• Khánh Lan,  NGHIÊN CỨU,  Văn Thơ

    Tình bạn tri kỷ, tâm giao … dư âm hoài niệm tại Từ Mai Gia Trang (GS Trần Huy Bích)

    Khánh Lan

    Theo danh nhân thi ca Kahlil Gibran (1883-1931), thi sĩ và họa sĩ người gốc Lebanese (Li-băng), được xem như một trong các đạo sư vĩ đại của thế kỷ 20. Các tác phẩm của ông chứa đựng những thông điệp cao cả, nhất quán và vượt thời gian về một thế giới đại đồng, tôn giáo hòa đồng, tình huynh đệ, một tình thương vĩnh hằng nối kết con người với nhau trong tình yêu thương nhân loại từ Thượng đế giữa một trần gian hiệp nhất với không gian. Do vậy, Ngôn sứ (prophet), được hiểu như một sứ giả chuyển giao một thông điệp bằng ngôn từ…” Về Tình bạn.”

    Một người tuổi trẻ thưa, Hãy nói cho chúng tôi về tình bạn và Gibran đáp lại rằng:”Người bạn là những cần thiết của các bạn được đáp ứng”.

    Phải chăng,Giáo sư Từ Mai Trần Huy Bích chính là cánh đồng bao la với con tim vĩ đại và Từ Mai Trang là điểm hẹn để các bạn gieo hạt yêu thương và sẽ gặt hái tình bạn chân thật với lòng biết ơn người đã vun tưới nó …

    Cánh đồng Từ Mai Trang là bàn ăn đầy ắp thực phẩm và cái lò sưỡi kia là nơi ấp áp trong mùa đông lạnh giá. Đến gia trang của Thày Từ Mai Huy Bích hẳn các bạn đã tìm đến nơi tràn ngập sự bình an. Các bạn ơi, bạn có biết, bạn đã tìm đến một nơi để nghe thông điệp ngôn sứ của Thày Từ Mai Huy Bích về thế nào là tình bạn thực sự. Xin thưa rằng khi bạn đến với Từ Mai Gia Trang là bạn đã nghe The Prophet, một danh tác về tình bạn của cụ Khalil Gibran, giáng cơ qua Thày Từ Mai Trần Huy Bích.

    Tình Bạn và thi ca

    Một thi tác, bài thơ “The Pleasures of Friendship“, của thi sĩ Stevie Smith về ý nghĩa sâu xa của tình bạn.

    Stevie Smith [1902-1971]

    Stevie Smith sinh ra ở miền Bắc nước Anh nhưng bà chuyển đến London rất sớm. Bà là một trong những nhà thơ được yêu thích nhất nước Anh, giành được Huy chương Vàng của Nữ hoàng về Thơ vào năm 1969. Bài thơ “Không vẫy tay chào chia tay nhưng chết đuối” của bà thường xuyên nằm trong số 10 bài thơ hay nhất ở Anh trong các cuộc bình chọn của đài phát thanh Vox Pop.

    Những niềm vui của tình bạn (The Pleasures of Friendship):

    Niềm vui của tình bạn thật tuyệt vời,

    Thật thú vị biết bao khi được đi thăm một người bạn!

    Tôi đến bên bạn tôi, chúng tôi đi dạo trên bãi cỏ,

    Và những giờ phút như phút trôi qua.

    Phân tích bài thơ The Pleasures of Friendship: Bài thơ này ca ngợi những niềm vui giản dị của tình bạn, sự hài lòng trong những trải nghiệm được sẻ chia và thời gian trôi qua. So với những tác phẩm u ám hơn của Smith, nó mang đến một khoảng thời gian nghỉ ngơi sảng khoái với giọng điệu vui vẻ và tập trung vào những khía cạnh tích cực của sự kết nối tình bạn giữa con người với nhau. Nó phản ảnh của sự mong muốn được an ủi bằng sự thoải mái của thời hậu Thế chiến thứ hai, nhấn mạnh tầm quan trọng của mối liên kết giữa con người với nhau trong một thế giới đang phục hồi tái thiết sau chiến tranh và chịu dựng những mất mát.

    NV Việt Hải, GS Quyên Di, Chị Topaz, GS Trần Huy Bích, Minh Khai, GS Dương Ngọc Sum.

    Nói về tình bạn, Khánh Lan cũng đã sáng tác một bài thơ về tình bạn như sau:

    Tình Bạn Vô Biên

    Thời gian trôi lặng lẽ

    Thấm thoát bảy thập niên

    Văn thuần, thơ hiệp ý

    Tâm đắc bạn văn chương.

    Ước giao tình Tri kỷ           

    Xướng họa cùng ngâm nga

    Thầm khen thơ ý lạ

    Đáng yêu hạ bút thôi.

    Nhớ mãi những buổi chiều

    Cảm tác đôi vần thơ

    Vô biên về tình bạn

    Luôn đậm đà thiết tha.

    Hỡi tâm hồn khoáng đạt

    Mãi say đắm mộng mơ

    Những dòng thơ hoa mỹ

    Vằng vặc dưới trăng ngà.

    Xuân về tại Từ Mai Gia Trang:

    Trong bữa tiệc Tân Niên tại Gia Trang của Giáo Sư Từ Mai Trần Huy Bích, Nhà Văn Khánh Lan đã chúc Tết quý Thày Cô qua mấy câu thơ và gởi lời chân thành cám ơn Giáo Sư Trần Huy Bích cùng quý vị niên trưởng và quý anh chị em…

    Xuân về kính chúc quý thầy cô.

    An khang, thịnh vượng, bao niên kỷ.

    Trường thọ, Thanh Nhàn, khoáng đạt tâm

    Văn chương, lịch sử thời thông suốt

    Rạng danh nhà giáo khắp bốn phương.

    Nhân dịp xuân về Khánh Lan đã thảo một bài thi ca Hán Việt, tứ ngôn tứ tuyệt thể biền ngẫu cân đối:

    Mai khai phú quý.

    Đào tải an khang

    Thọ sinh vạn phúc

    Lộc cung thắng lợiPhúc cầu toàn gia.

    Mùa xuân đến, thiên nhiên chuyển mùa, không gian bừng sinh, Khánh Lan đã họa bài thơ chúc mừng xuân mới như sau:

    Xuân nay trở về 

    Không gian tái sinh

    May mắn vào cửa 

    Hoan hỉ tràn dầy.

    Khánh Lan cho rằng không hẳn chỉ có mùa Xuân ở Trung Hoa hay Việt Nam, mà mùa Xuân còn ở những nơi như Teipei (Đài Bắc Đài Loan), Seoul (Đại Hàn) …

    Đôi Nét về Thi Ca Truyền Thống Nhật Bản (Haiku) và thi ca Truyền Thông Đại Hàn (Sijo)

    Dựa theo bài viết trên trang nhà KBS-World-Âm Điệu Ngàn Xưa thì “khi ta đề cập đến thi ca truyền thống Nhật Bản, người ta thường nghĩ về thể thơ Haiku (句) bởi lẽ đây là một thể thơ thịnh hành ở Nhật Bản. Haiku là sự dung nạp và kết tinh của nhiều giá trị văn hóa tinh thần của người phương Đông như Hoa, Nhật, Hàn hay Việt tộc. Tương tự như thơ Haiku của người Nhật Bản, thơ Sijo (소지) của Đại Hàn. Xét về thơ cổ Sijo là thể thơ truyền thống của dân tộc Hàn, một bài thơ thuộc thể loại này thường có bố cục ba dòng truyền thống. Thơ cổ Sijo là thể thơ truyền thống của dân tộc Hàn. Một bài thơ thuộc thể loại này thường có bố cục ba dòng. Mỗi dòng có hai nhịp, mỗi nhịp có từ 3 đến 4 chữ. Vậy nên thơ cổ Sijo còn được gọi là thể thơ ba dòng sáu nhịp.

    동짓달 기나긴 밤을 한 허리 둘에 내어
    춘풍 이불 아래 서리서리 넣었다가
    임 오는 밤이어들란 구비구비 펴리라.

    Thơ cổ Sijo vừa là tác phẩm văn học vừa có thể trở thành lời của bài hát với những câu chữ ngắn gọn nhưng lại sâu sắc, có thể diễn tả mọi cung bậc của cảm quan, cảm xúc. Sau này bố cục truyền thống của thơ cổ Sijo dần biến đổi cách tân, thành thể loại có số âm tiết nhiều hơn được gọi là Saseolsijo. So với thơ cổ truyền Pyeongsijo, nhịp điệu và tiết tấu của thơ cổ Saseolsijo nhanh và sôi động hơn.

    Thơ cổ phổ nhạc Pyeongsijo và Saseolsijo

    Một bài thơ cổ Sijo thường có khoảng trên dưới 45 chữ. Đây là thể loại thơ cổ phổ biến và còn được gọi là Pyeongsijo. Sau này bố cục truyền thống của thơ cổ Sijo dần biến đổi thành thể loại có số âm tiết nhiều hơn được gọi là Saseolsijo. So với thơ cổ Pyeongsijo, nhịp điệu và tiết tấu của thơ cổ Saseolsijo nhanh và sôi động hơn.

    Trong tên của thể loại thơ cổ phổ nhạc Saseoljireumsijo, từ “Saseol” có nghĩa là “ca từ nhiều chữ”, ám chỉ không theo quy tắc thơ ba bốn chữ mà sáng tác tự do. Còn “Jireum” có nghĩa là “hét lên”, ám chỉ là “phần đầu của khúc hát được hát với giọng cao”. Vốn dĩ thơ cổ Pyeongsijo được hát với giọng đều đều, không quá cao hay quá thấp. Nhưng trích đoạn “Sanjunghae” (Giữa rừng xanh) mà chúng ta vừa nghe lại có phần đầu được hát bằng giọng rất cao. Câu ca mượn lời thoại giữa người thợ săn và con ngỗng trời để ví von tâm trạng sầu thảm của những người yêu nhau khi chia tay. Ngỗng trời nói rằng:

    Hỡi anh thợ săn vai đeo súng trong rừng xanh núi thẳm

    Dù anh có vác súng bắn muôn thú

    Thì cũng đừng bắn ngỗng trời đang khóc vì mất đôi

    Nghe vậy, người thợ săn liền trả lời, rằng: “Dù có vô tình thế nào đi chăng nữa thì chúng tôi cũng đâu nỡ bắn những con vật đáng thương”.

    Theo dòng chảy của thời gian, thơ cổ phổ nhạc chữ tình Pyeongsijo phát triển thành thể loại thơ cổ phổ nhạc tự do Saseolsijo trong sáng, đầy hứng khởi. Ví như “Saseol Nanbongga” (Lan phùng ca thể thơ tự do) có đoạn:

    Cô gái trước nhà đi lấy chồng, chàng trai sau nhà đi treo cổ

    Người chết thì không tiếc nhưng chẳng qua là không có dây thừng

    Chàng bỏ thiếp đi, chưa đi được 10 dặm đã đổ bệnh

    Chưa đi được 20 dặm đã gặp toán cướp

    Chưa đi được 30 dặm đã phải quay về bên thiếp

    Vài nét khác biệt giữa thơ cổ phổ nhạc Sijo và dân ca Minyo ở Hàn Quốc

    Trước hết ta hay xem quá trình hình thành nên các khúc dân ca Minyo ở Hàn Quốc. Dân ca Minyo thường không phải là những khúc hát có người phổ nhạc và người soạn lời riêng. Dân ca Minyo vốn là dòng nhạc mà ai cũng có thể nói lên tâm tư tình cảm của mình theo nhịp điệu nhất định nào đó. Và theo dòng chảy của thời gian, nó được nhiều người đồng cảm, hát theo và định hình thành khúc hát dân gian. Rồi mỗi người lại chỉnh sửa chút ít cho hợp với phong cách và tâm tư tình cảm của mình. Gần đây nghệ sĩ Lee Hee-mun đã biến tấu khúc ca “Saseol Nanbongga” thành khúc hát đại chúng“Saseol Nanbong” có phong cách và sắc thái khác hẳn với khúc ca gốc và còn được giới trẻ ngày nay hưởng ứng hơn nữa. Thế nên những người có tuổi khi nghe khúc hát này còn nói rằng “Liệu có thể gọi đây là khúc hát truyền thống hay không?”. Tuy nhiên, “Saseol Nanbong” của nghệ sĩ Lee Hee-mun vẫn được coi là một khúc hát truyền thống”.

    Nguồn:

    * Khúc thơ phổ nhạc “Pureun Sanjunghae” (Giữa rừng xanh) theo thể loại Saseoljireumsijo / Lee Jun-ah

    * Khúc thơ cổ phổ nhạc “Lan phùng ca” theo thể loại thơ tự do Saseolsijo / Kim Yeong-im 

    * Khúc hát “Saseol Nanbong” mang âm hưởng hiện đại / Lee Hee-mun

    Sau đây là bài đoãn thi chúc Tết theo thi ca Hàn ngữ: Bài “Vừa Đủ“. Bài “Vừa Đủ” là Thi Ca Biền Ngẫu Dạng Thức: 10-10-10-10. Ý tưởng khi Nếp sống vừa đủ là một triết lý hay nhân sinh quan của thi sĩ Nguyễn Công Trứ trong bài thơ nổi danh “Chữ nhàn “… trong chiều hướng tương đồng, bài thơ “Vừa Đủ” của Khánh Lan dưới đây như lời chúc đầu năm đến các mọi người: “Năm mới chúc mọi người vừa đủ, vừa đủ”

    Bài thơ Vừa Đủ

    Vừa đủ HẠNH PHÚC cho tâm hồn được bình an

    Vừa đủ THÀNH CÔNG cho mình luôn mãi kiên cường

    Vừa đủ HY VỌNG để thấy mình đủ hạnh phúc

    Vừa đủ THÀNH CÔNG để giữ cho mình mãi nhiệt tâm.

    Trích dẩn thơ của Nguyễn Công Trứ: Bài “Chữ Nhàn”.

    Link: Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc

    Bài Thơ Chữ Nhàn của Thi Hào Nguyễn Công Trứ

    Thị tại môn tiền náo,

    Nguyệt lai môn hạ nhàn.

    So lao tâm lao lực cũng một đàn,

    Người trần thế muốn nhàn sao được?

    Nên phải giữ lấy nhàn làm trước,

    Dẫu trời cho có tiếc cũng xin nài.

    Cuộc nhân sinh chừng bảy tám chín mười mươi,

    Mười lăm trẻ, năm mươi già, không kể.

    Thoắt sinh ra thì đà khóc choé,

    Trần có vui sao chẳng cười khì?

    Khi hỷ lạc, khi ái dục, lúc sầu bi,

    Chứa chi lắm một bầu nhân dục.

    Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc,

    Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?

    Cầm kỳ thi tửu với giang san,

    Dễ mấy kẻ xuất trần xuất thế.

    Ngã kim nhật tại toạ chi địa,

    Cổ chi nhân tằng tiên ngã toạ chi.

    Ngàn muôn năm âu cũng thế ni,

    Ai hay hát mà ai hay nghe hát?

    Sông Xích Bích buông thuyền năm Nhâm Tuất,

    Để ông Tô riêng một thú thanh tao.

    Chữ nhàn là chữ làm sao?

    Dẫn giải ý thơ “TRI TÚC TIỆN TÚC”

    Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc

     (Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ).

    Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn”

     (biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn)

    Hai câu thơ trên có nghĩa là làm người phải biết thế nào là đủ thì mới có thể vui hưởng cuộc sống. Ai không biết thế nào là đủ sẽ luôn cố sức, lao tâm lao lực để có nhiều hơn, hay để thõa mãn tự ái và tham vọng của mình. Nhưng đời người không phải lúc nào cũng may mắn vì theo quy luật đời sống thì có nhiều biến thiên, thăng trầm như trăng tròn rồi lại khuyết, …không khéo, khi hết thời mà không biết dừng sẽ bị mất hết những cái mình đang có. Thật vậy, chỉ có những người sống phải đạo, có ân phước của thánh thần mới được che chở tránh được những cơn lốc bất ngờ của số mệnh. Người có tài mà ỷ tài, kiêu ngạo thì bao nhiêu nỗ lực để đạt tham vọng không đáy của cá nhân rốt cuộc cũng sẽ trở thành công dã tràng mà thôi.

    Bài “Chữ Nhàn” được nhiều người coi là tuyệt tác trong các bài hát nói. Tác giả vạch rõ chữ nhàn rất dễ kiếm, ai cũng có thể có, dễ như thế mà các thi nhân từ xưa chưa ai tìm ra được. Những câu thơ cổ mà tác giả mượn dẫn vào thực là đắc cú, phân minh, chuyển đi láy lại tài tình. Vì thế, ngày xưa những khách phong lưu đi hát ưa nghe bài này, là có ý mượn tiếng giai nhân để kể lại áng văn chương danh cú.

    Sự bình an là trạng thái tâm trí, tinh thần của một người khi cảm thấy yên tĩnh, thoải mái, không có lo lắng, căng thẳng hay áp lực. Nó thường được miêu tả như một cảm giác an tĩnh, yên bình và ổn định bên trong thân tâm ta. Sự bình an được xem là một trong những yếu tố quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt là trong thời đại ngày nay với nhịp sống nhanh, áp lực của công việc và sự bận rộn trong cuộc sống. Sự bình an giúp chúng ta có thể tập trung, đạt hiệu quả khi làm những việc tốt hơn, tăng cường sức khỏe và tạo ra cảm giác hạnh phúc. Bình an là khi ta cần để tâm trí mình được nghỉ ngơi, nhìn sâu bên trong bản thân mình và tìm hiểu về bình an nội tâm. Vậy, giá trị của an bình, yên ổn là gì?

    Xét về ý tưởng “Đi tìm sự bình yên trong tâm hồn“, ai trong chúng ta cũng đều mong ước có được một cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Nếu không dành thời gian để nhìn nhận mọi việc một cách đầy đủ, chúng ta sẽ không thể cảm nhận được cảm giác yên bình. Muốn giữ được sự bình yên trong tâm, chúng ta biết giữ lấy sự tĩnh lặng của tâm hồn, sự buông lỏng những căng thẳng lo âu. Cố gắng trong công việc là điều cần thiết nhưng chúng ta cũng phải biết cho đi, sẵn sàng giúp đỡ người khác, thấy được những giá trị tốt đẹp của cuộc sống… Cho nên bình yên là cảm giác xuất phát từ nội tâm. Đó là khi chúng ta vui vẻ, thoải mái, cảm thấy hài lòng với những điều mình đang có; là khi ta sống lạc quan, tích cực; không tham lam, đấu đá, tranh giành; không suy nghĩ, ghen ghét, đố kỵ với những người xung quanh…

    Bình yên giống như liều thuốc bổ giúp mỗi người thêm khỏe mạnh, hạnh phúc. Bình yên giúp mỗi người sẽ càng yêu và trân trọng hơn những điều bình dị quanh mình. Có được sự bình yên trong cuộc đời là vô cùng quý giá, là bởi vì dẫu cho chúng ta có công danh, sự nghiệp như ý nhưng trong lòng không có được sự bình yên thì cuộc đời cũng sẽ mất đi ý nghĩa đích thực. Trái lại, khi chúng ta luôn cảm thấy bình yên, tất thảy mọi điều tốt đẹp sẽ tới, cuộc đời mỗi người vì thế mới trọn vẹn, ý nghĩa. Khi cảm nhận vừa dủ là vừa đủ, hãy bình yên giúp mỗi người biết buông bỏ những thứ không cần thiết để có cuộc sống hạnh phúc. Có thể thấy là sự bình yên trở thành thứ tài sản vô giá mang đến cho con người cuộc sống viên mãn, từ đó sản sinh ra nhiều giá trị nhân sinh cao đẹp khác như: tình yêu thương, lòng vị tha, tính bao dung; loại bỏ những thói quen, giá trị tiêu cực mà không hề đắn đo, suy tính. Khi một cá nhân hạnh phúc thì xã hội sẽ hạnh phúc. Và khi xã hội hạnh phúc luôn là khát vọng luôn mơ ước của mỗi quốc gia và toàn thể nhân loại.

    Bình yên là tấm gương phản chiếu của hạnh phúc. Muốn có được bình yên, bạn sẽ tự khắc biết cách đi tìm, bởi “không ai mang lại cho bạn sự bình yên ngoài chính bạn”. Dựa theo tư tưởng của Lão Tử trong Lão giáo; Hầu như toàn bộ Đạo Đức Kinh của Lão Tử nhằm nói đến sức mạnh của cái Nhu, của Vô Vi. Trong ý niệm đó, đặc biệt ở chương 8, Nước được coi như hình ảnh đặc thù để chuyển tải một triết lý sống và cũng chính là một nghệ thuật sống lý tưởng. Ông cho thấy đường lối sống Đạo tự nhiên như nước chảy xuôi: ở thì chuộng chỗ thấp, ân tình thì chuộng thâm sâu, xử sự chuộng lòng nhân, nói thì chuộng chân thật, cai trị thì làm cho cuộc sống an bình, làm việc thì hợp với tài năng, hành động thì hợp thời đúng lúc. Đức tính của nước là làm lợi cho tất cả thiên hạ mà không tranh công đoạt lợi, gặp chỗ thiếu thì chảy vào, chỗ thừa thì chảy ra, trên đời làm mưa, dưới đất thành sông lạch: “Thượng thiện nhược thủy. Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh”. Lão Tử nhận ra ưu điểm của nước là tính vô kỷ, vị tha, “Nhu thắng cương“, như cung cách ứng xử: “Cường đại xử hạ, nhu nhược xử thượng”: cư xử mạnh bạo là hạng dưới, mềm dịu là hạng trên. Thực tế cho ta thấy thái độ khắt khe, cứng cỏi là tiêu biểu những tâm hồn cằn cỗi, thấp kém. Uyển chuyển, khéo léo, dịu dàng mới tiêu biểu những tâm hồn cao thượng. Bởi vậy có câu thơ:

    Phàm phu mới cứng, mới cương,

    Dịu dàng mới thực lối đường người trên

    Bản chất của nước (l’eau, water) là như thế, không câu nệ vào một hình thức, khi tràn vào đủ nước ngưng lại trong trạng thái tĩnh lặng, bình yên. Đấy là nước, Nước lại còn có tính cách nén chịu, sự nén chịu của con đường Nhu: “Thọ quốc chi cấu”: nhận lấy cho mình bụi bặm của quốc gia. Đồng thời “Thọ quốc chi tường”: nhận lấy cho mình sự rủi ro của nước nhà. Đó cũng là tận cùng của vị tha, nhưng chính nhờ thế mới thực làm chủ được sơn hà, xã tắc. Nước nhà, xã hội cần thành công, gia dình cần hạnh phúc, với ý tưởng sao cho “vừa dủ“. Thi ca hạnh phúc, cho tâm hồn được bình an:

    Tóm lại, thể thơ Haiku của người Nhật Bản, hay thơ Sijo của Đại Hàn là những loại thơ biền ngẫu, y như thơ Lục Bát của Việt Nam (6-8), chịu sự chi phối của quy luật sắp sẵn.

    Khánh Lan, Kỷ niệm Từ Mai Gia Trang, Tháng 3 mùa Xuân Hội Ngộ 2024.

  • Dương Viết Điền,  Văn Thơ

    MÙA ĐÔNG QUA THI CA VIỆT NAM

    Ai cũng biết rằng mùa đông là mùa lạnh lẽo nhất trong bốn mùa. Đó là mùa của băng giá của lạnh lùng, mùa của mưa rơi tơi tả suốt cả ngày đêm. Bầu trời luôn luôn vẩn đục vì mây mờ phủ kín thường xuyên. Đã thế, nhiều lúc sấm chớp liên hồi làm kinh thiên động địa rồi gió thổi ào ào làm lá vàng rơi rụng phủ ngập khắp nơi, khiến cảnh vật mùa đông trở nên ủ dột âm u, đìu hiu cô quạnh. Trước cảnh đông về ai cũng thấy lòng mình u buồn man mác, để rồi suốt mùa đông nghe trái tim như tê buốt giá băng vì sự lạnh lẽo và u buồn, cũng như vì mưa rơi gió thổi suốt cả đêm ngày khiến nhiều thi nhân trên thế giới ghét cay ghét đắng mùa đông. Điển hình là nhà thơ Eugene O’ Neill của Mỹ qua bài thơ “To Winter”với những dòng thơ đầy phẫn nộ mùa đông:

    “Blow, blow thou winter wind

    away from here

    And I shall greet thy passing breath

    without a tear

    I do not love thy snow and sleet

    or icy floes

    when I must jump or stamp to warm my

    freezing toes.

    … …

    I am cold, no matter how I warm

    or clothe me

    O winter, greater bards have sung

    I loath thee”

    Tạm dịch:

    “Nhà ngươi hãy thổi đi hỡi cơn gió mùa đông

    Thổi xa khỏi nơi đây

    Và ta sẽ đón chào hơi thở của nhà ngươi qua đây

    mà chẳng thèm khóc.

    Ta chẳng thích gì những trận mưa tuyết

    của nhà ngươi

    hay những tảng băng giá lạnh

    Khi ta phải nhảy nhót hay dậm chân,

    vì nững ngón chân tê cóng

    … …

    Ta lạnh và dầu ta được sưởi ấm thế nào chăng nữa

    hay mặc áo quần cho ta

    Mùa đông ơi! những nhà thơ vĩ đại vẫn thường hát

    Ta khinh tởm nhà ngươi”.

    Nhưng đối với thi ca Việt Nam, ta thấy ít người ghét mùa đông như nhà thơ Eugene O’ Neill của Mỹ. Trái lại nhiều nhà thơ tả cảnh mùa đông thật đẹp và nên thơ. Vì mùa đông quá lạnh lẽo và buồn bã nên các thi nhân cũng như các nhạc sĩ ít nói về mùa đông. Tuy vậy ta cũng thấy bàng bạc trong thi ca Việt Nam nhiều bài thơ nói về mùa đông đã được nhiều nhà thơ sáng tác thật công phu và đầy ý nghĩa. Nhất là những bài thơ tình yêu. Nhiều nhạc sĩ cũng thế, họ đã sáng tác nhiều bản nhạc thật trữ tình và ướt át để ca ngợi những mối tình nồng nàn lãng mạn xuyên qua những mùa đông tê buốt giá băng. Trong chúng ta hầu như không ai không biết bản nhạc “Mùa đông của anh” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, được sáng tác vào năm 1970, với nhịp điệu Boléro thật dễ thương. Chính bản nhạc này đã khiến tim ta bồi hồi xúc động khi nghe ca sĩ hát như than thở về tình yêu băng giá giữa dòng đời: “Em ơi! đông lại về từ trăm năm lạnh giá, tim anh như ngừng thở từ sau ân tình đó. Em nghe không mùa đông, mùa đông!”.

    Thấy nhiều nhạc sĩ run rẩy thành nhạc khi mùa đông lại về, nên nhiều thi nhân cũng đã đắm mình trong mưa gió bão bùng, giữa cơn giá rét căm căm của mùa đông để dệt nên những dòng thơ ủ dột âm u, nghìn đời băng giá. Người thì sáng tác những bài thơ nói về biệt ly khi mùa đông đến. Kẻ thì khóc gió than mây vì mùa đông sao lạnh lùng tê buốt triền miên. Rất nhiều thi sĩ bắt đầu yêu lại gặp mùa đông về trong giá lạnh. Lắm nhà thơ cũng đã từng cảm thấy cô quạnh giữa đêm đông điêu tàn. Ta hãy nghe thi sĩ Lưu Trọng Lư yêu khi mùa đông về:

    “Yêu hết một mùa đông

    Không một lần đã nói

    Nhìn nhau buồn vời vợi

    Có nói cũng không cùng

    … …

    Giờ hết một mùa đông

    Gió bên thềm thổi mãi

    Qua rồi mùa ân ái

    Đàn sếu đã sang sông”.

    (Lưu Trọng Lư)

    Tuy nhiên, nhiều khi đã yêu được rồi mà lòng vẫn buồn da diết vì tình yêu bị ép buộc. Nhất là khi mùa đông lại về giữa cuộc đời đầy bão táp mưa sa, nên dù nằm bên chồng mà trái tim vẫn tê buốt giá băng:

    “Biết chăng chi? mỗi mùa đông

    Đáng thương những kẻ có chồng như em

    Vẫn còn thấy lạnh trong tim

    Đan đi đan lại áo len cho chồng”.(T.T.KH)

    Mùa đông là mùa buồn bã, mùa của mưa gió triền miên, mùa của giá rét u sầu. Thế mà lại phải xa nhau, lại biệt ly thì chỉ còn nức nở nghẹn ngào, rồi nhìn nhau buồn vời vợi, chẳng nói được lời nào. Ta hãy nghe nhà thơ Cung Trầm Tưởng nghẹn ngào khi tiễn em về xứ mẹ lúc mùa đông vừa đến ở Paris:

    “Lên xe tiễn em đi

    Chưa bao giờ buồn thế

    Trời mùa đông Paris

    Suốt đời làm chia ly

    ……….

    Tuyết rơi mỏng manh buồn

    Ga Lyon đèn vàng

    Cầm tay em muốn khóc

    Nói chi cũng muộn màng”.

    Chỉ có một số thi nhân đề cập đến tình yêu trong mùa đông, còn lại là những bài thơ được diễn tả về cảnh điêu tàn của mùa đông hiu quạnh, với những cơn gió lạnh lùng làm cho cảnh vật trở nên tiêu điều xơ xác, làm cho bầu không khí luôn luôn rét mướt quạnh hiu.

    Ta hãy nghe các thi nhân Việt Nam đua nhau tả cảnh mùa đông về trên đất Việt:

    “Em nhớ: một sáng ngày mùa đông,

    Gió bấc ào ào tiếng hãi hùng

    Theo khe cửa sổ gió thổi rú

    Chỉ nghe tiếng gió mà lạnh lùng”.

    (Đông Hồ)

    hay là:

    “Lò sưởi bên mình ngọn lửa hồng

    Giải buồn chén rượu lúc sầu đông

    Tuyết đưa hơi lạnh xông rèm cửa

    Gió phẩy mùa băng giải mặt sông”.

    (Ngô Chi Lan)

    Mặc dầu cảnh vật mùa đông thường đượm màu sắc âm u, ủ dột khi mưa gió bay về. Nhưng nhiều khi ta vẫn thấy một vài nơi trên quê hương xuất hiện nhiều cảnh đẹp tuyệt vời, với những lá vàng bay bay giữa cảnh chiều đông ruộng đồng ngập nước, có đàn cò trắng bay về phía chân trời xa thăm thẳm:

    “Lá bàng

    Như lá vàng

    Rụng

    Ôi! Đìu hiu

    Cảnh chiều

    Đông!

    Ruộng ngập: mênh mông

    Nước phẳng

    Cò bay, yên lặng,

    Quanh đồng

    Thi tứ viễn vông:

    Thần tưởng  tượng

    Như đàn cò đói lượn

    Đồng không”.

    (Huế, đẹp và thơ – Nam Trân Nguyễn Ngọc Sỹ)

    Tuy nhiên cảnh đẹp mùa đông lâu lắm mới xuất hiện. Có chăng đi nữa ta chỉ thấy một vài lúc trời quang mây tạnh, mưa thuận gió hòa. Còn thì suốt mùa đông mưa gió tơi bời, mây mờ che phủ. Các thi nhân rất rõ điều này nên đã sáng tác những dòng thơ nghe toàn mưa rơi gió thổi, bão tố đêm ngày, như một nhạc sĩ nào đó viết một bản nhạc mà khi hát lên ta tưởng chừng như bầu trời ngập cả mưa rơi, gió thổi, lá vàng bay khắp nẻo đường:

    “Trời mưa gió, lá cây tơi bời khắp nơi.

    Bao cánh tan nát hoa rơi đưa về cuối trời, gió mưa tơi bời.

    Ôi trời mưa gió điêu tàn… …”

    Trái lại, một số thi sĩ khác đã tả về mùa đông với những cơn gió nhẹ nhàng, êm đềm, vì họ chỉ muốn lấy gió đông làm mốc báo hiệu cho đông đến hay đông đi mà thôi. Những vần thơ sau đây mà ngọn gió đông là biểu tượng chính:

    “Đã thấy xuân về với gió đông

    Với trên màu má gái chưa chồng

    Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm

    Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong”.

    (Nguyễn Bính)

    Hay là:

    “Biết thân đến bước lạc loài

    Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.

    Vì ai ngăn đón gió đông

    Thiệt lòng khi ở, đau lòng khi đi”.

    (Nguyễn Du)

    Hoặc là:

    “Hoa thược dược mơ màng thuỵ vũ

    Đoá hải đường thức ngủ xuân tiên

    Cành xuân hoa chúm chím chào

    Gió đông thôi đã cợt đào ghẹo mai”.

    (Ôn Như Hầu)

    Hay là:

    “Thuở đăng đồ mai chưa dạn gió

    Hỏi ngày về chỉ độ đào bông

    Nay đào đã quyến gió đông

    Phù dung lại nở bên sông bơ sờ”.

    (Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm dịch)

    Nhiều thi sĩ sau những năm tháng sống nơi đất khách quê người, lòng luôn luôn hướng về quê cha đất tổ, để rồi ước mơ một ngày về thăm lại quê hương, nơi có lũy tre xanh bao bọc quanh làng, có hàng dừa xanh thẳng tắp dưới trời cao. Sống giữa cảnh tuyết rơi trắng xoá lạnh lùng, họ ước mơ một ngày trở lại. Nhưng rồi sự mơ ước trở về quê cũ có trở thành sự thật không? Hay vì nghịch cảnh của cuộc đời, khiến ước mơ đó chỉ còn là tuyệt vọng? Nếu những hoài bão đó không thành thì cuộc đời không còn gì nữa! Tâm hồn thi nhân như đã chết lịm theo mùa đông.

    Ta hãy nghe nhà thơ Duy Lam nói lên những ước mơ đó:

    “Tuyết rơi rơi đất lạ mênh mông

    Hồn ta vất vưởng trôi trong không

    Tang tóc trắng trời nơi đất hứa

    Bao giờ ta mới hết nhớ mong

    … ….

    Nếu thế phải chăng hồn đã chết!

    Dù xác vẫn đây mơ viễn vông

    Dù sống đến cuối đời cũng chỉ

    Giá băng vĩnh viễn một mùa đông”.

    (Tuyết trắng)

    Tóm lại qua thi ca Việt Nam, ta thấy nhiều thi  nhân đã run rẩy vì cái lạnh triền miên của khí trời mùa đông, rồi dệt nên những bài thơ lâm ly não nuột, những điệp khúc tình sầu da diết trước cảnh vật điêu tàn đìu hiu, với mưa rơi gió thổi dai dẳng suốt đêm ngày.

    Dương viết Điền

  • Trần Huy Bích,  Văn Thơ

    NVNT & TTG GIỚI THIỆU TRANG BLOGSPOT.COM CỦA GS TRẦN HUY BÍCH

    tranhuybich.blogspot.com

    NV KG Vương Trùng Dương đã nhận xét:

    Giáo Sư Trần Huy Bích được mời làm diễn giả trong nhiều lần ra mắt sách của các nhà văn, nhà thơ tại cộng đồng người Việt hải ngoại, nhưng có rất nhiều bài viết trên trang tranhuybich.blogspot.com của ông không thấy phổ biến trên internet hay facebook.

    Ngày 19 tháng 12, 2023, Khánh Lan nhận được email của Giáo Sư Trần Huy Bích và khi duyệt qua những bài viết của ông, Khánh Lan ghi nhận: Đây là những bài viết hay, có giá trị văn học, nên xin được ghi nhận vào trang nhà của Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian. Khánh Lan xin cám ơn GS Trần Huy Bích đã chia sẻ với thế hệ trẻ của chúng em về những bài nhận xét văn học qua các tác phẩm của những nhà văn tiền bối. Kính mời Quý Giáo Sư, Quý Văn Thi Sĩ và Quý anh chị em vào xem.

    1) Còn 4 bài được xếp dưới mục “Với bạn văn,” trong đó có:

      –Giới thiệu cuốn “Ở cuối hai con đường” của nhà văn Phạm Tín An Ninh, năm 2008.

      –Giới thiệu cuốn “Tản mạn về ca dao lịch sử” của nhà giáo Đào Đức Nhuận, năm 2017:

    TRẦN HUY BÍCH: Với bạn văn (tranhuybich.blogspot.com)

    2) Còn 3 bài được xếp dưới đề mục “Với niên trưởng,” trong đó có:

      –Giới thiệu cuốn “Tuyển tập Nguyễn Thanh Liêm” của Gs Nguyễn Thanh Liêm, năm 2015

      –Giới thiệu cuốn “Thiên chức của nhà giáo” của Gs Nguyễn Xuân Vinh, năm 2017

    TRẦN HUY BÍCH: Với niên trưởng (tranhuybich.blogspot.com)

    3) Có hai bài với đường dẫn độc lâp trong blogspot:

    –Giới thiệu cuốn “Con trâu rừng cuối cùng trên đảo [Phú Quốc]” của Nguyễn Công Khanh, năm 2017:

    TRẦN HUY BÍCH: “Con trâu rừng cuối cùng trên đảo” – Một vài cảm nghĩ sau khi đọc tuyển tập bút ký của Nguyễn Công Khanh. (tranhuybich.blogspot.com)

    –Giới thiệu hai cuốn sách của nhà văn Khánh Lan, năm 2021:

    TRẦN HUY BÍCH: Giới thiệu hai cuốn” Đôi Nét Về 10 Tác Giả Âu Mỹ Cận Đại” (tranhuybich.blogspot.com)

    Tôi sẽ phải bỏ ra chút thời giờ để sắp xếp lại, ngõ hầu việc tìm bài được dễ dàng hơn.

    Nhân tiện cũng xin gửi tới anh Vương Trùng Dương và Quý Anh Chị một bài tôi mới đọc trong phần “Tưởng niệm”(trong tang lễ nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn hôm CN 17 tháng 12 vừa qua):

    TRẦN HUY BÍCH (tranhuybich.blogspot.com)

    Thân quý,

    Trần Huy Bích

  • Lê Nguyễn Nga,  Văn Thơ

    NHỮNG BUỔI TIỆC GIÁNG SINH

    Ngày lễ Giáng Sinh  không chỉ dành riêng cho tín đồ Ki-tô mà các tôn giáo bạn, trong đó có cả Phật Giáo, cũng đều vui đón Giáng Sinh từ lâu rồi.

    Lúc nhỏ, tôi học trường Công Giáo được nghe kể về câu chuyện Giáng Sinh đại khái như thế này:  Ông Giu-se và bà Maria phải xuống Bê-lem theo sắc lệnh kiểm tra dân số của Hoàng Đế Augustus.  Ông Bà không kiếm được phòng trọ phải dời xuống chuồng dành cho chiên lừa.  Bà Maria lúc đó đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa.  Bà hạ sanh con trai, đặt tên con là Giê-su.  Theo truyền thuyết còn có ba nhà thông thái từ phương đông theo ánh sao mang vàng, nhũ hương, và mộc dược đến bái tạ.

    Lễ Giáng Sinh là dịp biểu lộ tình thương của mọi người thân thương trong gia đình và trong tình bạn.  Christmas về trong tình thương của Thiên Chúa nên người Công giáo và Tin Lành ở mọi nơi  đều hân hoan chào đón Giáng Sinh.

    Tôi, người viết  là một Phật Tử, xin viết lại những kỷ niệm Giáng Sinh đẹp trong đời.

    Tôi có kỷ niệm chào đón tuần lễ Giáng Sinh tại Paris năm 2011. Tôi được vợ chồng Quách Vinh Thiên – Thanh Vân đưa đi xem lights decoration trên Champ Elysee thật đẹp.

    Tôi được ăn tối nơi nhà ông bà bác sĩ Kim Thành Xuân. Trong bữa ăn tôi được nghe giới thiệu đặc biệt là món gan ngỗng.!  Nhưng tôi chỉ ăn thử mà không thấy ngon.  Đến nửa khuya bạn tôi, Thy Như đưa tôi tham dự lễ nửa đêm tại Notre Dame De Paris.

    Ngay trước sân Thánh Đường, chúng tôi được giới thiệu Viên Gạch Zero, được tính là trung tâm của nước Pháp.

    Ví dụ bạn đang lái xe từ vài nước trong Âu Châu đến Pháp. Viên gạch Zero là trung tâm của Pháp là khoảng cách xa của bạn đang đi đến.

    Đi Bateau trên sông Seine là thấy được cả thánh đường Notre Dame Nhà thờ Notre Dame kiến trúc đẹp uy nghi.

    Đêm Giảng Sinh 2011 tràn ngập những ánh nến lung linh. Chúng tôi cũng thắp nến và ngồi vào band câu nguyện. Một không khí trang nghiêm và thật hạnh phúc cho các tin đồ Công Giáo trong đêm Thánh  này.

    Nhà thờ Notre Dame de Paris đã hãnh diện được lấy bối cảnh cho cuốn phim nổi tiếng mang tên -Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà, do tài tử Anthony Quinn và Gina Lolobrigida đóng. Niềm hãnh diện cho nước Việt Nam có Vương Cung Thánh Đường, tức nhà thờ Đức Bà Sai Gòn được xây dựng theo kiến trúc của Notre Dame De Paris.

    Tôi được vui vẻ trong nhiều đêm Noel đã qua trong đời tôi.  Thật sự tôi đều có niềm vui của ngày Giáng Sinh hàng năm. Gần đây nhất là có tổ chức lễ Giáng Sinh của Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian cuối năm 2022.  Không khí thân mật trong nhà hàng, tôi được gặp các vị GS , văn thi họa sĩ và các bạn ca nhạc sĩ Tiếng Thời Gian đến giúp vui.

    Với thức ăn ngon và đặc biệt là những bài hát Giáng Sinh thật vui tươi, hạnh phúc. Bầu không khí thật ấm cúng tình bạn. Với nhiều  bài hát rất hay do Tam Ca Lâm Dung, Ngọc Quỳnh, Ái Liên trình bày. Trong chương trình phải kể đến Silent Night rồi kể đến là bài Babylon River. Không khí thật là cảm động.!Chúng ta nghe Babylon để thương  cho một Đế Chế,  một đất nước hùng mạnh  giữa  2 dòng sông. Mảnh đất thiêng đã đem lại sự phồn thịnh cho đất nước này từ 250 năm trước -BC và 300 năm sau Thiên Chúa- AD.

    Thật cảm động cho một lịch sử oai hùng của một đế chế Babylon mà bây giờ chúng ta dù muốn viếng thăm cũng không còn được thấy.

    Chúng ta rất vui được tham dự buổi tiệc. Cảm ơn BTC đã có một tiệc mừng Giáng Sinh để có dịp được gặp mặt quý vị trưởng thượng và các Anh Chi Em.

    Thật là một kỷ niệm quý báu.

    Lê Nguyễn Nga

  • Kiều My,  Văn Thơ

    NHÀ SÁCH KHAI TRÍ, SAIGON TRƯỚC 1975

    Nhà văn hóa Nguyễn Hùng Trương

    Khi còn là học sinh của bậc tiểu học, vào những ngày cuối tuần, Ba tôi thường dẫn mấy chị em tôi đi dạo phố Saigon để ngắm cảnh nhộn nhịp của thủ đô. Nhưng địa điểm đầu tiên mà ba tôi luôn hướng tới chính  là nhà sách KHAI TRÍ. Ông mong muốn các công chúa bé nhỏ của ông làm quen với sách vỡ, hầu có thể lĩnh hội sự hiểu biết từ kho tàng kiến thức trong những sách vỡ lành mạnh.

              Nhà sách thật bề thế, tọa lạc tại số 60 – 62 đại lộ Lê Lợi Saigon, đông người qua lại. Lần đầu tiên đến đây, ngước lên nhìn bảng thương hiệu với hàng chữ lớn “NHÀ SÁCH KHAI TRÍ”, tôi bèn hỏi ba tôi về ý nghĩa của hai chữ “ Khai Trí”. Ba tôi chậm rãi giải thích – khai: là mở mang, trí: là trí tuệ;  khai trí: tức là “mở mang trí tuệ con người”.

              Khi lớn khôn, tôi nghiệm ra rằng: cửa hàng bán sách có tên Khai Trí, chắc hẵn phải mang một ý nghĩa thâm thúy và thực tiễn. Mục đích chính của nhà sách không đặt nặng vấn đề kinh doanh về sách vỡ; mà hàm chứa một lý tưởng thật cao đẹp của chủ nhân, mong muốn tận dụng việc mở tiệm sách để “mở mang dân trí” cho người Việt – Vậy chủ nhân của nhà sách Khai Trí là ai, mà mang một hoài bão tốt đẹp và lớn lao như thế?

              Vâng! Đó chính là ông Nguyễn Hùng Trương, sinh quán tại Thủ Đức, miền Nam, Việt Nam năm 1926, mà thường được gọi là ông Khai Trí. Một người từ thời niên thiếu đã rất đam mê đọc sách, đến nỗi cậu học trò nhỏ phải nhịn ăn sáng để có tiền mua sách. Lên bậc trung học, Nguyễn Hùng Trương may mắn là học sinh của trường nổi tiếng Petrus Ký. Thời gian này ông đã sở hữu một tủ sách nhỏ có giá trị mua từ Pháp cho riêng ông, nhờ vào tiền dành dụm từ nhịn ăn buổi sáng. Sau khi tốt nghiệp trung học,  ông lập gia đình với bà Phùng Thị Bông. Hai vợ chồng rất vất vả vừa dạy học, làm thuê, vừa bán sách trên một chiếc xe đẩy. Đến năm 1952, ông bà tích lũy được một số vốn đủ để mở nhà sách Khai Trí tầm cỡ ngay tại trung tâm Saigon. Nhà sách ngày càng phát triển mạnh mẽ và hoạt động cho đến năm 1975. Thành quả mà ông Khai Trí đã gặt hái được  từ sự kiên trì, cùng  ý chí mạnh mẽ, với một lý tưởng cao đẹp và niềm đam mê sách vỡ. Ông chính là tấm gương sống động: từ hai bàn tay trắng đã tạo được sự nghiệp hiển hách về ngành kinh doanh sách lớn nhất và uy tín nhất miền Nam. Nhà sách Khai Trí, chính là biểu tượng của giới học sinh, sinh viên, trí thức Saigon của một thuở vàng son trước 1975.

    Nhà sách Khai Trí đã đóng góp về hoạt động văn hóa đáng kể như việc xuất bản TẬP SAN SỬ ĐỊA, với sự cộng tác của nhiều văn sĩ và chuyên gia của Đại học Saigon. Khai Trí còn phát hành một loạt tự điển Pháp Việt của Đào Đăng Vỹ; Anh Việt – Việt Anh của Nguyễn Văn Khôn. Bên cạnh đó, chủ nhân còn sưu tầm nhiều sách báo ngoại ngữ được dịch ra tiếng Việt của những soạn giả nổi tiếng như Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Ngu Ý v.v…Nhà sách có khả năng đáp ứng nhu cầu sách giá trị cho giới sinh viên, học sinh và giới nhân sĩ trí thức, nhờ vào kinh nghiệm và khả năng đánh giá và phân loại sách của chủ nhân. Đến năm 1971, nhà sách Khai Trí phát hành tuần báo THIẾU NHI, do nhà văn Nhật Tiến là chủ biên. Nội dung của báo Thiếu Nhi rất lành mạnh và thật hữu ích cho trẻ em; với chủ trương – mở mang kiến thức và giáo dục cho lớp trẻ, là tương lai của nước Việt.

    Sách vỡ là phương tiện để phát triển tri thức con người qua văn hóa đọc sách. William Shakespeare, một đại văn hào người Anh đã để lại câu nói bất hủ cho đời: “Sách vỡ là sự tổng hợp kiến thức của con người. Sách là nguồn dinh dưởng của thế giới.” (Ah, the famous Shakespeare quote: “Books are summary of human knowledge. Nutrition books in the world.”

    Nhờ đọc sách, con người đã lĩnh hội được kho tàng kiến thức vô giá về mọi lãnh vực trong cuộc sống của nhân loại. Sách nghiễm nhiên đã trở thành người bạn thân thiết của con người. Văn hóa đọc sách đã trở thành một phần quan trọng trước thời đại văn minh không ngừng phát triển, để thăng tiến tri thức nhân bản từng người trong cộng đồng xã hội.

    Ngoài ra, sách vỡ rất cần thiết về mặt giáo dục con người và được học hỏi cả đời qua việc đọc sách. Triết gia Jiddu Krishnamuti: “Không có điểm dừng cho giáo dục. Không phải bạn đọc một cuốn sách, vượt qua một kỳ thi và kết thúc việc học hành. Suốt đời bạn, từ lúc sinh ra đến khi chết là một quá trình học hỏi.” (There is no end to education. It is not that you read a book, pass an examination, and finish with education. The whole of life, from the moment you are born to the moment you die, is a process of learning.)

    Đối với xã hội, văn hóa đọc sách là nhu cầu cần thiết của tri thức học hỏi từ sách vỡ, do các nhà sách, nhà xuất bản, báo chí v.v… đã tạo ra những sản phẩm cung cấp cho độc giả. Vậy, chủ nhân nhà sách Khai Trí, ông Nguyễn Hùng Trương xứng danh là một nhà văn hóa Việt Nam, qua sách vỡ ông đã giúp mở mang kiến thức cho dân Việt hơn hai thập kỷ.

    Trong nhà sách Khai Trí được chia thành ba khu sách riêng biệt:  sách dành cho thiếu nhi; sách người lớn và sách ngoại ngữ như: Pháp, Anh, Tàu…Ngoài việc kinh doanh sách, ông Trương còn là nhà xuất bản nhiều loại sách hữu ích như: học làm người, dạy nấu ăn, hay nghiên cứu về khoa học, văn hóa và dịch thuật…Đặc biệt, ông rất nặng lòng với thiếu nhi, là rường cột của nước nhà. Vì thế, ông đã xuất bản tuần báo THIẾU NHI, thiết kế rất tiên tiến, công phu và đẹp mắt. Tuần báo này được đánh giá cao vì tính giáo dục lành mạnh dành cho tuổi thơ. Vì tuổi thơ của ông cũng rất thiếu thốn, nên ông có mối cảm thông với học sinh nghèo. Vì thế, ông tặng sách miễn phí cho những học sinh không đủ điều kiện mua sách, ngõ hầu nâng đỡ và khuyến khích các em học tập. Ông cũng dành một khoảng không gian rộng lớn trong tiệm sách, dành cho thiếu nhi đến ngồi đọc sách thoải mái, tạo môi trường thuận tiện cho các em học hỏi những điều hữu ích trong sách vỡ.

              Tuần báo THIẾU NHI là món ăn tinh thần của các thế hệ măng non trước 1975. Đây là tâm huyết của ông Khai Trí cũng như các nhà văn, nhà báo biên soạn dành cho tuổi thơ. Ông Khai Trí luôn nhắc nhở rằng: “Tương lai nước Việt Nam sau này hay hay dở đều do sự giáo dục hiện tại của lứa tuổi thiếu nhi, mầm non của đất nước.” Đây cũng là câu tâm niệm luôn mở đầu cho các loại sách dành cho thiếu nhi mà ông làm chủ nhiệm. Ngoài ông Khai Trí, nhà văn Nhật Tiến là chủ biên, là linh hồn của tuần báo, cùng đồng hành để thực hiện món ăn tinh thần vô cùng cần thiết này cho thiếu nhi.

              Số đầu tiên của tuần báo Thiếu Nhi ra mắt ngày 15/8/1971, và phát hành liên tục hàng tuần cho đến 1975. Về hình thức, họa sĩ ViVi phát họa tranh vẽ màu nước và trang trí  rất đẹp mắt cho trang bìa trước về các đề tài khác nhau. Trang cuối, thường là những câu chuyện bằng tranh màu, được dịch ra tiếng Việt từ những cốt chuyện hay và lạ nước ngoài như: Walt Disney, Tin-Tin, Asterix Obelix. Ngoài ra, còn có  truyện hoạt họa Con Ngựa Của Cháu Mi- Su v.v… được trình bày rất công phu với kỷ thuật tân tiến thời bây giờ, đã thu hút giới độc giả tuổi măng non vô cùng mãnh liệt.

              Đọc qua những tuần báo Thiếu Nhi phát hành hàng tuần, không thể phủ nhận – đây là tờ báo mang lại sự bổ ích rất lớn cho trẻ em về mặt tri thức; chẳng khác nào thức ăn dành cho sự sống vậy. Trong báo gồm những bài vỡ nội dung lành mạnh, viết đúng chính tả, hình ảnh ý nghĩa và màu sắc vui tươi. Ngoài ra, mỗi số báo đều có kèm theo những đề tài như:

    • Gương danh nhân – giúp các em học hỏi về sự thành công của các danh nhân nổi tiếng trên thế giới.
    • Những câu danh ngôn – gồm những lời hay ý đẹp, thích hợp để áp dụng vào đời sống thường ngày.
    • Khoa học thường thức – học hỏi về những phát minh tân tiến trong lãnh vực khoa học.
    • Trang giải trí – gồm những câu đố vui, ảo thuật, trò chơi, hay những câu hỏi nát óc…
    • Em học vẽ – dùng những phương pháp giản dị giúp các em bắt chước vẽ dễ dàng.
    • Cuộc thi Sáng Tác Văn Chương – mục đích tạo cơ hội cho các em tập luyện viết văn.
    • Trang vườn hồng – dành cho các em gái thiếu nhi có đời sống vui tươi, hạnh phúc…
    • Truyện bằng tranh – với những cuộc phiêu lưu kỳ thú, hay những câu chuyện lý thú mang đến lợi ích cho tuổi thơ.

    Nội dung tuần báo Thiếu Nhi rất phong phú vì bao gồm nhiều bài viết giá trị đủ thể loại như: truyện bằng tranh, truyện thơ, truyện ngắn, truyện dài, kiến thức khoa học, đời sống v.v…được thực hiện bởi những nhà giáo, nhà văn đầy tâm huyết dành cho thiếu nhi. Chính nhờ vậy mà tuần báo Thiếu Nhi luôn là “món ăn tinh thần” không thể thiếu đối với THIẾU NHI VIỆT NAM của một thời. Tuần báo này đã được sự ủng hộ nhiệt thành từ giới nhi đồng cho tới bậc phụ huynh thời bấy giờ, nhờ nội dung của báo mang đến những hữu ích thiết thực và lành mạnh cho thiếu nhi.

    Loạt hình bìa của tuần báo Thiếu Nhi thật đẹp, thật trong sáng với những hình ảnh màu sắc sáng ngời… gợi trong ta một tiếc nuối khôn nguôi vì sự mất mát quá lớn lao cho tuổi thơ, khi nhà sách Khai Trí cũng như tuần báo Thiếu Nhi mãi mãi không còn hiện hữu.

    Trong những ngày cuối đời của ông Nguyễn Hùng Trương, người đã một đời mang tâm huyết cũng như tận tụy để sáng lập nhà sách Khai Trí, cũng phải ngậm ngùi chua xót…khi ngước lên tìm bảng thương hiệu NHÀ SÁCH KHAI TRÍ…Thật xa lạ và bàng hoàng! Cái tên thân thương “Khai Trí” giữa thủ đô Saigon đã không còn nữa, nó đã bị khai tử, nó đã thay tên đổi chủ! Hoài bão của ông đã hoàn toàn sụp đổ!

    Vào năm 1975, lịch sử đã sang trang và mang đến nhiều hệ lụy đáng tiếc. Cả kho tàng sách vỡ quý giá trong nhà sách Khai Trí đã bị tiêu hủy và “NHÀ SÁCH KHAI TRÍ” cũng bị xóa tên vĩnh viễn kể từ đó. Lý tưởng cao quý của chủ nhân nhà sách cũng đã trở thành đống tro tàn. Cùng chịu chung số phận bị hủy diệt với những sách vỡ, tuy vô tri vô giác, nhưng chứa đựng những bộ óc thông minh vượt bực của nhân loại.  Tuy nhiên, nhà sách Khai Trí là một “kho tàng tri thức và đạo đức,” luôn khắc sâu trong ký ức của người Việt văn minh và hiếu học, mãi không thể phai nhòa.

    Ông Khai Trí Nguyễn Hùng Trương cả một đời đam mê sách vỡ, góp công sức bảo tồn nền văn hóa Việt cho thế hệ tương lai; đặc biệt giáo dục giới thiếu nhi qua sách báo lành mạnh. Thương hiệu “NHÀ SÁCH KHAI TRÍ” sẽ đi vào lịch sử văn hóa Việt Nam, và công đức của ông bà Nguyễn Hùng Trương Khai Trí, nhà văn hóa Việt… chắc hẵn sẽ được truyền tụng đến mai sau.

    KIỀU MY, California, 2023

  • Văn Thơ,  Vương Trùng Dương

    Tình Khúc Mùa Thu Với Paris

    Mùa thu hình như là nguồn cảm hứng với thi nhân, nhạc sĩ… nên từ xưa đến nay có nhiều sáng tác qua thi ca và âm nhạc với nhiều bài thơ và ca khúc được ưa thích.

    Nhà văn Dương Viết Điền (bạn cùng khóa với tôi) viết về Mùa Thu Qua Thi Ca Việt Nam, mở đầu với bài thơ nổi tiếng Chansons D’automne của thi sĩ Pháp Paul Verlaine đều cảm thấy lòng mình bồi hồi và xúc động. Bài thơ này được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc Thu Ca Điệu Ru Đơn.

    Nhà văn Việt Hải & Phạm Chung trong bài viết Mùa Thu Trong Tình Ca Việt Nam, đề cập đến nhiều ca khúc trong những thập niên qua liên quan đế chủ đề… Từ thời tiền chiến đến hai thập niên ở miền Nam Việt Nam, có hàng trăm ca khúc trữ tình (sáng tác và phổ thơ) liên quan đến mùa thu.

    Với tôi, trong bài viết về nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, gọi ông là nhạc sĩ của mùa thu (lời Từ Linh), điển hình qua vài ca khúc Ánh Trăng Mùa Thu (1947), Thu Quyến Rũ (1950), Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay (1952), Lá Đổ Muôn Chiều (1954), Tà Áo Xanh (Dang Dở 1954)… Tập nhạc Tình Khúc Mùa Thu (Đoàn Chuẩn – Từ Linh) gồm 18 ca khúc do trưởng nam của ông là Đoàn Chính, ấn hành ở Canada năm 1990.

    Nhân chuyến thăm trời Tây và Paris của nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian vào mùa thu năm 2023, tôi viết về những ca khúc tiêu biểu với thu và Paris, và “Gửi Người Em Gái” thấp thoáng trong ca khúc trữ tình của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước trong chiều nhạc thính phòng vào  thu ở Paris.

    Nhạc sĩ Phạm Duy với những ca khúc phổ thơ về mùa thu như: Mùa Thu Chết (phổ thơ L’Adieu của thi sĩ Pháp Apolinaire theo bản dịch tiếng Việt của nhà thơ Bùi Giáng là Lời Vĩnh Biệt). Ca khúc Mùa Thu Paris (phổ thơ Cung Trầm Tưởng) “Mùa thu Paris, trời buốt ra đi… Chờ mong em chín đỏ trái sầu”. Ca khúc Tiễn Em (thơ Chưa Bao Giờ Buồn Thế của Cung Trầm Tưởng vào mùa đông Paris).

    Nhạc sĩ Lam Phương với những cuộc tình trở thành tình sử bi thương. Vào thập niên 1980s, sau khi chia tay nghệ sỹ Túy Hồng, ông dọn sang Paris để sống và gọi là “tị nạn ái tình”. Làm quản lý nhà hàng Như Ánh của cô em út. Về đêm, tổ chức ca nhạc cho vơi bớt nỗi buồn. Với cuộc tình định mệnh người đẹp Cẩm Hường, đang có chồng. Khi cuộc tình chớm nở ông đã sáng tác vài ca khúc Mùa Thu Yêu Đương “Mùa thu ơi Paris dệt mộng tình si… Đưa anh vượt khỏi cơn đau ngày nào”, ca khúc Mùa Thu Vào Mộng… Thế rồi sau mười năm chung sống, ông viết ca khúc Tan Vỡ! Cuối cùng với nhạc phẩm Thu Đến Bao Giờ với nỗi buồn chia ly trong mùa thu trước khi định cư ở Mỹ.

    Trước đây, tôi đã viết Nguyên Sa, Lời Thơ Ý Nhạc, là nhà thơ tình mang hình ảnh Paris về Sài Gòn giữa thập niên 1950s.

    Bài thơ Mai Tôi Đi với nỗi buồn xa xăm:

    “Mai tôi đi dù hôm nay đang vào thu

    Giòng sông Seine đang mặc áo sương mù

    Đang nhìn tôi mà khoe nước biếc

    Khoe lá vàng lộng lẫy lối đi xưa”.

    Bài thơ nầy Song Ngọc phổ thành ca khúc Tiễn Biệt khi còn học sinh vào năm 1961.

    Năm 1998, nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc cùng tựa bài thơ với các câu cuối:

    “Mai tôi đi, chắc rằng Paris nhớ

    Nhưng dù sao, nhớ nhung rồi sẽ mờ

    Muôn vạn ưu sầu rồi cũng sẽ xa nhau

    Mình cũng sẽ xa nhau”.

    Ca khúc Em Mùa Thu Của Tôi  của nhạc sĩ Vũ Hữu Toàn (thơ Phạm Ngọc):

    “Paris buồn giữa trời thu

    Cơn mưa ùa theo hối hả

    Tiếng đàn pha cùng tiếng gió

    Thở dài thành những cơn mưa”

    Nhân chuyến đi của nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian khi bước vào mùa thu ở Mỹ, sau những tháng nắng nóng ở California, thời tiết đã thay đổi, viết những dòng nầy để gợi nhớ lại bảy thập niên về trước ở thế kỷ XX khi những chàng trai trẻ du học ở Pháp, với khung cảnh hữu tình đó đã sáng tác các bài thơ được phổ thành ca khúc sau nầy đã hòa nhập vào trái tim của người thưởng ngoạn từ trong nước đến hải ngoại.

    Hy vọng chiều nhạc thính phòng ở Paris níu lại thời gian năm xưa qua bao biến thiên của cuộc đời.

    Vương Trùng Dương, Little Saigon, September 14, 2023

  • Văn Thơ,  Vương Trùng Dương

    Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm & Ca Khúc Gọi Người Yêu Dấu

    “Thương yêu dáng vai gầy thanh thanh

    … Thương em mong manh như một cành lan”

    (Vũ Đức Nghiêm)

    “Thương em đắm linh hồn mong manh.

    … Như sương pha lê trên một cành lan”.

    (Hoàng Anh Tuấn)

    “Em gầy như liễu trong thơ cổ

    Anh bỏ trường thi lúc thịnh Đường”

    (Nguyên Sa)

    Về tiểu sử nhạc sĩ Vũ Đức Nghiem đã được đề cập qua nhiều bài viết, nay chỉ tóm lược quãng thời gian liên quan ngắn gọn. Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm sinh năm 1930 tại làng Hoành Nha, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, trong gia đình theo đạo Tin Lành. Nhập học lớp Đệ Thất vào năm 1944 lúc 14 tuổi tại trường Bưởi (Trường Bưởi – trường Bảo Hộ (Lycée du Protectorat), được thành lập vào năm 1908. Tới ngày 9/3/1945, trường bị giải thể sau khi Nhật đảo chánh Pháp. Trường Bảo Hộ đổi tên thành trường Chu Văn An).

    Năm 1951, sau khi đậu Tú Tài I và đang học lớp Đệ Nhất C, động viên vào Khóa 1 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định. Tháng 6/1952, ra trường, cấp bậc Thiếu Úy, phục vụ tại đồn Trung Lăng, thuộc huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Kiến An. Tháng 7/1954, lập gia đình với bà Dương Thị Năng, con gái út của Mục Sư Dương Tự Ấp. Ông bà có 7 người con.

    Sau khi đất nước bị chia đôi năm 1954, gia đình di cư vào Nam, ông phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, ban đầu được bổ nhiệm đồn trú tại đơn vị thuộc đảo Phú Quốc. Tháng 3/1956, Vũ Đức Nghiêm được thuyên chuyển về Trung Đoàn 7, thuộc Sư Đoàn 3 Dã Chiến đóng tại Sông Mao, Bình Thuận. Ông sáng tác Sư Đoàn 3 Dã Chiến Hành Khúc (sau nầy là Sư Đoàn 5 Hành Khúc).

    Năm 1957, Trường Sinh Ngữ Quân Đội thành lập, ông là một trong những giảng viên Anh Ngữ đầu tiên tại trường này. Năm 1958, ông sang Hoa Kỳ, phục vụ tại trung tâm huấn luyện Fort Benning, tiểu bang Georgia. Nghiên cứu trước các tài liệu giảng dạy cho huấn luyện viên Hoa Kỳ cho các khóa tu nghiệp sĩ quan Quân Đội VNCH.

    Sau khi về nước, ông tiếp tục công việc giảng dạy tại Trường Sinh Ngữ Quân Đội. Tháng 1/1963, thăng cấp Đại Úy, phục vụ tại Sư Đoàn 22 Bộ Binh, ông viết Sư Đoàn 22 Hành Khúc, rồi Tòa Đại Biểu Chính Phủ tại Ban Mê Thuột, ở đây gần Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 BB, ông viết Sư Đoàn 23 Hành Khúc.  

    Giữa năm 1966, Đại Úy Vũ Đức Nghiêm được giao chức vụ Tỉnh Đoàn Trưởng Xây Dựng Nông Thôn, tỉnh Tuyên Đức, và sau đó giữ nhiệm vụ Trưởng Phòng Hành Quân, tiểu khu Tuyên Đức.

    Năm 1969, Thiếu Tá Vũ Đức Nghiêm làm phụ tá Quân Trấn Trưởng, thị xã Đà Lạt.

    Trong thời gian phục vụ quân ngũ, ông tiếp tục học, tốt nghiệp Cử Nhân Văn Khoa, Viện Đại Học Đà Lạt.

    Cấp bậc cuối cùng của ông là Trung Tá, Huấn Luyện Viên Tiếp Vận, Trường Chỉ Huy & Tham Mưu Đà Lạt, năm 1971 chuyển về Long Bình, Biên Hòa.

    Sau tháng Tư năm 1975, ông bị tù tại Long Giao, Long Khánh, Suối Máu, Tân Hiệp, tháng 6/1976 bị đưa ra trại tù ở Hoàng Liên Sơn rồi Yên Bái, Lào Cai… Tháng 10/1978, chuyển về trại giam Nghệ Tĩnh (lúc nầy vợ ông mới nhận được tin để đi thăm nuôi). Tháng 1/1981 chuyển về trại tù Hàm Tân. Tháng 4/1982 chuyển về trại tù Xuân Phước (Phú Khánh – Phú Yên & Khánh Hòa) cho đến tháng 9/1988, được trả tự do.

    Trong thời gian ở trong lao tù, ông ở chung với nhiều nhạc sĩ, nhà thơ, ông đã sáng tác các rất nhiều ca khúc, điển hình như Tâm Tư Chiều, Muôn Trùng Xa Em Về, Như Mây Bay Về, Tâm Khúc Đêm Sao, Cờ Vàng Tung Bay, Giả Sử Mai Ta Về (thơ Nguyễn Xuân Thiệp), Xin Cho Tôi Hy Vọng (lời Thục Vũ), Mưa Buồn Long Giao (thơ Hà Thượng Nhân)… và Đoá Hồng Cho Ngươì Yêu Dấu (ca khúc nầy để tôn vinh người bạn đời của ông, sau nầy thực hiện thành CD cùng tên).

    Riêng ca khúc Trong Ngục Tù Bao La của ông khi đó có người bạn tù được thả ra, ông gởi về gia đình, để tránh rắc rối khi kiểm soát nên ông để là nhạc Liên Xô. Thế rồi ca khúc nầy được thu âm và phát hành vào năm 1977 vì họ đã hiểu lầm rằng Trong Ngục Tù Bao La là một ca khúc của Liên Xô.

    Trong đợt H.O 4, gia đình ông định cư tại Hoa Kỳ diện H.O 4, tại San Jose, tháng 11/1990. Ông tiếp tục sinh hoạt trong cộng đồng người Việt, nhiều Hội Thánh Việt Nam đã tổ chức các chương trình ca nhạc Vũ Đức Nghiêm để giới thiệu những Tôn Vinh Ca của ông. Năm 2015, Liên Hữu Tin Lành Việt Nam Thế Giới đã tổ chức chương trình nhạc Vũ Đức Nghiêm và trao bằng ghi nhận cống hiến của nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm cho nền thánh nhạc Việt Nam.

    Bà Dương Thị Năng là mẫu người vợ, người mẹ hiền thục, bao dung, cao đẹp  như bao người phụ nữ Việt Nam thời xa xưa. Với tấm lòng độ lượng bao dung của bà đã giữ được tình yêu thủy chung trọn đời, và sự hy sinh, lo cho con cái khi người chồng trong lao tù Cộng Sản. Chuyện Người Vợ Tù Cải Tạo của bà:

    “Ngày chồng tôi đi tù, anh đang ở Sài Gòn, gia đình ở Đà Lạt nhận tin anh sẽ đi trình diện ngày 15 tháng 6 và nhắn tôi về Sài Gòn, nhưng thư đi chậm, tôi về tới nơi thi đã quá muộn, anh đã đi trước một ngày… Cuối năm 1978, tôi được thư anh cho biết đã chuyển về trại tù Nghệ Tĩnh số 6 và trại cho tù được thăm gặp gia đình

    … Tôi nhận ra chồng tôi, xưa anh uy nghi mạnh mẽ bao nhiêu thì giờ đây xơ xác, tiều tụy bấy nhiêu. Ý nghĩ đó làm lòng tôi quặn thắt; anh đội chiếc nón lá rách rưới, chỉ còn chiếc chóp nhỏ như nón người lính thú đời xưa; đôi chân mốc meo khẳng khiu lê trên đôi dép râu buộc chằng chịt bằng giây thép. Nước da anh nhợt nhạt như người sốt rét kinh niên, đôi mắt lờ đờ, tròng trắng đã ngả vàng, không còn vẻ tinh anh như trước. Anh bước đi, lao đao như muốn ngã, tôi muốn chạy lại đỡ anh, nhưng tên V.C đã ngăn tôi lại. Tên cán bộ phụ trách thăm nuôi gọi từng tên người tù và thân nhân ngồi ở hai bên một chiếc bàn lớn, và hắn ngồi chính giữa. Tôi cho chồng tôi biết tin tức gia đình, anh lắng nghe, giọng xúc động, hỏi thăm tin tức cha mẹ, anh vui mừng khi biết cha mẹ ở California vẫn bình yên và hằng cầu nguyện cho anh sớm được trở về đoàn tụ.

    Nhìn mắt anh hướng về phiá tên V.C với cái nhìn căm hờn, tôi sợ hãi, xin anh nhịn nhục “nín thở qua sông’’ để còn có ngày về gặp lại vợ con…

    Hồi đó, phong trào vượt biên làm xôn xao Sài Gòn. Tôi suy nghĩ về tương lai các con. Phải đi tìm đường song cho các con vì nếu ở lại thì sợ có ngày con trai tôi đến tuổi phải đi nghĩa vụ rồi sẽ phải làm bia đỡ đạn cho giặc Cộng ở Campuchia thì khi gặp lại chồng tôi, tôi biết ăn nói làm sao?… Cho nên, tôi đã bán tất cả nữ trang và các đồ vàng bạc, đá quý, đã dành dụm được cho các con vượt biên… Lần thú nhất, con gái thứ tư, Giao Duyên, tới Malaysia bình yên, được ông bà nội bảo lãnh về Pasadena, California.

    Lần sau, ba đứa lớn, Quỳnh, Giao, Đức Dũng bị bắt giam mấy tháng, riêng Dũng bị giam hơn 2 năm. Trong thời gian ấy, tôi phải chuẩn bị nhiều bao bị khác nhau để đi thăm chồng và ba con. Tôi như lên cơn sốt vượt biên, có chút tiền để dành nào cũng gom góp cho con đi tìm tự do; sau hàng chục lần thất bại, nhưng không nản lòng. Rút cục, Dũng cũng đã ra tù, vượt biên qua ngả đường bộ đến Thái Lan và tới Mỹ năm 1983, riêng vợ chồng Quỳnh Giao và Dũng Tuấn, con trai út mãi tháng 9/88 mới đến Mỹ, đúng vào thời gian chồng tôi được trả tự do!”.

    (Trong bài viết, bà cho biết có 7 người con, đứa con lớn nhất 19 tuổi và con út mới 8 tuổi. Trong Cáo Phó có 6 người con: Vũ Ngọc Quỳnh, Vũ Ngọc Giao, Vũ Đức Dũng, Vũ Giao Duyên, Vũ Duyên Thơ, Vũ Thư Trinh, Vũ Đức Dũng Tuấn để biết rõ những người con khi ông ở trong lao tù, bà hy sinh tất cả để lo cho con vượt biên, ở lại đợi chồng).

    Năm 2003, nhật báo Viễn Đông tổ chức cuộc thi Chuyện Người Vợ Tù Cải Tạo, với 150 tác giả dự thi gởi bài viết. Tôi ở trong Ban Giám Khảo, vợ tôi cũng ở trong hoàn cảnh đó, thế mà khi đọc mỗi bài viết, mỗi câu chuyện qua bi thương, nghiệt ngã, có khi mắt nhòa đi trên từng trang giấy. Sau đó thực hiện 3 tuyển tập, tôi có viết giới thiệu còn lưu trên trang web Việt Báo.

    Ca khúc Muôn Trùng Xa Em Về nói lên nỗi đau khi người vợ lặn lội thăm nuôi chồng trong trại tù, chỉ trong phút giây ngắn ngủi rồi thẩn thờ chia tay trong với chiếc bóng lẽ loi trên đường về, với tôi là ngục tù ca hay nhất trong của các nhạc sĩ khi sáng tác ở trong lao tù. Với những người tù cùng rơi vào hoàn cảnh bi thương như ông, cảm ơn tác giả thay cho “bạn tù” vì âm nhạc dễ truyền đạt cho các thế hệ con cháu.

    Trải qua bao nhiêu sóng gió, nghịch cảnh trong cuộc biến thiên của thời thế. Gia đình nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm sống hạnh phúc bên nhau nơi xứ người cho đến khi ông ra người thiên cổ.

    *

    Trong dòng nhạc trữ tình, lãng mạn từ thập niên 1950s ở miền Nam VN đến nay đã bảy thập niên, nhiều ca khúc vẻ lên hình ảnh người tình còn in sâu trong lòng mọi người thưởng ngoạn. Những ca khúc đó, với nam giới, nhất là sinh viên, học sinh… với thuở ban đầu còn ngại ngùng không nói lên lời nên mượn lời ca để chia sẻ.

    Điển hình như vài tình khúc của các nhạc sĩ: Ngọc Lan của Dương Thiệu Tước “Ngọc Lan giòng suối tơ vương mắt thu hồ dịu ánh vàng. Ngọc Lan nhành liễu nghiêng nghiêng tà mấy cánh phong nắng thơm ngoài song… Bông hoa đời ngàn xưa tới nay. Rung nhạc đó đây cho đời ngất ngây”. Người Em Sầu Mộng của Y Vân, thơ Lưu Trọng Lư “Ai bảo em là giai nhân. Cho đời anh đau buồn… Cho tình giăng đầy trước ngõ. Cho mộng tràn gối chăn”. Mộng Dưới Hoa của Phạm Đình Chương, lời Đinh Hùng “Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng. Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại… Bóng hoa ngã xuống bàn tay mộng. Và mộng em cười như giấc mê”. Chiều Tím của Đan Thọ, lời Đinh Hùng “Chiều tím chiều nhớ thương ai. Người em tóc dài sầu trên phím đàn. Tình vương không gian. Mây bay quan san có hay?”. Tà Áo Tím của Hoàng Nguyên “Một chiều lang thang trên dòng sông Hương. Tôi gặp một tà áo tím. Nhẹ thấp thoáng trong nắng vương. Màu áo tím ôi luyến thương. Màu áo tím ôi vấn vương… Mơ một tà áo, một tà áo qua đường. Như mong một lời nói, một lời nói yêu thương”.

    Và, với tình si đó, trong ca khúc Phượng Yêu của Phạm Duy chấp nhận “Yêu người xong, chết được ngày mai” tương tự như câu thơ của Xuân Diệu “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt. Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Hay trong Gợi Giấc Mơ Xưa của Lê Hoàng Long “Thương em thì thương rất nhiều mà duyên kiếp lỡ làng rồi… Kiếp sau xin chắp lời thề cùng sống bước lang thang… Đêm đêm đèn le lói một mình ngồi ôm giấc mộng tình. Kiếp sau đôi tim hòa chào đón ánh bình minh”. Ngàn Thu Áo Tím  của Hoàng Trọng & Vĩnh Phúc “Ngàn thu mưa rơi trên áo em màu tím. Ngàn thu đau thương vương áo em màu tím. Nhuộm tím những chuỗi ngày vắng nhau. Tháng năm càng lướt mau. Biết bao giờ thấy nhau”.

    Trường nữ trung học Đồng Khánh ở Huế, trong những thập niên đầu, nữ sinh mặc đồng phục màu tím, sau nầy mặc áo dài trắng. Trường nữ trung học Gia Long ở Sài Gòn mặc áo dài tím nên gọi là Trường Áo Tím.

    Bài thơ Cần Thiết của Nguyên Sa “Không có anh lấy ai đưa em đi học về. Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học. Ai lau mắt cho em ngồi khóc. Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa… Không có anh nhỡ một mai em khóc. Ánh thu buồn trong mắt sẽ hao đi”. Ca khúc Nếu Vắng Anh của Anh Bằng đựa vào ý thơ “Nếu vắng anh ai dìu em đi chơi trong chiều lộng gió. Nếu vắng anh ai đợi chờ em khi sương mờ nẻo phố. Nếu vắng anh ai đón em khi tan trường về. Kề bóng em ven sông chiều chiều, gọi tên người yêu… Nếu vắng anh ai ngắm môi em tươi nụ cười. Làn tóc xanh buông lơi tuyệt vời, chan chứa mộng đời”.

    Màu tím (purple, violet) được kết hợp hài hoà từ màu đỏ và màu xanh dương đậm, nhạt tùy theo các sắc độ màu pha chế. Màu tím tượng trưng cho những ý nghĩa khác nhau cho sự sang trọng, quyền quý, lãng mạn, quyến rũ, bí ẩn. Trong tình yêu mang ý nghĩa bi thương, chia lìa. Trong thi ca và âm nhạc… gợi nguồn cảm hứng sáng tác trong tâm hồn nghệ sỹ.

    Không chỉ ở Huế, Sài Gòn với tà áo tím được đi vào thơ nhạc, ở Cần Thơ với tà áo tím trong bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím của Kiên Giang, Huỳnh Anh phổ nhạc.

    “Mười năm trước em còn đi học

    Áo tím điểm tô đời nữ sinh

    Hoa trắng cài duyên trên áo tím

    Em còn nguyên vẹn tuổi băng trinh.

    … Hoa trắng thôi cài trên áo tím

    Mà cài trên nếp áo quan tài”

    Đây là thiên tình sử của cậu học trò mới 16 tuổi rời quê Kiên Giang lên Cần Thơ học ở trường tư thục Nam Hưng. Trong lớp có cô nữ sinh mặc áo tím cài hoa trắng khi đến giáo đường. Mối tình trong trắng thơ ngây đó chớm nở rồi bị chia xa theo thời cuộc. Mười năm sau trở lại, người tình đã ra người thiên cổ.

    Bài thơ Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan được phổ thành 5 ca khúc với Pham Duy, Song Ngọc, Duy Khánh, Anh Bằng, trong đó ca khúc Những Đồi Hoa Sim của Dzũng Chinh được thịnh hành nhất và số phận của người nhạc sĩ nầy hẫm hiu khi phục vụ ở Trung Đoàn 44, Sư Đoàn 23 BB ở Sông Mao bị “hứng trọn một tràng đạn AK của địch trong đêm” khi mới 28 tuổi.

    Với ca khúc trữ tình với các nhạc sĩ nổi danh một thời Sài Gòn như Tôi Vẫn Yêu Hoa Màu Tím của Hoàng Trọng, Áo Tím Ngày Xưa của Mạnh Phát & Lan Đài, Màu Tím Pensée của Ngọc Sơn & Đài Phương Trang, Căn Nhà Màu Tím của Hoài Linh, Tango Tím của Anh Bằng, Hoa Tím Người Xưa của Thanh Sơn, Màu Tím Tình Yêu, Chân Trời Tím của Trần Thiện Thanh (cũng là truyện dài của Văn Quang năm 1964 và phim cùng tên của đạo diễn Lê Hoàng Hoa năm 1971, nhạc phim là Nửa Hồn Thương Đau & Người Đi Qua đời Tôi của Phạm Đình Chương). Đây là cuốn phim lãnh mạn trong thời chiến, nổi tiếng nhất ở miền Nam VN, kinh phí sản xuất bộ phim này là 14 triệu đồng, thu về 94 triệu đồng (Theo tỉ giá năm 1971 thì 1 USD khoảng 280 đồng VNCH, vàng lúc đó là 35 USD/Oz). Cuốn phim được giải thưởng Văn Học nghệ Thuật và “đem chuông đi đấm nước ngoài”… Thuở còn đi học, tôi có chút kỷ niệm với tà áo tím rồi chia xa trước khi bước chân vào quân ngũ để rồi màu tím ngày nào xa xôi! Nơi cố hương, vào mỗi dịp nghỉ Hè, lên vùng quê ở Quế Sơn, Duy Xuyên có rừng sim thật đẹp, nhà thơ Bùi Giáng mang nỗi đau khi người vợ vĩnh biệt cõi trần nơi đó “Anh lùa bò vào đồi sim trái chín. Cho bò ăn cỏ giữa rừng sim”

    Trở lại với dòng nhạc trữ tình, lãng mạn ở trên với nỗi nhớ nhung khi chia xa, mang theo nỗi sầu đau, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm sáng tác các thể loại trải qua bốn giai đoạn khác nhau: Quân hành ca, ngục tù ca, tôn vinh ca, trong đó với tình ca của ông có nhiều ca khúc, đặc biệt với Gọi Người Yêu Dấu.

    “PK: Gọi người yêu dấu bao lần

    Nhẹ nhàng như gió thì thầm

    Làn mây trôi gợi nhớ chơi vơi

    Thương người xa xôi

    Gọi người yêu dấu trong hồn

    Ngập ngừng, tha thiết, bồn chồn

    Kỷ niệm xưa mờ thoáng trong sương

    Cho lòng nhớ thương

    ĐK: Người yêu dấu ơi

    Sao lòng se sắt đầy vơi?

    Người yêu dấu ơi

    Thu về, tim vẫn đơn côi

    Người yêu dấu ơi

    Khi ngàn sao đêm lấp lánh

    Tâm hồn bâng khuâng

    Nhớ ngày vui đã qua nhanh

    Thương đôi mắt sao trời lung linh

    Thương yêu ngón tay ngà xinh xinh

    Thương yêu dáng vai gầy thanh thanh

    Thương yêu vòng tay ghì siết ân tình

    Thương yêu dáng em buồn bơ vơ

    Thương yêu nét môi cười ngây thơ

    Thương yêu tóc buông lơi dịu dàng

    Thương em mong manh như một cành lan

    ĐK: Gọi người yêu dấu xa vời

    Mà lòng lưu luyến, bồi hồi

    Ngày biệt ly đành nhớ nhau thôi

    Khi chiều nhẹ rơi

    Gọi người yêu dấu muôn đời

    Nghẹn ngào không nói thành lời

    Tình yêu xưa ngày tháng pha phôi

    Biết bao giờ nguôi!”.

    Về âm nhạc, ông cho biết: “Tôi không hề được đặt chân đến một trường âm nhạc nào, và cũng như chưa đựợc theo học một nhạc sĩ nào cả. Tôi tự học, và học hỏi qua bạn bè. Tôi có những người bạn thân rất giỏi về âm nhạc như Phạm Đình Chương, Nhật Bằng đã chỉ vẽ cho tôi”. Bài hát đầu tiên là tình ca Bến May (1947), và từ đó theo thời gian, ông vừa học hỏi thêm về lý thuyết và sáng tác, trở thành nhạc sĩ từ giữa thập niên 1950s. Ông tham dự cuộc thi sáng tác ca khúc do đài phát thanh quân đội tổ chức, trúng tuyển một số bài: Đoàn Quân Bắc Tiến 1956, Chào Mừng Quốc Khánh 26 tháng 10 1960, Chúng Ta Đi Xây Nền Cộng Hoà… Và từ đó, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm được thành danh.

    Ông đã sáng tác nhiều thể loại: tình ca, quân hành ca, ngục tù ca, tôn vinh ca theo quãng đời trong suốt những thập niên.

    Với ca khúc Gọi Người Yêu Dấu, ca khúc nầy được đề cập với vài giai thoại như thiên tình sử, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm cho biết: “Tôi viết Gọi Người Yêu Dấu vào năm 1969 trong một cuộc phiêu lưu tình cảm. Khi viết xong, ca sĩ Thanh Lan ghé nhà chơi. Tôi đưa cho cô và may mắn Thanh Lan đã đem về hát ở Đài Truyền Hình và các Đài Phát Thanh Sài Gòn. Từ đó nhạc phẩm đuợc giới trẻ biết đến”.

    Đây là một ca khúc theo vài giai thoại được khởi đầu bằng một chuyện tình lâm ly của chính nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm ở Đà Lạt. Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn được bổ nhiệm làm Quản Đốc đài phát thanh Đà Lạt năm 1965 vì vậy thời gian ông phục vụ ở Đà Lạt trở thành đôi bạn tri kỷ.

    Theo nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm, “Ca khúc Gọi Người Yêu Dấu, lời 1 của ông viết năm 1969. Sau đó thi sĩ Hoàng Anh Tuấn có viết lời (*). Khi ở tù, ông cũng viết thêm lời 2. Ra tù, ông kết hợp lời của tôi và của Hoàng Anh Tuấn. Tóm lại, lời 2 gồm 3 phần, phần A và C là của ông, phần B là của Hoàng Anh Tuấn”

    Ca khúc ra đời tháng 11 năm 1969, lúc vừa chia tay; nhạc sĩ ngồi bên bờ hồ Xuân Hương viết và ca sĩ Thanh Lan lên Đà Lạt chơi gặp Vũ Đức Nghiêm hỏi có viết ca khúc nào mới và ông đưa bản này. Tháng 1 năm 1970, tiếng hát Thanh Lan lần đầu tiên giới thiệu bài tình ca ướt át này trên đài phát thanh và truyền hình Sài Gòn, được thính giả ưa thích.

    Cùng thời gian này, một người quen của Vũ Đức Nghiêm ở Sài Gòn đã gửi gắm cho ông một cô “bồ nhí” 21 tuổi, đang có mang được vài tháng. Người đẹp này phải đi “lánh nạn” một thời gian để chờ ngày sinh nở. Thông cảm cho hoàn cảnh oái oăm này, Vũ Đức Nghiêm đã đón cô gái về ở tại một ngôi biệt thự mà ông quản lý, nằm trên ngọn đồi nơi có ít người qua lại. Người đẹp kia đi lánh nạn chỉ mang theo một vali nhỏ, và Vũ Đức Nghiêm phải đích thân đi mua những vật dụng cần thiết cho chuyến “vượt cạn” của cô, và mang thức ăn đến cho cô hằng ngày.

    Ban đầu chỉ là muốn giúp bạn, cảm thương cảnh ngộ giai nhân phải đi trốn tránh thế gian. Nhưng với sự gặp gỡ, tiếp xúc hàng ngày, và hình dáng “mong manh như một cành lan” của người đẹp đã khiến nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm không cầm lòng được, dù cho lúc đó ông đã có vợ, con.

    Khung cảnh thơ mộng xinh đẹp của Đà Lạt hẳn là cũng góp phần vun vào cho cuộc tình ngang trái này. Hoàn cảnh này được anh Vũ Trung Hiền, em trai của nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm nói lại như sau: “… Từ biết ơn, dẫn đến cảm phục con người hào hiệp chăm lo cho nàng, một người chưa hề quen biết, còn hơn cha của đứa bé đang nằm trong bụng nàng! Và một ngày nọ, người phụ nữ trẻ tuổi đã gục đầu lên ngực gã đàn ông 39 tuổi, vợ và 7 con, khóc như mưa như gió!

    Rất có thể nàng khóc để trút hết nỗi đắng cay, tủi nhục vì bị tình nhân lừa dối. Có thể đó cũng là những giọt lệ vui mừng, cảm động vì nàng mơ hồ thấy dường như thuyền mình đã tìm được một bến đậu. Bến đậu, dù tạm bợ, vẫn còn hơn lênh đênh giữa dòng, trong cơn bão tố… Cuộc tình đã cuốn Vũ Đức Nghiêm vào trong, như một cơn lốc dữ dội…”.

    Bà Dương Thị Năng, hiền thê của ông, một hôm, bà nhẹ nhàng bước vào phòng “cô gái lầm lỡ” kia ngay lúc chồng đang ngồi xỏ vớ vào chân cho người yêu để giữ ấm, vì trời Đà Lạt rất lạnh. Không ồn ào to tiếng, bà chỉ nhỏ nhẹ với chồng: “Anh ơi, sếp gọi anh…”. Chàng nhạc sĩ đa tình luống cuống đứng dậy đi ra khỏi phòng, và hình như đó cũng là lần cuối họ gặp nhau. Sau đó thì cô gái mẹ tròn con vuông đã được cha mẹ đón về.

    Một thời gian sau, trong lần đi ngang ngôi biệt thự có nhiều kỷ niệm đó, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm thấy mủi lòng nhớ người xưa và sáng tác Gọi Người Yêu Dấu, trở thành ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp âm nhạc của ông…

    Năm 2005, trong đêm nhạc “Vũ Đức Nghiêm – Nửa Thế Kỷ Viết Ca Khúc”, nhà báo Bùi Bảo Trúc đã bày tỏ: “Người ta nói đằng sau sự thành công của người đàn ông là bóng dáng một người phụ nữ. Còn ở đây chúng tôi xin sửa lại chút xíu, đằng sau mỗi ca khúc thành công là… sự bao dung của người phụ nữ. Thưa chị Vũ Đức Nghiêm, chúng tôi xin cảm ơn sự bao dung của chị vì nếu không có sự bao dung độ lượng ấy thì ca khúc Gọi Người Yêu Dấu đã không được chào đời và chúng tôi đã thiệt thòi biết bao vì không được nghe, được hát một nhạc phẩm dễ thương như thế”.

    Năm 2015, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm cũng thừa nhận những lời mà nhà báo Bùi Bảo Trúc nói: “Phải nói bà xã tôi là người rất độ lượng. Tôi bay bướm nhưng vợ vẫn chung thủy. Bao năm tù cải tạo, vợ ở nhà nuôi con thay chồng và vẫn chờ đợi. Trong cơn lốc cuồng bạo của thời cuộc, khi người lính trở về, không gì quý báu bằng hình ảnh người vợ tựa cửa chờ mong”.

    Hoàn cảnh này được Vũ Trung Hiền, em trai của nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm nói lại như sau: “… Từ biết ơn, dẫn đến cảm phục con người hào hiệp chăm lo cho nàng, một người chưa hề quen biết, còn hơn cha của đứa bé đang nằm trong bụng nàng! Và một ngày nọ, người phụ nữ trẻ tuổi đã gục đầu lên ngực gã đàn ông 39 tuổi đã có vợ con, khóc như mưa như gió! Rất có thể nàng khóc để trút hết nỗi đắng cay, tủi nhục vì bị tình nhân lừa dối. Có thể đó cũng là những giọt lệ vui mừng, cảm động vì nàng mơ hồ thấy dường như thuyền mình đã tìm được một bến đậu. Bến đậu, dù tạm bợ, vẫn còn hơn lênh đênh giữa dòng, trong cơn bão tố… Cuộc tình đã cuốn Vũ Đức Nghiêm vào trong, như một cơn lốc dữ dội…”.

    Ngày xưa mỗi khi có cô gái trẻ nào bị lâm nạn kiểu như vậy thì thường phải đi thật xa, sau khi xong xuôi thì lại trở về để che giấu chuyện động trời kia, giữ lại chút thanh danh cho gia đình. Một thời gian sau, trong lần đi ngang ngôi biệt thự có nhiều kỷ niệm đó, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm thấy mủi lòng nhớ người xưa và sáng tác Gọi Người Yêu Dấu, trở thành ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông.

    Khi ca khúc được mọi người ái mộ, nếu có bí ẩn của thiên tình sử thì càng gây nên sự tò mò. Và, chỉ có người trong cuộc “sống để đời, chết mang theo” với thiên tình sử. Trong vài lần phỏng vấn với nhạc sĩ, ông cũng không tiết lộ người quen gửi gắm là ai? Và tại sao ông viết “trong một cuộc phiêu lưu tình cảm”?. Thi hào Nguyễn Du trong hai câu “Nợ tình chưa trả cho ai. Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan” (Kiều, câu 709 và 710) nên chỉ cảm nhận giai điệu và lời ca với hình bóng cũ.

    Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm qua đời ngày 24/7/2017 tại tư gia ở San Jose, hưởng đại thọ 87 tuổi. Sinh thời, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm tính tình hoà nhã, khiêm nhượng, thân thiện với mọi người nên được sự cảm mến, quý trọng nên khi ông lìa cõi đời, nhiều người bày tỏ sự cảm mến. Chủ Nhiệm tạp chí Cỏ Thơm (Phan Anh Dũng) đã dành số Tưởng Niệm Nhạc Sĩ Vũ Đức Nghiêm với 86 trang với hình ảnh và bài viết còn lưu trữ.

    *

    Khi ca khúc Gọi Người Yêu Dấu phổ biến, tôi đã rời quân trường Đà Lạt về phục vụ ở Tiểu Đoàn 20 CTCT Pleiku, rất thích nghe ca khúc nầy để nhớ lại khung trời cũ. Cuối tháng 8/1990 tôi đến phi trường Utapao, Thái Lan (đợt đầu tiên của H.O 4), thời gian ở đó khoảng 10 ngày (tùy theo chuyến bay đến các nơi ở Mỹ), trước khi rời Thái Lan, có nhiều đợt H.O 4 tiếp theo nhưng rất tiếc không được gặp ông để biết thêm “tình sử” của ca khúc nầy. Khi đến phi trường Stockholm-Arlanda, Thụy Điển như từ địa ngục đến thiên đường, xuyên đại tây dương, tỵ nạn ở quê hương nhạc đồng quê nhưng tránh “vỏ dưa gặp vỏ dừa” tá túc trong khu da màu châu Phi, sợ quá nên đáp chuyến xe Bus Greyhound, từ Đông sang Tây đến Little Saigon cũng là lúc gia đình nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm đến San Jose.

    Với bảy thập niên sáng tác từ tình ca… đến tôn giáo ca, ông đã ra đi vĩnh viễn để lại cho đời nhiều nhạc phẩm, mỗi khi nghe, tưởng nhớ đến nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm.

    Gọi Người Yêu Dấu

    (*) Lời Hoàng Anh Tuấn, 1969

    PK: Gọi người yêu lúc thu về.

    Giận người quên lãng lời thề.

    Chiều năm nao nguyện sống bên nhau, nay đành quên sao?

    Gọi người yêu dưới trăng vàng.

    Gọi tình xưa cũ muộn màng.

    Từ ly tan, ngày tháng hoang mang, mây trời tóc tang.

    ĐK: Người yêu dấu ơi, sương chiều dâng xóa ngàn thông.

    Mình ta đứng đây nghe hồn thu lắng mênh mông.

    Hồ xưa vẫn xanh trong ngàn sao đêm thương nhớ.

    Nhưng còn tìm đâu dáng hình yêu dấu xa xưa.

    Thương em ngón tay dài mơn man.

    Dư âm tiếng dương cầm đi hoang.

    Thương em đắm linh hồn mong manh.

    Thương em nụ hôn nồng cháy ân tình.

    Đôi tay xiết thêm vòng đam mê.

    Thương em phút trao hồn qua đi.

    Buông lơi chút hương yêu dịu dàng.

    Như sương pha lê trên một cành lan.

    PK: Gọi tình xa vắng đôi bờ.

    Gọi thầm giây phút hẹn hò.

    Chiều thu mưa, đồi núi bơ vơ, mây trời ngẩn ngơ.

    Gọi người, nước mắt chan hòa.

    Gọi ngày vui cũ ngọc ngà.

    Tình dù xa, dù tháng năm qua, xót xa lòng ta”.

    Hình ảnh “Như sương pha lê trên một cành lan” quá tuyệt, tình yêu, người tình như viên ngọc quý trên cành lan (loài hoa được mệnh danh là nữ hoàng của các loài hoa) biểu tượng sự cao quý, cho tình cảm sâu sắc, tình yêu son sắt, chân thành, thủy chung, viên mãn nhưng rất mong manh, hiện hữu trong thời gian ngắn ngủi!

    Vương Trùng Dương, Little Saigon, 10, 2023

  • NGOC CƯỜNG, NGUYỄN TƯỜNG CƯỜNG,  Văn Thơ

    Ước Vọng Khôn Nguôi

    (Tưởng Nhớ Nhà Văn Tường-Hùng 1931-2023)
    Ngọc Cường

    LTS : Kiến trúc sư, nhà văn, và đạo diễn phim ảnh Nguyễn Tường Hùng vừa qua đời tại Paris.
    Để đóng góp cho số tưởng niệm về ông, Tạp Chí Da Màu xin đăng bài viết dưới đây của Ngọc Cường, người em út của nhà văn Tường Hùng, coi như là một điếu văn tưởng nhớ đến người anh của ông. Tuy là một điếu văn, nhưng người viết muốn viết như một câu chuyện để độc giả có thể thưởng thức.

    Tường Hùng (Sài-Gòn circa 1953)

    Từ thủa nào đến giờ, chúng ta vẫn thường cho là muốn hiểu một tác phẩm, người đọc cần biết suy tư, ý định , và cả nỗi niềm của tác giả. Quan niệm đó, có lẽ bắt nguồn từ khi có nhiều người viết đã từng bộc lộ tâm tư cá nhân của mình qua sáng tác của họ, tiêu biểu như là Nguyễn Du khi viết Đoạn Trường Tân Thanh, ông đã gửi gấm tâm tư qua nhân vật Thúy Kiều.

    Ngoài ra, còn có quan niệm rốt ráo hơn nữa, cho là trước khi đọc tác phẩm, cần phải thấu hiểu về tác giả, như BS Trần Ngọc Ninh đã khảo cứu về “chân diện mục của Tố Như“ như gián tiếp viết về Đoạn Trường Tân Thanh! Quan niệm này, đi ngươc hẳn với trào lưu mới đây (thập niên 60), cho là: Chính tự văn bản đã nói lên hết ý nghĩa của nó (Rolland Barthes trong cuốn “Cái Chết Của Tác Giả“ La mort de l ‘auteur, 1967), và cho rằng, người đọc chẳng cần phải biết sâu vào suy nghĩ của tác giả làm gì.

    Barthes cho sự việc đi tìm ý định của tác giả là điều không tưởng, và không thể làm được: Bởi vì không ai có thể biết tác giả nghĩ gì, hay muốn nói điều gì khi sáng tác (nhất là trong những trường hợp người viết đã chết vài trăm năm rồi…như “ba trăm năm sau có ai khóc Tố Như? “). Đôi khi chúng ta cũng không biết tác giả là ai nữa, như gần đây, đã có người tỏ ra nghi ngờ về gốc gác của Shakespeare (một người mà trước đây vẫn được coi là tác giả của những tác phẩm sâu sắc và cao siêu): Theo nghiên cứu của họ, những chi tiết về những sáng tác đó, không thể do Shakespeare viết được vì hoàn cảnh, học vấn, ông không thể có khả năng sáng tác được những áng văn đó).

    Người đọc là đối tượng của tác phẩm, và cũng là chặng cuối trong tiến trình văn chương: sáng tác – bản văn – người đọc. Như vậy, sau khi tác phẩm đã đến tay người đọc, chúng ta có thể cho “ khai tử tác giả.”. Thật ra, vai trò của tác giả chấm dứt một khi đã sáng tác xong, chằng khác gì ông bếp nấu xong một món ăn, khi dọn ra, là hoàn toàn dành cho thực khách . Vấn đề được đặt ra ở đây là : Nếu thực khách biết món ăn gồm có nguyên liệu gì, và cách nấu làm sao, có làm tăng sức hấp dẫn, có khiến thấy ngon hơn khi thưởng thức hay không?

    Rượu ngon là rượu hợp khẩu vị với mình, hay là chai rượu đắt tiền khiến nó phải ngon hơn ?
    Riêng theo thiển ý, sự hiểu biết nhiều về sáng tác, đôi khi làm giảm mức độ thưởng thức, điển hình theo kinh nghiệm của tôi khi xưa, lúc nhỏ còn ở Việt-Nam, nghe nhiều bản nhạc ngoại quốc, dù không hiểu nghĩa của lời, nhưng vẫn thích thú; và sau này, khi hiểu lời của bản nhạc, tôi lại cảm thấy kém hay, vì thất vọng ! Rõ ràng sức tưởng tượng của tâm hồn và con tim luôn mãnh liệt hơn sự hiểu biết của lý trí ( Einstein ).

    Trong số các thể loại của văn chương như thơ, văn, truyện ngắn, và tiểu thuyết, có lẽ riêng các bài điếu văn, viết để tưởng niệm một người thân mới qua đời, có tính cách chủ quan và riêng tư nhất. Tất nhiên, không thể nào khách quan khi tác giả viết về nhân vật thân thiết và thương mến, và người đó vừa mới qua đời!   

       Tường Hùng (Paris circa 2023) 

                                       
    Đó là hoàn cảnh ngày hôm nay, khi tôi mới nhận được hung tin anh Nguyễn Tường Hùng, một nhà văn nghiệp dư, một người hành nghề kiến trúc sư để kiếm sống, và là một nhà đạo diễn phim ngắn không thành danh, vừa qua đời tại Paris ngày 24 tháng 8 năm 2023, thọ 92 tuổi. Sở dĩ có lời rào trước đón sau như vậy, bởi vì kẻ viết bài này mong được sự thông cảm của độc giả về những nhận xét chủ quan của đứa em út đối với người anh.

    NV Ngọc Cường, Ông Tường Cường, Bích Diệp, phu nhân của NV Ngọc Cường

    Nhà văn Tường Hùng rất đặc biệt đối với tôi, vì anh không chỉ là người anh cả trong một gia đình đông anh chị em (11 người), mà vì anh, khi lúc mới 16 tuổi, đã phải là người vú nuôi tôi lúc mới lọt lòng mẹ được 4 tháng (Năm 1947, người mẹ của chúng tôi qua đời trong khung cảnh loạn lạc, chiến tranh Việt-Minh-Pháp, và khi ông cụ thân sinh ra chúng tôi không có nhà, ông đã bị Việt-Minh giam giữ ở Phú Thọ) (1).

    (1)- Nguyễn Tường Thụy, Giám Đốc Bưu Chính Hà-Nội, bị Việt-Minh giam ở tỉnh Phú Thọ, mặc dù chính tòa án của họ tuyên bố tha bổng ông về tội trạng -bịa đặt- bán giây đồng! Sau đó, chính những người cai tù đã cố tình để cho ông trốn (dinh-tê) về Hà-Nội. Ông bị kết án và giam giữ vì lý do duy nhất, vì là anh ruột của Nhất-Linh Nguyễn Tường Tam và Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, hai nhân vật lãnh đạo của Việt-Nam Quốc Dân Đảng, một lực lượng chống đối Việt-Minh Cộng Sản. Năm 1946, ông là chuyên viên của phái đoàn Chính Phủ Liên Hiệp đi dự Hội Nghị Đà-Lạt đàm phán việc trả lại Độc Lập cho Việt-Nam, do em là Bộ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Tường Tam cầm đầu để đàm phán với Pháp (nhưng thất bại vì Việt-Minh đã đi đêm với Pháp, ký Tạm Ước 9-3-1946 thủa thuận cho Thực Dân thay thế Trung Hoa giải giới Quân Nhật).

    Tiếp theo nỗi bất hạnh (về sự vắng bóng của người mẹ), nhưng như thể “họa vô đơn chí “, sự trở về nhà của ông cụ chúng tôi cũng không mang lại niềm vui lâu dài: Chỉ hai năm sau, ông tục huyền và chúng tôi phải chịu sự đối xử tẻ lạnh của người mẹ kế (thảm cảnh dì ghẻ con chồng). Nhưng anh Tường-Hùng luôn luôn bảo vệ đàn em trước sự đối sử không đẹp của bà dì ghẻ. Anh khôn khéo như một kẻ đu giây, đu đưa giữa hai thái cực: vừa lịch sự với bà dì, nhưng vẫn cứng rắn khi cần tranh đấu cho đàn em nheo nhóc (như khi tôi cần đi bác sĩ vì bị hen suyễn kinh niên nhưng bà không muốn vì sợ tốn tiền), và, như một phép lạ, anh vừa được lòng người mẹ kế, và cũng vừa lo chu toàn cho đàn em. Cuối cùng, tôi được anh đưa đi khám bác sĩ…

    Viết về anh Nguyễn Tường Hùng không phải là khó, bởi vì anh có một cá tính đặc biệt: Vừa mẫu thuẫn vừa phức tạp. Một tạng người nhỏ bé, nhưng lại dồi dào sức tưởng tượng. Con tim đa sầu-đa cảm nhưng hành động có vẻ ích kỷ và cuộc sống đầy tự kỷ ám thị! Vốn có một tâm hồn nghệ sĩ (có thể là do cái tính di truyền của dòng họ Nguyễn Tường), anh viết văn sớm (Gió Mát, tiểu thuyết, Đời Nay xuất bản, Sài-Gòn 1955), và trở nên một thành viên dự khuyết của Tự Lục Văn Đòan (1953, trong tờ chúc thư văn chương, Nhất-Linh đề cử 3 nhà văn: Duy-Lam, Nguyễn Thị Vinh và Tường Hùng; và bởi vì không chính thức, nên anh không bao giờ xử dụng danh xưng này).

    Năm 1958, anh được Nhất-Linh cho vào trong Ban Biên Tập Văn Hóa Ngày Nay (BBT gồm có Nguyễn Thành Vinh, Trương Bảo Sơn, Nguyễn Thị Vinh, Duy Lam và Tường Hùng). Trong Giai Phẩm VHNN, anh đóng góp về truyện ngắn, tiểu luận và đôi khi vẽ tranh hí họa. Cũng trong thời gian này, vào một ngày đẹp trời, khi kiểm soát bàn học của tôi, tình cờ anh đọc lén một đoạn nhật ký của tôi để trong hộc. Đọc xong, anh vội vàng đưa cho Nhất-Linh xem!

    Có lẽ nhận thấy đoản văn đó dí dỏm, nên ít lâu sau đó, nhà văn Nhất-Linh đã mở ra hai tiết mục trong Văn Hóa Ngày Nay (nhằm khuyến khích các mầm non văn nghệ) đó là trang Lan Hàm Tiếu dành cho các em bé, và mục Lan Sơ Khai cho các thanh-thiếu niên tập tành viết văn. Kết luận là đoản văn của tôi được đăng trên Văn Hóa Ngày Nay (bài “Chị Của Bạn Tôi”, và nhiều bài khác nữa).

    Tôi còn nhớ, Nhất-Linh trả nhuận bút cho em bé Tường Cường (cũng như các anh, em khác) rất hậu hĩ. Nhiều nhà văn, nhà thơ thành danh sau này như Cao Hoành Nhân, Sa Giang Trần Tuấn Kiệt, Đặng Phi Bằng, Lê Tất Điều và Bùi Bích Hà ở trong nhóm Lan Sơ Khai được ông lancer.

    Xin nơi đây, có lời cảm phục nhà văn Nhất-Linh đã luôn tìm kiếm và khuyến khích các mầm non, đàn em, và ông đã khám phá ra nhiều nhân tài văn nghệ (thí dụ nhà văn Linh Bảo, Nhật-Tiến, Duy Lam, Nguyễn Thị Vinh v.v…).

    Tôi không nhớ rõ anh Tường Hùng bắt đầu có máy chụp ảnh từ hồi nào. Nhưng qua những tấm ảnh cũ, cho thấy anh đã chụp nhiều kỷ niệm của gia đình từ khi còn ở Hà-Nội (cuối thập niên 40, đầu 50), và cho đến khi vào Sài-Gòn năm 1952, tôi thấy anh đã có máy thâu hình cầm tay xử dụng loại phim khổ 8 ly. Rất tiếc là ngày nay, trong những tấm hình đó, vì do anh chụp, nên đã không có mặt anh! Gần đây, mỗi lần mở tập hình cũ ra xem, vợ con tôi đều hỏi: ”sao không thấy có bác Hùng trong tấm chụp gia đình bao giờ?”.

    Từ đó, anh là thợ chụp ảnh lẫn đạo diễn phim cho những ngày lễ lạc như Tết nhất, cưới hỏi của gia đình. Tôi còn nhớ vào dịp Xuân năm 1957, anh quay phim sinh hoạt gia đình chúc Tết. Đến lúc thu hình mấy chậu hoa cúc, anh nhờ tôi bò nấp sau để rung chậu hoa, làm giả như có gió nhẹ nhàng thổi qua. Nhưng khi đoạn phim được rửa ra và trình chiếu, thì cả nhà cười rộ vì do tôi rung quá mạnh, chậu cúc lắc lư như chịu đựng trước cơn gió bão!

    Ước mơ làm phim của anh bắt đầu từ đó. Nhiều lần, anh lôi tôi ra (một đứa bé) bảo thử diễn tả khuôn mặt của một người buồn-vui hay hốt hoảng …cho anh xem, như thể anh là một đạo diễn đang xử dụng đứa em đóng thử (audition)!

    Năm 1959, sau khi tốt nghiệp Đại Học Kiến Trúc ở Sài-Gòn, anh xin được học bổng của tòa Đại Sứ Ý ở Sài-Gòn (cùng với họa sĩ Phạm Tăng của nhật báo Tự Do) cấp cho sang Rome học tiếp về Kiến Trúc. Thời gian sống ở Ý, anh tìm đến một trường Điện Ảnh xin học hàm thụ ngành đạo diễn phim.

    Từ đó, anh bắt đầu có ước mơ làm phim.

    Song song với việc làm kiến trúc để kiếm sống, anh bỏ tiền túi ra thực hiện nhiều phim ngắn (hiện vẫn còn lưu trữ trên youtube). Phim anh thực hiện quá nặng mùi triết lý, khó hiểu, và cố nhiên không thành công về thương mại!

    Có cuộc sống mãi tận bên Trời Tây, dù muốn hay không, cũng đã tạo nên hoàn cảnh “xa mặt cách lòng“ giữa hai anh em chúng tôi. Tôi lớn lên thiếu vắng bóng người anh cả, nhưng những kỷ niệm và sự săn sóc của anh lúc thiếu thời đã ghi đậm vào tâm khảm tôi. Lớn lên giữa hoàn cảnh chính trị rối ren và ra đời đúng lúc chiến tranh kéo đên quê hương Việt-Nam, tôi không giữ được thường xuyên mối liên lạc với anh cho đến khi chiến tranh chấm dứt…

    Sau khi đậu Tiến Sĩ về Kiến Trúc ở La-Mã, anh di dân qua Pháp và lấy vợ …một bà đầm xa lạ, ít nói, và thích có cuộc sống khép kín, như không muốn giao thiệp với ai…Bởi vậy, sau này, mỗi lần qua Pháp , hai anh em chúng tôi chỉ gặp nhau tại văn phòng kiến trúc của anh, gần khu chợ Việt-Nam ở Quận 13. Anh vẫn làm việc sau khi chính thức về hưu, nhưng mối đam mê làm phim không hề rời anh. Xem ra phim ảnh là ước mơ không đạt của anh, có lẽ vì vậy mà anh muốn tôi làm phim như truyền đạt ước mơ của anh qua cho tôi: Mỗi khi gặp nhau, anh lại nhắc nhở, khuyến khích tôi viết truyện phim hay nỗ lực trở thàng một đạo diễn điện ảnh. Có lẽ anh tin đứa em út có tài cán gì về chuyên ngành này: rồi anh cho tiền để tôi mua máy quay phim, tất nhiên không còn cồng kềnh loại 8 ly mà là digital (trước sự ngạc nhiên của gia đình, vì anh không dư giả gì). Nhưng than ôi, tôi xem ra chẳng có tài cán gì cả!

    Trong những năm 60, 70, lâu lâu anh có viết truyện ngắn cho Tạp Chí Văn, và gần đây hơn, anh cho xuất bản cuốn tiểu thuyết “Con Ve Sầu“ (Có đăng lại trên báo mạng Da-Mà). Sáng tác của anh khó hiểu nhưng không kém hấp dẫn vì vừa hiện thực, vừa sâu sắc. Theo nhà văn Bùi Bích Hà, văn phong của anh : “có vẻ đẹp lung linh, bay bổng, siêu thực và quý tộc”.

    Tiểu thuyết “Con Ve Sầu“ của NV Tường Hùng

    Nỗi ám ảnh của anh đôi khi gây khó chịu và khiến tôi mất kiên nhẫn tranh cãi với anh, tôi cố khuyên anh từ bỏ việc làm phim. Nhưng nào ai có thể ngăn cản được một giấc mơ, nhất là một khi nó đã trở thành nỗi ám ảnh và là lẽ sống của một nghệ sĩ. Tại sao tôi lại cố kéo anh về với sự thật, mà sự thật đó cũng chỉ là của tôi, chứ không phải của anh! Sai sót của tôi ngày nay trở thành mối ân hận khi anh mất, và tất cả đã quá trễ để có lời trực tiếp xin lỗi anh!

    Tôi không thể nào quên, năm 2018 ghé thăm anh, sau bữa ăn ở quán ăn gần nhà, lúc chia tay ra về, chúng tôi nhìn theo: Anh lúc này đã yếu, chân đi không vững, đang được cháu Thắng dìu đi khuất vào trong căn hộ cao tầng xừng xững một cách lạnh lẽo dưới bầu trời Paris ảm đạm…

    Trong khoảnh khắc, những hình ảnh và đoạn phim về gia đình chúng tôi được anh chụp và quay bỗng vụt trở lại trong tâm khảm của tôi: Từ những ngày xa xôi ở Hà-Nội năm 1949, cho đến Sài- Gòn 1952….rồi Paris 2018. Trong đó, khuôn mặt buồn bã của anh lãng đãng hiện ra rồi mờ dần…
    Đó là lần chót chúng tôi gặp anh.

    Xin vĩnh biệt anh Hùng thân yêu.
    Ngọc Cường

  • Văn Thơ,  Vương Trùng Dương

    Nhà Thơ Đỗ Bình & Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris

    Nhân dịp Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian ở Nam California chu du Âu Châu. Nhà thơ Đỗ Bình và các văn nghệ sĩ tổ chức bữa cơm thân mật với các anh chị văn nghệ sĩ ở Mỹ vào lúc trưa ngày 20 tháng 9 năm 2023 tại nhà hàng Sài Gòn số 104 Ave d’Ivry, Paris 13…. Viết bài nầy để gởi lời chia sẻ với nhà thơ Đỗ Bình và quý vị trong  Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris.

    Vương Trùng Dương

    NHÀ THƠ ĐỖ BÌNH, PARIS

    Năm 2006, tôi nhận được tuyển tập Nhà Văn Hải Ngoại của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên (1930-2023). Ông là giáo sư, học giả, luật sư, nhà nghiên cứu, hội viên Hàn Lâm Viện Khoa Học Hải Ngoại (Académie des Sciences d’Outre-Mer) của Pháp năm 1997 nhưng ông chỉ thích với danh xưng nhạc sĩ.

    Trong tuyển tập này, nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên viết bài Bóng Quê Của Đỗ Bình (trang27-33). Những dòng chữ đầu tiên giới thiệu về nhà thơ Đỗ Bình: “Thi Sĩ Đỗ Bình, Cựu Tù Nhân Chính Trị… mến phục ngay con người đã từng chịu đựng nỗi đau khổ nhục tù cải tạo vì đã hiến thân mình cho nước nhà dân chủ tự do… sự gặp gỡ giữa tôi và anh chị Đỗ Bình trở thành một kỷ niệm đầy ý nghĩa”. Có lẽ thân phận người lính, người tù giữa nhà thơ Đỗ Bình và tôi như nhau nên đồng cảm và thiện cảm.

    Tập thơ Bóng Quê, gồm 82 bài thơ, dày 128 trang, được ra mắt ở Paris tại Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam năm 1998, lúc đó phương tiện internet chưa được phổ biến rộng rãi nên thi tập nầy không đến với thân hữu ở hải ngoại.

    Thi phẩm Bóng Quê với một phần tư thế kỷ trôi qua, nhân đây trích bài viết của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên giới thiệu những dòng thơ của “nhà binh làm thơ” Đỗ Bình.

    “… Tôi xa nhà đã lâu, từ lúc từ giã quê quán, đất nước mặc dầu loạn lạc vẫn giữ tinh thần quốc gia dân tộc dân chủ tự do, cho nên cái buồn viễn xứ dù thấm thía đến đâu cũng không bằng nỗi đau thương cực độ của một người trai trẻ tỵ nạn tại Pháp từ 20 năm, sau khi nếm mùi gian khổ trong xà lim Cộng Sản, bị mất một nửa phần ánh sáng:

    “Anh phóng hồn qua lỗ khóa con

    Để còn trông thấy bóng trăng non

    … Chờ con mắt lạc sâu đêm tối

    Là lúc con trùng réo nỉ non”

    (Người Tù & Bóng Tối)

    Vì thế cho nên Đỗ Bình không bao giờ quên giúp đỡ những hội ái hữu chăm sóc cho Thương Binh VNCH… Như muốn nhắc nhở đồng bào hải ngoại chớ quên những người đã hy sinh cho tổ quốc, nay tàn tật, lê chân mệt mỏi trên đất người:

    “Ngày tháng trôi đi buồn vẫn đọng

    Trên dòng chinh chiến đã rêu phong

    Súng gươm lặng lẽ vào quên lãng

    Khấp khểnh đường chiều, chiếc nạng cong”

    (Nạng Gỗ)

    … Ở đất nước xa lạ, nhiều lúc nguồn thơ muốn quên lãng trong cốc rượu nồng, vì không cón biết mình còn đủ tàn lực tranh đấu cho tổ quốc:

    Đêm khua khoắt, gió heo may

    Hồn người lính trận nương mây trở về?!

    Ta say thật hay say mê

    Mà nghe chua xót lời thề năm xưa”

    (Xưa)

    Đọc thơ Đỗ Bình, tôi không thể nghĩ đến Phạm Ngọc trong Nỗi Đam Mê Muộn Màng “… Cánh chim dang dở đường bay. Ngồi trong đêm nuôi mộng cùng ngày” vì tác giả Bóng Quê:

    “Từ khi làm cánh chim buông

    Chân trời, góc bể như tuôn mạch sầu”

    (Cô Đơn)

    Hoặc để thoát ly nỗi cô quạnh của Người Tù & Bóng Tối:

    Anh muốn làm chim cất cánh bay

    Về miền xa thẳm tít trời mây

    Thả hồn lướ cánh say trong nắng

    Giải thoát đời qua kiếp đọa đày”

    Buồn ơi là buồn, nỗi buồn cô quạnh, nỗi buồn xót xa của nhà thơ một mình nơi xứ lạ:

    Lên đỉnh non ngàn vọng cố hương

    Mắt buồn chĩu năng mấy làn sương

    Nhìn quanh, chẳng thấy trời quê mẹ

    Chỉ có tuyết rơi… dốc đoạn trường”

    (Đỉnh Nhớ)

    Cái biệt tài của Đỗ Bình là một thi sĩ mà cũng là nhạc sĩ (phần đông những bài thơ trong Bóng Quê được tác giả tự phổ nhạc, và những bài khác với sự cộng tác của Việt Phương, Nguyễn Minh, Đào Tuấn Ngọc, Minh Sơn, Anh Việt Thanh, Trịnh Hưng, Lê Khắc Thanh Hoài) nằm ở sự khéo léo sắp đặt âm điệu của lời thơ…”

    Theo nhà thơ Đỗ Bình: “Bài thơ Tình Chỉ Là Mơ và bài thơ Cõi Tình, tôi chọn đưa vào in trong thi tập với lòng yêu thơ. Tôi thường làm thơ về quê hương, về thân phận con người, nay làm được những bài thơ về tình yêu lứa đôi lãng mạn của tha nhân tôi cảm thấy vui, tập thơ sẽ có thêm màu sắc…

    Khi tập thơ được in xong, các bạn văn vì cảm mến tôi nên đã cùng nhau tổ chức một buổi ra mắt sách rất trang trọng vào ngày 4 tháng 10 năm 1998 tại Hội Trường Quốc Tế Paris, quy tụ tất cả các văn nghệ sĩ ở Paris và khắp nơi đến. Đặc biệt những danh ca chỉ dành hát độc quyền cho các trung tâm nhạc cũng về Paris trình diễn cho buổi ra mắt sách”.

    Nhà thơ Đỗ Bình trong thời chiến tranh là người lính đơn vị tác chiến với hình ảnh trong Đêm Tiền Đồn:

    “Áo trận phong sương dốc núi mòn

    Rừng đêm cô quạnh mảnh trăng non.

    Sông dài uốn khúc dòng không chảy

    Vài mái tranh xiêu nóc chẳng còn!

    Nơi đây rừng núi mây sương phủ

    Ngày tháng vàng theo chiếc lá thu

    Mỗi bước bẫy mìn giăng khắp lối

    Đường đêm rờn rợn cõi âm u.

    … Không gian hờ hững, quen bom đạn

    Người lính nằm queo máu đã khan!

    Chiến địa hận thù mờ khóe mắt

    Một tràng tiếng nổ bóng đêm tan!”

    Rồi nỗi đau uất hận lại ập đến trong ngày 30 tháng Tư với tâm trạng bi thương khi Tàn Cuộc Chiến:

    “Người lính trẻ lên đường ra chiến trận

    Dù gian nguy nào có tiếc tuổi xuân

    Vì tự do, cho sông núi vẹn phần

    Tay ghìm súng lòng chưa mang oán hận.

    Ngày quốc biến khắp nơi thành chiến địa,

    Người cõng nhau chạy trốn đạn pháo kia

    Tiếng xung phong, tiếng nổ, xác thân lìa,

    Thịt người nóng đầu mình văng tứ phía

    … Tàn chiến cuộc nước non thành dâu bể

    Ôi hòa bình… khói ngút bay trần thế!”

    Sau ngày tàn cuộc chiến, cũng như bao người người lính VNCH bị sa cơ vào chốn lao tù, bị giam cầm, đọa đày được mô tả qua dòng thơ Kiếp Tù:

    “Môi khô nứt bụng đói cào rời rã

    Kiếp tù nhân thân gầy đét xương da.

    Con mắt mở đời gần như hóa đá

    Nhìn quanh đây toàn những nỗi xót xa.

    … Trong ngục tối ngày vẫn dài thăm thẳm

    Thiếu tiếng người ngoài tiếng gió xa xăm!

    Đời hiu quạnh hồn chết dần say đắm

    Thương bài thơ cũng mục rã âm thầm!

    Ta muốn thét cho đời vơi thê thẳm

    Vẫn làm thơ chờ về cõi trăm năm.

    Người ngoài đó con đường xưa mây xám

    Mất tự do thì nào khác trại giam!

    Ôi chủ nghĩa trời quê hương u ám

    Ta ngồi đây vọng tưởng những tháp Chàm!”

    Khi thoát khỏi quần đảo ngục tù, được định cư nới xứ người, nỗi niềm của anh trang trải qua bài Trăn Trở:

    “Tháng Tư buông súng nhục nhằn,

    Về đây thao thức… chùm chăn mấy lần

    Tha hương nghìn dặm gian truân,

    Đời như sóng rẽ cũng phần lanh quanh!

    … Tháng Tư đốt nén hương trầm

    Trong tim để khóc âm thầm cố hương”.

    Những ngày đầu sống trên xứ người, dù Paris được mệnh danh là “kinh đô ánh sáng” nhưng với anh vẫn trong tâm trạng kẻ lưu đày trong Một Lối Về:

    “Bóng quê mù tít xa khơi,

    Phố xưa mất dấu một thời đắm say?

    Quanh đây những kiếp qua ngày,

    Có người nhặt chiếc lá bay cuối bờ!

    Tàn đêm lịm ánh trăng mơ,

    Cớ sao giấc điệp… cũng hờ hững nhau!

    Buồn theo sợi tóc phai màu,

    Biển xanh chìm khuất niềm đau hôm nào?”

    Mang thân phận của người lính khi mất nước đành cam chịu cuộc sống  Kiếp Tha Hương trong nỗi ngậm ngùi:

    “Chiều lên nắng ngả vàng khu phố,

    Nghiêng xuống đời ta vạt lụa thơ.

    Hầm métro nhiều chân bước vội,

    Vẳng thanh âm khúc nhạc mơ hồ.

    Hỡi nàng mắt xanh môi sầu mộng,

    Tấu làm chi ca khúc não lòng?

    Lời hát vút cao như tiếng khóc,

    Chạnh buồn, ta tủi kiếp lưu vong!”

    Giữa thập niên 1960s, tôi trải qua hai năm quân trường, phục vụ ở Vùng I và Vùng II Chiến Thuật, trở lại trường cũ, sau những năm lao tù, về lại chốn xưa trong tháng ngày đen tối nên khi đọc thơ của anh viết về Đà Lạt, cùng thân phận và hoàn cảnh với nhau, tôi cảm thấy xót xa:

    … Dốc mòn đồi tím mênh mông,

    Em theo cánh bướm ngàn thông quên đường!

    Bóng chiều cỏ úa màu sương

    Em đi, còn thoảng mùi hương lối về”

    (Đồi Thông)

    Thời gian sống ở hải ngoại, có những lúc nhớ đến Đà Lạt, bắt gặp trong thơ anh với tâm trạng của tôi:

    “Trong giấc mơ xưa tìm dấu cũ

    Đồi thông vi vút lá vào thu.

    Phố chiều nắng ngả vàng khu chợ

    Trường cũ nhòa theo lốc bụi mù!

    … Đà Lạt ngàn hoa trên lối nhỏ

    Đường qua phố chợ dốc quanh co

    Đèo cù mây trắng bay lờ lững

    Lên thác Cam Ly, suối hẹn hò.

    … Nhớ quê ngày tháng thêm cô quạnh

    Non nước tuyệt vời như bức tranh

    Bàng bạc không gian đầy mộng  ảo!

    Mơ hồ, thấy phố núi, trời xanh.

    (Đêm Mơ Phố Núi)

    Mười hai thế kỷ về trước, bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt Tĩnh Dạ Tư của Lý Bạch đã để lại hậu thế hai câu thơ trác tuyệt:

    “Cử đầu vọng minh nguyệt,

    Đê đầu tư cố hương”

    Năm 2007, trong một đêm trăng ở Little Saigon, ngồi chung với nhà thơ Du Tử Lê, nhắc đến bài thơ Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn được Phạm Đình Chương phổ nhạc, tối đó tôi viết bài cùng với tựa bài thơ và ca khúc. Dòng cuối “Trăng và cố hương trong thơ Du Tử Lê và dòng nhạc của Phạm Đình Chương cùng nỗi niềm và tâm trạng của người xa xứ có lẽ gắn liền với “giai đoạn lịch sử” của đất nước”. Bài thơ của anh Đỗ Bình khi nhớ về cố hương phảng phất khung trời ngày xưa:

    “Viễn xứ ngàn trùng thương xóm cũ

    Hạ về hoa đỏ rực quanh đây

    Chợi nhớ phượng xưa trăng phố nhỏ

    Áo em vàng lụa tưởng vần thơ

    … Lặng lẽ mùa đi nào có biết,

    Phố xưa phảng phất nỗi u hoài!

    Trăng muôn đời vẫn là trăng mộng

    Tỏa ánh tơ vàng thắm khoảng không”

    (Trăng Muôn Đời Vẫn Sáng)

    Nhân đây, đề cập thêm về nhà thơ Đỗ Bình đã dấn thân trong lãnh vực văn học nghệ thuật. Từ khi định cư tại Paris, nhà thơ Đỗ Bình là người trẻ tuổi nhất đã bỏ ra nhiều công sức giúp ích rất đắc lực cho Ba Lê Thi Xã, sáng lập vào năm 1981…  quy tụ những bậc thức giả, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ … Tuy gọi là “Ba Lê” nhưng đã quy tụ được trong giới học giả, văn nghệ sỹ ở hải ngoại. Và, với úy tín đó nên thành lập Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris năm 1994. Mỗi năm Câu Lạc Bộ tổ chức sinh hoạt 4 lần trên các lãnh vực… Nhà thơ Đỗ Bình chủ tịch CLBVHVN Paris, năm 2018, BS Phan Khắc Tường đảm nhận vai trò nầy.

    Với mục đích của CLBVHVN Paris đã góp phần xây dựng Văn Hóa Việt Nam và gìn giữ phát triển sự trong sáng tiếng Việt… Giới thiệu và phổ biến những tác phẩm về sáng tác, phê bình văn học, biên khảo, dịch thuật… trong cộng đồng người Việt hải ngoại.

    Có thể nói rằng CLBVHVN được quy tụ các thành viên đông nhất ở trời Âu và các nơi khác ở hải ngoại trong vài thập niên qua với tinh thần đoàn kết, xây dựng… đã đóng góp nhiều tài liệu biên khảo, sáng tác…

    Kỷ niệm 20 năm thành lập, tuyển tập Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Paris, 1995-2015. Sau hai năm chuẩn bị với Ban Điều Hành, Ban Biên Tập và Ban Thực Hiện, tác phẩm ra mắt vào tháng 9 năm 2016 với 26 tác giả đóng góp với nhiều đề tài và thể loại.

    Tiếp đến, tuyển tập NKMVHVN Hải Ngoại, bắt đầu từ 2018 hoàn tất vào tháng 5/2022. Việc chọn lọc bài viết do ban biên tập nhận xét, trao đổi với nhau theo chủ đề yêu cầu viết vì vậy có thể nói là tài liệu văn học hải ngoại giá trị.

    Tuyển tập nầy quy tụ các văn hữu ở khắp nơi gồm 5 Chương: Những Sinh Hoạt Văn Hóa Ở Hải Ngoại, Biên Khảo, Sáng Tác, Nhận Định Phê Bình và Tiểu Sử Tác Giả. (Ở Nam California, trong nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian có nhà văn Việt Hải và tôi với hai bài về nhà văn Nguyễn Thị Vinh và nhà thơ Hoàng Anh Tuấn).

    Ngoài ra, CLBVHVN Paris trong những cuộc hội thảo, sinh hoạt văn học nghệ thuật, giới thiệu tác phẩm cũng là nơi tiếp đón các văn hữu hải ngoại đến Paris. Sống nơi quê người, CLBVNVN Paris được vinh dự là “cái nôi” với tất cả văn hữu hải ngoại “tha hương ngộ cố tri” nơi kinh đô ánh sáng, ấm áp tình người.

    Nhân dịp nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian ở Nam California ghé Paris được CLBVNVN Paris ưu ái tiếp đón, nhớ lại đúng hai thập niên trước, buổi sinh hoạt văn học nghệ với nhà thơ Dương Huệ Anh (Phạm Ngọc Tường 1925-2022) từ miền Cali nắng ấm. Ông là người sáng lập và là chủ tịch Thi Đàn Lạc Việt miền Bắc California năm 1992, năm 1993 thành lập thêm Cơ Sở Văn Học Nghệ Thuật. Trong vài dòng cảm nghĩ của ông về cuộc hội ngộ rất cảm động. 

    Nay trong nhóm NVNT & TTG có nữ thi sĩ Dương Hồng Anh (Dương Nguyệt Anh) sinh năm 1931 tại Hà Nội, cháu nội nhà thơ Dương Khuê, tuy đã cao tuổi nhưng trong trong các buổi sinh hoạt của nhóm, nữ sĩ đều tham dự và sáng thơ tặng thân hữu. Rất tiếc vì tuổi cao nên không đi được để gặp lại “những người muôn năm cũ” từ Hà Nội và Sài Gòn năm xưa. Với tôi, rất mong có dịp cùng anh em trong chuyến đi trời Âu nầy để gặp lại vài thân hữu, chiến hữu đã xa cách gần nửa thế kỷ nhưng vì lý do gia đình, không thể xa nhiều ngày nên viết những dòng nầy đến quý vị “văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình”.

    Vương Trùng Dương, Little Saigon, September 06, 2023

  • Khánh Lan,  Văn Thơ

    NGƯỜI ANH THÂN TÌNH

    (Viết về Nhà Văn Việt Hải, người anh “Văn Học Tâm Đắc”)

    Trong bài này, tôi xin dùng chữ “Anh Việt Hải” thay vì “Nhà Văn Việt Hải”cho thân mật, nhưng xin được viết hoa chữ “A” cho chữ “Anh” để tỏ lòng kính trọng.

    NV Việt Hải và Khánh Lan

    Tôi thực sự bước vào làng văn khi dịch bệnh COVID 19 bắt đầu hoành hành trên thế giới với mức độ cao nhất và chắc chắn nó đã để lại ảnh hưởng rất lớn trong đời sống của tất cả mọi người trên thế giới. Hậu quả của dịch bệnh COVID 19 đã làm đình trệ mọi sinh hoạt Văn học cũng như các lãnh vực ca vũ nghệ thuật & âm nhạc của Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian (NVNT & TTG). Những buổi họp mặt “hàn huyên bàn luận và hoạch định” chương trình trong tương lai của anh em chúng tôi cũng tạm dừng lại và phương tiện duy nhất để liên lạc là “điện thư” (email) và “hàn huyên tâm sự” là cái điện thoại di động.

    Riêng phần tôi cũng ôm ấp một nỗi buồn riêng, bởi hơn mười-hai năm đeo đuổi với nôm vũ nghệ thuật, đã tập cho tôi một thói quen khó bỏ quên “đam mê ca vũ”, nhất là dươc cùng các bạn trong nhóm vũ tụ họp mỗi cuối tuần để tập múa và giải lao “ăn uống”. Tiếc thay COVID 19, đã biến những buổi chiều cuối tuần của chúng tôi “Ban Vũ Tiếng Thời Gian” trở thành trống trải và vô nghĩa. Những buổi họp mặt để tập luyện, ca hát tạm gác lại để nhường chỗ cho những ngày tháng ngồi bó gối trong lo sợ và suy nghĩ vẩn vơ. Bạn nghĩ xem, tôi nên làm gì cho những ngày ngồi “tù giam lỏng” này đây?

    Khánh Lan & Thanh Châu

    Những ngày vui chơi cùng các bạn trong nhóm múa

    Một hôm, tôi xem lại cuốn phim phim The Sound of Music của đạo diễn Robert Wise do Ernest Lehman viết kịch bản năm 1965. Thủ vai chính trong cuốn phim này là hai diễn viên xuất sắc: Julie AndrewsChristopher Plummer. Bộ phim nhạc kịch này dựa trên vở nhạc kịch cùng tên của Broadway, bài hát được viết bởi Richard Rodgers, Oscar Hammerstein II và kịch bản của Howard LindsayRussel Crouse. Phim The Sound of Music được quay ở Salzburg, Áo, BayernNam Đức và ở trường quay 20th Century Fox tại California. Bộ phim giành giải Oscar cho phim ca nhạc hay, nổi tiếng nhất của năm 1965, Album nhạc phim cũng đã được đề cử Giải Grammy cho Album của năm ấy. Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ đã chọn The Sound of Music cho việc bảo tồn ở Kho lưu trữ phim Quốc gia Hoa Kỳ vào năm 2001. Chính một câu nói của Julie Andrews trong phim đã gây sự chú ý và mở cho tôi một hướng đi mới, ly kỳ và thú vị sau này. Đó là câu:

    “KHI CÁNH CỬA NÀY ĐÓNG LẠI, THÌ CÁNH CỬA KHÁC TỰ MỞ RA”

                Thật vậy, khi cánh cửa “ca vũ” của nhóm chúng tôi đóng lại, thì tôi những tưởng, “thế là hết”. Cái cảm giác nuối tiếc, tuyệt vọng nhen nhúm trong tâm trí tôi. Thế là mất hết “Niềm đam mê Vũ Nghệ Thuật”. Và thưa các bạn, trong cơn tuyệt vọng ấy, một cánh cửa hy vọng đã mở ra cho tôi, Vâng cánh cửa “Văn họcđã tự mở ra, chào đón bước chân tôi.

    CÁNH CỬA VĂN CHƯƠNG THI PHÚ

    Nhà Văn Việt Hải, người mà tôi tự đặt tên là “người anh thân tình” gọi điện thoại cho tôi trong lúc tôi ở trong trạng thái “chán ơi là chán và không biết làm gì để giết thời gian, anh đề nghị:

    • Khánh Lan đang làm gì thế?
    • Thưa, chẳng biết làm gì.
    • Sao Em không viết văn cho đỡ buồn?
    • Viết văn à? Em chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ viết văn.
    • Anh tin là Em có khả năng… Anh đã nhìn thấy và đọc bài Em viết về “Áo dài Việt Nam qua dòng thời gian” và hướng dẫn các bạn trong nhóm minh họa phần trình diễn áo dài trong ngày Ra Mắt Sách (RMS) của Giáo Sư (GS) Trần Quang Hải… Rất khá…
    • Thật à?
    • Thử viết lại đi, anh sẽ hướng dẫn.

    Ngần ngừ một lúc, tôi trả lời:

    • Anh cho Em thêm vài tuần để em suy nghĩ kỹ nhé.
    • Được Em ạ. Nhưng Em phải hiểu rằng. Một khi Em bước vào tuổi 65-70, cái tuổi không còn thích hợp với ngành “Vũ & ca hát” nữa. Ngược lại, “Văn” sẽ cho Em một “vị trí” tốt và bảo đảm hơn trong lãnh vực văn chương. Anh thấy tiếc, nếu Em không chọn ngành Văn, bởi anh nhìn thấy ở Em, có triển vọng trở thành một “Nhà Văn” và thành công những là khác… Hay là Em có thể chọn cả hai cũng tốt.
    • Anh cho em xin một thời gian nữa. Viết văn hay gia nhập ban hợp xuống Ngàn Khơi, Em sẽ chỉ chọn một trong hai cái. Có như thế, Em mới có thể dồn hết khả năng, tâm trí và kiến thức của mình để tập trung (Focus) vào lãnh vực ấy. Nhất là để Anh không thất vọng về Em.

    Gác điện thoại, tôi ngồi trong yên lặng và suy nghĩ mông lung, vì đây không phải là lần đầu tiên Anh Việt Hải khuyến khích tôi bước vào lãnh vực văn học. Tôi không nhận lời Anh Việt Hải bởi tôi còn đang bị gằng co giữa hai lựa chọn. Sự việc là: Thanh Châu, một người bạn rất thân của tôi hiện đang sinh hoạt trong ban hợp xướng Ngàn Khơi, bạn rủ tôi gia nhập ca đoàn. Tôi còn phân vân chưa trả lời Thanh Châu, vì tôi không chắc mình có thời gian và khiên nhẫn theo đuổi và thi hành những quy luật mà ban hợp xướng đưa ra? Giữa viết văn và âm nhạc, tôi không biết nên chọn bên nào? Thứ nhất là để không làm buồn lòng Thanh Châu, và thứ hai là không làm phụ lòng Anh Việt Hải? Vì vậy, tôi chưa dám trả lời ngay để có đủ thời gian suy nghĩ chính chắn hơn.

    Ba tuần lễ trôi qua, tôi gọi điện thoại xin lỗi Thanh Châu, và dĩ nhiên là bạn tôi cũng buồn và lòng tôi cũng chẳng vui, nhất là từ nay tôi đã làm mất cái cơ hội để cùng các bạn tập múa, tập hát, đi trình diễn và nhất là không còn những giây phút vui cười bên nhau…Chỉ nghĩ như thế thôi cũng đủ làm tim tôi thắt lại và mắt tôi mờ lệ…

    Thế rồi thời gian cách ly vì dịch bệnh COVID 19 đã thực sự cho tôi một cơ hội để viết văn và quen dần với văn chương, chữ nghĩa, máy computer. Từ đấy, thay vì ngồi ngồi nghĩ cách để minh họa các màn vũ thì tôi lại vùi đầu vào tài liệu tham khảo, nặn óc ra những câu chuyện tình trường éo le, hoàn cảnh bi thảm. Nhưng ít ra, tôi biết mình đã làm một người rất vui và hài lòng: Đó là Anh Việt Hải.

    Viết Văn”, một lãnh vực tuy không xa lạ đối với tôi nhưng tôi vô cùng lo sợ, nhưng đã chọn rồi thì không thể lùi bước, mà muốn trở thành một nhà văn, thì phải dấn thân, mà đã dấn thân rồi thì phải hy sinh (dựa theo Jean Paul Sartre) và nhất là thất hứa với Anh Việt Hải. Thôi cũng đành “nhắm mắt đưa chân” vậy để xem định mệnh sẽ đưa mình về đâu.

    Phải chăng “cái duyên tiền định” đã đến với tôi, cho tôi gặp được “Thầy Việt Hải”, một người “Thày” tận tâm với nhiều kiên nhẫn, một người Anh “thân tình” mà tôi hằng quý mến, khâm phục bởi sự kiên nhẫn, kiến thức thông suốt. Kiên nhẫn, vì anh đã thuyết phục được tôi di9 vào con đường văn học. Tận tâm, vì anh đã bỏ hằng giờ để hướng dẫn và khuyến khích tôi viết văn. Phải chăng chính Anh là người đã khám phá ra tôi, khám phá ra một tiềm năng ẩn náu trong tôi mà bấy lâu nay, chính tôi cũng không nhìn thấy. Thượng Đế thật công bằng, Người đã ưu ái dành cho anh một kiến thức uyên bác, biết nhiều, hiểu rộng, để anh dẫn dắt thế hệ trẻ, những cây bút non nớt bước vào vườn hoa văn hóa. Có lẽ cái trí nhớ phi thường, cái kiến thức sâu rộng, thấu hiểu tường tận về văn học Âu Á là cái bổng lộc mà Trời đã ban cho Anh để bù đắp lại sự thiệt thòi về thể xác.

    TÔI BẮT ĐẦU VIẾT VĂN

    Khánh Lan

    Khởi đầu sự nghiệp “cầm bút” mới thật là nhiêu khê, là cả một sự sự kiên nhẫn, học hỏi, nghiên cứu, và nhất là sự cho phép của thời gian. Để có thời gian để viết văn, tôi thật sự hy sinh những cuộc vui và quên luôn cả bổn phận của một “người vợ”. Câu nói:

    “Đằng sau một người đàn bà (đàn ông) thành công

    luôn có bóng dáng người đàn ông (phụ nữ)

    Những câu nói như trên, tưởng chỉ là câu nói sáo rỗng, nhưng tôi cho rằng rất đúng trong trường hợp của tôi. Thật vậy, ngày nay khoa học chính thức công nhận như sự tham khảo của Bác Sĩ Science Alert và các cuộc nghiên cứu của các Viện Đại Học,họ đã đưa ra những công trình nghiên cứu và thử nghiệm qua nhiều trường hợp khác nhau. Tôi xin đưa ra vài trường hợp điển hình dưới đây:

    • Trong trường hợp của cựu tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama về tầm ảnh hưởng của Michelle Obama trong sự nghiệp chính trị của ông. Ông đã chia sẻ: “Nếu bạn hỏi ngày ấy điều gì giúp tôi tỉnh táo, giữ tôi được cân bằng, cho tôi sức mạnh đương đầu với mọi áp lực, thì đó là người phụ nữ này (chỉ vào vợ). Cô ấy không chỉ là một Đệ nhất phu nhân tuyệt vời, mà còn là nền tảng vững chắc, để tôi dựa vào đó bất kỳ lúc nào.”
    • Năm 2017, Đại Học Carnegie Mellon đã nghiên cứu vấn đề này một cách khoa học hơn, với giả định rằng khả năng thành công của một người sẽ cao hơn khi vợ (hoặc chồng) của họ sẵn sàng hỗ trợ phía sau như trường hợp của cặp đôi Victoria và David Beckham.
    • Các chuyên gia từ Đại Học Washington (St. Louis) cũng thực hiện một thí nghiệm và kết quả cho thấy sự nghiệp của một người không chỉ phụ thuộc vào bản thân, mà người đồng hành cũng cực kỳ quan trọng như trong trương hợp của cặp vợ chồng Mark Zuckerberg – CEO Facebook. Doanh nhân Zuckerberg từng thừa nhận rằng Pricilla là người đi cùng và có vai trò cực kỳ quan trọng khi xây dựng sự nghiệp của họ. Năm 2017, Mark Zuckerberg đã nhắc đến vợ mình là Priscilla trong một buổi hội thảo, rằng cô là người đã đứng sau động viên ông tiếp tục theo đuổi dự án mạng xã hội. Mark Zuckerberg cũng thừa nhận rằng Priscilla là người quan trọng nhất trên đời. Họ kết hôn năm 2012, Priscilla đã gây nhiều ảnh hưởng trong sự nghiệp của ông sau này.
    • Ngôi sao nổi tiếng Beyoncé, một nữ ca sĩ từng chia sẻ rằng chồng cô đã hỗ trợ và trở thành một nền tảng, một bệ phóng cực kỳ vững chắc cho cô trong sự nghiệp âm nhạc.

    Phần tôi, từ ngày quyết định chọn nghề “cầm bút”, tôi như người trong cơn nghiện “viết văn”, cái computer trở thành người bạn “tri kỷ” của tôi, tôi say mê, miệt mài và vùi đầu với “ngòi viết” và quên mất cái bổn phận tối cao của một người phụ nữ đã có gia đình. Chồng tôi, Mạnh Bổng, từ ngày ấy, bỗng trở thành “Mr. Mom” bất đắc dĩ, anh lo toan, khoán xuyên nọi việc trong nhà để tôi ôm mộng trở thành “Văn, thi Sĩ”.

    Mạnh Bổng và Khánh Lan

    MỘNG TRỞ THÀNH VĂN THI SĨ

    Những ngày tháng đầu cầm bút thật vất vả, Anh Việt Hải và tôi “on the phone, off and on” hầu như mỗi ngày, từ 10 sáng đến 10 tối, nếu không để chỉ dẫn cho tôi về những quy tắc, luật lệ khi viết văn thì lại giải thích cho tôi nghe những bài văn mẫu, lịch sử cũng như sự nghiệp văn chương của các thi hào như Baudelaire, Mattie, Allan, Tagore, v.v… Các Đại văn sĩ như Proust, Hugo, Twain, Hesse, Gide, v.v…khuyến khích tôi nghiên cứu về triết học Hiện Sinh (Esistentialism), Siêu Hình Học (Metal Physic), v.v… khiến tôi có cảm tưởng như lạc vào mê hồn trận, tẩu hỏa nhập ma, nhưng đồng thời, tôi nhận thấy mình như bị lôi cuốn vào một chân trời mới, một đam mê học hỏi, tìm tòi, khám phá, những điều mới lạ. Tôi ghi chép luôn tay, cố gắng nhồi vào bộ óc “già nua nửa vời” những gì Anh Việt Hải quyết tâm chuyển tải vào “bộ nhớ” của tôi. Có những lúc tôi như rối trí (overwhelmed), mệt mỏi và muốn bỏ cuộc… nhưng nghĩ đến công lao của Anh Việt Hải, tôi lại cố gắng.

    Bài tập đầu tiên Anh Việt Hải giao cho tôi là phân tích về thi ca của Việt Nam. Tôi sốt sáng thi hành ngay. Trước tiên, tôi chọn các nhà thơ mà tôi yêu thích từ thuở “tuổi hoa tím” (theo GS Quyên Di)  như Đinh Hùng, Bùi Giáng, Nguyễn Chí Thiềng, Tản Đà, Phùng Quán, Nguyễn Bính, Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa, v.v… Học thuộc lòng, xong tìm hiểu, nghiên cứu, phân tích và tập bình luận các bài thơ và các tác giả ấy… Thế rồi, bài bình luận và phân tích chưa đi đến đâu, thì anh Việt Hải đã vội vã “bẻ lái” qua phần Văn chương, khuyến khích tôi theo lãnh vực biên khảo thay vì viết tiểu thuyết tình cảm xã hội. Tôi bắt đầu nghiên cứu về những tác phẩm Nobel như: Những Kẻ Khốn Cùng (Les Misérables) của Victor Hugo; Một Thời Để Yêu và Một Thời Để Chết (Zeit Zu Leben und Zeit Sterben) của Erich Maria Remarque; Tuổi Trẻ Băn Khoăn (Demian) và Câu Chuyện Dòng Sông (Siddhartha) của Hermann Hesse; Trà Hoa Nữ (La Dame aux Camélias) của Alexandre Dumas, Jr.; Khung Cửa Hẹp (La Porte E1troite) của André Gide; Đi Tìm Thời Gian Đã Mất (À la Recherche du Temps Perdu) của Marcel Proust; v.v…Và cứ thế, tôi say mê như lạc vào một thế giới đầy thú vị và khuyến rũ, tôi dần dần như quên hằn miềm đam mê ca vũ… và cuộc đời tôi bắt đầu chuyển qua một hướng đi mới…

    Tháng 09 ngày 19, 2020 là ngày RMS của tôi với 4 tác phẩm: Tác phẩm thứ nhất, mang tên “Đôi Nét Về 10 Tác Giả Âu Mỹ Cận Đại”. Tác phẩm thứ hai là Truyện dài Dĩ Vãng Khôn Nguôi, Tác phẩm thứ ba với 10 truyện ngắn “Tình Yêu, Cuộc Đời và Định Mệnh“ vàTác phẩm thứ tư là Tuyển tập trinh thám “Thám Tử Lê Minh”. Sự thành công trong ngày RMS của tôi, cả hai anh em chúng tôi đều vui mừng. Anh Việt Hải mừng vì tôi đã không bỏ cuộc. Còn tôi, vui vì tôi đã không phụ lòng Anh và không phí công của Anh đã dày công luyện tập cho tôi trong hai năm qua.

    Sau khi hoàn tất 4 tác phẩm, Anh Việt Hải đề nghị tôi chuyển hướng sang phần nghiên cứu về Tâm Lý Học và Tôn Giáo và một năm sau, tôi hoàn tất 2 tác phẩm: Phân Tâm Học và Đời Sống cũng như Tam Giáo Đồng Nguyên.  Quyển Phân Tâm Học và Đời Sống tương đối không xa lạ cho tôi, bởi đó là lãnh vực chuyên môn của tôi. Nhưng khi nghiên cứu về Tam Giáo Đồng Nguyên thì hẳn là vô cùng nhiêu khê và hoàn toàn mới lạ đối với tôi. Tôi như lạc vào một khu vườn đầy hoa thơm cỏ lạ mà không biết bắt đầu từ đâu. Nhất là với một người theo đạo Thiên Chúa giáo như tôi thì các nguyên lý và giáo điều của Nho, Lão và Phật giáo tôi chưa thấu hiểu tường tận. Nhưng quả thật, khi bắt đầu nghiên cứu về Tam Giáo, tôi say mê cũng như học được nhiều điều mới lạ và thu hút tâm trí tôi một cách lạ lùng. Đầu mùa Thu 2021, tôi hoàn tất hai tác phẩm Phân Tâm Học & Đời Sống và Tam Giáo Đồng Nguyên. Hai tác phẩm này RMS vào đầu Xuân 2023 ngày 25 tháng 06 cùng với tác phẩm Tự Lực Văn Đoàn, Hậu Duệ và Thân Hữu, Tập 2.

    Phần văn học tạm xong, Anh Việt Hải lại quay tôi như “chong chóng”. Năm 2022, khi nhóm chúng tôi mở một lớp học online về hòa âm và sáng tác, anh Việt Hải lại ưu ái ghi tên tôi vào lớp học, dưới sự chỉ dẫn của GS NS Minh Trí. Thế là tôi tập tểnh làm thơ, viết nhạc. Nay lớp học đã mãn khóa mà tôi vẫn còn mò mẫm như thể “mò kim dưới đáy biển”… chẳng biết đến bao giờ mới trở thành “Nhạc Sĩ”? (Chắc hẳn là còn lâu…lâu…lắm)

                Một dự định cuối để đền đáp công ơn của “Thày Việt Hải” tôi đang cố gắng hoàn tất tập thơ “BÓNG THỜI GIAN” với những bài thơ “con cóc” mà tôi ấp ủ đã lâu và hai tác phẩm nghiên cứu về Siêu Hình Học & Triết Học Hiện Sinh.  Chấm dứt một “HÀNH TRÌNH VĂN HỌC, THI CA” của tôi.

    Khánh Lan, California, Sept. 02, 2023

            

  • Văn Thơ,  Vương Trùng Dương

    Lara, Người Tình Muôn Thuở Với “Somewhere, My Love”

    Trước đây tôi viết về tác phẩm Bác Sĩ Zhivago (tiếng Anh: Doctor Zhivago, tiếng Pháp: Docteur Jivago) được giải Nobel Văn Chương năm 1958 nhưng nhà văn Boris Pasternak (1890-1960) đang sống trong chế độ CS Liên Xô nên không được sang Thụy Điển nhận giải và còn bị Hội Các Nhà Văn Xô Viết (The Soviet Writers Union) kết tội là kẻ phản động, loại ra khỏi tổ chức!. (Sau khi Michail Gorbachev chủ trương chính sách “cởi mở” và “cải cách”, tháng 12 năm 1989, con trai của Boris Pasternak là nhà văn Evguenii đã được mời sang Thuỵ Điển nhận giải thưởng thay ông, với những nghi thức long trọng như lễ trao giải chính thức).

    Boris Pasternak là nhà thơ, nhà văn đã ấn hành nhiều thi phẩm và truyện ngắn, tự truyện… Doctor. Zhivago là tác phẩm đầu tay đưa tên tuổi ông trên đài danh vọng, là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất trên thế giới. Đây là tiểu thuyết lịch sử và xã hội nhưng chính cuộc tình lãng mạn, say đắm, ngang trái và bi thương là phấn cốt lõi trở thành tác phẩm nổi danh.

    Nhà thơ, nhà văn Boris Pasternak tuy đã có vợ và người tình nhưng khi gặp Olga Ivinskaya với cuộc tình thơ mộng và bi thương nên Olga trở thành nhân vật trong Dr, Zhivago. Tác giả dựa vào bản thân và cuộc tình trong cuộc sống để sáng tác nhân vật hư cấu nhưng rất sống động, tưởng như thật trong bối cảnh thời đó dưới chế độ CS Liên Xô. Và, Pasternak khởi đầu viết Dr. Zhivago vào năm 1948. Linh cảm của nhà văn khi sáng tác có những điểm tương đồng xảy ra trong tác phẩm.

    Olga Ivinskaya, người gốc Đức, Ba Lan, sinh năm 1912 ở Tambov. Năm 1915, gia đình chuyển đến Moscow. Sau khi tốt nghiệp Học Viện Công Nhân Biên Tập tại Moscow năm 1936, cô làm biên tập viên tại nhiều tạp chí văn học. Cô là một người ngưỡng mộ Pasternak từ khi còn ở tuổi thiếu niên, tham dự các buổi họp mặt văn học để nghe thơ của ông. Olga kết hôn hai lần: lần đầu tiên với Ivan Emelianov vào năm 1936, người đã treo cổ tự tử vào năm 1939, có được con gái là Irina Emelianova; lần thứ hai vào năm 1941, Alexander Vinogradov (sau này bị giết trong chiến tranh ), sinh ra một người con trai là Dmitry Vinogradov.

    Olga gặp Vladimir Pasternak vào tháng 10 năm 1946, trong tòa soạn của Novy Mir, nơi cô phụ trách trong công việc giới thiệu tác giả mới. Lúc đó Pasternak 56 tuổi và Olga 36 tuổi. OLga tích thi ca nên hợp tác với Pasternak trong việc dịch thơ từ tiếng Anh sang tiếng Nga như thơ của Rabindranath Tagore.

    Vào tháng 10 năm 1949, Olga bị bắt là “đồng phạm của điệp viên” và vào tháng 7 năm 1950 bị Hội Đồng Đặc Biệt của NKVD kết án 5 năm tại Gulag (nhà văn Solzhenitsyn với tác phẩm Gulag – Quần Đảo Ngục Tù). Vào thời điểm bị bắt giữ, Olga đang mang thai bởi Pasternak và bị sảy thai! Cô được thả ra vào năm 1953 sau cái chết của Stalin.

    Khôi  hài và trớ trêu, tác phẩm Dr. Zhivago của Pasternak bị coi như “tác phẩm phản động” nhưng khi được giải Nobel Văn Chương 1958 cả thế giới biết đến nên CS Liên Xô không kết án tù tác giả mà quy tội cho người tình của ông!

    Sau cái chết của Pasternak năm 1960, Olga Ivinskaya bị bắt lần thứ hai, cùng với con gái của cô, Irina Emelianova. Cô bị buộc tội là mối liên kết của Pasternak với các nhà xuất bản phương Tây. Năm 1962 Emelianova được thả đến năm 1964 Olga được ra khỏi nhà tù. Cô đã thụ án bốn năm trong bản án tám năm.

    Năm 1978, hồi ký của Olga viết lại thời gian lao tù được xuất bản tại Paris bằng tiếng Nga và được dịch sang tiếng Anh dưới tựa đề A Captive of Time. Irina Emelianova di cư sang Pháp năm 1985 xuất bản một cuốn hồi ký nầy kỷ niệm về mối tình của mẹ cô với Pasternak.

    Thư từ của Pasternak gửi cho Olga, các bản thảo và tài liệu khác đã bị KGB thu giữ trong lần bắt giữ cuối cùng. OLga đã phản kháng nhiều năm trong vụ kiện nhưng kết quả với phán quyết chống lại lý do “không có bằng chứng về quyền sở hữu” và “giấy tờ nên được lưu giữ trong kho lưu trữ của nhà nước”. Olga mất năm 1995 vì bệnh ung thư. Hưởng thọ 83 tuổi.

    Boris Pasternak hoàn thành tác phẩm Dr. Zhivago năm 1956, tác giả gởi bản thảo cho tờ tạp chí của Liên Xô, nhưng ban biên tập đã từ chối đăng cuốn tiểu thuyết của ông, viện lý do nó “mô tả một cách lệch lạc Cách Mạng Tháng Mười Nga và xuyên tạc những nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân Liên Xô”.

    Pasternak gởi chui tác phẩm vào cuối năm 1956, nhà xuất bản Feltrinelli của Ý xuất bản vào năm 1957 bằng nguyên tác tiếng Nga. Năm 1958 được dịch sang tiếng Ý, tiếng Anh (dịch giả Max Hayward và Manya Harari) và trong năm đó được dịch sang 18 ngôn ngữ, dần dà trở thành tác phẩm được phổ biến nhiều ngôn ngữ nhất trên thế giới. Thật đáng tiếc, Boris Pasternak không thấy được hào quang trên thế giới, qua đời vào tuổi 70 vì ung thư phổi. Cho đến 17 năm sau, tác phẩm Dr. Zhivago được xuất bản tại nước Nga vào năm 1987. Tác phẩm nầy dày gần gần tám trăm trang, gồm 16 chương. Tác giả dựa vào bản thân và cuộc tình để xây dựng hai nhân vật chính là Dr. Zhivago và Lara.

    Yuri Zhivago học y khoa, tốt nghiệp bác sĩ, có máu văn nghệ, làm thơ, viết văn và  đã có gia đình. Lara cũng vậy đã lập gia đình. Thế nhưng, chàng và nàng khi gặp nhau cả hai với “tiếng sét ái tình”.

    Lara khi mới 17 tuổi gặp gã quý tộc Komarovsky thô lỗ, cộc cằn, dựa vào thế lực đã hãm hiếp Lara. Trong cơn tủi nhục, Lara phẫn nộ, lấy súng bắn Komarovsky trong buổi tiệc Giáng Sinh nhưng không may lại bắn trúng một người khác. Sau đó, cô kết hôn với Pasha và có một cô con gái.

    Khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) nổ ra, Zhivago tòng quân với tư cách bác sĩ quân y. Chồng của Lara cũng nhập ngũ và bị mất tích. Lara tình nguyện làm y tá với hy vọng tìm kiếm tông tích chồng. Zhivago gặp Lara lần đầu tiên khi vào thăm vợ tại trạm quân y nơi Lara làm việc. Mối tình lãng mạn ngang trái đã âm thầm nẩy nở nhưng cả hai đều đã tự ngăn cản trái tim mình. Tuy nhiên hình bóng người tình đã in sâu vào tâm khảm.

    Chiến tranh bùng nổ khắp nơi, Zhivago và Lara được bổ nhiệm công tác chung tại nhà thương ở tỉnh nhỏ xa xôi. Chàng bị cuốn hút bởi hình ảnh dễ thương, quyến rũ nên cảm tình cho Lara. Và rồi họ đã yêu nhau tha thiết. Nhưng khi kết thúc nhiệm vụ, họ chia tay và trở về với con đường riêng của mình.

    Sau cuộc chiến, Zhivago trở về chức vị bác sĩ cũ tại nhà thương ở Mosocw (Mạc Tư Khoa). Tâm hồn lãng mạn của chàng thường bị đồng nghiệp bài bác và đả kích thiếu tinh thần cách mạng. Giữa cuộc xung đột chống chủ nghĩa Marx nổ ra, Zhivago cùng gia đình dời về Urals, vùng đất mới yên bình, tránh chiến tranh.

    Trên xe lửa của chuyến đi, Zhivago nhận thức được nỗi khổ của nông dân và tù binh, những nạn nhân của cuộc cách mạng. Vốn là người yêu chuộng tự do và nhân quyền nên chàng bất mãn với những hành động hay chính kiến quá cứng rắn và thiếu tình người của những người theo cách mạng.

    Tại Urals, Zhivago cùng gia đình khai đất làm ruộng và làm thơ. Nơi thư viện làng, gặp lại Lara và hai người bước vào thế giới yêu đương vụng trộm. Đó cũng là lúc Lara biết tin chồng còn sống và hiện là một tay Trùm Đỏ khét tiếng với tên mới Strelnikov.

    Tại đây, Zhivago và nàng Lara vô tình gặp lại nhau sau bao xa cách và ngọn lửa tình yêu trong tim họ lại một lần nữa bùng cháy bất chấp mọi ràng buộc và mặc cảm tội lỗi. Nhưng rồi, cuộc tình của họ cũng lại thêm một lần bị chia cắt bởi chiến tranh…

    Trong bối cảnh hỗn loạn của chiến tranh, mỗi cuộc chia ly là một sự biến mất. Trong thời điểm nhiễu nhương đó, không biết ngày mai sẽ ra sao, phó mặc cho số phận! Thế nhưng, Zhivago và Lara vượt lên mọi ngang trái, ràng buộc và bất an, họ lại đến với nhau, vẫn yêu nhau, cho nhau tình yêu chân thành nhất, say đắm nhất dù là trong tận cùng tuyệt vọng!

    Zhivago muốn trở về với vợ để thú nhận tội ngoại tình nhưng không may bị một nhóm quân cách mạng bắt cóc và phải phục vụ như bác sĩ của nhóm này. Sau vài năm, Zhivago trốn thoát và trở lại với Lara. Để tránh không bị điểm chỉ, cặp tình nhân lặng lẽ bỏ trốn sang một nông trại khi xưa gia đình Zhivago từng canh tác.

    Zhivago bày tỏ tâm sự của chàng về những thăng trầm của đời sống, những lo sợ và lòng can đảm trong chiến tranh và hơn hết là tình yêu dành cho Lara. Trong khi đó Zhivago có tin vợ là Tonya và con gái bị trục xuất khỏi Liên Xô.

    Hoàn cảnh thật trớ trêu, Zhivago gặp Pasha. Sau một đêm trò chuyện, cuối cùng hai người đàn ông cùng yêu một người đàn bà đã thân thiện bên nhau dưới một mái nhà. Người này kính trọng người kia và cùng biết mình được yêu. Tuy Pasha trở thành tên Trùm Đỏ Strelnikov nhưng bị thất sủng và quân cách mạng truy đuổi, cảm thấy bất lực trước mối tình của Lara và Zhivago. Sáng ra Pasha tự sát. Pasha tin rằng đó là con đường giải thoát để mẹ con Lara hạnh phúc. Pasha chết trong cô đơn trên bãi tuyết mênh mông. Điều mà Pasha cần là tình yêu nhưng trái tim đó đã dành trọn vẹn cho Zhivago.

    Thế rồi sau đó, Komarovsky xuất hiện. Hắn cho biết quân cách mạng đang truy lùng Pasternak và Lara và sẽ giết cả hai nếu bắt được. Hắn hứa giúp đưa Zhivago và Lara trốn ra nước ngoài.

    Trước sự hăm dọa đó, Zhivago đắn đo và vì vấn đề an toàn cho Lara, chàng quyết định để Lara ra đi một mình. Chàng ở lại Liên Xô trong nỗi đau nên say sưa uống rượu giải sầu! Sức mạnh của tình yêu mãnh liệt và cao đẹp vô cùng, dám hy sinh bản thân để người tình được bình yên. (Trong tác phẩm kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung có những mối tình mà nhân vật nữ, nam bất chấp nguy hiểm dám hy sinh mạng sống để bảo toàn sự an nguy của người tình. Tôi có viết Những Mối Tinh Ngang Trái Trong Tác Phẩm Kim Dung).

    Zhivago trở lại Mạc Tư Khoa và sống cùng một phụ nữ tên Marina và kiếm sống bằng cách viết sách. Chàng xin vào làm tại bệnh viện và rồi trên đường đi làm, chàng bị đột quỵ. Lara tình cờ đi tới nhà xác và… xác Zhivago vẫn còn nằm đó. Sau vài ngày, người ta không còn thấy Lara. Có người cho rằng nàng đã bị bắt vào trại tập trung cải tạo. Sau đó, Lara chết trong cô đơn, không có người đàn ông nào của nàng bên cạnh. Không ai ân hận, không ai trách cứ gì nhau! Mối tình mang xuống tuyền đài!

    Phim & Nhạc

    Năm 1965 tác phẩm Doctor Zhivago được đạo diễn David Lean dựng thành phim của Anh. Ca khúc chính của phim là Lara’s Theme hay Somewhere, My Love của Maurice Jarre. Tài tử Omar Sharif (Dr. Zhivago), minh tinh Julie Christie (Lara). Phim giành được năm giải Oscar, trong đó có nhạc phim. Đây là một trong những cuốn phim nổi tiếng nhất thế giới, trải qua nhiều thập niên vẫn được yêu thích. Lúc đầu dự tính minh tinh Audrey Hepburn đang nổi tiếng trong ngành điện ảnh nhưng sau cùng đạo diễn thay nhân vật. Năm 1967, nhạc phim với tên Lara’s Theme hay Somewhere, My Love đoạt giải “Grammy Award for Best Performance by a Chorus. Nhạc sĩ Maurice Jarre (1924-2009) nổi danh là soạn nhạc với 3 lần nhận được Oscar cho nhạc phim Lawrence of Arabia (1962), Doctor Zhivago (1965), A Passage to India (1984).

    Boris Pasternak đam mê về âm nhạc, theo học bộ môn sáng tác nhạc trong 6 năm, nhưng khi bước chân vào đại học Moscow, ông chọn ngành triết học, vì vậy trong các tác phẩm của ông có cái nhìn sâu sắc về tâm lý và nhân sinh quan.

    Tác phẩm Dr. Zhivago đã được Trường Văn và Song Tích phỏng dịch năm 1959, Bác Sĩ Zhivago, Bản dịch Bác Sĩ Zhivago, Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa xuất bản, 1969. Nguyễn Hữu Hiệu (dịch giả trẻ thời đó đã dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng) với tựa ban đầu là Doctor Zhivago, sau đó với tựa đề với tựa đề Vĩnh Biệt Tình Em Đầu, NXB Hoàng Hạc năm 1975. Tác phẩm nầy đã edit lại còn 670 trang, được đánh gía là một trong những tác phẩm dịch thuật văn chương hay nhất.

    Độc giả ở Miền Nam VN đã biết qua tác phẩm và nhiều bài viết trên báo khi nhận tin Nobel Văn Chương năm 1958 vì vậy khi cuốn phim nầy được trình chiếu, trở thành hiện tượng, khán giả đợi chờ, sắp hàng mua vé.

    Năm 1972, phim Doctor Zhivago với tựa đề Việt ngữ Vĩnh Biệt Tình Em được chiếu tại rạp Rex ở Sài Gòn, sau đó được chiếu nhiều thành phố ở miền Nam Việt Nam, trở thành hiện tượng phim tình cảm hay nhất. Chỉ nghe Tình Khúc Lara (Lara’s Theme) trong phim Dr. Zhivago khán giả đã say đắm.

    Thời đó, mỗi cuốn phim được trình chiếu có tờ chương trình (program), cuốn phim nầy có ghi thêm quý bà, quý cô mang khăn theo để thấm nước mắt. Thời đó vào hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt nên mối tình nam nữ giữa người trai thời chiến với người tình hậu phương thường xảy ra “sinh ly tử biệt” nên cuốn phim nầy với bi kịch đau thương

    Nhạc phẩm Somewhere, My Love (moderately) trong phim không có lời, sau đó ban nhạc Ray Conniff trình bày với lời ca, trở thành ca khúc, không có chữ nào nhắc đến tên Lara, ca khúc tiếng Pháp là La Chanson de Lara. Phạm Duy dịch bài hát sang lời Việt dưới tên Hỡi Người Tình Lara (3/4, valse) sau khi cuốn phim được chiếu ở miền Nam VN. Lời đầu ca khúc “Người tình thương nhớ hãy lắng nghe lời mặn mà” và câu kết “Người em yêu hỡi nhớ thương đi đi chớ phai”. Trong lời Pháp, lời ca khúc La Chanson de Lara của Maurice Jarre, tên Lara được nhắc đến nhiều hơn nguyên bản tiếng Anh (chỉ gọi một lần) như: “Un jour Lara, quand le vent a tourné. Un jour Lara, ton amour t’a quitté. Tes yeux Lara revoient toujours ce train…  Un jour Lara, quand tournera le vent. Un jour Lara, ce sera comme avant”. Nhạc sĩ Xuân Vinh(làm tại Cục Tâm Lý Chiến, đài phát thanh quân đội) chuyển thành ca khúc Người Yêu Tôi Đâu. Sau đó, có thêm lời Việt của nhạc sĩ Trường Hải với tựa Người Yêu Tôi Đâu theo nguyên tác Somewhere, My Love “Người tôi yêu dấu. Nỡ để hồn tôi quạnh hiu…” và phần ĐK: “Bốn mắt nhìn nhau nào ai đâu nói gì. Em ngày xưa nét thời gian chẳng mờ. Dẫu gặp lại lòng vương thoáng bâng khuâng. Sao bờ tim niềm thổn thức xa vời” cũng được nhiều người ái mộ. Như vậy nghe La Chanson de Lara của Maurice Jarre với tiếng hát của John William cảm thấy tha thiết với bóng dáng người tình. Vì vậy, với các nhạc phẩm ngoại quốc với lời Việt (khác với thơ, dịch nguyên câu) chỉ dựa vào nội dung để viết lời ca tùy theo cảm xúc hợp với giai điệu thường hay hơn.

    Có nhiều đêm tôi chỉ nghe duy nhất một nhạc phẩm từ độc tấu dương cầm, vỹ cầm, tây ban cầm… tiếng kèn đến ban nhạc. Với ca khúc, ca sĩ nam, nữ để cảm nhận tiếng hát nào phù hợp với giai điệu. Có lẽ vì vậy tôi quen với sự tĩnh lặng vì trong không gian đó mới thực sự thả hồn trong thế giới âm thanh. Chẳng hạn ca khúc My Heart Will Go On của nhạc sĩ James Horner, lời Will Jennings, với tiếng hát Celine Dion trong phim Titanic thì không thích nghe tiếng hát nào nữa.

    Hiện Tượng Lara

    Tuy Lara không còn thơ ngây, trinh trắng nhưng vẻ đẹp trong tâm hồn, tình yêu nồng nàn, say đắm, bất chấp ngang trái, bất chấp sự đe dọa, kết tội của chế độ CS Liên Xô hà khắc, nàng dấn thân trong cuộc tình với tất cả trái tim và tâm hồn.

    Ca sĩ Quỳnh Giao ghi nhận “Ngày xưa, ở tại Sài Gòn, Lara đã mở ra cho chúng ta những khung trời thơ mộng và bi thương của một thế giới khác, trong một hoàn cảnh rất chung của tình yêu trong chiến tranh và hận thù. Những gì xảy ra sau đó tại Việt Nam còn vượt qua mọi sự bi thảm của tác giả Boris Pasternak và nhiều nàng Lara thật ở ngoài đời, ở trong thế giới của chúng ta, đã khiến mình có thể quên được người nghệ sĩ Julie Christie…”.

    Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng viết về Nhân Vật Lara của Boris Pasternak: “Lara – ngoài đời, người đã cho Pasternak hình tượng nhân vật Lara, tên thật là Olga Ivinskaya và đã qua đời vào ngày 8 tháng 9, 1995 tại Mạc Tư Khoa.

    Trong một lá thư gửi R. Schweizer đề ngày 7 tháng Năm, 1958, Pasternak đã viết về Olga Ivinskaya như sau: “Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, tôi đã gặp một phụ nữ trẻ, tên là Olga Ivinskaya… Nàng chính là Lara trong cuốn tiểu thuyết mà tôi bắt đầu viết chính vào thời kỳ đó… Nàng là hiện thân của niềm yêu đời và đức hy sinh… Nàng biết rõ đời sống tinh thần của tôi và mọi công việc văn chương của tôi.”

    Khi trả lời phỏng vấn của nhà báo Anh, nhà văn Pasternak nói: “Nàng là người bạn lớn, rất lớn của tôi. Nàng đã giúp tôi trong thời gian tôi viết sách, trong cuộc đời tôi… Nàng đã bị tù 5 năm vì kết thân với tôi. Thời trẻ của tôi không có một nàng Lara độc nhất… Nàng Lara của tôi thời trẻ ấy là vốn sống chung. Còn nàng Lara của tôi thời về già thì đã được ghi khắc vào trái tim tôi bằng máu của nàng và bằng cảnh tù đày của nàng”…

    Pasternak kể lại buổi hẹn đầu tiên, ông gọi điện thoại đến toà soạn Novy Mir, nói với Olga: “Tôi muốn cô gọi tôi là ‘anh’, bởi vì gọi là ‘đồng chí’ nghe giả dối lắm”.

    Olga nhắc lại mối tình của bà và Pasternak: “… Cuốn tiểu thuyết ấy đã bắt đầu quyết định cả số phận của hai chúng tôi. Nó như một thứ bùa mê. Nó đem đến niềm hạnh phúc điên cuồng cùng nỗi đau khổ ghê gớm. Càng gần đến cái chết của nhân vật, đến dấu chấm cuối cùng, thì đoạn kết của cuộc đời chúng tôi càng gần lại.”

    … Olga Ivinskaia đã ra đi, nhưng nàng Lara vẫn còn ở lại mãi mãi với người đọc chúng ta. Hãy tưởng tượng “cánh tay phải” của ông đang lau cho ông những giọt nước mắt. Hãy tưởng tượng Pasternak là một người hạnh phúc…”. (NXH)

    Hình ảnh Lara được Anna Pasternak, cháu gái của nhà văn viết thành tác phẩm cũng như Dr. Zhivago trở thành chứng nhân của thời đại.

    Nếu (lỡ dại) vướng cái nghiệp đa cảm, lãng mạn thì hà cớ gì với “đoạn đường chiến binh”… nghịch cảnh, trớ trêu, cay đắng, chông gai!

    Với tôi, Lara trong tác phẩm, trong phim… hay ẩn hiện đâu đó, luôn luôn là hình ảnh đáng yêu, đáng quý của người tình muôn thuở.

    Trong bài thơ Autumn của Boris Pasternak ở đoạn cuối với hai câu thơ:

    “You are the blessing on my baneful way,

    When life has depths worse than disease can reach”

    (Em hạnh phúc trên đường anh khổ lụy

    Khi cuộc đời tồi hơn cả thương đau – Thân Trọng Sơn)

    Với kẻ tình si thì có khi nếm cái thú đau thương như bài thơ Thú Đau Thương của Lưu Trọng Lư với hai câu cuối “Giờ đây ta đốt nén hương. Trên tay ta buộc dải tang cho tình” khi Vĩnh Biệt Tình Em.

    Nhà văn Anh Oscar Wilde (người Ireland, 1854-1900) đa tình, đa cảm nên câu nói của ông: “Trái tim được tạo ra để tan vỡ” (The heart was made to be broken). Thật chí lý, với người thà có trái tim để chấp nhận tan vỡ còn hơn không có trái tim. Với tôi, từng sống chết với trái tim, còn bạn?.

    Vương Trùng Dương, Viết lại, Little Saigon, 9/2023

  • Lê Nguyễn Nga,  Văn Thơ

    NHƯ MỘT GIẤC MƠ

    Lê Nguyễn Nga

    Kính thưa quý vị,

    Trong cuộc sống tha hương chúng ta đã từng ấp ủ ít nhiều “giấc mơ”.  Có những giấc mơ không thành và có những giấc mơ được thành sự thật.  Nhưng giờ đây tôi đã được  thấy một sự kiện hiện tại mà tôi cứ tưởng là  như một  “giấc mơ “.

    August 6, 2023 là tiệc Kỷ Niệm 8 năm thành lập Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian .

    Buổi hội ngộ thật cảm động làm tôi không thể không ngậm ngùi nhớ về một năm đau bịnh của tôi.

    Đó là vào năm 2015 khí tôi đang nằm dưỡng bịnh tại một dưỡng đường.  Vợ chồng Việt  Hải và Lê Hoa, vợ chồng Cao Minh Hưng và Ngọc Bích, và rất nhiều bạn trong các nhóm văn nghệ sĩ, vào thăm.  Thật nhớ mãi, có một chiều anh Việt Hải nhờ em Họa sĩ Lưu Anh Tuấn cùng vợ là  Mindy Lưu ghé dưỡng đường để  đón tôi đến tham dự Tiệc SN của nhạc sĩ Lam Phương tại một nhà hàng trang trọng.

    Tôi được xếp ngồi vào cùng bàn với ca nhạc sĩ Hồng Tước, đó là niềm vui trong ngày hôm đó vì hai chúng tôi đã thân nhau qua tình bạn của ns Lê Trọng Nguyễn- CS Kim Tước.

    Qua câu chuyện thân mật, tôi viết xuống giấy bài thơ “Khúc Thu Ca” để khoe bạn Hồng Tước xem cho vui.  Không ngờ bài thơ đã được ca nhạc sĩ Hồng Tước cảm thấy thích và đã phổ nhạc. Bài nhạc được ca sĩ tiền bối Kim Tước hát và đã được nhiều người thương mến.  Khoảng hơn một  năm sau đó Ns Hồng Tước đã cảm mến bài thơ “Chiều Thu Vàng” và đã phổ nhạc. Bài nhạc rất thành công.

    Buổi nhạc “Nắng Chiều”, 2017, là một kỷ niệm về tình bạn rất quý, đã có sự góp mặt của ca sĩ Kim Tước và ca sĩ Tâm Vấn đến từ Việt Nam.

    Ca sĩ Thanh Thanh và gia đình đã đến tham dự vui. MC Trần Quốc Bảo rất tận tình. Chị Ca sĩ Ngọc Hà, hiền thê của Giáo Sư Nhạc Sĩ Lê Văn Khoa, đặc biệt hát  Nắng Chiều, lời Hoa thật hay.

    Xin được Nhắc lai …Bắt đầu năm 2015 Nhân Văn Nghệ Thuật được thành lập và lớn mạnh trong tình thương yêu thật lòng của những người bạn quay quanh bên nhau, cùng chia sẻ niềm vui qua văn thi nhạc và hội họa. Nhóm bạn NVNT-TTG này không có mục đích khoe khoang hay tranh tài gì cả.

    Những bài thơ của tôi được phổ nhạc. Tôi xin được nói là bài “Nhớ Anh Mùa Phượng Tím”, “Mẹ Ru Con”,  “Tình Đã Nhạt Phai” đã được nhạc sĩ Lâm Dung giúp phổ nhạc thật thành công.

    Tôi cũng xin được nói vài lời về ca nhạc sĩ Lâm Dung người đã phố biến và hát nhiều bài thơ của Nga (do GS TS nhạc sĩ Nguyễn Tuấn ) phổ nhạc. Trong đó  nhiều bài đáng  kể do ca sĩ Lâm Dung  hat  . Ba bài “Mùa  Động Nhớ Em”  “ Mùa Xuân Nói Với Em , “ Đêm Mưa”.  Ca sĩ Lâm Dung đã đưa những bài hát này vào lòng của hàng ngàn thính giả các nơi.  Tôi xin trân trọng cảm ơn ca Ns Hồng Tước và ca nhạc sĩ Lâm Dung.

    Trong chương trình Kỷ Niệm 8 năm NVNT-TTG. August 6, 2023 tại Blue Restaurant. Đó là một ngày vui, đúng nghĩa là kỷ niệm. Trong hội trường đã có mặt Tâm An, Đài TV Chính Nghĩa VNCH và Nv Pham Gia Đại của một Đài TV tại Orange County. Tôi thấy ký giả Kiều Mỹ Duyên và các nhiếp ảnh viên chuyên nghiệp. Quan khách lần lượt đến. Tôi xin kể một vài nhân vật như là GS Lê văn Khoa và phu nhân Ngọc Hà, GS Trần Huy Bích, nữ sĩ Dương Hồng Anh, Nv Nguyễn Quang, nữ  tài từ điện  ảnh Kiều Chinh nhà văn Lương Trần , Nv Vũ Lang và Sử gia  Phạm Trần Anh. Ông Hoàng Đình Khuê, Chủ Tịch đảng Tân Đại Việt.  Ông John Tạ, Giám Đốc Princess Life Style.

    Gs Thái Phạm , GS Dương Sum, Nv Nguyễn Quang, Nv Mắt Nâu và rất nhiều  quan khách mà tôi chưa có  thể kể hết .  Cho tôi xin lỗi.

    Các vị sáng lập gồm NV Việt Hải, GS Trần Mạnh Chi, Hoa sĩ Lưu Anh Tuấn anh Ngô Thiện Đức  và nhà văn Lý Tòng Tôn .

    Tôi rất cảm động về sự làm việc không vụ lợi đã làm nên những thành công cho những cây viết với các tác phẩm ra đời trong 8 năm qua. Trong đó có những tác phẩm và nhiều Chương trình RMS. Tôi xin kể một vài sinh hoạt như :

    – RMS. Thơ Cao Mỵ Nhân 2016

    – Ra Mặt Sách của  GS Âm Nhạc Trần  Quang Hải – đến từ Pháp, tại đại học Cal State   Long Beach, .2019

    – Họp mặt  đón GS TS Nv Trần Cảnh đến từ Paris vào dịpThanksgiving2 019

    – Năm 2020, thăm tại nhả và được tham Khảo Sách Khoa Học  với GS Khoa Học Gia Nguyễn Xuân Vinh, được nghe về huyền  thoại quyển “Sách Đời Phi Công”.

    – Những buổi tiệc Sinh Nhật và Vinh Danh nhạc sĩ Lam Phương 2018.

    –  Buổi văn Nghệ Nắng Chiều năm 2017.

    – Buổi Nhạc mừng SN ns Tuấn Khanh  2019

    –  Xuất bản và RMS ns Lê Trong Nguyễn . 2018

    – RMS Ngọc Cường và Từ Dung , Hậu Duệ  Tự Lực Văn Đòan 2020.

    –  RMS. Nv Khánh Lan 2021, 2023

    –  RMS nữ sĩ Dương Hồng Anh và  nhà thơ Lê Nguyễn Nga 2022 .

    – Mừng SN 93 NV Nguyễn Quang và Kỷ Niệm Giỗ năm thứ 6 nữ sĩ Minh Đức  Hoài  Trinh  6/ 2023.

    Trong 2 năm  qua NVNT luôn tổ chức đi sinh hoạt văn nghệ kết hợp du lịch xa như San Jose, Arizona v.v

    – Năm 2022, mừng kỷ niệm 25 năm “Từ Cánh Đồng Mây” và du lịch viếng Napa Valley thật vui . Phần hướng dẫn du lịch do Lưu Mạnh Bổng quán xuyến. Anh LMB là một ca sĩ với giọng  hát điêu luyện truyền cảm của đoàn chúng tôi.

    NVNT-TTG luôn hoạt động mừng tuổi thọ các bậc trưởng thượng như nữ sĩ Dương Hồng Anh, GS Lê văn Khoa , GS Dương  Ngọc Sum và các Van thì nhạc sĩ tiền bối.  v.v.

    – Nhóm NVNT – TTG Đặc biệt luôn sinh hoạt cùng nhau, Đón Mừng Giáng Sinh và Năm Mới cùng những dịp kỷ niệm vui trong năm.

    Trong buổi tiệc Mừng 8 năm thành lập NVNT-TTG -8/6/ 2023.

    Chúng tôi thật hàn hạnh có sự góp mặt  của các  ban văn nghệ sĩ đến  từ Paris như ca sĩ Quốc Bảo, GS Thái Pham, đến từ San Jose.

    Điểm thành công là nhờ Ban Tổ Chức  thật  chu đáo và có sự ủng hộ của những  người bạn tốt bụng.  Chương Trình Văn  Nghệ   thật ý nghĩa và long trọng.

    Bài nhạc mở đầu là Phút Chan Hòa. Thơ của nv Viêt Hai, Ns  Hồng Tước  phổ nhạc.  được trình bày bởi 4 ca sĩ Hồng Tước, Lâm Dung , Ngọc Qùynh va Ái Liên cùng  hát, nói lên lòng mong ước một tình bạn chân thành, thật  tuyệt vời.

    Nhiều bài nhạc tiếng Việt , tiếng Anh và nhạc Pháp được các ca sĩ trình diễn và dance như  là Ô Mê Ly, Ghé Bến Saigon,  I Will Survive.  Histoire d’un Amour, Capri c’est Fini, Fallen Leaves, Dancing All Night và nhiều nữa liên tiếp hát và khiêu vũ cho đến phút cuối giờ.

    Bài hát để cắt bánh Mừng Sinh Nhật 8 năm của Nhóm NVNT-TTG. Thật vui và chân thành chúc nhau tình yêu và sức khỏe vì “60 năm cuộc đời” em ơi ta sống là bao!

    Và thời gian trôi qua không bao giờ trở lại.

    Không khí vui đầy tình người ở lứa tuổi cao niên, trung niên và các em trẻ tuổi.  Các quan khách chụp hình kỷ niệm khi đến và trước khi quan khách chia tay.  Một không khí đầm ấm, vui vẻ chan hòa tinh thương thật đáng ghi nhớ .

    Ban nhac với  các nhac sĩ tài danh và chuyện  nghiệp đã đem lại cho quan khách những giờ thoải mái. Phần ẩm thực với đầy đủ các món ăn ngon miệng. Trái cây bánh và nước giải khát giúp thêm sức khỏe.

    Buổi kỷ niệm NVNT và TTG 8 năm đã đem lại tình bạn, tình yêu văn nghệ thêm đậm đà.

    Nhìn lại 8 năm NVNT đã đi được đoạn đường tuy chưa dài lắm, nhưng những hoạt động nói kết liên tục đã là thành quả kỷ công vượt bực do những cố gắng không ngừng với những tấm lòng xây dựng cho một tinh bạn chân thành .

    Chỉ có tình thương mới vượt qua được những trở ngại trong quá trinh 8 năm qua.  Nhìn thành quả thật huy hoàng và không tưởng. Đó thật là một hạnh phúc của nhóm bạn chúng tôi như là trong một giấc mơ.

    Lê Nguyễn nga, August 2023

  • Văn Thơ

    NHỮNG CHỮ THƯỜNG HAY BỊ VIẾT SAI CHÍNH TẢ


    BÀI VIẾT CỦA PHAN LỤC
    (Trích từ Tạp Chí Dân Văn)

    * Bàng quan và bàng quang
    Bàng quan nghĩa là làm ngơ, đứng ngoài cuộc, xem như không dính líu gì đến mình. Bàng quang nghĩa là cái bọng đái.

    * Biếng nhác và hèn nhát
    Người miền Nam phát âm hai tiếng nhác và nhát như nhau nhưng về chính tả thì phải phân biệt: nhác dùng cho biếng nhác, lười nhác, nhác trông, nhác thấy, nháo nhác, nhớn nhác và nhát dùng cho hèn nhát, nhát gan, nhát dao, nói nhát gừng.

    * Bóc và bốc
    Bóc lột nghĩa là chiếm đoạt thành quả lao động của người khác (ví dụ: địa chủ bóc lột sức lao động của nông nô thời phong kiến), còn viết bốc lột là sai chính tả.

    * Chia sẻ khác với chia xẻ
    Chia sẻ nghĩa là cùng chung chịu khổ đau hoặc cùng chung hưởng sung sướng (chia sẻ vui buồn). Còn chia xẻ nghĩa là cắt thành nhiều mảnh, làm cho không còn nguyên vẹn (chia xẻ lực lượng), khác với chia rẽ (dấu ngã) nghĩa là gây mâu thuẫn, mất đoàn kết.

    * Chiều hay chìu?
    Chiều (viết có ê) trong mọi trường hợp: chiều chuộng, chiều ý, chiều hướng, ngược chiều, buổi chiều… Viết chìu là vô nghĩa vì không có chữ này trong tự điển tiếng Việt.

    *Chửi hay chưởi?
    Chửi là chửi rủa hay chửi mắng. Còn chữ chưởi không có trong từ điển tiếng Việt.

    * Cúi và cuối
    Cúi có nhiều nghĩa: 1. Hạ thấp đầu hoặc thân mình xuống hướng về phía dưới (cúi đầu, cúi khom lưng) 2. Con cúi (nói tắt) tức là dải bông cuốn lại thành sợi hoặc cuộn rơm để giữ mồi lửa. Còn cuối (có chữ ô) nghĩa là sau cùng.

    * Dòng không phải giòng
    Dòng có nghĩa là kế tiếp không dứt đoạn như dòng sông, dòng nước, dòng điện, dòng thơ, dòng họ, dòng dõi, dòng giống v.v… chứ không có chữ giòng trong tự điển tiếng Việt.

    * Dở và giở
    Dở có nhiều nghĩa: 1. Không hay (dở ẹc) 2. Chưa xong, chưa hoàn thành (dở dang) 3. Không dứt khoát (dở dở ương ương, dở khôn dở dại, dở ông dở thằng…). Còn giở có nghĩa là: 1. Mở ra cái đang gấp xếp hoặc bao gói (giở sách, giở gói hàng…) 2. Dùng đến biện pháp không hay để đối phó (giở trò lừa bịp, giở giọng, giở mặt, giở quẻ)

    * Dục bỏ:
    Đây là lỗi chính tả do người miền Nam viết theo giọng nói của mình. Đúng ra là “vụt bỏ” nghĩa là vứt xa một vật gì không còn dùng nữa.

    * Gác không phải gát
    Gác có nhiều nghĩa: 1. Canh gác 2. Tạm để sang một bên, không nghĩ đến (chuyện đời gác bỏ một bên) 3. Tầng nhà trừ tầng trệt (lầu son gác tía) 4. Đặt ngang lên trên (gác chân) 5. Vật gồm nhiều thanh tre hoặc gỗ xếp khít nhau treo lên cao để xếp đồ vật trong nhà (gác bếp). Chữ gát tuyệt nhiên không có trong tự điển tiếng Việt.

    * Giành hay dành?
    Giành là giành giựt, tranh giành. Còn dành là dành dụm, để dành.

    * Giẫm hay dẫm?
    Giẫm có nghĩa là đặt bàn chân mạnh lên. Không có chữ dẫm trong tự điển tiếng Việt.

    * Giấu giếm hay dấu diếm?
    Có hai từ dấu. Một có nghĩa là yêu (ví dụ: yêu dấu). Từ kia có nghĩa là vết (ví dụ: dấu vết).
    Giấu và giấu giếm đều có nghĩa là cất kín, giữ kín, không cho ai biết (Bonet, 1999:223 ; Huình Tịnh Của Paulus, 1896a:375, Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:219).
    Dấu và dấu diếm là cái dấu, đồ để làm dấu (Huình Tịnh Của Paulus, 1896a: 233)
    Hiện nay có nhiều người viết dấu kín, dấu nhẹm, che dấu… là sai chính tả.

    * Giùm hay dùm?
    Từ điển xưa nay chỉ có giùm, không có dùm nhưng hiện nay trên Internet, số trang viết sai chữ này đã nhiều gấp đôi số trang viết đúng.

    * Góa không phải giá
    Góa hay ở góa là tình trạng của người mất vợ hoặc mất chồng. Giá nghĩa là gả con gái đi lấy chồng (giá thú, xuất giá, tái giá). Dân gian thường gọi người mất vợ hoặc mất chồng là ở giá hoặc bà giá thì hoàn toàn không đúng.

    * Góc và gốc
    Góc là một phần mặt phẳng giới hạn bởi 2 nửa đường thẳng (góc nhọn, góc bẹt, góc độ, góc học tập, góc biển chân trời…) Gốc là phần dưới cùng của thân cây hoặc là nền tảng, cơ sở (gốc cây, gốc rễ, gốc gác…). Có nhiều người đã nhầm lẫn 2 chữ này cũng như giữa chữ o và ô ở các trường hợp khác như: khăn đóng chứ không phải khăn đống, chóng mặt chứ không phải chống mặt,

    * Ín không phải ính
    Người miền Nam thường viết theo giọng nói nên mới sai chính tả như chín viết thành chính (chín chắn), tín viết thành tính (uy tín), kín viết thành kính (kín đáo) v.v… hoặc ngược lại chính xác viết thành chín xác (9 xác)…

    * Lát hay lác?
    Lát (tận cùng bằng t) có nhiều nghĩa: 1. Miếng mỏng xắt từ nguyên chiếc (lát gừng, lát thịt…) 2. Một thời gian ngắn (đợi một lát) 3. Đặt và gắn gạch hay ván gỗ thành một mặt phẳng (đường lát gạch, nền nhà lát gỗ…). Lác cũng có nhiều nghĩa: 1. Hắc lào 2. Lé (con ngươi của mắt lệch về một bên) 3. Cây cói (chiếu lác) 4. Dùng trong lác đác nghĩa là thưa thớt, mỗi nơi một ít hoặc thỉnh thoảng mới thấy.

    * Láu cá không phải láo cá
    Láu cá nghĩa là ranh ma chứ không có tiếng láo cá. Nhiều người miền Nam thường nhầm lẫn viết au thành ao hoặc ngược lại.

    * Lễ lạt hay lễ lạc?
    Lễ lạt (tận cùng bằng chữ t) nghĩa là các cuộc lễ hoặc các thứ lễ vật. Nhiều người viết lễ lạc vì tưởng lễ phải đi với lạc nghĩa là vui (lạc thú) là sai chính tả.

    * Lụt không phải lục
    Người miền Nam viết theo giọng nói nên viết sai lục lội hoặc con dao bị lục thay vì lụt lội hoặc con dao bị lụt.

    * Lượt và lược
    Lượt nghĩa là lần và dùng trong lần lượt, lượt là, lượt mượt lượt thượt. Còn lược dùng trong nghĩa lọc lấy tinh chất (lược cà phê), cái lược chải tóc, giản lược, sơ lược, lược thuật, lược khảo, sử lược, sách lược, chiến lược…

    * May mắn không phải mai mắn
    May mắn (tận cùng bằng chữ y) nhưng người miền Nam thường hay viết nhầm là mai mắn.

    * Nửa và nữa khác nhau thế nào?
    Người miền Nam thường gặp nhiều khó khăn khi phải phân biệt hỏi ngã. Cách giải quyết căn bản là dựa vào nghĩa của từ để nhớ mặt chữ: nửa, nghĩa là 1/2, luôn luôn viết với dấu hỏi, còn nữa nghĩa là thêm, hơn, tiếp tục thì viết với dấu ngã. Có thể đặt ra mẹo để nhớ: gặp phân nửa thì đừng viết ngã nữa.

    * Quàn và quàng
    Quàn nghĩa là đặt tạm linh cửu ở một nơi trước khi làm lễ mai táng (nhà quàn). Còn quàng có nhiều nghĩa: 1. Ôm hoặc vòng tay qua cổ hay vai người khác 2. Mang vật mỏng vào người (quàng khăn, quàng áo mưa…) 3. Vướng mắc khi đang đi (Đi đâu mà vội mà vàng, mà vấp phải đá mà quàng phải dây) 4. Bất chấp đúng sai, phải trái (nói quàng nói xiên).

    * Sá hay xá?
    Sá dùng cho đường sá, sá chi, sá kể, sá quản. Còn xá dùng cho ân xá, xá tội, bệnh xá, ký túc xá, xá xị, xá xíu, xá ba xá (= lạy).

    * Sáp nhập không phải sát nhập
    Sáp nhập nghĩa là nhập nhiều tổ chức vào làm một. Viết sát nhập là sai chính tả.

    *Se hay xe?
    Se nghĩa là khô bớt nước trên bề mặt, cũng dùng khi nói về khí trời hơi lạnh (se se lạnh) hoặc se sua (chưng diện làm dáng). Còn xe nghĩa là xoắn kết nhiều sợi nhỏ lại thành một như xe tơ, xe chỉ, xe cói…

    * Sớn sác hay xớn xác?
    Sớn sác nghĩa là vô ý, bộp chộp, không trông trước trông sau. Viết xớn xác là sai chính tả.

    * Suôn sẻ hay suông sẻ?
    Suôn nghĩa là thẳng liền một đường (Nguyễn Kim Thản 2005:1421). Nói suôn là nói trôi chảy, không vấp váp, khác với nói suông là nói mà không làm. Người Bắc phân biệt hai từ suôn và suông rất dễ dàng. Người Nam phát âm hai từ như một và khi không biết mình muốn nói gì thì viết tuốt là suông mặc dù từ điển chỉ có suôn sẻ chứ không có suông sẻ.

    * Sử dụng hay xử dụng?
    Từ dùng đúng là sử dụng nhưng người miền Bắc thường lẫn lộn giữa s và x nên viết là xử dụng.

    *Tắc và tắt
    Tắc dược dùng trong ách tắc, bế tắc, tắc tị, tắc cống, tắc trách, nguyên tắc, phép tắc, quy tắc, xã tắc, tắc họng, tắc lưỡi ,.. nhưng tắt dùng trong tắt lửa, tắt đèn, tắt hơi, tắt mắt, viết tắt…

    * Tụt và tuột
    Tụt có nhiều nghĩa: 1. Lùi lại phía sau (tụt hậu, tụt dép, tụt quần, tụt lại sau hàng quân, tụt dốc… …) 2. Giảm về số lượng, mức độ (nhiệt độ tụt xuống) 3. Bám vào vật gì rồi tự buông mình xuống dần dần (tụt từ trên cây xuống). Còn tuột cũng có nhiều nghĩa: 1. Bị rời ra khỏi, không giữ lại được (tuột tay làm rơi bể cai chén) 2. Rời khỏi một cách mau lẹ và dứt khoát (rơi tuột xuống hang).

    * Tr và Ch
    Người miền Bắc lẫn người miền Nam vẫn có người viết sai giữa 2 vần nầy, ví như trọn tình (mối tình trọn vẹn) khác với chọn tình (chọn lựa mối tình) hoặc cạnh tranh chứ không phải cạnh chanh v.v…

    * Uơn và ươn
    Huờn (u-ơ-n) đọc là hu-ờn có 2 nghĩa: hoàn = trả lại và hoàn = viên tròn (thuốc đông y), nếu viết lộn hườn (ư-ơ-n) thì đọc như ‘hường’.
    Huỡn (u-ơ-n) đọc là hu-ỡn có 2 nghĩa: 1. Hoãn = chưa làm ngay (hoãn cuộc họp) 2. Rảnh rỗi, nếu viết hưỡn (ư-ơ-n) thì đọc như ‘hưỡng’.
    Cũng như chữ “nguyên” vì sợ phạm húy (thời phong kiến) nên viết là nguơn (u-ơ-n) chứ không phải viết là “ngươn”.

    * Xán lạn và sáng lạn
    Xán lạn nghĩa là sáng sủa, rực rỡ (tương lai xán lạn), viết sáng lạng là sai chính tả. Có chữ gần giống là sáng láng có nghĩa là rất sáng (đôi mắt sáng láng), thông minh (đầu óc sáng láng).

    * Xăm và xâm
    Xăm có nhiều nghĩa: 1. Dùng mũi nhọn xiên vào thứ gì (xăm gừng, xăm mứt) 2. Dùng kim châm vào người thành một hình vẽ rồi bôi thuốc lên (xăm mình, xăm tay) 3. Quẻ thẻ dùng dể xin thần thánh ứng cho biết tương lai (đi xin xăm ở Lăng Ông). Còn xâm cũng có nhiều nghĩa: 1. Lấn sang phạm vi khác (xâm lấn, xâm lăng, xâm canh…) 2. Ở trạng thái bị chóng mặt (bị xâm vì say nắng).

    * Xoay xở không phải xoay sở
    Xoay xở nghĩa là làm mọi cách để giải quyết được khó khăn. Viết xoay sở là viết sai chính tả. Nhiều người, nhất là người miền Bắc, thường hay nhầm lẫn giữa chữ x và chữ s.

    * Xui, xuôi và sui
    Xui có nhiều nghĩa: 1. Xui xẻo 2. Xui khiến (trời xui đất khiến) 3. Dùng trong xui bẩy, xui dại, xui giục (xúi bẩy, xúi dại, xúi giục). Còn xuôi có nghĩa là: 1. Trái với ngược (xuôi dòng nước)
    2. Suôn sẻ, thuận lợi (việc gì cũng xuôi cả). Và sui tức là sui gia có nghĩa là gia đình của dâu hoặc rể mình. Có nhiều người nói và viết nhầm là xui gia, anh xui, chị xui… (vậy là gia đình này xui xẻo rồi!).

  • Văn Thơ,  Vương Trùng Dương

    Love Story, Bản Tình Ca Bất Hủ & Chuyện Tình Muôn Thuở

    Trong bài thơ Ngập Ngừng của nhà thơ Hồ Dzếnh, in trong thi phẩm Quê Ngoại năm 1943, đến nay đã tròn 80 năm. Trong đó có mấy câu, nhiều người đã nhớ:

    “Tình mất vui khi đã vẹn câu thề

    Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở

    … Cho nghìn sau… lơ lửng với nghìn xưa”.

    Tập thơ nầy đã tái bản ở Sài Gòn năm 1969, và bài thơ được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phổ nhạc thành ca khúc Chuyện Hẹn Hò, nhạc sĩ Anh Bằng phổ thành bài hát Anh Cứ Hẹn… Ngoài ra, vài bài thơ của ông đã phổ nhạc: Hoa Mẫu Đơn (Anh Bằng) “Ước chi sống lại thời xưa ấy. Để ta trẻ mãi, để hẹn nhau”, Chiều (Dương Thiệu Tước) “Nhớ nhà châm điếu thuốc. Khói huyền bay lên cây”.

    Trong ca khúc Khi Đã Yêu của nhạc sĩ Phượng Linh (Nguyễn Văn Đông) có câu: “Bao ước mơ còn trong đợi chờ. Cho nghìn sau nối lại nghìn xưa”.

    Từ xưa đến nay và Đông, Tây có nhiều tác phẩm đề cập đến tình yêu ngang trái (diabolik lovers), đó cũng là lẽ thường tình trong cuộc sống. Trong các bộ tiểu thuyết kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung trong chốn võ lâm, thu hút độc giả không chỉ chuyện đấu chưởng, kiếm pháp, bí kiếp độc tôn thiên hạ… mà những mối tình ngang trái. Không có mối tình nào ngang trái trong đời sống đầy oan nghiệt như trong truyện kiếm hiệp. Nào là cuộc tình xảy ta giữa hai phái hắc/bạch, thù hận không đợi trời chung giữa các môn phái, hận thù chủng tộc, hiềm khích bởi là con, đệ tử của kẻ thù, cuộc tình tay ba ôm hận trong lòng… (Hai thập niên trước, tôi có viết về Những Mối Tình Ngang Tái Trong Tác Phẩm Kim Dung). Chính những cuộc tình ngang trái oái ăm nầy đã lôi cuốn độc giả từ chương nầy đến chương khác.

    Ngày 16/12/1970, phim Love Story (Chuyện Tình) với nhạc phẩm chủ đề của Francis Lai được trình chiếu đầu tiên ở Hoa Kỳ thu hút khán giả trong 4 tuần liên tục. Nhiều nhà phê bình cho rằng của Love Story là bản nhạc xuất sắc, xứng đáng được liệt vào hàng kiệt tác. Theo bình chọn của American Film Institute, nhạc phẩm Love Story của Francis Lai, nằm trong 100 bản nhạc phim hay nhất mọi thời đại. Nhạc phim Love Story đứng hạng thứ 9, chỉ thua các nhạc phim kinh điển như Casablanca, Cuốn Theo Chiều Gió, West Side Story, Bác Sĩ Zhivago… nhưng lại vượt qua mặt My Fair.

    Phim Love Story lần đầu tiên được chiếu tại rạp Rex ở Sài Gòn vào tháng 3/1971, khán giả đông nghẹt suốt 6 tuần lễ, hầu hết ở giới trẻ… tuy thời kỳ chinh chiến nhưng trào lưu lãng mạn từ phương Tây dã ảnh hưởng đến miền Nam VN vào thập niên 1960s.

    Tác phẩm Love Story, tiểu thuyết lãng mạn của nhà văn người Mỹ Erich Segal, nhà xuất bản Harper & Row, ra mắt đúng ngày Lễ Tình Yêu, 14 tháng 2 năm 1970. Tác phẩm gồm 22 chương, vừa ấn hành đã thuộc loại best seller, bán chạy nhất trong năm 1970 tại Mỹ và được dịch ra hơn 25 ngôn ngữ (Chuyện Tình qua bản dịch của Phan Lệ Thanh).

    Thông thường thì đạo diễn dựa vào tác phẩm ăn khách để dựng thành phim nhưng kịch bản của Erich Segal viết cho hãng phim Paramount Pictures về cuộc tình lãng mạn và bi thương giữa đôi tình nhân trẻ Oliver (tài tử Ryan O’Neal) và Jenny (minh tinh Ali MacGraw) thời còn sinh viên. Sau đó, hãng Paramount Pictures và đạo diễn Arthur Hiller đã yêu cầu Erich Segal viết thành tiểu thuyết để giới thiệu với độc giả, vì vậy tác phẩm xuất hiện cùng năm 1970, trước khi phim ra mắt.

    Nhạc sĩ người Pháp Francis Lai (1932-2010) theo học tại đại học Harvard, Yale ở Hoa Kỳ, giáo sư văn học ở đại học Princeton, Dartmouth… đại học Oxford ở Anh, đại học Munich ở Đức. Nhưng tên tuổi ông lừng lẫy với nhạc sĩ sáng tác, khoảng 600 nhạc phẩm và hơn 100 ca khúc cho phim.

    Phim Love Story được đề cử 7 giải Oscar năm 1970 nhưng chỉ đoạt được 1 giải cho nhạc phim. Lúc đó, nhạc phim không có lời, khi phim được trình chiếu, lời của Carl Sigman (dựa theo tình tiết trong phim để viết thành ca khúc) với tiếng hát của danh ca Andy Williams trở thành tình khúc bất hủ.

    Tại giải Trái Cầu Vàng 1971, phim Love Story được đề cử 7 giải (phim hay nhất, đạo diễn, kịch bản, nam nữ diễn viên vai chính, nam diễn viên vai phụ, nhạc phim) và đoạt 5 giải (phim hay nhất, đạo diễn, kịch bản, nữ diễn viên vai chính, và nhạc phim).

    Trong khi đó tác phẩm Love Story, chỉ là truyện vừa vì khoảng 130 trang, được bán chạy nhất ở Hoa Kỳ và qua các bản dịch cũng thuộc loại best seller nhưng không có nhà phê bình văn học nào ca ngợi đến nó.

    Điều trùng hợp giữa nhạc sĩ Francis Lai và nhà văn Erich Segal đều mất cùng năm 2010.

    Theo lời kể của nhạc sĩ Francis Lai, nguồn cảm hứng của ông tìm được khúc nhạc Love Story vào lúc nửa khuya. Ca khúc Love Story với giai điệu và tiết tấu nhẹ nhàng, khoan thai, lâm ly, réo rắt… hình dung được nỗi buồn man mác.

    Nhạc phẩm Love Story của Farncis Lai được Phạm Duy chuyển sang ca khúc Chuyện Tình, ấn hành trước năm 1975, in cả 3 tiếng Việt, Pháp và Anh.

    “PK: Biết dùng lời rất khó, để mà nói rõ

    Ôi biết nói gì, cuộc tình lớn quá

    Chuyện tình đáng nhớ, tuy cũ như là biển già trắng xoá

    Cuộc tình quý giá như những ngọc ngà nàng dành cho ta

    Ôi biết nói gì ?

    Với một lời quý mến, mà nàng nói đến

    Khi bước chân vào cuộc đời vắng ngắt

    Cuộc tình thứ nhất, muôn kiếp muôn đời là tình vĩnh viễn

    Vì nàng đã hiến đôi cánh tay mềm nghìn đời quyến luyến

    ĐK: Lòng ta đầy kín, lòng ta đầy kín

    Là muôn nghìn chuyện yêu đương, câu hát thần tiên

    Và những mộng huyền mênh mang, đầy kín hồn hoang

    Man mác tình duyên

    Thôi hết cuộc đời im tiếng

    Ðời lẻ loi đã tan, ta đã được nàng

    Làm gì còn tiếng than, nắm đôi tay thiên thần

    Ði suốt mùa Xuân…

    PK: Sẽ còn được biết mấy? Một đời luyến ái

    Yêu sẽ lâu dài hoặc là quá ngắn? Thật là khó đoán

    Nhưng vẫn cho rằng cuộc đời có hết, loài người có chết

    Sao sáng trên trời ngày nào sẽ tắt

    Em vẫn gần ta!”

    Với cuộc tình bi thương muôn thuở, tác phẩm Love Story của Erich Segal cũng na ná như những tác phẩm cổ điển với cuộc tình thơ mộng của giới trẻ nhưng gặp ngang trái bởi gia đình còn quan niệm lạc hậu “môn đăng hộ đối” (Oliver, con nhà quý tộc, Jenny giai cấp bình dân, gốc Italy, thân phụ là tù binh Italy, được đưa sang Mỹ và sau đó xin lưu trú) nhưng với sức mạnh của tình yêu đã vượt qua vòng cương tỏa đó. Cuối cùng khi Jenny sang Paris, tiếp tục theo học cao học về âm nhạc nhưng không may bị bệnh hoại huyết (leukemia) không có tiền chữa trị. Oliver ở Hoa Kỳ linh cảm điều gì không may xảy ra cho người yêu nên sang Paris, nhưng Jenny từ chối việc nhờ vả bên gia đình chồng và chỉ cần được sống những ngày cuối đời bên nhau.

    Khi ông Barett, cha của Ollier biết được hoàn cảnh bệnh tình của Jenny và con trai xin tiền chữa trị cho vợ, ông mang theo số tiền lớn cho con, nhưng đã muộn.

    Tại bệnh viện, Oliver gặp cha, cho biết “Jenny chết rồi!”. Ông Barett tỏ lời ân hận, nhưng đã muộn!. Bóng tối phủ kín!. (Nếu) Jenny được cứu sống thì không có 3 tác phẩm (truyện, phim và ca khúc) để lại cho đời. Trước đó chuyện tình Lan & Điệp trong tác phẩm Tắt Lửa Lòng của nhà văn Nguyễn Công Hoan (1933), với ca khúc của các nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng. Và, tuồng cải lương làm đẫm lệ. Hay chuyện tình Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài vào thế kỷ thứ tư đời Đông Tấn với tuồng cải lương buồn da diết.

    Thấm thoát đã gần sáu thập niên, lúc đó ở phố cổ Hội An, người bạn thân với tôi đang có mối tình rất đẹp với cô nữ sinh học dưới hai lớp, khi anh khoác áo chiến y thì gia đình ngăn cấm không muốn con gái sớm chít khăn tang, cuộc tình tan vỡ! Anh tình nguyện phục vụ trong đơn vị tác chiến ở núi rừng Tây nguyên, nơi đó sống chết với đồng đội cho bớt cô đơn “Nhưng không chết người trai khói lửa. Mà chết người em nhỏ hậu phương” (Chuyện Hoa Sim – Anh Bằng). Thời gian trôi qua với bao thăng trầm nhưng “cái thuở ban đầu” đó vẫn “Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên” (Thế Lữ). “Aimer c’est mourir un peu!.. C’est la vie”.

    Nay quý cụ, tuổi già thường mất ngủ, trằn trọc làm gì cho khổ tâm, lấy iPhone, vào YouTube, hoài cố nhân với Love Story “Cố nhân xa rồi, có ai về lối xưa” (Hoài Cảm – Cung Tiến) và cho giấc mơ “lơ lửng với nghìn xưa”.

    Vương Trùng Dương, Little Saigon Aug 202

    Nghe nhạc phẩm Love Story với tiếng violin & Piano

  • Dương Viết Điền,  Văn Thơ

    RƯỢU QUA THI CA VIỆT NAM

    Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,

    Dục ẩm, tì bà mã thượng thôi.

    Túy ngọa sa trường, quân mạc tiếu,

    Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

    (Rượu đào chén ngọc kề môi,

    Chớm say, nhạc đã giục người ra đi.

    Sa trường say khướt cười chi?

    Xưa nay chinh chiến mấy khi trở về!)

                                        (Chi Điền dịch)

    Nhan đề của bài thơ trên đây là Lương Châu từ (Bài hát Lương Châu) của thi sĩ nổi tiếng Vương Hàn đời nhà Đường bên Trung quốc. Trong những giờ rỗi rảnh ở chốn sa trường, binh lính thường hay uống rượu để tiêu sầu, để quên đi những tháng ngày xa gia đình, xa vợ xa con. Lắm lúc họ cũng uống để quên đời vì nghĩ rằng trong tương lai, không biết có trở lại quê nhà không hay là cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi. Nói chung, nhiều khi vì buồn chán một việc gì người ta hay uống rượu để quên đi những nỗi buồn da diết. Các nhà thơ cũng vậy, khi trong tâm hồn có những chuyện gì sầu tình lai láng, các thi nhân thường hay uống rượu để tiêu sầu. Bởi vậy mỗi lần đi đâu họ luôn luôn mang theo túi thơ và bầu rượu để làm bạn đường, lắm lúc cũng là bạn đời luôn. Người ta cho rằng trong số 2200 thi sĩ đời nhà Đường bên Trung quốc, hầu hết đều uống rượu hằng ngày. Các thi sĩ nổi tiếng về rượu phải nói là Thôi Hiệu, Giả Đảo, Vương Hàn, Lý Bạch, Đỗ Phủ v.v… Họ say sưa suốt ngày đêm, vừa uống rượu vừa làm thơ, vừa làm thơ vừa uống rượu. Lắm lúc đi chân xiêu bên nọ vẹo bên kia, chếnh choáng hơi men triền miên suốt năm tháng. Thời Ngũ Đại bên Trung Hoa khi soạn sách “Chính ngôn”, Vương Định Bảo đề cập đến thi sĩ Lý Bạch viết rằng: “Lý Bạch mặc áo cẩm bào, chơi trong sông Thái Thạnh (ở huyện Đang Đồ), ngạo nghễ tự đắc, xem như không có ai bên cạnh; nhân say rượu, nhảy xuống nước bắt bóng trăng rồi chết”. Còn thi sĩ Giả Đảo mỗi năm cứ đến đêm trừ tịch, ông đem tất cả thơ sáng tác trong năm đặt lên bàn, đốt hương vái lạy rồi rót một ly rượu thật đầy xong đổ xuống đất và nói rằng: “Đó là nỗi khổ tâm của ta trong suốt năm nay!”. Nói xong ông liền uống rượu, ngâm thơ cho đến lúc say túy lúy. Còn tại Việt Nam thì sao, các thi sĩ có hay uống rượu tiêu sầu, đêm ngày say túy lúy như các thi nhân đời nhà Đường nói trên hay không? Điểm qua một số thi sĩ của Việt Nam ta, ta thấy họ uống rượu cũng không phải là ít. Nhiều thi nhân say mèm suốt ngày đêm không kém gì các bợm rượu bên Trung Hoa đời Đường. Mặc dầu nhiều người dở duyên với rượu nhưng khi có ai mời thì sẵn sàng uống ngay, không từ chối:

    Trời đất cho ta một cái tài,

    Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.

    Dở duyên với rượu không từ chén,

    Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời.

    Cờ sẵn bàn sơn, xe ngựa đó,

    Đàn còn phím trúc, tính tình dây

    Ai say, ai tỉnh, ai thua được,

    Ta mặc ta, mà ai mặc ai.

         (Bài Cầm kỳ thi tửu” của Nguyễn Công Trứ)

    Bởi vì trót đã khuya sớm với ma men, trót đã nghiện rượu triền miên nên nhà thơ ngày đêm vẫn uống rượu cho dù mặc người đời khen hay chê thì cứ bỏ ngoài tai thôi, miễn sao vào vòng cương tỏa chân vẫn không vướng, tới cuộc trần ai, áo cũng chẳng hoen:

    Trót đà khuya sớm với ma men,

    Mặc kệ người chê, mặc kệ khen.

    Ngó lại hàng rào hương cúc lộn,

    Trông ra cửa sổ bóng trăng chen.

    Vào vòng cương tỏa chân không vướng,

    Tới cuộc trần ai áo chẳng hoen.

    Cứ những ai hay tình thú ấy,

    Có chăng Bành Trạch với Thanh Liên

         (Bài “Uống rượu tự vịnh” của Nguyễn Công Trứ)

    Bởi vì uống rượu thì phải say và đành chấp nhận tiếng say. Khi say thì sẽ quên đời, quên những nỗi buồn man mác chia phôi đang tung hoành và giày xéo tâm hồn. Vì vậy mà buồn ruột cho nên men phải nhấp, vui với ma men thế mà hay để rồi khi ma men tác oai tác quái trong cơ thể, hai tay bắt đầu quờ quạng vơ đũa, vơ chén trước mặt; lắm lúc say mèm nằm gục đầu bên cạnh mâm thức ăn mà ngủ li bì không ngồi dậy được:

    Đời này thực tỉnh những ai đây?

    Ai tỉnh cho ta chịu tiếng say.

    Buồn ruột cho nên men phải nhấp,

    Dở mồm nào biết giọng là cay.

    Bạn cùng quỉ dẫy chi cho bận,

    Vui với ma men thế cũng hay.

    Ngất ngưởng hai tay vơ đũa chén,

    Đố ai đã được cái say này.

           (Bài “Say rượu” của Trần Kế Xương)

    Có nhiều thi nhân vui với ma men vì nhung nhớ người yêu đã thành người thiên cổ. Vì thế càng nhớ người yêu càng say túy lúy. Nếu cổ chưa khô, đầu chưa nặng, mắt chưa hoa, thi nhân lại uống thêm rượu vào sao cho cổ nóng lên như có lửa đang rực cháy, đầu nhức như búa bổ rồi thấy trời đất đang quay cuồng trước mặt. Lúc đó chàng đi xiêu bên nọ vẹo bên kia, miệng thốt lên liên hồi rằng say đi em! Say đi em! Say cho lơi lả ánh đèn. Thế rồi chàng quá say, chân chàng đã rã rời quay cuồng không được nữa, gối mỏi gần rơi, say rồi chàng không còn biết chi đời. Say như thế mà chàng vẫn thấy thành sầu vẫn chưa sụp đổ, nỗi buồn tê tái vẫn còn ngự trị trong lòng chàng!:

    Hãy thêm say, còn đó rượu chờ ta!

    Cổ chưa khô, đầu chưa nặng, mắt chưa hoa

    Tay mềm mại bước còn chưa chuếnh choáng.

    Chưa cuối xứ Mê Ly, chưa cùng trời Phóng Đãng.

    Còn chưa say, hồn khát vẫn thèm men.

    Say đi em! Say đi em!

    Say cho lơi lả ánh đèn

    Cho cung bực ngả nghiêng, điên rồ xác thịt.

    Rượu, rượu nữa, và quên, quên hết!

    Ta quá say rồi Sắc ngả màu trôi

    Gian phòng không đứng vững

    Có ai ghì hư ảnh sát bờ môi.

    Chân rã rời Quay cuồng chi được nữa

    Gối mỏi gần rơi

    Trong men cháy, giác quan vừa bén lửa

    Say không còn biết chi đời

    Nhưng em ơi, Đất trời nghiêng ngửa

    Mà trước mắt thành Sầu chưa sụp đổ;

    Đất trời nghiêng ngửa

    Thành Sầu không sụp đổ, em ơi!

         (Trong bài “Say đi em” của Vũ Hoàng Chương)

    Nhiều người uống rượu lâu ngày đến nỗi ghiền bỏ không được. Vì thế nhiều kẻ đã trở thành những ông nghiện rượu suốt đời. Họ uống hết ngày này sang ngày khác, tháng nọ đến tháng kia. Nhiều khi để thỏa mãn sự thèm khát, họ đưa chai lên miệng rồi “tu” một hơi cạn hết nửa chai! Thế rồi họ uống suốt tháng quanh năm không bao giờ ngưng được:

    Một năm mười hai tháng,

    Một tháng ba mươi ngày.

    Hũ lớn cạn, hũ bé cạn,

    Hay!

       (Bài “Người say rượu” của Phạm Đan Phượng)

    Chính vì uống rượu liên tu bất tận suốt đời ở dương gian như thế nên khi thác về dưới âm phủ, Diêm vương thấy anh chàng say rượu này mang kè kè bên mình một vật gì liền hỏi thì chàng ta trả lời rằng đó là cái BE!:

    Sống ở dương gian đánh chén nhè

    Thác về âm phủ cắp kè kè

    Diêm vương phán hỏi mang gì đó,

    Be!

    (Bài “Anh nghiện rượu” của Phạm Đan Phượng)

    Tuy nhiên không phải người nào uống rượu cũng muốn say mèm đề rồi đi chân bên nọ đá chân bên kia. Trái lại nhiều người uống rượu chỉ để tiêu sầu, hay mỗi lúc xuân về nhắp đôi ly rượu để đón xuân sang. Cũng có lúc chán chê đường danh vọng, họ chỉ muốn về quê vui thú điền viên. Thế rồi một tay cầm cuốc một tay cầm cần câu, họ tìm nơi vắng vẻ ngồi nhìn trời xanh mây trắng nắng hồng, lưng dựa vào gốc cây, miệng nhắp vài ly rượu hồng rồi thưởng thức cảnh thanh bình nơi miền hoang dã:

    Một mai một cuốc một cần câu

    Thơ thẩn dù ai vui thú nào

    Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

    Người khôn người đến chốn lao xao

    Thu ăn măng trúc đông ăn giá

    Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao

    Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp

    Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

                          (Nguyễn Bỉnh Khiêm)

    Thật thế, nhiều người uống rượu để ngồi nhìn thế thái nhân tình xảy ra trong đời như thế nào thôi. Vì thế ngày nào họ cũng uống lai rai năm ba ly nho nhỏ để rồi mang tiếng là uống rượu hay nhưng hay chẳng là bao nhiêu, nhiều khi mới nhắp năm ba chén đã say rồi:

    Rượu tiếng rằng hay hay chẳng mấy,

    Độ năm ba chén đã say nhè.

        (Trong bài: “Thu ẩm” của Nguyễn Khuyến)

    Vì có nhiều người mới uống một hai ly nhỏ đã thấy say ngà ngà rồi nằm ngủ luôn một giấc chẳng đụng chạm tới ai cả, nên người yêu thỉnh thoảng mua rượu cho chàng uống đề chàng say vài ba giờ cho đời thêm tươi mà trong lòng không có gì hậm hực hay buồn lòng:

    Đốt than nướng cá cho vàng

    Đem tiền mua rượu cho chàng uống chơi

                                        (Ca dao Việt Nam)

    Nhưng thường thường khi tửu nhập thì ngôn xuất, mà ngôn lại xuất lúc trí óc không sáng suốt nên lắm lúc nói năng lung tung, lời qua tiếng lại đụng chạm tha nhân làm mất lòng người. Đó là chưa nói đến những anh chàng say sưa suốt ngày suốt đêm, miệng luôn luôn lẩm bẩm những lời lẽ thiếu nhã nhặn, lắm lúc nói dai dẳng không bao giờ ngưng khiến ai cũng sợ nên phải tránh mặt:

    Ở đời chẳng biết sợ ai

    Sợ thằng say rượu nói dai cả ngày

                              (Ca dao Việt Nam)

    Ai cũng biết rằng khi say rượu thì không thể làm gì được cả. Bởi vì khi ma men đang điều khiển thì lý trí bị lu mờ làm sao có thể kiểm soát được mà chỉ thị cho cơ thể hành động. Cuối cùng đành phải bỏ dở công việc vì đầu nhức như búa bổ sau khi say tít cung thang:

    Ai ơi uống rượu thì say

    Bỏ ruộng trâu cày bỏ giống ai gieo.

                                (Ca dao Việt Nam)

    Đã thế, khi say lại nói năng đủ điều. Chuyện gì bí mật trong đời cũng cho tuôn ra ngoài như thác đổ. Thảo nào một nhà tư tưởng phương Tây đã nói rằng khi yêu và khi say rượu, người ta thường nói hết sự thật:

    Mang bầu đến quán rượu dâu

    Say sưa quên hết những câu ân tình.

                                   (Ca dao Việt Nam)

    Đã thế gặp lúc chuếnh choáng hơi men, người đi không vững, mặt mày đỏ lên khiến mọi người trông thấy ai cũng chê cười và nguyền rủa. Chính điểm này mà nhiều người muốn chừa không uống rượu nữa. Tuy nhiên nhiều lúc họ nghĩ rằng khi say rượu, tâm hồn họ thấy lâng lâng thích thú như đang bay bổng trên mây. Vì thế mà nhiều khi chừa cũng được nhưng họ lại chẳng muốn chừa!:

    Những lúc say sưa cũng muốn chừa,

    Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa.

    Hay ưa nên nỗi không chừa được.

    Chừa được nhưng mà cũng chẳng chừa.

            (Bài “Chừa rượu” của Nguyễn Khuyến)

    Nói thế không phải những người say rượu lỡ nghiện rồi không thể bỏ được. Mà nhiều người cũng có thể bỏ được khi họ bị dồn vào thế phải chọn lựa giữa việc bỏ rượu và bỏ cái khác ngon hơn rượu nữa. Cuối cùng họ đành quyết định bỏ rượu nhưng vẫn còn nằm trong ý nghĩ “may ra” hay là “họa chăng” mà thôi:

    Một trà một rượu một đàn bà

    Ba cái lăng nhăng cứ quấy ta

    Chừa được cái nào hay cái ấy

    Họa chăng chừa rượu với chừa trà.

                                   (Trần Kế Xương)

    Tóm lại, chẳng khác gì các thi sĩ bên Trung Hoa như Lý Bạch, Đỗ Phủ vv…, tại nước ta các thi sĩ cũng uống rượu như điên nên họ đã mang rượu vào trong thơ khiến lắm lúc khi đọc thơ, ta cứ tưởng ta cũng đang uống rượu rồi say mèm đến tít cung thang vậy.

    Dương viết Điền

  • Lê Nguyễn Nga,  Tin tức,  Văn Thơ

    NHỚ VỀ TRĂNG MỜ BÊN SUỐI VÀ TƯỞNG NIỆM NHẠC SĨ LÊ MỘNG NGUYÊN

    NHẠC SĨ LÊ MỘNG NGUYÊN

    Đầu tháng 7 nhận được tin buồn từ trang Web Cỏ Thơm do Chủ Nhiệm Phan Anh Dũng gửi đến các đọc giả. Đọc được hai chữ tưởng niệm NS Lê Mộng Nguyên (LMN) tôi cảm thấy rất buồn, dù biết rằng tin này rồi cũng sẽ đến. 

    Cách đây khoảng vài tháng tôi có email hỏi thăm chị ca sĩ Trần Quang Hải, Bạch Yến và chị Quách Vinh Thiện Thanh Vân về tin không được tốt của ông. Nhưng hai chị đều trả lời không được biết. Có thể lúc đó ông đã yếu sức, là khoảng thời gian ông không thể đến gặp các ban văn nghệ sĩ như lúc trước.

    Nói đến Lê Mộng Nguyên thì phải nói đến tác phẩm để đời “Trăng Mờ Bên Suối” ra đời năm 1949, lúc tôi được may mắn nghe ông kể lại, là câu chuyện của ông lúc đầu đời khi tuổi còn rất trẻ và đây là hai người đang yêu nhau. Ông nói tiếp rằng nguồn cảm xúc là gặp người yêu trước khi ông đi du học Pháp. Ấn khúc của bản nhạc là một chuyện tình buồn của Ông và người thiếu nữ tên Mai.  Khi giã từ người yêu đi du học nước ngoài năm 1950, Ông cứ đinh ninh sẽ có ngày trở lại đất nước và gặp người yêu. Nhưng, lần chia tay đó cũng là lần vĩnh biệt.  Cô Mai bị bệnh nặng và qua đời.  Nhà thơ Hữu Loan với Màu Tím Hoa Sim để khóc vợ; NS Lê Mộng Nguyên cũng quá đau lòng qua bài thơ “Ma vie sans toi” thương tiếc người con gái vắn số. 

    Kỷ niệm nhiều lần gặp mặt với NS Lê Mộng Nguyên  và các nhạc sĩ khác tại Paris như vẫn còn mãi trong tâm trí tôi.  Đó là những ngày mùa thu 2005 và 2006 tại Paris. Khi lá vàng đã rơi đầy đường phố, đặc biệt trong và ngoài khu vườn Luxembourg. Quân 5, Saint Germain cũng là nơi ông bà LMN đã ở gần đây từ vài chục năm. 

    Hai Người bạn tôi là Thy Như và Như Ninh giúp tổ chức cuộc hội ngộ các anh chị em nghệ sĩ tại quán Huế Imperial, khu Opera Paris.  Gặp được nhau đúng là một cái duyên. Tôi còn được gặp thêm các nghệ sĩ tiền bối như NS Lê Mộng Nguyên, TS Đỗ Bình, NS Trịnh Hưng, NS Bích Thuận và nhiều người nữa.  Nhưng riêng NS Lê Mộng Nguyên, tôi đã liên lạc trước qua phone và email để gửi sách và CD qua Pháp trước khi tôi đến.  

    Tôi đến Paris lần đầu tiên với nhiều háo hức về Kinh Thành nổi tiếng này. Nhưng, cảm động hơn là được gặp các vị nghệ sĩ tiền bối này. Khí gặp NS Lê Mộng Nguyên tôi vui và ngạc nhiên lắm vì  trong chương trình ông nói rất rành mạch  về nhạc và thơ của NS Lê Trọng Nguyễn, kể cả thơ của Nga. Tôi hát “Trăng Mờ Bên Suối” thì được ông cất tiếng hát chung, song ca không dự định trước.  

    Điều đó cho tôi thấy ông rất đam mê văn thơ và nhạc Việt Nam từ lúc trẻ.  Tuy ông đã đi du học năm 1950 và chưa bao giờ trở lại Việt Nam.  Tôi có hỏi thăm về cuộc sống và cảm nghĩ của một người lỗi lạc và yêu văn nghệ như ông, đã sống xa quê hương lâu dài. Ông Lê Mộng nguyên có tâm sự rằng ông không muốn nhìn lại Việt Nam trong cảnh đồng bào đau khổ dưới chế độ Cộng Sản .

    Gặp được các vị văn, thi, nhạc sĩ Paris trong những mùa Thu năm 2005 , 2006, 2007 thật là điều may mắn và hân hạnh trong kỷ niệm này. 

    Năm 2010 tôi đến Paris tham dự tiệc cưới con gái một người bạn. Tôi may mắn được gặp gỡ đi chơi thăm viếng vài nơi  do anh chị NS Quách Vĩnh Thiện -Thanh Vân đưa  đi chơi, tôi được dịp thăm viếng nhiều thắng cảnh của Paris  rất đẹp. 

    Kế đến là một dịp thật vui, Năm 2008 NS Lê Mộng Nguyên báo tin là ông cùng TS Đỗ Bình đến ra mắt sách tại Virginia, DC.  Nga liên lạc qua phone cùng thi sĩ Lam Thuy, nguyên Chủ Tịch Văn Bút vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, là một người đã luôn giúp Nga trong những lần đến VA. Nga nhớ mãi Lãm Thúy đã đưa Nga đến thăm cựu Chủ Tịch VB  Văn Duy Tùng, một người đang sống trong kỷ niệm buồn với sự ra đi của người vợ hiền.

    Bữa cơm tối trước ngày Ra Mặt Sách  Nga được gặp nhiều văn thi sĩ địa phương vùng VA, DC.

    Miền Động Bắc Hoa Kỳ, DC.  trong tháng 4,  2008, mùa xuân và vạn vật tươi vui đã quyến rũ khách phương xa.  Ns Lê Mộng Nguyên và Nga thật vui mừng trong lần hạnh ngộ này.

    Hôm  đó là ngày RMS ,Nga được gặp rất nhiều bạn của chồng mình là thi-họa-sĩ Vũ Hối và các bạn, nhà văn Hồng Thủy, Hải Yến – Đoàn Định.  Nhà văn Đỗ Hồng Anh khỏan đãi khách tại tư gia và đã tổ chức một ngày văn nghệ vui họp mặt thân mật của các bạn.

    Không khí ngày RMS của 2 tác giả thật trang trọng, ấm cúng. Nga thật vui vì có dịp bày tỏ và cảm ơn NS Lê Mộng  Nguyên, Ông luôn nhắc về tình thân giữa đạo diễn Lê Mộng Hoàng và NS Lê Trọng Nguyễn, đặc biệt với cuốn phim “Nắng Chiều”, phát hành và trình chiếu năm 1972 tại Saigon.

    NS Lê Mộng Nguyên, Thi sĩ Đỗ Bình thăm Hoa Thịnh Đốn – Falls Church, Virginia 2008.

    Sau 3 ngày vui hạnh ngộ,  thi sĩ Lãm Thúy tình nguyện làm tài xế đưa đón anh chị em.  Cuộc vui  nào rồi cũng tàn.  Chúng tôi trở lại Cali với những nhớ nhung vô vàn và nhiều kỷ niệm đẹp.  Sau khi về lại Cali, Nga nhận được 1 tấm hình từ nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên chụp kỷ niệm ông solo đi viếng thăm cảnh DC với những cành đào không còn hoa vì đã vào sau ngày 10 tháng 4 năm 2008. Ngẫm nghĩ lại cuộc đời này hơi buồn, đúng là lạc hoa lưu thủy, gặp đó rồi tan đó.

    Cảm ơn PAD – TH đã cho Nga lại những tấm hình với kỷ niệm mến thương một nhân tài.

    Cầu chúc linh hồn ông được thanh thản ở chốn bồng lai, ở đó có ánh vàng lung linh và giòng suối luôn chảy mãi. Mong ông được gặp lại người thương trong tuyệt phẩm Trắng Mờ Bên Suối, với mối tình tuyệt vời của ông đã được ông ôm ấp hơn 70 năm trước.

    Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối. …

    … Một đêm thiết tha rồi đây  xa cách 

    …Đường chia đôi ngã biết đến Phương nào…

    Lê Nguyễn Nga, Cali  10 tháng 7 năm 2023.

    TRỜI ÂU THAM THẲM

      HAY LÀ KHÚC NHẠC TÌNH DANG DỞ KIẾP THA HƯƠNG

    *** Lê Mộng Nguyên ***

    Mến tặng chị Lê Trọng Nguyễn thị Nga (trả lời vài câu hỏi dẫn khởi trong một phỏng vấn sau này)

    Trời Âu thăm thẳm, một trời Âu

    Ba-Lê vạn ngả lắm phương sầu

    Năm năm tháng tháng ngày vô tận

    Vẫn nhớ nhung hoài thuở có nhau

    (trích Đời Không Có Em của Lê Mộng Nguyên)

        Một buổi chiều cuối thu mưa tầm tã trên thành phố hoa lệ Paris, năm 1953. Gió rét thổi từng hồi, lá vàng rơi tan tác trên những con đường ẩm ướt, vắng lạnh, trong ánh chập chờn của một mùa hoàng hôn ngắn ngủi. Chiếc xe hàng vừa đỗ tại công trường lớn Denfert-Rochereau, một thiếu niên người Việt hối hả bước xuống, nhìn đồng hồ tay, rồi gấp gáp chạy qua đường, tiến về quận 14 (đại lộ Saint Jacques), nét mặt ra chiều lo lắng. Rẽ vào con đường nhỏ, chàng đến trước một căn nhà cũ kỹ, mở cửa vào phòng trọ. Thấy một bức thư dày nằm trọn trong hộp thư, chàng vội vàng quăng mũ áo trên giường, hồi hộp bóc thư ra. ”Thư của Mai’‘, Lê Nguyên tự nhủ thầm. Thoáng thấy dòng đầu của lá thư: ”Anh nhận được thư này thì Mai của anh không còn nữa... ”, chàng cảm xúc lạnh người, đầu óc quay cuồng, choáng váng, con tim như ngừng đập, chàng đọc tiếp bức thư…

        Cách đây ba năm, lần đầu tiên chàng rời thành phố Huế thơ mộng qua Pháp du học:

    Ai đi xa Huế ngàn năm nhớ làn mắt ướt  

    Đây cô gái Huế làm duyên dáng cười với ai?

    Mây trời nước bên dòng Hương

     Đò ai nghiêng mái chèo bên chùa Thiên Mụ,

     Ngược bến Bao Vinh theo tình nước mây...

    (Nhớ Huế, Nhạc & Lời của Lê Mộng Nguyên).  

    Xa nhà ! Từ nay cha già mẹ yếu ai ngườI lo lắng sức khỏe ? Và Thúy Mai, ngườI thiếu nữ xinh đẹp chàng đã gửi tất cả tình thương ? Nhưng vì chiến tranh sắp bùng nổ, vả lại gia đình đôi bên đều nghĩ rằng hai đứa này còn quá trẻ, nên phải đình chậm việc kết hôn. Chàng là ngườI con chí hiếu nên vâng lời ra đi, nhưng ruột đau như cắt vì rồi đây trờI Âu mịt mờ, ngày về không ước định. Mai đã khóc rất nhiều và thề nhất quyết sẽ đợi chàng :

    Hôm nay lạnh quá em ơi

    Anh run run dở mấy lờI trong thư

    Duyên xưa sống lại đôi giờ

    Ngày qua tháng lại em chờ đợi mong

    (Mấy Tờ Thư, Thơ LMN).

         Hôm đầu tiên đến Paris, trong lúc xách va li bâng khuâng tìm chỗ trọ, chàng may mắn gặp một người bạn đồng hương – Trần Xuân Sanh – giới thiệu cho chàng một căn phòng tạm ở ngay khách sạn của mình, và từ dạo ấy hai người trở nên thân thiết. Sanh có người anh học ở tỉnh từ lâu, đã thành hôn với một thiếu nữ người Pháp. Mồ côi cha mẹ, họ hàng thân thích chỉ còn anh em và chú bác thành thử việc ấy không có ảnh hưởng gì to lớn đến gia đình. Nhưng Sanh cảm thấy xa anh mình hơn trước… Sanh là một họa sĩ, sinh viên trường cao đẳng Mỹ Thuật, gặp được Lê Nguyên, một nhạc sĩ, sinh viên Đại học Luật khoa sắp ra trường, hai người đồng nghệ sĩ thành thử rất gần nhau trong lý tưởng nên trong những lúc buồn hay tâm sự cùng nhau. Trong mấy tháng đầu ở kinh đô hoa lệ, Nguyên quá nhớ nhà, nhớ Mai: Mai ơi, nếu anh là con chim phượng, anh sẽ bay về cố hương để tìm em! Trời ơi nhớ em quá làm cho tim anh nhức nhối, sắp rã tan. Thôi chết vì tình cũng là may mắn vì linh hồn anh mãi mãi bên cạnh em… Anh nhớ hai chúng ta đã cùng hát ”Một Chiều Thương Nhớ” (của LMN) lúc đi dạo chơi trên đường Nam Giao hoặc bên núi Ngự Bình:

    Chiều vàng có đôi chim ngừng cánh,

    Nguyền song song một tình đắm say,

    Thề ước dù đời đắng cay mà bóng chiều xưa

     Màu thời gian không hề úa phai.

         Để giải sầu, chàng đọc sách rất nhiều, viết thư luôn về thăm gia đình, thăm Mai. Chàng nhận được rất nhiều tin của Mai, cứ đều đều khoảng hai ba bức mỗi tuần. Chàng luôn trả lời, với tất cả tấm lòng tha thiết của mối tình yêu ban đầu. Tuy nhiên dần dà, vì bận học, chàng ít trả lời ngay cho thư Mai, có lúc để dồn lại gần mười lá mà không có dịp hồi tin. Nhưng Mai vẫn kiên nhẫn viết rất nhiều cho chàng, thư nào cũng nồng đượm lời hẹn ước những ngày qua, mặc dầu thư đi thì có mà thư về thì đã bắt đầu thưa dần…

    Một ngày xa nhau xóa bao hình bóng

    Trời bày chia ly chi cho lòng héo?

    (Trăng Mờ Bên Suối của LMN)

    Mai có ngờ đâu Paris muôn vàn ánh sáng đã quyến rũ Nguyên. Sự chung đụng hàng ngày của nam nữ sinh viên Pháp, lúc đầu chỉ là thoáng qua, nhưng lâu hóa thành đậm đà. Nhiều lúc nhận được thư Mai van lơn thảm thiết, chàng tự khuyên nhủ, trắng trợn : ”Làm sao tin đuợc những lời ấy là chân thật. Xa mặt thì rất dễ cách lòng !” Sanh hay khuyên chàng nên trở lại với Mai và coi tình yêu với một cô gái Pháp chỉ là thú vui chốc lát, nhưng Nguyên không bằng lòng, có lúc đã giận bạn lâu ngày.

         Rồi bẵng đi một dạo, chàng không nhận được thư Mai nữa. Nàng đau chăng ? Hay đã nghe lời khuyên của Nguyên xây đắp một tình yêu mới khác? Hèn nhát, Nguyên thấy bớt một gánh nặng của tâm hồn: phải chăng Mai đã quên chàng ? Từ ngày ấy, chàng lại càng yêu tha thiết Mireille mà chàng gọi là Mimi, ý muốn ngày sau xin cưới hỏi nàng… Nhưng trước những lời lẽ đanh thép của Sanh chống việc thành hôn với một người ngoại quốc, đôi lúc một mình, Nguyên tự hỏi băn khoăn: Ta yêu Mimi, nàng cũng chân thật yêu ta, nhưng lấy nhau rồi, hai đứa Á Âu cách biệt có thể được hạnh phúc lâu bền không? Hơn nữa, sẽ còn biết bao nhiêu vấn đề phải giải quyết: dân tộc, tư tưởng, phong tục, tôn giáo… Lấy nhau rồi, liệu có cùng chung sống ở nước nhà một cách bình thường (như mọi người) không? Nhưng trước vẻ đẹp sắc sảo và tính nết dịu dàng của Mimi, Nguyên cố quên tất cả để vui sống hạnh phúc quê người. Tuy nhiên, không ai lãng việc học hành, cuối năm nào hai người cũng đều thi đỗ cho tới năm nay vẫn học cùng lớp với nhau…

         Cho đến chiều hôm nay, đọc thư Mai viết trong nước mắt, Lê Nguyên hầu như tỉnh một giấc mơ. Chàng đã cố sống lại những ngày qua:

    Rồi đây sương gió duyên kiếp lỡ làng

    Trời xa xăm lắm em biết đâu tìm

     Lòng anh khắc khoải chờ mong

     Mờ mịt trời Âu đôi lứa khóc âm thầm…

    (Một Chiều Thương Nhớ của LMN).

    Mai vốn yếu tim, chàng ra đi lại thêm buồn bã, nhất là từ ngày vắng thư người trai trẻ, bệnh tình lại càng trầm trọng hơn… Dù muốn dù không, trong cái chết của Mai, chàng phải gánh một phần trách nhiệm. Hối hận, chàng gục đầu xuống bàn, nức nở. Có tiếng gõ cửa mạnh, nhiều lần. Nửa mê nửa tỉnh, Nguyên lê bước nặng nề ra mở, sực nhớ hôm nay chàng có hẹn với Mimi lại thăm cho nên lúc nãy chàng đã hối hả đi gấp trên con đường mưa gió đặng về cho kịp. Mimi bước vào, vừa chào vừa xin lỗi đến chậm vì bận việc phút cuối cùng và phàn nàn trời nắng đẹp đã không còn nữa. Cánh cửa bật ra, chưa kịp đóng lại thì một luồng gió mạnh thổi tạt vào đánh rơi cái bì thư từ nãy nằm trên bàn xuống đất. Một cánh hoa tàn bay lả tả, cùng cái ảnh cũ của Mai đã phai màu. Mimi định cúi xuống lấy thì Nguyên đã hoảng hốt hấp tấp nhặt lên, bỏ tấm ảnh người xưa vào túi và nhìn cánh hoa tàn một cách âu yếm… Trong khoảnh khắc, chàng nhớ lại một ngày thu năm ấy hẹn cùng Mai bên bờ suối nhỏ cuối làng, cạnh núi Ngự Bình:

    Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối

    Rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu

     Một đêm thiết tha rồi đây xa cách

    Rồi đây hai ngả biết tới phương nào…

    (TMBS).

    Chàng còn nhớ đêm hôm ấy đã âu yếm tặng Mai một đóa hoa hồng. Kỷ vật ấy, nàng ấp ủ đã từ lâu… cho đến ngày tận thế.

         Mimi ngạc nhiên thấy Nguyên không vồn vã như thường lệ giúp nàng cởi áo ngoài và chào hỏi. Chàng thờ thẩn mời nàng ngồi cạnh lò sưởi rồi lại chìm đắm trong quá khứ thương đau:

    NgườI của ta giờ nay ở đâu?

    Trời Âu thăm thẳm một trờI Âu

    Ba-Lê vạn ngả đường vô tận

    Để hận muôn đời không có nhau!

    (Trời Âu, thơ LMN)

        Mimi săn sóc hỏi duyên cớ: Mais qu’est-ce que tu as, mon chéri ? Tu as l’air gêné de me revoir… Thấy Nguyên im lặng, nàng sinh lòng nghi ngại. Rồi đổ ghen tuông vì sực nhớ cử chỉ của Nguyên vừa rồi khi cúi lượm tấm ảnh và cánh hoa tàn. Nàng dồn dập hỏi chàng với giọng đầy cay đắng. Trước còn muốn giấu, sau chàng đành kể lại tất cả mối tình u ẩn ở nước nhà cùng cái chết của Mai. Niềm hối hận thúc chàng nổi giận Mimi, kiếm cách gây chuyện. Theo chàng, dù muốn dù không, Mimi đã gián tiếp nguyên do cái chết của Mai. Mimi khóc lóc, bỏ giận ra về, sau khi nói trong nước mắt: Je te souhaite tout le bonheur possible avec une de tes compatriotes!

         Cánh cửa vừa đóng lại một tiếng mạnh thì như điên dại, Nguyên vội vàng lấy áo mũ ra đường đi tìm quên lãng. Quên cả đói bụng, chàng đến ngay một tửu điếm… chuốc sầu, trong vùng Saint-Germain-des-Prés… Đêm ấy, Nguyên uống rất nhiều rượu và hút rất nhiều thuốc lá. Trong lúc mơ màng qua khói xám, chàng bỗng giật mình cảm giác một bàn tay nhè nhẹ đặt trên vai. Chàng nhận ra Sơn, bạn chàng, muốn mời lại cùng vui chuyện trò với anh chị em đồng hương ở góc phòng, vì đêm nay thứ bảy, tha hồ thức khuya. Nguyên nhận ra trong nhóm có Khánh Ngọc, một nữ sinh viên trường Thuốc mà chàng đã có dịp gặp đôi lần ở Xóm Latin. ”Trông chị Ngọc hôm nay có sự gì buồn lắm”, nghe giọng phê bình của một bạn trai, Nguyên liếc nhìn trông người đẹp có đôi mắt quầng thâm, tuồng như đã khóc rất nhiều. Nhạc cử một bài êm dịu. Mọi người đều ra nhảy, chỉ trừ Nguyên và Ngọc, mỗi người đắm chìm trong một thế giới riêng… Khánh Ngọc cách đây không lâu đã từng gửi tất cả tình thương cho một sinh viên trường Thuốc học trên nàng ba lớp, tên là Nguyễn Mạnh Toàn. Toàn và Ngọc yêu nhau tha thiết, hứa hẹn sẽ lấy nhau khi chàng tốt nghiệp. Nhưng sau khi thi đậu, Toàn vì việc nhà phải hồi hương ngay. Chàng hẹn với Ngọc sẽ trở lại Pháp đoàn viên. Từ dạo ấy, Toàn rất ít viết thư, chỉ trừ một lần cho biết chàng đã đến Sài Gòn. Ngày, tháng, năm qua… cho tới một hôm, nàng được tin – do một người bạn gái từ nước nhà – người yêu của Ngọc đã làm lễ thành hôn với một cô gái nhà giàu bậc nhất thành phố. Nàng chán đời, muốn tìm quên lãng, nên nhận lời mời các bạn quen tới quán rượu đêm nay.. Ngọc vừa kể xong, Nguyên an ủi khuyên nàng nên can đảm, mặc dầu con tim chàng cũng tan rã như người đối diện. Từ giây phút ấy, hai kẻ đồng bất hạnh tuy không nói ra, đã ngấm ngầm có cảm tình với nhau. Nguyên thấy Ngọc tương tự giống Mai. Trong bâng khuâng, chàng cảm giác Ngọc là hiện thân của Mai. Chàng tưởng tượng Mai gầy gò trên giường bệnh, đôi mắt đăm đăm nhìn chàng như trách móc. Hoảng hốt chàng đứng dậy, không kịp chào Ngọc, hấp tấp bước ra khỏi tiệm như muốn xua đuổi một hình ảnh đau thương. Trong vội vàng, Nguyên thả rơi cuốn sổ tay nhỏ mà không hay. Ngọc nhặt lên, định chạy theo gọi chàng, nhưng quá chậm, chàng đã biến mất. Ra ngoài đường, Lê Nguyên như điên dại: hình ảnh Mai trở lại ám ảnh chàng. Mimi và Ngọc chỉ thoáng qua tâm trí, lúc mờ ảo, lúc rõ ràng. Trái lại, Mai với nét mặt buồn bã trước khi mất, cứ lảng vảng hoài trong óc não. Dạo bước ven bờ sông Seine lúc trời hừng sáng, gió ban mai cùng tiếng nhạc của trời đã reo vang trong lòng chàng. Trước cảnh bao la vạn vật, một bình minh hòa nhịp với con tim chàng hiện giờ, chàng cảm hứng sâu đậm, vội ghi lại trong một bản nhạc lòng ai oán:

    Chỉ thiếu một mình em

    từ nay bên trời Âu xa vời

    Mây kéo lê thê, trời nước bao la

    kìa dòng sông Seine lơ lửng xuôi ngày tháng…

    (Xuân Tha Hương, nhạc và lời LMN).

         Ba hôm sau, chàng nhận được thư của Mimi. Nàng chia buồn về chuyện Mai, mong chàng tha thứ sự đáng tiếc xẩy ra hôm nọ. Suy đi nghĩ lại, nàng xin chàng nên quên nàng vì Âu Á khó lòng được gặp nhau. Nàng quả quyết hy sinh mối tình đầu cho chàng rồi đây sẽ được hạnh phúc hoàn toàn với một thiếu nữ đồng hương. Đau khổ cực độ, nàng chỉ ước vọng thời gian mới hàn gắn được vết thương sâu. Đọc xong thư, Nguyên như người mất hồn. Thế là hết: người xưa đã mất, vì chàng, mà nay người yêu trên đất khách cũng bỏ ra đi. Lòng tan nát, Nguyên cần có một người an ủi: Khánh Ngọc! Chàng tiếc rằng hôm ấy quá hấp tấp chàng quên xin địa chỉ nàng. Vội vàng trở lại tửu điếm hôm ấy dò tin tức thì may gặp một bạn quen cho biết nàng ở một vùng ngoại ô phía Nam Paris, nhưng không rõ đường nào. Nguyên vội vã thuê xe taxi chạy đến vùng ấy để vừa hỏi vừa tìm kiếm. Làng mạc đây rộng mênh mông, ai biết cô gái Việt ở chốn nào. Lang thang đường này qua ngõ khác, lúc bước hối hả, lúc chậm dừng lại để hỏi người qua đường. Như mất hồn, chàng chạy qua một ngả sáu, vì mê mải, không nghe rõ tiếng còi, một chiếc xe hơi chạy nhanh phải ngừng ngay trước mặt chàng. Tiếng phanh rít lên, chàng hãi hùng lảo đảo ngã xuống đất, bất tỉnh, đầu chạm phải xe, một dòng máu nhỏ rỉ ra.. Nguyên được đưa ngay đến nhà thương Kremlin-Bicêtre. Nghe tin, Sanh vội vã tới thăm, thấy vết thương trên đầu không nặng, đem bạn về chăm lo.

         Nằm trên giường lúc tỉnh lúc mê, Nguyên được Sanh săn sóc chu đáo. Trong giấc mơ màng, chàng thấy Mai và Ngọc quá giống nhau. Trái lại, hình ảnh Mimi mờ dần trong ký ức… Có tiếng gõ cửa. Ngọc vào lo lắng hỏi Sanh về sức khỏe của Nguyên. Từ hôm gặp chàng ở quán rượu, nàng có cảm tình ngay. Biết địa chỉ Nguyên trong cuốn sổ tay nhỏ, nàng thấu rõ mối tình dang dở của chàng với Mai qua mấy dòng chữ nghẹn ngào mà chàng đã ghi lại:

    Ta biết tìm em ở chốn nào ?

     Đường đời muôn dặm bước thương đau

    Ta lê cuộc sống, hồn tê tái,

    Xây mộng không thành, hẹn kiếp sau !

    Nơi đây, đất khách còn ghi lại

    Một chút hương lòng tới cố nhân

    Hôm nay trong lá thư lần cuối

    Ta viếng thăm em được mấy vần

    (Trời Âu, thơ LMN)

    Hôm nay, do dự mãi, nàng lấy cớ đem trả cuốn sổ tay để được gặp lại Nguyên. Nàng cũng không biết vì sao, nhưng cảm thấy lòng đỡ khổ. Có ngờ đâu biết chàng xuýt tai nạn trên con đường tìm kiếm gặp lại nàng:

    Em của anh giờ nay ở đâu ?

    Tìm em anh dạo suốt canh thâu

    Đường chia hai ngả anh đâu biết

    Là sẽ ngàn năm vĩnh biệt nhau

    Em của anh giờ nay ở đâu ?

    Mình anh thui thủi suốt canh thâu

    Đêm nay thức trắng bên bờ gió

    Mặc tuyết mưa rơi, bạc mái đầu !

    (Tìm Em, thơ LMN)

         Thấy Nguyên kêu khát, nàng vội xuống bếp pha trà rồi tự mình đem lên mời bạn. Nguyên mở mắt, tỉnh dậy, thoáng thấy Ngọc đưa chén nước đầy hơi, mỉm cười âu yếm ra vẻ cảm ơn. Ngọc mỉm cười trả lại. Sanh hiểu ý, lặng lẽ ra khỏi phòng, rồi không biết vì lơ đãng hay cố ý, quên khép cửa lại. Ngoài đường, sau một trận mưa tầm tã, trời tạnh ráo, vài tia sáng xuyên qua cửa mở chiếu vào nhà… Ngọc vội vàng đứng dậy, định ra đóng cửa lại, nhưng thoáng thấy Nguyên lắc đầu ra hiệu, nàng chợt hiểu, hai người thương mến nhìn nhau… TrờI thu bỗng nắng lên, như một nguồn hy vọng sưởi ấm lòng đôi bạn mới của tình yêu.

    Lê Mộng Nguyên (Paris)

  • Ngọc Cường,  Sinh Hoạt,  Tin tức,  Văn Thơ

    Little Saigon ra mắt 3 cuốn sách nghiên cứu quý giá về Tự Lực Văn Đoàn, Tam Giáo Đồng Nguyên và Phân Tâm Hoc & Đời Sống

    Một buổi ra mắt sách không thể bỏ qua. (Hình: Ban tổ chức cung cấp)

    Đằng-Giao/Người Việt

    WESTMINSTER, California (NV) – Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian sẽ tổ chức buổi ra mắt sách “Tự Lực Văn Đoàn Hậu Duệ và Thân Hữu,” “Tam Giáo Đồng Nguyên” và “Phân Tâm Học và Đời Sống” lúc 12 giờ trưa Chủ Nhật, 25 Tháng Sáu, tại NT Studio, 15436 Brookhurst St., Westminster, CA 92683 (góc với McFadden).

    Đây cũng là dịp tưởng niệm 60 năm ngày giỗ nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (1963-2023). Nhất Linh thành lập Tự Lực Văn Đoàn và là một trong những cây bút chính của nhóm này. Cùng với nhiều người yêu nước thời bấy giờ, Tự Lực Văn Đoàn có công cổ xúy chữ Việt trong sáng và đóng góp rất nhiều cho bản sắc văn hóa Việt. Ba cuốn sách này nhằm phát huy ngôn ngữ Việt cho bây giờ và cho thế hệ mai sau.

    Nhà văn Ngọc Cường, đại diện ban tổ chức, cho biết cuốn thứ nhất, “Tự Lực Văn Đoàn Hậu Duệ và Thân Hữu,” là một công trình tổng hợp nhiều nghiên cứu công phu của nhiều người như Bác Sĩ Ngô Thế Vinh, Trần Việt Hải, Kiều My, Thế Uyên, Khánh Lan, Giáo Sư Maria Strasakova, Giáo Sư Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tường Tâm…

    “Ngoài ra, cuốn sách còn có nhiều sáng tác văn thơ của nhiều thân hữu và hậu duệ của Tự Lực Văn Đoàn như nhà văn Tường Nhung, Nguyễn Tường Thiết, Nguyễn Tường Việt, Ngọc Cường, Phạm Quốc Bảo, Từ Dung, Đặng Thơ Thơ, Nguyễn Tường Giang, Lê Phi Thuần, Lê Mỹ Hoàn, Nguyễn Lân, Nguyễn Thị Dung…,” nhà văn Ngọc Cường cho biết.

    Cuốn thứ hai, “Tam Giáo Đồng Nguyên” của nhà văn Khánh Lan, là một công trình nghiên cứu về sự liên kết cũng như sự tương đồng giữa ba nguồn tư tưởng Nho Giáo, Lão Giáo, và Phật Giáo, đồng thời tìm hiểu về nguồn gốc, sự du nhập, sự hình thành, và ảnh hưởng của tam giáo đối với văn hóa Đông Phương.

    Cuốn thứ ba, “Phân Tâm Học và Đời Sống,” cũng của nhà văn Khánh Lan, là cuốn sách nghiên cứu và phân tích những ước mơ tiềm tàng trong vùng vô thức và những hành vi xuất hiện trong vùng ý thức. Đây là một nghiên cứu về sự ứng dụng của ngành phân tích tâm lý trong lĩnh vực y khoa, tư pháp, văn chương, điện ảnh, và đời sống tâm linh.

    Buổi ra mắt sách có hai phần.

    Phần đầu do ba diễn giả là Thượng Tọa Thích Liễu Nguyên, nhà văn Ngọc Cường, và chuyên viên tâm lý học Trần Kim Thoa trình bày về ba cuốn sách và phần thứ nhì là văn nghệ.

    “Văn nghệ có các giọng ca Ngọc Hà, Hạ Lan, Hồng Quyên, Kiều Loan, Lệ Hoa, Minh Thư, Kiều My, Thụy Lan, Ngọc Quỳnh, Dũng Lai, Mạnh Bổng, Đình Ngọc, Nguyễn Đức,” ông Ngọc Cường nói. Ông thêm: “Ngoài ra, phần văn nghệ có một số nhạc phẩm phổ thơ của nhạc sĩ Phan Đình Minh.” Trong những nhạc phẩm này có bài “Tình Khúc Cho Em,” phổ thơ Ngọc Cường, bài “Im Lặng” phổ thơ của Nhất Linh, bài “Tình Tuyệt Vọng,” phổ thơ Khái Hưng và bài “Nắng Xuân Về Bên Em” phổ thơ Khánh Lan.

    Chương trình sẽ do Mộng Thủy và Hồng Quyên điều hợp.

    Nhà văn Ngọc Cường chậm rãi nói: “Ngày xưa Tự Lực Văn Đoàn muốn phát huy và quảng bá ngôn ngữ Việt cho thế hệ kế tiếp trên quê hương Việt Nam. Ngày nay, chúng ta đang phát huy và quảng bá ngôn ngữ Việt cho thế hệ kế tiếp khắp nơi trên thế giới.”

    Mọi ủng hộ hay chia sẻ ý kiến, liên lạc nhà văn Ngọc Cường (937) 269-9217. [đ.d.]
    Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com

  • Khánh Lan,  Văn Thơ

    GIỚI THIỆU TÁC PHẨM, LÊ VĂN KHOA: HỒN VIỆT và ƯỚC MƠ

    (Trích trong bài nói chuyện của Khánh Lan trong ngày lể mừng thọ 90 tuổi và vinh danh Giáo Sư, Nhạc Sư, Nhiếp Ảnh Gia Lê Văn Khoa, tai Hội Trường Nhật Báo Người Việt, ngày 10 tháng 6, 2023)

    Giáo Sư Lê Văn Khoa đã chọn tên này để đặt cho quyển sách của ông, bởi đó là ước mơ về âm nhạc và nhiếp ảnh, là yếu tố “Lê Văn Khoa với Hồn Việt“, mang ý nghĩa tinh thần tự hào về quê hương, đất nước và con người Việt Nam. Có phải Giáo Sư Lê Văn Khoa muốn nhắn nhủ với chúng ta hãy giữ “Hồn Việt” nơi đất khách quê người, nơi ta sống ly hương. Bởi thế, khi đề cập đến tài soạn nhạc, hòa âm, phối khí của ông, Nhạc sĩ Trần Quang Hải khi còn sanh tiền, đã gọi Giáo Sư Lê Văn Khoa là nhạc sư…còn Nhà Văn Trịnh Bình An ví ông là hiện thân của một cỗ máy “Động Cơ Vĩnh Cửu”, bộ máy chạy bền bỉ, kiên trì trong suốt hơn 80 năm, bất chấp tất cả những lực cản trên đường, dù lực cản ấy có là bệnh tật hay tuổi tác.

    Lê văn Khoa: Hồn Việt và Ước là một tuyển tập gồm những bài viết của nhiều tác giả, ghi nhận về những đặc điểm âm nhạc, nhiếp ảnh và văn học của Giáo Sư Lê Văn Khoa. Có rất nhiều tác giả đã nhận định âm nhạc của ông như chất chứa Hồn Việt trong nhạc dân tộc, mà ông mong muốn đem ra khỏi biên giới Việt Nam, giới thiệu với thế giới sự đa dạng của nó. Nhạc của Lê Văn Khoa là tiếng ru từ đất Mẹ, là lòng yêu nước thương quê, là tâm huyết của nét đẹp truyền thống, văn hóa giống nòi… chính tài nghệ sâu rộng và đa dạng của Lê Văn Khoa đã đem lại cho ông sự kính phục của các cộng đồng bạn trên thế giới.

     Dưới ngòi bút của các nhạc sĩ và nhạc trưởng Việt Nam, nhận định về bản “Symphony Vietnam 1975”, hay “Đại Tấu Khúc Việt Nam 1975” của Lê Văn Khoa, họ cho rằng: Giáo Sư Lê Văn Khoa đã chọn nhạc không lời để diễn tả những cảm xúc và suy tư của mình về biến cố lớn của đất nước làm cảm hứng để sáng tác. Ông đã dẫn thính giả Việt Nam đi từ những giai điệu quen thuộc có lời ru, tiếng hò tới những vùng âm thanh mới lạ, hòa hợp giai điệu ngũ cung của nhạc truyền thống Việt Nam với cái đại đồng của âm nhạc không biên giới.

    Còn dưới lăng kính của các nhạc gia, Nhạc Trưởng Ukranian, nhận định về bản giao hưởng Symphony Vietnam 1975 là một khám phá tuyệt vời và vĩ đại của dân tộc Việt Nam, được biểu lộ trong những nét nhạc về chiến tranh Việt Nam, cuộc đấu tranh của người Việt được diễn tả thật tuyệt diệu. Nét nhạc trong sáng, chân thật từ trái tim, tinh tuyền, không màu mè, ấm áp, nhân hậu, sâu thẳm, du dương và chứa đầy nỗi u hoài thương nhớ quê hương. Nghệ thuật của ông là sự kết hợp giữa âm nhạc Âu Châu và âm nhạc Đông Phương, từ cách sử dụng sắc điệu rất riêng của đàn Bandura của Ukraine, thể hiện qua những bài dân ca Việt Nam như Lý‎ Ngựa Ô, Se Chỉ Luồn Kim, Trống Cơm. Bài “Lý Ngựa Ô” do Lê Văn Khoa viết cho đàn Bandura với dàn nhạc giao hưởng, là sự hợp tác hết sức thú vị và hoàn toàn khác với những gì dùng trước đây với đàn Bandura và đã đưa Đàn Bandura tiến đến một phong vị mới, một lịch sử mới.

    Đặc biệt là trong các nhạc phẩm “Nocturne”, “Romance”, Giáo Sư Lê Văn Khoa đã kết hợp vào đấy, nét lãng mạn, thiết tha bởi sự hòa quyện giữa Chopin và âm nhạc Âu Châu. Bài piano solo Cây Trúc Xinh của Lê Văn Khoa cũng được nhắc đến trong tác phẩm và được khen là êm dịu, hấp dẫn và tràn đầy tính chất khêu gợi. 

    Trong phần 2 của tác phẩm viết về văn học, “Say Trong Ánh Mắt” và Nocturne” thìcó lẽ ít ai nghĩ Lê Văn Khoa là một nhà văn. Phân tích về nội dung của 2 quyển sách trênthì rõ ràng GS Lê Văn Khoa đã khéo léo dùng nội dung của tác phẩm tình cảm xã hội để giới thiệu và giải thích về nghệ thuật hình ảnh như cách dùng màu nước tô thêm lên ảnh, để biến đổi màu chính, hầu tạo không khí thích hợp cho ảnh, bởi ảnh kỹ thuật là căn bản của mỹ thuật và nghệ thuật, chú trọng nội dung, áp dụng kỹ thuật để làm sáng tỏ nội dung. Qua lời đối thoại trong truyện, ông giải thích về kỹ thuật chớp sáng (solarization), phân sắc độ (postarization), vừa tân kỳ vừa độc đáo mà điểm chính là dùng kỹ thuật để gửi gấm tâm sự.

    Gần đây nhất là bộ ảnh “Do You See What I See?”, một tác phẩm nghệ thuật trừu tượng đã chứng minh cho những gì Giáo Sư Lê Văn Khoa đã nhắn nhủ, hãy nhìn thẳng vào con đường nghệ thuật, một đường hướng phụng sự cho chân, thiện, mỹ.

    Hai bức tranh Người Hát DạoSuy Tư và nhiều tác phẩm khác là một sự kết hợp tài tình giữa ngành nhiếp ảnh và hội họa, Họa sĩ Nguyễn Việt (Việt Hưng) đã khám phá ra một chân trời mới lạ về nghệ thuật tạo hình, khi ông nhận thức ra được những tác phẩm của Giáo Sư Lê Văn Khoa có điểm tương đồng tới Henry Spencer Moore và Salvador Dali, cha đẻ của nghệ thuật tạc tượng và tạo hình giữa thế kỷ 19. . . Họa sĩ Nguyễn Việt đã dùng ảnh chụp của Giáo Sư Lê Văn Khoa, rồi thêm vào đó những nét vẽ ngoạn mục, để biến nó thành những bức tranh tuyệt đẹp mà tôi cho đó là một khám phá siêu việt.

    Trong sách còn có những bài viết về Giáo Sư Lê Văn Khoa thực hiện chương trình giáo dục thiếu nhi. Năm 1967, ông thành lập chương trình “Thế Giới Của Trẻ Em” trên băng tần số 9 của đài Truyền Hình Việt Nam. Tác phẩm “Giáo Dục Nhi Đồng” xuất bản năm 1970 của Lê Văn Khoa phân tích những điều các bậc cha mẹ nên biết trong việc nuôi dạy trẻ nhỏ. Ngày nay, hoạt động Giáo Dục Thiếu Nhi của Giáo Sư Lê Văn Khoa đã được trình bày đầy đủ và sống động trong Phim Tài Liệu có tên “Lê Văn Khoa – Một Đời Cho Nghệ Thuật – A Lifetime of Arts”, DVD song ngữ Anh Việt năm 2018 của Vietnam Film Club….”

    Nhạc sĩ Lê Văn Khoa được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Việt Nam. Ông đã trải qua nửa đời người trên quê hương thân yêu và nửa đời còn lại nơi quê người với bao thăng trầm, mà trong tâm hồn luôn cưu mang nỗi niềm tha thiết bao la của một “HỒN VIỆT và ƯỚC MƠ.” Nhạc sĩ Lê Văn Khoa với bản Giao Hưởng Việt Nam 1975 đã làm rạng danh dòng nhạc Việt Nam trên thế giới và với người Việt lưu vong. Ông đã thành công với những bản nhạc dân ca, với dàn nhạc giao hưởng. Ông đã chiếm nhiều giải thưởng về những tác phẩm âm nhạc & nhiếp ảnh từ trước năm 1975. Ông đã hòa âm phối khí bản quốc ca Việt Nam Cộng Hòa để ban Quân Lễ Nhạc Phủ Tổng Thống Ukraine trình tấu. Ông đã đem tình tự quê hương Việt Nam và chính nghĩa vào trong âm nhạc, vinh danh sự bất khuất của thuyền nhân trước bạo lực của nhân tai và thiên tai trên đại dương bao la kinh hoàng.

    Giáo Sư Lê Văn Khoa ước muốn cả thế giới biết đến dân tộc Việt Nam hào hùng và đầy nhân bản. Đó là ƯỚC MƠ phát xuất từ một HỒN VIỆT!  với tất cả tài trí, nhiệt huyết và sự cố gắng không ngừng nghỉ, từ tuổi thanh xuân cho đến lúc tuổi đã về chiều. Một “tâm hồn Việt tha thiết, bao la… lan tỏa trong âm nhạc, nhiếp ảnh, văn học, và trong chương trình giáo dục thiếu nhi Việt Nam. Giáo Sư Lê Văn Khoa chính là người “đem chuông đi đánh xứ người” qua những cuộc triễn lãm và diễn thuyết, ông là tiếng chuông vang vọng từ Mỹ sang Âu, Úc và Ukraine…

    Khánh Lan xin vinh hạnh giới thiệu đến quý độc giả tác phẩm “Lê Văn Khoa: Hồn Việt và Ước Mơ” và xin được kết thúc với câu danh ngôn của nhà văn Louisa May Alcott:

    Tất cả chúng ta đều có cuộc đời riêng để theo đuổi, giấc mơ riêng để dệt nên

     và tất cả chúng ta đều có sức mạnh để biến mơ ước trở thành hiện thực, miễn là chúng ta giữ vững niềm tin”.

    Khánh Lan, June 10, 2023

  • LÊ VĂN KHOA,  Tin tức,  Văn Thơ

    Mối Giao Tình Đầy Cảm Động Giữa Ukraine và “Một Người Việt Nam”

    Thế giới đang ở trong cơn căng thẳng với cuộc chiến tranh xâm lăng Ukraine của nước Nga. Hầu hết các nước trên thế giới, với lương tri trong sáng, đều xót xa cho Ukraine và lên án hành vi tàn ác khốn nạn của lãnh tụ độc tài Putin. Thế giới bỗng hiện lên hai hình ảnh trái ngược nhau: Ukraine là tự do, dân chủ; Putin lãnh tụ Nga là độc tài, khát máu.

    Nhưng có lẽ không nhiều người Việt Nam biết cách đây gần hai thập niên, một mối giao tình đầy cảm động đã nảy nở giữa một nhạc sĩ Việt Nam và giới âm nhạc của Ukraine. Đó là câu chuyện của nhạc sĩ Lê Văn Khoa, tác giả của Symphony Việt Nam 1975, đã đến với giới âm nhạc của Ukraine, và đã gắn bó với xứ sở này như thế nào. Kính mời quý độc giả theo dõi. DĐTK.

    Bích chương trình diễn nhạc Lê Văn Khoa ở Kyiv, Ukraine

    Duyên Tiền Định – Phần I. Nhạc Sĩ Lê Văn Khoa và Nhạc Sĩ Ukraine

    Sự gắn bó giữa tôi và Ukraine là một huyền nhiệm không hề được sắp đặt trước. Khi đại tấu khúc Việt Nam 1975 của tôi được Pacific Institute Orchestra trích diễn năm 1995 ở phòng hòa nhạc Sergerstrom Performance Center trong khu thương mại của South Coast Plaza, California, tất cả báo chí lớn nhỏ của Hoa Kỳ từ Los Angeles trở xuống phía Nam đều có bài nhận định thuận lợi.Tôi nghĩ phải thu bài nhạc này vào CD để làm tài liệu cho thế hệ sau. Lúc bấy giờ tôi làm cố vấn cho Pacific Symphony Orchestra, giúp họ làm chương trình đánh dấu 20 năm sau chiến tranh Việt Nam. Họ đã biết tôi có viết nhạc, nên khi tôi ngỏ ý nhờ họ giúp thực hiện CD, họ nhận lời ngay. Họ cho biết phải thu thanh trong ba ngày, chi phí tối thiểu cho ban nhạc là 120.000 đô-la, chưa kể tiền thuê phòng thu và chuyên viên thu thanh. Sau khi suy nghĩ tôi cám ơn họ nhưng không thể có tiền để đi tới.

    Tôi tạm coi Hoa Kỳ như là trung tâm của địa cầu. Tôi không thành công ở trung tâm thì bước kế là xuống tận phương Nam để thử thời vận. Tôi xuống Úc và liên lạc với ban chấp hành của dàn nhạc giao hưởng Sydney. Cuộc gặp gỡ rất tốt. Họ yêu cầu tôi để nhạc lại cho họ nghiên cứu rồi cho tôi biết sau. Chờ đợi trong nhiều tháng vẫn không có âm tín gì. Rồi sau đó mất liên lạc luôn. Ở trung tâm không xong, xuống phương Nam không kết quả, tôi nghĩ thầm bây giờ sẽ lên tận phương Bắc.

    May mắn có Giáo sư Tiến sĩ Vũ Tôn Bình biết sự bối rối của tôi nên mách tôi liên lạc với Kyiv (Kiev) Symphony Orchestra ở Ukraine. Tôi làm theo, viết điện thư cho Kyiv Symphony Orchestra rồi chờ đợi nhiều tháng, mỗi ngày duyệt điện thư hai ba lần mà vẫn chẳng thấy tăm hơi nào. Trong cơn chán nản, tôi định bỏ cuộc, thì nhận được một thư rất lạ, viết bằng thứ chữ tôi không đọc được. Do dự trong nhiều tiếng đồng hồ, cuối cùng tôi quyết định mở thư ra xem. Có thể computer của tôi sẽ bị hư, mất hết tài liệu tôi giữ trong ấy, nhưng không nín được nữa. Tôi mở thư ra và suý thét to lên vì thư ấy viết cho tôi bằng thứ tiếng Anh lạng quạng lắm. Tôi trả lời ngay, ngỏ ý muốn nhờ ban nhạc thu thanh Symphony Việt Nam 1975 của tôi. Họ không trả lời nhận làm hay không, nhưng biểu tôi gửi nhạc cho họ xem trước khi quyết định. Tôi gửi nhạc qua. Họ xem và trả lời là họ nhận thu thanh. Sau khi biết tôi trên 70 tuổi, họ nói tôi không còn nhiều thì giờ, nên lo thu thanh ngay. Tôi một mặt lo xin sổ thông hành và visa, mặt khác làm việc ngày đêm để chuẩn bị cho kịp để họ in nhạc ra cho từng nhạc sĩ trong ban nhạc.

    Tôi bay qua Kyiv, Ukraine, đầu tháng hai năm 2005. Tuyết vẫn còn phủ trắng khắp nơi. Tôi được ông phó nhạc trưởng ra đón ở phi trường và đưa tôi về ở nhà của ông, tầng 6 trong chung cư có rất nhiều tòa nhà. Ông sắp xếp mọi sự, thuê phòng thu thanh tại Kyiv. Phòng thu lớn thứ nhì trên toàn châu Âu. Ngoài sân khấu rộng có thể để hai hay ba đại dương cầm, có ghế cho độ 100 nhạc sĩ ngồi và còn chỗ cho ban hợp ca 80 người đứng hát. Bên dưới có 300 ghế gắn cứng trên nền nhà, để khán giả ngồi xem. Mọi sự giao tiếp, liên lạc của tôi do ông sắp xếp. Nếu không có ông, tôi chẳng làm được gì vì ở Ukraine rất ít người biết nói tiếng Anh, còn tôi chẳng nói được một tiếng Ukraine nào.

    Tôi may mắn được gặp nhiều nhạc sĩ xuất chúng của Ukraine. Họ là những người góp tiếng nhạc trong các CD của tôi.

    Sáng hôm sau, ông Taras đưa tôi đi gặp cô nhạc sĩ violin để giao bài nhạc cho cô đàn độc tấu. Duyên gặp gỡ giữa tôi và các nhạc sĩ Ukraine bắt đầu từ đây.

    Tôi đinh ninh sẽ đến nhà cô để nói chuyện, không ngờ điểm hẹn là chiếc ghế trống vắng nơi công viên tuyết phủ. Thật tình tứ. Thật lãng mạn. Hình ảnh ấy gợi ý để tôi viết một chuyện ngắn với tên Nocturne. Phần đầu của câu chuyện, tôi ghi lại từng chi tiết. Phần sau thêm mắm muối nhiều.

    Svyatoslava Semchuck, nhạc sĩ độc tấu violin, thu thanh nhiều nhạc phẩm tôi viết cho violin độc tấu. Cô chiếm giải Quán Quân Nhạc Sĩ Trẻ toàn Liên Bang Sô Viết năm 16 tuổi, chiếm giải cuộc thi quốc tế tại Đức năm 18 tuổi. Giáo Sư Violin nhạc viện Tchaikowsky ở Kyiv, Ukraine, Nga, Đại Hàn, Nga và Nhật Bản.

    “Tôi là Svyatoslava Semchuk, một nghệ sĩ đàn vĩ cầm (Violon) thành danh ở Ukraine. Tôi rất cảm ơn số phận đã đưa chúng tôi biết đến một nhạc sĩ và là soạn nhạc gia tuyệt vời Lê Văn Khoa.

    “Ông là một người hết sức linh hoạt, giàu kiến thức và có đời sống tâm linh phong phú. Tôi rất may mắn có cơ hội trình diễn một số nhạc phẩm của ông, đặc biệt là các nhạc phẩm “Nocturne”, “Romance”, và một số tác phẩm khác của người nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng này.

    “Tôi muốn nói ông là một người có nhiệt tình và khả năng làm việc phi thường với một tâm hồn phong phú. Âm nhạc của ông bao quát các kiến thức và kinh nghiệm của những người làm việc chung với ông.

    “Trong nhạc phẩm “Nocturne”, ông kết hợp chủ nghĩa siêu biểu hiện với chủ nghĩa lãng mạn, đó là sự hòa quyện Chopin và âm nhạc Âu Châu. Đó là những dòng nhạc phong phú một cách diệu kỳ, tinh tế và tươi sáng.  Nó cho ta thấy âm nhạc không có biên giới mà đó chính là ngôn ngữ của thế giới.

    “Tôi khuyến khích các bạn nên đến các buổi hòa nhạc của Lê Văn Khoa. Khi trực tiếp nghe nhạc của ông, bạn sẽ thấy một độ sâu thẳm, một nguồn cảm xúc tuyệt vời của sự hiệp nhất tinh thần. Ai cũng sẽ tìm thấy một cái gì đó mới lạ trong âm nhạc của ông.”

    Svyatoslava Semchuck, nhạc sĩ độc tấu violin, thu thanh nhiều nhạc phẩm tôi viết cho violin độc tấu. Cô chiếm giải Quán Quân Nhạc Sĩ Trẻ toàn Liên Bang Sô Viết năm 16 tuổi, chiếm giải cuộc thi quốc tế tại Đức năm 18 tuổi. Giáo Sư Violin nhạc viện Tchaikowsky ở Kyiv, Ukraine, Nga, Đại Hàn, Nga và Nhật Bản.

    “Tôi là Svyatoslava Semchuk, một nghệ sĩ đàn vĩ cầm (Violon) thành danh ở Ukraine. Tôi rất cảm ơn số phận đã đưa chúng tôi biết đến một nhạc sĩ và là soạn nhạc gia tuyệt vời Lê Văn Khoa.

    “Ông là một người hết sức linh hoạt, giàu kiến thức và có đời sống tâm linh phong phú. Tôi rất may mắn có cơ hội trình diễn một số nhạc phẩm của ông, đặc biệt là các nhạc phẩm “Nocturne”, “Romance”, và một số tác phẩm khác của người nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng này.

    “Tôi muốn nói ông là một người có nhiệt tình và khả năng làm việc phi thường với một tâm hồn phong phú. Âm nhạc của ông bao quát các kiến thức và kinh nghiệm của những người làm việc chung với ông.

    “Trong nhạc phẩm “Nocturne”, ông kết hợp chủ nghĩa siêu biểu hiện với chủ nghĩa lãng mạn, đó là sự hòa quyện Chopin và âm nhạc Âu Châu. Đó là những dòng nhạc phong phú một cách diệu kỳ, tinh tế và tươi sáng.  Nó cho ta thấy âm nhạc không có biên giới mà đó chính là ngôn ngữ của thế giới.

    “Tôi khuyến khích các bạn nên đến các buổi hòa nhạc của Lê Văn Khoa. Khi trực tiếp nghe nhạc của ông, bạn sẽ thấy một độ sâu thẳm, một nguồn cảm xúc tuyệt vời của sự hiệp nhất tinh thần. Ai cũng sẽ tìm thấy một cái gì đó mới lạ trong âm nhạc của ông.”

    Lyudmila Chychuk là Giáo sư Nhạc Thính Phòng của trường dành cho trẻ em có biệt tài về âm nhạc, và là nhạc sĩ Piano trình diễn độc tấu. Năm 17 tuổi cô thắng giải thưởng sáng tác nhạc Young Composers of The Republic. Đoạt giải Người Đệm Đàn Xuất Sắc trong cuộc thi quốc tế năm 2001-2002. Lyudmila đã thu thanh tập nhạc piano của tôi. Sau đó cô đem nhạc của tôi đi trình diễn ở nhiều nơi, nhờ cô giới thiệu nên có nhiều trường nhạc ở Ukraine đã dạy nhạc của tôi.

    Khi qua Mỹ nhiều năm trước, cô ở nhà tôi, thấy các con gọi tôi là bố, cô xin phép được gọi tôi là bố như các con tôi. Do đó cô trở thành con tôi. Mối tình bố con này rất lạ. Cô thấy trong nhạc piano của bố Khoa có sự hấp dẫn đặc biệt nên dùng cho chương trình biểu diễn piano của cô. Cô tâm tình: “Bên cạnh nhạc kinh điển, tôi còn thêm nhạc lãng mạn, ví dụ như nhạc của Schubert, hoặc những bản nhạc nổi tiếng của Chopin. Và ngay sau phần trình diễn những danh phẩm này thì những nhạc khúc của Lê Văn Khoa được trổi lên. . .

    Khi tôi có một buổi hòa nhạc ở Vienna, Áo, tôi cũng đã trình diễn nhạc của Lê Văn Khoa cho các khán giả của Vienna. Không ngạc nhiên khi nhiều người tìm gặp tôi sau buổi biểu diễn. Họ đã có những nhận xét khá thú vị. Họ nói: ‘Chưa bao giờ chúng tôi có cơ hội nghe bản nhạc piano lý thú đến như thế tại một buổi hòa nhạc cổ điển’. Thực tế mỗi khi tôi đưa một trong những tác phẩm của Lê Văn Khoa lên Internet, tôi thấy thính giả khác nhau đã nghe nó. Và có lần một nghệ sĩ Piano người Ý tên Andrea Bambace, viết thư cho tôi: “Bạn tìm thấy bản nhạc tuyệt vời này ở đâu thế? Ước gì tôi cũng có được để chơi thử.”

    “Tôi trả lời tôi không có bản ký âm vào lúc đó và cách hay nhất là ông ấy nên trực tiếp hỏi thẳng Lê Văn Khoa. Như tôi biết, ông ấy đã viết thư tới ông Khoa và đã nhận được trả lời.

    “Andrea Bambace là Nhạc sĩ độc tấu Piano quốc tế,Giáo sư Piano nhiều nhạc Viện Ý và các quốc gia Âu Châu, Giám khảo nhiều cuộc thi trình diễn dương cầm quốc tế. Ông viết:“Bài Piano Solo Cây Trúc Xinh của Lê Văn Khoa rất hay, rất êm dịu. Nó hấp dẫn vô cùng cho tôi là một người Ý. Nó tràn đầy tính chất khêu gợi. Tôi rất thích bài nhạc này.”

    “Nhiều người quan tâm tới loại nhạc này bởi vì nó mang đến một làn gió mới, hết sức thú vị, khác biệt so với văn hóa của chúng tôi, văn hóa châu Âu.”

    Lyudmila Chychuk

    Bây giờ hãy nghe bà Alla Kulbaba, Nhạc Trưởng chính của Ukrainian National Opera, Nhạc Trưởng của Kyiv Symphony Orchestra, đi trình diễn khắp thế giới. Bà đã chiếm giải thưởng Nhạc Trưởng Xuất Sắc. Đã thu thanh nhiều CD nhạc giao hưởng của Lê Văn Khoa từ năm 2005.

    Với tôi, đó là một khám phá tuyệt vời, bởi vì tất cả sức mạnh và sự vĩ đại của dân tộc Việt Nam được biểu lộ trong những nét nhạc của bản giao hưởng đặc biệt này [Symphony Vietnam 1975]. Những đoạn về chiến tranh Việt Nam và cuộc đấu tranh của người Việt được diễn tả thật tuyệt diệu.

    Âm nhạc của ông Khoa có thể được nhận ra dễ dàng bởi các yếu tố sau đây:

    Nhạc của ông tràn đầy ánh sáng, sự ấm áp và lòng nhân hậu. Những nét nhạc lạc quan khiến ta phải nghe một mạch không ngừng, và tâm hồn bỗng thấy êm ả hơn.

    – “Tính dân tộc luôn hiện diện trong âm nhạc của ông. Đây là điểm hết sức đặc biệt.

    “Mỗi lần chúng tôi thu thanh nhạc của Lê Văn Khoa thì luôn nhận thấy tiết nhịp và tính chất rất riêng trong âm nhạc của ông.

    Mọi chi tiết trong âm nhạc của ông thật rõ ràng nên khi làm việc với ông thì thật khoan khoái. Việc thu thanh tác phẩm của nhà soạn nhạc Việt Nam (mặc dù ông đang sống tại Mỹ) đã giúp đưa hai dân tộc Việt Nam và Ukraine gần lại với nhau.

    “Dường như chẳng hề có khoảng cách thời gian, năm, mười năm giữa các cuộc gặp gỡ của chúng tôi với nhà soạn nhạc, bởi vì âm nhạc của ông đã gắn kết tâm hồn chúng tôi. Tất cả các nhạc sĩ chúng tôi luôn luôn hào hứng tham gia vào việc thu thanh nhạc của ông.”

    YuriPogoretsky là nhạc sĩ độc tấu Cello chiếm nhiều giải thưởng quốc tế và là thành viên của ban Kyiv String Quartet, Ukraine, từng trình diễn khắp Âu châu.

    “Tôi xin có đôi lời về một con người tuyệt vời, là nhà soạn nhạc tài danh Lê Văn Khoa. Chúng tôi đã làm việc với nhau từ năm 2005. Có một điều quan trọng trong những sáng tác của ông: Ông rất giỏi về ngôn ngữ âm nhạc. Đó là thứ ngôn ngữ không biên giới.

    Ngôn ngữ âm nhạc của ông rất rõ ràng và dễ hiểu, nhờ đó hai quốc gia Ukraine và Việt Nam gặp nhau. Vì vậy, chúng tôi đã thu thanh các tác phẩm của ông. Tôi muốn nhắc tới một đoản khúc đã thu thanh có tên “Ký Ức”. Là một nhà soạn nhạc, ông ấy rất nhạy cảm với các nhạc cụ – trong trường hợp này là đàn Cello. Điều này thể hiện cả trong phần nhạc độc tấu và bản tổng phổ của ông.

    “Tôi rất vui mừng và đầy ấn tượng về những nhạc khúc chúng tôi đã thu thanh tại phòng thu của Kyiv. Một dàn nhạc quy mô là Kyiv Symphony Orchestra được dùng để thực hiện dự án này. Cho tới tận hôm nay, tôi vẫn thấy ấm lòng mỗi khi nhớ lại thời khắc ấy, công việc ấy, tình thân ấy, và dĩ nhiên, những dòng nhạc tuyệt diệu ấy.”

    Irina Starodub là thần đồng âm nhạc Ukraine. Năm 14 tuổi đã đi trình diễn vòng quanh nước Pháp, đã từng chiếm giải thưởng trong cuộc thi tài bên Nga, hiện là giáo sư Piano cho nhạc viện National Tchaikowsky Conservatory ở thủ đô Kyiv, Ukraine.

    “Thật thích thú được là bạn của nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Tôi đã trình diễn nhiều nhạc phẩm đa dạng tuyệt vời của ông, khi đơn tấu, lúc độc tấu với dàn nhạc và song tấu với piano.

    Tôi đã thu thanh toàn bộ đĩa CD Piano của ông ở Mỹ. Với tôi, đó là vinh dự lớn lao bởi vì nhạc của ông thật ấm áp, nhân hậu và sâu thẳm.

    Tôi đã cố gắng truyền đạt cho khán giả Ukraine và Hoa Kỳ (tôi muốn nói, những người Mỹ gốc Việt) về tấm lòng cao thượng của ông Khoa và tình yêu ông dành cho đất nước của ông. Nhạc của ông thật du dương, thật đẹp và chứa đầy nỗi u hoài thương nhớ quê hương. Đó là những gì tôi nghe và cảm nhận được trong những nhạc khúc của ông.

    Tôi xin cảm ơn đất nước Việt Nam đã “sinh ra” một nhà soạn nhạc tuyệt vời. Thông qua âm nhạc của ông, chúng tôi hiểu thêm tâm hồn của các bạn, bản chất, lòng tốt, vẻ đẹp của các bạn bằng sự rung cảm rõ ràng và sâu xa.

    Tôi hy vọng sự hợp tác giữa Ukraine và Việt Nam sẽ ngày càng phát triển và cải thiện theo thời gian. Nhờ các dự án âm nhạc như vậy và nhờ nghệ thuật, chúng ta sẽ đến gần nhau hơn và tìm thấy các giá trị chung.

    Các bạn Việt Nam thân mến, tôi chân thành cảm ơn vì đã vinh dự gặp tận mặt ông Lê Văn Khoa và qua các tác phẩm của ông, tôi biết thêm chút ít về nền văn hóa tuyệt diệu của các bạn. Đối với cá nhân tôi, đó là một điều mới mẻ và tôi muốn nói những lời cảm ơn đến tất cả các bạn vì văn hóa của các bạn quá trong sáng, đầy màu sắc, tinh tế và là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho chúng tôi.”

    Bên trên là một số ghi nhận nét nhạc theo khuynh hướng Tây phương của tôi. Nhớ lại ý niệm ngày xưa, tôi vói qua khía cạnh dân nhạc Ukraine.

    Violetta Dutchak là Tiến Sĩ Nghệ Thuật, Tiến Sĩ Văn Chương, Giáo Sư Khoa Trưởng Phân Khoa Âm Nhạc và Nhạc Khí Dân Tộc, trường Đại Học Quốc Gia Prykarpattya (Vasyl Stefanyk Precarpathian National University). Bà đã đi xe lửa 8 tiếng đồng hồ từ trường học ở miền Tây đến Kyiv để gặp Lê Văn Khoa vài tiếng đồng hồ rồi lên xe lửa trở về trường mất 8 tiếng đồng hồ nữa, cho kịp giờ dạy hôm sau.    Bà nói:

    “Tôi sống tại thành phố Ivano-Frankivsk (miền Tây Ukraine). Tôi là một nhạc sĩ chuyên về đàn Bandura, đồng thời giảng dạy và nghiên cứu về đàn này. Đối với tôi, nghệ thuật đàn Bandura vừa là bộ môn trình diễn nghệ thuật vừa là chuyên ngành nghiên cứu khoa học.

    Lê Văn Khoa và Tiến Sĩ Violetta Dutchak

     “Mấy năm trước, qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Kateryna Mironyuk, tôi nhận được một số nhạc phẩm của nhà soạn nhạc Việt Nam Lê Văn Khoa. Đó thật là một khám phá mới lạ, một cú sốc văn hóa. Từ trước tôi cứ ngỡ chỉ có âm nhạc Ukraine đặc biệt cho đàn Bandura mới thích hợp để trình diễn theo phong cách âm nhạc Tây Phương. Nhiều bản nhạc Tây Phương đã được viết lại để trình tấu với đàn Bandura nhưng tỏ ra không thích hợp với nhạc cụ này. Vậy mà những bản nhạc của Lê Văn Khoa đã vượt qua được thử thách ấy và trở thành những bản nhạc bổ túc cho các nghiên cứu khoa học của tôi.

    Bìa sách Lịch sử về sư phát triển Âm nhạc Ukraine
    trong Thế Kỷ XX và đầu Thế kỷ XXI

    “Nghệ thuật của Lê Văn Khoa là sự kết hợp giữa âm nhạc Âu Châu và âm nhạc Đông Phương.  Trước tiên, tôi rất kinh ngạc bởi cách sử dụng được sắc điệu rất riêng của đàn Bandura. Sắc điệu là một trong những đặc tính chủ yếu của nhạc cụ này bởi vì đàn Bandura khởi thủy là loại đàn 7 nốt, nó tạo nên những âm sắc đặc biệt cho âm nhạc Ukraine.Vậy mà ngũ cung (pentatonic) và những âm giai lạ lùng với chúng tôi lại được Lê Văn Khoa áp dụng vào trong những bản nhạc soạn cho đàn Bandura để trình tấu trong dàn nhạc giao hưởng. Những bản nhạc ấy là bước đi tiên phong trong việc kết nối và giúp cho các nền văn hóa giao thoa với nhau.

    Text Box: Bìa sách Lịch sử về sư phát triển Âm nhạc Ukraine trong Thế Kỷ XX và đầu Thế kỷ XXI“Ngày nay, người ta thường nói về việc “tổng hợp” các nền văn hóa. Nhưng trong luận án của tôi, tôi dùng chữ “hội tụ”.  Đó là sự thâm nhập sâu xa những yếu tố văn hóa đã kết hợp một cách tự nhiên từ trước. Đối với tôi, những bản nhạc soạn cho đàn Bandura của Lê Văn Khoa quả là biểu tượng cho sự hội tụ này, cho sự kết hợp các quốc gia lại với nhau.

    “Nói chung, một nhạc khí nói lên tính cách văn hóa của một quốc gia, một dân tộc, đó là dụng cụ thể hiện cảm tình và một số những sở thích nội tâm. Khi chúng tôi trình diễn những bản nhạc của soạn giả Việt Nam với đàn Bandura thì chúng tôi có cơ hội được hiểu biết và thông cảm với dân tộc Việt Nam.”

    Taras Stolyar là Nhạc Sĩ đàn Bandura, một Nghệ Sĩ Ukraine từng được giải thưởng. Ông là Nhạc Trưởng dàn Bandura trong Ban Nhạc Khí Dân Tộc Hàn Lâm Quốc Gia Ukraine. Ông nhận xét về kỹ thuật viết nhạc của Lê Văn Khoa cho đàn Bandura như sau:

    “Tôi được vinh dự thực hiện một trong những nhạc phẩm của ông Lê Văn Khoa. Chúng tôi vừa thu thanh bài “Lý Ngựa Ô” do ông viết cho đàn Bandura với dàn nhạc giao hưởng. Tôi phải nói rằng sự hợp tác này hết sức thú vị. Âm nhạc của ông hoàn toàn khác với những gì chúng tôi dùng trước đây với đàn Bandura.

    Taras Stolyar

    Text Box: Taras Stolyar“Đàn Bandura ngày nay được kể là “đồ cổ” trong nhạc khí thế giới. Qua sự cộng tác giữa chúng tôi, các tấu khúc của nhạc sĩ Lê Văn Khoa (ông đã viết nhiều tấu khúc cho đàn Bandura) rất có giá trị cho lịch sử của đàn Bandura nói chung. Khi tấu lên những cung điệu khác, đàn Bandura đã tiến đến một phong vị mới, một lịch sử mới. Thính giả quan tâm nhiều hơn. Đàn được nâng cấp cao hơn. Tôi nghĩ rằng khi đàn Bandura chơi những bản nhạc của các nước khác ta sẽ được nghe những thanh âm mới lạ như chưa bao giờ từng nghe trước đó.”

    Duyên Tiền Định (Phần 2)

    “With regards to the Composer Lê Văn Khoa, with great respect and gratitude for the development of cultural contacts between countries and peoples.”

    Professor Violetta Dutchak

    Vasyl Stefanyk Precarpathian National University

    Giáo Sư Dmytro Stepovyk, người có ba bằng Tiến Sĩ: Văn Chương, Nghệ Thuật và Tôn Giáo. Ông là tác giả sách nghệ thuật Mosaic. Hiện là giáo sư nhiều trường đại học ở Kyiv, Ukraine và New York, Hoa Kỳ.

    Trong một cuộc phỏng vấn thu hình năm 2017, ông đã hé lộ bí ẩn nằm bên sau cái duyên tiền định của Lê Văn Khoa với nhạc sĩ Ukraine và rộng hơn, những điểm tương đồng của Việt Nam Cộng Hoà và Ukraine? Mời qúi vị xem tiếp và nhận định.

    “Ukraine và Việt Nam thuộc các nền văn minh khác nhau. Về mặt địa lý, chúng ta cách nhau hàng ngàn cây số. Nhưng có một thứ kết nối chúng ta với nhau, đó là nền văn hóa và văn minh của chúng ta đều cổ kính. Dĩ nhiên, Đông Nam Á đạt văn minh sớm hơn. Chúng tôi coi văn minh Ukraine bắt đầu từ sự xuất hiện của Đấng Christ, bởi vì Ukraine và đặc biệt Kyiv, đã được chính vị tông đồ đầu tiên của Đức Chúa Jêsus Christ đến thăm. Vị ấy là sứ đồ Andrew. Thậm chí ở đây chúng tôi gọi ông là Người Đầu Tiên Được Ơn Kêu Gọi, vì ông là vị tông đồ đầu tiên được Chúa Giê-Su kêu gọi. Vì vậy, chúng tôi gọi nhà thờ Ukraine là Apostolic (Nhà Thờ Thánh Tông Đồ). Trên thực tế, lịch sử Ukraine hiện đại đã phát triển trong những điều kiện khó khăn. Nước tôi nằm giữa khu vực địa lý của châu Âu.

    Nếu Việt Nam được bảo vệ bởi một bên là đại dương và bên kia là các ngọn núi hùng vĩ với các khu rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới, thì Ukraine mở ra cả hai phía. Vì điều này nên chúng tôi có một lịch sử rất khó khăn. 40% trong tổng số đất đai màu mỡ trên thế giới được tìm thấy ở Ukraine. Dân số của chúng tôi chỉ có 40-45 triệu người. Theo ước tính của các chuyên viên nông nghiệp, đất Ukraine có thể “nuôi” được một tỷ người; một phần bảy dân số thế giới.

    Tạ ơn Chúa, cuối cùng từ hai mươi năm qua, chúng tôi không còn là nước thuộc địa. Chúng tôi đã bị cai trị bởi các người khác nhau, người Mông Cổ thế kỷ 13, người Ba Lan (hàng xóm của chúng tôi) và cuối cùng là người Moskal (tức là người Nga). “Rus” là tên Ukraine một thời nhưng đã bị người ta (Nga) cướp mất.

    Tạ ơn Chúa, không có quốc gia lân cận nào của các bạn, không phải Lào, Campuchia, cũng không phải Trung Quốc, Đài Loan, hay Indonesia dám xóa đi cái tên nước đẹp đẽ của Việt Nam. Tôi tin rằng tên này có nguồn gốc rất cao quý.

    “Điều gì làm chúng ta giống nhau?

    Ca Sĩ Ngọc Hà trình diễn dân ca Việt Nam tại Ukraine

    Nếu nền văn minh của chúng ta bắt đầu từ cùng một mốc thời gian, thì điều gì khiến chúng ta gặp gỡ nhau? Tôi vô cùng hạnh phúc khi năm 2012 nhờ qua Taras Myronyuk, nhạc trưởng của dàn hợp xướng và dàn nhạc Kyiv Symphony Orchestra, tôi được gặp một người tuyệt vời, nhạc sĩ Lê Văn Khoa, một người Mỹ gốc Việt, nhà soạn nhạc, nhạc trưởng, tác giả những nhạc phẩm mang nét văn hóa Âu Mỹ kết hợp với giai điệu các ca khúc Việt Nam nổi tiếng.

    Điều nào khác nữa khiến chúng ta giống nhau?

    Chúng tôi thuộc về các nhóm sắc tộc khác nhau, chủng tộc Mông Cổ và Âu Châu. Tuy nhiên chúng ta có nhiều điểm chung.

    “Tôi nhớ lại lúc còn trẻ khi lần đầu tiên viếng thăm một nước tư bản là Na Uy. Ở thị trấn Northgamme trong viện Bảo Tàng Nhạc Cụ, bên cạnh nhạc cụ dân gian Na Uy, tôi thấy một cây đàn Bandura Ukraine. Nhạc cụ này được người Ukraine đem tới bởi vì họ không chấp nhận chế độ Cộng Sản do Nga áp đặt bằng những lời dạy của Engels và Marx. Chế độ đó không thuộc đất nước chúng tôi vì chúng tôi là dân tộc có lý tưởng dân chủ giống như dân tộc Việt Nam. Chế độ Cộng Sản ngày nay ở Việt Nam không phát xuất tự nhiên từ tâm hồn người Việt. Chính những điều này đã đưa hai quốc gia chúng ta đến với nhau bất chấp những khác biệt bên ngoài. . .

    Ngày nay thế giới đang trải qua sự toàn cầu hóa, và chúng tôi rất hạnh phúc khi các bạn đến đây để thực hiện những tác phẩm tuyệt đẹp, trong đó Lê Văn Khoa đã sử dụng đàn Bandura – nhạc cụ Ukraine cổ nhất, có nguồn gốc từ đàn Kobza bằng cách thêm nhiều dây đàn hơn. Thật là một món quà tuyệt vời vì nhạc của Lê Văn Khoa giống như âm nhạc dân gian của chúng tôi.

    “Chúng tôi hiện đang vui mừng kỷ niệm hai mươi lăm năm nền độc lập. Liệu nước láng giềng Nga có thể sẽ tấn công chúng tôi chăng? Trong hai năm sau chiến tranh dưới thời Tổng Thống Poroshenko, Ukraine đã nâng cao khả năng quân sự để đối phó với các cuộc tấn công hung hăng. Điều đó cho thấy chúng tôi không chỉ có sức mạnh tinh thần và sáng tạo mà còn có cả sức mạnh cơ bắp. Chúng tôi có thể tự bảo vệ chính mình.

    Tôi nhớ lúc còn trẻ, cuộc chiến bi thảm và đẫm máu giữa miền Bắc và Nam đang diễn ra tại Việt Nam. Thật không may, nền dân chủ đã không giành chiến thắng. Nhưng tôi thiết nghĩ sự phát triển của Việt Nam sẽ đạt đến thời điểm mà ý chí của các bạn rồi sẽ vượt qua sức mạnh của cái ác, và bắt đầu đi theo con đường các bạn đã bước đi trong những thế kỷ trước.

    Lịch sử hiện đại của chúng tôi bằng cách nào đó đã vang vọng với lịch sử quốc gia tuyệt vời của các bạn.”

    Cái duyên tình tiền định giữa Lê Văn Khoa và nhạc sĩ Ukraine đã bật mở từ lần gặp đầu tiên, tháng Hai, năm 2005, khi tôi qua Kyiv, Ukraine để thu thanh Đại Tấu Khúc Việt Nam 1975. Sự thân thiện và cởi mở giữa chúng tôi dường như đã có từ trước rất lâu mà không ai biết, thình lình hiển hiện từ những nốt nhạc đầu tiên khi dàn nhạc khởi tấu lần đầu. Nó hiện ra trong tiếng đàn, hiện ra trên nét mặt của các nhạc sĩ. Nó hàm chứa niềm vui kín đáo khi gặp lại cố nhân. Nhưng rồi hiện ra rõ hơn sau buổi dợt đầu tiên, lúc chúng tôi phải ra đường lớn để đón taxi.

    Phòng thu thanh quốc gia ở trên một ngọn đồi thấp, nhưng một người lạ phải đi lần đầu tiên, trong bóng đêm, trên mặt đất phủ tuyết đã đóng băng, không dễ đi chút nào. Cô Svyatoslava Semchuck, nhạc sĩ độc tấu violin bên trái, bà nhạc trưởng Alla Kulbaba, bên mặt, hai người hai bên sốc nách tôi, nâng tôi lên khỏi mặt đất để đi, tự nhiên như nâng người “em nhỏ” trong gia đình.  

    Trong thời gian thu thanh Symphony VietNam 1975, tôi bị đứng tim nhiều lần. Nhưng mối tình nào chẳng có những giây phút hồi hộp?

    Trong khi tổng dợt hành âm số 5 có tên “Trong Đêm Thâu”, khi cả ban nhạc yên lặng, rồi có tiếng nhạc thật êm, lạc lỏng, lần lần từ xa tiến tới. Lúc đó, một câu nhạc ngắn trổi lên. Thình lình có một nhạc sĩ đứng lên, quơ tay chận nhạc trưởng, nói lớn với giọng gay gắt. Nhiều nhạc sĩ khác đứng lên theo. Cả sân khấu ồn ào. Tôi đang ở trong phòng thu với chuyên viên âm thanh, không hiểu chuyện gì xảy ra vì tất cả những người lên tiếng đều dùng tiếng Ukraine. Tôi nghĩ không biết mình viết nhạc bết bát thế nào mà bị chống đối dữ vậy? Vì không hiểu tôi chỉ còn biết tiếp tục quan sát.

    Tôi thấy bà nhạc trưởng vừa nói, giọng ôn tồn, vừa lật qua lật lại những trang nhạc trong quyển tổng phổ của tôi. Sau đó các nhạc sĩ ngồi xuống và đàn tiếp. Có đoạn họ gằn tiếng đàn như trút cơn giận trong âm thanh. Thu thanh hành âm đó xong, các nhạc sĩ ra về. Tôi không dám ló mặt ra khỏi phòng thu vì sợ bị xỉ vả. Đến khi ông phó nhạc trưởng vào phòng thu, tôi hỏi thăm chuyện gì đã xảy ra. Ông cho biết nhạc sĩ phản đối vì có câu nhạc cộng sản quốc tế ca. Bà nhạc trưởng đã nghiên cứu nhạc trước nên hiểu câu chuyện trong âm nhạc và giải thích đây là bài nhạc về lịch sử Việt Nam. Nhạc kể cuộc chiến ở Việt Nam do cộng sản quốc tế xúi giục, nhưng sẽ bị chống trả mãnh liệt của quân dân miền Nam, trong đoạn nhạc sắp tới. Nghe vậy nên nhạc sĩ yên tâm ngồi xuống chơi nhạc tiếp. Nhạc sĩ bày tỏ: “Chúng tôi bị bắt chơi bài này cả đời và rất thù ghét nó, tưởng đâu thoát rồi, tại sao bây giờ bị chơi nữa?” Do đó khi trổi Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa, họ gằn phím đàn để thêm sự cương quyết cho tiếng nhạc. Qua sự việc này, ta thấy sự đồng cảm, đồng thuận của nhạc sĩ Ukraine. Nếu thu thanh ở một quốc gia khác, chắc chắn những rắc rối vừa rồi không xảy ra. Thêm một lần nữa duyên tình ẩn kín giữa Lê Văn Khoa và nhạc sĩ Ukraine đã lộ diện. Họ chơi nhạc với cả tình lẫn lý.

    Một rắc rối khác xảy ra đang lúc tổng dợt hành âm số 6 của Symphony VietNam 1975. Lần này bà nhạc trưởng ra lệnh ngưng nửa chừng và chuyển qua bài khác. Tôi tái mặt, nghĩ thầm, không biết mình viết nhạc bị lỗi lầm quan trọng nào đây mà bà nhạc trưởng không cho chơi tiếp. Sau buổi thu thanh, bà nhạc trưởng hẹn tôi gặp riêng với bà hai hôm nữa.

    Đến ngày giờ hẹn, tôi gặp bà. Sau lời chào hỏi, bà lật nhạc từ quyển tổng phổ, hành âm số 6, “Trên Biển Cả”.  Bà nói: “Cần phải chỉnh lại hành âm này.” Tôi bối rối vô cùng. Làm sao có đủ thì giờ viết thêm phần nhạc mới để thay phần bị bỏ ra? Nhưng bà nhạc trưởng nói tiếp: “Nhạc lớn quá và kéo dài quá lâu. Không ai chịu nổi.” Tôi yên tâm. Không phải mình viết nhạc sai. Tôi nhớ lại phần đối thoại với thính giả sau buổi trình diễn tác phẩm này tại Trung Tâm Biểu Diễn Nghệ Thuật Orange County, năm 1995. Có một khán giả nêu ý kiến: “Âm thanh không đủ lớn để diễn tả chiến tranh.” Nhạc trưởng Edward Cumming trả lời: “Ông Khoa yêu cầu thêm 6 cái trống lớn, đặt rải rác trong khán giả, để khi bị pháo kích thì tất cả đồng loạt vang lên. Nhưng chúng tôi không chấp thuận.” Tôi nghĩ lại, họ không chấp thuận là đúng. Trong khi chỉ có một tiếng đàn bầu thật êm nhẹ tỉ tê, mọi người đang tập trung lắng nghe âm thanh nhỏ yếu, thật tình cảm, thình lình tiếng trống ầm vang khắp phòng nổi lên điếc tai, thì sẽ có chuyện gì xảy ra, nhất là nếu có người đau tim ngồi gần đó? Hôm nay, ở đây, hoàn cảnh tương tự!

    Tôi nhẹ nhàng nói: “Xin bà đề nghị.”

    Bà nhạc trưởng nói bằng tiếng Anh: “Tôi đề nghị cắt bỏ từ chỗ này…. đến chỗ này.”

    Tôi góp ý: “Tôi thấy không ổn vì câu nhạc bị phá và hòa âm bị cắt mất thình lình.”

    Bà vừa lật trang nhạc và bật nói bằng tiếng Ukraine mà không hề ý thức việc mình làm. Đó là phản xạ tự nhiên trong cơn bối rối. Nhưng bằng cách nào đó, tôi hiểu ý bà và đáp lời bằng tiếng Anh. Bà hiểu tiếng Anh nhưng đáp lại bằng tiếng Ukraine. Cuộc tranh luận kỳ quái như vậy kéo dài nhiều phút. Rốt lại chúng tôi đồng ý cắt bớt ba trang nhạc. Với âm nhạc, ngôn ngữ con người dường như không còn cần thiết nữa.

    Những bối rối của tôi chưa hết.

    Nhạc sĩ Aleksandr Dudar

    Có lẽ cảm thông với ý nghĩ thầm kín của tôi, một buổi chiều ông phó nhạc trưởng mời chúng tôi ra ngoài để giải khuây. Ông đưa chúng tôi đến một cơ sở mới. Ông mời mấy người trong phái đoàn người Việt ngồi nghỉ. Ông vào trong, dẫn ra một nhạc sĩ Ukraine với chiếc đàn accordeon, yêu cầu người nhạc sĩ chơi một bài nhạc để giúp vui chúng tôi. Nhạc sĩ chơi rất điệu nghệ. Hết bài nhạc, ông ấy xếp đàn lại để rời phòng. Ông phó nhạc trưởng giới thiệu với ông nhạc sĩ từng người khách lạ đã nghe ông đàn. Đến tôi, ông nói: “Đây là composer Khoa Lê.” Nghe đến composer, người nhạc sĩ trợn mắt, nói: “Composer à? Vậy thì tôi xin đàn thêm một bài nữa. Bài này do tôi sáng tác, tên là Ave Maria.” Ông ta dạo nhạc rồi cất tiếng hát với tất cả xúc động, đến rơi lệ. Tôi nghĩ ông ấy phải có một tâm sự đau lòng lắm. Khi nhạc sĩ đi khuất, ông phó nhạc trưởng nói nhỏ cho chúng tôi biết người nhạc sĩ ấy tên Aleksandr Dudar, là người hát dạo từ dưới tỉnh lên thủ đô, đi xin ăn ngoài đường phố. Ông ta đã tốt nghiệp âm nhạc từ Kyiv National Tchaikowsky Conservatory of Music. Có người rước ông về đây, cho ở tạm vài tuần lễ để ông ấy định tỉnh tâm thần trước khi trở ra ngoài đời. Tôi choáng váng. Một người hát dạo ăn xin ngoài đường phố là người đã tốt nghiệp nhạc viện danh tiếng quốc gia!

    Tôi nhớ lại việc Stalin dùng lời giả dối là cần sưu tập những sáng tác của người mù (những bài hát yêu nước) để in thành tập nhạc lưu lại cho hậu thế. Người Nga đã quy tụ được đến ba trăm người ăn xin mù lòa từ khắp Ukraine. Tập trung họ lại một chỗ rồi giết hết một lúc. Tôi tự hỏi: “Như vậy, trình độ âm nhạc của người dân Ukraine đến đâu? Mình có được phần nào sánh với họ không?”

    Trở lại hành âm cuối của Symphony VietNam 1975 là Ca Ngợi Tự Do. Trong hành âm này tôi cố ý dùng ban hợp ca Ukraine thêm vào với phần hòa âm riêng. Tôi muốn nhờ ban hợp ca Ukraine hát đệm để về cho ban hợp ca Việt hát chồng lên cho đầy.

    Khi tập dợt thì ban hợp ca tập riêng ở địa điểm khác với ban nhạc. Họ chỉ hát u ơ, không có giai điệu chính và không có âm thanh nào khác thì khó biết mình hát gì. Đến khi tổng dợt với ban nhạc để thu thanh, họ được hát với ban nhạc lần đầu. Nhờ hát chung với ban nhạc họ thấy phần nhạc đệm có âm sắc khác thường. Họ nói nhạc có sự thôi thúc và phấn khởi mãnh liệt nhưng họ không hiểu nghĩa của lời ca. Đang hát, họ ngưng, yêu cầu nhạc trưởng giải thích cho họ. Nhạc trưởng không biết tiếng Việt nên gọi tôi ra để giải thích. Khi được gọi, tôi không hiểu có việc gì xảy ra nữa đây, nhưng không né tránh được nên phải xuất hiện. Được biết ý họ, tôi nói tên bài hát là Ca Ngợi Tự Do. Chỉ cần chừng đó họ đã hiểu hết vì đã cảm với âm nhạc từ trước. Họ yêu cầu bài hát phải được dịch ra tiếng Ukraine để họ hát. Họ nói không phải chỉ người Việt Nam mới ưa chuộng tự do. Người Ukraine và cả người khác trên thế giới đều mong muốn tự do. Trước khí thế như vậy, tôi chấp nhận cho hoản thu thanh hành âm cuối để đưa bài Ca Ngợi Tự Do cho người dịch ra tiếng Ukraine. Thế là tất cả ca, nhạc sĩ đều ra về. Điều cảm động là tất cả ca, nhạc sĩ, nhân viên thu thanh, nhạc trưởng, không ai nhận một xu thù lao nào cho buổi thu thanh bất thành đó. Thế mới thấy tinh thần của ca nhạc sĩ Ukraine. Họ tuy nghèo, nhưng rất có tình. Với hành động ấy họ công khai xác nhận mối duyên thầm với Lê Văn Khoa. Và cuộc tình còn dài.

    Kyiv Symphony Orchestra and Chorus trình diễn bài “Ca Ngợi Tự Do

    Ngay đêm đó tôi dịch lời bài Ca Ngợi Tự Do ra tiếng Anh. Hôm sau ông phó nhạc trưởng đem bản nhạc và lời tiếng Anh đến nhờ người chuyên dịch các Opera Ý, dịch bài Ca Ngợi Tự Do ra tiếng Ukraine để ban hợp ca hát. Hai ngày sau thì thu thanh. Vì bài ca hoàn toàn mới nên ban hợp ca phải nhìn vào bài để hát. Tuy kém thoải mái, nhưng mọi người thỏa lòng.

    Nhạc trưởng Andrew Wailes của dàn nhạc The Royal Melbourne Philharmonic Orchestra, Australia, nhận xét bài Ca Ngợi Tự Do như sau: “Trong hành âm cuối, ‘Ca Ngợi Tự Do’, nhạc dàn ra một bài hợp ca thật hay. Nhạc thật lộng lẫy, đồ sộ, thật vĩ đại. . . Nhạc thật hay, rất sắc xảo, tinh vi. . . .”

    Điểm ấm lòng và có dấu hiệu đồng cảm sau mấy ngày thu thanh của chuyến đi Kyiv, Ukraine lần đầu của tôi năm 2005, là các nhạc sĩ của Kyiv Symphony Orchestra and Chorus yêu cầu bà nhạc trưởng xin tôi để nhạc lại cho họ chơi. Phải chăng cái duyên giữa Lê Văn Khoa và nhạc sĩ Ukraine đã đến lúc lộ rõ. Phải chăng nét nhạc của tôi đã nói lên được nỗi lòng âm thầm chịu đựng từ lâu của người Ukraine. Tôi tin phải có sự đồng cảm mà chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu. Nhờ đó mà từ năm 2005 đến 2017 tôi thực hiện được 5 CDs nhạc với Kyiv Symphony Orchestra, một CD nhạc Piano, một bài Quốc Thiều Việt Nam Cộng Hòa với ban Quân Lễ Nhạc Phủ Tổng Thống Ukraine và nhiều bản nhạc rời.

    Một buổi chiều, sau khi thu thanh xong mấy bài nhạc, nhờ việc làm suôn sẻ nên buổi thu thanh được kết thúc sớm. Chúng tôi có khoảng trống vài tiếng đồng hồ, bà nhạc trưởng và 2 cô nhạc sĩ trẻ rủ tôi đi dạo phố với họ sau một ngày làm việc căng thẳng quá mức. Hai cô gái này tên Irina Starodub, giáo sư piano Nhạc viện Quốc gia, và Svyatoslava Semchuk, là giáo sư Violin của Nhạc Viện Quốc gia tại Kyiv.

    Nhạc Sĩ Lê Văn Khoa

    Chúng tôi đi dạo trong công viên của khu đền kỷ niệm 10 triệu người bị Stalin bỏ đói cho chết hết trong hai năm 1932 và 1933. Tra internet tôi thấy dân số của toàn Ukraine lúc đó là 39 triệu 600 trăm ngàn người. Như vậy Stalin đã giết một phần tư dân số của toàn nước Ukraine.

    Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện về âm nhạc. Có một điểm kỳ lạ, năm 1933 là năm tôi chào đời.

    Đi dạo độ một tiếng đồng hồ, chúng tôi ra đón taxi trở về phòng thu thanh để làm việc tiếp.

     Nơi đây tôi được học một bài học về đẳng cấp trong giới nhạc cổ điển.

    Khi taxi tấp vô lề đường, cô Irina bước tới, mở cửa xe để mời tôi lên xe. Như đã nói ở phần trước, cô là một thiên tài âm nhạc. Năm 16 tuổi, cô đã đi trình diễn khắp nước Pháp, hiện là Giáo sư Piano cho Nhạc Viện Quốc Gia Tchaikowsky. Nhưng Irina bị cô Svyatoslava, người từng chiếm giải Quán Quân toàn Liên bang Sô Viết, từng chiếm giải thưởng quốc tế ở Đức, môn violin, Giáo Sư Violin của nhiều nhạc viện ở Ukraine, Đại Hàn và Nhật Bản. Cô gạt Irina qua một bên, để chính cô mời tôi lên xe. Tôi chưa kịp bước lên xe thì bà nhạc trưởng đến gạt Svyatoslava qua, bà mở cửa xe và mời tôi lên. Tôi nói cách gì cũng không thể để bà lên xe trước tôi. Tôi đành lên xe. Sau khi tôi ngồi an toàn rồi, bà đóng cửa xe cho tôi, bà và hai nữ nhạc sĩ lên ngồi ở phía sau.

    Khi xe chạy, tôi quay ra sau hỏi ba phụ nữ:

    “Tôi thấy có việc lạ, xin giải thích giùm tôi. Tại sao ở Hoa Kỳ thì đàn ông mở cửa xe mời phụ nữ lên xe trước rồi họ mới lên xe sau, ở đây tôi không thể mời ba vị lên xe được?”

    Bà nhạc trưởng trả lời một câu ngắn gọn, làm tôi suy nghĩ rất nhiều:

    “Because you are the composer.”

    Câu trả lời rất ngắn đó xác định vị thế từng người trong giới nhạc cổ điển Tây phương, nhưng quan trọng hơn, nó minh xác tôi là một người trong nhóm của họ. Cái duyên tiền định giữa tôi và nhạc sĩ Ukraine đã lộ rõ ra ở đây.

    Một cái duyên nữa là năm 2012, khi Vietnam Film Club nhờ tôi thực hiện một bài quốc thiều giá trị cho phim tài liệu về Quốc Kỳ và Quốc Ca của Việt Nam Cộng Hòa, tôi nghĩ ngay phải tìm một ban nhạc tầm vốc quốc gia mới xứng hợp. Nhờ duyên tình đã kết hợp với nhạc sĩ Ukraine từ năm 2005, và sau khi vượt mọi khó khăn vào giờ phút cuối, chúng tôi được Ban Quân Lễ Nhạc của Phủ Tổng Thống Ukraine trình diễn cho chúng tôi thu thanh và thu hình bài Quốc Thiều Việt Nam Cộng Hòa. Duyên tình của chúng tôi càng kết chặt hơn.

    Trong một buổi họp mặt với nhiều Giáo Sư từ các trường nhạc lớn ở Ukraine, Tiến Sĩ Taras Myronyuk của Kyiv Symphony Orchestra nói trước mặt mọi người: “Ông Khoa ơi, tôi thấy có hai con người bên trong ông, một là Việt Nam, người kia là Ukrainian. Nhưng tâm hồn ông thuộc về Việt Nam.”

    Vâng, tâm hồn tôi mãi mãi thuộc về Việt Nam Cộng Hòa.

    Trong đêm cuối cùng ở Kyiv, năm 2017, có sự truyền cảm nào đó làm mọi người bịn rịn, không muốn chia tay. Tôi nói: “Đêm nay là đêm cuối cùng tôi ở Kyiv. Tôi chào từ biệt mọi người, vì sẽ không còn cơ hội để tôi qua Ukraine nữa.”

    Bà nhạc trưởng Alla Kulbaba êm ái góp ý: “Xin đừng nói cuối cùng. Chúng ta chờ xem, coi có việc gì xảy ra. . .”

    . . . Mấy năm sau, lúc 3:40 sáng (giờ Kyiv) ngày 24 tháng Hai 2022, Nga xua quân xâm chiếm Ukraine và tàn phá quốc gia này. Nếu duyên hội ngộ giữa Lê Văn Khoa và nhạc sĩ Ukraine không còn tiếp được lâu dài, thì ít ra Việt Nam Cộng Hòa và Ukraine có điểm giống nhau: cả hai quốc gia cùng bị cộng sản sát hại. Nhưng điều quan trọng là hai quốc gia đã được thắt chặt bằng sợi dây vô hình: ban Quân Lễ Nhạc Quốc Gia thuộc Phủ Tổng Thống Ukraine đã trình diễn Quốc Thiều Việt Nam Cộng Hòa. Hình ảnh và Âm thanh của việc này sẽ còn lưu dấu đến ngàn sau.                                                          

    Sergeant Taras Myronyuk *1

    *1- Tiến Sĩ Taras Mironyuk, Giáo Sư nhạc của National University of Culture and Arts, Phó Nhạc Trưởng Kyiv Symphony Orchestra and Chorus, người môi giới và tiếp sức Lê Văn Khoa để thực hiện 5 CD nhạc với Kyiv Symphony Orchestra từ năm 2005. Hình chụp mùa Thu năm 2022.

    *2 – Khi Nga tấn công Ukraine lúc 3:40 sáng (giờ Kyiv) ngày 24 tháng Hai năm 2022, tiến sĩ Taras đưa vợ con về quê ngoại ở Tây Ukraine, sát biên giới Ba-Lan, ông trở lại Kyiv, nhập ngũ để bảo vệ quê hương với cấp bực khiêm nhường: Đội Trưởng. Hình chụp mùa Đông năm 2022. Taras là người cao hơn hết, đứng giữa.

    Lê Văn Khoa

  • Khánh Lan,  Văn Thơ

    RA MẮT SÁCH CỦA 3 NHÀ VĂN: NGUYỄN VĂN THÀNH, LÊ THỊ ĐÀO VÀ NGUYỄN THỊ THANH TRÍ

    Từ trái sang phải: NV Ngọc Cường và phu nhân, Bích Điệp; NV Phương Hiền; NV Nguyễn Văn Thành và phu nhân, Nguyễn Thị Giỏi; NV Thanh Trí và NV Lê Thị Đào.

    Sau cơn mưa trời lại sáng”. Quả đúng như thế, sau bao ngày mưa gió tại California, sáng Chủ Nhật ngày 26 tháng Tư đúng là “Beautiful Sunday”. Bởi, sau những ngày mưa gió với bầu trời màu xám xịt đã nhường chỗ cho những áng mây màu xanh biếc và trên đường phố, những cành cây, cọng cỏ tươi mát như vừa được tắm gội sau bao ngày hạn hán. Những cơn gió thổi làn không khí hiu hiu lạnh của ngày cuối xuân còn đọng lại. Ngoài đường phố, các thiếu nữ với những chiếc khăng quàng cổ, đủ sắc màu, tung bay trong gió, trông thật vui mắt.

    Ba nhà văn với 4 tác phẩm

    Buổi RMS 4 tác phẩm của ba nhà văn (NV): Nguyễn Văn Thành (Niềm Nhớ, Giấc Mơ Chàng Lính Biển) Nguyễn Thị Thanh Trí (Kỷ Niệm Yêu Thương) và Lê Thị Đào (Góp Nhặt Sỏi Đá) đã thành công rực rỡ tại nhà hàng Diamond Seafood Palace, tọa lạc trên đường Lamson Ave., Garden Grove, California ngày 26 tháng 04, 2023. Từ ngoài parking lot, Mạnh Bổng và Khánh Lan khệ bê 12 chai Apple Sparkling, 10 hộp đậu phộng da cá, 5 cái bằng tưởng lục, một bó hoa hồng và hai cái bánh bông lan (half sheet) bước vào khánh phòng, đồng hồ lúc ấy chỉ 11:00 giờ sáng. Trong khánh phòng đã chật kín quan khách tham dự, kẻ đứng người ngồi, cười nói vui vẻ. Ánh sáng từ các máy điện thoại di động loé lên liên tục để ghi lại những tấm hình lưu niệm cho từng nhóm. Chương trình RMS khai mạc đúng 11 giờ 30 sáng.

    Chương trình RMS gồm hai phần: Phần Văn Học và phần văn nghệ giúp vui do hai MC Kim Phụng và Khánh Lan phụ trách.

    Từ trái sang phải: Thụy Lan, Lệ Hoa, Lâm Dung, 2 vị khách, Khánh Lan, Tuyết Nga,
    Kiều My, Bích Điệp, Ái Liên, Mộng Thủy, Ngọc Quỳnh và Minh Thư

    Sau lễ chào quốc kỳ, NV Nguyễn Văn Thành đại diện cho nhóm văn học Ninhhoa.com khai mạc buổi Ra Mắt Sách (RMS) và giới thiệu Giáo Sư (GS) Trần Hà Thanh, Cựu Hiệu Trưởng trường Trung Học Trần Bình Trọng – Ninh Hoà. Ông  nói về 20 năm hoạt động của Website ninhhoa.com. Tiếp theo là GS. Trần Huy Bích đại diện Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian ngỏ lời chúc mừng Nhóm Văn Học Ninh Hoà tròn 20 Tuổi. Sau đó, MC Kim Phụng đọc hai lá thư của cựu Hải Quân (HQ) Đại tá Bùi Cửu Viên và cựu HQ Trung tá Chu Bá Yến, gởi lời chúc mừng cựu HQ Trung úy tác chiến Nguyễn Văn Thành đã trọn lòng binh nghiệp và nay xoay sang văn nghiệp.

    Bắt đầu Phần Văn Học, một hội thảo đoàn gồm các NV: Nguyễn Văn Thành, Phương Hiền, Ngọc Cường, Lê Thị Đào, Nguyễn Thị Thanh Trí, Khánh Lan, Kiều My và Mộng Thuỷ.

    Từ trái sang phải: Mộng Thủy, Kiều My, Thanh Trí, Lê Thị Đào,
    Phương Hiền, Nguyễn Văn Thành, Việt Hài, Ngọc Cường và Khánh Lan.

    Trong phần điểm sách, NV Khánh Lan mượn 4 câu thơ trích trong bài thơ Tuổi Biết mà NV Nguyễn Văn Thành đã dùng để mở đầu cho tác phẩm Giấc Mơ Chàng Lính Biển của ông:

    “Có phải anh vẫn nhớ
    Người thương lúc còn thơ
    Có phải anh vẫn mơ
    Người thương xưa mắt biếc!

    Qua 4 câu thơ trên đã chứng tỏ nhà toán học Nguyễn Văn Thành, một kỹ sư thiết kế kỹ thuật quốc phòng nhưng lại mang một tâm hồn thi sĩ, ông đã dùng những lời lẽ ví von, ý tưởng ẩn dụ (metaphor) dựa theo văn chương tây phương để chuyển tải tư tưởng của mình vào trang giấy. Những nhân vật trong câu truyện cổ tích như Brothers Grimm, chàng thủy thủ John Reid và điều mơ ước của nàng tiên cá Helen Stewart và Captain Nemo, (nguyên tác tiếng Pháp Vingt mille lieues sous les mers: Tour du monde sous-marin, một cuốn tiểu thuyết cổ điển về khoa học viễn tưởng của nhà văn Pháp Jules Verne xuất bản năm 1870), hay “Hai ngàn dặm dưới đáy biển” là những tác phẩm đặt nền tảng cho nhiều phạm vi về hàng hải. Vì vậy, ta có thể nói rằng, văn phong của NV Nguyễn Văn Thành có sự xen lẫn những ý tưởng triết tính của Jules Verne, André Gide, Jacob và Wilhelm.

    Cũng với lối văn phong bình dị, dễ hiểu NV Nguyễn Văn Thành đã đưa chúng ta qua những đia danh quen thuộc như Cần Giờ, Rừng Sát, Xoài Rạp, Vàm Láng (Gò Công), Bến-Lức, Trà Cú, Gò Dầu Hạ, An Thới… nơi mà các chiến sĩ Hải Quân VNCH đã đóng quân, bảo vệ sơn hà năm xưa. Qua 85 phân đoạn trong tác phẩm Giấc Mơ Chàng Lính Biển của tác giả Nguyễn Văn Thành, cho người đọc một cảm xúc vui buồn đời lính, xen lẫn cái thi vị tình yêu lãng mạn của người lính biển, lòng trung kiên, ái quốc đi song song với sự can đảm và sự chung thủy của người thiếu nữ trẻ, băng sông, vượt rừng, lăn lội đi tìm người yêu.

    Trong câu truyện Giấc Mơ Chàng Lính Biển, tác giả đã khéo léo dùng ngòi bút để kể lại câu chuyện về cuộc đời binh nghiệp của chính mình, đồng thời, ông lồng vào đấy một nhân vật hư cấu, một truyện cổ tích về Nàng Tiên Cá và Chàng Thủy thủ cho thêm phần thú vị. Mở đầu câu truyện tình yêu với hai nhân vật: Nàng Tiên Cá và Chàng Thủy thủ, tác giả giới thiệu nhân vật chính là chàng Thủy thủ, sau khi ra trường, anh gia nhập binh chủng Hải Quân và Tham dự vào cuộc chiến. Đóng quân tại Bộ Chỉ huy Hải quân Trà Cú, gần dòng sông Vàm Cỏ Ðông, một thủy lộ duy nhất dẫn vào bộ chỉ huy hải quân Giang Ðoàn 54 Tuần Thám… Trên mặt sông ấy đã ghi lại bao kỷ niệm về cuộc đời binh nghiệp, những chiếc giang đĩnh đậu thành hàng, bồng bềnh, tạo nên những làn sóng lăn tăn trên mặt nước. Những làn khói tàu xanh lơ bốc lên, sen lẫn, quyện vào làn sương mỏng tạo thành một bức tranh tuyệt đẹp trên nền trời xanh thẳm. Tiếng máy tàu, tiếng rào rào của từng làn sóng, khua vào mạn tàu bỗng hòa điệu thành một âm thanh hùng hồn, quen thuộc và đó là vì sao anh yêu nghề “Lính Biển”. Nhân vật thứ hai là Nàng Tiên Cá trong mối tình thầy trò, nẩy nở với những ẩn dụ toán học, chu vi, bán kính, v.v

    Trong phân đoạn 58, NV Nguyễn Văn Thành có nhắc đến tác phẩm “La Porte étroite” (Khung Cửa Hẹp) của đại văn hào cổ thụ Andre Gide, khi ông ví Nàng Tiên Cá đang bơi lượn trong rừng san hô đỏ, đẹp và bí hiểm, những cành san hô đỏ đan lại như một “Khung cửa hẹp” giam bước chân của Nàng Tiên Cá. Nhưng với tình yêu mãnh liệt Nàng Tiên Cá đã lách ra khỏi “Khung cửa hẹp” Ninh Hòa để băng rừng lội suối đi thăm người yêu Lính Thủy.

    Tác giả cũng đề cập đến tầm quan trọng của đảo Phú Quốc và trách nhiệm của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa trong việc trấn giữ và bảo vệ tổ quốc. Ông nhắc lại cuộc tổng tấn công của quân đội Bắc Việt cuối tháng Tư 1975 với từng loạt đạn đại bác vang dội đã phá tan sự yên tĩnh của buổi sáng tinh sương ngày 30 tháng 4 năm 1975. Lời kêu gọi buông súng đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh và bài hát “Nối Vòng Tay Lớn” của Trịnh Công Sơn phát ra liên tục, lập đi lập lại trên đài phát thanh Sài Gòn, khởi đầu cho khúc quanh cuộc đời của Chàng Lính Biển.

    Cuộc chiến 30 tháng 4 chấm dứt, không những không đem lại những giây phút hòa bình cho miền Nam VN mà trái lại là một cơn ác mộng cho mọi người.

    Những phân đoạn cuối đã gây nên nhiều xúc động và đưa độc giả về quá khứ đen tối của 48 năm về trước khi cuộc di tản bắt đầu. Những chiếc Hải Vận Hạm Lam Giang HQ 402, chiến hạm cuối cùng rời bến Bạch Đằng và có mặt ở ngoài khơi Vũng Tàu khoảng 7 giờ tối ngày 30 tháng 4 năm 1975, để cứu vớt 200 người từ chiếc Tango của Giang Đoàn 44 Ngăn Chận … chiếc tàu đã cưu mang mọi người trong suốt giang trình Vàm Cỏ Đông.  

    Khi nhắc đến Hộ Tống Hạm Chí Linh tại căn cứ hải quân Hoa Kỳ ở Subic Bay, Phi Luật Tân trong buổi lễ hạ quốc kỳ VNCH. Phải, lá quốc kỳ thấm đẫm linh hồn của bao nhiêu chiến sĩ đã nằm xuống vì Tổ Quốc VNCH. Lá quốc kỳ mang tiếng nói của những người con nước Việt yêu hòa bình. Trong cuộc di tản 1975, buổi lễ hạ quốc kỳ tại Subic Bay đã để lại trong lòng các chiến sĩ ái quốc VNCH, một nỗi khổ tâm, đau đớn, nhục nhằn khó quên, trong đó có cả Chàng Lính Biển Nguyễn Văn Thành.

    Để kết thúc buổi nói chuyện, NV Khánh Lan đã trích một đoạn cuối của tác phẩm GIẤC MƠ CHÀNG LÍNH THỦY như sau:

    Sau tiếng hô “hạ kỳ”, nhìn lá cờ đang từ từ được kéo xuống… anh cảm thấy như lồng ngực mình bị bóp chặt. Khoảnh khắc ấy hình như anh không thở được. Có một cái gì đó đang vỡ vụn trong hồn. Có một cái gì đó vừa gãy nát trong tim. Dường như tim anh đã có một giây ngưng đập. Cổ họng chợt nghẹn lại. Đã có người rưng rưng, đã có người đưa tay chùi nước mắt, đã có người khóc thành tiếng nấc đâu đó. Anh không rơi nước mắt mà lòng anh đang khóc. Khóc vì kể từ hôm nay mình là kẻ lưu vong. Khóc vì mình mất Tổ Quốc, mất quê hương. Khóc vì mình mãi mãi làm kẻ ly hương với một cuộc đời mới hoàn toàn khác hẳn, bấp bênh, trôi nổi…. Khóc vì vĩnh viễn rời xa gia đình và mất nàng Tiên cá, cô học trò yêu kiều mà anh mãi thương yêu, nhung nhớ.

    Tiếp theo, NV Phương Hiền nói về tác phẩm Miền Nhớ 2, xuất bản năm 2023. Đây cũng là tác phẩm của NV Nguyễn Văn Thành. Tuyển tập 600 trang gồm 75 tác giả ghi lại những kỷ niệm buồn vui đã bao năm chìm sâu trong ký ức, những dư âm vang vọng của một quê hương chìm trong đau khổ. Trong miềm thương nhớ nhung đó, có những giai đoạn hào hùng, tự hào, ngưỡng mộ, bi tráng và tang thương. Những đau buồn, xót xa, thương tiếc ấy là những cảm xúc đích thật đã được các văn thi sĩ trải dài trên trang giấy và góp nhặt thành tác phẩm Miền Nhớ.

    Tác phẩm Kỷ Niệm Yêu Thương của NV Nguyễn Thị Thanh Trí do NV Kiều My ghi nhận. Kỷ Niệm Yêu Thương kể lại những mẩu chuyện ẩn hiện trong vùng tiềm ý thức, chờ đợi một giây phút nào đó sẽ chuyển lên vùng ý thức: Đó là kỷ niệm…những kỷ niệm mà ta ghi dấu mãi trong tim.

    Trong 25 phân đoạn, NV Kiều My chọn ra 6 phân đoạn mà bà cho là đặc sắc nhất, đó là:

    1. Cao Như Núi Thái: Ghi lại những ngày tháng sống trong vòng tay yêu thương của người cha chân chất, mộc mạc, bình dị, người đã cho NV Thanh Trí một ấn tượng khó phai về sự ân cần, chăm sóc các con của người cha kính yêu.
    • Tiếng Đàn Xưa: Hơn 40 năm đã trôi qua sau khi ông bà ngoại qua đời, hình ảnh của ông bà ngoại vẫn không phai lạt trong tâm tư của tác giả. Sự khắc khoải, dằn vặt trong luyến tiếc vì gia đình bà không đủ khả năng để đùm bọc ông bà ngoại trong buổi giao thời (1975) khi mọi người cùng chung một số phận nghèo đói.
    • Nơi Chốn Tìm Về Để Nhớ Để Thương: Ấn tượng sâu đậm về trường Sư Phạm Quy Nhơn, nơi đã ghi lại bao kỷ niệm vào đời khó quên mà trong đó có cả buồn vui lẫn lộn của một thời con gái với nhiều mộng mơ, tương lai và sự nghiệp.
    • Hát Lời Yêu Thương: Tác giả viết “Nếu các bạn thấy một nhóm người ngồi mơ màng ngắm biển, hay chạy xe long nhong ngoài phố, đó là chúng tôi. Chúng tôi đang học cách yêu thương, đang hát lời yêu thương về tình người, tình bạn, tình đồng hương thân hữu một cách hoàn mỹ.”
    • Nói Với Bạn Trẻ: “Hãy cố quên dù tan nát vì mất mát.” Đó là tiếng khóc từ đáy tim của một người mẹ mất con. Phải, “Mọi thứ trên đời này, kể cả tình yêu, đều có thể làm lại được. Nhưng cái chết thì không!” Cái chết của đứa con gái Nguyễn Đôn Hà Quyên đã để lại trong tim NV Thanh Trí một vết thương không gì có thể hàn gắn hay chữa lành lại được. Chính vì sự mất mát lớn lao ấy, bà đã có những lời khuyên cho các bạn trẻ, đừng vì một phút không suy nghĩ mà hủy hoại cả cuộc đời.
    • Hội Ngộ…Ngày Vui: Hội ngộ cùng các Thày Cô và bạn bè là những giây phút đong đầy niềm vui khi nhớ về những kỷ niệm của một thời thơ mộng cũng như những kỷ niệm thời còn đi học đường mà ta đã đi qua, ôn lại thời học sinh vô tư, “ăn chưa no lo chưa tới”.

    Và sau cung là Góp Nhặt Sỏi Đá của NV Lê Thị Đào do NV Mộng Thủy điểm sách. Tác phẩm là sự kết hợp của những bài thơ và bài văn mà tác giả ghi lại với những chuyện buồn vui đã xảy ra trong cuộc sống, ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm của một cá nhân. Góp Nhặt Sỏi Đá gồm 117 bài thơ và 13 bài văn. Trong 13 bài văn, tác giả gửi gấm vào đấy những gắn bó của mình với quận Ninh Hòa, nơi mà bà đã dạy học trong 8 năm sau khi ra trường (1974-1981)

    Ôi nhớ quá! Ninh Hòa ơi! Nhớ quá!

    Hôm nay đây! Ngày thân ái hợp đoàn

    Chúng con đây lưu lạc khắp hoàn cầu

    Xin gửi trọn nhớ thương về Quê Mẹ…!!!

    (Lê Thị Đào -18/8/2009)

    Những bài thơ viết về quê hương với nỗi niềm thương nhớ như trong bài Tình Quê. Tôi muốn trở về. Vùng quê hương tuổi dại. Nơi có dòng sông.  Thơ mộng. Nước trong xanh. Có rặng tre xưa.”

    Hay trong bài thơ Không Bao Giờ Ngăn Cách, bà viết:

    Anh đã dặn lòng thôi nhớ thương

    Từ lâu hai đứa rẽ hai đường

    Bên này bên ấy xa cách quá

    Nhưng rồi tình vẫn mãi tơ vương…

    (Lê Thị Đào-28/12/2011)

    Bài thơ Mơ Về Đà Lạt, để nhớ lại một thời sinh viên, bà viết:

    Trong giấc mơ, được trở về Đà Lạt

    Nhớ trường xưa theo lối cũ tôi tìm

    Chân dừng bước trước cổng trường đại học

    Tôi mơ về những ngày tháng xa xưa…

    (Lê Thị Đào -18/12/2013)

              Sau phần văn học, Ngọc Quỳnh thay mặt Nữ Sĩ Dương Hồng Anh ngâm bài thơ Chúc Mừng 20 năm thành lập hội văn học ninhhoa.com.

    CHÚC MỪNG NINH HOA DOT COM

    Thơ: Nữ Sĩ Dương Hồng Anh

    Cám ơn thơ nhạc chiều nay

    Tao đàn hạnh ngộ tràn đầy ước mơ

    Ngạt ngào hương cúc nắng trưa

    Trời xanh mây trắng hương xưa mượt mà

    Nghĩa tình văn nghệ bao la

    Văn chương tao nhã bút hoa thay vần

    Chung vui gặp bạn đồng tâm

    Đất trời nở hội thơ xuân sáng ngời

    Chùm hoa văn nghệ tuyệt vời

    Mừng ngày kỷ niệm Ninh Hòa dot com.

    Tiếp theo, GS. cố vấn Quyên Di đại diện Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian và NV Nguyễn Quang trao tặng quà lưu niệm (trophy) đến GS Trần Hà Thanh, đại diện đại diện Ninhhoa. com, trong khi GS. Dương Ngọc Sum, GS Lê Văn Khoa, NV Vi Khiêm tặng Bằng Tưởng Lục cho 4 nhà văn. Và sau cùng là cắt bánh sinh nhật kỷ niệm 20 năm Website Ninh Hoà và bánh mừng chúc thọ cho các quý cao niên.

    NV Nguyễn Quang trao quà lưu niệm cho GS Trần Hà Thanh
    NV Vương TRung Dương trao bằng tưởng lục cho NV Lê Thị Đào

    Sau cùng là phần văn nghệ giúp vui do nhóm Tiếng Thời Gian phụ trách. Buổi RMS bế mạc lúc 3:00 giờ chiều.

    Khánh Lan tường trình từ California, April 6, 2023