Văn Thơ

Hữu-Phương: Kiếp Lưu Ðày

Vĩnh Liêm

    Hôm nay tôi nhận được bản sao của hai số Nguyệt san Lướt Sóng, “Chiến Thắng Hoàng Sa” và số đặc biệt “Ngày Hải Quân 74” do Ông Vũ Hữu San (cựu HQ Trung Tá, nguyên Hạm trưởng Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ 4) gửi tặng. Tôi lần dở từng trang, bắt gặp những khuôn mặt cũ, những nhà thơ thân thiết của Hải Quân ngày nào. Tôi gặp lại thi sĩ Hữu-Phương qua bài thơ “Tỉnh Mộng” của Ông. Ðó là bài thơ tình viết cho người yêu đã bước ra khỏi cuộc đời của Ông nhưng đã để lại cho tác giả một nỗi buồn ray rứt khôn nguôi. Thi sĩ Hữu-Phương đã cất lời nhắn nhủ nàng một cách thiết tha:

    Ngọn lửa nào bừng cháy cũng tàn mau

    Trừ lửa lòng ta muôn đời bừng sáng.

Rồi Ông kết luận:

    Em còn đó xin em đừng triệt diệt

    Lửa đã hồng soi tỏ lối trăm năm.

    (Lướt Sóng, số đặc biệt Ngày Hải Quân 74, trang 57)

    Bài thơ “Tỉnh Mộng” của thi sĩ Hữu-Phương làm cho tôi nhớ lại một món nợ với Ông mà tôi chưa trả được, đó là hai tập bản thảo thơ của Ông đã gửi tặng tôi ngày 21 tháng 3 năm 1984, “Kiếp Lưu Ðày” (Tập 3) và “Nỗi Buồn Á-Việt”, với lời gửi gấm tha thiết: “Bao giờ Vĩnh Liêm có dịp thì viết lời giới thiệu giùm”. Sau đó vài năm thì Ông đã đột ngột qua đời. Từ đó tới nay, tôi chưa hề “có dịp” để thực hiện lời căn dặn đó!

    Nhân tiếp chuyện với Ông Vũ Hữu San qua điện thoại và E-mail cách nay hai tuần lễ, tôi có nhắc lại chuyện tôi đang có trong tay hai thi tập (bản thảo) của thi sĩ Hữu-Phương và đề nghị Tổng Hội Cựu Hải Quân & Hàng Hải Việt Nam Cộng Hòa in hai thi tập này khi có điều kiện. Cách đây một tuần lễ, Ông Chu Bá Yến (cựu HQ Trung Tá) có liên lạc với tôi qua E-mail và Ông cho biết đã liên lạc được với cháu Loan, ái nữ của cố Ðề Ðốc Nguyễn Hữu Chí (tên thật của nhà thơ Hữu-Phương), và đề nghị cháu Loan xúc tiến in hai tập thơ nói trên.

    Tôi bèn đi tìm lục bản thảo thi tập “Kiếp Lưu Ðày” (Tập 3) nằm trong tiểu thư viện của tôi mà 7 năm qua tôi chưa có dịp đọc lại. Bây giờ bản thảo thi tập “Kiếp Lưu Ðày” đang nằm trước mặt tôi với 49 bài thơ ngắn dài đủ thể loại, trong đó có một bài thơ bằng tiếng Pháp (Le Temps en Réduction) và một bài thơ bằng tiếng Anh (Time in Reduction) được chuyển từ tiếng Việt (Ngày Tháng Thu Dần). Tại sao lại là “Kiếp Lưu Ðày” mà không là tiếng kêu than nào khác? Ðó là tâm sự đầy vơi của thi sĩ Hữu-Phương trong kiếp sống tha hương, đang đối diện với tuổi đời chồng chất mà không biết ngày nào mới được trở lại cố hương:

    Thân thế chỉ còn mộng viễn vông

    Cuối đời hiu hắt bóng hoàng hôn

    Từng trang quá khứ chìm quên lãng

    Chết cả tương lai, đuối cả hồn.

    (Ngày Tháng Thu Dần)

    Chỉ một chiều Ðông thôi cũng đủ làm cho nỗi lòng của thi sĩ Hữu-Phương thêm đìu hiu, cõi lòng càng se sắt:

        Quê ai vẫn lạ trăm chiều

    Một lần diệu vợi hẳn nhiều bâng khuâng

        Phải tiêu cho hết buồn đông

    Ðể còn lay lắt với dòng nổi trôi

        Mong thay một kiếp luân hồi

    Trên non hòn đá không lời buồn vui

    (Chiều Ðông)

    Mùa Ðông ở đất nước người sao mà sầu thảm quá! Mỗi một ngày Ðông ở đây là một ngày dài nhung nhớ, xót đau trong lòng người viễn khách. Một nỗi u hoài trong lòng thi sĩ khi thấy đàn chim khuất dạng vào cõi xa xăm:

    Chơ vơ hồn thảo mộc

    Như viễn khách chiều nay

    Nhìn đàn chim khuất dạng

    Lâng lâng nỗi u hoài.

    (Mùa Ðông Trên Ðỉnh Cây)

    Rồi mùa Ðông đem tới tặng cho thi sĩ những khối tuyết trắng phau, lặng lờ vô tri vô giác. Khi nhìn thấy tuyết tan, thi sĩ càng mơ tới một mùa xuân nắng ấm.

        Ðêm qua tuyết xuống lặng lờ

    Cái quan hừng sáng hai bờ trắng phau

        Chiếc xe ngại bước qua cầu

    Ðường trơn lỏm dấu cát rào dưới chân

        Thế rồi cơn nắng ung dung

    Tỏa lên chợt thấy như đông rũ tàn

        Hàng cây nhìn giá băng tan

    Cành trơ lá trụi mơ màng ngóng xuân.

    (Tuyết Xuống Trong Ðêm)

    Ðối với kiếp lưu đày như thi sĩ Hữu-Phương thì tuyết là hình ảnh làm cho cuộc đời lưu vong thêm chán chường, mệt mỏi:

        Chán chê cái kiếp lưu đày

    Từng giây gõ nhịp tưởng đầy là vơi

        Dư âm thân thế xa rời

    Chiều nay tuyết xuống ngày mơi vẫn buồn

    (Ngày Mai Vẫn Buồn)

    Qua tới mùa xuân thì lòng thi sĩ lại bồi hồi xúc động. Không xúc động sao được khi nghĩ tới quê hương đất nước đang oằn oại trong gông cùm Cộng sản!

    Xuân lại đến

    Bồi hồi sao cuộc sống!

    Xuân lại về

    Não nùng quá Quê Hương!

    Nhưng ta vẫn đốt hương lòng

    Cầu xin Tổ Quốc thắm hồng nơi nơi.

    (Xuân Vọng)

    Không đau đớn sao được khi anh hùng bị ngã ngựa một cách tức tửi, bị trói tay buột miệng một cách oan ức, để rồi phải làm thân nô bộc ở xứ người!

        Phải còn luồn lọt bao nhiêu

    Bao nhieu cho giáp hai chiều thấp cao

        Cung quan ngày trước tự hào

    Ngày nay nô bộc thét gào dửng dưng

        Vẫn mơ gió thốc động rừng

    Bứng cây dời núi một vùng dọc ngang

        Nhưng rồi hổ đã rời hang

    Sơn lâm hùng vĩ ngỡ ngàng đó thôi

        Chín năm hòn đá lăn đồi

    Chơ vơ dưới lủng đỉnh trời bao la.

    (Anh Hùng Ngã Ngựa)

    Càng đối diện với tuổi đời, càng ngoái nhìn lại quá khứ, thi sĩ càng thấy mảng trời thơ càng thu hẹp lại:

    Qua lăng kính xưa đời thôi hết đẹp

    Mù trải xa thu hẹp mảng trời thơ

    Như tất cả vùi say và ngủ thiếp

    Núi hoang sơ giao tiếp biển ơ hờ.

    (Qua Lăng Kính Ngày Xưa)

    Tuy vậy, thi sĩ vẫn còn tha thiết tới đại cuộc, tới một ngày trở về Việt Nam khi bóng giặc không còn. Thi sĩ luôn luôn theo dõi thời cuộc và cảm phục những người dám lên đuờng đi cứu lấy non sông:

    Người ta cho rằng dởm

    Cái việc đi Tây, Tàu

    Của tiền ai tiêu rởm

    Những chuyện làm cầu âu.

    Thật thì biết nói sao

    Nghĩ thôi đủ nghẹn ngào

    Huống gì trông thế cuộc

    Ngày về giấc chiêm bao

    Nhưng nếu ngồi bó tay

    Ai ai cũng thở dài

    Không màng gì nữa hết

    Chỉ bàn bạc mỉa mai

    Thì tội thay! Người đã

    Khêu tiêm đốt ngọn đèn

    Không bừng lên lửa thật

    Cũng còn thấy nhá nhem

    ……………..

    Dầu mấy trời ngăn trở

    Khi quyết thắng gian tà

    Bây giờ không thành sự

    Trăm năm chẳng muộn mà.

    (Mộng Lớn)

    Rồi Ông khẳng định một điều rất chí lý và quyết liệt:

    Ðối với bè lũ đó

    Không thể tỏ dịu hiền

    Dẫu thân tù xác rọ

    Tâm trí phải vùng lên

    (Ðối Với Bè Lũ Ðó)

    Dù bị ngã ngựa một cách đau xót, nhưng thi sĩ Hữu-Phương vẫn mơ một ngày về lại quê hương một cách cương quyết:

    Một tháng nữa ta về

    Ai bảo rằng không thể được?

    Giang sơn ta sao rằng trong tay cướp

    Ðất nước ta sao rằng mãi hôn mê.

    Một tháng nữa ta về

    Hãy bảo nhau như người Do Thái

    Vững niềm tin ở Ðấng Jehovah

    Ngày mai gặp nhau ở Jerusalem.

    Một tháng nữa ta về

    Dẫu thời gian khuyên nhủ điều nhẫn nhục

    Kẻ-bên-này người-bên-kia chúc phúc

    Ăn ở ngay lành để còn thấy lại nhau.

    ………………..

    Một tháng nữa ta về

    Rằng Tự do phải thắng trước gian tà

    Nắng Tự do sẽ làm mầu mỡ lại

    Ðất Việt Nam không thể chìm xuống mãi

    Trong điêu tàn và sầu hận chia ly

    Dẫu trăm năm ta vẫn hẹn nhau về

    Dẫu xa xăm ta cũng hẹn nhau về

    Miền Nam muôn đời vẫn phải thuộc về ta…

    (Hãy Hẹn Nhau Về)

    Mỗi một buổi sáng, thi sĩ Hữu-Phương đều có một điều mơ ước, tuy đơn giản nhưng rất chân thực. Ðiều mơ ước đó là:

        Ta về với mái nhà xưa

    Liếp khoai bụi chuối hàng dừa hân hoan

        Giã từ cuộc sống đi hoang

    Ta về với mẹ thiên đàng của ta

        Vẫn mong từ sớm đến tà

    Vẫn mong cho tới khi xa cõi đời

        Rồi mong vẫn tiếp với người

    Ðến khi non nước xanh ngời tự do.

    (Ðiều Mong Mỗi Sáng)

    Ðiều mơ ước sau đây của thi sĩ Hữu Phương cũng là điều mơ ước chung của người Việt ly hương:

        Ước gì ta thấy cuộn dòng

    Cửu Long nước đổ mênh mông tháng Mười

        Lòng ta rộng một khoảng trời

    Bao nhiêu yêu dấu đời đời không quên.

    (Ðiều Mơ Ước Của Người Ly Hương)

    Bỗng có một ngày buồn bã, lòng thi sĩ cảm thấy bâng khuâng, lo lắng cho nhân loại sắp đến ngày tận thế:

    Họ vì cuồng tín Allah

    Lao đầu như điên dại

    Ta cũng vì tin Tự do

    Không nguôi cõi lòng kinh hải.

    (Biểu Hiệu Ngày Tận Thế)

    Với tấm lòng yêu mến quê hương đất nước, mặc dù chưa thực hiện được những điều mơ ước nhỏ nhoi, nhưng thi sĩ Hữu-Phương vẫn bộc lộ tấm lòng tha thiết của Ông:

     Nếu mai ta còn sống

    Còn tiếp chuyện tương lai

    Ðừng cho rằng ảo mộng

    Nên nghĩ đó lâu dài.

    (Trông Vào Nguồn Dân Tộc Mà Ðấu Tranh)

    Ðố bạn biết tại sao thi sĩ Hữu-Phương làm thơ? Xin hãy lắng nghe Ông tâm sự:

    Làm thơ tức nguyện cầu

    Cho hồn ta hóa giải

    Những nỗi sầu niềm đau

    Qua đêm dài khắc khoải.

    Nếu tin cùng thi nhân

    Bắc nhịp cầu tri kỷ

    Lời thơ như tiếng thầm

    Ngân sâu niềm tâm ý.

    (Lời Ðáp)

    Vâng, quả thật đúng như vậy! Tôi đã tìm thấy ở thi sĩ Hữu-Phương một tâm hồn thi nhân hơn là một vị Tướng. Hơn một năm làm việc với nhau để hình thành Ðại Hội Liên Hiệp Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại (Coalition of Free Vietnamese Convention) tại Hoa Thịnh Ðốn năm 1983, thi sĩ Hữu Phương đã đối với tôi như một người anh hòa ái, một người bạn văn nghệ lâu năm. Ông lúc nào cũng cười vui vẻ, ăn nói lịch thiệp, chừng mực. Khi phát biểu ý kiến thì Ông dùng lời lẽ ôn tồn, khiêm tốn. Không bao giờ Ông dùng lời lẽ đao to búa lớn ở nghị trường, bởi vì Ông có một nguyên tắc sống thật là cao cả, từ tốn, an nhiên.

    Khi đức tính trong con người khêu tỏ

    Nến tin yêu soi thấu lớp sa mù

    Ta không sống vô tình như cây cỏ

    Thà ngu khờ hơn chẳng có tâm tư.

    Bằng từ tốn ta hòa trong nhân loại

    Vui của người làm phấn khởi hồn ta

    Bằng hỉ xả ta nghe nhiều nhân loại

    Từ bốn phương phải tụ lại một nhà.

    Nguyên tắc đó không là chi mới lạ

    Chỉ làm sao băng giá được cõi lòng

    Vì cơn nóng như dầu loang lửa phá

    Chẳng được gì càng thấy rõ hư không.

    (Nguyên Tắc Sống)

    Thật là cao cả, tuyệt vời! Bởi thế thi sĩ Hữu-Phương đã được mọi người yêu mến. Ngày Ông qua đời, anh em kéo tới nhà thật đông, trước để chia buồn cùng hiền thê của người quá cố và thân bằng quyến thuộc, sau là ngồi tán gẫu với nhau, nhắc lại những kỷ niệm vui buồn với Ông trong cuộc đời quân ngũ.

    Sau chuỗi ngày ly hương tẻ nhạt, Thi sĩ Hữu-Phương đã có cái nhìn về cuộc đời rất chân rất thực, mang mác mùi thiền cùng nền đạo lý Á Ðông. Ông coi cái chết như là một áng mây thoáng qua, một cơn gió thoảng dịu dàng.

    Sống chết nay mai nào ai biết được

    Máy già nua lơ đễnh chốc ngừng xoay

    Bạn bè năm xưa tin về bỏ cuộc

    Ðến tuổi này phần số chỉ là may.

    Ðã tới lúc ta không còn hoảng sợ

    Hai tay xuôi không hổ thẹn hơn là

    Sống lay lắt một khoảng đời dang dở

    Vá víu hoài lạnh vẫn thấm vào da.

    (Sau Một Khoảng Dài Lau Lách)

    Nhìn lại quãng đời đã qua, ngoái nhìn lối mòn đã từng dấn bước, thi sĩ Hữu-Phương không còn nghe tiếng lòng rạo rực nữa, mà tâm đã lắng xuống nên tự dặn lòng:

    Thôi hết chỉ còn ta với ta

    Trên con đường nhỏ tháng ngày qua

    Chẳng mong tình tứ cho ta được

    Giải tỏa tâm hồn những xót xa…

    (Xưa Sau)

    Nhân sinh quan của thi sĩ Hữu-Phương thật đơn giản, nhưng đó là một triết lý sống đôn hậu đáng yêu:

        Ai nào thấu hiểu càn khôn

    Không gian thời khắc vô cùng đó thôi

        Mênh mông hai chữ đời đời

    Mảnh thân cát bụi dập dồi hẩm hiu.

    (Vô Tận)

    Ông vẫn thường dùng dấu chấm ôi (!) sau mỗi khoảng đời nghiệt ngã:

    Cho phỉ đời trai mộng đất trời

    Muốn ôm bốn biển đặt vào nôi

    Muốn quàng tay ấp nghìn tinh đẩu

    Cho mỗi khoảng đời một chấm ôi!

    (Chấm Ôi [!] Sau Mỗi Khoảng Ðời)

    Có rất ít người thấu hiểu tâm sự thầm kín của thi sĩ Hữu-Phương nếu chưa được đọc những vần thơ lai láng tình yêu quê hương đất nước của Ông. Tuy lời thơ chân phương nhưng gói ghém biết bao tình.

    Ta đã ra đi bỏ nước rồi

    Ngậm ngùi vương vấn nẻo chia phôi

    Mười năm rồi đó, mười năm nữa

    Càng thấy buồn dâng ngập cõi người.

    Nếu chẳng làm nên chuyện vá trời

    Cũng nên gào thét tiếng than ôi!

    Bởi đâu nhân sử nhiều tri biến

    Hạnh phúc đời đời bánh vẽ thôi!

    (Cõi Nhân Gian)

    Có lẽ bài thơ sau đây là điềm báo trước cho sự ra đi vĩnh viễn của thi sĩ Hữu-Phương. Bây giờ đọc lại tôi mới thấy cái điềm không hay ấy. Chính tác giả đã dịch bài thơ này sang Pháp ngữ (Le Temps en Réduction) và Anh ngữ (Time in Reduction).

    Thân thế chỉ còn mộng viễn vông

    Cuối đời hiu hắt bóng hoàng hôn

    Từng trang quá khứ chìm quên lãng

    Chết cả tương lai, đuối cả hồn.

    (Ngày Tháng Thu Dần)

    Và bài thơ sau cùng cũng là lời bày tỏ về nhân sinh quan của thi sĩ khi bước vào chặng đường cuối cùng của cuộc đời. Mặc dù mới lưng chừng ngũ tuần, thân thể còn tráng kiện, thế mà thi sĩ Hữu-Phương đã cho mình là già nua!

        Bây giờ nửa kiếp già nua,

    Buồn vui thấp thoáng niềm trưa nỗi chiều.

    (Niềm Tin Cuối Một Ðời Người)

    Mặc dù vui buồn đau khổ ngổn ngang trong người nhưng thi sĩ hy vọng Trời sẽ thấu hiểu cho mình:

        Trời am hiểu nỗi vui buồn

    Trước sau sau trước một hồn một thân.

    (Niềm Tin Cuối Một Ðời Người)

    Một buổi sáng đẹp trời nọ, thi sĩ Hữu-Phương bỗng buông cây vợt Tennis đang cầm trên tay, không một lời từ giã người thân, vội vàng ra đi tới miền đất lạ như Ông đã từng đột ngột ra đi trong năm 1975! Thế là Ông đã chấm dứt “Kiếp Lưu Ðày” bằng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng!

    Tôi viết lời giới thiệu này không nhằm mục đích “trả nợ” cho thi sĩ Hữu-Phương như đã nói ở đoạn đầu, mà là lời tưởng niệm thân thương của tôi đối với Ông trong tình anh em nghĩa cả, bằng những xúc động chân thành dành cho người anh yêu qúi.

    Thi tập “Kiếp Lưu Ðày” (Tập 3) có đến tay bạn đọc được hay không là còn tùy thuộc vào thân nhân của người quá cố. Việc làm của người giới thiệu nằm trong khuôn khổ là làm sao nói lên được những điều gì mà tác giả đã gửi gấm trong từng bài thơ. Có thể tôi nói hãy còn thiếu sót hoặc chưa nói hết những gì mà tác giả đã kỳ vọng nơi tôi. Nếu đúng như vậy, xin độc giả vui lòng miễn chấp, và xin hương hồn thi sĩ Hữu-Phương vui lòng tha thứ.

(Ðức Phố. ngày 11-02-2001)

Vĩnh Liêm