Khánh Lan,  Sinh Hoạt,  Vương Trùng Dương

RMS Phận Đàn Bà và Ôn Cố Tri Tân 

Ban Tổ Chức Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian tổ chức buổi Ra Mắt Sách hai tác phẩm Phận Đàn Bà và Ôn Cố Tri Tân của nhà văn Nguyễn Quang tại hội trường Thư Viện Việt Nam, 10872 Westminster Ave. TP Garden Grove. Nhà văn Nguyễn Quang là phu quân nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh (1930-2017). Tuy bước sang tuổi 90 nhưng nhà văn Nguyễn Quang vẫn khỏe mạnh và hoàn thành tác phẩm thứ 9: Ôn Cố Tri Tân.

Nhà văn Nguyễn Quang sinh quán tại Phú Nổ, làng Khánh Hưng, Tỉnh Sóc Trăng, du học tại Pháp từ năm 1950, đỗ Cử Nhân Toán. Năm 1955-1962, theo học tại đại học Cambridge ở Anh, đỗ Cao Học Kinh Tế (nay gọi là Thạc Sĩ). Ông trở lại Pháp, làm việc cho nhiều nhà xuất bản tuần báo ở Paris. Theo nhà văn Khánh Lan “Ông làm phó chủ bút cho tờ Paris Match. Ông ghi tiểu sử trên sách vài dòng, không ghi bằng cấp, khác với một số ít người có thói quen selfie trọng bằng. Nhà văn Nguyễn Quang được nhiều người quý mến vì bản tánh hiền hoà, khiêm nhường và luôn sinh hoạt với Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian.

NV Nguyễn Quang

Tuy xa quê hương gần bảy thập niên nhưng nhà văn Nguyễn Quang vẫn nặng tình với quê hương vì vậy qua các tác phẩm của ông mang hình ảnh và tâm thức người Việt tha hương với cội nguồn dân tộc. Cũng vào thời điểm nầy, Chủ Nhật,13-4-2014 tại hội trường Thư Viện Việt Nam, nhân dịp sinh nhật 83 tuổi, nhà văn Nguyễn Quang đã ra mắt tác phẩm Một Giấc Mơ. Nhà văn Nguyễn Quang cho biết: “Đây là tác phẩm để tưởng niệm các nạn nhân trong cuộc thảm sát Tết Mậu Thân năm 1968. Bày tỏ sự tôn kính lòng kiên quyết của các bà vợ, của các Dân Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa trong ngục tù cộng sản”.

Năm 1980, nhà văn Nguyễn Quang sang Mỹ với người bạn đời là nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh. Tác phẩm đã ấn hành: Văn Nghiệp & Cuộc Đời Minh Đức Hoài Trinh (2004), Nhập Gia (2007), Ông Giáo Làng (2009), Ốc Mượn Hồn (2012), Một Giấc Mơ (2013), Ngoại Tình (2016), Thần Giao Cách Cảm (2017), Ôn Cố Tri Tân (2020) và Phận Đàn Bà (2022).

Buổi RMS của NV Nguyễn Quang đã khai mạc lúc 1:30 chiều, MC Mộng Thủy mở đầu chương trình với bài quốc ca Việt Nam Cộng Hòa do dàn nhạc Ukraine trình tấu để tưởng nhớ đến đất nước bạn đang trong cơn sống còn tranh đấu cho tự do dân chủ. Tiếp theo là bài Việt Nam Việt Nam và Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ để nhớ về đất nước thân yêu.

Sau đó MC Mộng Thủy trình bày sơ lược Chương trình RMS của nhà văn Nguyễn Quang gồm 2 phần:     1. Phần văn học. 2. Phần văn nghệ và chúc mừng Sinh Nhật 91 của nhà văn Nguyễn Quang. Diễn giả trong buổi RMS Phận Đàn Bà và Ôn Cố Tri Tân với các nhà văn Quyên Di, Việt Hải, Khánh Lan và Kiều My.

NV Nguyễn Quang có đôi lời tâm tình cùng khán giả và trả lời những câu hỏi của khán giả.

Trong tác phẩm PHẬN ĐÀN BÀ, nhà văn Nguyễn Quang đã khéo léo trong việc sử dụng những hình ảnh, ngôn từ, hoàn cảnh để so sánh, để ví von. Lời văn ẩn dụ những sinh hoạt quen thuộc hàng ngày trong một gia đình tưởng như hoàn mỹ, để truyền tải sâu sắc ý tưởng của mình. Đọc tác phẩm PHẬN ĐÀN BÀ cho chúng ta ba ý niệm khác nhau, cả ba phần đều đề cặp đến cuộc đời, danh phận cũng như sự kiên nhẫn, nhịn nhục và chịu đựng của người đàn bà. 

  1. Phần một thuộc thể loại tình cảm xã hội về một gia đình được coi là lý tưởng nhưng lại trải qua nhiều uẩn khúc như sự giằng co giữa lương tâm nghề nghiệp, bổn phận với vợ con và trách nhiệm với người tình. 
  2. Trong phần thứ hai thì lại đặt nặng về phần văn hóa xoay quanh những tranh luận về phong tục tập quán của từng vùng, từng địa phương, từng quốc gia. Phần này rất có ích cho những ai muốn học hỏi, nghiên cứu để mở mang kiến thức. 
  3. Phần thứ ba là những câu chuyện “Hoa Cỏ Bên Đường” như nhà văn kiên nhà báo Kiều Mỹ Duyên đặt tên cho tác phẩm thứ hai của bà. Đó là những mẩu chuyện mà tác giả đã thu nhận được từ bạn hữu, từ những mẩu chuyện “đàn ông đàn bà”, những chuyện do “mắt thấy tai nghe“, được ông ghi lại trên trang giấy. 

Về tác phẩm ÔN CỐ TRI TÂN của nhà văn Nguyễn Quang ôn lại lịch sử nước Việt, từ thời Hồng Bàng với các vị vua Hùng Vương, rồi qua các triều đại Lý, Lê, Trần, Nguyễn… đất nước ta trải qua ngàn năm Bắc thuộc, gần 100 năm Pháp thuộc, chiến tranh Quốc Cộng, thời CSVN thống trị… Những bài học từ quá khứ để suy nghiệm hiện tại. Trước đây, tôi có giới thiệu khái quát về tác phẩm Ôn Cố Tri Tân, trong đó có nhắc đến: “Cụ Nguyễn Văn Ngọc (1890-1942) tự Ôn Như là nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam. Tác phẩm của ông được viết bằng tiếng Hán, tiếng Pháp và chữ Quốc Ngữ. Quyển Cổ Học Tinh Hoa (cùng Trần Lê Nhân) ấn hành năm 1928 đến nay gần một thế kỷ vẫn được ấn hành và lưu truyền. Hai vị biên soạn đã dày công nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu những tinh hoa của nền cổ học phương Đông. Với 250 mẩu chuyện liên quan trong cuộc sông, con người, cách xử sự sao cho phù hợp với từng nơi từng lúc. Có thể nói đó là cuốn sách “dạy làm người” để biết nhìn nhận “cái xưa” để xử thế “cái nay” mà qua từng mẩu chuyện với lời bàn rất hữu ích.

Nhà văn, dịch giả Mộng Bình Sơn (1923–2011) đã viết nhiều tác phẩm, trong đó có quyển Ôn Cố Tri Tân gồm 3 tập, ấn hành năm 1967, Sống Mới xuất bản tại Sài Gòn. Dẫn chứng hai quyển sách của người xưa của nước ta về Ôn Cố Tri Tân vẫn còn giá trị trong cuộc sống. Sau nầy nửa thế kỷ ở hải ngoại, tác giả Nguyễn Quang nay ở tuổi chín mươi vẫn mang hoài bão của bậc cao tuổi qua tác phẩm…

Xen kẽ giữa hai những bài phát biểu của các diễn giả là những bài hát chủ đề như Kiếp Nào Có Yêu Nhau do CS Ái Liên và Em Còn Nhớ Mùa Xuân do CS Mạnh Bổng trình diễn. Cũng không quên nhắc đến Ngọc Quỳnh diễn ngâm bài thơ của Nữ Sĩ Dương Hồng Anh chúc mừng NV Nguyễn Quang RMS. Tiếp theo sau là phần cắt bánh mừng sinh nhật của NV Nguyễn Quang, MC Mộng Thủy mời các vị niên trưởng và bậc trưởng thượng lên chúc thọ NV Nguyễn Quang và mọi người hát Happy birthday.

NV Dương Viết Điền, GS Dương Ngọc Sum, NV Nguyễn Quang, NS Dương Hồng Anh, NT Nga Nguyễn, LS Michelle Mai Nguyễn, NV Việt Hải

Phần văn nghệ với những nhạc phẩm: Liên khúc Phút Chan Hòa thơ Việt Hải, nhạc Hồng Tước và Còn Gặp Nhau, thơ:  Tôn Nữ Hỷ Khương – nhạc của Võ Tá Hân (Hồng Tước, Lâm Dung, Ngọc Quỳnh, Ái Liên),  Bang Bang Khi Xưa Ta Bé – nhạc ngoại quốc lời Việt:  Phạm Duy (Thụy Lan, Minh Thư, Lệ Hoa); Histoire D’un Amour – Carlos Eleta Almaran (Kiều My); Xin Còn Gọi Tên Nhau – Trường Sa (Hùng Ngọc); Để Quên Con Tim – Đức Huy (Thanh Hiếu); Tình ca người đi biển – Trường Hải (Thanh Mai & Thanh Hiếu); Main dans le main – Christophe. (Thụy Lan, Minh Thư, Lệ Hoa)

Bế mạc buổi RMS với nhạc phẩm Cờ bay Chiến Thắng Quảng Trị-Lê Kim Hoa & Bài Ca Chiến Thắng-Minh Duy để vinh danh những anh hùng trong quân lực VNCH. Và tan hàng với bài NVNT & TTG hành Khúc, Bạn Bè Của Tôi do NS Dương Hồng Anh sáng tác năm 2019.

Mạnh Bổng, Khánh Lan, Mộng Thủy, Lâm Dung, GS Dương Ngọc Sum, GS Quyên Di, Ngọc Quỳnh,
Ái Liên, NV Kiều Mỹ Duyên, NV Nguyễn Quang, NV Việt Hải, NT Nga Nguyễn, GS Trần Huy Bích

Vào thời điểm nầy, 47 năm về trước, tôi lang thang trên các bãi biển từ Bình Tuy đến Vũng Tàu để tìm thân nhân lưu lạc nhưng vô vọng. Nay tình hình chiến sự xảy ra khi Putin đem quân xâm chiếm Ukraine gây ra cuộc chiến tàn khốc, kinh hoàng… Vì vậy tôi dành hết thời giờ để theo dõi nên không tham dự vào sinh hoạt văn học nghệ thuật. Nhưng với nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian trong những năm qua trong tình văn nghệ với nhau và với nhà văn Nguyễn Quang, không thể nào từ chối trong buổi Ra Mắt Sách để ghi lại vài dòng.

Vương Trùng Dương , Little Saigon, April 10, 2022