Văn Thơ

Hà Nguyên Du Với Niềm Đam Mê Thi Ca


Trần Việt Hải – Los Angeles.

Viết về một người bạn văn nghệ mà tôi thân thiết từ bên nhà qua tình đồng hương quê quán Tây Ninh cũng như tình đồng cảm về thú tao nhã văn nghệ như VănThơ Nhạc, tôi muốn đề cập về anh Hà Nguyên Du…

Những phạm trù văn nghệ như Văn Thơ Nhạc anh đều tham dự đủ cả, anh tham gia say mê và anh góp mặt tích cực, đặc biệt là hai lãnh vực thi ca cổ nhạc và rồi đến tân nhạc. Anh viết nhiều ca khúc và đã phổ thơ cho các nhà thơ Tân Hình Thức…

Hẳn Hà Nguyên Du là một tên tuổi nổi bật trong thi ca của nhiều áng thơ.

Anh là cây bút trước 1975. Anh sáng tác nhiều thể loại thơ, từ thơ vần điệu cho đến thơ hiện đại là thơ Tân Hình Thức. Và anh cũng là một soạn giả nhiều bản tân cổ nhạc. Đây là điều khá hiếm, một sự quý báu khi mà nơi hải ngoại nếu không vun bồi hay phát huy tinh hoa cổ nhạc, ngành truyền thống để nó mai một là điều đáng buồn, buồn lắm.

Hà Nguyên Du cho xuất bản tuyển tập thơ thứ tư sau tác phẩm thơ Tân Hình thức là “Gene Đại Dương” qua nhóm Văn Học Nghệ Thuật “Nhân Ảnh Tân Văn và Tiếng Thời Gian”.
(Tính tác phẩm thơ xuất bản hôm nay là tác phẩm thứ tư chỉ tính riêng về Thơ)

Tuyển tập thơ mới xuất bản hôm nay là:
“Vầng Thơ Trên Đóa Quỳ Vàng”. Hoa quỳ khá giống hoa sen về hình dáng, màu sắc; sen và quỳ đều tòa hương thơm trong sự thanh cao… Và một loại Quỳ vàng chính là hoa hướng dương với ý nghĩa thể hiện niềm tin và nguồn hy vọng vươn lên với ánh mặt trời hay luôn hướng về điều tươi sáng nhất.

Hà Nguyên Du đề tựa theo ý nghĩ của Nhà văn Thalassa Cruso, vốn yêu cỏ cây thiên nhiên, trong tác phẩm :

“To Everything There is a Season”
(năm 1973), bà Cruso cho là:
“Hương thơm mang lại những kỷ niệm, và nhiều kỷ niệm mang lại niềm vui hoài hương.” (Scents bring memories, and many memories bring nostalgic pleasure).

Do vậy, những Vầng Thơ Trên Đóa Quỳ Vàng, tự nó dâng hương thơm khi gợi lại niềm vui thi ca về quê xưa của tình hoài hương.

Trong khi nhà văn Ấn quốc APJ Abdul Kalam quan niệm :

“Thi ca xuất phát từ hạnh phúc cao nhất hoặc nỗi buồn sâu thẳm nhất”
(Poetry comes from the highest happiness or the deepest sorrow).

Trong mấy mươi bài thơ của tác giả Hà Nguyên Du mà bạn cầm thi tập trên tay, thơ có bài vui và có bài buồn vì là tính thơ…

Hà Nguyên Du mang đam mê thi ca như ý tưởng của nhà văn Edgar Allan Poe:
“Với tôi thơ không phải là một mục đích, mà là một niềm đam mê”.
(With me poetry has not been a purpose, but a passion).

Tương tự, thi hào Khalil Gibran nói: “Thơ là một sự thỏa mãn của niềm vui và nỗi đau và nỗi trăn trở, với một dấu gạch ngang nối kết của quyển từ điển.
(Poetry is a deal of joy and pain and wonder, with a dash of the dictionary).

Hà Nguyên Du cổ xuý, ngợi ca thơ mới, hay làm thơ cách tân, hoặc thơ tân hình thức, dù rằng anh cũng đã sáng tác thơ đường luật hay lục bát theo lối thơ từ vần điệu cổ điển đến thơ tự do…

Nói về thơ Tân Hình Thức (New Formalism, Nouveau Formalisme) xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng đầu thập niên 30 của thế kỷ 20. Những người chủ trương phong trào thơ mới lúc bấy giờ muốn phá bỏ hình thức thơ “tám câu năm vần” và loại thơ mới ban đầu này là cuộc cách mạng thơ được hưởng ứng rất mạnh mẽ và kéo dài cho đến nay đã gần 80 năm rồi.

Trong vườn thơ Việt Nam trong thế kỷ 20, nổi bật những áng thơ đường của Quách Tấn, Thinh Quang, Đông Hồ, Chính Quách,… hay Hà Thượng Nhân; còn phong trào thơ mới có những gương mặt như Bích Khê, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn, Thanh Tâm Tuyền, Cung Trầm Tưởng,… tôi muốn thêm tên anh bạn tác giả tuyển tập thơ này, người vốn lưu luyến, đã bỏ nhiều nỗ lực hầu chắt chiu, trau chuốt những áng thơ tân hình thức, do tim óc, phạm vi mà anh rất trân trọng và dành nhiều thì giờ một khoảng thời gian dài cho cái mình yêu thích.

Yêu thích thi ca bởi lẽ như nhà văn Pháp George Sand nói là :
“Người thu hút sự thích thú cao quý từ tình cảm của thơ là một nhà thơ thực sự, mặc dù ông chưa bao giờ viết một dòng trong suốt cuộc đời mình”.
(Celui qui attire les plaisirs des sentiments de la poésie est un vrai poète, mais il n’a jamais écrit une ligne dans toute sa vie).

Trong khi nhà văn Gustave Flaubert cho cảm tưởng về thơ như một nhu cầu ở khắp nơi đều có nó:

“Không có một hạt nhỏ nào trong cuộc sống không chứa thơ trong đó”.
(Il n’y a pas une particule de vie qui ne porte pas de poésie en elle.)

Nói về thi ca trong tác phẩm “Mon cœur mis à nu”, đăng trong tạp san Journaux intimes, 1864, thi hào Charles Baudelaire ghi nhận như :

“Hãy luôn luôn là một nhà thơ, ngay cả trong văn xuôi”.
(Soyez toujours un poète, même en prose) .
Charles Baudelaire (1821-1867) là nhà thơ lớn của văn học Pháp thế kỷ XIX thuộc trường phái tượng trưng chủ nghĩa.

Arthur Rimbaud nhận định về Charles Baudelaire là “Vua của các nhà thơ”.

Những bài thơ được chú ý nhất của Charles Baudelaire như là Tương Ứng (tức Correspondances) đã khiến ông trở thành người đi tiên phong của trường phái thơ tượng trưng. Nhà thơ sống với tình yêu đối với thi ca và bắt đầu sáng tác ngay từ tuổi đôi mươi.

Mặc dầu sống trong những đam mê để rồi ấp ủ tâm hồn nhưng những bài thơ của Charles Baudelaire vẫn đạt được trình độ nghệ thuật cao của thi ca, để ông tồn tại cho tới mãi về sau này. Xem bài thơ Tương Ứng (Correspodances) như sau…

“Thiên nhiên là ngôi đền, hàng cột là hàng cây
Đôi lúc thốt ra những lời nói xa xôi
Rừng tượng trưng nhìn những người qua lại
Với ánh nhìn từng quen biết đã lâu

Như những tiếng vang dài nơi xa thẳm
Hoà vào nhau thuần nhất, thẳm, đen
Mênh mông tựa ánh sáng và màn đêm
Đều tương ứng các âm thanh và hương sắc..”
(lời dịch Phạm Nguyên Phẩm)

(Correspondances
La Nature est un temple où de vivants piliers
Laissent parfois sortir de confuses paroles
L’homme y passe à travers des forêts de symboles
Qui l’observent avec des regards familiers.

Comme de longs échos qui de loin se confondent
Dans une ténébreuse et profonde unité,
Vaste comme une nuit et comme la clarté,
Les parfums, les couleurs et les sons se répondent…)

Hãy xét xem hai bài thơ tiêu biểu trong thi tập này:

“Vầng Thơ Trên Đóa Quỳ Vàng”

NHỮNG CON CHỮ MẦU NHIỆM

bàn phiếm con pu ter thành ra
vũ trường cho những bước chân lã
lướt tung tăng của những con chữ
những con chữ tinh khôi bước ra

từ nguồn mạch não của người làm
thơ và người làm thơ cảm nhận
hạnh phúc qua mười ngón tay ông
biến thành những đôi chân cho những

con chữ tung tăng như bước chân
chim tuổi học trò trên sân trường
những con chữ dan cing đẹp mắt
trên vũ trường phiếm khiến con mouse

một mực hưởng ứng trên màn ảnh
trông dễ thương như bàn tay vẫy
của cô bé tuổi ô mai bàn
tay vẫy cô bé nhưng thừa quyền

năng điều khiển và ra lệnh cho

người làm thơ sung sướng vâng lời
làm theo những con chữ như những
chiếc xe tải đầy hình ảnh và

ý nghĩa ẩn dụ những con chữ
luôn biến hóa thành những con chuột
bạch mà người làm thơ dùng làm
thử nghiệm các thể loại thi ca

hay dòng thơ của mình những con
chữ thật mầu nhiệm ơi! thật mầu
nhiệm những con chữ vận mệnh
những con chữ thiêng liêng những con

chữ đích thực mang sứ mệnh cao
cả những con chữ quyết định mọi
việc sinh tồn cho dân tộc mình cho
chính mình một người làm thơ cho

mạch dẫn hay mạch nối hai con
tim tình yêu của anh và em
mỗi ngày qua ứng xử và giao
tiếp những con chữ biến hóa cho

vũ trụ nắng mưa cho bầu trời
trong sáng cho không gian tối tăm
anh ước mơ những con chữ luôn
ngoan mỗi ngày nhảy nhót tung

tăng như những dan cing trên vũ
trường bàn phím com pu ter anh
để những con chữ nói lời yêu
em mỗi ngày để những con chữ
biến thành dòng máu tim anh đều

nhịp đập để những con chữ kết
đầy hoa trên cành cây thơ của
người làm thơ hay ai ai đó
đã dùng những con chữ thường ngày

ơi.! những con chữ mầu nhiệm hỡi
em yêu… hỡi bạn bè khắp chốn..!!

Đượm nét thơ tân hình thức,một dòng thơ mới hiện đại, bài thứ hai của thi sĩ Hà Nguyên Du chuyên chở ý tưởng thi ca như sau:

NGÓN TAY CỦA EM

ngón tay búp măng nõn nà của
em có cái móng cong cong dài
em thường vẽ lên đó một nụ
hồng màu tươi rói như màu máu

trái tim rất lãng mạn của tôi
ngón tay của em hàm chứa nguyên
trinh cuộc đời tôi như một nhiệm
mầu! cái ngón tay có cái túi

đựng hai chiếc chìa khóa dùng đề
mở hai cánh cửa thiên đàng và
địa ngục cái ngón tay trắng ngà
màu vàng sữa như một magic

ngón tay đã nhiều lần làm tôi
có những cảm giác như một thỏi
sắt rơi tũm xuống đáy biển hoặc
như một vật nhẹ bỗng bay vút

hăng thiên cái ngón tay đã khảy
lên dây thần kinh tôi những thanh
âm tuyệt trần và cũng chính ngón
tay ấy đã mở nấp bầu lệ

tôi tuôn như suối nguồn thiên tạo
tôi sẽ tạc tượng ngón tay của
em bằng thạch cao có đeo lủng
lẳng hai chiếc chìa khóa nhưng tôi

không biết tụng niệm thần chú làm
sao để lồng vào đó cuộc đời
tôi như một linh hồn của ngón
tay được tạc tượng bằng thạch cao

ngón tay búp măng nõn nà của
em có cái móng cong cong dài
ngón tay đã vẽ nên bức tranh
lập thể như tranh Picasso

mà chỉ có tôi xem mới hiểu
và khóc với bức tranh ấy từ
ngón tay của em làm ra chính
ngón tay em ngón tay lịch sử ..!!

Tóm lại thơ tân hình thức đã gột bỏ những luật lệ gò bó của thơ vần điệu hay thơ cổ điển, tính phóng khoáng, thoáng mát như làn gió mới, nên thơ thu hút nhiều người trong giới thi ca, nhất là giới trẻ trong nước và hải ngoại. Giới trẻ vốn không vướng vấp đến thi ca vần điệu hay thơ truyền thống…

Nay tác giả Hà Nguyên Du, (người đã đến với thơ Tân Hình Thức ngay từ khi khởi phong trào, đóng góp sớm với tác phẩm thơ THT):
“ Gene Đại Dương”

Và giờ đây, chúng ta có thêm thi tập: “Vầng Thơ Trên Đóa Quỳ Vàng” ra đời, dù tác phẩm này bao gồm nhiều thể loại, nhưng nổi bật nhất, chúng ta cần chú ý đến dòng thơ mà anh nổ lực đóng góp lâu nay, là dòng thơ Tân Hình Thức…

Tôi nghĩ “ Vầng Thơ Trên Đóa Quỳ Vàng” Là thơ như một Vầng Trăng Tỏa Sáng “ Trên Đóa Quỳ Vàng” trong đêm Và Đóa Quỳ Vàng của ngày đầy nắng ấm Để đóa quỳ Thi Ca vươn lên cùng ánh mặt trời nghệ thuật…

Xin trân trọng giới thiệu.

Trần Việt Hải – Los Angeles

Chút xíu thơ Hà Nguyên Du:
https://www.facebook.com/viethai.tran.942/posts/1479557308801601?hc_location=ufi