Dương Viết Điền,  Tin tức

Khi người nữ viết truyện trinh thám hình sự.

Đôi Lời Phi Lộ

Ai đã từng đọc những chuyện trinh thám đều biết rằng, bất kỳ câu chuyện nào cũng làm cho chúng ta say mê nhờ nội dung của các câu chuyện quá kỳ bí, hồi hộp, ghê rợn và lắm lúc kết cuộc thật đau lòng. Vì vậy, các tác giả của những chuyện trinh thám phải là những nhà văn có những đặc tính như thích phiêu lưu mạo hiểm, thích dấn thân, thích tò mò và nhất là trí tưởng tượng rất mạnh đến tuyệt vời, lắm lúc hơn cả tuyệt vời!. Họ thường rất thông minh, lanh lẹ, năng động, hoạt bát. Lắm lúc họ xông xáo vào đời một cách liều lĩnh, nhiều lúc rất ngoạn mục. Nhờ thế những tác phẩm của họ được thai nghén bằng những dữ kiện thật kỳ bí, hấp dẫn, thật ly kỳ và hồi hộp. Thế nên lắm lúc đọc các tác phẩm trinh thám của họ, ta cảm thấy như bị nghẹt thở, sởn da gà, cảm thấy như dựng tóc gáy, rụng rời tay chân! 

Tuy nhiên, cho dù những người nào có năng khiếu thiên phú đi nữa, nhưng một khi muốn hành nghề thám tử để điều tra tôi phạm, người ta phải học qua những khoá học chuyên môn về nghiêp vụ này. Thế nên ngay từ đầu, tác giả đã cố ý trang bị cho nữ thám tử Lê Minh trong cốt chuyện bằng những khoá học như phải tốt nghiệp Cao học Criminal Justice, hoàn thành khoá đào tạo của Học viện Cảnh sát và sẽ gia nhập Lực Lượng Tư Pháp Tội Phạm Sát Nhân.

Điểm qua một số nhà văn trên thế giới với những tác phẩm của họ viết về chuyện trinh thám, ta thấy rất nhiều nhà văn nam cũng như nữ, đã để lại cho đời những tác phẩm thật hấp dẫn và lâm ly, thật ngoạn mục và hồi hộp đến toát mồ hôi hột. Chẳng hạn như văn sĩ người Anh Ian Flaming với điệp viên 007 lừng danh nhất thế giới, văn sĩ Conan Doyle với tác phẩm nổi tiếng Sherlock Holmes, nữ văn sĩ Agatha Christie với tác phẩm Án Mạng Trên Sông Nile, nhà văn Da Brown với tác phẩm Mật Mã Davinci, tác giả Lôi Mễ với tác phẩm Đề Thi Đẫm Máu, nữ văn sĩ Gillian Flyn với Cô Gái Mất Tích, nhà văn Shannon Mc Kenna với Đứng Trong Bóng Tối, nhà văn Thomas Harris với Sự Im Lặng Của Bầy Cừu, nhà văn Thuỵ Điển Stieg Larsson với Cô Gái Có Hình Xăm Rồng, nhà văn Truman Capote với Máu Lạnh, nhà văn Nhật Minato Kanae với Thú Tội, nhà văn Nesbo với Chim Cổ Đỏ,  nhà văn Việt nam Phạm Cao Cũng với Chiếc Gối Đẫm Máu, Vết Tay Trên Trần, nhà văn Thế Lữ với tác phẩm Lê Phong và Mai Hương, Gói Thuốc Lá, Đòn Hẹn, Tay Đại Bợm.

Đặc biệt trong bài đôi lời phi lộ này, tôi muốn đề cập đến những nhà văn nữ viết về chuyện trinh thám. Ai cũng biết rằng phái nữ thường được mệnh danh là phái liễu yếu đào tơ với những đặc tính nhu mì, hiền hậu thường chỉ thích đọc và viết về những chuyện tình yêu lãng mạn, những chuyện tình buồn vời vợi, khi thì nức nở sầu thương, khi thì giận hờn tiếc nuối để rồi biệt ly và xa nhau, chứ ít khi viết về những chuyện đánh đấm, võ thuật, múa may quay cuồng, đâm chém giết nhau, thịt rơi máu đổ; hay những tác phẩm liên quan đến hình sự, điều tra tội phạm, nói chung là các chuyện phản gián, chuyện gián điệp, chuyện tình báo.v v…Vậy mà trong những nhà văn nữ của thế giới nói chung và  của Việt nam nói riêng, có một nữ văn sĩ Việt nam ở hải ngoại đã dấn thân bất chấp thân phận là liễu yếu đào tơ đã quyết chí hoàn thành một tác phẩm về chuyện trinh thám để cống hiến cho độc giả một tác phẩm trinh thám tuyệt vời. 

Đó là nữ văn sĩ Khánh Lan với tác phẩm“Tuyển Tập Truyện Trinh Thám”. Được biết nhà văn Khánh Lan đã tốt nhiệp Cử nhân …..Sau đó bà ta tiếp tục học và đã lấy luôn văn bằng Cao học về tâm lý và xã hội học. Nhờ thụ giáo được những kiến thức về tâm lý và xã hội học tại đại học, nhờ giàu óc tưởng tượng cực mạnh, nhờ sẵn có đặc tính thật bén nhạy trước những án mạng ngoại cảnh, cũng như nhờ có óc sáng tạo và rất thông minh, cùng với những lý luận thật sắc bén và vững chắc cho từng sự việc qua những phương pháp như tam đoạn luận, song quan luận, liên châu luận; cũng như những phương thức điều tra tôi phạm của một thám tử tác giả cũng đã thấm nhuần như Tư duy phản biện (Critical thinking); Giao tiếp bằng văn bản (Written communication); Giao tiếp bằng miệng (Oral communication); Hành vi đạo đức (Ethical behavior); Sự chú ý đến chi tiết (Attention to detail); Hiểu biết sâu sắc về hành vi và tâm lý con người (Keen understanding of human behavior and psychology), nên tác phẩm “Tuyển Tập Truyện Trinh Thám” của nhà văn Khánh Lan đã trở thành bất hủ, có một không hai trong nền văn chương Việt nam hải ngoại hiện nay, đặc biệt về những chuyện trinh thám. Điểm qua 10 chuyện trinh thám trong tác phẩm này, ta thấy chuyện nào cũng thật hấp dẫn khiến độc giả đọc đến say mê. Càng đọc càng thấy hồi hộp đến sởn tóc gáy, nổi da gà. Nhiều tình tiết trong vài cốt chuyện thật éo le, khi thì hạnh phúc vô biên bỗng kết cuộc quá thảm sầu, khi thì giàu sang phú quý nhưng rồi lại rơi vào vòng lao lý vì ghen tỵ và muốn đoạt gia tài đến độ quá độc ác ( trong Hai Chị Em: Joey Rodriguez giết vợ chồng anh cột chèo Tara và Mathew Taylors rồi xô xuống biển), khi thì yêu nhau đắm đuối nhưng rồi phản bội đến kinh hoàng (trong Mối Tình Oan Nghiệt: Jimmy Smith và Roberto Rivera cắt cổ gia đình ông Christpher Adams 6 người, hay trong Tình Luỵ : Margarita Cruz phản bội Michael Albertini nên bị Michael giết bởi chất độc Antifreeze), khi thì tĩnh táo khám bệnh cho bệnh nhân vì là một bác sĩ đáng kính, nhưng ai ngờ bác sĩ ấy lại trở thành một kẻ sát nhân vì loạn trí nên không kiểm soát được hành động của mình khi mắc bệnh tâm thần (trong Điệp Vụ Cuối Cùng Với McBride: bác sĩ Allan Figuerola là kẻ đã giết hụt thám tử Lê Minh, thật kinh hoàng). Lắm lúc tìm ra được thủ phạm do gặp may (!) như nhờ báo mộng (trong Oan Hồn Báo Mộng: bà Sophia Garcia nằm mộng được bà Pamela cillpam Mơlan báo cho biết thủ phạm là ai). Riêng trong chuyện “Điệp Vụ Cuối Cùng Với McBride”, chúng ta mới biết tác giả rất thông thạo về một bệnh kỳ lạ mà ít khi ta nghe nói đến. Đó là bệnh “Rối Loạn Đa Nhân Cách hay Rối Loạn Nhận Dạng Phân Ly”. Theo tác giả thì: “Đây là một chứng bịnh tâm thần Rối loạn đa nhân cách (Multiple personality disorder/MPD) hay Rối loạn nhận dạng phân ly (dissociative identity disorder/DID). Một chứng tâm bịnh mà bệnh nhân không nhận biết được là mình đã làm gì và chuyện gì đã xẩy ra cho họ. Họ bị rơi vào tình trạng lẫn lộn (confuse) và không biết đâu là thật và đầu là giả. Có những nghi vấn cho rằng đây là bịnh giả vờ để chạy tội. MPD hay DID là sự mất kết nối giữa suy nghĩ, ký ức, cảm xúc, hành động hoặc ý thức của một người về con người của họ. Sự khác biệt giữa những hành vi phân ly hàng ngày và MPD hay DID gây ra bởi trải qua một kinh nghiệm đau thương, chẳng hạn như tai nạn, thảm họa hoặc nạn nhân của tội phạm. Sự phân ly có thể giúp tinh thần một người thoát khỏi nỗi sợ hãi, đau đớn và kinh hoàng, điều này khiến họ khó có thể nhớ hoặc kể lại chi tiết những hành vi hay kinh nghiệm đau thương sau này.”Ngoài những tình tiết éo le, oái ăm của từng câu chuyện, ta thấy tác giả rất thông thạo về những phương thức khám phá khác để tìm ra thủ phạm như xử dụng máy nói sự thật bằng một cuộc kiểm tra tiến hành với máy nói dối còn được gọi là bài kiểm tra PDD (psychophysiological detection of deception), lấy mẫu giảo nghiệm DNA, nhờ các nhân chứng tại hiện trường v v. Tác giả lại còn thông thạo về những chất hoá học trong nghiệp vụ ( trong chuyện Tình Luỵ) nên nhờ đó giúp cho thám tử  McBride và Lê Minh tìm ra được thủ phạm dễ dàng: thí dụ như chất độc Antifreeze tức là Mechanical coolant. Đây là một loại chất độc gồm chất Ethylene Glycol Methanol và Propylene. Hợp chất nầy không có màu, không mùi vị rất nguy hiểm. Hay là thuốc lắc estacy còn được gọi với nhiều tên khác nhau như Methylenedioxy-metham-phetamine hay MDMA. Theo tác giả, đây là một loại thuốc gây nghiện bất hợp pháp có tác dụng kích thích và gây ảo, tăng cường năng lực và sự tỉnh táo. Tuy nhiên chất MDMA có tác dụng làm cho não sản xuất quá mức lượng serotonin, dopamine và norepinephrine khiến người sử dụng có cảm giác hứng khởi, vui vẻ giúp giảm sự trầm cảm và lo âu. Tuy nhiên tác giả cũng cho biết nếu xử dụng loại thuốc này thường xuyên lại trở nên trầm cảm, lú lẫn, giấc ngủ bị rối loạn. 

Đặc biệt trong câu chuyện trinh thám cuối cùng mang tựa đề “Giấc Mơ Hạnh Phúc”, tác giả đã làm cho độc giả cảm thấy bỡ ngỡ và ngạc nhiên rằng, tại sao thám tử McBride và người đẹp điệp viên Lê Minh lại không cùng nhau kết tóc xe tơ sau mấy mươi năm đi với nhau bên cạnh cuộc đời, đã cùng nhau vào sinh ra tử chia ngọt xẻ bùi với biết bao thăng trầm khắc khoải; khi thì hồi hộp lo âu, khi thì trầm tư mặc tưởng, khi thì thức khuya dậy sớm để cùng nhau giải quyết những điệp vụ đầy hiểm nguy. Đọc tiếp những dòng cuối cùng của câu chuyện, độc giả sẽ biết rằng có lẽ vì đã dấn thân vào nghề trinh thám này nên thám tử McBride và điệp viên Lê Minh đã thấy con người không thoát khỏi được tham sân si nên thường hay phạm tội, để rồi phải rơi vào vòng lao lý, lắm lúc kết thúc bằng những cái chết đầy oan nghiệt và thật đau lòng. Vì chứng kiến hằng ngày những cái chết chóc đau buồn đó nên quá chán ngán cho tình đời, hay chẳng nghe được lời ân ái nào từ người đẹp Lê Minh nên thám tử McBride đã quyết định từ giả cõi đời bằng một phát súng lúc tuổi đã “thất thập cổ lai hy”. Khi được tin McBride tự sát, người đẹp điệp viên Lê Minh đã ngỡ ngàng đến sửng sốt để rồi cuối cùng, nàng liền quyết định xuống tóc đi tu, có lẽ vì cảm thấy bơ vơ lạc lõng giữa cuộc đời vì hình bóng người mà nàng yêu thầm nhớ trộm cuối đời đã ra đi không bao giờ trở lại chăng? Với kết cuộc như trên, tác giả đã mượn triết lý của thi hào Nguyễn Du trong tác phẩm Truyện Kiều để kết luận thật tuyệt vời cho tác phẩm “Tập Truyện Trinh Thám” của bà ta. Đó là: Tu là cõi phúc, tình là dây oan. 

Nếu sánh vai với một vài nữ văn sĩ viết chuyện trinh thám trên thế giới, ta thấy nữ văn sĩ Khánh Lan cũng có thể ngang hàng với họ không chừng. Thí dụ như nhà văn Tana French với tác phẩm In the woods, Edgar. Nhà văn Megan Abbott với những tác phẩm The fever, Dare me, The end of everything. Nhà văn Daphne Du Maurier với tác phẩm Rebecca. Nhà văn Camilla Lackberg với những tác phẩm Isprinsessan (the Ice Princess), Predikanten (the Preacher), Olycksfagelon.

Nhà văn Tess Gerritsen với tác phẩm Call after Midnight, Peggy Sue Got Murdered, The Bone Garden.

Nhìn chung, tác phẩm “Tuyển Tập Truyện Trinh Thám” này là một tác phẩm rất có giá trị cho ngành tội phạm hình sự theo đó, những ai mới bắt đầu vào nghề hay đang hành nghề thám tử, gián điệp, cần nên đọc để trau giồi thêm kiến thức nghề nghiệp và rút tỉa kinh ngiệm quý báu trong lúc hành nghề.

Tóm lại, với tác phẩm “Tuyển Tập Truyện Trinh Thám”, nữ văn sĩ Khánh Lan đã để lại cho đời một kiệt tác về văn chương Việt nam tại hải ngoại, đặc biệt trong lãnh vực về chuyện trinh thám, rất hấp dẫn, thật hồi hộp, đọc xong sẽ nổi da gà và dựng tóc gáy ngay. Tôi xin trân trọng giới thiệu với độc giả khắp năm châu tác phẩm trinh thám thật tuyệt vời này.

California, ngày 20 tháng 02 năm 2021.

Dương viết Điền.

(Hình ảnh trong bài lấy từ nguồn Wikipedia)