Lịch sử Tân nhạc Việt Nam
Trần Quang Hải
Phần I
Nhạc Mới hay là Tân Nhạc hay là Nhạc Cải Cách là một loại nhạc xuất hiện vào khoảng năm 1928. Ðó là một thể nhạc lấy nhạc ngữ Tây phương làm nền tảng (thang âm thất cung do-ré-mi-fa-sol-la-si-do, hòa âm phối khí, nhạc khí Tây phương vv…).
Lịch sử tân nhạc Việt Nam có thể chia thành năm giai đoạn:
Giai đoạn tượng hình (1928-1937)
Giai đoạn thành lập (1938-1945)
Giai đoạn kháng Pháp (1946-1954)
Giai đoạn đất nước chia đôi (1954-1975)
Giai đoạn di tản (từ 1975 trở đi)
Giai đoạn tượng hình (1928-1937)
Nói cho đúng thì sự phát xuất đầu tiên của âm nhạc cải cách khởi xướng từ loại nhạc đàn tài tử trong Nam với những nhạc phẩm mới của thầy ký Trần Quang Quờn khoảng trước thế chiến thứ nhứt (1914-1918)
Nghệ sĩ cải lương tiền phong Tư Chơi (tên thật là Huỳnh Thủ Trung) đã sáng tác một số bài hát ta theo điệu tây như “Tiếng nhạn trong sương“, “Hòa duyên“, đồng thời viết bài Việt cho một số bài Tây thịnh hành thời đó như “Marinella” (trong vở tuồng Phũ Phàng). Một số bản nhạc Pháp được dịch ra lời Việt như “Pouet Pouet ” (trong tuồng Tiếng Nói Trái Tim), “Tango mystérieux ” (trong tuồng Ðóa Hoa Rừng), “La Madelon ” (trong tuồng Giọt Lệ Chung Tình), vv..
Nghệ sĩ Bảy Nhiêu có sáng tác bài “Hoài Tình” trở thành một bản rất được ưa chuộng . Năm 1930, đảng cộng sản Ðông Dương được thành lập và bài ca của Ðình Như “Cùng Nhau Ði Hồng Binh” được sáng tác trong tù và đi liền với phong trào kháng Pháp.
Có một số bản nhạc được viết ra trước thế chiến thứ hai như « Bẽ Bàng » (1935), « Nghệ Sĩ Hành Khúc » (1936) của Lê Yên, « Bóng Ai Qua Thềm » (1937)của Văn Chung, « Xuân Năm Xưa »(1936) của Lê Thương , « Biệt Ly » (1939) của Doãn Mẫn, vv…
Vào khoảng năm 1937, phong trào “ái Tino” lên rất cao tại Việt Nam. Trên làn sóng điện, trong rạp hát, tại các vũ trường, nơi tư nhân đâu đâu cũng nghe những âm điệu du dương của nhạc sĩ Vincent Scotto qua giọng hát êm ả của Tino Rossi.
Giai đoạn thành lập (1938-1945)
Phong trào chuyển theo hướng làm thay đổi sở thích của giới trẻ. Trước mối nguy vọng Pháp và trong tinh thần bảo vệ nghệ thuật của dân tộc, một số nhạc sĩ Việt Nam ra tay sáng tác nh”ng bản tân nhạc đầu tiên. Ðó là vào năm 1938. Ở miền Bắc lúc ấy có Thẩm Oánh (định cư tại Hoa kỳ và từ trần năm 1996) , Dương Thiệu Tước (từ trần năm 1998 tại Việt Nam) , Trần Quang Ngọc, Lê Thương (từ trần năm 1996 tại Việt Nam). Trong Nam thì có Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Xuân Khoát, Phạm Ðăng Hinh. Tháng 3, 1938, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên được chánh phủ bảo hộ Pháp gởi ra Hà Nội để thuyết trình về âm nhạc cải cách hầu tạo một phong trào mới.
Vào tháng 9, 1938, báo Ngày Nay đã góp công vào phong trào phổ biến nhạc mới bằng cách đăng những bài tân nhạc đầu tiên. Từ năm 1938 tới 1942 báo Ngày Nay đã đăng “Bông Cúc Vàng“, “Kiếp Hoa” của Nguyễn Văn Tuyên, “Bình Minh”, “Ðàn Xuân “của Nguyễn Xuân Khoát, “Khúc Yêu Ðương” của Thẩm Oánh, “Bản Ðàn Xuân” của Lê Thương, “Ðám Mây Rừng ” của Phạm Ðăng Hinh, “Ðường Trường” của Trần Quang Ngọc.Báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy có đăng bản “Con Thuyền Không Bến ” của Ðặng Thế Phong.
Các nhạc sĩ Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Trần Dư, Vũ Khánh, Phạm Văn Nhượng cùng nhau thành lập nhóm MYOSOTIS. Trong nhóm này có hai xu hướng:
1. sáng tác nhạc mới nhưng có âm hưởng nhạc dân tộc do Thẩm Oánh chủ trương.
2. sáng tác hoàn toàn theo nhạc ngữ Tây phương do Dương Thiệu Tước cầm đầu.
Ít lâu sau, một nhóm khác gồm vài nhạc sĩ trẻ đầy nhiệt quyết thành lập nhóm TRICEA gồm Văn Chung, Lê Yên, Dzoãn Mẫn. Nhóm này chịu ảnh hưởng nhạc Trung Quốc lúc đầu, về sau phảng phất âm hưởng Âu châu và phải rả sớm. Nhóm Ðồng Vọng ở Hải Phòng có các nhạc sĩ Hoàng Quý, Văn Cao, Canh Thân. Nhóm Ðồng Vọng do Hoàng Quý điều khiển ra đời chuyên về nhạc hướng đạo lúc đầu và sau đó tích cực đóng góp trong việc phổ biến nhạc mới.
Lê Thương lúc đó giảng dạy tại trường trung học Lê Lợi. Một số tráng sinh hướng đạo có nh”ng tên đi vào lịch sử âm nhạc Việt Nam như Canh Thân, Phạm Ngữ, Hoàng Quý đã sáng tác những bài nhạc đáng kể như “Nhớ Quê Hương” (Phạm Ngữ), và “Chùa Hương” (Hoàng Quý).
Tỉnh Nam Ðịnh chứng kiến sự chào đơì của hai bài “Ðêm Thu” và “Con Thuyền Không Bến” của nhạc sĩ đoản mệnh Ðặng Thế Phong.
Hai bài nhạc Nhựt “Hà Nhựt Quân Tái Lai ” (Bao giờ anh trở lại ) và “Shina No Yoru ” (Ðêm Trung Hoa) trích trong phim “Ðêm Trung Hoa” (Nuit de Chine) đã gợi hứng cho nhạc sĩ Việt Nam thời bấy giờ sáng tác nhạc Việt, tạo thành phong trào “Người Việt hát nhạc Việt “.
1939: thế chiến thứ hai bùng nổ tại Âu Châu. Nh”ng bài “Việt Nam Bất Diệt” của Hoàng Gia Linh, “Trên Sông Bạch Ðằng” của Hoàng Quý, “Tiếng Gọi Sinh Viên” của Lưu Hữu Phước đã làm sống dậy tinh thần yêu nước của tuổi trẻ.
Tân nhạc trong hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ đã đóng một vai trò đáng kể và từ đó phát triển rất mạnh. Phong trào tân nhạc đã được đưa lên cao tột đỉnh với Tổng Hội Sinh Viên trong giai đoạn lịch sử 1943-1945. Nhạc sĩ đi liền với Tổng Hội Sinh Viên không ai khác hơn là Lưu Hữu Phước. Những bài hát làm ra đúng thời, đúng lúc và vẫn còn sống mãi trong tim đa số người Việt ngày hôm nay (nhứt là những ngươì vào tuổi ngũ tuần trở đi). Những ai đã sống trong thời kháng chiến chống Pháp vẫn còn nhớ những bài gợi lên những giai đoạn lịch sử Việt Nam như “Ải Chi Lăng“, “Bạch Ðằng Giang“, “Hội Nghị Diên Hồng“, hay những bài khích động thanh niên như “Tiếng Gọi Sinh Viên” (đổi thành Tiếng Gọi Thanh Niên, và cũng là bài quốc ca của thơì Ngô Ðình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu). “Lên Ðàng” hay với thiếu nữ như “Thiếu Nữ Việt Nam“, hay những bài gắn liền với lịch sử như “Kinh Cầu Nguyện“, “Hồn Tử Sĩ” (bài mà trong bất cứ chương trình đấu tranh của người Việt di tản vẫn còn dùng để tưởng nhớ các chiến sĩ tử trận) . Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là người đầu tiên sáng tác nhạc ca kịch trong kịch thơ “Tục Lụy” của Khái Hưng và Thế Lữ và tiểu ca kịch “Con Thỏ Ngọc“. Nguyễn Ðình Thi sáng tác bài “Diệt Phát Xít” thúc đẩy dân chúng nổi lên chống Nhựt Bổn.
Lúc bấy giờ ở tại Sài Gòn, chỉ lẻ tẻ vài hội hoạt động về nhạc cải cách. Hội Nam Kỳ Ðức Trí Thể dục mời bà nhạc sĩ dương cầm Louise Nguyễn Văn Tỵ (tên thật là Thái Thị Lang) trình diễn piano với những bài do bà sáng tác. Nhạc sĩ quá cố Võ Ðức Thu trình bày nhạc phẩm “Việt Nam Tân Ðiệu“. Từ Bắc tới Nam, nhạc sĩ tân nhạc bắt đầu mọc lên như nấm.
Trong giai đoạn 1944-1945, nhiều bài bạn tôn giáo như “A Di Ðà Phật” của Thẩm Oánh được hát nhân ngày khánh thành trùng tu chùa quan sứ Hà Nội vào cuối năm 1942 hay bài “Sám Hối” và nhiều ca khúc khác của Nguyễn Hữu Ba và Văn Giảng sáng tác tại Huế. Nhạc đoàn Lê Bão Tịnh gồm các nhạc sĩ Hùng Lân, Hải Linh, Tâm Bảo, Thiên Phụng đã sáng tác tập Cung Thánh gồm hàng trăm bài Thánh ca Thiên chúa giáo (1944-1945).
Giai đoạn 1945-1946 đánh dấu cuộc chiến tranh bùng nổ tại Việt Nam vừa sau trận thế chiến thứ hai. Các nhạc sĩ lo sáng tác nhạc chiến đấu như Văn Cao với “Tiến Quân Ca” (trở thành Quốc Ca của chế độ cộng sản miền Bắc từ năm 1945, và được dùng làm Quốc Ca của Việt Nam Xã hội chủ nghĩa từ năm 1976 sau khi thống nhứt đất nước), “Chiến Sĩ Việt Nam “, như Ðỗ Nhuận với “Nhớ Chiến Khu “, như Phạm Duy với “Chiến Sĩ Vô Danh “, “Xuất Quân “, như Lưu Hữu Phước với “Ðoàn Quân Ma “, như Phan Huỳnh Ðiểu với “Giải Phóng Quân “, như Thẩm Oánh với “Việt Nam Phục Quốc “. Song song vơí những sáng tác chiến đấu, tình cảm vẫn còn rung động trong nguồn hứng qua các bài “Thiên Thai ” (Văn Cao), “Ðêm Ðông ” (Nguyễn Văn Thương), “Xuân và Tuổi Trẻ ” (La Hối), “Mùa Ðông Binh Sĩ ” (Phan Huỳnh Ðiểu), “Dạ Khúc ” (Nguyễn Mỹ Ca), “Ðêm Tàn Bến Ngự ” (Dương Thiệu Tước), ” Cây Ðàn Bỏ Quên ” (Phạm Duy), “Mơ Hoa ” (Hoàng Giác), “Cô Lái Ðò” (Thẩm Oánh), “Suối Mơ ” (Văn Cao), “Hẹn Một Ngày Về ” (Lê Hữu Mục), “Ði Chơi Chùa Hương ” (Trần Văn Khê/Nguyễn Nhược Pháp).
Các nhạc sĩ đã dùng nhạc để diễn tả những bài thơ lãng mạn của Đoàn Phú Tứ (« Màu Thời Gian » nhạc Nguyễn Xuân Khoát), của Lưu Trọng Lư ( « Tiếng Thu » nhạc Phạm Duy), của Nguyễn Bính (« Cô Lái Đò » nhạc Nguyễn Đình Phúc) . Các đề tài lãng mạn của Tự Lực Văn Đoàn tạo nguồn hứng cho một vài nhạc phẩm như « Bướm Hoa » của Nguyễn Văn Thương , hay « Cô Hái Hoa » của Hoàng Giác .
Nhạc nhà thờ với nhạc sĩ Hùng Lân (tù trần năm 1986 tại Việt Nam), nhạc quân đội với Đinh Ngọc Liên khởi xướng trong giai đoạn sơ khai này .
Trước năm 1945, nhạc dành cho trẻ em rất hiếm. Hoàng Quý có viết một số bài vì ông là huynh trưởng của đoàn hướng đạo Hải Phòng . Phạm Văn Xung đã đưa nhiều bản nhạc trẻ em Tây phương với lời Việt vào phong trào hướng đạo. Một số rất ít nhạc phẩm của Nguyễn Xuân Khoát như « Con Voi », « Thằng Bờm », hay của Lê Thương như « Thằng Cuội » được xem như là những ca khúc trẻ em đầu tiên của Việt Nam . Sau 1945, Phong Nhã là người đầu tiên thật sự viết ca khúc cho trẻ em như « Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi nhi đồng », « Kim Đồng », « Nhanh Bước Nhanh Nhi Đồng », vv…
Giai đoạn kháng pháp (1946-1954)
Giai đoạn kháng Pháp (1946-1954) bắt đầu từ tháng 12, 1946 đã chứng kiến sự chào đời của một số nhạc khúc tranh đấu mãnh liệt. Ða số các nhạc sĩ đã rời cuộc sống xa hoa của thủ đô và các thành phố để tự nguyện dấn thân vào cuộc kháng chiến toàn quốc. Từ đó, âm nhạc Việt Nam bước vào một giai đoạn mới. Tại vùng bị chiếm, âm nhạc vẫn tiếp tục theo chiều hướng nhạc tr” tình, lãng mạn, hay nhạc nói lên những hình ảnh dân tộc Việt, phong cảnh Việt. Có thể kể một số bài bản điển hình như “Người Hà Nội ” (Nguyễn Ðình Thi), “Làng Tôi ” (Văn Chung), “Quê Em ” (Nguyễn Ðức Toàn), “Rạng Ðông ” (Hùng Lân), “Tình Ca” (Phạm Duy), “Bà Mẹ Quê” (Phạm Duy), “Vợ Chồng Quê ” (Phạm Duy), “Em Bé Quê ” (Phạm Duy), “Ngày Trở Về ” (Phạm Duy), “Mơ Khúc Tương Phùng ” (Văn Phụng), “Ai Về Sông Tương “(Thông Ðạt), “Tiếng Thời Gian ” (Lâm Tuyền), “Hòn Vọng Phu 1,2,3 ” (Lê Thương), “Hòa Bình 48 ” (Lê Thương), “Liên Hiệp Quốc ” (Lê Thương), “Chúc Tết ” (Lê Thương), “Tiếng Thùy Dương ” (Lê Thương), vv….
Với thể hành khúc, ca khúc chiến đấu, âm điệu hùng tráng lúc đầu dựa theo các điệu diễn binh của Pháp, rồi dần dần hấp thụ và chuyển biến thành những hành khúc mang màu sắc dân tộc. Qua những nhạc khúc đi sâu vào lòng dân tộc thời bấy giờ như “Du kích Sông Thao“, “Chiến Thắng Ðiện Biên ” của Ðỗ Nhuận, “Sông Lô” của Văn Cao, “Tiểu Ðoàn 307 ” của Nguyễn Hữu Trí, “Bộ Ðội Về Làng” của Lê Yên, “Quê Tôi Giải Phóng ” của Văn Chung. “Hò Kéo Pháo” của Hoàng Vân, nhạc đấu tranh đã thành công trong việc kết hợp ngôn ngữ âm nhạc Tây phương và âm điệu dân tộc dựa trên thang âm ngũ cung. Bác và đảng cũng là một đề tài mới mẻ đã sinh ra một bài như “Ca Ngợi Hồ Chủ Tịch” của Văn Cao, “Biết Ơn Cụ Hồ” của Lưu Bách Thụ, và “Chào Mừng Ðảng Lao Ðộng Việt nam ” của Lưu Hữu Phước, vv….
Trong giai đoạn này , tại Pháp trong những năm 1949 tới năm 1951, hãng dĩa ORIA đã thu mấy chục dĩa nhựa 78 vòng tiếng hát của các ca sĩ Hải Minh (biệt hiệu của giáo sư Trần Văn Khê), Bích Thuận, Hoàng Lan, Văn Lý (tức nhạc sĩ Nguyễn Văn Thông) những ca khúc của Lưu Hữu Phước (« Hội nghị Diên Hồng »), Phạm Duy (« Chiến sĩ vô danh »), Lê Thương (« Tiếng Thùy Dương », « Hòa Bình 48 »), Võ Ðức Thu (« Quyết Tiến »), Nguyễn Hữu Ba ( « Lửa Rừng Ðêm »), Đan Trường (« Trách Người Đi ») vv…
Giai đoạn thứ nhì của lịch sử tân nhạc khởi sự từ sau hiệp định Genève (1954) cho tới lúc mất Saigon (30 tháng 4, 1975).
4. Giai đoạn đất nước chia đôi (1954-74)
Hiệp định Genève được ký vào tháng 7,1954. Ðất nước Việt Nam bị chia đôi. Vĩ tuyến 17 được tạm dùng làm ranh giới cắt đôi xứ Việt Nam. Miền Bắc với chế độ xã hội chủ nghĩa, và miền Nam với chế độ dân chủ cộng hòa.
A. Nhạc mới tại miền Bắc
Với đường lối cộng sản, với sự ảnh hưởng âm nhạc của Trung Quốc và Nga sô ngày càng sâu đậm theo tỷ số ngày càng cao của các nhà soạn nhạc được gởi đi du học ở các nước cộng sản. Bốn chủ đề được khuyến khích để phát triển:
1. Hồ chí Minh.
Tên của Hồ Chí Minh được dùng làm nguồn hứng cho một số sáng tác như ” Việt Bắc nhớ Bác Hồ” (Phạm Tuyên), “Hồ Chí Minh Ðẹp Nhất Tên Người ” (Trần Kiết Tường), “Ðôi Dép Bác ” (Văn An), ” Nhớ Ơn Hồ Chí Minh” (Tô Vũ), “Lời Ca Dâng Bác ” (Trọng Loan), “Trồng Cây Lại Nhớ Ðến Người” (Ðỗ Nhuận), vv….
2. Phong cảnh và tâm hồn Việt Nam
cũng gợi cho một số nhạc sĩ viết những nhạc phẩm như “Quảng Bình Quê Ta Ơi” (Hoàng Vân), “Vàm Cỏ Ðông ” (Trương Quang Lực), “Tây Nguyên Bất Khuất” (Văn Ký), “Bài Ca Hà Nội ” (Vũ Thành), “Trường Sơn Ðông, Trường Sơn Tây” (Hoàng Hiệp), “Một Khúc Tâm Tình Của Người Hà Tĩnh ” (Nguyễn Văn Tý), “Những Cô Gái Ðồng Bằng Sông Cửu Long” (Huỳnh Thơ), « Cô Gái Sài Gòn Đi Tải Đạn » (Lư Nhất Vũ), « Tiếng Về Sài Gòn » (Huỳnh Minh Siêng), « Sài Gòn Quật Khởi » (Hồ Bắc), « Hướng Về Hà Nội » (Hồ Bắc), vv…
3. Dân tộc thiểu số
là một đề tài mơí cho những sáng tác như “Tiếng Ðàn Tà Lư” (Huy Thục), “Cô Gái Cầm Ðàn Lên Ðỉnh Núi” (Văn Ký), “Bản Mèo Ðổi Mới” (Trịnh Lai), “Em Là Hoa Pơ Lang” (ÐứcMinh), “Bóng Cây Kơ Nia” (Phan Huỳnh Ðiểu).
4. Giai đoạn kháng Mỹ, Giải phóng miền Nam (1965-1975)
là một động cơ thúc đẩy những nhà sáng tác âm nhạc sản xuất những bản nhạc như “Anh Vẫn Hành Quân” (Huy Du), “Chào Anh Giải Phóng Quân” (Hoàng Vân), “Lời Anh Vọng Mãi Ngàn Năm – Nguyễn Văn Trỗi ” (Vũ Thành), “Bài Ca Năm Tấn” (Nguyễn Văn Tý), “Lá Thư Hậu Phương” (Phạm Tuyên), “Trai Anh Hùng, Gái Ðảm Ðang” (Ðỗ Nhuận), “Bài Ca May Áo” (Xuân Hồng), “Hành Khúc Giải Phóng” (Lưu Nguyễn Long Hưng tức Lưu Hữu Phước), “Giải Phóng Miền Nam” (Huỳnh Minh Siêng , một biệt hiệu khác của Lưu Hữu Phước). Bài “Giải Phóng Miền Nam” được dùng làm quốc ca của Mặt trận giải phóng từ năm 1960 tới năm 1975.
Sau khi “giải phóng ” miền Nam ngày 30 tháng 4,1975, một số bản nhạc được chào đời : “Tiếng Hát Thành Phố Mang Tên Người” (Cao Việt Bách), “Bài Ca Thống Nhứt” (Võ Văn Di), “Ðất Nước Trọn Niềm Vui” (Hoàng Hà), “Bài Ca Xây Dựng” (Hoàng Vân), vv….. Ngoài bốn chủ đề trên, các nhạc sĩ miền Bắc cũng có sáng tác cho những nhạc khí cổ truyền qua những nhạc phẩm như : “Vì Miền Nam” cho độc huyền và dàn nhạc giao hưởng của Huy Thục, “Vững Một Niềm Tin” cho đàn nguyệt của Xuân Bá, “Vũ Khúc Tây Nguyên” cho đàn độc huyền của Ðỗ Nhuận, “Hội Mùa” cho sáo của Ðinh Thìn, “Tình Quê Hương” cho đàn nhị của Thao Giang, “Kể Chuyện Quê Hương” cho đàn tỳ bà của Mai Phương, “Bình Minh Trên Reo Cao” cho đàn tranh của Phương Bảo. Đa số những sáng tác cho nhạc khí cổ truyền đều do chính tác giả trình diễn như các nhạc sĩ Đức Tùy, Ngọc Phan , Đinh Thình với sáo trúc, Mai Phương với đàn tỳ bà, Hồ Khắc Chí với đàn bầu, Kim Oanh với đàn trưng, klôngput, Phương Bảo với đàn tranh, Thao Giang, Thế Dân. Riêng về đàn bầu có khá nhiều nhạc sĩ sáng tác đóng góp như Huy Thục, Hoàng Đạm, Hoàng Vân, Đức Nhuận, Huy Du, Đinh Long, Xuân Khải, Khắc Chí, Văn Thắng , Xuân Tứ, Hồng Thái , Quốc Lộc được các nhạc sĩ trình diễn sau đây độc tấu : Mạnh Thắng, Đức Nhuận, Đoàn Anh Tuấn, Nguyễn Tiến, Khắc Chí, Nguyễn Chương, Thanh Tâm, Xuân Ba, Ngọc Hướng.
Sau khi hiệp định Genève ( Accord de Genève) ký xong, nhiều đoàn ca múa chuyên nghiệp của các quốc gia Liên Xô và Đông Âu tới Hà nội trình diễn với những màn hợp xướng làm cho các nhạc sĩ Việt Nam thời đó quan tâm tới việc soạn ca khúc nhiều bè . Những sáng tác đầu tiên vào năm 1955 như « Hò Đẵn Gỗ » (Đỗ Nhuận), « Sóng Cửa Tùng » (Doãn Nho), « Chiến Sĩ Biên Phòng » (Huy Thục), cũng như trong năm 1956 và 1957 với « Ta Đã Lớn », « Hò Kiến Thiết » (Nguyễn Xuân Khoát), « Tiếng Chim » (Lưu Cầu), « Tiếng Hát Người Chiến Sĩ Biên Thùy » (Tô Hải , 1958), vv…
Từ 1960 tới 1975, song song với lớp nhạc sĩ đi đầu như Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Lương Ngọc Trác, sau đó tới Doãn Nho, Tô Hải, Lưu Cầu, Vân Đông, Hoàng Hà, Hồ Bắc, Huy Thục, La Thăng, một số nhạc sĩ trẻ (Trọng Bằng, Cao Việt Bách, Đỗ Dũng, Hoàng Bội, Thế Bảo) chú ý tới soạn vừa cho hát và nhạc khí xuất hiện và đẩy mạnh phong trào sáng tác hợp xướng ở miền Bắc .
Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát thể nghiệm vở thanh xướng kịch (một loại trường ca) đầu tiên « Vượt Sông Cái » vào năm 1955, và Đàm Linh viết vở « Nguyễn Văn Trỗi » theo lời thơ của Chu Điền vào năm 1965.
Ảnh hưởng nhạc cổ điển Tây phương được thể hiện trong những bài hát dân ca, những giao hưởng khúc, những “opera” (kịch hát) với phương pháp phối âm phối khí theo nhạc ngữ Tây phương do các nhạc sĩ được gởi đi tu nghiệp ở các viện âm nhạc các quốc gia cộng sản. Nguyễn Ðình Tân, Ðàm Linh, Nguyễn Văn Nam, Trọng Bằng, Ðỗ Nhuận, Văn Ký đều du học ở Nga Sô, Hoàng Việt ở Bảo Gia Lợi, Nguyễn Văn Thương ở Ðông Ðức, Hoàng Ðàm, Hoàng Vân ở Trung Quốc, Nguyễn Tài Tuệ ở Bắc Hàn. Những kịch hát (opera) Việt hóa được thành hình như “A Sao” và “Người Tạc Tượng” của Ðỗ Nhuận, “Bên Bờ Krong Pa” của Nhật Lai, “Bông Sen” của Lưu Hữu Phước và Nguyên Vũ, “Quê Hương” của Hoàng Việt.
Một xu hướng mới được phát hiện sau khi đất nước bị chia đôi, đó là thể loại sáng tác bài ca không lời theo cấu trúc cổ điển Tây phương dùng cho dàn nhạc hơn là hát . Các nhạc sĩ Lưu Cầu (« Quê Hương »), Nguyễn Văn Thương, Chu Minh (« Bài Ca Không Lời »), Tô Vũ (« Trăng Cung Hồ »), Hồng Đăng , Văn Ký, Lê Lôi, Huy Du (« Miền Nam Quê Hương Ta Ơi »), Ca Lê Thuần (12 préludes không tiêu đề), Minh Khang (10 préludes), Hoàng Dương (« Giai Điệu Quê Hương »), Hoàng Cương , Sơn Ngọc Hoàng , vv… Rồi các loại khác như vũ khúc chú trọng đến các vũ điệu các sắc tộc miền núi như các tác phẩm « Vũ Khúc Tây Nguyên » (Hoàng Đạm), « Tây Nguyên Vui Chiến Thắng » (Nguyễn Văn Thương), « Rừng Xuân Tây Nguyên » (Vĩnh Cát), « Vũ Khúc Hơ Rê » (Hoàng Dương), « Vũ Khúc Tây Bắc » (Trọng Bằng), vv…
Các loại khác như Scherzo ( « Lý Ngựa Ô » của Nguyễn Tuấn), Ru Con (« Hát Ru cho piano » của Nguyễn Đình Tấn), Sérénade ( « Chiều Quê Hương » cho piano và violon của Nguyễn Thị Nhung), Fantaisie (« Fantaisie số 1 » của Quang Hải), Rhapsodie (« Bài Ca Chim Ưng » của Đàm Linh), Sonate (« Người Về Đem Tới Ngày Vui » của Trọng Bằng ), Symphonie (Giao hưởng khúc) (« Quê Hương » của Hoàng Việt) được sự hưởng ứng của nhiều nhạc sĩ .
Một loại hình khác là Ca kịch nhỏ (operette như « Tục Lụy » của Lưu Hữu Phước), kịch hát nói (« Căn Nhà Màu Hồng Ngọc » của Hoàng Vân) và điện ảnh . Tác giả đầu tiên của nhạc phim ảnh là Nguyễn Đình Phúc (phim « Chung Một Dòng Sông », « Lửa Trung Tuyến ») đã tạo nên một trường phái viết nhạc phim . Các nhạc sĩ khác như Trọng Bằng (« Cù Chính Lan », « Biển Lửa »), Hồng Đăng (« Hà Nội Mùa Chim Làm Tổ ») , Hoàng Vân ( « Con Chim Vành Khuyên »), Đàm Linh ( « Đường Về Quê Mẹ »), Trọng Đài ( « Canh Bạc »), Đặng Hữu Phúc (« Tướng Về Hưu ») tiếp nối và phát triển mạnh mẽ nhạc phim ở Việt Nam .
A. Nhạc mới tại miền Nam
Song song với sự phát triển nhạc tại miền Bắc, luồng sóng người Bắc di cư vào miền Nam sau hiệp định Genève đã mang theo rất nhiều nhạc sĩ , và văn nghệ sĩ. Trong một chiều hướng tự do, các nhạc sĩ đã cùng nhau thi đua sáng tác qua những khuynh hướng và chủ đề mà tôi tạm chia thành bốn giai đoạn:
Nhạc tình tự dân tộc (1954-63)
Nhạc tình cảm lãng mạn (1963-1975)
Nhạc phản chiến xuống đường (1966-1975)
Du ca và nhạc trẻ (1968-1975)
1. Nhạc tình tự dân tộc (1954-1963)
Trong giai đoạn đầu này, miền Nam trở thành đệ nhất cộng hòa dươí thời cố tổng thống Ngô Ðình Diệm. Những bài hát bộc lộ, thể hiện hình ảnh dân tộc, đất nước, cũng như đơì lính chiến được dùng làm đề tài để sáng tác. “Con đường cái quan” (Phạm Duy), “Mẹ Việt Nam“, và “Tâm Ca” của Phạm Duy là những thiên trường ca nói lên cái đẹp của quê hương. Nhiều nhạc sĩ khác đã đóng góp rất nhiều như Lam Phương với “Khúc Ca Ngày Mùa“, “Chiều Hành Quân“, như Lê Trọng Nguyễn với “Nắng Chiều“, như Lê Trạch Lựu với “Em Tôi“, như Trần Văn Trạch với “Chiến Xa Việt Nam“, “Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia“, “Chiếc Xe Lửa Mùng Năm“, như Nguyễn Văn Ðông với “Chiều Mưa Biên Giới“, “Mấy Dặm Sơn Khê“, như Huỳnh Anh với “Mưa Rừng“, như Hoàng Thi Thơ với “Gạo Trắng Trăng Thanh“, “Tìm Anh”, như Trịnh Hưng với « Lối Về Xóm Nhỏ », « Tôi Yêu ».
2. Nhạc tình cảm lãng mạn (1963-1975)
Ðệ nhị cộng hòa bắt đầu tháng 11,1963 sau khi Ngô Ðình Diệm bị giết. Tình và Lính là hai chủ đề quan trọng nhứt. Ðời lính được nói tới nhiều qua một số nhạc phẩm: “Lính Nghĩ Gì ? (Hoài Linh), “Tình Anh Lính Chiến ” (Lam Phương), “Lính Trận Mưa Xa” (Bằng Giang và Anh Châu), “Anh Tiền Tuyến, Em Hậu Phương” (Minh Kỳ), “Phiên Gác Ðêm Xuân” (Nguyễn Văn Ðông), “Trên Vùng Bốn Chiến Thuật” (Trúc Phương), “Người Ở Lại Charlie” (Trần Thiện Thanh), “Người Yêu Của Lính” (Anh Chương ), “Em Yêu Người Lính Chiến” (Thu Hồ), “Ngày Phép Của Lính” (Thanh Sơn), “Vì Yêu Anh Là Lính” (Y Vân), “Tình Lính” (Y Vân), “Lính Mà Anh” (Anh Thy), “Người Lính Chung Tình” (Khánh Băng), “Hai Người Lính Tâm Sự” (Thanh Sơn), “13 Tuổi Lính” (Lê Dinh-Minh Kỳ), “Ngày Tròn Tuổi Lính” (Lê Dinh-Dạ Cầm). Cho tới năm 1969, một số nhạc phẩm sau đây đã được rất đông người Việt miền Nam ưa thích và vẫn còn gợi lại trong lòng những người lìa xa đất nước ngày hôm nay. Như những tình khúc và các bài không tên nhứt là “Bài Không Tên Thứ Nhứt“, “Bài Không Tên Số 2” của Vũ Thành An, “Mộng Dưới Hoa” (Phạm Ðình Chương-Ðinh Hùng), “Nửa Hồn Thương Ðau” (Phạm Ðình Chương-Cung Tiến-Thanh Tâm Tuyền), “Sang Ngang ” (Ðỗ Lễ), “Giọt Mưa Trên Lá “(Phạm Duy), “Kỷ Vật Cho Em” (Phạm Duy) , “Nghìn Trùng Xa Cách” (Phạm Duy), “Nửa Ðêm Ngoài Phố” (Trúc Phương), “Lệ Ðá” (Hà Huyền Chi- Trần Trịnh), “Thôi ” (Y Vân), “Căn Nhà Ngoại Ô” (Anh Bằng – T.H.), “Thương Quá Việt Nam” (Phạm Thế Mỹ), “Nỗi Lòng ” (Nguyễn Văn Khánh), “Kiếp Nghèo” (Lam Phương), “Khi Ðã Yêu” (Phượng Linh), “Tình Yêu Ðã Mất ” (Phạm Mạnh Cương), “100 phần 100” (Ngọc Sơn -Tuấn Hải), vv…. Khi bước sang 1970 cho tới khi Saigon bị thất thủ vào ngày 30 tháng 4, 1975, nhạc sĩ trẻ đã gây một tiếng vang lớn trong làng tân nhạc Việt Nam. Trần Thiện Thanh (cũng là ca sĩ Nhật Trường, sang định cư tại Hoa kỳ , 1993) là nhạc sĩ tiêu biểu cho giai đoạn tân nhạc thời này (1970-75). Những nhạc khúc của anh như “Mùa Ðông Của Anh“, “Người Yêu Tôi Khóc“, “Anh Không Chết Ðâu Em“, “Người Ở Lại Charlie“, tả lại nỗi đau khổ của người lính , người tình ở tiền tuyến cũng như nỗi lo lắng của người sống hay chết sau chiến tranh. Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận những ca khúc khác cũng đánh dấu vai trò của nó trong giai đoạn này. Phạm Duy với “Mùa Thu Chết“, “Em Hiền Như Ma Soeur” , Nguyễn Ánh 9 với “Không“, « Buồn Ơi, Chào Mi », Châu Kỳ với “Tôi Viết Nhạc Buồn“, Vũ Chương-Dạ Cầm với “Lần Ðầu Cũng Là Lần Cuối“, Lê Dinh với “Nếu Mai Này“, Lê Mộng Bảo với “Ve Sầu“, Vũ Thành An với “Ðừng Yêu Tôi“, Khánh Băng vơí “Nếu Một Ngày“, Mai Bích Dung với “Cho Người Tình Nhớ” , Hoàng Thi Thơ với “Một Lần Cuối“, Tùng Giang và Nam Lộc với “Anh Ðã Quên Mùa Thu“, Ngân Giang với “Vỗ Ta Mừng Rạng Ðông“, vv…. Cũng trong giai đoạn này (1963-1975) Phạm Duy là nhạc sĩ sáng tác nhiều nhạc phẩm nhất ở Việt Nam, và đa số các bản nhạc đều được ưa thích. Phạm Duy đã sáng tác trên 700 bài và nhiều tập nhạc về một chủ đề như “Bé Ca“, “Tục Ca”, “Tâm Phẫn Ca”, “Ðạo Ca”, “Bình Ca”. Hoàng Thi Thơ là một trong một số ít nhạc sĩ đã thành công ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhạc mang nhiều dân tộc tính như “Gạo Trắng Trăng Thanh“, “Rước Tình Về Với Quê Hương“, nhạc quê hương như “Trơì Quê Hương Ta Xanh“, “Mặt Trời Lại Sáng Quê Hương“, nhạc hùng mạnh như “Những Người Không Biết Quay Lùi“, “Quân Thù Nào“, nhạc tình cảm như “Ðường Xưa Lối Cũ “, “Tà Áo Cưới“, “Chuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi“. Hoàng Thi Thơ còn soạn một số nhạc cảnh như “Xe Phở Việt Nam“, “Lão Hành Khất Mù Ðộc Ðáo“, hay những trường ca như “Trường Ca Một Ngày Trọng Ðại“, “Trường Ca Màu Hồng Sử Xanh“, cũng như viết nhạc cho một số vũ điệu dân tộc ít người như múa xòe , múa sập, múa kơ ho, và những kịch hát như “Ả Ðào Say“, “Cô Gái Ðiên“. Lam Phương là nhạc sĩ miền Nam đã sáng tác mấy trăm nhạc phẩm và một số đã đi sâu vào lòng dân miền Nam vì giai điệu phản ảnh dân nhạc. Có thể kể như “Khúc Ca Ngày Mùa”, “Chuyến Ðò Vĩ Tuyến”, “Chiều Hành Quân”, “Kiếp Nghèo”, “Ðoàn Người Lữ Thứ” “Tình Anh Lính Chiến”, “Nhạc Rừng Khuya”, “Trăng Thanh Bình”, “Ngày Tạm Biệt”, vv… Trần Văn Trạch, một thiên tài của Việt Nam, giữ một ngôi vị độc tôn về nhạc hài hước trong lịch sử tân nhạc Việt Nam và đã đóng góp một số nhạc phẩm như “Tai Nạn TêLêPhôn”, “Cái Ðồng Hồ”, “Chiếc Xe Lửa Mùng Năm”. Bài “Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia” của Trần Văn Trạch đã được sáng tác vào năm 1955 và đã nổi tiếng khắp miền Nam Việt Nam trong vòng 20 năm (tới năm 1975), một bài hát mà hầu như mọi người Việt Nam miền Nam đều đã được nghe vì là bài hát được trình bày mỗi tuần trước khi xổ số tại Saigon. Nhạc châm biếm xã hội đã được thể hiện qua ban tam ca AVT với những bản nhạc chịu nhiều ảnh hưởng của Chèo như “Trấn Thủ Lưu Ðồn”, “Bán Nước”, “Ba Bà Ði Bán Lợn Xề”, vv….
3. Nhạc phản chiến – xuống đường (1966-1975)
Hiện tượng Trịnh Công Sơn tiêu biểu cho phong trào nhạc phản chiến tại miền Nam. Bắt đầu vào khoảng năm 1966, những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn với một nhạc ngữ mới lạ dựa vào dân ca Mỹ, Ái nhĩ lan, hay loại nhạc thể (modal music) của thời Trung Cổ bên Âu châu, đã chinh phục thế hệ trẻ qua giọng hát của Khánh Ly. Trịnh Công Sơn đã đánh trúng tâm lý của giới trẻ, một giới trẻ ngao ngán cuộc chiến, chỉ khao khát hòa bình. Năm 1968, Trịnh Công Sơn đã tung ra tập nhạc “Kinh Việt Nam” sau Tết Mậu Thân và đã kêu gào mọi người nên dừng tay giết nhau.
“Dân ta tàn phế 20 năm. Nước mắt và máu đã làm thành nh”ng con suối lớn chảy mòn tiềm lực sáng tạo. Ðã mươì năm nay, anh em ta săn đuổi nhau bằng hận thù giả tạo. Xin hãy dừng tay để mọi căn nhà Việt Nam co’ thể mở rộng chờ đón một sớm mai hòa bình “.
“Cánh Ðồng Hòa Bình”, “Ðồng Dao Hòa Bình”, “Nối Vòng Tay Lớn” của Trịnh Công Sơn đã được vang dậy trong các buổi hát phản chiến. Tập nhạc “Ta Phải Thấy Mặt Trời ” (1969) Trịnh Công Sơn gieo tiếp những hạt giống chống chiến tranh tại miền Nam một cách mãnh liệt. Sự thành công của “Những Tình Khúc” (1967) của Trịnh Công Sơn với các bản “Nhìn Những Mũa Thu Ði”, “Mưa Hồng”, “Diễm Xưa”, “Nắng Thủy Tinh”, “Còn Tuổi Nào Cho Em”, “Tôi Ru Em Ngủ”, “Tình Sầu”, “Tình Xa”, “Ru Em”, “Ru Ta Ngậm Ngùi”, “Biển Nhớ”, “Hạ Trắng “, “Cát Bụi”, “Như Cánh Vạc Bay” đã tạo một chỗ đứng vững vàng trong làng tân nhạc Việt Nam. Từ đó mới nẩy sinh những bài hát kêu gọi hòa bình trong “Hãy Nói Giùm Tôi” trong “Ca Khúc Da Vàng”. Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ nổi nhất trong vòng 10 năm chót của đệ nhị Cộng Hòa Việt Nam (1966-1975) với hàng trăm bản nhạc nói lên tình yêu, đau khổ bởi chiến tranh, kêu gọi hòa bình. Những chủ đề đó đã được thể hiện qua các tập “Ca Khúc Thần Thoại Quê Hương” , “Ca Khúc Da Vàng”.
Song song với nhạc phẩm phản chiến của Trịnh Công Sơn, vào lúc sau Tết Mậu Thân 1968, mầm móng chóng đối chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ở Saigon bắt đầu nẩy nở ở tại các trường đại học văn khoa Saigon với Miên Ðức Thắng (tên thật là Nguyễn Văn Thắng), tác giả của những nhạc phẩm “Hát Từ Ðồng Hoang”, “Lớn Mãi Không Ngừng”. Phong trào học sinh và sinh viên xuống đường dưới sự lèo lái của Huỳnh Tấn Mẫm, chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Saigon lúc đó đã tạo thành một luồng gió mới đối với nền tân nhạc Việt. “Hát Cho Ðồng Bào Ta Nghe” ra đời giữa ngọn lửa đấu tranh của các thành thị miền Nam. “Hát Cùng Ðồng Bào Ta” , tập nhạc xuống đường thứ hai xuất bản vào năm 1971 đã đưa tiếng hát từ những công trường, bến tàu, những phường xóm lao động đến các học đường. Những bài hát xuống đường được giới sinh viên học sinh hát nhiều nhất lúc đó là “Sức Mạnh Nhân Dân (Trương Quốc Khánh), “Tình Nghĩa Bắc Nam” (Nguyễn Văn Sanh), “Ðường Ta Ði Niềm Tin Lớn Mạnh” (Nguyễn Văn Sanh), “Phương Ðông Ðã Dậy Nắng Hồng” (Nguyễn La Nghi), “Qui Nhơn Ngời Ngời Biển Lửa” (thơ Trần Nhật Nam, nhạc Ðoàn Ðình Quang), “Hát Trên Ðường Ðường Tranh Ðấu” (Ðoàn Công Nhân), “Người Cha Bến Tàu” (ý thơ Võ Thiệu Quang, nhạc Trần Long Ẩn), “Không Ai Ngăn Nỗi Lời Ca” (La Hữu Vang), “Dậy Mà Ði” (Nguyễn Xuân Tấn). Tôn Thất Lập đã đóng góp nhiêù bản nhạc đi liền với phong trào sinh viên xuống đường như “Những Ngày Ðại Hội Ðấu Tranh”, viết trong đại hội kỳ 2 tại đại học Vạn Hạnh, “Lúa Reo Trên Khắp Ðồng Bằng”, “Từ Sông Hương đến Sông Hát”, “Chúng Ta Ðã Ðứng Dậy”, vv….. Phạm Thế Mỹ, một nhạc sĩ của đại học Vạn Hạnh đã viết “Hoa Vẫn Nở Trên Ðường Quê Hương “, “Những Người Không Chết “, “Thương Quá Việt Nam”, “Bông Hồng Cài Áo” (qua y’ thơ của Thích Nhật Hạnh).
4. Du ca và phong trào nhạc trẻ (1968-1975)
Phong trào du ca Việt Nam được thành lập năm 1966 tại Saigon cùng một lúc với phong trào làm công tác xã hội của thanh niên , sinh viên và học sinh; hai sáng lập viên của phong trào là các anh Nguyễn Quyết Thắng và Ðinh Gia Lập. Phong trào được bộ Quốc Gia giáo dục và thanh niên Việt Nam Cộng Hòa công nhận chính thức và cấp giấy phép hoạt động trên toàn quốc kể từ ngày 24 tháng giêng năm 1969.
Du ca là một đoàn thể hoạt động về văn nghệ phục vụ cộng đồng. Văn nghệ cộng đồng là hình thức văn nghệ trong đó cả người nghe lẫn người hát đều cộng tác với nhau, mục đích tác động tinh thần và cảm hóa ngươì nghe hơn là ru ngủ, để tất cả cùng ý thức và phục vụ cho cộng đồng, xứ sở . Người hát du ca trao đổi những khả năng chuyên môn qua sinh hoạt tập thể. Du ca viên gây tinh thần cộng đồng trong phạm vi khả năng của mình. Người du ca noí với mọi người bằng những lời tai nghe mắt thấy qua âm thanh tiếng nhạc, hoạt cảnh , hay vũ khúc, vv.. Những lọai nhạc du ca gồm có: thanh niên ca, thiếu niên ca, sinh hoạt ca, dân ca, sử ca, nhận thức ca, và những bài ca tình người. Phong trào du ca do anh Hoàng Ngọc Tuệ làm chủ tịch đến năm 1967 thì anh Ðỗ Ngọc Yến lên thay thế. Các huynh trưởng hướng dẫn cũng như cố vấn như Nguyễn Ðức Quang, Trầm Tử Thiêng, Phạm Duy, Lê Ðình Ðiểu, Ngô Mạnh Thu, Hà Tường Cát, Trần Văn Ngô, Trần Ðại Lộc, Nguyễn Thanh, Nguyễn Khả Lộc, Phan Huy Ðạt, Tống Hoằng và Phương Oanh. Phong trào cũng quy tụ khá nhiều nhạc sĩ tên tuổi cũng như huấn luyện viên và các cây viết trẻ gồm có: Nguyễn Ðức Quang, Ngô Mạnh Thu, Trầm Tử Thiêng, Phạm Duy, Nguyễn Thanh, Anh Việt Thu, Giang Châu, Nguyễn Hữu Nghĩa, Phan Ni Tấn, và Nguyễn Quyết Thắng. Những tuyển tập nhạc du ca đã phát hành như: tuyển tập du ca 1, du ca 2, du ca 3, “Những Bài Ca Khai Phá”, “Ta Ði Trên Dòng Lịch Sử” , “Những Ðiều Trông Thấy”, “Sinh Hoạt Ca”, “Những Khuôn Mặt Du Ca”, “Hát Cho Những Người Sống Sót”.
Phong trào du ca Việt Nam trước 1975 có tác dụng mạnh đối với các giới trẻ qua các toán ca diễn đó đây, trong học đường, ngoài sân cỏ, trên sân khấu, trong các đoàn thể bạn, hướng đạo, hay thanh sinh công (thanh niên, sinh viên, công nhân). Những ca khúc sinh hoạt của du ca là thức ăn nuôi dưỡng các đoàn thể để sinh hoạt. Du ca ra đời đúng lúc mọi người đang đòi hỏi một nền văn nghệ sống động, thức tỉnh và mới lạ, và cũng bởi niềm tỉnh thức đó, đâu đâu ta cũng nghe những bài hát quen thuộc. Thí dụ như bài “Việt Nam , Việt Nam ” (Phạm Duy), “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ ” (Nguyễn Ðức Quang), “Hát Từ Tim, Hát Bằng Hơi Thở” (Nguyễn Quyết Thắng), “Anh Sẽ Về” (Nguyễn Hữu Nghĩa, thơ Kinh Kha), “Xin Chọn Nơi Này Làm Quê Hương” (Nguyễn Ðức Quang), vv….
Phạm Duy cũng có đóng góp trong phong trào du ca với một số bài bản như “Sức Mấy Mà Buồn”, “Thôi Bỏ Ði Tám”. Tất cả những ca khúc trong phong trào du ca đều có mục đích kêu gọi thanh niên hãy tự hào, tin tưởng và hy vọng nơi tương lai. Dù khó khăn, dù gian nan, dù sao đi nữa, người dân Việt Nam nên chấp nhận Việt Nam là quê hương ngàn đời. Niềm hy vọng nhỏ nhoi chỉ lóe lên và chưa được bừng sáng thì 30 tháng 4, 1975 đã đưa hàng trăm nghìn người ra đi trên đường di tản.
Nhạc trẻ là một hiện tượng âm nhạc xuất hiện tiên khởi vào đầu thập niên 60. Nhạc kích động Âu Mỹ bắt đầu xâm nhập thị trường miền Nam vào cuối năm 1959. Giới trẻ, con của các thương gia và giới trưởng giả theo học chương trình Pháp thường nghe các loại nhạc kích động của Mỹ và Pháp. Phải đợi tới khoảng 1963-65, phong trào nghe nhạc kích động tây phương bành trướng mạnh qua các buổi tổ chức khiêu vũ tại gia. Các danh ca của Mỹ như Paul Anka, Elvis Presley, The Platters, của Anh quốc nhu Cliff Richard, The Shadows, The Beatles, The Rolling Stones, của Pháp như Johnny Halliday, Sylvie Vartan, Françoise Hardy, Christophe, Dalida, vv…. là thần tượng của giới thanh niên nam nữ dưới 18 tuổi.
Những ban nhạc trẻ kích động mang những trên như C.B.C., The Dreamers, The Uptight, The Blue Jets, The Spotlights (sau đổi thành Strawberry Four với Tùng Giang, Ðức Huy, Tuấn Ngọc và Billy Shane – cả 4 người này hiện nay ở Mỹ và Billy Shane đã qua đời năm 1998). Một số ca sĩ Việt thích kèm theo tên ngoại quốc bên cạnh tên Việt như Elvis Phương (hiện ở Hoa Kỳ), Pauline Ngọc (không còn hát nữa và hiện sống bên Ðức), Prosper Thắng (sống ở Pháp và từ trần năm 1998), Julie Quang (hiện sống ở Mỹ), Carol Kim ( sống ở Mỹ), vv.. Họ nổi danh với các bản nhạc ngoại quốc hát bằng lời Pháp và Anh. Những hộp đêm Mỹ ngày càng nhiều từ 1968 trở đi càng khuyến khích số người hát nhạc Mỹ nhiều hơn nữa. Trước sự bành trướng mạnh mẽ của nhạc ngoại quốc nổi tiếng, Phạm Duy, Quốc Dũng, Nam Lộc, Tùng Giang, Trường Hải, vv… chuyển sang đặt lời Việt cho nhạc ngoại quốc.
Phải đợi tới năm 1971 mơí thấy xuất hiện đại hội nhạc trẻ đầu tiên được tổ chức tại sân Hoa Lư do Trường Kỳ (hiện ở Montreal, Canada), Tùng Giang (ở California, Hoa Kỳ), và Nam Lộc ( làm việc cho một cơ quan thiện nguyện USCC ở Los Angeles, Cali) đảm trách. Sự thành công của đại hội nhạc trẻ đầu tiên ở Saigon đã đẩy mạnh nhạc trẻ lên cao độ qua những năm kế tiếp (1971 tại trường trung học Taberd với hơn 10.000 người nghe, và 1974 , năm chót trước khi mất Saigon tại vườn sở thú với trên 20.000 khán giả).
Những bản nhạc ngoại quốc như “The House of the Rising Sun”, “Reviens la Nuit”, “Tous les Garçons et les Filles”, “Capri, c’est fini”, “Bang Bang” , “Besame Mucho”, “Only You”, “My Prayer”, “Be Bop Be Lu La”, “Love Story”, “Yesterday”, “Michelle”, etc… là những bài vẫn còn được “ăn khách” trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại hiện nay. Loại nhạc trẻ không đóng góp gì vào gia tài của nền tân nhạc Việt Nam hay chỉ là loại nhạc bắt chước theo người Tây phương, không có gì là sáng tạo cả. Ðó là loại nhạc cuồng loạn, ru hồn thế hệ trẻ trong khung cảnh chiến tranh để cho họ tạm quên cảnh tương tàn của đất nước qua những bước nhảy tango, twist, be-bop, valse, pasodoble, rumba, cha cha cha, vv.. Một giai đoạn bị Mỹ hóa giữa thơì kỳ náo loạn.
Giai đoạn thứ ba của lịch sử tân nhạc Việt Nam kể từ khi hàng triệu người Việt bỏ xứ ra đi trên đường tạm dung sau ngày 30 tháng 4,1975 cho tới đầu thiên niên kỷ thứ ba.