Nhà Thơ Đỗ Bình & Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris

Nhân dịp Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian ở Nam California chu du Âu Châu. Nhà thơ Đỗ Bình và các văn nghệ sĩ tổ chức bữa cơm thân mật với các anh chị văn nghệ sĩ ở Mỹ vào lúc trưa ngày 20 tháng 9 năm 2023 tại nhà hàng Sài Gòn số 104 Ave d’Ivry, Paris 13…. Viết bài nầy để gởi lời chia sẻ với nhà thơ Đỗ Bình và quý vị trong  Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris. Vương Trùng Dương NHÀ THƠ ĐỖ BÌNH, PARIS Năm 2006, tôi nhận được tuyển tập Nhà Văn Hải Ngoại của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên (1930-2023). Ông là giáo sư, học giả, luật sư, nhà nghiên cứu, hội viên Hàn Lâm Viện Khoa Học Hải Ngoại (Académie des Sciences d’Outre-Mer) của Pháp năm 1997 nhưng ông chỉ thích với danh xưng nhạc sĩ. Trong tuyển tập này, nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên viết bài Bóng Quê Của Đỗ Bình (trang27-33). Những dòng chữ đầu tiên giới thiệu về nhà thơ Đỗ Bình: “Thi Sĩ Đỗ Bình, Cựu Tù Nhân Chính Trị… mến phục ngay con người đã từng chịu đựng nỗi đau khổ nhục tù cải tạo vì đã hiến thân mình cho nước nhà dân chủ tự do… sự gặp gỡ giữa tôi và anh chị Đỗ Bình trở thành một kỷ niệm đầy ý nghĩa”. Có lẽ thân phận người lính, người tù giữa nhà thơ Đỗ Bình và tôi như nhau nên đồng cảm và thiện cảm. Tập thơ Bóng Quê, gồm 82 bài thơ, dày 128 trang, được ra mắt ở Paris tại Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam năm 1998, lúc đó phương tiện internet chưa được phổ biến rộng rãi nên thi tập nầy không đến với thân hữu ở hải ngoại. Thi phẩm Bóng Quê với một phần tư thế kỷ trôi qua, nhân đây trích bài viết của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên giới thiệu những dòng thơ của “nhà binh làm thơ” Đỗ Bình. “… Tôi xa nhà đã lâu, từ lúc từ giã quê quán, đất nước mặc dầu loạn lạc vẫn giữ tinh thần quốc gia dân tộc dân chủ tự do, cho nên cái buồn viễn xứ dù thấm thía đến đâu cũng không bằng nỗi đau thương cực độ của một người trai trẻ tỵ nạn tại Pháp từ 20 năm, sau khi nếm mùi gian khổ trong xà lim Cộng Sản, bị mất một nửa phần ánh sáng: “Anh phóng hồn qua lỗ khóa con Để còn trông thấy bóng trăng non … Chờ con mắt lạc sâu đêm tối Là lúc con trùng réo nỉ non” (Người Tù & Bóng Tối) Vì thế cho nên Đỗ Bình không bao giờ quên giúp đỡ những hội ái hữu chăm sóc cho Thương Binh VNCH… Như muốn nhắc nhở đồng bào hải ngoại chớ quên những người đã hy sinh cho tổ quốc, nay tàn tật, lê chân mệt mỏi trên đất người: “Ngày tháng trôi đi buồn vẫn đọng Trên dòng chinh chiến đã rêu phong Súng gươm lặng lẽ vào quên lãng Khấp khểnh đường chiều, chiếc nạng cong” (Nạng Gỗ) … Ở đất nước xa lạ, nhiều lúc nguồn thơ muốn quên lãng trong cốc rượu nồng, vì không cón biết mình còn đủ tàn lực tranh đấu cho tổ quốc: “Đêm khua khoắt, gió heo may Hồn người lính trận nương mây trở về?! Ta say thật hay say mê Mà nghe chua xót lời thề năm xưa” (Xưa) Đọc thơ Đỗ Bình, tôi không thể nghĩ đến Phạm Ngọc trong Nỗi Đam Mê Muộn Màng “… Cánh chim dang dở đường bay. Ngồi trong đêm nuôi mộng cùng ngày” vì tác giả Bóng Quê: “Từ khi làm cánh chim buông Chân trời, góc bể như tuôn mạch sầu” (Cô Đơn) Hoặc để thoát ly nỗi cô quạnh của Người Tù & Bóng Tối: Anh muốn làm chim cất cánh bay Về miền xa thẳm tít trời mây Thả hồn lướ cánh say trong nắng Giải thoát đời qua kiếp đọa đày” Buồn ơi là buồn, nỗi buồn cô quạnh, nỗi buồn xót xa của nhà thơ một mình nơi xứ lạ: “Lên đỉnh non ngàn vọng cố hương Mắt buồn chĩu năng mấy làn sương Nhìn quanh, chẳng thấy trời quê mẹ Chỉ có tuyết rơi… dốc đoạn trường” (Đỉnh Nhớ) Cái biệt tài của Đỗ Bình là một thi sĩ mà cũng là nhạc sĩ (phần đông những bài thơ trong Bóng Quê được tác giả tự phổ nhạc, và những bài khác với sự cộng tác của Việt Phương, Nguyễn Minh, Đào Tuấn Ngọc, Minh Sơn, Anh Việt Thanh, Trịnh Hưng, Lê Khắc Thanh Hoài) nằm ở sự khéo léo sắp đặt âm điệu của lời thơ…” Theo nhà thơ Đỗ Bình: “Bài thơ Tình Chỉ Là Mơ và bài thơ Cõi Tình, tôi chọn đưa vào in trong thi tập với lòng yêu thơ. Tôi thường làm thơ về quê hương, về thân phận con người, nay làm được những bài thơ về tình yêu lứa đôi lãng mạn của tha nhân tôi cảm thấy vui, tập thơ sẽ có thêm màu sắc… Khi tập thơ được in xong, các bạn văn vì cảm mến tôi nên đã cùng nhau tổ chức một buổi ra mắt sách rất trang trọng vào ngày 4 tháng 10 năm 1998 tại Hội Trường Quốc Tế Paris, quy tụ tất cả các văn nghệ sĩ ở Paris và khắp nơi đến. Đặc biệt những danh ca chỉ dành hát độc quyền cho các trung tâm nhạc cũng về Paris trình diễn cho buổi ra mắt sách”. Nhà thơ Đỗ Bình trong thời chiến tranh là người lính đơn vị tác chiến với hình ảnh trong Đêm Tiền Đồn: “Áo trận phong sương dốc núi mòn Rừng đêm cô quạnh mảnh trăng non. Sông dài uốn khúc dòng không chảy Vài mái tranh xiêu nóc chẳng còn! Nơi đây rừng núi mây sương phủ Ngày tháng vàng theo chiếc lá thu Mỗi bước bẫy mìn giăng khắp lối Đường đêm rờn rợn cõi âm u. … Không gian hờ hững, quen bom đạn Người lính nằm queo máu đã khan! Chiến địa hận thù mờ khóe mắt Một tràng tiếng nổ bóng đêm tan!” Rồi nỗi đau uất hận lại ập đến trong ngày 30 tháng Tư với tâm trạng bi thương khi Tàn Cuộc Chiến: “Người lính trẻ lên đường ra chiến trận Dù gian nguy nào có tiếc tuổi xuân Vì tự do, cho sông núi vẹn phần Tay ghìm súng lòng chưa mang oán hận. Ngày quốc biến khắp nơi thành chiến địa, Người cõng nhau chạy trốn đạn pháo kia Tiếng xung phong, tiếng nổ, xác thân lìa, Thịt người nóng đầu mình văng tứ phía … Tàn chiến cuộc nước non thành dâu bể Ôi hòa bình… khói ngút bay trần thế!” Sau ngày tàn cuộc chiến, cũng như bao người người lính VNCH bị sa cơ vào chốn lao tù, bị giam cầm, đọa đày được mô tả qua dòng thơ Kiếp Tù: “Môi khô nứt bụng đói cào rời rã Kiếp tù nhân thân gầy đét xương da. Con mắt mở đời gần như hóa đá Nhìn quanh đây toàn những nỗi xót xa. … Trong ngục tối ngày vẫn dài thăm thẳm Thiếu tiếng người ngoài tiếng gió xa xăm! Đời hiu quạnh hồn chết dần say đắm Thương bài thơ cũng mục rã âm thầm! Ta muốn thét cho đời vơi thê thẳm Vẫn làm thơ chờ về cõi trăm năm. Người ngoài đó con đường xưa mây xám Mất tự do thì nào khác trại giam! Ôi chủ nghĩa trời quê hương u ám Ta ngồi đây vọng tưởng những tháp Chàm!” Khi thoát khỏi quần đảo ngục tù, được định cư nới xứ người, nỗi niềm của anh trang trải qua bài Trăn Trở: “Tháng Tư buông súng nhục nhằn, Về đây thao thức… chùm chăn mấy lần Tha hương nghìn dặm gian truân, Đời như sóng rẽ cũng phần lanh quanh! … Tháng Tư đốt nén hương trầm Trong tim để khóc âm thầm cố hương”. Những ngày đầu sống trên xứ người, dù Paris được mệnh danh là “kinh đô ánh sáng” nhưng với anh vẫn trong tâm trạng kẻ lưu đày trong Một Lối Về: “Bóng quê mù tít xa khơi, Phố xưa mất dấu một thời đắm say? Quanh đây những kiếp qua ngày, Có người nhặt chiếc lá bay cuối bờ! Tàn đêm lịm ánh trăng mơ, Cớ sao giấc điệp… cũng hờ hững nhau! Buồn theo sợi tóc phai màu, Biển xanh chìm khuất niềm đau hôm nào?” Mang thân phận của người lính khi mất nước đành cam chịu cuộc sống  Kiếp Tha Hương trong nỗi ngậm ngùi: “Chiều lên nắng ngả vàng khu phố, Nghiêng xuống đời ta vạt lụa thơ. Hầm métro nhiều chân bước vội, Vẳng thanh âm khúc nhạc mơ hồ. Hỡi nàng mắt xanh môi sầu mộng, Tấu làm chi ca khúc não lòng? Lời hát vút cao như tiếng khóc, Chạnh buồn, ta tủi kiếp lưu vong!” Giữa thập niên 1960s, tôi trải qua hai năm quân trường, phục vụ ở Vùng I và Vùng II Chiến Thuật, trở lại trường cũ, sau những năm lao tù, về lại chốn xưa trong tháng ngày đen tối nên khi đọc thơ của anh viết về Đà Lạt, cùng thân phận và hoàn cảnh với nhau, tôi cảm thấy xót xa: “… Dốc mòn đồi tím mênh mông, Em theo cánh bướm ngàn thông quên đường! Bóng chiều cỏ úa màu sương Em đi, còn thoảng mùi hương lối về” (Đồi Thông) Thời gian sống ở hải ngoại, có những lúc nhớ đến Đà Lạt, bắt gặp trong thơ anh với tâm trạng của tôi: “Trong giấc mơ xưa tìm dấu cũ Đồi thông vi vút lá vào thu. Phố chiều nắng ngả vàng khu chợ Trường cũ nhòa theo lốc bụi mù! … Đà Lạt ngàn hoa trên lối nhỏ Đường qua phố chợ dốc quanh co Đèo cù mây trắng bay lờ lững Lên thác Cam Ly, suối hẹn hò. … Nhớ quê ngày tháng thêm cô quạnh Non nước tuyệt vời như bức tranh Bàng bạc không gian đầy mộng  ảo! Mơ hồ, thấy phố núi, trời xanh. (Đêm Mơ Phố Núi) Mười hai thế kỷ về trước, bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt Tĩnh Dạ Tư của Lý Bạch đã để lại hậu thế hai câu thơ trác tuyệt: “Cử đầu vọng minh nguyệt, Đê đầu tư cố hương” Năm 2007, trong một đêm trăng ở Little Saigon, ngồi chung với nhà thơ Du Tử Lê, nhắc đến bài thơ Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn được Phạm Đình Chương phổ nhạc, tối đó tôi viết bài cùng với tựa bài thơ và ca khúc. Dòng cuối “Trăng và cố hương trong thơ Du Tử Lê và dòng nhạc của Phạm Đình Chương cùng nỗi niềm và tâm trạng của người xa xứ có lẽ gắn liền với “giai đoạn lịch sử” của đất nước”. Bài thơ của anh Đỗ Bình khi nhớ về cố hương phảng phất khung trời ngày xưa: “Viễn xứ ngàn trùng thương xóm cũ Hạ về hoa đỏ rực quanh đây Chợi nhớ phượng xưa trăng phố nhỏ Áo em vàng lụa tưởng vần thơ … Lặng lẽ mùa đi nào có biết, Phố xưa phảng phất nỗi u hoài! Trăng muôn đời vẫn là trăng mộng Tỏa ánh tơ vàng thắm khoảng không” (Trăng Muôn Đời Vẫn Sáng) Nhân đây, đề cập thêm về nhà thơ Đỗ Bình đã dấn thân trong lãnh vực văn học nghệ thuật. Từ khi định cư tại Paris, nhà thơ Đỗ Bình là người trẻ tuổi nhất đã bỏ ra nhiều công sức giúp ích rất đắc lực cho Ba Lê Thi Xã, sáng lập vào năm 1981…  quy … Continue reading Nhà Thơ Đỗ Bình & Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris