do vậy, tính biện chứng bị vắng bóng. Họ chưa thấy được nghệ thuật và văn chương là những hoạt động nhiều chiều và có khi là chúng ngược nhau, đan dệt ngang dọc. Họ tuyệt đối hoá một tiền đề để đi tới một hợp đề duy nhất. Cho nên các cuộc tranh luận như là rơi vào tình trạng bất đồng ngôn ngữ, không có giao lưu, thắng bại.
Trong bối cảnh và tình cảnh tư tưởng ấy, Thạch Lam xuất hiện trong một tư tưởng về sứ mệnh của văn chương (nghệ thuật). Thạch Lam đang đặt văn chương đối diện với một sứ mệnh toàn vẹn. Trong lời tựa tập “Gió đầu mùa”, ông viết:
“Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên; trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới đầy giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn… ” So với thời đại của mình, tư tưởng nghệ thuật này tỏ ra hiểu văn chương hơn cả.
Có thể tìm thấy trong những lời phát biểu ấy những nội dung như sau:
1 – Thạch Lam lắc đầu với loại văn chương đem đến cho người đọc thái độ thoát ly, quên lãng thực trạng cuôc sống.
Thạch Lam đang sống và làm việc với những người bạn chí thân trong Tự lực văn đòan, những Thế Lữ (Tôi chỉ là người bộ hành phiêu lãng, Đường trần gian xuôi ngược thú vui chơi..), những Xuân Diệu (Tôi là con chim, đến từ núi lạ, ngửa cổ hót chơi…), thế mà ông vẫn cứ lắc đầu!
Phải công bằng – một công bằng mang tính lịch sử, mà nói rằng, văn chương thời ấy có một loại (mà chúng ta hay mệnh danh là văn học lãng mạn), bên cạnh những tư tưởng nghệ thuật rất quý giá, vẫn đã rơi vào cái hạn chế mà Thạch Lam vừa đề cập tới (đem đến cho người đọc sự thoát ly, sự quên).
Trong một cảm nhận thú vị và khâm phục Thơ Mới, chính nhà phê bình Hoài Thanh (trước 45) đã viết:
“Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử – Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ… ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận… “
(Thi nhân Việt Nam)
Thoát ly và quên lãng, xét đến cùng, cũng là một thái độ phản kháng thực tại. Nhưng nó không nhập cuộc. Thạch Lam muốn có một cái thế nhập cuộc của văn chương.
2 – Văn chương với Thạch Lam phải là một thứ khí giới. Con người sinh ra văn chương, mong muốn nó trờ thành một công cụ chiến đấu cho hạnh phúc của con người. Đó là một sứ mệnh xét từ góc độ sinh thành chủng loại văn chương – nghệ thuật. Đó là quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh. Nhưng khi văn chương phát triển thì cũng phải nhìn nó từ góc độ sinh thành cá thể. Từ góc độ này, có thể chấp nhận thái độ nghệ thuật vị nghệ thuật. Bình diện nhân sinh nằm nơi sâu của tiềm tàng, bình diện nghệ thuật sẽ bay lên như một cõi riêng từ cái nền tiềm tàng đó.
Muốn vị nhân sinh hay vị nghệ thuật thì nghệ thuật vẫn là tiếng nói của trái tim con người, vẫn là cuộc giao lưu giữa trái tim và những trái tim. Tự nó, văn chương đã mang cái véc – tơ hướng vào con người, vào cuộc đời.
Văn chương, với Thạch Lam, là một thứ khí giới. Nhưng nó không mang tính vật chất thô thiển, nó là thứ khí giới thanh cao. Nó đến với nơi thanh cao của tinh thần con người.
Viết đến đây, tôi tự nhiên liên tưởng tới thơ Sóng Hồng:
Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ
Mỗi vần thơ – bom đạn phá cường quyền…
3 – Sứ mệnh đầu tiên của văn chương, theo Thạch Lam, là tố cáo và thay đổi cái thế giới giả dối và tàn ác.
Văn chương có thể nào khác như thế được khi con người đang bị chìm trôi trong bao bi kịch bởi sự tàn ác và giả dối. Đưa sự mệnh tố cáo lên hàng đầu, Thạch Lam muốn văn chương phải mang được một chủ nghĩa nhân đạo hiện thực (Nhà Mẹ Lê)
Nhưng khi ngôi nhà của cơ chế cũ đã nát vụn dưới buá tạ của văn chương phê phán, khi thói tàn bạo và giả dối đã bị phơi ra dưới ánh nắng mặt trời… thì văn chương cũng phải cảm nhận được một mạch sống đang chảy về đâu. Văn chương phải góp phần cho cuôc thay đổi. Sinh thành cá thể phải nằm trong sinh thành chủng loại của nó.
4 – Sứ mệnh đích thực của thứ khí giới thanh cao này là làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn.
Văn chương tắm gội tâm hồn con người. Sống trong những điều kiện hiện thực, con người vướng nhiều bụi bặm. Bên những tinh chất, con người cũng mang những tạp chất. Con người dễ rơi vào tiền tài, danh vọng… rơi vào chốn phù du… Văn chương có tác dụng “thanh lọc” (Katharsis – chữ dùng của Pythagore) tinh thần con người.
Lại nữa, tưởng tượng nếu không có văn chương – nghệ thuật thì tâm hồn con người sẽ nghèo đi biết bao nhiêu. Văn chương là một trường thể nghiệm những rung động thẩm mỹ mãnh liệt và sâu lắng. Nó đến với hồn ta. Nó nhân đôi mỗi trái tim chúng ta.
Tôi đã vẽ chân dung Thạch Lam với những nét đơn sơ nhưng đầy lòng cảm mến.
Trích từ
http://vanhoc.xitrum.net/