Sinh Hoạt

DƯƠNG HỒNG ANH NỮ SĨ

DƯƠNG HỒNG ANH NỮ SĨ 

Khánh Lan Biên soạn.

Tháng Hai ngày 23, 2020 đã trôi qua hơn hai tuần nay, nhưng ô hay, sao lạ quá, cái dư âm của buổi chiều thơ nhạc Dương Thiệu Tước (DTT) và Dương Hồng Anh (DHA), nghe như vẫn còn văng vẳng quanh đây.  Tôi thầm mơ ước, giá tôi có thể đi ngược dòng thời gian để quay về quá khứ và được sống lại những giây phút tuyệt vời của ngày hôm ấy, chắc hẳn tôi sẽ vui sướng biết bao.  Còn gì thú vị cho bằng, khi thêm một lần nữa, cho tôi được thưởng thức lại những dòng nhạc tiền chiến lãng mạn vượt thời gian của người nhạc sĩ tài ba, Dương Thiệu Tước và được nghe lại những giọng ca họa mi thánh thót của Hồng Quyên, Minh Ngân, Lâm Dung, Ngọc Quỳnh, Thụy Lan chen lẫn những  tiếng hát ấm áp của các anh Quỳnh Giao và Mạnh Bổng, v.v……..hay……. hơn thế nữa, cho hồn tôi được chìm đắm trong những vần thơ nhẹ nhàng đầy thi vị trong thế giới thi ca, qua giọng ngâm truyền cảm của nghệ sĩ Bích Ty và nhất là …..được gặp lại người thi sĩ mà tôi hằng kính trọng và yêu mến, dù tôi chỉ có vinh hạnh gặp và quen biết bà trong vài tháng nay:  Vâng, đó là Dương Hồng Anh (DHA) nữ sĩ. 

Tôi còn nhớ như in trong tâm trí, tháng 01 ngày 28, 2020, tôi đã được nữ sĩ DHA tặng cho tập thơ số 10 của bà, xuất bản tại California, năm 2019 với tựa đề “NGUỒN CỘI” trong dịp họp mặt đầu xuân Canh Tý.   Tôi vốn mê đọc thơ từ thuở nhỏ, nên khi nhận được tập thơ từ bà, tôi mừng lắm và say mê đọc những bài thơ bà sáng tác, với những vần thơ giản dị, mộc mạc, dễ hiểu, đong đầy trìu mến, khiến người được đọc thơ có cảm giác như đang cùng bà sánh bước hoặc cùng bà chia sẻ niềm tâm sự. 

         “Bốn bốn mùa xuân trên đất Mỹ, 

          Bao nhiêu kỷ niệm trở về đây, 

          Đất lành chim đậu – Ca-li ấm 

          Sợi nắng vàng say mộng ước đầy“.

                                   (Xuân Trên Đất Mỹ-2019)

… quả thật, thi sĩ DHA đúng là một người tài hoa với một bộ óc tràn ngập những lời hay ý đẹp của một nhà thơ.  Phải, thi sĩ DHA với những áng thơ dịu dàng lưu loát, hồn thơ say đắm làm mê hoặc lòng người, ý thơ trẻ trung nhẹ nhàng, mềm mại, e ấp và đáng yêu như con người của bà, nhưng lại không kém phần ưu tư, thương nhớ, khắc khoải khi nhắc đến quê hương sau bao năm lưu lạc.  Những cảm xúc sâu đậm ấy đã bộc lộ qua lời thơ của thi sĩ DHA và điều này đã được thể hiện rõ rệt qua bốn câu thơ sau đây:  

        “Chiều về nhớ phố Bolsa,

         Đi tìm chút nắng quê nhà năm xưa”.

Hoặc: 

        “Xin gửi quê hương một tấm lòng, 

        Ca li nhớ mãi nắng Sài Gòn”.

Thật đúng như nhà thơ Alfred De Musset đã cho rằng, thơ là nỗi cảm xúc của lòng mình, là nhịp đập của trái tim, là hơi thở của trí tuệ và…”Hãy đập vào trái tim, thiên tài là ở đó”.  Hay nhà văn Việt Hải đã viết trong lời mở đầu cho thi tập Nguồn Cội:  “Trong ngôn ngữ của đời sống, thơ là những dòng chữ đi từ con tim tìm đến khối óc.   Nếu con tim rung động thì trí óc sắp xếp sự sáng tạo chữ nghĩa, đó là ý tưởng của nhà thơ”.  Trong thi tập Chiều Bến Đợi, thi sĩ DHA đã nhận định:  “Tôi đã dànhtừ bao giờ một góc trái tim cho Thơ”.

          “Mỗi bước chân đi nghĩ ngợi gì 

           Thềm hoa rực rỡ đọng trên mi

           Nắng vàng phơ phất lùa khung cửa 

           Chở những vần thơ lãng đãng về”….

                                      (“Nắng Ca Li Nhớ Nắng Sài Gòn)

Có phải chẳng thi sĩ DHA là một thiên tài?  Một hứa hẹn của thi ca văn học?

         “Là những vần thơ tự trái tim 

          Nâng niu ngày tháng mộng bình sinh”…..

      (Nghe Tiếng Thơ Rung Dưới Nắng Chiều, 2019)

Thi sĩ DHA ra đời trước tôi gần ba thế hệ nên tôi không có cơ hội biết nhiều về bà, nhưng vì quý mến bà qua bản tính khiêm nhường, lịch thiệp và nhã nhặn của bà, tôi bắt đầu tìm hiểu về bà qua vài lần được cùng bà hàn huyên tâm sự và cũng nhờ vào buổi phỏng vấn thi sĩ DHA của chương trình Mạn Đàm Văn Học với nghệ sĩ Bích Ty, tôi được biết rõ về bà hơn.   

Thi sĩ DHA là cháu nội trực hệ của cụ Dương Khuê, tác giả của một số bài văn, câu đối, ông cũng là tác giả của những bài ca trù nổi tiếng như bài “Gặp Lại cô Đầu Cũ”.  Theo nhà văn Việt Hải thì thi sĩ DHA xuất thân trong một gia đình nho gia vọng tộc, đề cao và trọng chủ nghĩa tồn cổ.  Là một dòng họ nổi tiếng là có nhiều nhân tài, như cụ Đô Ngự Sử Dương Quang, danh sĩ Dương Lâm phó Tổng Tài Quốc Sử Quán đời nhà Nguyễn, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, giáo sư tiến sĩ Dương Thiệu Tống, nhà thơ Dương Tuyết Lan, nhạc sĩ Dương Thụ, nhạc sĩ/thi sĩ Dương Hồng Kỳ, khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, bác sĩ tim mạch Dương Hồng Tạo.  Nên thi sĩ DHA có lần đã nói với tôi:  “Đã lỡ sinh ra trong gia đình họ DƯƠNG, mình cũng phải làm một cái gì cho xứng đáng, đúng không cô Khánh Lan (KL)”.

Trong lần phỏng vấn qua điện thoại với thi sĩ DHA ngày mồng ba tháng ba, 2020, thi sĩ DHA đã tâm sự với tôi.   Thi sĩ DHA nói, bà tập làm thơ khi bà mới 14 tuổi, bắt đầu với hai hay ba câu thơ viết về người anh trong thời tản cư.  Khi chiến tranh thực sự xẩy ra trên đất Bắc, thi sĩ DHA đã chứng kiến bao cảnh thương tâm, nhất là quang cảnh hoang tàn, buồn bã, vắng vẻ, tan rã, thừa người bán thiếu người mua của buổi chợ chiều, đã là động lực và làm chạnh lòng trác trở của một thi sĩ như bà và trong một phút thoáng qua trong tâm não, bà đã sáng tác bài thơ tả cảnh chợ chiều rất rõ ràng và gợi hình như sau:

           “Chợ chiều tan rã cảnh tiêu sơ”….

Hầu hết những bài thơ đầu tay của nữ sĩ DHA được đăng trên báo Cậu Ấm Cô Chiêu năm 1949 và những tờ báo khác như Cải Tạo, Hồ Gươm, Sinh Lực, Giang sơn, Giác Ngộ….Năm 1952-1954, thi sĩ DHA được mướn làm thư ký tòa soạn của tòa báo Sinh Lực ở Hà Nội, lúc ấy, bà 21 tuổi.  Nhiệm vụ chính của bà là viết những bài phóng sự thuộc về lãnh vực văn nghệ, thể thao và đón những phái đoàn thể thao từ Nam ra Bắc.  Đặc điểm cũng như sở trường của nhà thơ DHA, là bà thường viết những bài phóng sự xã hội khi bà chứng kiến những cảnh thương tâm xẩy ra, bà đã nhìn tận mắt những cảnh nghèo khó đã giết đi hàng ngàn người, hay những tương phản giữa hai lớp sống:  kẻ giàu người nghèo.  Thi sĩ DHA nói, câu chuyện đau lòng nhất mà bà đã nhìn thấy, là thảm cảnh 200 trẻ em mồ côi ở Gò Đống Đa, sự đói khổ, bơ vơ lạc lõng giữa chợ đời, đã là động lực giúp bà viết bài phóng sự về các em.  Bài phóng sự này đã được chọn và đăng trên tờ báo Giang Sơn năm 1953.   Hình ảnh đau thương thứ hai mà thi sĩ DHA nhìn thấy là một đứa bé chết lả trước cửa nhà của một gia đình giàu có, đúng lúc chủ nhà của căn nhà ấy dắt hai đứa con của họ ra đường chơi bóng, mà chẳng màn để ý đến đứa bé nghèo đói đang nằm chờ chết trước cửa nhà của họ.  

Năm 1952, thi tập đầu tiên Hương Mùa Chinh Chiến ra đời ở Hà Nội.  Năm 1954 khi đất nước chia đôi, thi sĩ DHA 23 tuổi, bà rời gia đình nguyên thủy, kết hôn với trung uý bảo an, Nguyễn Sĩ Hiệp tại Hà Nội trước khi bà  theo chồng tản cư vào miền nam.  Định cư tại Sài Gòn, thi sĩ DHA trở lại đi làm một thời gian ngắn và cũng là thời điểm mà bà tạm dừng sáng tác thơ từ ngày đó, quyết định chọn con đường cao quý của người đàn bà thuần túy Việt Nam, là ở nhà chăm sóc chồng con.  Trước khi từ giã thế giới thi ca, thi sĩ DHA có viết một chuyện ngắn, đó là quyển “Niềm Vui Hy Sinh” đăng trên một tờ báo hàng ngày ở Saigon.  Thi sĩ DHA kể, thỉnh thoảng bà hay ghé lại đài phát thanh Saigon để nghe người anh họ của bà là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và ca sĩ Minh Trang hát…… 

Khi được hỏi thi sĩ DHA là bà có âm hận về quyết định của bà trong việc xếp bút nghiêm để trở thành người nội trợ toàn thời gian? Thì hình bên kia đường giây điện thoại, tôi nghe giọng nói của thi sĩ DHA như chùng xuống chen lẫn một chút vấn vương luyến tiếc, bà nói:  “Có lẽ đã đến lúc, những vần thơ thiên phú trong tôi được xếp lại và tạm thời đi dần vào quên lãng, để nhường chỗ cho sự khởi đầu của một mái gia đình hạnh phúc, tôi nghĩ, đây là lựa chọn tốt và hay nhất cho tôi, cũng như đây là những gì tôi đã được dạy dỗ trong một gia đình tồn cổ như gia đình của chúng tôi”.  Ngừng một giây, thi sĩ cười với giọng nói vang vang trong máy điện thoại:  “Cái quan niệm tồn cổ…….vẫn giữ cái cổ lại hay, cô KL ạ”.

Theo lời của thi sĩ DHA, chồng bà, trung uý bảo an Nguyễn Sĩ Hiệp (NSH) trở lại học luật tại Sài Gòn, và vẫn tiếng cười nho nhỏ, bao dung, hiền hậu, thi sĩ DHA kể, có những lúc bà đến trường luật để lấy bài giảng cho chồng vì ông NSH bận đi công tác xa.  Năm 1966, ông NSH giữ chức vụ thẩm phán, vài năm sau ông làm chánh văn phòng chủ tịch Tối Cao Pháp Viện, chủ tịch hội đồng thẩm phán, hai nhiệm kỳ tại Sài Gòn, chức vụ cuối cùng là chánh án tỉnh Mỹ Tho và khi Sài Gòn thất thủ, ngày 30 tháng Tư, 1975 đã làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu người Việt Nam sống trên đất Việt………..và như bị cuốn theo vận nước nổi trôi, lại một lần nữa, thi sĩ DHA cùng chồng và ba người con trai tản cư sang Hoa Kỳ.  Năm 2008, cựu thẩm phán NSH qua đời tại Orange County, California.   

Khi được hỏi, cơ duyên nào đã là nguồn cảm hứng giúp thi sĩ DHA trở lại sinh hoạt trong thế giới thi ca?  Thi sĩ DHA trả lời:  “Sau khi nhà tôi qua đời, thì những dòng thơ tuyệt diệu ngày xưa đã sống lại trong tôi và tôi bắt đầu làm thơ…..phải tôi… trở về với thế giới thơ văn mà tôi hằng yêu quý”.  Như để giúp tôi hiểu rõ hơn, thi sĩ DHA tiếp tục, “Sau lần tôi về thăm Hà Nội, tôi sáng tác bài Thu Cảm, bài thơ hay lắm cô KL ạ, bài này nhà văn Nhật Thịnh đăng trong tờ báo Đất Đứng năm 2012 và ông nói là thơ của bà “Có hồn”.

           “Thu đến từ đâu thu hỡi thu,

            Cùng thơ đang trở gót sông hồ”…..

                                               (Chiều Bến Đợi)

Sau thi tập thứ hai là tám tập thơ sau đó lần lượt suất bản từ năm 2010 đến năm 2019.  Thơ của thi sĩ DHA gồm nhiều thể loại và phạm vi khác nhau, từ tả cảnh tuổi học trò, đến thiên nhiên, tình yêu, gia đình, nỗi cô đơn, lòng thương nhớ, rồi xã hội, chiến tranh, quê hương, tôn giáo và cuối cùng là thơ thiền…. Thơ trong tâm hồn của thi sĩ DHA như được dịp nở hoa, những đóa hoa của trí tuệ, như nhà thi sĩ Paul Valéry đã định nghĩa “THƠ” là gì?  Phải chăng như ông đã nói: “Thơ là ngày hội tưng bừng của trí tuệ”.  Điều này thể hiện qua những bài thơ “Nắng Ca Li Nhớ Nắng Sài Gòn và Hội Thơ” trong tập thơ thứ 10, Nguồn Cội.                   

          …..Ôi bao kỷ niệm êm đềm ấy 

           Xếp hàng trong góc trái tim tôi 

           Để thương để nhớ từng hơi thở

           Vương vấn bao thư giấc mộng đời”….

           “Hôm nay đi hội thơ 

            Niềm vui vẫn đợi chờ 

            Thơ chất đầy một túi 

            Êm ả giấc mơ xưa”….

                 (Mồng 6 Tết Kỷ Hợi – 2019)

Có phải thơ là nghệ thuật sắp xếp ngôn từ phát suất từ nội tâm như thi sĩ Hà Nguyên Du đã định nghĩa?  Thơ trong thi sĩ DHA tả rất sát nghĩa những gì bà đang suy nghĩ và đang xảy ra cho bà, khiến người đọc thơ hiểu ngay điều bà muốn nói, hiển nhiên là trong bài Vẫn Còn Thơ, sáng tác ngày mồng ba Tết Kỷ Hợi, 2019.

       “Đau ốm qua loa, hết bệnh rồi 

        Căn phòng êm ả một mình thôi 

        Trời mây lãng đãng chào xuân mới 

         Hoa lá tưng bừng đón nắng tươi

         Vuốt tóc soi gương đầu đã bạc 

        Tay run bước mỏi áng da mồi 

         Nâng cao ngọn bút vui nhân thể 

        Thơ vần còn đây-mộng cuối trời”.

Năm nay, thi sĩ DHA vừa tròn 90 và với hơn 70 năm sinh hoạt trong thế giới thi ca (1947-2020), tuy tuổi đã cao, nhưng bà rất minh mẫn và sáng suốt, bà vẫn làm thơ và hầu như bà đã thuộc lòng từng bài thơ trong 10 thi tập mà bà đã sáng tác và xuất bản.  Không những thế bà còn có tài xuất khẩu thành thơ, thể hiện trong ngày 23 tháng 2, 2020, nữ sĩ DHA đã làm sáu câu thơ ngay tại buổi tiệc vinh danh & chúc thọ 90 kỷ niên của bà.

         “Chín mươi tuổi trên tay còn ngọn bút, 

           Nhìn đất trời cao rộng giữa bao la,

           Cho tôi viết những gì tôi muốn viết, 

           Thổi hồn thơ lãng đãng nhớ quê nhà, 

           Cho tôi thấy mùa xuân đầy nắng ấm 

           Nắng hồng tươi, tình gửi nước non xa”.

                      (Trên Tay Ngọn Bút, 2/23/2020) 

Hôm nay, tháng 03 ngày 04, 2020, tôi lại được hầu chuyện cùng thi sĩ DHA, bà bảo tôi:  “Ngày xưa tôi có thể làm thơ ở bất cứ nơi nào, lúc nào….tôi có thể viết một bài thơ trong vòng vài phút…..thế mà bây giờ…… tôi không còn có khả năng ấy nữa….90 tuổi rồi còn gì, thưa cô KL”.

Tóm lại, có phải thơ cũng có tuổi, cũng già nua theo ngày tháng như người đã sáng tác ra nó?  Theo tôi, chắc hẳn là không đúng rồi, vì thơ có khác gì nhạc, thơ và nhạc làm gì có tuổi tác, thơ cũng như nhạc, cả hai đều trẻ mãi không già, chúng sẽ sống mãi trong tâm hồn, trái tim và khối  óc của chúng ta….thơ và nhạc thi vị hóa cuộc sống của mọi người….thơ và nhạc giúp chúng ta mãi vui, trẻ và khỏe…. mãi mãi……trong tâm hồn của chúng ta…..