Khánh Lan,  Văn Thơ

Nhà thơ Việt Cường-Lưu Tấn Lâm.

NHÀ THƠ VIỆT CƯỜNG LƯU TẤN LÂM

Thi nhân Lưu Tấn Lâm lấy bút hiệu là Việt Cường, sinh năm 1930, ông được 90 tuổi, gốc người Nam Định. Năm 1954 di cư vào Nam, an cự tại phố Hòa Hưng, Sài Gòn. Sang Hoa Kỳ ông định cư tại miền Nam California.

Ông sáng tác nhiều thơ, các loại thơ như thơ lục bát, thơ thất ngôn bát cú và thơ tự do. Trong tuyển tập này, Ban Biên Tập chọn đăng 8 bài thơ của thi nhân, gồm hai bài thơ xuân, một bài về Chùa Hương, một bài về Huế, một bài về Nhớ Con, một bài về Việt Nam Quê Hương Tôi, một bài về nhớ người phối ngẫu, và một bài về một mai khi ra đi.

Vài hàng về tác giả Việt Cường-Lưu Tấn Lâm:
Ông sinh năm 1930 tại làng Hương Cát, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, Việt Nam. Ông là em trai út trong gia đình có bốn chị em, với ba người chị lớn. Mẹ mất sớm từ khi ông mới chín tháng tuổi, vợ ông mất năm bà mới 49 tuổi và ông 51 tuổi, nên trong thơ của ông có phản ảnh phần nào sự mất mát đó…
Ông di cư vào miền Nam với gia đình năm 1954 sống ở Sài Gòn và sang định cư tại Mỹ năm 1992; ông hiện đang sống ở Anaheim, California.

Ngày Xuân Khai Bút

Xuân về khai bút để mua vui
Cũng chẳng ham khen, chẳng ngại cười
Phú quý tặng riêng phường trắng mắt
Uy quyền chớ để bọn thâm môi
Ngựa cày không nhuyễn, trâu chê dở
Trâu chạy chưa hay, ngựa bảo tồi
Trái ngược chuyện đời xuân có biết?
Xuân tô nhân thế bớt màu vôi

Việt Cường-Lưu Tấn Lâm.

Thơ Xuân

Xuân ở trong tôi của đất trời
Xuân về ngàn vạn đóa hoa tươi
Xuân trên đầu bút, trên trang giấy
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ rồi

Việt Cường-Lưu Tấn Lâm.

Đi Chùa Hương

Mỗi lần về lại thủ đô
Nhớ dòng sông Hát, nhớ chùa Hương Sơn
Điệp trùng nước nước, non non
Nhớ mơ bến đục, nhớ thôn chùa Trò
Xa xa dăm bẩy cánh cò
Trên sông qua lại con đò năm xưa
Sống vui cứ tưởng trong mơ
Hương Sơn quê mẹ bây giờ là đây
Thoắt trông đã tới chùa ngoài
Thiên Trù tên gọi, hỡi ai đợi chờ
Xôn xao ta kéo lên bờ
Nghỉ chân ta lại đi vào chùa Trong
Nước mây hòa lẫn ráng hồng
Non xanh nước biết cánh đồng trải xa
Qua hang động lúc chiều tà
Thần tiên mấy thủa cho ta ngắm nhìn
Chẳng đi thì nhớ, thì thương
Ra đi mến cảnh chùa Hương quên về
Một là vui thú sơn khê
Hai là đã trót lời thề với ai…?

Việt Cường-Lưu Tấn Lâm

Hà Nội xuân Bính Tý tháng Hai, 1996

Huế Nhớ

Đẹp thay chiếc nón bài thơ,
Huế ơi soi bóng bên bờ sông Hương,
Tháp cao Thiên Mụ ngân chuông,
Đông Ba khói tỏa mờ sương bao chiều?
Trường Tiền càng ngắm càng yêu,
Một mình thầm lặng nhớ điều chi đây?
Trăng lên nghiêng ngả hàng cây
Ngự Bình cùng với vơi đầy thế nhân!
Phương xa lữ khách dừng chân
Bâng khuâng Huế mộng, nát lòng nhớ thương
Bao Vinh, Thành Nội, Thọ Xương
Khi xa mới thấy vấn vương Huế nhiều
Đêm về Huế thật là yêu
Giọng hò Vĩ Dạ mỹ miều không gian

Việt Cường-Lưu Tấn Lâm
Bài này đã được nữ nghệ sĩ Bích Thuận ngâm tại hội quán Tao Phùng
buổi tối ngày 3 tháng 12 năm 1994.

Việt Nam Quê Hương Tôi

Quê tôi gạo trắng nước trong
Quê tôi một khúc nhạc lòng thiên thu
Từ khi tạo dựng cơ đồ
Rừng vàng biển bạc đợi chờ cháu con
Đất yêu đất nở hoa thơm
Anh hùng hào kiệt nhiều hơn cây rừng
Bốn ngàn năm, bao đoạn trường
Một dân nhược tiểu, anh hùng năm châu
Từ ngàn xưa đến ngàn sau
Việt Nam mãi mãi đứng đầu nhân văn
Tình đồng loại, chí quật cường
Hai bà Trưng đã mở đường khai thông
Tiếp theo Mai, Đinh, Lý, Trần
Họ Lê, họ Nguyễn góp phần vinh quang
Hưng Đạo trận Bạch Đằng giang
Nhận chìm thuyền giặc, đầu hàng nước Nam
Tự hào hai tiếng Việt Nam
Máu đào xương trắng viết trang sử hùng

Việt Cường-Lưu Tấn Lâm.

Nhớ Người Khuất Bóng

Người vợ tôi yêu khuất bóng rồi,
Nay còn chỉ biết tiếc thương thôi!
Đêm đêm đứng lặng nhìn chân ảnh
Thương cảnh, thương mình, thương con côi…
Đất nước ngày nay nối lại rồi
Còn tôi với mợ lại chia đôi
Ưu tư mợ gởi miền tiên cảnh
Để lại đàn con phần cút côi
Càng thương càng nhớ lúc gian lao!
Biển bắc, rừng nam, nám má đào,
Những tưởng nương nhau ngày đầu bạc,
Ai hay đứt gánh giữa đèo cao!
Còn một mình tôi giữa chợ trưa
Hàng còn nhiều lắm khách đong đưa
Đường chiều thương nỗi mình đơn lẻ!
Lại ớn đêm về gió lạnh… mưa!

Việt Cường-Lưu Tấn Lâm
ngày 7 tháng 3 năm 1983.

Chết

Xuôi tay nhắm mắt thế là thôi
Danh trả non sông, lợi trả đời
Thân thể chẳng còn vương tục lụy
Tâm hồn chắc hẳn thoát trần ai
Không gian vơi dịu không yêu ghét
Chẳng nợ nần chi, chẳng khóc cười
May, rủi, hơn, thua không dại hết
Thiền quang phó mặc tháng ngày trôi

Việt Cường-Lưu Tấn Lâm
Tháng Năm, 1988.

Nhớ Con

Gửi trong câu hát tiếng đàn
Nỗi tâm tư với muôn vàn nhớ mong
Chiều chiều tựa cửa ngóng trông
Chim trời cá nước trăng lồng bóng sân
Trăng ơi trăng sáng vô ngần
Nhớ con nhớ cả dấu chân hôm nào
Bạn cố tri ơi! hỡi con ơi!
Ra đi chẳng được một lời hỏi han
Ngồi đây nước mắt chứa chan
Thương mình thì một, thương con thì mười

Việt Cường-Lưu Tấn Lâm
Mùng sáu tết 1983
Con trai đi di tản tháng tư 1975.

Tấm Ảnh

Vẫn là tấm ảnh năm nào
Quê hương hai chữ nói sao nên lời
Gần thì gang tấc đó thôi
Quan san cách trở phương trời xa xăm
Mẹ hiền nay đã biệt tăm
Ánh tà dương mãi chiếu nhằm trước sân
Chậu hoa đó phong trần mấy độ
Cụm phong lan dãi gió dầm mưa
Ra đi để lại vần thơ
Bao nhiêu năm trước bây giờ còn đây.

Ước Gì Còn Mẹ

Cuối đông trời lạnh se se
Có đôi chim nhỏ nằm nghe chim về
Ước gì cánh én chao đưa
Để heo may báo giao thừa tới nơi
Ước gì chiếc lá đừng rơi
Lá rơi tôi nhớ tới người ngày xưa
Ước gì nghe tiếng gà trưa
Nằm đong đưa võng mẹ vừa hát con
Mẹ như trăng sáng mùa thu
Tay dìu con vướt sương mù ra khơi
Mỗi lần vấp ngã trên đời
Ước gì còn mẹ ôm tôi vào lòng
Chim kêu ríu rít hoàng hôn
Chim bay về tổ, tôi buồn cô đơn

Việt Cường-Lưu Tấn Lâm
1988