ROBERT OLEN BUTLER TRUYỆN NGẮN: TẾT TRUNG THU-THIÊN NHẤT PHƯƠNG CHUYỂN NGỮ TRONG HƯƠNG THƠM TỪ NÚI LẠ- NGƯỜI VIỆT TÂY BẮC-XUẤT BẢN (1995)

Tết Trung Thu 

Robert Olen Butler

Thiên Nhất Phương chuyển ngữ

LTS: Nhân dịp đánh dấu Mùa Tưởng Niệm Tháng Tư. Người Việt Tây Bắc gửi đến bạn đọc một truyện ngắn của tác giả Robert Olen Butler, ông được xem là một trong hai nhà văn (*)  yêu mến Việt Nam và viết về đề tài Việt Nam cùng được đoạt giải Pulitzer (1993) qua tác phẩm “A Good Scent from A Strange Mountain”. Xin được minh xác truyện ngắn không chỉ dành cho mùa Trung Thu, mà hơn nữa lại thích hợp hơn cho sự hoài niệm về một biến cố mất mát, tưởng nhớ những người chiến sĩ VNCH đã bỏ mình trong cuộc chiến trước 1975. Cuốn sách do Thiên Nhất Phương chuyển ngữ và Người Việt Tây Bắc- Seattle ấn hành vào khoảng 1994-1995, ở vào thời báo chí Việt ngữ, nhiều nơi vẫn còn đánh dấu chữ Việt bằng tay. 

Ấn bản này (1995) đưọc Người Việt Tây Bắc trình bầy bằng máy điện toán Varytyper, được xem như phát minh tân tiến của chữ Việt ngữ thời ấy..

Qua Truyện ngắn này, mang tên “Tết Trung Thu”, như lòng tri ân một nhà văn Hoa Kỳ (Butler) dành cho người Việt tấm lòng gắn bó, qua hầu hết các tác phẩm viết về người Việt với biết bao dòng chữ thấu hiểu chân thành và trân trọng .

NVTB

Mẹ con ta được cái may mắn là người Việt Nam, cho nên mẹ mới có thể nói chuyện với con trước khi con mở mắt chào đời. Là người Việt Nam, mẹ muốn dùng ngôn ngữ Việt để tâm sự với con. Theo phong tục Việt Nam thì người mẹ bắt đầu nói chuyện với con khi nó còn ở trong bụng mẹ để chỉ dẫn cho nó những sự việc ngoài đời mà chẳng bao lâu nó sẽ bước vào.

Đó không phải là phong tục Hoa Kỳ, vì thế có lẽ con cũng không thể nào hiểu được tiếng Anh nếu mẹ xử dụng ngôn ngữ đó. Vả lại mẹ cũng đâu có nói tiếng Anh thông thạo mà có thể tâm tình với con. Trước hết con phải lắng nghe tiếng nói từ trái tim của mẹ.

Thật ra thì ngôn ngữ không phải là chuyện quan trọng. Mẹ không biết con có thể hiểu được hết những tiếng không không phải trong ngôn ngữ của mình không, mẹ muốn nói đến những tiếng trong Anh ngữ bồng bềnh quanh ta như bụi phấn hoa mùa Xuân thường làm cho mẹ hắt hơi, và cho cỏ cây đơm hoa kết trái.

Mẹ nhớ theo tục lệ của ta thì đây là một cuộc nói chuyện riêng tư trong đó chỉ có tiếng nói của mẹ là con nghe thấy, nhưng mẹ cũng không được chắc là như vậy. Bà ngoại con đã qua đời. Mẹ biết dù Ngoại có còn sống thì bà cũng không thể nào trả lời được câu hỏi này một cách thỏa đáng. Ngoại đã nói chuyện với mẹ khi mẹ còn nằm trong bụng Ngoại, trong lúc mẹ mơ hay tỉnh mẹ cũng chẳng nhớ. Mẹ có cảm tưởng rằng trong lúc mơ màng tiếng nói của Ngoại đã rớt xuống biển khơi, bơi mau về phía mẹ trong khi mẹ đang chờ đợi dưới đáy những ngọn sóng.

Bé của mẹ ơi, trong khi con chuyển động trong bụng mẹ, cố bơi cao ngoi lên để tìm mẹ thì mẹ đang nhìn hai chậu cây bằng gỗ xồi mà mẹ đã trồng đầy hoa đỏ, loại hoa dâm bụt. Loại này vô hương, nhưng rất hữu sắc; đôi khi những con chim hút mật bay đến với cặp cánh gần như vô hình btrong tấm thân bé nhỏ láng mướt vừa mới phóng từ biển khơi lên.

Mẹ cũng đang nhìn hàng dậu gỗ trắng, một mầu trắng toát không một vết rêu mốc, mặc dù tại Louisiana thời tiết luôn luôn nóng và rất ẩm ướt. Có những lúc như lúc này đây, mẹ nhìn qua phía bên kia sân, bên trên những những hàng cây, để thấy bầu trời. Bầu trời ở đây cũng giống như bầu trời Việt Nam nhiều khi giăng đầy những cụm mây nhỏ, tĩnh lặng  như những bông hoa bềnh bồng trong chiếc bát đặt giữa bàn tiệc Tân Niên.

Có những lúc bầu trời đầy đặc những đám mây đen hùng vĩ, trông tựa những tráng sĩ Trung Hoa đang gồng vai, phùng má đón trận bão mùa hè sắp đến. Một ngày nào đó con sẽ nhào ra giữa cơn mưa bão, cười đùa như tất cả các trẻ em Việt Nam khác.

Tuần trước mẹ được nhìn thấy con lần đầu tiên. Ông bác sĩ xoa một chất keo trên bụng mẹ. Keo gì mà lạnh làm sao đâu, lạnh hơn cả nắm tuyết mà mẹ đã có lần để tan trong lòng bàn tay. Ông ấy rà chiếc máy vi âm quanh bụng mẹ, rồi mẹ nhìn thấy hình dạng của con mà thôi. Mẹ có thể nhìn thấu qua thân con. Mẹ nhìn thấy xương sống con, và mẹ thấy cả tim con đang đập. Những hình ảnh đó nhắc nhở mẹ về trách nhiệm đối với con. Và niềm vui đã đến với mẹ. Vị bác sĩ bảo mẹ: con sẽ là con gái.

Mẹ mong con hiểu rằng mẹ rất thương yêu con, dù con là gái. Bà ngoại con đâu có biết rằng mẹ sẽ là trai hay gái khi bà nói chuyện với mẹ. Cũng như nhiều bà mẹ Việt Nam khác, bà ngoại chắc hẳn đã thất vọng khi biết rằng mẹ là con gái; khi bà bế mẹ lên lần đầu tiên, bà đã chia sẻ cái nhìn rầu rĩ của ông ngoại khi thấy mẹ không phải là con trai. Đây chỉ là một phong tục ở Việt Nam. Mẹ biết rằng những lời lẽ mà bà ngoại nói với mẹ khi mẹ nằm trong bụng bà là những lời lẽ dành cho con trai; bà ngoại hy vọng mẹ sẽ là con trai, sẽ không bao giờ đem đến điều xui xẻo cho gia đình, bằng cách hành xử như chính mẹ sẽ là con trai.

Bé ơi, đối với mẹ, mẹ rất mừng vì con là con gái. Rồi đây con sẽ hiểu mẹ nhiều hơn.

Hôn nhân ở Việt Nam là cả một tục lệ lạ lùng và kỳ diệu. Người ta tin rằng có một vị thần hôn nhân nhân, gọi là Ông Tơ Hồng. Thật ra ngài không hẳn là một vị thần như những vị thần thánh khác. Mẹ có thể nói như vậy, vì mẹ đã lập gia đình nhưng nếu mẹ còn độc thân và lại được sống ở ngôi làng nơi mẹ đã trưởng thành ở Việt Nam, mẹ nhất định sẽ gọi ông ta là ông thần và sẽ làm điều tốt để được ban phước. Người ta dựng một bàn thờ đặc biệt với đầy đủ đèn nhang để cúng Tơ Hồng. Hôm lễ Tân Hôn, gia trưởng bên nhà trai cử hành nghi lễ, mọi người cúi đầu trước bàn thờ khấn vái, và một lá sớ cầu xin thần phù trợ được viết trên giấy lụa điều và được đọc lớn cho mọi người nghe.

Một chén rượu được rót đầy và vị chủ hôn nhà trai nhấp một ngụm truyền tay cho chú rể; chú rể nhấp một một ngụm rồi đưa cho cô dâu. Cô dâu bắt buộc phải uống và người ta bảo mẹ rằng đó là một thức uống tuyệt vời mà cô dâu chưa từng bao giờ được thưởng thức. Mẹ không biết ai đã kể cho mẹ chuyện này.  Có lẽ bà ngoại của con. Có lẽ mẹ hiểu biết từ khi đang còn trong bụng bà. Rồi sau khi tân giai nhân đã uống chút rượu mà phái nam nhấp, người ta đem đốt tấm giấy lụa hồng. Ngọn lửa bốc lên mầu hồng nhạt, và những sợi tơ hồng vươn lên trong lửa nóng trước khi tan biến.

Bé của mẹ ơi, thuở đó mẹ còn rất trẻ. Mẹ mới mười sáu tuổi, rất xinh đẹp và mẹ gặp Bạo khi chàng mười bẩy tuổi. Thời gian tuyệt diệu nhất trong năm để những đôi tình nhân có dịp gặp gỡ nhau là dịp lễ Trung Thu. Mẹ gặp chàng lúc buổi sáng trong khi mẹ đang từ lối mòn ở bể nước đi lên. Bà tay, mặt và cánh tay mẹ cho tới tận vai đều trơn và lạnh vì vừa nhúng vào bể nước. Bể chứa nước uống cho cả xóm, nhưng không có ai trông coi và mẹ biết là mẹ sạch sẽ vì mẹ đã tắm hồi sáng ở ngoài sông. Nước trong bể phẳng lặng và mát đến nỗi mẹ cầm lòng không được bèn vục cả tay, rồi luôn cả mặt vào bể nước. Khi mẹ nhô lên thì mặt  trời vốn gay gắt từ buổi sáng bỗng nhiên trở thành thân thiết, nhè nhẹ ve vuốt làn da mẹ, khiến mẹ cảm thấy vô cùng thanh thản.

Mẹ múc đầy lu nước cho gia đình và bắt đầu leo dốc đi lên thì gặp chàng thanh niên cao lớn này đang huỳnh huỵch bước xuống lối mòn; ý nghĩ đầu tiên của mẹ là chắc anh chàng này ra bắt mẹ trừng phạt vì mẹ đã dúng tay vào bể nước mà cả xóm dùng để uống. Mẹ nhìn mặt chàng, đôi mắt đen láy của chàng cũng đăm đăm nhìn mẹ mọt cách tha thiết đến nỗi suýt nữa thì đánh rơi lu nước. Thoạt đầu mẹ nghĩ là mẹ sợ hãi, nhưng về sau thì mẹ mới biết đó không phải là niềm sợ hãi.

Chàng lao về phía trước, đỡ lu nước cho mẹ, nước trong lu văng lên mặt, lên ngực chàng, khiến chàng cất tiếng cười. Khi chàng cười, mẹ tự cảm thấy yếu đuối hẳn đi. Rồi chàng phải đặt lu nước lên vai, quay lại, và sóng vai với mẹ leo dốc về nhà. Mẹ và chàng không nói nhiều. Cả hai cứ âm thầm nhớ lại lúc lu nước sắp rơi, và cảnh nước tung toé thì đều cười. Cả hai nhìn trộm nhau trong khi sánh bước.

Thỉnh thoảng mẹ đưa mắt nhìn, thì cũng đồng thời là lúc chàng đang chăm chú nhìn mẹ, thế là cả hai lại cười khúc khích. Sau cùng mẹ cảm thấy đôi chân nặng nề khi bước gần tới nhà. Mẹ cho chàng hay bây giờ là lúc chia tay, và trong khi chàng thả hạ lu nước từ trên vai xuống để đưa cho mẹ, chàng cho mẹ biết tên chàng là Bạo. Chàng ở một thôn khác, nhưng hiện nay đang trú ngụ ở đây tại nhà người anh em họ. Chàng hỏi mẹ tối nay có ăn mừng lễ Trung Thu không thì mẹ trả lời là có.

Tết Trung Thu là để mừng trăng, bé ạ. Buổi lễ được tổ chức vào ngày rầm tháng Tám âm lịch, khi mặt trăng sáng tỏ nhất trong năm. Người Trung Hoa đã truyền lễ này cho chúng ta, vì một trong những vị hoàng đế thuở xưa của họ rất ham chuộng thơ phú và sáng tác nhiều bài thơ. Cũng như tất cả các thi sĩ khác với nguồn thơ lai láng trước cảnh trăng tròn, hoàng đế ước ao được du nguyệt điện.

Đến ngày rầm tháng Tám, niềm khát khao càng trở nên thôi thúc, hoàng đế bèn hạ lệnh cho pháp sư tìm cho được lối lên cung Quảng. Vị pháp sư làm việc hết mình. niệm thần chú, nhang đèn, khấn vái và cuối cùng, trong một tia chớp chói lòa, ông đã ngã gục xuống đất. Ngay lúc đó trong sân lâu đài xuất hiện một chân cầu vồng vĩ đại uốn cong trên nền trời đêm, dẫn thẳng tới mặt trăng.

Hoàng đế leo lên tuấn mã, lưng đeo túi thơ, thúc ngựa đi trên giải cầu vồng rồi phi nước đại lên thẳng cung Hằng. Tới đây, ngài khám phá ra một hòn đảo xinh tươi nằm giữa một biển đen bao la. Đặt chân lên đảo, ngài xuống ngựa, các tiên nữ vây quanh kiệu ngài lên trong điệu vũ tiếng thơ. Thế là ngài cũng ngâm vịnh thơ do chính ngài sáng tác, say mê trong thời gian tuyệt diệu nhất của đời ngài. Ngài được các nàng tiên kiệu trên vai, khiến ngài có cảm tưởng như ngài thuộc về chính nơi này.

 Thật vậy thâm tâm của ngài phải thuộc nơi này mới đúng, một nơi đầy kỳ thú. Nhưng ngài không thể nán lại được. Thần dân cần có ngài, Còn có một thế giới khác mà ngài phải đương đầu. Bởi vậy, trong lòng nuối tiếc, ngài leo lên yên, thúc ngựa trở lại lâu đài.

Sáng hôm sau, cầu vồng biến mất. Hoàng đế đã thu xếp mọi chuyện cần phải làm để lo cho dân, và một đêm kia, ngài nghĩ là đến lúc ngài xứng đáng được nghỉ ngơi và có thể trở lại cung trăng ít nhất là cho đến sáng hôm sau. Nhưng pháp sư khi được triệu đến, đã buồn rầu giải thích là không có cách gì để trở lại cung trăng. Một khi đã xuống khỏi cầu vồng là vô phương trở lại. Hoàng đế rất buồn, ngài ra chỉ dụ tuyên bố là cứ mỗi năm vào đúng ngày rằm tháng Tám âm lịch, để kỷ niệm chuyến nguyệt du, ngài cho phép toàn dân tổ chức một buổi lễ để nhớ tới tiên cảnh mà ngài đã đành bỏ lại trên cung Hằng.

Bé của mẹ ơi, mẹ chắc chắn con sẽ mê thích tất cả các loại đèn được thắp sáng đêm hôm đó. Đèn đủ mọi hình dạng, nào là đèn con rồng, con kỳ lân, đèn ông sao, nào là đèn cái thuyền, đèn con ngựa, con thỏ , con cóc. Mẹ cùng các bạn nhỏ thắp nến trong lồng đèn, buộc vào đầu những cây gậy nhỏ đi rước trong đêm tối; cả làng tràn đầy ánh đèn kỳ diệu, và tiếng sào xạc của những chiếc đèn đong đưa. Mẹ nhìn thấy chàng trai Bạo trong ánh sáng đó với những lồng đèn rộn rịp, với mặt trăng vừa nhô lên khỏi chân trời trông lớn như con voi, với mầu sắc của mặt trời đang lặn chìm trong sương mù. Mẹ thấy chàng ngay ở giữa xóm, nơi mọi người tụ tập để mừng trăng, trong vùng ánh sáng quay cuồng; khi hai luồng nhãn gặp nhau, chàng bỗng làm bộ loạng choạng dưới sức nặng của một lu nước vô tình vác nó lên vai đi vòng vòng. Chàng đang diễn một màn kịch câm tuyệt vời để nhại lại cái lần đầu tiên chàng gặp mẹ. Thế rồi chàng trượt chân, mẹ có thể thấy hầu như lu nước trên vai chàng chao đi, chao đi, rồi rơi xuống vỡ tan; chàng liền nhảy lùi lại để tránh nước đổ tung toé, và cả hai đều cất tiếng cười vang.

Trong hội trăng rầm, trai gái chưa đính hôn có thể trò truyện mà không bị cấm đoán. Mẹ và chàng tiến lại gần nhau; mẹ cảm thấy hơi nóng từ những chiếc đèn lồng chao đảo phả vào mặt mẹ mỗi khi con nít chạy đến gần mẹ. Mẹ và Bạo tiếp tục đi, về phía sân đình vừa đi vừa nói chuyện. Chàng hỏi gia đình mẹ có được bằng an không, mẹ cũng hỏi thăm gia đình chàng; mẹ vui mừng được biết cha của người anh em họ chàng là bạn thân của ông ngoại con. Bạo hỏi thăm xem lu nước có được an toàn không, mẹ cũng hỏi vai chàng còn đau không sau lần vác lu nước. Dần dà cả hai tìm đường vào bóng tối, xa cảnh hội hoa đăng, rồi lần bước đi xuống bể nước, xa hơn nữa, tới bờ sông.

Việc đó có lẽ đã vượt quá tục lệ của lối xóm, nhưng mẹ và chàng không hề nghĩ tới. Bé ơi, hồi đó mẹ là một cô gái có ý chí vững mạnh và Bạo là một thanh niên đứng đắn. Mẹ nghĩ về chàng như vậy và mẹ đã không sai. Chàng rất tôn trọng mẹ. Mẹ cảm thấy rất an toàn. Cả hai đứng trên bờ sông; một chiếc thuyền tam bản lặng lẽ lướt qua, trên thuyền có treo đèn lồng mầu cam, mầu của mặt trăng lúc chập tối, khi trăng còn gần ở chân trời, lúc chàng diễn tuồng câm cho mẹ coi.

Bây giờ mặt trăng đã lên cao, trông nhỏ hơn và ánh trăng tỏa ra vằng vặc đến nỗi nhìn vào trăng muốn nhức mắt. Thật ra thì cũng chẳng đến nỗi như vậy, nhưng phải nói đó là một vầng trăng đẹp, đẹp hơn bao giờ hết. Mặt trăng hôm đó sáng vô cùng và mẹ thấy nó là một trong số ít bảo vật còn sót lại trên đời. Bạo choàng tay qua lưng mẹ và mẹ để yên. Nỗi vui sướng truyền khắp người mẹ và cho đến bây giờ nó vẫn còn là một niềm vui chan chứa. Cả hai đứa đứng ngửa mặt nhìn  trăng và cố gắng tìm kiếm các tiên nữ giữa biển đen và cố lắng nghe họ ngâm thơ.

Bé của mẹ ơi, Bạo là mối tình đầu của mẹ, cà hai bên gia đình đều thương yêu mẹ và chàng,

nên bằng lòng cho mẹ và chàng kết hôn. Ở Việt Nam, đó là một chuyện hi hữu, khi chuyện thỏa thuận về hôn nhân lại có sự tâm đầu ý hiệp của đôi trẻ.

Con cũng sẽ gặp may mắn.  Được sống tại Mỹ là một điều rất hay. Rất là hay. Mẹ không biết con có cảm thấy nguồn suối lệ quanh mắt mẹ giống như vùng biển của riêng con đang vây quanh con bây giờ không. Nhưng thôi, đừng băn khoăn con ạ. Đó là những giọt lệ sung sướng, những giọt lệ cho con, cho đời sống tương lai của con, một đời sống mà mẹ biết sẽ rất là tươi đẹp.

 Mẹ nhìn ra cổng hàng rào cọc gỗ trắng nhà ta mà cha con sắp đi qua trên đường vào nhà. Mẹ muốn bảo cho con biết rằng: con là một đứa con gái may mắn, dù nước mắt mẹ có đổi thayMẹ và Bạo đã làm lễ đính hôn. Sau đó chàng bị gọi nhập ngũ, chàng ra đi trước khi hôn lễ được cử hành, và chàng đã bị tử trận tại một nơi nào đó ở chốn sơn lâm. Cánh  cổng đang mở, cha con, tức là chồng của mẹ, đang bước vào. Ông là người rất tốt. Ông chăm sóc hàng rào và căn nhà ta đang ở khỏi bị rêu mốc, cứ sáu tháng một lần, ông lại dùng vòi nước kỳ cọ cho sạch. Ông dừng lại chỗ hàng dâm bụt, ông không thấy mẹ đứng cạnh cửa sổ. Mẹ sắp phải ngưng nói chuyện với con. Ông là một người tốt, một quân nhân Hoa Kỳ lúc nào cũng hết lòng thương yêu người vợ Việt Nam. Ông sẽ thấy mẹ ngồi ở cửa sổ và sẽ nhẹ đưa lưng bàn tay thanh và mạnh vuốt má mẹ, rồi ông sẽ sờ bụng mẹ, tưởng tượng là đang vuốt ve con.

Bé của mẹ, con sẽ yêu thương cha con. Kể từ khi mẹ biết rằng con hiểu được lòng mẹ, mẹ không muốn con buồn cho mẹ. Mẹ đã được hưởng đêm của mẹ trên cung trăng; đến khi mẹ bước xuống khỏi cầu vồng, thế giới mà mẹ tìm thấy được cũng vẫn tốt đẹp. Thật là buồn khi đường về mặt trăng không còn lối, nhưng ta vẫn có thể thắp sáng đèn, ngắm nhìn bầu trời đêm để mà hoài niệm.

(*)  Nhà văn thứ hai viết về Việt Nam, đoạt giải Pulitzer 18-4-2016 là nhà văn Thanh Việt Nguyễn qua tác phẩm Sympathizer (Gã Cảm Tình)

(trích trong “Hương Thơm Từ Núi Lạ“)

nguyên tác: “A Good Scent from A Strange Mountain”

tác giả Robert Olen Butler

Người Việt Tây Bắc Xuất Bản (1995)