Văn Thơ

MÙA XUÂN KHÔNG TRỞ LẠI

Hồi ký  Hồng Thủy

                                                                    Kính tặng Mẹ yêu dấu người đã hy sinh

                                                                       cả một thời xuân  sắc cho chúng con.

Mẹ tôi lấy chồng năm người 22 tuổi, bốn năm sau thì bố tôi qua đời, lúc đó mẹ tôi mới 26 tuổi, anh tôi 3 tuổi và tôi vừa tròn 18 tháng. Tôi không biết và không nhớ gì về bố ngoài những tấm ảnh trong một cuốn album cũ kỹ.

     Sau khi bố chết, ba mẹ con tôi về ở với ông bà ngoại. Tôi lớn lên trong thời kỳ chiến tranh nên gia đình chúng tôi phải rời thành phố tản cư về nhà quê.

 Ông bà ngoại tôi có một trang trại ở một làng nhỏ thuộc xã Đông Phú, Huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa. Làng ở gần núi nên có cái tên rất thơ mộng là làng Sơn Lương.

 Con đường làng làm bằng những phiến đá lớn nối tiếp nhau, hai bên là những khóm trúc, thỉnh thoảng chen vào những rặng tre cao ngất. Ở sau làng phía xa xa có một ngọn đồi đầy hoa sim tím, xa hơn nữa là những dẫy núi đá xanh lam với những hang động đầy thạch nhũ đẹp tuyệt vời. 

Thời thơ ấu của tôi là những buổi sáng chạy tung tăng trong vườn, nhặt những cánh hoa bưởi trắng ngần, thơm ngát, xâu thành vòng tròn đội lên đầu giả làm công chúa.

 Những buổi trưa, anh em tôi trốn ngủ trưa, leo trèo hết cây táo sang cây ổi, hái những trái táo ngon ngọt ròn tan và những trái ổi chín vàng thơm phức 

Những buổi chiều chạy nhẩy trong vườn, đuổi bắt những chú bướm đủ màu bay lượn quanh những luống hoa cải vàng tươi, hoặc theo trẻ con hàng xóm chạy ra đồi hái đầy những giỏ sim tím thẫm.

 Những buổi tối nằm rúc nách mẹ nghe kể chuyện cổ tích cho đến khi ngủ thiếp đi.

Cứ như vậy, anh em tôi lớn lên trong sự cưng chiều và tình thương yêu trìu mến của ông bà ngoại và mẹ tôi.

 Ông nội và các cô chú thì ở quá xa, tận Phát Diệm lại thuộc “vùng tề” do chính phủ quốc gia kiểm soát,  nên chúng tôi hầu như không được tin tức và không liên lạc được.

 Cuộc sống êm đềm ở một trang trại vùng quê vắng lặng  thỉnh thoảng lại rộn rịp hẳn lên vì có khách ở xa đến chơi. Một hôm sau khi khách về rồi chị vú thì thầm bảo tôi: “Coi chừng em sắp mất mẹ vì có người muốn hỏi cưới mẹ đó.” Câu nói của chị vú làm tôi òa lên khóc và chị vú bị bà ngoại la cho một trận.

 Nhưng rồi chị vú vẫn không chừa, mỗi lần nhà có khách chị lại chỉ cho tôi ai là người muốn hỏi cưới mẹ. Không hiểu sao với cái đầu óc non nớt của tôi, tôi lại nghĩ ra một danh từ rất nặng nề để gọi mấy người đó.

 Tôi thường đứng thập thò ở cửa phòng khách nhìn “đối thủ” của tôi bằng một con mắt căm hờn và lầm bầm trong cổ họng: “Đồ ăn cắp!” (ý nói ăn cắp mẹ tôi đi). 

Tôi không dám nói to sợ bà ngoại biết được, chắc chắn tôi sẽ bị ăn đòn vì bà ngoại rất nghiêm. Tuy chúng tôi được cưng chiều, nhưng bà ngoại dậy dỗ anh em tôi rất cẩn thận, nói với người lớn bao giờ cũng phải thưa gửi. Bà ngoại luôn luôn bảo: “Tội gì bà còn có thể tha, chứ vô lễ là không bao giờ bà tha cả, chắc chắn thế nào cũng bị đòn.”

Thấy tôi thập thò ở cửa, “đối thủ” của tôi vẫy tôi vào với nụ cười thân thiện: “Bé vào đây, bác có kẹo cho bé đây này” và ông đưa ra một hộp kẹo buộc “nơ” rất đẹp. 

Tuy trong bụng đang căm hờn sôi sục, tôi cũng không thể nào từ chối hộp kẹo quá hấp dẫn được, nên đành chạy vào đưa tay đỡ hộp kẹp và lí nhí cám ơn rồi chạy vụt ra.

 Thấy tôi ôm hộp kẹo, chị vú trêu tôi: “Ăn kẹo của người ta là bằng lòng cho người ta cưới mẹ đó.” 

Tôi hoảng hốt ôm hộp kẹo vào trả lại cho khách, mẹ nhìn tôi ngạc nhiên: “Con vẫn thích kẹo lắm mà, bác cho con đã nhận rồi sao trả lại?” 

Tôi chỉ lắc đầu buồn bã nhìn mẹ tôi và tiếc rẻ nhìn hộp kẹo rồi bỏ ra ngoài vườn ngồi một mình tấm tức khóc. 

Buổi tối vào giường ngủ, thay vì kể chuyện cổ tích như mọi khi, mẹ đã hỏi tôi lý do tại sao tôi trả hộp kẹo lại cho khách. Sau khi nghe tôi tỉ tê kể lể mẹ vỗ nhẹ vào lưng tôi dỗ dành: “Tội nghiệp con, mẹ sẽ không bao giờ lấy chồng đâu. Con đừng lo nữa nhé.”

 Tôi sung sướng rúc vào lòng mẹ ngủ ngon lành. 

Mùa hè năm tôi tròn 10 tuổi, bác T., con cụ Hường Đ. bạn thân của ông bà ngoại đến thăm. Bác cao lớn, đẹp trai và nghe nói học rất giỏi, có bằng cử nhân Luật. Bác góa vợ , không có con. Bác rất thích anh em tôi và cưng chiều hai anh em lắm. 

Tôi còn nhớ bác chỉ định đến thăm gia đình chúng tôi vài ngày rồi đi, nhưng vì bác bị đau nên ở lại đến cả tháng. Trang trại của ông bà ngoại tôi vui hẳn lên vì có bóng đàn ông. Buổi tối bác dậy chúng tôi hát. Buổi sáng bác đưa chúng tôi ra ao ở trước nhà, chặt cây chuối cho anh em tôi làm phao ôm để bác dậy tập bơi.

 Trại của ông bà ngoại tôi có hai cái ao lớn, một ao cầu gỗ và một ao “tà-vẹc”, gọi như vậy vì một ao, cầu làm bằng những cây gỗ lớn ghép vào nhau và một ao, cầu ao làm bằng những cái “traverse” làm đường xe lửa. 

Ao cầu gỗ lúc nào cũng đầy hoa bèo tím, ao “tà-vẹc” lúc nào cũng đầy hoa rau muống tím. Tôi yêu màu tím từ lúc còn nhỏ, bởi xung quanh tôi lúc nào cũng bao vây bởi nhừng hoa màu tím thật dễ thương. 

Chiều chiều bác cùng mẹ con tôi đi dạo đồi sim, hoặc đi chơi triền núi và thăm các hang động.  Mỗi lần đi chơi như vậy bao giờ bác cũng cầm theo một cái mác dài để đề phòng gặp rắn rết hay thú dữ. Đi bên bác chúng tôi cảm thấy rất yên tâm và được che chở.

 Anh em tôi chạy nhảy tung tăng hái hoa đuổi bướm, trong khi bác và mẹ ngồi trên một tảng đá lớn nói chuyện.

 Buổi chiều xuống thật nhẹ,  không gian thơm mát như được ướp bằng hương đồng cỏ nội, cảnh vật thật thơ mộng, êm đềm. Khi bóng nắng tắt hẳn, chúng tôi mới thong thả ra về. 

Vài tuần sau khi bác từ giã gia đình chúng tôi để về tỉnh, anh em tôi đã khóc và mắt mẹ cũng đỏ hoe. Trang trại của ông bà ngoại lại trở về với cái vắng lặng cố hữu của một gia đình gồm hai ông bà già, một người đàn bà trẻ và hai đứa con nít. 

Những buổi tối sau đó, khi mẹ ngồi hong mái tóc dài đen mượt óng ả sau khi gội đầu còn thơm mùi chanh và bồ kết ở ngoài hàng hiên, bà ngoại thường đến bên mẹ thì thầm to nhỏ. Trong câu chuyện giữa bà và mẹ, tôi nghe thấy loáng thoáng có nhắc đến bác T., đến chuyện mẹ tôi lấy chồng, đến bốn chữ “Tiết hạnh khả phong”.

Một hôm  nhớ đến bác T tôi hỏi mẹ “Bao giờ bác T lại đến thăm mình nữa?”

Đôi mắt đẹp của mẹ nhìn tôi thật buồn ” Chắc bác không bao giờ đến nữa đâu con, trừ phi…”Tôi cướp lời mẹ hỏi dồn dập” Trừ phi sao hả mẹ ?”

Mẹ không trả lời câu hỏi của tôi mà lại hỏi tôi bằng một giọng ngập ngừng “Con có thích bác T ở với mình mãi không ?” Tôi trả lời nhanh không cần suy nghĩ  “con thích lắm” Mẹ lại hỏi tiếp ” Như vây con có chịu cho mẹ lấy chồng không ?”.Nghe hai chữ “lấy chồng” tôi nhớ ngay lời dọa của chị Vú “Lấy chồng là người ta mang mẹ đi là các em mất mẹ đó.” Tôi lắc đầu quầy quậy và không hiểu sao nước mắt ở đâu đến nhanh quá, tôi mếu máo ” con không muốn mẹ lấy chồng ” . Từ đó mỗi lần đi chơi đồi sim với mẹ, tuy rất nhớ bác T tôi cũng không bao giờ dám nhắc tới bác nữa.

Khoảng 1 năm sau, bác T trở lại thăm gia đình tôi, bác mang cho chúng tôi thật nhiều kẹo , bánh. Bác chỉ ở chơi một buổi rồi ra đi.Nghe mẹ nói bác tới từ giã để đi thật xa.Lần đầu tiên tôi nghe thấy hai chữ “dinh tê”, nói lóng là đi về vùng quốc gia.Lúc ấy vùng chúng tôi ở thuộc quyền Cộng Sản. Tối hôm đó không hiểu bà ngoại nói gì mà làm mẹ tôi khóc.Sau đó tôi cứ nghe bà nhắc đi nhắc lại ” lấy chồng là đeo gông vào cổ, đang sung sướng ở với bố mẹ, tiền không thiếu , danh thì chồng chết người ta vẫn gọi bà Tham ( bố tôi làm Tham tá thuế quan ) con trai con gái có đủ , có điên mới đi lấy chồng cho khổ vào thân” .

Thời gian qua dần, anh em tôi lớn lên.Câu chuyện lấy chồng của mẹ không bao giờ còn được nhắc đền nữa. Rồi chúng tôi hồi cư về Hà Nội.  Tôi phải giã từ làng Sơn Lương nhỏ bé với bao nhiêu kỷ niệm đẹp của thời thơ ấu. Tôi phải giã từ những cánh hoa mầu tím thân yêu: hoa soan, hoa sim, hoa bèo và hoa rau muống. Những cánh hoa mầu tím đơn sơ mộc mạc đó không bao giờ tôi còn được thấy lại ở những thành phố huy hoàng đầy ánh sáng. Từ một đứa bé, tôi trở thành một thiếu nữ trưởng thành. Tôi lập gia đình rất sớm và biết thế nào là hạnh phúc lứa đôi, thế nào là sự đầm ấm của một gia đình no vợ đủ chồng. Tôi bỗng thấy thương mẹ tôi thấm thía.Tôi hối hận vì lúc còn bé đã nhất quyết không muốn mẹ đi lấy chồng.Tôi đã đọc nhiều truyện của Tự Lực Văn Đoàn, đã hiểu thế nào là ý nghĩa của  bốn chữ Tiết Hạnh Khả Phong. Bốn chữ mà những bậc cha mẹ cổ xưa( trong đó có bà ngoại tôi ) đã mang ra làm bức tường vây bọc chôn vùi cuộc đời của những người đàn bà góa bụa. Riêng mẹ tôi với số tuổi 26, số tuổi mà phần lớn chúng tôi mới bắt đầu bước vào đời, thì mẹ tôi đã phải giã từ tình yêu, giã từ mơ mộng, giã từ những ước muốn bình thường của một người đàn bà trẻ,  để khép kín cuộc đời trong một cánh cửa nặng nề của lễ giáo.

Ước gì cho tôi trở lại thời thơ ấu, cho mẹ tôi trẻ lại như xưa. Tôi sẽ không dại dột ngăn cản mẹ đi lấy chồng. Tôi sẽ năn nỉ bà ngoại đừng ép buộc mẹ phải chôn kín tuổi xuân.Tôi sẽ thưa với ngoại: hạnh phúc không phải chỉ là tiền, là danh, là đầy đủ con trai con gái. Hạnh phúc là vòng tay âu yếm, là những săn sóc thương yêu , là ánh mắt trìu mến, là con tim ấm áp truyền hơi ấm cho nhau. Ngoại ơi, bà cháu mình đã sai thật rồi, mình đã làm lỗi lầm thật lớn khiến người mẹ tội nghiệp của con phải chịu suốt cả một đời một mình một bóng, đơn lẻ , quạnh hiu.