Ra mắt sách 10 tháng 2, 2019 tại trường đại học CSU-Long Beach, California, USA.

Ban Biên Tập chúng tôi thật hân hạnh thay mặt cho liên nhóm NVNT và TTG đứng ra thực hiện Tuyển Tập Trần Quang Hải mang tên là « Trần Quang Hải : 50 năm nghiên cứu nhạc dân tộc Việt »; để vinh danh và tri ân người nhạc sĩ đã có những đóng góp quý giá vào kho tàng dân tộc nhạc thế giới và đã đào tạo nhiều môn đệ tiếp nối bước chân ông ở nhiều đại học trên thế giới.

Nhạc sĩ kiêm giáo sư tiến sĩ Trần Quang Hải đã đưa chi nhánh âm nhạc Việt Nam trong dòng dân tộc nhạc học góp mặt ở khắp năm châu. Với cuộc sống ở nước ngoài gần nửa thế kỷ, GS. Hải luôn muốn đưa cái hay của Việt Nam ra dòng chính thế giới. Ông làm phiên dịch viên khi soạn nhạc không chỉ nghiên cứu âm nhạc truyền thống mà còn chủ trương nỗ lực bảo tồn nó. Ông góp mặt tổ chức hơn 3.000 buổi hòa nhạc tại hơn 60 quốc gia để giới thiệu âm nhạc đa dạng của dân tộc Việt Nam. Ngoài ra ông đã sản xuất hơn 30 đĩa CD âm thanh và video về âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại. Giáo sư Trần Quang Hải đã sáng tác hơn 400 bài hát và âm nhạc về các loại như thanh nhạc ca hát và âm nhạc dựa vào các nhạc cụ truyền thống Việt Nam. GS. Hải còn viết nhiều bài biên khảo,về những nghiên cứụ và tham luận về âm nhạc dân tộc học cho nhiều tạp chí nổi tiếng thế giới như The World of Music (UNESCO), Tạp chí Xã hội Âm nhạc
Châu Á (Đại học Cornell, Hoa Kỳ), Cahiers de Musiques Tradionnelles (Thụy Sĩ) và Tạp chí Koukin (Tokyo, Nhật Bản). Các bài viết này của ông về âm nhạc Việt Nam và châu Á cũng đã được ghi nhận lại trong từ điển New Grove. Trong phạm vi dân tộc nhạc học GS. Trần Quang Hải là một thành viên của nhiều hiệp hội nghiên cứu âm nhạc tại Hoa Kỳ, Pháp, Anh và Bỉ. Ông đã từng là diễn giả khách mời tại hơn 100 trường đại học trên khắp thế giới và đã trao hơn 1.500 bài phát biểu cho sinh viên ở các trường châu Âu. Tiến sĩ Hải cũng đã tham dự hơn130 lễ hội âm nhạc quốc tế. Tên của ông đã xuất hiện trong nhiều cuốn sách, bao gồm cả Từ điển Tiểu sử Quốc tế (Anh), Quốc tế Ai là Âm nhạc (Anh), 500 Lãnh đạo Châu Âu cho Thế kỷ Mới (ở Mỹ và Pháp). Giáo sư Trần Quang Hải còn là thành viên SACEM (Society of Authors, Composers and Publishers of Music) và ông cũng được trao tặng bảo quốc huân chương (Ordre National de la Légion d’Honneur) của Pháp.

Do vậy Ban Biên Tập chúng tôi hoàn thành tập sách này với mục tiêu ghi nhận sự đóng góp quý báu của GS/TS Trần Quang Hải. Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian mong rằng quyển sách này sẽ được quý độc giả các nơi đón nhận như một tác phẩm tham khảo trong kho tàng văn hóa Việt Nam về người nhạc sĩ độc đáo của chúng ta, với công trình tích cực là duy trì và bảo tồn văn hóa Việt, hầu truyền đạt đến những thế hệ tiếp nối bản sắc dân tộc Việt cho ngày sau. Trong tinh thần đó, Ban biên tập chúng tôi chân thành tri ân ông: GS/TS Trần Quang Hải.
Thay mặt,

GS. Dương Ngọc Sum, Cố vấn.
NHÂN VĂN NGHỆ THUẬT & TIẾNG THỜI GIAN.

______________________________________________________________

Khi nói đến Trần Quang Hải, rất nhiều người trong chúng ta đều biết anh là con trai Gs.Ts.Trần Văn Khê; nhưng có lẽ ít ai biết anh là một Giáo sư về Dân tộc Nhạc học, một Nhạc sĩ chuyên về Nhạc cổ truyền Việt Nam, một nhà nghiên cứu về Âm nhạc truyền thống Dân tộc. Sinh ra trong một gia đình Nhạc sĩ Nhạc cổ truyền từ hơn 150 năm, là đời thứ 5 trong gia đình họ Trần, Trần Quang Hải được hấp thụ hai nền âm nhạc Đông Tây. Sau hơn 50 năm nghiên cứu, anh đã hệ thống hóa và phát triển các kỹ thuật về hát Đồng song thanh, Gõ muỗng, và Đàn môi. Hơn nữa, Trần Quang Hải cũng đã cùng người vợ, nữ danh ca Bạch Yến, thực hiện được hơn 3,000 buổi giới thiệu và trình diễn ở nhiều quốc gia trên thế giới, về những nét độc đáo và đa dạng của nền âm nhạc Dân tộc Việt Nam.

Ngoài danh hiệu được UNESCO công nhận kiệt tác Văn hóa phi vật thể qua nhạc Cung đình (năm 2003), Cồng chiêng (2005), Ca trù và Quan họ (tháng 10/2009) ; cũng như nhiều bộ môn khác như : Hát xẩm, Hát chèo, Hát xoan, Đờn ca tài tử… đang được tuyên dương, và được thế giới biết đến. Gs.Ts. Trần Quang Hải quan niệm “Đâu cần phải đợi UNESCO xác nhận giá trị của di sản Nghệ thuật Dân tộc, chính người Việt phải biết nâng niu, gìn giữ trước khi các di sản phi vật thể đó mất đi…”. Đối với anh, bảo tồn Nhạc Dân tộc là công việc của nhiều thế hệ. “Giáo dục một thế hệ, không phải chỉ là vấn đề văn hóa, mà còn là giáo dục về âm nhạc. Đó là cách thức có thể mang tới sự sống còn của Nhạc Dân tộc”. 

Quyển sách “Trần Quang Hải: 50 Năm nghiên cứu Nhạc Dân tộc Việt” được thực hiện để tri ân người Nhạc sĩ đã dành gần trọn cuộc đời nghiên cứu và đóng góp cho nền âm nhạc Dân tộc Việt Nam cũng như nền âm nhạc của thế giới, với thành quả thật đáng trân quí.

Xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.

Gs. Dương Ngọc Sum, Cố vấn

Nhân văn Nghệ thuật & Tiếng Thời Gian


Tiểu sử Trần Quang Hải

Nhân Văn Nghệ Thuật

(Theo tài liệu do Gs. Ts. Trần Quang Hải cung cấp)

 Trần Quang Hải, sinh ngày 13 tháng 5, 1944 tại làng Linh Đông Xã, tỉnh Gia Định, miền Nam nước Việt Nam. Con trai trưởng của GS TS Trần Văn Khê (sinh ngày 24 tháng 7, 1921) và bà Nguyễn Thị Sương (sinh ngày 19 tháng 9, 1921), cựu giáo sư Anh văn trường nữ trung học Gia Long.

Trần Quang Hải kết hôn cùng nữ ca sĩ Bạch Yến ngày 17 tháng 6, 1978 tại Paris (Pháp). Bạch Yến nổi tiếng với bài « Đêm Đông » vào năm 1957, và chuyên về nhạc ngoại quốc Tây phương lúc đầu của sự nghiệp cầm ca. Sau khi thành hôn với Trần Quang Hải, Bạch Yến chuyển sang dân ca và cùng với chồng phổ biến nhạc dân tộc trên khắp thế giới.

Trần Quang Hải xuất thân từ một gia đình nhạc sĩ cổ truyền từ nhiều đời và anh là nhạc sĩ đời thứ năm. Ngoài ra, anh là Nhà nguyên cứu Nhạc dân tộc (Ethnomusicologist – Ethnomusicologue) chuyên về nhạc Việt, Á châu và hát đồng song thanh từ năm 1968, vừa là thuyết trình viên, nhạc sĩ sáng tác, chuyên gia về sư phạm âm nhạc, và thành viên của Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Khoa Học Pháp. (CNRS – Centre National de la Recherche Scientifique). Theo gót cha anh, GS Trần Văn Khê trên đường nghiên cứu Nhạc dân tộc, anh đã tạo một hướng đi riêng trong địa hạt trình diễn về nhạc cổ truyền Việt Nam, nhạc theo ngẫu hứng, nhạc đương đại cũng như phương pháp nghiên cứu thể nghiệm qua hát đồng song thanh.

 Gia Đình Nhạc Sĩ (NS) Cổ Truyền

  1. NS Trần Quang Thọ (1830-1890), ông sơ của Trần Quang Hải là Quan án sát, theo Phan Thanh Giản sang Pháp để thương thuyết nhưng thất bại, treo ấn từ quan, vào Nam, cư ngụ tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho. Rất giỏi về Nhã nhạc Cung đình Huế.
  2. NS Trần Quang Diệm (1853-1925), ông cố của Trần Quang Hải là người Đàn tỳ bà rất hay, được gởi ra thành nội Huế để học nhạc Cung đình, chuyên về Đàn  tỳ bà. Ông đã sáng chế ra cách viết bài bản cho Đàn  tỳ bà, nhưng rất tiếc tất cả tài liệu đó đã bị thất lạc vì chiến tranh.
  3. NS Trần Quang Triều (1897-1931), ông nội của Trần Quang Hải là người Đàn kìm rất giỏi, trong giới cải lương có biệt hiệu Bảy Triều, đã đặt ra cách lên dây Tố Lan cho Đàn kìm, để đàn lên những khúc nhạc buồn ai oán. Hiện nay chỉ còn một số rất ít nhạc sĩ Cổ nhạc biết đàn dây này (như Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, GS Trần Văn Khê).
  4. GSTS Trần Văn Khê (1921- 2015), thân phụ củaTrần Quang Hải là người đã đưa nhạc cổ truyền Việt Nam lên hàng Quốc tế, làm rạng danh nhạc Việt trên thế giới trong lãnh vực trình diễn cũng như nghiên cứu. Con trai trưởng trong gia đình có ba người con (GS Trần Văn Khê, Quái kiệt Trần Văn Trạch, và Trần Ngọc Sương từng nổi tiếng là ca sĩ Tân nhạc vào đầu thập niên 50), GS Trần Văn Khê đã hăng hái trong phong trào Tân nhạc lúc trẻ (cùng thời với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Phạm Duy) và quay về Cổ nhạc khi soạn luận án tiến sĩ tại Pháp. Từng là giáo sư nhạc Đông phương tại trường đại học Sorbonne (Paris, Pháp), giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học (Paris, Pháp), sáng lập viên Trung tâm nghiên cứu nhạc Đông phương ở Paris, và từng giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng quốc tế âm nhạc của UNESCO. Ông nghỉ hưu từ năm 1987, nhưng vẫn tiếp tục nghiên cứu và đóng góp một vai trò lớn cho hai nghiên cứu Nhạc Cung đình Huế (được danh hiệu “Kiệt tác văn hóa phi vật thể” UNESCO năm 2003) và Nhạc Cồng chiêng Tây Nguyên (Kiệt tác văn hóa phi vật thể UNESCO năm 2005). Ông hồi cư về Việt Nam sau 55 năm sống ở Pháp, và là cố vấn cho công việc nghiên cứu Ca Trù để đệ trình lên UNESCO cho năm 2007, và nghiên cứu Đờn ca tài tử Nam bộ cho năm 2011, dành cho kiệt tác văn hóa phi vật thể. Ngày 24 tháng 6 năm 2015, ông từ trần tại quận Bình Thạnh, TP HCM, Việt Nam.
  5. Trần Quang Hải (1944 –), cựu học sinh trường trung học Pétrus Ký, sau khi tốt nghiệp Trường Quốc gia Âm nhạc Saigon với bộ môn Vĩ cầm (học với cố GS Đỗ Thế Phiệt), đi sang Pháp năm 1961 và học nhạc tại trường đại học Sorbonne, và Nhạc dân tộc ở trường Cao đẳng Khoa học Xã hội (Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales). Trần Quang Hải bắt đầu làm việc cho Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học (CNRS – Centre National de la Recherche Scientifique) với đội ngũ nghiên cứu tại Viện nhạc dân tộc của Viện bảo tàng Con người (Département d’ ethnomusicologie du Musée de l’Homme) từ 1968 cho tới 2009 về hưu). Anh đã có trên 3,500 buổi trình diễn tại 70 quốc gia, tham gia 130 đại hội liên hoan quốc tế nhạc truyền thống, giảng dạy tại hơn 120 trường đại học, sáng tác hơn 400 bản nhạc dành cho Đàn tranh, Đàn môi, muỗng, hát đồng song thanh, nhạc ngẫu hứng, đương đại. Anh cũng đã thực hiện 23 dĩa nhạc truyền thống Dân tộc Việt Nam, hoàn tất ba quyển sách, 4 DVD, 4 bộ phim, và hội viên của trên 20 Hội nghiên cứu thế giới. Con đường nghiên cứu của anh nhắm về sự giao lưu giữa các loại nhạc cổ truyền với các loại nhạc trên thế giới (World music), pha trộn nhạc ngẫu hứng, jazz, đương đại với nhiều loại nhạc khí và kỹ thuật giọng hát để tạo thành một loại quốc gia âm nhạc hoàn toàn mới lạ.

SỰ NGHIỆP

  1. 1955-1961: Học tại Saigon, tốt nghiệp Vĩ cầm (Lớp GS Đỗ Thế Phiệt).
  2. 1954-1961: Học trường trung học Pétrus Ký, Saigon.
  3. 1963-1970 : Học tại Trung tâm nghiên cứu nhạc Đông phương (CEMO – Centre d’Etudes de Musique Orientale – Center of Studies for Oriental Music, Paris), học các loại nhạc truyền thống Ba Tư, Ấn độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Đông Nam Á, Việt Nam.
  4. 1963: Học tại trường Ecole du Louvre, Paris.
  5. 1965: Chứng chỉ Anh văn (Certificate of Proficiency in English), University of Cambridge, Anh quốc.
  6. 1965: Chứng chỉ văn chương Pháp (Certificat de Littérature Française), Université de Sorbonne, Paris.
  7. 1967: Cao Học Dân Tộc Nhạc Học trường Cao Đẳng Khoa Học Xã Hội, Paris.
  8. 1969: Chứng chỉ Âm Học (Certificat D’acoustique Musicale), Paris.
  9. 1970: Văn bằng Cao Đẳng Nhạc Việt Trung Tâm Nghiên Cứu Nhạc Đông Phương, Paris.
  10. 1973: Tiến Sĩ Dân Tộc Nhạc Học trường Cao Đẳng Khoa Học Xã Hội, Paris.
  11. 1989: Văn bằng Quốc Gia Giáo Sư Nhạc Truyền Thống, Paris.

Từ năm 1965 tới 1966: Theo học lớp Nhạc điện (Musique Electro-Acoustique) với GS Pierre Schaeffer, người sáng lập loại Nhạc điện tử ở Pháp.

Từ năm 1968 tới 2009: Làm việc tại Viện Dân tộc Nhạc học của Viện Bảo Tàng Con Người (Département d’Ethnomusicologie du Musée de l’Homme) ở Paris (Pháp).

Từ năm 1968 tới 1987: Làm việc ở Viện Dân tộc Nhạc học của Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Và Truyền Thống Dân Gian (Département d’Ethnomusicologie du Musée des Arts et Traditions Populaires) ở Paris (Pháp).

Từ 1970 tới 1975: Giáo sư Đàn tranh của Trung Tâm Nghiên Cứu Nhạc Đông Phương, Paris.

Trần Quang Hải là Nghiên cứu sư của Trung tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Khoa Học (CNRS) ở Paris từ năm 1968. Và từng là thành viên của nhiều đội ngũ nghiên cứu (RCP 178 – Recherche coopérative sur programme từ 1968 tới 1973; ER 65 – Equipe de recherche từ 1974 tới 1981; Laboratoire Associé từ 1974 tới 1987; UPR 165 – Unité Propre de Recherche từ 1982 tới 1985; UMR 9957 – Unité Mixte de Recherche từ 1986 tới 1997; UMR 8574 – Unité Mixte de Recherche từ 1997 tới 2004; UMR 7173 – Unité Mixte de Recherche từ 2005 trở đi).

Trong suốt thời gian 55 năm hành nghề nhạc sĩ chuyên nghiệp (1962 -2017), anh đã trình diễn trên 3,500 buổi cho khán giả Tây phương, và trên 1,500 buổi diễn cho học trò trên thế giới do các cơ quan chính thức của Na Uy (Rikskonsertene), Bỉ (Jeunesses Musicales de Belgique), Thụy Sĩ (Jeunesses Musicales Suisses), Pháp (Jeunesses Musicales de France, Association départementale pour diffusion et initiation musicale – ADDIM).

Từ 1971: Làm 15 dĩa 30cm / 33 vòng và 8 CD về nhạc cổ truyền Việt Nam, đặc biệt là về Đàn tranh. Nhiều sáng tác của anh đã được thu vào dĩa và được đăng trong các quyển tự điển Who’s Who in Music (từ năm 1987), Who’s Who in the World (từ năm 1981), và Who’s Who in France (từ năm 1997).

Về sáng tác nhạc, Trần Quang Hải có viết 12 ca khúc Thiếu nhi với sự cộng tác của nhà văn Duyên Anh năm 1984. Anh đã sáng tác trên 400 nhạc phẩm đủ loại với các ca khúc viết tiếng Việt, Pháp, Anh; và nhạc cho Đàn tranh, Đàn bầu, muỗng, Đàn môi, và hát Đồng song thanh. Ngoài ra, anh còn viết nhạc cho phim « Long Vân Khánh Hội»của Lê Lâm vào năm 1980, phim « Le Chant des Harmoniques » (Bài Ca Bồi Âm) vào năm 1989, và cho phim « La Rencontre du Coq et du Dragon » (Cuộc hội ngộ giữa Gà và Rồng) vào năm 1998.

Với tư cách nhà nghiên cứu Dân tộc nhạc học, Trần Quang Hải đã viết nhiều bài cho các tập san nghiên cứu nhạc học như « The World of Music » (UNESCO), « Journal of Asian Music Society (Cornell University, Hoa Kỳ), « Yearbook of the International Council for Traditional Music –ICTM, Hoa Kỳ), « Cahiers de Musiques Traditionnelles » (Thụy Sĩ), « Koukin Journal » (Tokyo, Nhật Bản).

Anh có viết một bài về nhạc Campuchiacho New Grove Dictionary of Music and Musicians, ấn bản lần thứ 1 (1980) (20 quyển, London, Anh quốc), định nghĩa vài nhạc cụ Việt Nam cho New Grove Dictionary of Music, ấn bản lần thứ nhì (2001) (29 quyển, London, Anh quốc), định nghĩa cho trên 200 từ nhạc cụ của Việt Nam, và Đông Nam Á cho New Grove Dictionary of Musical Instruments, London, Anh quốc, Ấn bản lần thứ nhất (1984) (3 quyển).

Trần Quang Hải viết lịch sử nhạc Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan cho quyển tự điển Algemeine Muziekencyclopedia (1082-1984, Hòa Lan), và nhiều bài cho tự điển Encyclopaedia Universalis (1984, 1986, 1988, 1990, 1991, Paris).

Anh đã làm 4 DVD về giọng, và hát đồng song thanh: « Le Chant diphonique » với CRDP (Trung Tâm Địa Phương Tài Liệu Sư Phạm và Hàn Lâm Viên La Réunion, 2004), « Le chant des Harmoniques » (CNRS – Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Khoa Học, 2005), « La Voix » với nhà xuất bản Lugdivine (2006, Lyon, Pháp), và « The Song of Harmonics » với CNRS, Paris, 2006.

Ngoài ra, nhà nghiên cứu Nhạc Dân tộc, cùng đạo diễn Pháp Patrick Kersalé đã thực hiện hai chương trình video « Mystères des Voix du Monde » (Sự huyền bí của các giọng thế giới) (2012), và « Le Chant des Harmoniques » (Bài ca bồi âm) (2013), trong đó Trần Quang Hải là nhân vật chính của hai video này.