Sinh Hoạt,  Văn Thơ,  Việt Hải

Dư âm dịp ra mắt sách Mùa hè 2022.

Mùa hè vẫn còn, trời Nam Cali lan tỏa những tia nắng ấm hình như thiên nhiên báo hiệu những buổi hội ngộ gặp gỡ bạn bè. Để chúng tôi, những văn nghệ sĩ đến với nhau trong dịp ra mắt sách, mà kết quả được xem nhiều thành công “Viên mãn thành công“. Trong khung cảnh văn học đậm chất tao nhã văn chương thi vị, nêu cao tinh thần yêu thi ca qua hai tác phẩm thơ, Màu Thời GianLật Trang Sách Cũ. Buổi họp mặt thi ca được diễn ra trong không khí thân mật nhưng không kém phần long trọng. Ba diễn giả của Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian gồm nhà văn Quyên Di, Khánh Lan và Mộng Thủy. Chương trình văn nghệ do Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật – Tiếng Thời Gian tổ chức, buổi lễ cùng với phần văn nghệ đặc sắc qua những nhạc phẩm nổi tiếng của các nhạc sĩ: Dương Thiệu Tước và Lê Trọng Nguyễn, vì 2 nhạc sĩ này có liện hệ gia đình với 2 thi sĩ ra mắt sách, Dương Hồng Anh và Lê Nguyễn Nga.

Thành phần khách tham dự buổi ra mắt hai tập thơ đa số là khách văn học nên khi các diễn giả thuyết trình căn phòng hội chìm trong yên lặng, khiến không khí trở nên trang trọng và sự kính nể đối với hai vị Nữ sĩ. Mặc dù ngày 26 tháng 06 có đến 4 buổi hội họp văn học ở 4 nơi khách nhau, nhưng số khách tham dự buổi ra mắt 2 tập thơ đã vượt qua con số 80 người và số sách đã được sự ủng hộ nhiệt tình của các độc giả yêu thơ và bán gần hết. Thật là “Giới hàn lâm tao nhân mặc khách chiếu cố…”

Hôm sau trong dư âm vui vẻ nữ sĩ Dương Hồng Anhcho ra ngay bài thơ mói toanh như sau riêng thân quý mến tặng Nhà Văn Trần Việt Hải cùng toàn thể quý hội viên trong Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian..

Thêm Một Nụ Hồng

Nhân Văn Nghệ Thuật – Tiếng Thời Gian

Là những vần thơ, những phím đàn

Cho tôi thấy hương đời nồng ấm

Tình văn chương tha thiết muôn vàn

Nôn nao chờ đón ngày ra sách

“Mầu Thời Gian” xanh mát trên tay

Nắng Ca li chiều nay vàng thắm

Nhìn hội trường rạng rỡ trời mây

Bạn bè tôi vui tươi đàn hát

Ánh đèn mầu lấp lánh đỏ xanh

Tình cảm thân thương cùng chia sẻ

Vườn hoa văn nghệ đẹp như tranh

Chim đầu đàn anh Trần Việt Hải

Cùng bạn bè thân mến chung quanh

Đem tim óc cùng nhau tô điểm

Văn hóa muôn đời rạng sử xanh

Đường dài văn nghệ còn đây đó

Mong gửi vào thơ một tấc lòng

Xin cảm ơn bạn bè trân quý

Đã cho tôi thêm một nụ hồng

Nụ hồng còn đó, thơ còn đó

Nghĩa tình bè bạn thước nào đo

Chúc mừng Hội Nhân Văn Nghệ Thuật

Vun trồng văn hóa đẹp như mơ…

Dương Hồng Anh, ngày 29 tháng 6, 2022

Thi sĩ Lê Nguyễn Nga cũng đã kể cái duyên gặp gỡ giữa hai bà như sau.

Cái Duyên với Con Cháu Của Cụ Nghè Dương Khuê.

Nhà thơ Lê Nguyễn Nga và nữ sĩ Dương Hồng Ánh

“Vào dịp Tết Nhâm Dần, tháng hai năm 2022, Nhà Văn Việt Hải báo tin là cuốn sách “Lật Trang Sách Cũ” của tôi sẽ được ra mắt vào tháng 6 năm 2022, cùng với nữ sĩ Dương Hồng Ánh (DHA).  Tôi thấy áy náy, có lẽ mình tự thấy hơi khác nhau, bởi vì về tuổi đời thôi, nữ sĩ DHA đã trên tôi 15 năm, còn về năm tháng sáng tác thơ văn, nữ sĩ đi trước tôi quá xa.

Vào tháng 3 năm 2022, chị vui vẻ hỏi tôi là Nhà Văn Việt Hải nói rằng sẽ ra mắt sách chung cho hai người, “Nga đã biết ngày nào chưa?”  Tôi trả lời là tôi chỉ biết vào tháng 6 thôi, chưa biết ngày chính xác.   Anh Việt Hải tiếp thêm là ngày ra mắt sách sẽ hát nhạc của Dương Thiệu Tước và Lê Trọng Nguyễn.  Trong vài buổi họp, tôi lại được nghe về nữ sĩ DHA là cháu nội của cụ nghè Dương Khuê. 

Cả một bầu trời dĩ vãng lại quay về…

Sau năm 75.  Hôm đó là một ngày đẹp trời.  Tôi đi làm về thấy có một người đến thăm vợ chồng tôi.  Anh Lê Trọng Nguyễn giới thiệu đây là một người bạn cũ đã tham dự đám cưới chúng tôi vào năm 1970.  Tôi nhớ lại là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.  Cả hai vợ chồng, Ca sĩ Minh Trang và nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, đều là bạn thân của NS LTN từ đài phát thanh Huế vào Sài Gòn vào những năm 1960.  Trong bữa cơm thân tình tôi được biết thêm NS DTT là cháu nội cụ Dương Khuê.  

Qua Mỹ, chúng tôi gặp lại Ca Sĩ Quỳnh Giao, ái nữ của bà Minh Trang.  Qua vài lần trao đổi, tôi biết thêm Quỳnh Giao và tôi có một thời học chung trường, lấy chung vài cua Pháp Văn ở trường Trường Sơn.  Trong vài lần tâm tình, cô Quỳnh Giao nói về cuộc đời âm nhạc, bắt đầu học nhạc lý từ kế phụ Dương Thiệu Tước, Cuộc sống trên vùng đất mới luôn quay cuồng.  Thỉnh thoảng chúng tôi gặp lại vợ chồng Quỳnh Giao-Nguyễn Xuân Nghĩa. Có một hôm anh chị báo tin NS Dương Thiệu Tước đã qua đời từ năm (1995).  Một vài lần chúng tôi gặp lại các bạn ca sĩ Mai Hương, Kim Tước, Quỳnh Giao.

Cái thân tình đó tôi nhớ mãi như món quà của cuộc đời.  Cái DUYÊN được quen biết với NS Dương Thiệu Tước-Minh Trang rồi quen luôn đến thế hệ thứ hai là CS Quỳnh Giao và CS Dương Vân Quỳnh… Đã bao mùa lá rụng.  Đã bao mùa tuyết rơi.  Đã bao lần vật đổi sao dời.  Cái buồn chợt đến khi tôi nghe tin người ca sĩ trẻ Quỳnh Giao qua đời sau một cơn bịnh nặng ngắn ngủi. Tôi ngậm ngùi nhớ về những người thân thương đã bỏ ra đi:  NS Dương Thiệu Tước, NS Lê Trọng Nguyễn, ông  Hà Thức Cần, CS Minh Trang, CS Quỳnh Giao.

Tôi xin mượn vài  câu trong bài thơ “Khóc Bạn Dương Khuê” của Nguyễn Khuyến để kết thúc bài viết này:

Bác Dương thôi đã thôi rồi,

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.

……………………

Rượu ngon không có bạn hiền,

Không mua không phải không tiền không mua.

…………………………………

Cầu thơ nghĩ đắn đo muốn viết                                 

Viết đưa ai, ai biết mà đưa 

Tôi mong muốn vào dịp ra mắt sách kỳ này lại có dịp gặp lại bạn bè xưa để ôn chuyện vui buồn cuộc đời. Và Lê Nguyễn Nga đã mãn nguyện.

Bài thuyết trình của diễn giả Quyên Di được cử toạ vỗ tay nồng hậu.

VÀI NHẬN XÉT VỀ THI TẬP “MẦU THỜI GIAN” CỦA NỮ SĨ DƯƠNG HỒNG ANH VÀ HAI DÒNG NHẠC “DƯƠNG THIỆU TƯỚC,” LÊ TRỌNG NGUYỄN

( do GS. QUYÊN DI)

Ông kể chuyên văn thơ hóm hĩnh, pha bao dí dõm ý nhị…

Nghe ba tiếng “MẦU THỜI GIAN,” thường chúng ta sẽ có cảm giác buồn bã, hay ít ra thì cũng bùi ngùi, luyến tiếc. Màu thời gian thường là màu vàng đậm của chiếc lá cuối thu, héo úa và tàn tạ. Nhưng nhìn vào màu bìa của thi tập, chúng ta đều thấy đó màu màu xanh của lá cây non, rất tươi mát và tràn đầy sức sống. Trong khi đó, nếu xét về niên tuế thì nữ sĩ Dương Hồng Anh năm nay đã hơn chín mươi. Điều này nói lên rằng, với nữ sĩ, thời gian không có ảnh hưởng gì. Lúc nào nữ sĩ cũng tươi trẻ. Đúng là:

“Chín mươi đâu phải là già,

Tám mươi thì mới chỉ là thanh xuân.”

Thi tập gồm 102 bài thơ. Hãy nói trước về bài thơ MẦU THỜI GIAN, tên được chọn làm tựa đề của thi tập.

Bài thơ gồm 4 khổ, mỗi khổ có 4 câu. Khổ đầu, tác giả gieo vần theo lối gián cách, câu 1 vần với câu 3, câu 2 vần với câu 4. Này nhé:

Thời gian lờ lững trôi vô tận 

Vui buồn thế sự nắng mưa rơi 

Còn đây một mảnh tình non nước 

Xin gửi vào thơ giấc mộng đời.

Nhưng ba khổ sau, tác giả lại gieo vần theo lối ba vần bằng, lối gieo vần tựa như trong thể thơ Đường luật cổ kính:

Thơ theo ngày tháng vẫn Đi – Về 

Những chiều những sớm những đêm khuya 

Bao nhiêu thi tứ theo nhau bước 

Phòng vắng canh dài viết mải mê.

Tôi vẫn làm thơ dưới nắng chiều 

Mây ngàn gió núi dệt thương yêu 

Câu thơ nho nhỏ say hồn mộng 

Ký ức vàng son gợi nhớ nhiều.

Mái tóc sương pha đã mấy mùa 

Ngày dư còn lại chút hương xưa 

Mầu thời gian trải dài tâm sự 

Vạt nắng hoàng hôn, gió nhẹ đưa.

Sao lại như thế? Tôi có cảm tưởng rằng ban đầu tác giả nhìn dòng thời gian dù có liên tục trôi, nhưng thật ra có nhiều đoạn đời có thể tách rời ra được. Nhưng một khi đã đạt được cái lẽ đời, tác giả nối tất cả các đoạn đời ấy lại thành một dòng trôi liên tục: dòng đời.

Tôi tạm kết thúc phần giới thiệu thi phẩm MẦU THỜI GIAN của nữ sĩ Dương Hồng Anh để chuyển qua phần giới thiệu một vài nhạc phẩm của hai nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và Lê Trọng Nguyễn. Tại sao lại có phần giới thiệu này. Thưa, vì hôm nay chúng ta giới thiệu hai tập sách, MẦU THỜI GIAN của nữ sĩ Dương Hồng Anh và LẬT TRANG SÁCH CŨ của nhà thơ Lê Nguyễn Nga. Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là anh họ của nữ sĩ Dương Hồng Anh và nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn là phu quân thi sĩ Lê Nguyễn Nga. Hôm nay chúng ta trình bày và thưởng thức những ca khúc của hai nhạc sĩ này, tưởng cũng nên biết một chút về hai vị như một cách tri ân.

Nếu đã táo bạo giới thiệu thi tập MẦU THỜI GIAN thì khi nhận lời nhận định về vài nhạc phẩm của Dương Thiệu Tước và Lê Trọng Nguyễn, phải nói là tôi liều lĩnh. Chung quy vì vì lời xúi dại của nhà văn Việt Hải, ổng xúi tôi nói. Tôi nhận lời vì cả nể. Nhận lời rồi mới biết là mình quá liều lĩnh. Cái tính cả nể này nguy hại vô cùng. May, mẹ tôi sinh tôi ra, tôi là con trai, chứ nếu là con gái thì đời tôi không biết đã “hoảng chưa” bao nhiêu lần rồi! Nhưng đã nhận lời thì phải nói thôi, biết làm sao bây giờ. Thật, không cái dại nào bằng cái dại này.

Tôi nói gì về nhạc phẩm “Chiều,” thơ Hồ Dzếnh, nhạc Dương Thiệu Tước nhỉ? Bài thơ gồm những câu ngắn, mỗi câu 5 chữ:

Trên đường về nhớ đầy

Chiều chậm đưa chân ngày

Tiếng buồn vang trong mây

Chim rừng quên cất cánh

Gió say tình ngây ngây

Có phải sầu vạn cổ

Chết trong hồn chiều nay?

Tôi là người lữ khách

Mây chiều khó làm khuây

Ngỡ lòng mình là rừng

Ngỡ hồn mình là mây

Nhớ nhà châm điếu thuốc

Khói huyền bay lên cây.

Nhưng đây là thơ năm chữ! Thế mà Dương Thiệu Tước phổ thành một bản nhạc rất du dương. Ông viết bản nhạc theo điệu tango với cung “rê trưởng.” Thường cung “rê trưởng” hợp với những bài hát vui tươi, nhịp nhàng. Viết “rê trưởng” cho điệu tango quả là thíich hợp. Nhưng cái khéo của Dương Thiệu Tước là khi ta hát hay ta nghe bài “Chiều,” vẫn thấy có cái gì bâng khuâng, bùi ngùi trong cung điệu nhịp nhàng ấy. Mình cứ hát đi, hát với giọng vịt đực của tôi cũng được, sẽ cảm nhận được điều ấy.

Riêng về nhạc Lê Trọng Nguyễn, tôi chỉ xin đưa ra một vài hình ảnh trong nhạc phẩm Nắng Chiều, một nhạc phẩm không những nổi tiếng ở Việt Nam mà còn rất được yêu thích ờ nhiều nước khác, như Nhật Bản, Đài Loan, Hong Kong. Tôi có dịp đọc lời Nhật, lời Hoa của nhạc khúc này, không thấy hình ảnh trong đó đẹp bằng những hình ảnh trong nguyên bản tiếng Việt.

Vì là “Nắng Chiều,” xin nói về nắng. Có 5 thứ nắng được diễn tả trong bài hát: nắng lưa thưa, nắng vương thềm, sân nắng, nắng vương đồi, nắng ngừng trôi. Ồ, nắng mà “lưa thưa.” Tại sao nắng “lưa thưa” được? Vì có “lá hoa về chiều” lưa thưa nên nắng mới thưa thưa theo được. (Cũng như phụ nữ đẹp vì có nam giới chúng tôi khiến cho phụ nữ thích làm đẹp.) 

Lại còn “nắng vương.” Vương là bám nhẹ, loang nhẹ, rơi nhẹ vào.  Hình ảnh “nắng vương thềm” đẹp và thơ mộng quá. Thềm ở bên ngoài, nhưng là nơi sát với nhà, chỉ một bước nữa thôi là bước vào trong nhà. Tâm hồn cô thiếu nữ là ngôi nhà kín đáo và thân mật. Chàng trai yêu cô gái, nhưng còn đứng đợi bên thềm chờ cô mở cửa cho vào nhà. Thềm nhà xuất hiện trong nhiều bài thơ hay nhạc phẩm. Chúng ta vẫn thường hát: “Hôm qua đến tìm em, anh thấy hoa xuân rơi đầy trước thềm.” (Đẹp Giấc Mơ Hoa, Hoàng Trọng)… Cho đến “nắng vương đồi” thì là một hình ảnh quá đẹp, và thật gợi cảm đối với những ai hơi giàu tưởng tượng và có óc liên tưởng. 

Nắng ngừng trôi”! Cái này mới thật là lạ. Nắng trôi được vì có sự chuyển động trong không gian lúc chiều về. Đó như là một định luật; mặt trời mọc, mặt trời lặn nên có bình minh và hoàng hôn. Thế mà bây giờ “nắng ngừng trôi,” nắng dừng lại, không trôi nữa vì nắng “nhớ em dịu hiền.” Đã đẹp chưa, đã thơ chưa nào? Chịu! Tả nắng như thế thì khó có nhà thơ, nhà văn nào tả khéo hơn!

Thôi, tôi xin phép chấm dứt bài nói chuyện thô thiển ở đây, vì sợ làm rác tai người nghe vì những suy nghĩ lẩm cẩm. Xin vui lòng bỏ qua những gì tôi nói “lảm nhảm” về những tuyệt phẩm nghệ thuật. Nói nữa, e rằng tôi phạm tội làm kém đi, xấu đi những gì quá hay, quá đẹp.

GS. Quyên Di là một trong các cố vấn văn chương của Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật – Tiếng Thời Gian.

——————————–

ĐÔI NÉT VỀ NỮ SĨ DƯƠNG HỒNG ANH

June 28, 2022

NỮ SĨ DƯƠNG HỒNG ANH

Vốn thừa kế truyền thống văn học của dòng họ Dương. Ngôn ngữ trong thi ca của Nữ Sĩ Dương Hồng Anh, phản ảnh sự phong phú của ngôn ngữ, bà đã khéo léo chắt lọc tinh túy những ngôn từ, khám phá những nét bóng bẩy của thi ca, nhưng không kém phần vui tươi, nhẹ nhàng, êm ái của những áng thơ viết cho bạn bè và thân hữu. Thật thế, Nữ Sĩ Dương Hồng Anh đã góp phần làm giầu ngôn ngữ, trong văn học và đời sống của chúng ta.

Là một nhà thơ với bản tính hiền hòa, nhận hậu, khiêm nhường và vị tha. Bà đặt gia đình, bạn bè, thân hữu lên trên quyền lợi của chính mình. Đối với Liên Nhóm NVNT & TTG, Nữ Sĩ đã ưu ái dành cho mọi người “muôn ngàn thân ái”. Đây là ngôn ngữ mà Nữ Sĩ thường dùng để biểu lộ cảm tình của bà đối với bạn hữu. Bà đã sáng tác nhiều bài thơ dành riêng cho hội trong đó có bài “Bạn Bè Của Tôi”

“Bạn bè tôi, những nghệ sĩ yêu đời

Gặp gỡ nhau chuyện trò thân mật quá…

… Bạn bè của tôi chung lời hẹn ước

Đem tâm tình chia sẻ tiếng thời gian….

Bài thơ này đã được Nhạc sĩ Lâm Dung phổ nhạc và đã trở thành NVNT & TTG hành khúc cũng như được trình diễn trong hầu hết các buổi sinh hoạt của nhóm.

Cũng trong bài viết của Khánh Lan

DƯƠNG HỒNG ANH NỮ SĨ 

Khánh Lan Biên soạn.

Tôi còn nhớ như in trong tâm trí, tháng 01 ngày 28, 2020, tôi đã được nữ sĩ DHA tặng cho tập thơ số 10 của bà, xuất bản tại California, năm 2019 với tựa đề “NGUỒN CỘI” trong dịp họp mặt đầu xuân Canh Tý.   Tôi vốn mê đọc thơ từ thuở nhỏ, nên khi nhận được tập thơ từ bà, tôi mừng lắm và say mê đọc những bài thơ bà sáng tác, với những vần thơ giản dị, mộc mạc, dễ hiểu, đong đầy trìu mến, khiến người được đọc thơ có cảm giác như đang cùng bà sánh bước hoặc cùng bà chia sẻ niềm tâm sự. 

 “Bốn bốn mùa xuân trên đất Mỹ, 

          Bao nhiêu kỷ niệm trở về đây, 

          Đất lành chim đậu – Ca-li ấm 

          Sợi nắng vàng say mộng ước đầy”.

                                   (Xuân Trên Đất Mỹ-2019)

… quả thật, thi sĩ DHA đúng là một người tài hoa với một bộ óc tràn ngập những lời hay ý đẹp của một nhà thơ.  Phải, thi sĩ DHA với những áng thơ dịu dàng lưu loát, hồn thơ say đắm làm mê hoặc lòng người, ý thơ trẻ trung nhẹ nhàng, mềm mại, e ấp và đáng yêu như con người của bà, nhưng lại không kém phần ưu tư, thương nhớ, khắc khoải khi nhắc đến quê hương sau bao năm lưu lạc.  Những cảm xúc sâu đậm ấy đã bộc lộ qua lời thơ của thi sĩ DHA và điều này đã được thể hiện rõ rệt qua bốn câu thơ sau đây:  

    “Chiều về nhớ phố Bolsa,

         Đi tìm chút nắng quê nhà năm xưa”.

Hoặc: 

        “Xin gửi quê hương một tấm lòng, 

        Ca li nhớ mãi nắng Sài Gòn”.

Thật đúng như nhà thơ Alfred De Musset đã cho rằng, thơ là nỗi cảm xúc của lòng mình, là nhịp đập của trái tim, là hơi thở của trí tuệ và…”Hãy đập vào trái tim, thiên tài là ở đó“.  Hay nhà văn Việt Hải đã viết trong lời mở đầu cho thi tập Nguồn Cội:  “Trong ngôn ngữ của đời sống, thơ là những dòng chữ đi từ con tim tìm đến khối óc.   Nếu con tim rung động thì trí óc sắp xếp sự sáng tạo chữ nghĩa, đó là ý tưởng của nhà thơ”.  Trong thi tập Chiều Bến Đợi, thi sĩ DHA đã nhận định:  “Tôi đã dành từ bao giờ một góc trái tim cho Thơ”.

“Mỗi bước chân đi nghĩ ngợi gì 

           Thềm hoa rực rỡ đọng trên mi

           Nắng vàng phơ phất lùa khung cửa 

           Chở những vần thơ lãng đãng về”….

(“Nắng Ca Li Nhớ Nắng Sài Gòn)

Khi được hỏi, cơ duyên nào đã là nguồn cảm hứng giúp thi sĩ DHA trở lại sinh hoạt trong thế giới thi ca?  Thi sĩ DHA trả lời:  “Sau khi nhà tôi qua đời, thì những dòng thơ tuyệt diệu ngày xưa đã sống lại trong tôi và tôi bắt đầu làm thơ…..phải tôi… trở về với thế giới thơ văn mà tôi hằng yêu quý“.  Như để giúp tôi hiểu rõ hơn, thi sĩ DHA tiếp tục, “Sau lần tôi về thăm Hà Nội, tôi sáng tác bài Thu Cảm, bài thơ hay lắm cô KL ạ, bài này nhà văn Nhật Thịnh đăng trong tờ báo Đất Đứng năm 2012 và ông nói là thơ của bà “Có hồn“.

         “Thu đến từ đâu thu hỡi thu,

            Cùng thơ đang trở gót sông hồ”…..

                                               (Chiều Bến Đợi)

Năm nay, thi sĩ DHA vừa tròn 90 và với hơn 70 năm sinh hoạt trong thế giới thi ca (1947-2020), tuy tuổi đã cao, nhưng bà rất minh mẫn và sáng suốt, bà vẫn làm thơ và hầu như bà đã thuộc lòng từng bài thơ trong 10 thi tập mà bà đã sáng tác và xuất bản.  Không những thế bà còn có tài xuất khẩu thành thơ, thể hiện trong ngày 23 tháng 2, 2020, nữ sĩ DHA đã làm sáu câu thơ ngay tại buổi tiệc vinh danh & chúc thọ 90 kỷ niên của bà.

         “Chín mươi tuổi trên tay còn ngọn bút, 

           Nhìn đất trời cao rộng giữa bao la,

           Cho tôi viết những gì tôi muốn viết, 

           Thổi hồn thơ lãng đãng nhớ quê nhà, 

           Cho tôi thấy mùa xuân đầy nắng ấm 

           Nắng hồng tươi, tình gửi nước non xa”.

                      (Trên Tay Ngọn Bút, 2/23/2020)

Bài tạp ghi tường thuật buổi lễ trình làng  thi tập của 2 thi sĩ Dương Hồng Ah và Lê Nguyễn Nga, do Kiều My ghi nhận, xin trich đoạnh như sau”

Vị thi sĩ mà chúng tôi muốn nói đến là Lê Trọng Nguyễn Nga, là tác giả của tập thơ LẬT TRANG SÁCH CŨ mà cũng là phu nhân của cố nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn và là mẹ của bốn người con. MC Mộng Thủy cho biết thêm: bà là cựu học sinh trường Trưng Vương. Sau đó, bà làm việc cho Hàng Không Việt Nam rồi lập gia đình với nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn. Khi sang Hoa Kỳ, bà học trường Cal State Los Angeles và tốt nghiệp về kế toán. Sau cùng trước khi về hưu, bà là cán sự xả hội tại thành phố Los Angeles trong một thời gian dài.

Sau giờ văn học, mọi người có vẻ lao xao và vui hẵn lên với hoa hồng tươi và bánh sinh nhật được bày trên chiếc bàn giữa hội trường. Nhân dịp này mọi người tề tựu chúc mừng sinh nhật thứ 92 của nữ sĩ Dương Hồng Anh chung quanh chiếc bánh giữa những hoa hồng vàng, hồng đỏ tươi thắm tròn lẵn như những thiếu nữ tuổi xuân thì. Các bậc trưởng thượng như G.S. Dương Ngọc Sum, NV Nguyễn Quang, NV Việt Hải lần lượt gửi đến nữ sĩ những lời chúc đầy ý nghĩa. Một cách đặc biệt và bất ngờ, GS. Quyên Di đã đọc bài thơ của NV Kiều My, như những lời ca tụng và cầu chúc tốt đẹp nhất mà KM dành cho nữ sĩ Dương Hồng Anh và Lê Trọng Nguyễn Nga trong một ngày đáng ghi nhớ.

  TUỔI VÀNG

Dâng đời bao ý thơ huyền dịu

Theo gió thoảng…ru hồn thi nhân

Thời gian sương rơi trên mái tóc

Tuổi vàng tô thắm mấy cung tơ

Ngây ngất hồn thơ vương nắng úa

Chiều về hoa khép nhẹ bờ mi

Lặng nghe giòng đời hồn thổn thức

Mênh mang nét đẹp… tuổi hoàng hôn

  *****

Hồn lạc về đâu? Thi nhân hỡi!

Vần thơ mềm như khúc nhạc êm

Nhạc và thơ như mây với gió

Gió cuốn mây trôi trong nắng vàng

Nắng có phai màu hồn thi sĩ?

hay…

Nắng vẫn lung linh cùng gió mây…

Việt Hải, California June 2022