Dương Viết Điền,  Văn Thơ,  Viết Về MẸ

NHỚ MẸ QUA THI CA VIỆT NAM

Từ cổ chí kim từ đông sang tây khi nói đến người mẹ, tất cả mọi người ai ai cũng đều kính trọng, mến yêu rồi nhớ nhung chất ngất dù lúc ấy ta đang ở nơi chân bể hay góc trời, nơi rừng thiêng hay đồng nội.

Bởi vì trong suốt thời gian kể từ khi mang thai cho đến lúc lâm bồn, người mẹ đã phải chịu đựng rất nhiều khổ đau. Nào là mang nặng đi đứng khó khăn trong mấy tháng trời. Nào là đau đớn quằn quại trong thời gian sinh đẻ. Sau khi đứa bé ra chào đời rồi người mẹ bắt đầu phải thức khuya dậy sớm, lắm lúc thức trắng nhiều đêm triền miên mất ngủ để chăm sóc đứa con. Đã thế, nhiều lúc con cái bị đau ốm, người mẹ luôn luôn nằm thường trực bên cạnh, lấy thuốc cho con uống, mong sao con chóng bình phục. Nếu rủi ro gặp chuyện bất trắc xảy ra như con thở quá yếu hay bị sốt quá cao đưa đến co giật, người mẹ tái mặt run sợ, tim như thắt lại, trong lòng quằn quại khổ đau.

Đến khi con cái bắt đầu chạy nhảy khôn lớn, người mẹ phải tìm cách kiếm kế sinh nhai, nuôi con ăn học. Thế rồi để có đủ tiền nuôi nấng con cái, người mẹ phải dấn thân vào đời, dầm mưa dãi nắng, một nắng hai sương, thức khuya dậy sớm, buôn bán tảo tần, làm lụng vất vả để kiếm cho đươc đồng tiền bát gạo mà trang trải trong gia đình. Lắm lúc người mẹ nhường cơm cho con ăn dù bụng đang đói cồn cào, nhường áo cho con mặc dù trời đang rét căm căm. Sự hy sinh cao cả vô bờ bến đó khiến lòng người thường xuyên xúc động. Thương xót triền miên, chạnh lòng nhớ mẹ, nhạc sĩ Y Vân đã rung động con tim mà sáng tác nên bản nhạc “Lòng mẹ” với nội dung và giai điệu thật tuyêt vời: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào. Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu…”. Vì biết lòng mẹ bao la như biển cả, tình mẹ chan chứa tình thương vô biên nên nhà văn Pháp nổi tiếng là Anatone France đã không ngần ngại hạ bút viết: “Trong thiên  nhiên có rất nhiều cái đẹp, nhưng cái đẹp cao quý nhất là trái tim người mẹ” (Il y a bien des merveilleuses dans la nature, mais la plus précieuse, C’est le coeur d’une mère).

Trước sự hy sinh cao cả vô bờ bến của người mẹ như vậy nên tất cả mọi người con, ai ai cũng thương nhớ mẹ mình và luôn luôn mong ước được trả hiếu cho mẹ dù mẹ mình còn sống hay đã qua đời. Vì vậy trong Kinh Địa Tạng của Phật giáo, chữ hiếu được bàn luận và giải thích rất cặn kẽ vì đây là một trong những đạo làm người rất quan trọng của con cái đối với cha mẹ.

Thế nên hằng năm, cứ đến ngày “Tự Tứ”, các vị chân tu thường thuyết giảng cho các Phật tử nghe về hạnh hiếu của Tôn Giả Mục Kiền Liên: cứu mẹ đang thọ khổ ở địa ngục hay hạnh hiếu của Tôn Giả Xá Lợi Phất đã tìm mọi cách để thuyết pháp độ mẹ ra khỏi tà kiến của ngoại đạo Ni Kiều Tử đắc pháp nhãn thanh tịnh trước khi Tôn Giả nhập niết bàn.

Ai cũng biết rằng ở bên Trung Quốc tự ngàn xưa, có 24 nhân vật rất có hiếu đối với cha mẹ đã vang dậy như sóng cồn một thời vang bóng trong tập “Nhị Thâp Tứ Hiếu”: nhiều người con trong lúc mùa hè oi bức, đã cởi trần nằm ngủ lúc đêm về để cho muỗi bay đến cắn vào thân thể mình ngõ hầu khỏi cắn vào thân thể của mẹ, hay có người nằm trên băng tuyết giá lạnh suốt mùa đông chờ tuyết tan để bắt cá về nấu cháo cho mẹ già ăn.

Để đi vào đề tài, chúng ta hãy ghi lại đây những vần thơ của các thi nhân đã xúc động mà sáng tác nên những lời thơ bất hủ khi nhớ đến mẹ già.

Nhiều nhà thơ đã khóc thương nhớ mẹ lúc mẹ còn sống, nhưng hầu hết các thi nhân nhớ thương khóc mẹ khi mẹ đã qua đời.

Ta hãy nghe một số bài thơ nhớ mẹ của vài thi nhân khi mẹ còn sống.

Trước hết, mấy vần thơ tứ tuyệt qua bài “Bóng mẹ chiều thu” của thi sĩ Cung Trầm Tưởng trong thi tập “Lời viết hai tay” khi đọc lên khiến ta nhớ đến người mẹ già đang vất vả trong buổi chợ chiều của cuộc đời và ngong ngóng mỏi mắt chờ trông con trở lại quê nhà sau những tháng ngày tù tội:

“Mẹ là mẹ chú em nào hình sự

Dáng lưng gù làm nhớ tới mẹ tôi

Mẹ nẻo xa mưa nắng ắt bồi hồi

Ai đỡ mẹ đi nghiêng sầu goá bụa

Mưa gió quất lưng tre còng vất vả

Vóc mai kia na ná nét hao mòn

Của mẹ ruột quằn đau cho tiếng khóc

Đến cuối đời lại chong bóng chờ con”.

     (Cung Trầm Tưởng Trong “Lời viết hai tay”)

Cho dù ở trong ngục tù hay ở quê người đất khách, cho dù ở trên rừng sâu hay góc bể chân trời, ai ai cũng triền miên nhớ mẹ mỗi lần vọng về quê cũ sau lũy tre xanh. Ta hãy nghe mấy vần thơ lục bát sau đây của Hạ Ái Khanh khi nhà thơ nhớ mẹ đang lom khom chống gậy chờ con ở quê nhà:

“Mỗi lần nhìn khói lam chiều

Nhớ về quê mẹ hắt hiu nỗi buồn

Mẹ già nước mắt trào tuôn

Lom khom chống gậy bên đường chờ con

Bâng khuâng mẹ nhớ mỏi mòn

Bao mùa lá rụng héo hon thân gầy”.

  (Hạ Ái Khanh “Thương mẹ”: thi phẩm “Ngậm ngùi”)

Nhiều người quá nhớ mẹ, thương mẹ, lâu ngày chưa về thăm lại mẹ được vì nghìn trùng xa cách, ở tận đất khách quê người, khiến lắm lúc nằm mơ thấy mẹ để rồi ở xứ đất lạ nghe lòng hắt hiu sầu nhớ muôn đời. Ta hãy nghe nhà thơ Thái Tú Hạp dệt mấy vần thơ nhớ mẹ qua những câu thơ ngũ ngôn thật dễ thương và nhẹ nhàng:

“Đêm hoài mơ thấy mẹ

Thắp nến soi hồn đau

Đời con chiều quạnh quẻ

Đất lạ hắt hiu sầu”.

     (Thái Tú Hạp Trong thi tập “Hạt bụi nào bay qua”)

Tuy nhiên có nhiều người thương mẹ, nhớ mẹ lúc mẹ đang còn sống. Nhưng vì cuộc sống của mẹ hằng ngày luôn luôn làm việc thiện và trọn đời mẹ đã tỏ ra thương người, hy sinh cho tha nhân và quyết sống môt cuộc sống đầy lòng nhân ái, từ bi. Vì thế, người con nguyện sẽ xuống tóc giữ lời quy y nếu một mai mẹ qua đời. Mấy vần thơ lục bát sau đây của nhà thơ Việt Hải cho ta thấy rõ được những điều nói trên:

Nếu mai mẹ sẽ qua đời

Con xin xuống tóc giữ lời quy y

Mẹ tôi trọn kiếp từ bi

Con quỳ lạy mẹ ra đi yên lòng”.

     (Việt Hải Trong bài Nhớ mẹ)

Tuy nhiên cho dù nghìn trùng xa cách, cho dù đường về quê mẹ xa tít mù khơi, nhưng vì quá nhớ mẹ già ở miền quê xa vắng và cũng vì lâu lắm rồi chưa thấy lại dung nhan của người mẹ thân yêu, nên người con quyết chí trở về thăm mẹ giữa một mùa xuân. Vì hoàn cảnh của cuộc sống phải ở đất khách quê người quá lâu, nên khi trở lại quê nhà thăm mẹ thì mẹ đã quá già khiến mắt đã mờ, tai đã điếc vì ngũ giác của mẹ giảm sút đi nhiều. Ta hãy nghe nhà thơ Mạc Phương Đình dệt mấy vần thơ nhớ mẹ trong bài Xuân về thăm mẹ:

Em ra đứng hiên nhà chờ đợi

Nụ cười vui, se chút lạnh sang mùa

Mẹ còn sống, nhưng giảm nhiều trí nhớ

Tấm thân gầy, còm cõi tuổi già nua

Những lúc tỉnh, mẹ buồn cười rồi hỏi

Các con đâu, sao đi mãi không về

Đến bên mẹ, nắm bàn tay gầy guộc

Gọi mẹ ơi, nhưng mẹ chẳng còn nghe

Tuổi chín bốn, mắt mẹ mờ tai điếc

Sống hiền lành, đôi lúc tỉnh lúc mê”.

       (Trong tác phẩm Lời ru của mẹ)

Nhưng đớn đau quằn quại nhất là lúc nhớ mẹ từng giờ, từng phút, từng giây. Muốn về thăm mẹ ngay nhưng không thể nào được, bởi vì con đang bị đoạ đày trong ngục tù ở trên rừng thiêng nước độc. Ta hãy nghe bài thơ thất ngôn tứ tuyệt cổ phong sau sau đây của thi sĩ Trương Thúc Cổn mới thấy tình mẫu tử là một trong những tình thiêng liêng của con người:

Con biết ngày nay mẹ khổ nhiều

Những ngày quạnh quẽ vắng con yêu

Bâng khuâng mẹ nhớ con ngàn dặm

Tựa cửa mắt mờ gió hắt hiu

Mẹ ơi, có thấu nỗi lòng con

Nhớ mẹ lòng con hoá mỏi mòn

Con cố tìm trong tình mẫu tử

Những lời an ủi trái tim con

Nhớ túp lều tranh dưới khói mờ

Bên đường khóm trúc gió phất phơ

Tim con ray rứt đời phiêu bạt

Nhớ mẹ lòng con hóa vẩn vơ

Những lời vàng ngọc mẹ khuyên con

Nước đó nhà đây mãi vẫn còn

Đại nghĩa luôn luôn cùng nghĩa vụ

Dãi dầu sương gió chút lòng son

Chân mãi bước lên miệng vẫn cười

Con đầy hy vọng cuộc đời tươi

Mong sao nhớ lấy lời khuyên mẹ

Quên hết đau thương của cuộc đời…”

      (Trương Thúc Cổn Trong bài “Nhớ mẹ”)

Sau khi đã đề cập một số bài thơ nhớ mẹ của một vài thi nhân khi mẹ còn sống, giờ đây ta hãy nói lên những vần thơ bất hủ về nhớ mẹ khi mẹ đã qua đời.

Ai cũng biết rằng sau ngày 30/4/75, tất cả các chiến sĩ thuộc QLVNCH đều bị bắt bỏ tù trên rừng thiêng nước độc. Nhiều người bị hành xác trong một thời gian quá lâu dài mới được trả tự do nên khi trở lại quê nhà thì thấy mái tranh vẫn còn đó, cây soan bên thềm cũ vẫn còn đây nhưng cũng đã tàn phai theo năm tháng, còn mẹ già thì đã vĩnh biệt trần gian không một lời trăn trối, chỉ thấy một ngôi mộ nằm bên đường hoang vắng giữa chiều quê. Ta hãy nghe Hạ Ái Khanh dệt mấy vần thơ sầu thảm đó qua bài “Ngày về” để tặng cho một người bạn sau mười ba năm ở tù trở lại quê nhà:

“Mười ba năm “cải tạo”

Ngày về không còn ai

Cây soan bên thềm cũ

Bây giờ cũng tàn phai

Mái nhà tranh còn đấy

Vẫn nghiêng nghiêng thuở nào

Trong nhà sao vắng lặng

Không một bóng người vào

Mẹ già chờ lâu quá

Vẫn không thấy con về

Tháng ngày rưng rưng lệ

Mẹ mất giữa chiều quê

Bên nấm mồ con khóc

Nhớ thương mẹ não nề

Sao mẹ đành vĩnh biệt

Mẹ ơi, con đã về!”

   (Hạ Ái Khanh Trong thi phẩm “Ngậm ngùi”)

Cũng tương tự như trên, sau mấy năm trời bị bắt hành xác trong ngục tù ở trên rừng, nhà thơ Ngô Văn Thọ lúc trở lại quê nhà đã nghẹn ngào rưng rưng nước mắt khi vừa nghe chị mình nói mẹ đã qua đời từ lâu. Mấy vần thơ sau đây khi đọc lên ai ai cũng thấy bùi ngùi xót xa:

“Về Sài gòn đau xé lòng gặp chị

Được hung tin mẹ mất đã lâu rồi

Quả đất buồn thoạt muốn vỡ làm đôi

Không gian rộng con nghe chừng ngộp thở”

    (Ngô Văn Thọ Trong Tuyển tập“Dưới trăng”)

Có nhiều thi nhân khi nghe mẹ mất, tâm hồn như nghẹn ngào đau khổ, trong lòng như quằn quại đớn đau, nhưng họ không biểu lộ ra bên ngoài mà lại giấu kín tận đáy lòng. Ngược lại, nhiều thi nhân vì quá nhớ mẹ già cũng như vì quá khổ đau khi mẹ qua đời nên đã oà ra khóc thành tiếng theo bản năng tự nhiên vì tình mẫu tử là một trong những tình thiêng liêng của con nguời.

Trên bước đường hành quân trong xã Mỹ Đức, quận Phú Mỹ năm 1950, nhà thơ Hoàng Duy đã khóc sướt mướt giữa cơn mưa tầm tã khi quá nhớ người mẹ hiền đã vĩnh biệt cõi đời. Bài thơ “Mưa rơi” sau đây của nhà thơ Hoàng Duy khi đọc lên ai ai cũng cảm thấy thật ai oán, não nùng:

“Mưa rơi!

Mưa rơi!

Má ơi! Mưa rơi!

Má ơi! Rơi rơi!

Má đâu? Má ơi!

Hỡi má! Má ơi!

Má đi Mau về

Thẫn thờ… Chúng con

Chúng con Mong đợi

Bơ vơ Má ơi!

Cõi đời Má ơi!

Lạnh không!…”

  (Bài “Mưa rơi” trong thi tập “Như bóng mây bay”)

Có nhiều nhà thơ vì xa mẹ già quá lâu ngày vẫn chưa về thăm được vì hoàn cảnh cuộc sống, vì nghìn trùng xa cách ở đất khách quê người. Đến khi trở lại quê nhà sau mười năm biền biệt thì mẹ già đã an giấc nghìn thu khiến nhà thơ quá đau lòng rồi nức nở trong nắng chiều ngay tại sân ga, nơi mà xưa kia người mẹ đã tiễn đưa dưới cơn mưa tầm tã, khiến người con nghẹn ngào không nói nên lời. Bài thơ “Sân ga ngày trở lại” của Hạ Ái Khanh sau đây cho ta thấy rõ cảnh biệt ly sao mà buồn quá, để rồi người mẹ và người con sau đó đã vĩnh biệt nghìn đời:

Chín mười năm biền biệt

Về thăm lại quê nhà

Sao lòng buồn da diết

Nắng chiều ngập sân ga

Nhớ xưa cũng nơi nầy

Mẹ già khóc tiễn đưa

Khi còi tàu gào thét

Trời mưa ơi là mưa.

Vẫy tay từ  biệt mẹ

Nước mắt rơi như mưa

Nghẹn ngào trong tiếng khóc

Ly biệt nói sao vừa

Nay về thăm quê lại

Nức nở trong nắng chiều

Mẹ già không còn nữa

Sân tàu cũng buồn thiu.

                      (Hạ Ái Khanh)

Nhiều thi nhân sau khi mẹ mất đã nhớ lại những tháng năm nằm bên gối mẹ, nhớ những ngày mẹ nở những nụ cười đầy lòng nhân ái dạt dào, nhớ những lúc nắng sớm mưa chiều mẹ thương con rồi quá nuông chiều con khi ru con ngủ, để rồi dệt mấy vần thơ đầy nhung nhớ ngậm ngùi. Ta hãy nghe thi sĩ Cao Mỵ Nhân sáng tác mấy vần thơ não nuột sau đây khi nhà thơ bỗng một chiều nước mắt rưng rưng vì nhớ mẹ đến nghẹn ngào:

“Mẹ ơi, tất cả đã mờ theo.

Nước mắt khi mưa ướt dáng chiều.

Mẹ sớm rời xa con, cháu mẹ.

Lòng tôi chùng xuống, chợt hoang liêu.

Mẹ về tiên cảnh hẳn vui hơn.

Chốn ấy hoa đăng, nhã nhạc buồn.

Mỗi lúc dõi theo vầng nhật nguyệt.

Lung linh ảnh mẹ thắp tâm hồn”.

    (Cao Mỵ Nhân  “Từ nơi mẹ nở đóa hạnh trinh”).

Nếu cố gắng đưa tất cả những bài thơ viết về nhớ mẹ của tất cả các thi sĩ vào trong bài “Nhớ mẹ qua thi ca Việt Nam” thì chúng ta phải viết một cuốn sách dày khoảng vài trăm trang vẫn không đủ. Vì vậy ta chỉ nêu lên đây môt số bài thơ tượng trưng mà thôi. Bởi thi sĩ nào, khi nghĩ đến mẹ cũng nhớ thương dạt dào, cũng nghẹn ngào quay quắt, tuỳ không gian và thời gian của hoàn cảnh từng người. Tóm lại qua thi ca Việt Nam, ta thấy hầu hết các thi nhân khi nhớ mẹ thường dệt nên những vần thơ thật diễm tuyệt mang đầy sắc thái hạnh hiếu và tình người.

California, mùa Lễ Vu Lan.

Dương viết Điền