Khánh Lan,  Tin tức

ĐÓA HOA NỞ MUỘN CỦA NV KIỀU MY DƯỚI LĂNG KÍNH CỦA KHÁNH LAN

NHÀ VĂN KIỀU MY & KHÁNH LAN

Dưới góc nhìn của Khánh Lan thì Xã hội bao gồm nhiều cá thể mà trong đó có nhiều gia đình khác nhau hợp lại thành một tổng thể hay một xã hội. Một gia đình hoàn mỹ luôn luôn có sự hiện diện của tình yêu đích thực, hạnh phúc gia đình, lòng chung thủy, sự hy sinh và niềm tin tôn giáo.

Đó là những yếu tố quan trọng và căn bản của một mái ấm gia đình hạnh phúc vẹn toàn mà Khánh Lan ghi nhận được trong tác phẩm Đóa Hoa Nở Muộn của nhà văn Kiều My. Tác phẩm của bà thuộc thể loại tiểu thuyết tình cảm xã hội về tình trường lồng vào những bối cảnh và cốt truyện nhằm đề cao giá trị của người phụ nữ trên thế giới nói chung và những người phụ nữ Á Đông nói riêng.

Ở đây Khánh Lan xin trình bày về hai khía cạnh:  

  • Tình yêu, hôn nhân trong lãnh vực tâm lý.
  • Tình yêu, hôn nhân và niềm tin tôn giáo. 

I. Tình yêu, hôn nhân trong lãnh vực tâm lý:

Câu hỏi được đặt ra ở đây là tình yêu, hôn nhân và lãnh vực tâm lý có liên quan như thế nào? Trước hết, Khánh Lan xin được định nghĩa tình yêu, hôn nhân và tâm lý là gì?

Tâm lý có nghĩa là những cảm xúc của con người mà cảm xúc là trạng thái tâm lý giao động tình cảm của từng cá nhân. Còn tình yêu là một loạt cảm xúc hay sự rung động phát xuất từ trái tim.

Chính vì sự liên hệ giữa cảm xúc và tình yêu nên có những lúc chúng ta cảm thấy vui khi có tình yêu trọn vẹn và có lắm lúc chúng ta cảm thấy đau buồn khi cuộc tình chẳng may gãy gánh giữa đường như trong tác phẩm Đóa Hoa Nở Muộn của nhà văn Kiều My.

Trong truyện, nhà văn Kiều My nói về một hạnh phúc ngắn ngủi, một tình yêu chưa kịp chín mùi đã vội tan và để lại trong lòng người thiếu phụ Thúy An một sự trống vắng, cô quạnh giữa cái tuổi mà nhà văn Khái Hưng gọi là “Nửa Chừng Xuân”.

Trong đời sống thực tại tình yêu là nền tảng của hôn nhân. Hôn nhân mà không có tình yêu, sự hy sinh và lòng chung thủy thì khó có thể tạo dựng một gia đình êm ấm, hạnh phúc. Vậy khi chúng ta đang có một một cuộc hôn nhân hạnh phúc trong tay thì chúng ta phải làm gì để giữ các hạnh phúc ấy?

Khánh Lan xin được dùng câu danh ngôn của nữ văn sĩ Ann Landers để diễn tả một phương hướng hay một lối nhìn trong khía cạnh tình yêu. Bà ghi nhận:

Tình yêu là tình bạn đã sâu đậm.

Đó là sự thấu hiểu, tin tưởng, chia sẻ và tha th cho nhau.

Đó là lòng trung thành qua những thời điểm tốt và sấu.

Đó là sự bằng lòng cho những gì không hoàn hảo và chấp nhận cho những yếu điểm của con người”

Câu nói trên như có ngụ ý nhắc nhở chúng ta hạnh phúc là gì? Phải chăng là sự tận hưởng những gì đang ở trong tầm tay, là chấp nhận những sự không hoàn mỹ trong tình yêu, để được chìm đắm trong niềm hạnh phúc hiện hữu, đích thực. Đó là lúc bạn có một tình yêu hoàn mỹ.

Ngược lại, khi cái hạnh phúc nong manh lặng lẽ ra đi như Thúy An trong tác phẩm Đóa Hoa Nở Muộn của NV Kiều My đã dẫn đến một mối tình dang dở và để lại trong ký ức của nhân vật chính trong truyện những cảm xúc nuối tiếc, day dứt và sầu bi.

Khánh Lan lại xin dùng lời nói của nhà văn Jackie Viramontez khi bà nhận định điều gì chúng ta cần phải biết khi mất tình yêu.

“Các quan hệ trong quá khứ là một mất mát, nên chúng ta phải coi chúng như là một mất mát.

Hãy cứ đau buồn, sầu khổ. Hãy đi đến tận cùng của nỗi đau để chúng đừng mãi mãi ngự trị trong tâm hồn và cuộc đời của chúng ta.”

Trong tác phẩm Đóa Hoa Nở Muộn của nhà văn Kiều My, bà đã thành công vượt bực trong lời văn khi diễn tả nỗi tiếc thương người bạn đời tri kỷ Trúc phong. Sự cô đơn của Thúy An khi mất người yêu, một người yêu dấu đã từng chia sẻ những ước mơ.

Thật vậy, khi bạn mất đi người bạn đời với nhiều năm gắn bó, bạn cảm thấy cuộc sống trở thành vô nghĩa, bạn nhận thấy lòng mình tan rã, suy nghĩ của bạn bị tê liệt. Bạn thấy choáng ngộp, vô vọng, bất lực trước vòng xóay của tạo hóa. Bạn cảm thấy cuộc sống là vô thường, bạn tự cách ly với mọi người và thu mình vào một góc nhỏ của riêng mình.

Trong đời sống tâm lý, bạn phải tự giúp mình thoát ra khỏi góc nhỏ ấy, bởi khi bạn trải qua một nỗi đau của sự mất mát là bạn bắt đầu một cuộc hành trình cá nhân để hiểu biết thế nào là ý nghĩa của sự mất mát và ảnh hưởng của nó trong đời sống của bạn.

Sự đau buồn sẽ đưa chúng ta qua những thử thách trên nhiều lãnh vực khác nhau gồm: Cảm xúc, tinh thần, thể chất và xã hội. Đối phó với sự mất mát là một việc làm rất khó khăn và mỏi mệt. Nhưng đó là những phản ứng bình thường và xảy ra cho hầu hết mọi người.

Điều quan trọng là làm thế nào để bạn có thể bắt đầu một quá trình cảm nhận, hiểu và chấp nhận sự mất mát của bạn, bởi sự mất mát, đau buồn, cô đơn, cách ly sẽ đưa bạn vào con đường trầm cảm, con đường mà bạn không bao giờ muốn bước vào.

Sự hỗ trợ của gia đình, lãnh đạo tôn giáo, cố vấn tâm lý, cộng đồng và bạn bè sẽ giúp bạn thoát ra khỏi những cảm xúc ấy. Họ là nơi an toàn để bạn có thể chia sẻ, tâm sự mà không bị tổn thương hay phản bội và đó là nơi bạn nhận được sự giúp đỡ tận tình.

 II. Trong lãnh vực tình yêu, hôn nhân và niềm tin tôn giáo:

Khánh Lan đã đọc được một đoạn văn rất hay trong Vườn Hoa Phật Giáo, đoạn văn ấy ghi nhận rằng:

“Để thực sự yêu thương và tôn trọng nhau thì trước hết các bạn nên giữ vững niềm tin tôn giáo của riêng mình. Chính sự tôn trọng tuyệt đối tín ngưỡng của mỗi cá nhân trong gia đình là biểu hiện cụ thể của việc thương yêu, hiểu biết, thông cảm và tôn trọng nhau thật sự.”

Điều này chứng tỏ: Giáo Hội Phật giáo cũng như Giáo Hội Công Giáo đều cho rằng chúng ta cần phải thận trọng và chính chắn một khi chúng ta quyết định đi đến hôn nhân. Tôn trọng tự do tín ngưỡng cá nhân là điều quan trọng, được công nhận bởi cả hai tôn giáo: Phật giáo và Công giáo. Cả hai tôn giáo không hề ngăn cấm tín đồ kết hôn với người khác đạo nhưng cũng chẳng khuyến khích hay khuyên tín đồ dùng hôn nhân để lôi kéo hay dụ dẫn người phối ngẫu phải theo tín ngưỡng của mình.

  • Nếu sự kết hôn mà bắt buộc người bạn đời phải theo tôn giáo của mình thì bạn trở nên quá ích kỷ, xúc phạm và không tôn trọng người bạn đời tương lai của mình, bởi niềm tin tôn giáo của một người là điều thiêng liêng, sâu kín và bất khả xâm phạm.
  • Khi sự kết hôn không cùng tôn giáo, cuộc sống vợ chồng cũng ít nhiều gặp khó khăn. Trong thời gian đầu chung sống, nhờ tình yêu và khát vọng của tuổi trẻ, chúng ta có thể khỏa lấp những khác biệt về niềm tin trong tôn giáo. Nhưng khi về già, những đam mê luyến ái lắng xuống, lúc ấy, sức sống tâm linh sẽ trỗi dậy, những mâu thuẫn, bất hoà, xung đột xưa kia vốn âm ỉ trong ký ức, nay bắt đầu xuất phát. Chính điều này có thể dẫn đến đổ vỡ bởi những xung đột, trắc trở trong tình yêu. Ngoại trừ trường hợp,  những cập hôn nhân thực sự yêu thương, hiểu biết, thông cảm và tôn trọng lẫn nhau thì mới có thể vượt qua.
  • Khi tình yêu của bạn được hai bên gia đình đồng ý và chấp thuận cho phép người bạn đời của bạn theo tôn giáo của bạn, thì đó là giải đáp tuyệt vời nhất. Nhưng nếu khi bố mẹ không cho phép thì chắc chắn bạn cũng gặp không ít những khó khăn.
  • Trong trường hợp gia đình cho phép hai bạn đến với nhau như “đạo ai người nấy giữ”. Giải pháp này khá toàn vẹn vì bạn vừa làm tròn chữ hiếu mà vẫn giữ được chữ tình. Khi đi theo lựa chọn này, bạn nên có những trao đổi và thỏa thuận với người bạn đời về những vấn đề như niềm tin, vai trò và trách nhiệm của vợ chồng trong việc giáo dục con cái, sau này cho con theo đạo của bố hay mẹ… để tránh những mâu thuẫn về sau.

Nhà văn Vi Khiêm cũng đã nêu lên những tư tưởng của ông khi nhận định về tình yêu, hôn nhân và niềm tin tôn giáo trong tác phẩm Đóa Hoa Nở Muộn của nhà văn Kiều My như sau:

Trong tác phẩm Đóa Hoa Nở Muộn của tác giả Kiều My, hai nhận vật chính là Thúy An và Trúc Phong có tín ngưỡng là Thiên Chúa Giáo. Niềm tin vào Thiên Chúa của Thúy An và Trúc Phong đã tỏ rõ trong suốt con đường “Tình Yêu” từ thuở hai người gặp nhau, yêu nhau, lấy nhau và cho đến ngày cuối đời như một định mệnh.

Duyệt qua tác phẩm “Đóa Hoa Nở Muộn”, nhà văn Vi Khiêm nhận định: Hình như định mệnh đã đưa đẩy Trúc Phong gặp Thúy An. Khi ấy, Trúc Phong đã ở tuổi lục tuần và Thúy An cũng đã đi qua 40 mùa xuân. Cuộc đời của Thúy An chẳng phải lỡ làng mà có lẽ nàng được sinh ra để đợi chờ. Đợi chờ một mối tình nồng nàn đích thực mà Trúc Phong đã dành cho nàng.

Nhà văn Vi Khiêm viết, tình yêu của đôi uyên ương Thúy An và Trúc Phong ví như trong câu ca dao dưới đây:

Cây đa lá rụng đầu đình,

Bao nhiêu lá rụng thương mình bấy nhiêu”.

Đó là một mối tình đẹp khởi đầu cho một cuộc hôn nhân trọn vẹn, một gia đình hạnh phúc. Thúy An đã sanh cho Trúc Phong một cặp song sang trai gái vẹn toàn, một tác phẩm tình yêu tuyệt vời mà Trúc Phong và Thúy An tin tưởng rằng Thiên Chúa đã ban cho gia đình của họ, do niềm tin sắc son vào Thiên Chúa. Hai đứa con là sợi dây thắt chặt thêm sự keo sơn gắn bó trong tình vợ chồng, nghĩa phu thê.

Tạo hóa xoay vần, hạnh phúc tan biến, âu lo ập đến, cơn bệnh suy tim quái ác kia khiến sức khỏe của Trúc Phong yếu dần. Những ngày chăm sóc chồng đã không làm thuyên giảm tình yêu mà Thúy An dành cho Trúc Phong. Phải chăng niềm tin tôn giáo đả giúp Thúy An vượt lên trên sự vị kỷ, để nàng sẵn sàng hy sinh cho người bạn đời của mình, bất chấp những gian khổ, nhọc nhằn. Mặc cho định mệnh đẩy đưa cuộc đời mình cho đến ngày Trúc Phong vĩnh viễn xa nàng.

Nhà văn Vi Khiêm kết luận: “Đóa Hoa Nở Muộn”, một chuyện tình tràn đầy hạnh phúc chen lẫn thương đau của một phận người. Tác phẩm “Đóa Hoa Nở Muộn”, đề cao niềm tin tôn giáo, tình yêu bất diệt, sự hy sinh cao quý và lòng chung thủy trong đạo nghĩa vợ chồng.

Khánh Lan xin được dùng câu danh ngôn của Nhà văn Mỹ Richard Puz trong tác phẩm “The Carolinian” đã nói:

“Cái chết để lại nỗi đau không ai có thể chữa lành, tình yêu để lại ký ức không ai có thể lấy đi”

Khánh Lan

California August 2021

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Vườn hoa Phật Giáo.
  2. Internet / Wikipedia.
  3. Bài nhận định của NV Vi Khiêm, Nguyễn Văn Liêm về tác phẩm Đóa Hoa Nở Muộn.

MỜI VÀO XEM VIDEO VỀ BÀI VIẾT CỦA KHÁNH LAN.