“Lê Trọng Nguyễn, âm Nhạc và bằng hữu” và Ngày Hiền Mẫu
Nguồn: Viet Bao Online
“Lê Trọng Nguyễn, âm Nhạc và bằng hữu” và Ngày Hiền Mẫu.
Thanh Thư
Tháng 5 năm nay, nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian đã tổ chức một Ngày Lễ cho Mẹ và Ra Mắt Sách thật long trọng và đầy ý nghĩa tại Trung Tâm Minh Đức ở Westminster, Nam Cali. Sau 3 năm hoạt động, nhóm Nhân Ảnh Tân Văn đã đổi tên thành Nhân Văn Nghệ Thuật cho phù hợp với chủ trương và những sinh hoạt về văn chương, nghệ thuật của nhóm. Để vinh danh các bà mẹ, các hội viên đã họp mặt, ca hát và nhắc nhở nhau nhớ ơn các bà mẹ hiền yêu dấu. Nhân dịp này hội cũng giới thiệu đến bạn bè và quan khách tập sách mới nhan đề “Lê Trọng Nguyễn: Âm nhạc và bằng hữu”. Ngoài ra còn một số CD nhạc của LTN cũng được trưng bày.
Bà Trọng Nguyễn và Hs Lưu Anh Tuấn
“Cố nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn tuy qua đời đã lâu nhưng chúng tôi vẫn còn tiếc nhớ đến ông và những nhạc phẩm nổi tiếng như “Nắng chiều” và nhiều bài hát khác nữa”. Đó là lời mở đầu của cô MC duyên dáng Thụy Vy trong chiếc áo dài tím thướt tha. Sự hiện diện đặc biệt của phu nhân cố nhạc sĩ là bà Gina Nga Nguyễn đã khiến buổi ra mắt sách thêm phần trang trọng. Những bạn bè xưa, những người đã từng biết ông hay thương mến nhạc của ông cũng đến nghe nhạc và chia sẻ cảm nghĩ của họ.
Ca sĩ Kim Tước trước khi trình diễn bài “Chiều bên giáo đường” của ông đã kể lại những kỷ niệm vui buồn về ông với giọng đầy cảm xúc.
“Tôi được biết đến nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn từ năm 15,16 tuổi khi tôi di cư từ Hà Nội vào Huế. Hát đài phát thanh Huế được 2 năm sau đó tôi vào Sài Gòn. Tôi nhận thấy nhạc của ông có một nét rất đặc biệt. Nhạc của giáo sư Lê Văn khoa cũng vậy (Ông bà GS Lê văn Khoa có mặt trong buổi lễ). Tôi sợ hai ông này lắm vì nhạc hai ông rất cao siêu và khó diễn tả. Tôi rất mừng vì Ngọc Hà (Phu nhân Lê Văn Khoa) khi hát nhạc LVK đã đạt được ý nhạc của anh Khoa. Bài hát “Chiều bên giáo đường” là một bài nhạc tôi rất thích và đã thâu thanh cách đây mười mấy năm rồi, bây giờ xin hát lại.”
Riêng phu nhânLê Trọng Nguyễn, bà Nga đã trả lời tôi khi hỏi cơ duyên nào ông đã gặp gỡ, yêu thương và gắn bó với bà đến phút cuối đời. “Tôi nghĩ chuyện tình của tôi cũngbình thường như chuyện tình của bao người khác. Ngày đó tôi là nhân viên của hãng Hàng Không Việt Nam mà anh Nguyễn là khách hàng của hãng. Duyên phận của tôi xảy ra ngay chỗ bán vé máy bay. Tôi cũng không ngờ tình duyên đến như sự sắp sẵn của tạo hoá. Trước đó tôi không biết về anh nên khi anh có ý định xây dựng với tôi, tôi lại lo sợ vì nghe đồn về giới nghệ sĩ rất tài hoa và bay bướm. Tuy nhiên khi ý anh đã quyết đi đến hôn nhân thì tôi không chạy đi đâu được nữa và cuối cùng đã chấp thuận.”
Tuy nhiên trong 1 bài viết của NS Trường Kỳ có lời kể “Ngay trong thời gian đầu mới quen nhau, do bản tính khiêm nhường, Lê Trọng Nguyễn không bao giờ để lộ ra cho chị Nga biết ông là một người từng được nhạc sĩ Phạm Đình Chương, người bạn rất thâncủa ông, đánh giá không những là một nhạc sĩ có tài mà còn là một học giả âm nhạc mà ông thường bàn luận trong nhiều dịp sáng tác.
Mãi cho đến khi được người bạn thân tên Mai Hương, con của người bạn Lê Trọng Nguyễn tiết lộ, chị mới biết đó là một nhạc sĩ tài ba mà khi mới gặp ông lần đầu tiên vào năm 1961, nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã nhận thấy ở nơi ông có nhiều nét rất đặc biệt về kiến thức tổng quát cũng như âm nhạc.”
Tôi hỏi thêm “Nhạc sĩ có viết một bài nào đặc biệt cho chị không?” Chị cười “Năm 1969 anh có viết một bài cho tôi là “Tìm nơi em” nhưng tôi nghĩ nó không chỉ cho riêng tôi mà cho tất cả mọi người”.
Hội trưởng nhóm Nhân Văn ở Nam Cali do Trần Mạnh Chi điều hành đã lên ngỏ lời cùng quan khách và giới thiệu các vị diễn giả cùng quan khách hiện diện. Phần diễn giả có các giáo sư: Trần Huy Bích, Dương Ngọc Sum, Quyên Di, Đào Đức Nhuận … Quan khách rất đông cùng sự hiện diện của ông bà nhà văn Trần Việt Hải, GS Lê Văn Khoa và phu nhân là ca sĩ Ngọc Hà, Ca sĩ Kim Tước, Hồng Tước, Kim Loan, Thanh Mỹ, LâmDung, Ngọc Quỳnh, GS Lê Song Thuận, NS Võ Tá Hân, Phạm Mạnh Đạt, NV Nguyễn Quang (Phu quân của NT Minh Đức Hoài Trinh, Phạm Quốc Bảo, Chinh Nguyễn,Dương Viết Điền, Hà Nguyên Du, Vương Trùng Dương, HS Hoàng Vinh, Lưu AnhTuấn …
Trong phần diễn giả phát biểu, Giáo sư Trần Huy Bích đã nhận xét “Lê Trọng Nguyễn: Âm Nhạc và Bằng Hữu” là một cuốn sách nói về âm nhạc rất đặc sắc. Cách trình bày trang nhã và nội dung phong phú gồm 17 bài viết về nhạc phẩm và con người là ưu điểm của sách. Sách được biên tập kỹ lưỡng với một số bài nói về nhạc phẩm “Nắngchiều”. Trong khi GS Dương Ngọc Sum tóm tắt tiểu sử của NS Lê Trọng Nguyễnvà sự nổi tiếng cùng sự quảng bá rộng rãi của bài “Nắng Chiều. Bài này được tái bản nhiều lần và chuyển âm ra nhiều thứ tiếng như Anh, Nhật, Thái, Kampuchia và Trung Hoa.
GS Đào ĐứcNhuận nói bài “Nắng Chiều” nhắc ông nhớ tới quá khứ vì ông đã nghe nó từ lúc ông còn trẻ, tới bây giờ, bài hát ấy vẫn không phai mờ trong tâm trí của nhiều người. Riêng nhà văn Quyên Di bắt đầu bài nói chuyện của ông bằng lối nhập đề lung khởi bằng cách nói về hoa và nắng. Ông yêu nắng và có cảm xúc với nắng, từ những buổi nắng sớm, nắng trưa tới nắng chiều. Bài “Nắng Chiều” được sáng tác năm 1952, ngày ông còn bé nhưng ca từ và âm điệu của nó ghi đậm dấu ấn trong hồn ông từ lúc biết nghe nhạc. Lời nhạc đẹp như thơ nhất là khi tác giả tả “Má em màu ngà, tóc thề nhẹ vương”. Ông phân tích: Các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ khi tả đôi má người con gái, thường tả “má đào” hay “má hồng”. Chỉ có nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn tả “má ngà”. Má hồng, má đào đẹp, nhưng là cái đẹp của ngườicon gái trang điểm, làm dáng. “Má ngà” mới là cái đẹp thật, cái đẹp hồn hậu, hiền dịu của cô gái, cái đẹp rất bình dị mà vô cùng tôn quý, cái đẹp nhẹ nhàng mà gợi cảm và quyến rũ.
Tôi cám ơn tấtcả các nhà thơ, nhà văn, hoạ sĩ, nhạc sĩ đã ghi lại được những nét đẹp của thiên nhiên, của con người và gửi tặng chúng ta. Nhờ thế mà đời sống chúng ta đẹp đẽ, thơm tho và thêm phần ý nghĩa.
Ca sĩ Kim Tước đã mở đầu phần âm nhạc với bài hát “Chiều bên giáo đường” của LTN. Giọng MezzoSoprano (Bán Kim) cao vút chuyên chở những âm điệu thánh thót như tiếng vàng rơi của bà đã làm say mê khán thính giả. Ai cũng lặng người, lắng nghe. Giọng KimTước rất hợp với nhạc Thánh Ca, bà từng hát bài Ave Maria của Văn Phụng trong chiều nhạc “Hát cho vui đời” của bà trước đó. Bà cũng hát thêm một bài hát nữa “Khúc thu ca” của Hồng Tước phổ thơ của Nga Nguyễn.
Sau đó những bài khác của ông như: Lá rơi bên thềm, Sao đêm, Bến Giang Đầu được Ngọc Quỳnh, Thanh Thanh, Kim Loan lần lượt trình bày. Riêng bài “Nắng chiều” lời Việt được hợp ca và Ngọc Hà hát lời Hoa. Kế đến là những bài hát dành cho Ngày Hiền Mẫu như: Quê Mẹ, Mẹ tôi, Mẹ hiền yêu dấu, Nhớ mẹ, qua các giọng hát của Thanh Mỹ, Trâm Anh, Thanh Thanh, Đỗ T Thái, Lâm Dung đã là những món quà tặng tinh thần đến tất cả các bà mẹ mến thương. Những bông hồng đỏ thẫm được trao đến các bà mẹ hiện diện trong buổi lễ như một lời tạ ơn nồng đượm nhất cho những người phụ nữ mang nặng tình mẹ thiêng liêng.
ThanhThư thực hiện
https://vietbao.com/a281142/le-trong-nguyen-am-nhac-va-bang-huu-va-ngay-hien-mau