• Trần Quang Hải,  Văn Thơ

    Nỗi Nhớ Quê Hương

    Cách đây nhiều năm khi viết bài văn “Lời Cho Quê Hương”, tôi cảm nhận những suy tư, những rung cảm với nỗi buồn quê hương từ tâm thức, vì những vấn nạn hiện nay tại quê nhà từ vấn đề văn hóa, xã hội, y tế lâm vào tình trạng sa sút, tụt hậu, yếu kém xảy ra trên quê hương mà bao xót xa phủ chụp lên đầu người dân vô tội, tôi viết bài này trong bối cảnh quê hương rơi vào hoàn cảnh nghèo khổ. Người dân miền quê nghèo vẫn nghèo sau bao năm người Cộng Sản lãnh đạo xứ sở, dân oan thiệt thòi, tệ nạn xã hội tràn lan, tham nhũng lộng hành, kẻ mạnh bốc lột người dân,… Tôi đọc thơ, thơ của nhà thơ Phạm Hoài Việt trong bài thơ “Vọng Tưởng Quê Hương”, ý tưởng diễn tả nỗi buồn cố hương như những dòng dẫn nhập vào đề của tôi:

    Nhìn lại giang san quá tả tơi
    Đêm về ngập nỗi nhớ không vơi
    Người đi chất ngất mang niềm hận
    Kẻ ở âm thầm nén lệ rơi
    Thấy xót quê Cha lòng khắc khoải
    Trông vời đất Mẹ dạ tơi bời
    Trăng khuya chiếc bóng mình cô lẻ
    Vọng tưởng cố hương… bỗng nghẹn lời.

    Xa quê hương thì ai lại không nhớ, khi quê hương ngụp lặn trong nghèo khó thì lòng ta quặn thắt xót xa. Tôi đọc những bài viết cũ về quê hương, nỗi nhớ quê hương cứ mãi tràn dâng. Dù tình thế chưa thuận tiện cho bao người tại hải ngoại phải từ chối trở về quê hương, không có nghĩa là họ chối từ quê hương, nhưng bởi lẽ họ không chấp nhận nhà cầm quyền độc đoán, bất tài bất xứng hiện nay mà thôi.

    Mọi người chúng ta khi sinh ra đời, rồi khi lớn lên chứa chất những hoài niệm về một góc trời quê hương trong trí nhớ nào đó, và quê hương chính là cái nôi sưởi ấm con tim, quê hương ru ta mỗi khi buồn vì lưu vong xa xứ, hay quê hương ru ta về những kỷ niệm xa xưa. Tôi nhìn những đám lục bình trôi trên sông Mississippi ngày nào mà chạnh nhớ về những dòng sông quê nhà như Vàm Cỏ Đông hay Cửu Long giang, nhớ bâng quơ rồi tim tôi bồi hồi xao xuyến. Rồi khi viếng cao nguyên Napa có những con đường rợp bóng mát do những cây sồi (oak) mà tàn cây to chụm vào nhau, đi giữa mùa hè mà không thấy ánh nắng dẫn vào thành phố Oakvillle của miệt Bắc Cali, như dạo nào tôi đi xuyên qua những con đường làng lối trúc ngõ tre ở Trảng Bàng, tôi còn nhớ hai hàng tre dọc hai bên đường che phủ rợp trời, che kín ánh nắng cho bóng mát tuyệt đối để hồn thơ trong tôi dâng trào:

    “Tôi đi giữa lòng quê hương

    Nắng Cali như bóng mát Trảng Bàng”

    Cầu Quan Tây Ninh

    Đó là quê hương mang theo, như những hành trang theo tôi, có lẽ đến hết cuộc đời này, ôi quê hương nuôi ta từng ngày, ta mơ quê hương như yêu người tình.

    “Tây Ninh nắng cháy da ngừơi,

    Phố đông thân thiết hỡi ngừơi Tây Ninh?

    Trong một bài khác nhớ về Tây Ninh, “Xuôi Sông Vàm Cỏ”, tôi dâng nỗi nhớ nhung, rồi đắm chìm về kỷ niệm lưu luyến về sông nước quê nhà xa xăm:

    “Tôi ra đời tại quận Gò Dầu Hạ, nằm trong lãnh thổ Tây Ninh, hướng Tây Bắc của Sài Gòn khoảng 77 cây số. Từ Gò Dầu đi thêm 22 cây số nữa mới tới Tây Ninh. Tây Ninh là quê nội của tôi và Vũng Tàu là quê ngoại tôi. Do đó ba tôi đặt cho anh em tôi luật công bằng là mỗi mùa hè đến, khi bãi trường anh em tôi chia ra làm hai tốp, nếu tốp một về Tây Ninh, thì tốp kia về ra Vũng Tàu. Với ký ức còn sót lại trong tâm trí tôi thì nếu Vũng Tàu cho tôi những kỷ niệm vui đùa với sóng biển tại Bãi Sau (bãi Thùy Vân) hay Bãi Trước (bãi Thùy Dương) thì Tây Ninh cho tôi cái kỷ niệm chạy tung tăng tắm mưa rào ngoài đồng ruộng, và Tây Ninh còn cho tôi những kỷ niệm chèo ghe cũng như tắm sông Vàm Cỏ Đông. Bài viết này sẽ cô đọng nhiều về vùng đất Gò Dầu Hạ và con sông đầy thơ mộng Vàm Cỏ Đông. Về mặt địa lý thì sông Vàm Cỏ Đông chảy từ biên giới Cao Miên tại xã Hòa Hội, Tân Biên rồi qua các địa danh Châu Thành, Bến Cầu, Hòa Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng, sông dài hơn 150 km. Tại Tây Ninh, Vàm Cỏ Đông chảy từ phía tây bắc hướng Bến Cầu có cảng Bến Kéo qua Gò Dầu Hạ, rồi xuôi hướng đông nam chảy qua thị trấn Bến Lức của tỉnh Long An. Sông Vàm Cỏ Đông và Sông Vàm Cỏ Tây hợp lưu vào cửa Soài Rạp đổ ra biển. Vì có nhiều nhánh sông nhỏ của Vàm Cỏ Đông nên nó rất thuận tiện cho việc lưu thông bằng đường thủy để vận chuyển hàng hóa từ các nơi về Tây Ninh hay ngược lại từ Tây Ninh đến những nơi khác, điển hình là tại cảng Bến Kéo rất tấp nập. Tôi thích đoạn sông Vàm Cỏ Đông từ hướng Tây Ninh băng ngang từ thị xã Long Thành ra Giang Tân tới Bến Kéo, rồi đến xã Cẩm Giang, xuôi Trà Võ hướng về quận Gò Dầu là khúc sông thật thơ mộng khi ta bồng bềnh trên sóng nước thiên nhiên. Năm 1973 tôi theo ba tôi đi tàu cua hải quân lướt trên sóng nước tình quê; Ôi Vàm Cỏ Đông quá đẹp trong ký ức với những đám lục bình xanh hoa tím trôi lững lờ.”

    Tôi xem bài viết của nhà văn đồng hương Nguyễn Bá Hoa viết về Gò Dầu Hạ, nơi tôi đã chào đời:

    “Người khách tha hương, thông thả bước trên con đuờng đã hai mươi năm quen biết , nhưng đôi lúc cảm thấy hơi xa lạ nhớ tiếc một cái gì không mất hẳn, nhưng quá xa. “Tôi muốn tìm lại trong giấc mơ những gì tôi đã mất trong những ngày trẻ tuổi ”(Nhạc sĩ Văn Cao). Người lữ khách không nặng lắm về hiện tại nhưng tha thiết với quá khứ hơn, phải chăng đó là một trong những biểu hiện của tuổi “bóng xế nhành dâu” !? Trong đời người, có những kỷ niệm nói lên tình cảm mộc mạc chân thành mà khi nhắc đến như có điệu nhạc êm đềm đã xúc tích một mối hoài cảm mênh mông đủ hiệu lực gọi thức dậy những thớ tim làm rung động tâm hồn chúng ta. 

    Thương nhớ quê hương, nhớ Việt Nam, nhớ cánh đồng lúa xanh mơn mởn bên kia bờ sông Vàm Cỏ Đông, nhớ ngôi trường Gò Dầu Hạ với hàng me keo, nhớ con đường về Gia Bình ngang qua Trâm Vàng, con đường vào xóm Rạch Sơn, lên Gò Chùa lễ Phật ở Cao Sơn Tự,… Quê tôi mưa nắng hai mùa, những cơn mưa suốt ngày không dứt, có những cô bé đôi mắt tròn xoe thả chiếc thuyền giấy trên dòng nước mưa chảy ngang sân, đắc ý nhìn theo dòng nước khi thuyền đã đi xa, vẫy tay chào như muốn nói lời tam biệt. Tuổi trẻ vô tư như đàn chim trên cành cây mùa xuân đầy hoa quả, chẳng may gặp thời buổi bành trướng của kẻ mạnh cuồng tính, như chú thợ săn với “lý trưởng bá quyền” dùng cây súng bắn lên đàn chim non, chim lạc đàn. Từ đó, đàn trẻ nhỏ không thể về nơi hiên nhà tuổi thơ, ai đã đem giông tố bao trùm thế hệ ?! 

    Còn đâu những đôi mắt ngây thơ nhìn mưa cười khúc khích, những đôi tay khéo léo xếp thuyền giấy, tưởng lớn lên được góp sức xây dựng quê hương. Nào ngờ con thuyền giấy ngày xưa của cô bé nhiều ước mơ đã thành chiếc thuyền sắt phải ra khơi tìm đến bến bờ tự do, dòng nước mưa ngày xưa đã dạy cho tuổi trẻ lớn lên có cuộc sống ý nghĩa “tánh như thủy” linh hoạt, dễ thích ứng, đoàn kết và kiên nhẫn “nuớc chảy đá mòn”. Nhìn dòng sông Saint-Laurent rộng mênh mong chảy ngang qua thành phố Mộng-Thế-An (Montréal) rồi đổ ra vịnh Saint-Laurent (Ðại Tây Dương) mà nhớ đến sông Vàm Cỏ Ðông bé nhỏ, nước xanh biết phát ngưồn từ vùng đồi cao 150m ở Ðông Nam Campuchia, chảy qua Tân Biên, Châu Thành, Hoà Thành, Bến Cầu, ngang qua chợ Gò Dầu Hạ, Trảng Bàng theo hướng tây bắc, đông nam đến ngã ba Bần Quỳ (Long An) hợp với sông Vàm Cỏ Tây chảy vào cửa Soài Rạp rồi đổ ra biển Ðông. Sông Vàm Cỏ Ðông chịu ảnh hưởng triều cường của biển Ðông mà người địa phương gọi là nước ròng (triều kém), nước lớn (triều cường). Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi… Ngược dòng lịch sử, vào giữa thế kỷ XVII, một số đồng bào từ miền Trung đi vào miền Nam lập nghiệp, họ dừng chân ở một vùng đất cao (Gò) có nhiều cây dầu cạnh bờ sông Vàm Cỏ Động. Dầu có nhiều loại: dầu con rái, dầu song nàng, dầu lông,… Nhựa dầu dùng trét ghe xuồng, ngày xưa còn dùng để thắp đèn. Gỗ dầu cứng nhưng không láng, không bóng khi đánh vec-ni.

    Đình Thanh Phước tọa lạc trên một gò đất lớn cách chợ Gò Dầu Hạ độ hơn 500 mét, còn nhiều cây dầu có tuổi thọ hàng trăm năm, thân cây có thể cao từ 30 đến 40 mét, đường kính gốc cây gần 2 mét, địa danh Gò Dầu xuất phát từ đó, sở dĩ gọi là Gò Dầu Hạ để phân biệt với một địa danh khác là Gò Dầu Thượng (thuộc xã An Thạnh).” 

    Sông Vàm Cỏ Đông, Gò Dầu

    Với tôi, Gò Dầu là quê hương nhỏ, Tây Ninh là quê hương lớn, lớn hơn nữa là xứ sở Việt Nam. Quê hương có thể được xem như nơi ta mở mắt chào đời, nơi nuôi ta khôn lớn, quê hương tiềm ẩn trong ký ức, rất khó quên, lòng yêu mến quê hương mà quyển sách xưa của văn hào người Ý, Edmondo de Amicis, tác giả của danh tác “Tâm Hồn Cao Thượng” (Les Grands Coeurs, Cuore [Heart] 1886), kể về lòng yêu nước của cậu bé Thành Padova yêu thương quê hương, một dấu ấn cho nhiều chúng ta của một thuở đã qua. Một chế độ chính trị, một thể chế cầm quyền có thể vi phạm sai lầm bởi yếu tố nhân tai, nhưng quê hương bởi bản sắc không bao giờ sai trái cả. Hãy ca tụng nơi bạn sinh ra, dù quê làng thôn xóm có nghèo khổ, nhưng đó là quê hương bởi định nghĩa, bởi tình yêu cho quê hương, quê hương là nôi sưởi ấm trong góc nhớ trong tâm hồn của mỗi chúng ta.

    “Gò Dầu quê tôi ra đời,

    Xa quê nhỏ xíu nhưng rồi không quên!”

    Tôi đọc “Những Kỷ niệm” của tác giả Nguyễn Bá Hoa trong nỗi cảm thông vì vùng đất chung của chúng tôi, cảm nhận sự xót xa của những người dân quê nghèo như các phụ nữ trẻ bị bán ra xứ người làm con sen ở đợ hay “ô-sin”, một tên gọi theo một loạt phim bộ Oshin của Nhật, sau này xứ Việt lại sinh ra chữ nghĩa ám chỉ “người giúp việc trong gia đình”.

    “Trong nhà gì khổ bằng sen

    Ô-sin tủi nhục oan khiên quê người”

    Đọc tiếp bài của Nguyễn Bá Hoa: “Trường làng tôi không giây phút tôi quên, vui sống bao kỷ niệm ngày xanh.”

    Ngày đó, Quốc Lộ 1 (nay là Quốc Lộ 22A) từ Sài Gòn đến quận lỵ Gó Dầu Hạ chia làm 2 ngã (gọi là Ngã Ba): một đi thẳng qua cầu Gò Dầu hướng đến biên giới Việt Nam – Campuchia, còn ngã kia, nay gọi là quốc lộ 22B đi lên hướng Bắc đến Tỉnh lỵ Tây Ninh, trên quốc lộ 22B về hướng Bắc, cách ngã ba chừng một trăm mét bên trái có con đường tráng nhựa chạy thẳng đến cầu tàu sông Vàm Cỏ Đông (ngày trước trên bờ sông có bến tàu để thỉnh thoảng vài chiếc tàu nhỏ của quân đội Pháp và những chiếc chaloupe ghé bến tạm) ngang qua nhà Hội của xã Thanh Phước, và nhà lồng chợ Gò Dầu. Trường Tiều học Gò Dầu Hạ, nằm bên trái con đường nầy, có hàng rào bông bụp lá xanh, có hàng me keo bên hông dãy nhà gạch kiên cố gồm có văn phòng Hiệu trưởng và những phòng học. Cây me keo cao từ 6 đến 10 mét , lá nhỏ và cứng, thân và cành cây đều có gai, hoa me keo màu trắng ngà rất hấp dẫn đối với loài ong mật. Trái me keo chín màu đỏ nhạt, nó nhỏ hơn trái me, trái có nhiều mắt, mỗi mắt là một hột. Cơm trái me keo màu trắng, không có gì hấp dẫn nhưng học sinh vẫn hái chơi. Nhà trường trồng me keo để làm hàng rao vì cây có gai. Đối diện dãy nhà chính nầy là những phòng học mới phát triển cạnh nhà thầy Nhâm, giữa hai dãy phòng học có sân rộng, có cột cờ. Ngoài hành lang dãy nhà mới nầy, nói là mới nhưng không đẹp và kiên cố như dãy nhà cũ, người ta không thể quên cái trống chầu, sơn đỏ treo ở đó, dùng đánh báo giờ, đó là tiếng thời gian đối với tuổi học trò. Nói đến đây, tôi hình dung cảnh thư thả thuở “ăn chưa no, lo chưa tới” còn đi học trường làng

    Xuân đi học coi người hớn hở,

    Gặp cậu Thu đi ở giữa đàng

    Hỏi rằng sao đã vội vàng

    Trống chưa nghe đánh đến tràn làm chi.

    Ngày đó, còn mười lăm phút trước khi vào giờ học, nhà trường cho đánh một hồi trống và thêm ba dùi, gọi là “trống tựu” để nhắc nhở học sinh phải nhanh đến trương. Nhà tôi ở xã Gia Bình, nhờ có bà con ở Gò Dầu nên đến ở trọ nhà ông Tám Thường, người ta quen gọi là ông “Cả Thường” (người đứng đầu trong xã Thanh Phước). Nhà ở cạnh trường học, chờ nghe ‘trống tựu” mới ôm cặp đến trường cũng còn kịp. Nhưng chỉ được một tháng, sau đó vì số học sinh lớp Đồng Ấu (Cours Enfantin) mới nhập học quá đông, thiếu phòng học nên các lớp Cours Moyen(lớp Nhì) và Cours Supérieur (lớp Nhứt) phải “di tản” đến học tại rạp hát trên quốc lộ 22B , gần nhà ông quận Trần văn Giám. Rạp hát cũ được chỉnh trang lại theo nhu cầu tạm của lớp học, cours Moyen học với thầy Tuấn ở phần trước kia dành cho khán giả, còn cours Supérieur học với thầy Tô Thảo “chiếm” phần trên sân khấu, ngăn cách hai lớp bằng tấm vách bồ bằng tre.

    Thời “học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau”, chúng tôi cũng được nghe hát “Nào anh em đàn trẻ nước Nam Việt Nam, Chúng ta mau kết đoàn tiến lên đường sáng… (Bài hát của thiếu sinh – LHP-1942). Ngày tôi từ giả trường Gò Dầu Hạ về trường Trảng Bàng được thầy Hiệu Trưởng (thời đó là: Le Directeur de l’école) Trần Văn Hổ chứng cho Certificat de scolarité… Travail : Très bon. Conduite : Excellente

    Đến ngày nay tôi còn cất giữ như một kỷ vật quy báu. Đó là một trong những kỷ niệm thân mến của Gò Dầu Hạ mà tôi cố giữ gìn để nhớ lại “thời đuổi nắng sân trường nay đã mất”. Những vật vô tri, phải chăng mi có một tâm hồn, gắn bó với tâm hồn ta và thêm tình lưu luyến, như Alphonse de Lamartine đã nói: Objets inanimés, avez-vous donc une âme qui s’attache à notre âme et la force d’ aimer (Milly ou la terre natale).

    Để kết thúc bài nầy, ngày nay dầu ở cách xa mấy vạn dặm, tôi luôn mong ước được có ngày nhìn quê hương ấm no “Bao giờ cho lúa được mùa luôn, lúa ơi, để cô con gái không buồn vì gió đông”… Mong rằng giai cấp thống trị, người tự xưng là đầy tớ của dân, hay là “dân chi phụ mẫu” chi chi đó phải lắng nghe tiếng nói chơn chất của dân nhứt là dân oan, đừng tham ô cướp ruộng đất của dân để người nông dân có phương tiện xây dựng ấm no cho đời và cho xã hội.

    Đọc những tin xuất cảng lao động, người con gái Việt Nam ở khu đèn đỏ Singapore, lòng thấy cảm thương cho số phận… sao ngậm ngùi ! Bao nhiêu năm “giải phóng” một số người phụ nữ phần đông ở thôn quê, ít học, không có việc làm “được xuất cảng” phải chịu kiếp đọa đày trôi nổi lang thang như những bọt bèo nơi xứ ngưỡi, giữa đêm khuya vắng tiếng hát em trong lệ nhòa, cô đơn trong bóng tối trên đất lạ Nam Hàn, Đài Loan, Thái Lan, Mã Lai, Tân Gia Ba…

    “Ôi!

    Đất nước nghèo không giữ nổi chân em,

    Nên xứ người em làm thân gái khách.

    Em đứng đó, một mình ôm mặt khóc…

    Lòng tôi bổng thương cho số phận,

    Những cô gái yêu kiều nét quê hương

    Nổi xót xa nào hơn, bán thân xứ người !

    Chịu nhiều cay đắng, người con gái Việt Nam!

    Tội nghiệp em, thiếu thời hoa niên mơ mộng,

    Tuổi xuân tươi chưa đến, thu đã về!

    Xót thương thân gái xứ người,

    Xác thân vùi dập, cuộc đời đắng cay,

    Vận nước đã qua thời chinh chiến,

    Tại sao quê mình còn mãi tối đen?!”

    Ngày nào còn nghe tiếng kêu than của dân nghèo, dân oan thì giai cấp “dân chi phụ mẫu” (cha mẹ của dân) nên đánh thức luơng tâm trách nhiệm cứu dân, giúp nước, đừng làm kẻ phản bội, bất nhơn, bất nghĩa để đến ngày tàn “thác đà mất kiếp, tiếng còn ô danh”.”

    “Tàn cây bóng mát Trảng Bàng

    Hàng tre ngõ trúc quê làng sao quên?” 

    Trảng Bàng bóng mát quê hương

    Những hàng tre già của Trảng Bàng đan đầu chụm vào nhau cho người dân địa phương hay những khách lữ thứ cảm nhận cái không gian yên bình rợp bóng mát. Kỷ niệm Tây Ninh mang tôi vào kỷ niệm khi tôi ghé ngang thành phố Oakville rồi sang vùng biển Carmel trên Bắc Cali với Ngọc Linh, người bạn cũ của thuở trung hoc Petrus Ký  xa xưa vui mừng khi gặp lại nhau. Đứng trên mỏm đá nhô ra biển cả xa xăm, gió biển Monterey mát rượi tâm hồn, tôi ngước lên bầu trời cao có đám hải âu gọi đàn, dưới chân là những con sóng trắng xóa vỗ vào ghềng đá rì rào, khung cảnh biển California mang tôi về ghềng đá Bãi Dâu của Vũng Tàu. Ngày của thuở nhỏ tôi ao ước được xuất dương sang du học ở trời Tây, và ngày nay tôi nhìn về bên kia biển Thái Bình có quê hương tôi, tôi mơ một ngày trở lại quê hương bừng sống trong sinh khí tự do nhân bản, không bị trù dập, không bắt bớ vô lý, khi người dân tôi quá tội nghiệp, còn khao khát quyền làm người. Nhớ về quê hương với những nỗi vui mang theo, cũng như những nỗi buồn của hiện tại của cuộc sống khó khăn. Đời sống bao trùm những vô lý, những mâu thuẩn xã hội tràn lan khắp trên quê hương tôi.

    Tôi đọc bài thơ Quê Hương Nỗi Nhớ của thi sĩ Hà Ly Mạc mà chạnh lòng vì nỗi thổn thức nhớ nhung quê hương ngậm ngùi của ông:

    “Ðêm qua trong mộng tôi cười,
    Sáng nay thức dậy lại ngồi rưng rưng.
    Lạ lùng chưa, lệ ứa dòng,
    Giọt thương tôi nuốt, giọt hồng tuôn ra.
    Ðất người xót nỗi quê cha,
    O hay ! Trời cũng nhạt nhòa như tôi.
    Lâm râm từng hạt mưa rơi,
    Hàng cây đứng lặng trên đồi ngẩn ngơ.
    Niềm thương nỗi nhớ đong đưa,
    Tình quê hương đó, bao giờ mới nguôi.
    Việt Nam ơi ! Núi, sông, trời,
    Lũy tre, đồng ruộng, đâu rồi nước non ?
    Phải chi thấy lại mảnh vườn,
    Dang tay ôm lấy cộì nguồn mà hôn.
    Mấy mươi năm, một nỗi buồn,

    Lê thân viễn xứ, héo mòn ruột gan.
    Tình thâm đôi ngả quan san,
    Ngoài vời vợi nhớ, trong vàng vọt trông.

    Xa núm ruột, quặn thắt lòng,
    Mồ cha, mả mẹ, lạc vòng tay ôm.
    Trời chiều rủ bóng hoàng hôn,
    Quê hương nỗi nhớ, giọt buồn mang mang…”
    (Trong tập Quê Hương Nỗi Nhớ 2002)

    Quê hương là tiếngnói thương yêu, cho tâm hồn ta gần gũi như những lời tình tự từ da thịt, như hơi thở từ nuối tiếc chia ly. Tôi có người bạn gốc Nha Trang, trên bàn thờ nhà anh có tảng đá mang từ quê nhà sang, anh khắc chữ Việt Nam, anh lý luận rằng niềm tin khi chúng thờ phượng ai là do sự thiêng liêng. Nếu quê hương Việt Nam thiêng liêng thì tại sao chúng ta không tôn thờ. Tương tự khi quốc gia Do Thái được các xứ Tây phương cho thành lập lại tại Trung Đông. Người Do Thái từ khắp nơi lủ lượt đổ về gây dựng lại quê hương mới. Có những người về đến quê hương mà họ đã khóc ròng, có người cúi xuống hôn lên mặt đất như lời chào mừng và tạ ơn quê hương. Trong bài viết “Nước Non Ngàn dặm… trở về ?” của tác giả Thâm Vấn, bà đã viết như sau: “

    Với những người xa tổ quốc mà phải đợi tới những lời kêu gọi thống thiết từ đồng bào của mình ở quê nhà mới sực nhớ rằng mình vẫn còn có một quê nhà để trở về, thì quả thật, sự về ấy, chỉ là trở lại. Một cuộc trở về kiểu của ông Hạ Trí Chương bên Tàu, tác giả mấy câu thơ nổi tiếng và đã được nhiều người (Việt) nhắc đến để so sánh sự ra đi và trở về của người Việt tha hương.

    Bài thơ tên là Hồi Hương Ngẫu Thứ (Ngẫu Nhiên Khi Về Quê), được Hải Đà dịch như sau:

    ”Quê nhà xa cách tháng năm, Bạn bè thưa thớt biệt tăm phương trời Mặt hồ gương trước ngõ soi Gió xuân chắc chẳng đổi đời sóng xưa”(Hải Đà)

    Núi Bà Đen

    Ông Hạ Tri Chương giã từ nhà ra đi tìm công danh sự nghiệp từ khi còn rất trẻ. Sau gần 50 năm trải qua bao thăng trầm trong bước công danh hoạn lộ của mình, ông trở về thăm lại quê xưa, tìm kiếm bạn bè cũ, nhưng chẳng còn mấy người sống sót, duy chỉ có mặt hồ trong như gương trước ngõ vẫn còn nguyên vẹn những dợn sóng ngày xưa. Sự ra đi của ông Hạ Tri Chương là một cuộc ra đi lập thân. 50 năm xa quê của ông là 50 năm ông lao vào cuộc giành giựt những hư ảo đời người. Ông chỉ trở về lại quê hương sau khi đã chán chê mọi thăng trầm cuộc đời vốn nhẹ tênh như lá mùa thu.

    Đem sự trở lại của ông Hạ Tri Chương mà so sánh với sự trở về của anh bạn tôi đang đứng giữa đường phố quê hương một ngày cuối năm thì cũng tội nghiệp cho anh quá. Hơn hai mươi năm nay từ ngày anh bỏ tất cả bước chân xuống chiếc thuyền mong manh lênh đênh giữa biển cả ra đi tìm tự do, và trên hết, mang một hoài bão làm chút gì để đổi thay vận mệnh của đất nước, cũng là hơn hai mươi năm anh canh cánh bên lòng những trăn trở cho mảnh đất nghèo quê nhà anh để lại sau lưng. “Không về được, chưa về được, đâu phải chỉ là những khó khăn của đời thường, đâu phải chỉ là những mải mê với cuộc sống dễ chịu xứ người.”

    Tôi muốn gửi bài viết này đến những người dân hiền hòa bị bất công xã hội vùi dập chà đạp, những nạn nhân của chế độ vì nhân tai bị kẻ cầm quyền lợi dụng hiếp đáp, bị chế độ bỏ quên vì bất tài, vì tham lam, và tôi gửi lòng nhung nhớ về cho quê hương Việt Nam, nơi đó có dân tộc tôi và ước mong sao quê hương không còn chế độ Cộng Sản hiện diện nữa. Lời kết luận tôi xin mượn bài viết của nhà văn Thấm Vân có thơ của Hạ Tri Chương và lời dịch chuyển ý Việt ngữ thi sĩ Hải Đà Vương Ngọc Long. Vì “Không về được, chưa về được, đâu phải chỉ là những khó khăn của đời thường, đâu phải chỉ là những mải mê với cuộc sống dễ chịu xứ người.”. Quê Hương trong nỗi nhớ chỉ là Nỗi nhớ của quê hương mang theo trong tâm tưởng. Cái trân quý suốt đời: Quê hương trong tâm tưởng và trong lòng tôi.

    Quê hương ơi sẽ có một ngày, quê hương tự do, không còn bóng mây độc tài. Quê hương ơi, ta sẽ về hát bài ca ngợi quê hương!…

    Việt Hải Los Angeles.

    ——————————————————————————-

    Cô Bắc kỳ Tây Ninh, Thơ Việt Hải, Nhạc Vĩnh Điện, Hát &

    đàn: Nguyễn V. Hiển, PPS Video by Duy Hân:

  • Sinh Hoạt,  Trần Quang Hải

    NHỮNG KỶ NIỆM VỚI NHẠC SĨ TRẦN QUANG HẢI

    TRẦN QUANG HẢI VỚI HÁT HAI GIỌNG, ĐÀN MÔI, GÕ MUỖNG ….

    Posted by dam trung phan on 29/09/2013

    Trên đường đi tham dự Họp Mặt của các cựu học sinh Petrus Ký tại Montreal, Canada,vào cuối tháng 9, 2013, Nghệ Sĩ kiêm Giáo Sư Trần Quang Hải đã ghé thăm Toronto. Tối hôm Sept. 24, 2013, một số bạn hữu chúng tôi đã được anh chị Nghiêm Phú Phúc-Mỹ Lan mời đến ăn cơm tối để có dịp gặp lại anh Trần Quang Hải mà chúng tôi đã có dịp gặp mặt lần đầu tiên vào năm 1992 tại Toronto.

    Anh Hải và hầu hết nhóm chúng tôi tuổi đời cũng chẳng cách nhau bao xa và tất cả chúng tôi cũng đã từng là cựu học sinh của những trường công lập tại Miền Nam Nước Việt ngày xưa như: Petrus Ký, Gia Long, Chu Văn An, Trưng Vương, Võ Tánh … nên cả khách phương xa lẫn chủ nhân và bạn hữu gặp nhau nói chuyện ồn ào như trong giờ ra chơi của thuở học trò ngày xưa vậy.

    Năm 1992, cộng đồng người Việt quốc gia vùng Toronto đã tổ chức một “Đêm Văn Nghệ Bạch Yến và Trần Quang Hải”. Ban Tổ Chức gồm có sự tham gia tích cực của các anh chị em trong Hiệp-Hội-Chuyên-Gia-vùng Nam Ontario của chúng tôi với sự yểm trợ của rất nhiều hội đòan khác. Mục đích của Đêm Văn Nghệ đó là để giới thiệu văn hóa Việt Nam tới người dân và các quan khách của Canada, quê hương thứ hai của người Việt đang sinh sống tại đây. Ban Tổ Chức chúng tôi ai nấy đều bận rộn nên không may mắn được ngồi yên nghe anh chị Trần Quang Hải – Bạch Yến trình diễn trong sự hoan hô vang dội của khán giả. Sau đó, chúng tôi chỉ được xem phần văn nghệ qua cái băng VHS mờ mờ ảo ảo mà thôi, không được thỏai mái cho lắm.

    Vì lẽ đó, trong lúc ngồi ăn uống, anh chị em chúng tôi đã đề nghị anh Trần Quang Hải “diễn lại tích xưa”: biểu diễn cách hát hai giọng, nhiều giọng, đàn môi, gõ muỗng và nhất là lối nói/hát theo tiếng Tầu, tiếng Nhật, tiếng Đại Hàn … Kỳ này, chính cá nhân tôi đã đứng dựa tường để thu hình cho rõ để rồi sẽ đưa lên Youtubes cho bà con cùng coi lại. Tôi vừa thu hình, vừa dựa tường mà cùng cười với bạn bè và anh Hải.

    Xin mời Quý Vị vào “Xem phim Ciné”, tha hồ mà cười:

    http://www.youtube.com/watch?v=q550OiBtLeQ

    GS TS TRẦN QUANG HẢI – BẠCH BẠCH YẾN NÓI CHUYỆN VỀ ÂM NHẠC VIỆT NAM VÀ BIỂU DIỄN ĐÀN MÔI, ĐÀN MUỖNG TẠI TRUNG TÂM VĂN HÓA PHÁP VÂN – THÀNH PHỐ MISSISSAUGA , CANADA – JUNE 12, 2016.

    Đầu thập niên 1990, các anh chị em chúng tôi trong Hiệp Hội Chuyên Gia Việt Nam vùng Ontario, Hội Phụ Huynh Học Sinh Việt Nam Toronto … đã đứng ra tổ chức một đêm văn nghệ để cặp danh tài Trần Quang Hải- Bạch Yến trình bầy một số bài hát dân gian Việt Nam và đặc biệt GS Trần Quang Hải đã trình diễn một số nhạc cụ trông rất đơn giản, không tốn kém nhưng lại là những nhạc cụ rất linh động.

    Đêm hôm đó,  vì phải lo công việc nên ngừơi viết bài này không có cơ hội để đứng xem hết chương trình, thấy tiếc hùi hụi. Tuy chúng tôi có thu hình nhưng hồi đó dụng cụ thu hình không được rõ nét như bây giờ.

    May mắn thay, năm 2013, nhân dịp anh Trần Quang Hải ghé thăm Toronto, nhóm “già đầu” chúng tôi đã có dịp gặp lại anh Trần Quang Hải tại nhà AC Nghiêm Phú Phúc. Sau bữa ăn ngon đầy tiếng cười đùa “ngộ cố tri”, anh Hải hứng chí mang “đồ nghề” ra biểu diễn và bác phó nhòm nhà ta bèn đứng yên một chỗ để mà thu hình cho bằng được. Sau khi thu hình, cắt xén, ghép hinh, chúng tôi đã đưa lên mạng buổi trình diễn “bỏ túi” hôm đó:

    Ngày 12 tháng 6, 2016, thợ quay phim Đàm Phán lại có cái may gặp lại AC Trân Quang Hải – Bạch Yến tại Trung Tâm Văn Hóa Pháp Vân để chụp hình và quay video dùm cho Hội Phụ Nữ Việt Nam Toronto và Hội Người Việt Toronto, đồng tổ chức buổi nói chuyện về âm nhạc Việt Nam ngày hôm đó .

    Xin mời Quý Vị vào xem hình ảnh và Video trong 2 links dưới đây:
    https://plus.google.com/photos/110033572606660377857/albums/6296646357287220001

    (Hình ảnh trong Google Plus)

    Theo lời Giáo Sư TQ Hải, hai ông bà đã trình diển dân ca Việt Nam cũng như các dụng cụ âm nhạc cổ truyền Việt Nam trong rất nhiều năm qua với mục đích truyền bá âm nhạc Việt Nam tới thế hệ những người Tây Phương đầu tiên để rồi từ đó, họ sẽ tiếp tục truyền bá cho những thế hệ Tây Phương mai sau.

    Văng vẳng bên tai, tôi còn nghe thấy âm hưởng của nghệ nhân, học giả tài ba Trần Quang Hải: “Nhạc Việt còn, nước ta còn”. Mong lắm thay!

    June 2016