Thụy Lan,  Văn Thơ

Tuỳ bút: Quá khứ và kỷ niêṃ của Thụy Lan

   TUỔ̉I THƠ TRONG BOM ĐẠN

Tôi được sinh ra từ một gia đinh khá nghiêm khắc. Ông Ngoại tôi làm việc trong chính quyền của Tây, thời Pháp thuộc, không may mất sớm để lại vợ với tám người con, bốn nam bốn nữ. Bà ngoại tôi một mình tảo tần nuôi con ăn học thành tài: hai người con trai là Bác Sĩ, còn hai người kia thì phục vụ trong quân đội _ ngành không quân và cảnh sát. Con gái thì theo ngành giáo viên và y tá. Riêng mẹ tôi sau khi tôt nghiệp trung học trường Jeanne d’Arc thì kết hôn với cha tôi. Cả cuộc đời mẹ được bảo bọc bởi cha tôi, nên mẹ được mệnh danh là bà tướng nội trợ.

Cha tôi sinh ra từ một gia đình rất nghèo, có người cha làm thợ rèn, mẹ thì làm rượu nếp, sinh sống tại Lào. Tuy khổ cực nhưng Ông Nội tôi luôn tìm cách cho ba tôi ăn học, mặc dù bà Nội không muốn rời xa con, nhưng ông Nội vẫn dứt khoát gởi ba tôi lên tỉnh xa để đi học khi mới tròn 10 tuổi. Thế là cuộc đời bé bỏng của cha tôi bắt đầu rời xa cha mẹ. Vì lòng hiếu thảo, cha tôi rất chăm học, mong sẽ giúp cho cha mẹ sau này. Nhưng không may Ông nội bị mất sớm vì bịnh lao phổi. Bà Nội phải đưa Cha tôi về làm ăn sinh sống tại Việt Nam. Nơi đây Cha tôi được ăn học thành tài, đậu thủ khoa chương trình trung học Pháp (Brevet Elementaire) vào năm 1949. Đến cuối năm 1950, cha tôi thi đậu bằng Thư Ký chánh ngạch và được bổ nhiệm vào làm thư ký tại bưu điện Nha Trang. Thời kỳ đó, cha tôi vẫn nuôi dưỡng ý chí theo học thêm lớp hàm thụ L’École Universelle par correspondance de Paris dưới sự đỡ đầu của Cha bề trên dòng Franciscain suốt gần 3 năm để dự thi và đổ Tú tài 1 chương trình Pháp tại Sàigon. Đến đầu tháng 5/1953, cha tôi nhận lịnh động viên khóa 3 Thủ Đức, phải ra Huế học về ngành kế toán để làm lương cho quân đội. Học xong, cha tôi được bổ nhiệm về Tiểu Đoàn 605 Khinh quân mới thành lập. Ngày mà mẹ tôi mới mang thai cặp sinh đôi đầu lòng, tin vui chưa trọn thì cha tôi được lịnh theo đơn vị hành quân, đổ bộ xuống Sông Cầu theo quân đội Pháp. Chiến trận lan tràn, Chiến Đoàn Lưu Động 100 của Pháp bị đánh tan tành tại đèo Mang Giang. Thoát chết trở về, cha tôi làm đơn xin học khóa 5 Thủ Đức và được chấp thuận để trình diện vào ngày 28/6/1954. Tháng sau thì được tin vui mẹ tôi vừa cho ra đời đôi nam song sinh giống nhau như hai giọt nước ngay dịp đình chiến 23/7/1954 phân ly giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam . Sau đó cha tôi được trở về Huế thăm gia đình với chức vụ Thiếu Úy trên cầu vai, và lần đầu tiên được nhìn thấy hai đứa con song sinh đầu lòng vừa tròn 6 tháng tuổi (ngày 30/1/1955). Nghỉ phép được 15 ngày, lại lên đường đi học lớp bổ túc ngành pháo binh.

Sau đó được thuyên chuyển về Tiểu Đoàn 22 PḄ (Pháo Binh) đóng tại Nam Giao, Huế. Ngày 26/10/1955, đứa con thứ ba ra đời lại vắng mặt cha, vì cha tôi đang thụ huấn khóa Dẫn Đạo Chỉ huy tại Trung tâm huấn luyện Quang Trung. Sau khi Tiểu Đoàn 22PB được đổi thành Tiểu Đoàn (TĐ) 26PB và di chuyển ra Quảng Trị cuối năm 1955 Sau 4 năm yên bình không chiến tranh, Tiểu Đoàn trở lại đóng đô tại Phú Bài gần Huế. Đến cuối năm 1959, lại thuyên chuyển qua TĐ 37PB tân lập ở Pleiku, rồi qua TĐ 27PB ở Dĩ An, Ban Mê Thuộc. Vào tháng 3/1961, Cha tôi lên đường đi du học về ngành pháo binh tại Mỹ gần 6 tháng. Sau đó du học lần thứ hai về Pháo Binh cấp cao từ 9/1965 đến tháng 6/1966. Trở về lại Việt Nam, cha tôi được bổ nhiệm chức Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 11PB tai Quãng Trị ngày 1/9/1966 dưới sự chỉ huy của Đại Tá Ngô Quang Trưởng.

Vào đêm 30 biến cố Tết Mậu Thân 1968, đang cùng gia đình ăn Tết, tình thế cấp bách cha tôi vội vàng trở lại căn cứ Quảng Trị để phòng thủ vì nghe tin Cộng sản đang tấn công thành phố Huế. Trong thời gian gia đình tôi bỏ nhà chạy tản cư đến nơi an toàn hơn thì ngôi nhà đã bị pháo kích của CS tiêu hủy hoàn toàn. Gia đình đành phải ra trú tạm tại căn cứ đóng quân của cha tôi ở Quẩng Trị và trở lại Huế vài tháng sau đó khi tình hình chiến sự đã yên ổn.

Thang 9/1969, cha tôi được thăng chức Tham Mưu Trưởng Bộ Chỉ Huy Tiền Phương Sư Đoàn 1 để nhận bàn giao căn cứ Đông Hà của Sư Đoàn 3 TQLC Hoa Kỳ triệt thoái về nước. Tháng 1/1971, lại phải đi yểm trợ cho cuộc hành quân tại chiến trận Hạ Lào. Khi trở về từ Hạ Lào, Cha tôi lại tiếp tục lớp học Tham mưu cao cấp tại Đà Lạt thêm 6 tháng. Mãn khóa học, trờ về nhận chức Chỉ Huy Trưởng PB Sư Đoàn 2 Bộ Binh ở căn cứ Chu Lai, nơi doanh trại cuối cùng đóng sát bờ biển Quảng Ngãi.

Mùa hè đỏ lửa 1972, chiến tranh lại bùng nổ, lần nữa gia đình tôi lại phải di tản từ Huế qua đèo Hải Vân để vào căn cứ Chu Lai nơi cha tôi trấn đóng sau khi nghe tin CS đã chiếm thành phố Quảng Trị. Đây là chặng đường để chuẩn bị cho một trận chiến khốc liệt giữa Bắc Nam khi mà quân đội Cộng Sản muốn cưỡng chiếm trọn miền nam Việt Nam của chúng ta. Đúng vậy, chưa tròn 3 năm sau đó, ngày 23/3/1975, theo lịnh cha tôi, gia đình phải khẩn cấp di tản ra Đà Nẵng bằng chiếc trực thăng của Sư Đoàn để tìm đường bay vào Saigon. Cuối cùng gia đình may mắn đến Saigon an toàn ngày 27/3/1975, hơn một tháng trước ngày mất Sài Gòn, hay mất nước VNCH.

Nhưng Cha tôi không thể bỏ Sư Đoàn, bỏ nhiệm vụ để cùng gia đình bỏ trốn ra đi, và đành phải chia tay nhau tại phi trường Đà Nẵng để trở về lại căn cứ Chu Lai thu xếp mọi chuyện như phá hủy giấy tờ quan trọng, thủ tiêu súng đạn, chỉ huy thu xếp chỗ trên các chiến hạm để cho tất cả quân nhân của Sư Đoàn 2 và gia đình họ vĩnh viễn rời khỏi căn cứ Chu Lai sau đó. Cha tôi đã cùng đoàn ngườì di tản trên chiếc tàu hạm cập bến tai cảng Đà Nẵng để đi vào Nam ngày 3/4/1975, và cuối cùng tàu đã đến cảng Phan Rang an toàn trước ngày Phan Rang thất thủ 16/4/1975. Cha tôi đã thoát chết sau 8 ngày phải lẫn trốn, và băng rừng vượt suối, để cuối cùng gặp lại gia đình tại Saigon ngày 24/4/1975. Đến ngày 30/4/1975, Chính Phủ do ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng CS.

Đó là những đoạn đường mà cuộc đời binh nghiệp đã đưa cha tôi qua không biết bao nhiêu gian truân, để cuối cùng thân xác bị lưu đày vào lao tù CS trong suốt 13 năm trời kể từ ngày mất nước.

Với chức vụ cuối cùng là Đại tá pháo binh, họ đã đưa cha tôi cùng những sĩ quan cao cấp vào một trại tù gọi  là “tù cải tạo” tại một vùng núi đá vôi Hòa Binh, thuộc tỉnh Thái Bình_Lạng Sơn, cách biên giới Trung Cộng 25 km, nơi mà cha tôi kể lại là chẳng khác gì một vùng sa mạc hoang vu, không cây cối, nhà cửa, và nó là một trại tù xa nhất của miền bắc. Đó là nơi mà tôi đã một lần từ Sài Gòn đáp chuyến tàu lửa ra Huế để cùng bà Ngoại đi thăm nuôi cha tôi, vì lúc ấy mẹ tôi đang bị bịnh, và cha tôi thì đang rất đói khổ.

Sau khi đáp xuống từ một chiếc xe đò để đến vùng núi gần nơi cha tôi đang bị giam giữ, Ngoại và tôi mới hay là không có xe đò nào để đi thẳng vào trại cả, và qua một người đàn ông địa phương đang đi xe đạp ở vùng đó cho biết. Ngoại và tôi phải cuốc bộ trên mười mấy cây số mớí đến nơi. Với một bao bố đựng đồ ăn thăm nuôi nặng hơn 50 kilo trên tay mà Ngoại đã chuẩn bị cho cha tôi, nặng không thể vác nổi trên đường đi. Người đàn ông đó cảm thấy tội nghiêp, quay lại và cho để nhờ bao đồ ăn đó lên yên xe đạp và cùng đi bộ, dẫn dăt́ chúng tôi đến trại tù để thăm nuôi. Nhưng chưa hết, đến nơi Ngoại và tôi còn phảỉ̉ leo lên dốc núi theo những con đường mòn, với bao đồ ăn khi lên dốc Ngoại phải đẩy tôi thì kéo. Khi Ngoại hết sức, tôi phải vác lên vai mình đi từng đoạn một cho đến khi tới trại thăm nuôi. Trên đường đi, thỉnh thoảng tôi nhìn thấy có mấy người đàn ông đang hứng nước để vò gạo qua những khe nước nhỏ đang chảy róc rách bên đường. Làm tôi nghĩ, vậy là cha mình cũng uống nước này như họ.

 Một hình ảnh nữa thật khó phai trong tôi… trong lúc đứng trông chờ giờ thăm cha trên một ngọn đồì cao, nhìn xuống tận dướí đồi, tôi đã chứng kiến trước mắt hình ảnh những đoàn người sĩ quan “tù cải tạo” sắp hàng một dài, đang bước đi mệt mỏi với chiếc nón lá trên đầu và cuốc xẻng trên tay khi họ đang trở về trại nghỉ ngơi sau một ngày lao động. Hầu hết họ gầy ốm tiều tụy, quần áo rách rưới, nhìn thật đau lòng. Ai có thân nhân thăm nuôi thì được mặc áo quần đàng hoàng để ra tiếp xúc với thân nhân. Thật không có giây phút hồi hộp nào khi được gặp lại cha mình sau nhiều năm xa cách. Nhưng tới giờ thăm nuôi, trong lúc Bà Ngoai và Cha tôi đang trò chuyện hỏi thăm nhau, tôi cứ nhỉn cha tôi gầy ốm, hom hem mà tôi không nói nên lời vì nghẹn và cứ phải ngước mặt lên trời để cho nước mắt mình chảy ngược vào trong. Lý do, nếu người cai tù thấy tôi khóc họ sẽ đánh đập cha tôi sau đó hoặc không cho thăm nuôi nữa, và tôi phải thực hiện những gì cha tôi đã dặn trước khi ngồi vào bàn trò chuyện. Chiều hôm ấy ra về, trên đường đi bộ dài hơn 17 cây số, đi trong đêm vắng với bà ngoại cùng đoàn người thăm nuôi, nước mắt tôi được tự do rơi tuôn tả và cứ rơi mãi vì thương cho số phận của cha tôi, không biết cha mình sẽ có ngày về hay không? Hay sẽ chết như người Chú của tôi đã chết trong tù vì bịnh. Bóng đêm đã làm nỗi buồn trong tôi thật nặng nề. Chiến tranh đã lấy đi cuộc sống hạnh phúc gắn bó giữa vợ chồng và cha con. Suốt cuộc đời cha tôi, còn nhỏ bé đã sống xa cha mẹ để ăn học, lớn lên lại sống xa vợ xa con vì binh nghiệp và vì quê hương. Một con người thật đáng thương đáng kính, và đáng được tôn thờ. Một người anh hùng, tài đức vẹn toàn, và đầy lòng yêu nước. Ông lấy lẽ sống là phục vụ quê hương.

Đó là lý do tại sao tôi lớn lên trong bom đạn? Được sinh ra tại thành phố La Vang, Quẩng Trị, nơi địa dầu chiến tuyến, và là nơi Cha tôi đang trấn giữ một căn cứ cốt lõi với chức vụ Thiếu tá tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 11 pháo binh vào thời đó. Thật không bao giờ tôi quên được tiếng đạn pháo bắn đi hằng đêm từ đồn căn cứ của cha tôi mỗi khi được theo mẹ ra Quảng Trị thăm cha. Có những lần tôi phải ngủ dưới những căn hầm kiên cố, những công sự chiến đấu vững chắc.do cha tôi thiết kế, kiến trúc mô hình khi xây. Vì còn bé nên tôi chỉ giưt mình khi nghe tiếng súng nổ vang rền, chứ chẳng biết gì cả. Sau này lớn lên, được cha tôi kể lại là tại căn cứ này đã có lần bi VC tấn công đánh sáp lá cà bất ngờ vào một đêm tối. Qua máy truyền thanh và ống loa, cha tôi đã chi huy và ra lệnh cho cả tiểu đoàn sẵn sàng chiến đấu, ai ở đâu phải nằm yên tại chỗ, hễ thấy ai chạy thì có quyển bắn ngay, nhờ đó Ba tôi đã đẩy lui quân CS, cứu cả tiểu đoàn thoát nạn một cách thành công.

Tết Mậu Thân là một ký ức thật khó quên trong đời tôi. Tôi đã chứng kiến từng đoàn lính Việt Cộng đang đi trước ngôi nhà của mình vào ngày mồng một tết hôm đó, họ đội nón cối, ở trần chỉ mang quần cụt đen, và đi dép cao su đen, trên vai mang băng đạn chéo ngang lưng, tay cầm súng AK. Tôi chỉ biết họ là VC. Không ngờ sau ngày đó, nghe tiếng đạn bay vèo vèo khắp nơi, mẹ tôi vội đưa chúng tôi vào trốn trong một cái hầm do cha tôi đã chuẩn bị, xung quanh được chất đầy bao cát, nơi mà tôi đã dấu cái bóp nhỏ xinh xinh, hình con thỏ màu xanh lá cây với một số tiền ba mẹ tôi đã lì xì cho ngày Tết. Sau đó VC đã pháo kích dữ dội và nghe họ đang đi lùng bắt tất cả đàn ông và những người lính về phép ăn Tết trong vùng. Mẹ tôi sợ quá liền gom đồ ăn vào hai cái giỏ và gánh chạy với bầy con 8 đứa kể cả đứa con còn sơ sinh trên tay của mẹ. Trên đường chạy, đạn bay tứ tung, vừa chạy vừa phải cúi đầu xuống né. Thỉnh thoảng tôi nhìn thấy lí́nh cộng hòa và lính VC chết lăn lóc, kẻ ngồi người nằm dọc hai bên lề đường. Thật là một cảnh tượng thật kinh hoàng trong đời khi tôi còn nhỏ. Gia đình tôi chạy đến nhà Bà ngoại tôi để trú ẩn vì gần căn cứ của Bộ Tư Lịnh Sư đoàn I tại khu Măng Cá trên đường Đinh Bộ Lĩnh, Huế. Cha tôi thì đang chiến đấu trấn giữ Quảng Trị, không biết ra sao. Căn nhà thân yêu của tôi thì bị VC pháo kích tàn rụi chỉ còn cái nền nhà. Từ khi rời căn cứ Quảng Trị tạm trú vài tháng nơi cha tôi đóng, gia đình trở về lại Huế ở tạm trong một căn lều dựng ngoài vườn trong khi Ba tôi đang cho xây lại ngôi nhà mới.

Sau 4 năm sống yên vui bên sách đèn của bậc trung học, chiến tranh lại xảy đến. Mùa hè đỏ lửa 1972, gia đình tôi phải di tản vào Căn cứ Chu Lai nơi cha tôi đóng quân tại tỉnh Quảng Tín. Thấy cha tôi đi bay hành quân ngày đêm, tôi thật thương cha. Là một vị chí huy trưởng trong ngành pháo, từng được huấn luyện tai Hoa Kỳ, tính toán chính xác đã hỗ trợ các đơn vị bộ binh bạn đẩy lùi nhiều cuộc tẩn công dữ dội của VC như trận chiến đẫm máu Sa Huỳnh, thuộc quận Đức Phổ, nằm phía Nam thành phố Quảng Ngãi, giáp ranh tỉnh Bình Định, chiến thắng đã đem lại thành tích vẻ vang cho quân đội Việt Nam.

Tôi còn nhớ vào tuần cuối cùng của tháng 3/1975, cha tôi thấy tình hình không ổn, khẩn cấp đưa cả gia đình từ Chu Lai bay ra Đà Nẵng trong ngôi nhà của cha tôi mới cho cất xong. Tôi đâu ngờ đó là ngày mà tôi vĩnh viễn xa mái nhà thân yêu, bạn bè, và thầy cô của xứ Huế cổ kính mãi mãi.

Trong khi cha tôi đang bận rộn sắp xếp lại quân đội vì các tướng lãnh đã bỏ chạy. Mẹ tôi tìm cách đưa chúng tôi vào phi trường Đà Nẵng khi nghe VC đã chiếm thành phố Huế. Khi đến phi trường, vào được sân bay, tôi thấy hàng ngàn ngườì dày đặc khắp nơi trên phi đạo. Lần đầu tiên trong đời, tôi được chứng kiến cảnh con người chạy đua với máy bay. Vì vậy phi công không thể nào hạ cánh được, và phải bay qua phi đạo phía bên kia đồi của phi trường.

Trong lúc gia đình tôi đang tìm cách leo lên chiếc máy bay L19 đang sắp sửa cất cánh, nhưng vì số người chen lấn nhiều quá, mẹ tôi vội đưa đứa con út mới được ba tháng tuổi nhờ người ta ẵm dùm để leo lên, nhưng đã quá trễ vì sự hỗn loạn chen lấn càng lúc càng tệ, nên máy bay phải cất cánh thẳng lên, thấy vậy mẹ tôi vội kêu gào “làm ơn quăng con tôi xuống dùm”, và họ đã quăng em út tôi xuống trên những bàn tay của chúng tôi đang dang ra để chụp. Thật là một cảnh tượng thật kinh hoàng. Sau đó nhờ một người anh họ của tôi đang làm việc trong phi trường Đà Nẵng, hướng dẫn qua một chiếc máy bay khác cũng đang chuẩn bị cất cánh, gia đình tôi ṿội leo lên máy bay đó thì thấy có một người lính đang chĩa súng muốn bắn vào đầu một vị sĩ quan, hoảng sợ quá tôi vội nhảy xuống. Thế là cả gia đình tôi cùng nh̉ảy xuống theo. Đang cảm thấy vô vọng, thì cha tôi xuất hiện, nhờ qua sự liên lạc vơí người anh họ đó. Sau khi nghe tin còn một phi vụ cuối cùng chỉ rước gia đình không quân đi thôi. Người anh họ và cha tôi vội đến cầu cứu Ông Đại Tá Vàng, người đang điều hành cả phi trường hôm đó, xin giúp cho gia đình được bay theo vào Saigon. Ông Vàng đã đồng ý và cung cấp một chiếc xe zeep có lính bảo vệ đưa cả gia đình tôi qua bên kia ngọn đồi để lên chiếc C130 vừa mới hạ cánh, nơi mà chưa ai qua được vì có lính gác ngăn chận. Gia đình tôi thật may mắn được leo lên chiếc máy bay này đầu tiên ṃột cách thoải mái. Mẹ tôi thì thúc dục Ba tôi leo lên theo với gia đình, nhưng không hiểu sao Ba tôi không chịu đi theo. Sau này tôi mới biết ra vì cha tôi còn trách nhiệm với cả một sư đoàn lính, cha ở lại để tiêu hủy tài liệu mật, những giấy tờ quan trọng, súng ống, vả chi huy tàu thủy đưa lính và gia đình họ trốn thoát vào Phan Rang. Thật là một người cha đầy tình ngưởi và trách nhiệm, cha tôi thật xứng đáng là một vị chỉ huy kiên cường.

Chiếc máy bay C130 đã đưa gia đình tôi và gia đình không quân vào phi trường Tân Sơn Nhất tại Saigon đêm đó an toàn mặc dù bị đạn bắn vào máy bay tứ tung từ bên dưới do sự hỗn loạn trong khi cất cánh ra khỏi  phi đaọ. Qua một đêm nằm chờ người thân đến đón về Saigon tại phi trường Tân Sơn Nhất, thì được tin còn một chuyến bay sau cùng nữa từ Đà Nẵng vừa đáp xuống phi trường này. Những người trong chuyến bay cho biết là hàng ngàn người còn lại trong phi trường Đà Nẵng đêm ấy đã chết vì bị VC pháo kích tơi bời. Vừa nghe tin xong tôi bật khóc thành tiếng vì quá thương xót cho họ cùng với nổi hoảng sợ vẫn còn ám ảnh trong tôi. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn rơi nước mắt mỗi khi nghĩ đến những ngày khó quên.

Phần cha tôi, sau khi được nghe kể lại sau này thì suýt bị chết trong lúc leo lên chiếc chiến hạm mà Cha tôi đã cho lịnh cập bến tại cảng Đà Nẵng để đón những người lính và gia đình họ tản cư vào Nam. Nhưng vì cảnh tượng quá hỗn loạn và kinh hoàng khi dân chúng chen lấn đạp đè lên nhau, rồi có người ném lựu đạn vào đám đông để dọn đường leo lên tàu, miệng khoang tàu liền được đóng lại nhanh để rời bến, trong lúc ấy thì cha tôi đang cố bám víu miệng tàu ở bên hông để leo lên thì bị một người nào đó đạp chìm xuống nước để lấy thế leo lên. Cha tôi liền ngước lên thấy người đó chính là lính thân cận của mỉnh, vội la cứu, và họ đã vớt cha tôi lên trong giây phút giữa sự sống và chết của cuộc đời. Cuối cùng cha tôi theo tàu đến cảng Phan Rang an toàn. Do sợ bi VC nhận dạng, cha tôi phải vất bỏ bộ quân phục, chỉ còn chiếc áo thun lót và quần đùi trên người băng rừng lội suối suốt 10 ngày đêm để tìm đến một căn cứ quân đội Cộng Hòa để trình diện nhờ giúp đỡ. Nhờ đó cha tôi liên lạc được với một người lính thân cận và họ cho biết gia đình tôi đang sống trên đường Công Lý (sau 75 là Nam kỳ khởi nghĩa) tại Quận 1, Saigon. Gặp lại cha tôi với chiếc áo thun trắng, quần đùi ngắn dơ bẩn, mặt mày bơ phờ như một phép nhiệm màu vì mẹ tôi nằm mơ thấy cha tôi đã chết nên mẹ  như người không hồn và đã ngã bịnh.

Hình ảnh của cha tôi trong quân phục bộ binh là môt hình ảnh mà tôi tôn thờ, ngưỡng mộ, và yêu quí nhất đời mình. Vì vậy, tôi luôn tôn kính và yêu thương những người lính đã hy sinh vì hạnh phúc và sự sống còn của quê hương và dân tộc, cũng như những ai đang phục vụ trong quân đội. Tất cả là từ hình ảnh tuyệt vời của cha tôi, người đã cho tôi thấy những nổi đau, sự chịu đựng, và lòng hy sinh quên mình vì dân tộc.  Tôi nhớ câu nói của tướng Patton là “Người lính thuộc quân đội. Không có quân đội nào tốt đẹp hơn những người binh sĩ đó. Người lính cũng là một công dân. Trên thực tế, nghĩa vụ và đặc quyền công dân cao cả nhất là cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương  đất nước của họ”, (The soldier is the army. No army is better than its soldiers. The soldier is also a citizen. In fact, the highest obligation and privilege of citizenship is that of bearing arms for one’s country. by Gen. George S. Patton Jr.)

Và sau cùng, cũng để kết thúc bài tuỳ bút này, tôi xin mượn lời của vị Tổng Thống  thứ 16 của Hoa Kỳ để  vinh danh những người chiến binh xả thân cho quê hương xứ sở chúng ta. “Hãy tôn vinh người  chiến sĩ cũng như thủy thủ ở khắp mọi nơi, những người lính dũng cảm gánh vác giang sơn đất nước. Ngoài ra, hãy tôn vinh lo cho người công dân lo lắng cho người chiến sĩ dồng đội của mình trên các trận mạc mà ông ta đã hết sức phục vụ cho một mục đích như vậy” (“Honor to the soldier and sailor everywhere, who bravely bears his country’s cause. Honor, also, to the citizen who cares for his brother in the field and serves, as he best can, the same cause.”— Abraham Lincoln).

Doris Thụỵ Lan.

Song thân của tác giả Thụy Lan

Đại tá Lê Thương, Sư Đoàn I BB, cùng phu nhân.

( Ảnh #1 trích:http://www.generalhieu.com/dt_lethuong.htm)

—————————————————–

Ảnh #2 chụp năm 1967 tại La Vang, Quảng Trị Thiếu tá Lê Thương SĐIBB

cùmg Trung tướng Lew Walt Hoa Kỳ (*).

(*): chỉ huy trưởng Lực lượng Đổ bộ Thủy quân lục chiến III và Sư đoàn 3  Thủy quân Lục chiến đóng tại miền Nam Việt Nam.

(Commander of III Marine Amphibious Force and 3rd Marine Division in the South Vietnam)