• Ngọc Cường,  Sinh Hoạt,  Tin tức,  Văn Thơ

    Little Saigon ra mắt 3 cuốn sách nghiên cứu quý giá về Tự Lực Văn Đoàn, Tam Giáo Đồng Nguyên và Phân Tâm Hoc & Đời Sống

    Một buổi ra mắt sách không thể bỏ qua. (Hình: Ban tổ chức cung cấp)

    Đằng-Giao/Người Việt

    WESTMINSTER, California (NV) – Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian sẽ tổ chức buổi ra mắt sách “Tự Lực Văn Đoàn Hậu Duệ và Thân Hữu,” “Tam Giáo Đồng Nguyên” và “Phân Tâm Học và Đời Sống” lúc 12 giờ trưa Chủ Nhật, 25 Tháng Sáu, tại NT Studio, 15436 Brookhurst St., Westminster, CA 92683 (góc với McFadden).

    Đây cũng là dịp tưởng niệm 60 năm ngày giỗ nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (1963-2023). Nhất Linh thành lập Tự Lực Văn Đoàn và là một trong những cây bút chính của nhóm này. Cùng với nhiều người yêu nước thời bấy giờ, Tự Lực Văn Đoàn có công cổ xúy chữ Việt trong sáng và đóng góp rất nhiều cho bản sắc văn hóa Việt. Ba cuốn sách này nhằm phát huy ngôn ngữ Việt cho bây giờ và cho thế hệ mai sau.

    Nhà văn Ngọc Cường, đại diện ban tổ chức, cho biết cuốn thứ nhất, “Tự Lực Văn Đoàn Hậu Duệ và Thân Hữu,” là một công trình tổng hợp nhiều nghiên cứu công phu của nhiều người như Bác Sĩ Ngô Thế Vinh, Trần Việt Hải, Kiều My, Thế Uyên, Khánh Lan, Giáo Sư Maria Strasakova, Giáo Sư Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tường Tâm…

    “Ngoài ra, cuốn sách còn có nhiều sáng tác văn thơ của nhiều thân hữu và hậu duệ của Tự Lực Văn Đoàn như nhà văn Tường Nhung, Nguyễn Tường Thiết, Nguyễn Tường Việt, Ngọc Cường, Phạm Quốc Bảo, Từ Dung, Đặng Thơ Thơ, Nguyễn Tường Giang, Lê Phi Thuần, Lê Mỹ Hoàn, Nguyễn Lân, Nguyễn Thị Dung…,” nhà văn Ngọc Cường cho biết.

    Cuốn thứ hai, “Tam Giáo Đồng Nguyên” của nhà văn Khánh Lan, là một công trình nghiên cứu về sự liên kết cũng như sự tương đồng giữa ba nguồn tư tưởng Nho Giáo, Lão Giáo, và Phật Giáo, đồng thời tìm hiểu về nguồn gốc, sự du nhập, sự hình thành, và ảnh hưởng của tam giáo đối với văn hóa Đông Phương.

    Cuốn thứ ba, “Phân Tâm Học và Đời Sống,” cũng của nhà văn Khánh Lan, là cuốn sách nghiên cứu và phân tích những ước mơ tiềm tàng trong vùng vô thức và những hành vi xuất hiện trong vùng ý thức. Đây là một nghiên cứu về sự ứng dụng của ngành phân tích tâm lý trong lĩnh vực y khoa, tư pháp, văn chương, điện ảnh, và đời sống tâm linh.

    Buổi ra mắt sách có hai phần.

    Phần đầu do ba diễn giả là Thượng Tọa Thích Liễu Nguyên, nhà văn Ngọc Cường, và chuyên viên tâm lý học Trần Kim Thoa trình bày về ba cuốn sách và phần thứ nhì là văn nghệ.

    “Văn nghệ có các giọng ca Ngọc Hà, Hạ Lan, Hồng Quyên, Kiều Loan, Lệ Hoa, Minh Thư, Kiều My, Thụy Lan, Ngọc Quỳnh, Dũng Lai, Mạnh Bổng, Đình Ngọc, Nguyễn Đức,” ông Ngọc Cường nói. Ông thêm: “Ngoài ra, phần văn nghệ có một số nhạc phẩm phổ thơ của nhạc sĩ Phan Đình Minh.” Trong những nhạc phẩm này có bài “Tình Khúc Cho Em,” phổ thơ Ngọc Cường, bài “Im Lặng” phổ thơ của Nhất Linh, bài “Tình Tuyệt Vọng,” phổ thơ Khái Hưng và bài “Nắng Xuân Về Bên Em” phổ thơ Khánh Lan.

    Chương trình sẽ do Mộng Thủy và Hồng Quyên điều hợp.

    Nhà văn Ngọc Cường chậm rãi nói: “Ngày xưa Tự Lực Văn Đoàn muốn phát huy và quảng bá ngôn ngữ Việt cho thế hệ kế tiếp trên quê hương Việt Nam. Ngày nay, chúng ta đang phát huy và quảng bá ngôn ngữ Việt cho thế hệ kế tiếp khắp nơi trên thế giới.”

    Mọi ủng hộ hay chia sẻ ý kiến, liên lạc nhà văn Ngọc Cường (937) 269-9217. [đ.d.]
    Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com

  • Khánh Lan,  Ngọc Cường,  Sinh Hoạt,  Tin tức

    BUỔI RMS CỦA HAI HẬU DUỆ TỰ LỰC VĂN ĐOÀN ĐƯỢC ỦNG HỘ NỒNG NHIỆT

    NHÀ VĂN TỪ DUNG & NHÀ VĂN NGỌC CƯỜNG

    WESTMINSTER, California (NV) – Đông đảo độc giả tham dự buổi ra mắt sách của hai nhà văn Từ Dung và Ngọc Cường tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt trưa Chủ Nhật, 15 Tháng Năm do Nhóm Văn Học Nghệ Thuật/Tiếng Thời Gian tổ chức.

    Ngồi, từ trái, nhà văn Từ Dung và nhà văn Ngọc Cường ký tên sách theo yêu cầu của độc giả. (Hình: Đằng- Giao/Người Việt)

    Nhà văn Từ Dung ra mắt sáng tác đầu tay của bà với tựa đề “Hồi Tưởng” và nhà văn Ngọc Cường ra mắt tác phẩm thứ tư của ông là “Ba Chị Em.”

    Tham luận đoàn gồm có bảy người là Từ Dung, Ngọc Cường, Việt Hải, Vi Khiêm, Kiều My, Khánh Lan và Mộng Thủy với sự điều phối của Giáo Sư Quyên Di để cùng bàn thảo về hai tác phẩm này. Các tham luận viên cùng đồng ý rằng “Ba Chị Em” nói lên tâm trạng đầy mặc cảm mồ côi mẹ một cách chân thành và đầy tình cảm. Trong không khí thân mật và vui nhộn, tham luận đoàn chia sẻ cảm nhận và ấn tượng của mình về hai tác phẩm “Hồi Tưởng” và “Ba Chị Em.”

    This image has an empty alt attribute; its file name is DP-Sach-Ngoc-Cuong-Tu-Dung-5.jpg
    Tham luận đoàn gồm có bảy người là Từ Dung, Ngọc Cường, Việt Hải, Vi Khiêm, Kiều My, Khánh Lan và Mộng Thủy với sự điều phối của Giáo Sư Quyên Di. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

    “Hồi Tưởng” của nhà văn Từ Dung

    Hồi Tưởng” của Từ Dung được mô tả như một hồi ký được phần nào tiểu thuyết hóa nhưng vẫn giữ được những sự thật không theo một thứ tự thời gian nhất định nên có nét lung linh lấp lánh như một bức tranh diễm ảo. Người đọc được theo dõi cuộc đời trôi nổi khi hạnh phúc, lúc giông tố chiến tranh, khi bôn ba, chìm nổi từ Hà Nội đến Sài Gòn đến Hawaii của nhà văn.

    Dù có khó khăn, chật vật đến đâu thì con tim kiên cường chan chứa yêu thương vẫn thúc dục bà phải gượng dậy, quên đi thù ghét để cứ mãi tin yêu. “Hồi Tưởng” của Từ Dung như muốn nhắc nhở mọi người rằng lòng tin yêu với con tim ngây thơ trinh trắng là điều duy nhất có thể khiến cho chúng ta cảm nhận được ý nghĩa đích thật của cuộc sống. Còn sống là còn yêu bởi vì thiếu lòng yêu thương kiên trì, cuộc đời vô vị như hư vô.

    Tác phẩm “Hồi Tưởng” có bán tại Amazon.

    (Đông đảo độc giả mua sách ủng hộ hai tác giả. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

    Ba Chị Em” của nhà văn Ngọc Cường

    Chưa đọc chữ nào trong “Ba Chị Em” thì người ta đã bàn đến hình bìa cuốn sách rồi. Nhà văn Ngọc Cường trình bày rằng ông muốn cho hình ảnh này mờ đi, không sắc nét. Ông nói: “Cứ coi như đây là ba nhân vật ở bất cứ đâu cũng được vì câu chuyện về ba chị em trong sách có thể là câu chuyện của bất cứ người nào.”

    Ba Chị Em” của Ngọc Cường là một tập truyện ngắn hư cấu và phần biên khảo về cái chết đầy uẩn khúc của nhà văn Nhất Linh. Nhà văn Ngọc Cường đã nắm bắt một mảng đau thương này trong cuộc sống và diễn tả được tình mẫu tử thiêng liêng không bao giờ phôi phai trong lòng những đứa con mồ côi mẹ.

    Nhiều người cho rằng qua “Ba Chị Em” Ngọc Cường như muốn nhắn nhủ mọi người nên sống bằng tình thương chan hòa trong tình nhân ái. Ngay lập tức, nhà văn Ngọc Cường lại đính chính. Ông trình bày: “Tôi chỉ diễn tả lại cuộc đời theo cảm nhận của riêng mình chứ không dám cho mình có quyền khuyên ai hay nhắn nhủ gì cho ai. Tuy nhiên, nhiệm vụ của tôi chấm dứt khi viết xong cuốn sách. Vì vậy, độc giả có quyền có nhận thức riêng của mình.

    Về phần biên khảo, nhà văn Ngọc Cường cho biết cái chết bí ẩn của nhà văn Nhất Linh-Nguyễn Tường Tam không thể là một quyết định bồng bột nhất thời. “Có bao nhiêu biến cố và áp lực xã hội trong một thời gian dài mới đưa đẩy nhà văn Nhất Linh đến quyết định tự kết liễu cuộc đời mình như vậy,” nhà văn Ngọc Cường khẳng định. “Tôi muốn độc giả đọc kỹ và tự tìm cho mình một nhận xét.

    Tác phẩm “Ba Chị Em” có bán tại nhật báo Người Việt.

    Khách tham dự buổi ra mắt sách của Từ Dung và Ngọc Cường “chật rạp.” (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

    Sơ lược tiểu sử nhà văn Từ Dung

    Nhà văn Từ Dung sinh năm 1946 tại Hà Nội, là con út nhà văn Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long) trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Từ Dung là tên do thân phụ của bà đặt cho. Năm 1954, gia đình bà di cư vào Nam và sống tại Tân Định. Năm 1970, bà tốt nghiệp cử nhân giáo khoa Anh Văn tại Đại Học Sài Gòn và năm 1974 tốt nghiệp khóa sư phạm cấp tốc tại Đại Học Sài Gòn. Từ 1975 đến 1980, bà là giáo viên trung học ở Dĩ An. Năm 1990, bà định cư tại Hawaii. Bà hiện sống tại California.

    Năm 1992, bà tốt nghiệp ngành sư phạm và dạy Anh ngữ (ESL).

    Trong lãnh vực văn chương, Từ Dung viết nhiều truyện ngắn đăng trên nhật báo Người Việt và các tạp chí khác.

    Ngoài ra, truyện ngắn của bà còn được in trong tập sách như “Hội Thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay & Tự Lực Văn Đoàn” (2013) “Tưởng niệm nhà báo Như Phong-Lê Văn Tiến (2016) và Tự Lực Văn Đoàn và Các Cây Bút Hậu Duệ” (2019).

    Sơ lược tiểu sử nhà văn Ngọc Cường

    Nhà văn Ngọc Cường sinh ra ở Hà Nội, di cư vào Nam năm 1951. Ông là cháu ruột nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) và Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long). Ông đậu tú tài năm 1964 và theo học nhiều ngành như dược khoa, luật khoa và khoa học nhưng sau cùng theo đường binh nghhiệp, phục vụ ở Quân Đoàn II Pleiku rồi được thuyên chuyển về Sài Gòn và làm việc ở Nha Báo Chí, Phủ Phó Tổng Thống. Năm 1971, ông làm việc tại Cục Tâm Lý Chiến Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Đài Phát Thanh Quân Đội.

    Sau 1975, nhà văn Ngọc cường bị tù cải tạo rồi vượt biên đến Mỹ năm 1981, định cư ở tiểu bang Ohio. Ông theo học hóa học và làm việc cho Quận Hạt Dayton. Tác phẩm đầu tiên của ông là “Bèo Giạt” (xuất bản 2014), rồi “Hệ Lụy (2016), “Bâng Khuâng” (2016), và “Ba Chị Em” (2020). Bút hiệu Ngọc Cường là tên ghép của hai chữ “Ngọc” là tên con gái Bích Ngọc đã quá vãng của ông năm 1979 và “Cường” là tên ông.

    Trong số quan khách tham dự, có Giáo Sư Dương Ngọc Sum, Giáo Sư Trần Huy Bích, Giáo Sư Quyên Di, nữ sĩ Dương Hồng Anh, nhà thơ Nguyên Nga (phu nhân cố nhạc sĩ Lê Trọng Tuyển), nhà văn Vi Khiêm, nhà văn Nguyễn Quang, nhà văn Long Khiếu, nhà văn Nhược Thu, nhà văn Khánh Lan, nhà văn Kiều My, Dược Sĩ Phạm Hồng Phúc, nhà thơ Lê Hân và nhóm bạn tù của nhà văn Ngọc Cường.

    Hàng đứng, từ bên trái: Lâm Dung, Ái Liên, Lệ Hoa, Ngọc Quỳnh, Mộng Thủy, Ngọc Diệp, Khánh Lan, Anh Chị Hiếu, Thụy Lan, Michael, NAG Lê Hùng. Hàng Ngồi, từ bên trái: GS Dương Ngọc Sum, NV Từ Dung, NV Việt Hải, NT Lê Nguyễn Nga, NS Dương Hồng Anh, NV Nguyễn Quang, NV Ngọc Cường.

    Cả hai nhà văn Từ Dung và Ngọc Cường đều được mọi người công nhận xứng đáng là hậu duệ của các văn sĩ nhóm Tự Lực Văn Đoàn.

    Đằng-Giao/Người Việt

    Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com

    XIN MỜI VÀO LINK DƯỚI ĐÂY ĐỂ XEM HÌNH DO NHIẾP ẢNH GIA LÊ HÙNG CHỤP NGÀY RMS CỦA HAI NHÀ VĂN TỪ DUNG & NV NGỌC CƯỜNG.

    Buồi Ra Mắt Sách của 2 Nhà Văn : Từ Dung & Ngọc Cường ( Hậu duệ của nhóm “ Tự lực văn đoàn” : Nhất Linh& Hoàng Đạo , do Nhóm “ Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian “ tổ chức tại TS Nhật Báo Người Việt , ngày 15-5-2022 ( Phần 1 )…..67 Pics .…! By Hu

    https://photos.app.goo.gl/qD3VuLV9tkw4Ka4r6

    https://www.facebook.com/100014360580597/posts/1363123464176327/?d=n

  • Ngọc Cường,  Sinh Hoạt

    GIỚI THIỆU HAI TÁC PHẨM: BA CHỊ EM CỦA NV NGỌC CƯỜNG & HỒI TƯỞNG CỦA NV TỪ DUNG

    LỜI GIỚI THIỆU TÁC PHẨM BA CHỊ EM CỦA NV NGỌC CƯỜNG
    Có thể nói, sách tiếng Việt của người Việt Nam Hải ngoại đang ở trong buổi hoàng hôn, vì thế hệ của những nhà văn một thời vang bóng của Việt Nam Cộng Hoà đã lần lượt ra đi gần hết, những người còn lại hầu như đã rửa nay gác bút. Trong khi đó người viết mới bằng tiếng Việt lại vắng bóng, năm thì mười họa mới thấy một cây viết mới xuất hiện trên văn đàn Hải ngoại.


    Hiện nay, ở Hải ngoại chỉ còn lại một nền văn chương lão hoá, giống như ngọn đèn cạn dầu sắp tắt. Sở dĩ tôi ví von như vậy vì người viết ở Hải ngoại ngày càng ít đi, ít đến độ có thể đếm được trên đầu ngón tay, đồng thời số lượng độc giả gần như biến mất không còn nữa.

    NHÀ VĂN NGỌC CƯỜNG

    Tôi nhớ nhà văn Ngọc Cường có viết trong phiếm luận “72 năm nhìn lại” một đoạn như sau: “Ngày nay quý độc giả ghé qua tòa soạn báo Người Việt ngay chỗ hành lang, sẽ thấy trên tường, đầy rẫy sách bày bán, người viết có thể nhiều hơn người đọc”. Tôi mạo muội góp ý với ông Ngọc Cường: “Người Viết ở Hải ngoại không còn nhiều lắm đâu, làm gì có chuyện đầy rẫy, tuy ít như vậy nhưng số lượng người viết vẫn còn nhiều hơn người đọc”. Đó là điều tôi muốn chia xẻ với nhà văn Ngọc Cường.


    Thực vậy, theo con số thống kê của Wikipedia thì năm 2017, có hơn 4 triệu rưởi Việt kiều sống rải rác khắp mọi nơi trên thế giới, trong đó chỉ riêng ở Hoa Kỳ đã có hơn 2 triệu 2 trăm ngàn. Và, Quận Cam thuộc miền Nam của tiểu bang California có tròm trèm gần 2 trăm ngàn người Việt sinh sống. Với một số dân đông đảo như vậy nhưng ở Quận Cam chỉ còn lại hai tiệm sách. Hai tiệm sách cho hai trăm ngàn dân, quả thật là một con số hết sức khiêm nhường.

    Trong buổi hoàng hôn của một nền văn chương lão hoá như vậy, nhà văn Ngọc Cường một thân một mình lửng thững đi vào nơi gió cát, đi mà không một chút e dè ngại ngùng, chuyện ông đang đi giữa hoàng hôn. Năm 2014, ở vào cái tuổi 67, đang đứng trước ngưỡng cửa Cổ lai hy, thay vì trút bỏ mọi lo toan nhọc nhằn để an hưởng tuổi già thì ông Ngọc Cường lại cầm viết. Ở cái tuổi này mới bắt đầu viết, rõ ràng là đã quá muộn. Biết là muộn nhưng tại sao ông vẫn viết? Câu hỏi đặt ra, phải chăng có một động lực nào đó đủ mạnh để thúc giục ông viết. Riêng cá nhân tôi, tôi tin là có. Với sức viết khá mạnh, trong vòng 4 năm, nhà văn Ngọc Cường cho ra đời ba tập truyện: năm 2014 BÈO GIẠT, năm 2016 HỆ LỤY, năm 2018 BÂNG KHUÂNG. Tất cả ba cuốn sách trên đều do Nhà xuất bản Người Việt phát hành. Và hôm nay, năm 2020 giữa cơn đại dịch COVID 19 có một không hai trong lịch sử, nhà văn Ngọc Cường cho ra đời tác phẩm thứ tư: “BA CHỊ EM”.

    BA CH EM là tập truyện gồm có bảy truyện ngắn và một phiếm luận của nhà văn Ngọc Cường vẫn do Nhà Xuất Bản Người Việt phát hành năm 2020. Trong tập truyện này, hình như truyện “Ba chị em” là truyện tác giả ưng ý nhất cho nên ông đã lấy tên truyện ngắn này đặt cho tên sách. Sau đây tôi xin lướt qua vài truyện ngắn trong tập truyện BA CHỊ EM. Truyện Người bạn vong niên, nói về ba người bạn học ở trường Luật, sau 20 năm xa cách, họ gặp nhau ở Cali. Truyện Hai buổi chia tay”, ba người bạn ngày xưa cùng học Đệ nhất Chu Văn An Sài Gòn. Sau khi đậu Tú tài toàn phần, hai người sang Pháp du học, người ở lại đi lính. Mấy chục năm sau họ gặp lại nhau ở Pháp với hai lần chia tay tại Gare Du Nord.

    Truyện “Ký ức huyền ảo”, với nhân vật chính tên Ân, âm thầm yêu một nữ sinh Văn khoa ở Sài Gòn, mối tình câm này đeo đẳng anh ta hơn 40 chục năm. Phiếm luận “72 năm nhìn lại”, nhân vật xưng tôi lúc nhỏ học trường Tây, đậu Tú tài toàn phần vào lúc 17 tuổi, băn khoăn trước ngưỡng cửa Đại học, động viên vào Thủ Đức, sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, học tập cải tạo, sang Mỹ tốt nghiệp Đại học, công chức tại tỉnh nhỏ ở tiểu bang Ohio. Sống yên lặng, trôi theo vận mệnh cho đến cuối đời chợt nhìn lại không biết mình là ai.

    Nhà văn Ngọc Cường đã tẩn mẩn tỉ mỉ viết về những kinh nghiệm của cuộc sống, những đổi thay mà ông đã trải qua trong suốt hơn bảy chục năm hiện diện trên cõi đời, từ lúc còn là cậu học sinh trung học, sinh viên đại học rồi đi lính cho đến ngày mất nước, tiếp theo là những năm tháng sống lưu vong nơi xứ lạ quê người. Trong suốt cuộc đời tỵ nạn, cùng với vợ con sống hơn 40 năm trong một tỉnh nhỏ của tiểu bang Ohio nước Mỹ, hình như lúc nào nhà văn Ngọc Cường cũng BÂNG KHUÂNG về thân phận ăn nhờ ở đậu của mình, thân phận của những giề lục bình trôi nổi trên sông với vị trí thấp kém của tấm thân BÈO GIẠT, để rồi sau đó tấp vào bờ lau, bãi sậy, mà những HỆ LỤY của nó nếu có sẽ là câu hỏi muôn đời không có câu trả lời.

    Giống như nhân vật xưng tôi trong phiếm luận “72 năm nhìn lại” của nhà văn Ngọc Cường, khi viết xong cuốn truyện, ông băn khoăn tự hỏi, không biết ai là tác giả. Với cái nhìn đầy chủ quan của một người ngoại cuộc, tôi tin rằng đó là nguyên nhân sâu xa, thầm kín, khiến nhà văn Ngọc Cường bắt đầu cầm bút khi ông ta sắp bước vào cái tuổi Cổ lai hy.
    Huy Văn Trương, California, May 2020

    LỜI GIỚI THIỆU TÁC PHẨM HỒI TƯỞNG CỦA NV TỪ DUNG

    NHÀ VĂN TỪ DUNG

    Hồi Tưởng là tác phẩm đầu tay của nhà văn Từ Dung được viết theo dạng hồi ký (hay truyện ký), nội dung về đời thật và người thật của tác giả và gia đình (ngoại trừ một  truyện ngắn hư cấu Những Ngày Tháng Hawai). Đây là một tuyển  tập  gồm nhiều bài mới và cũ (đã được đăng trên các tạp chí văn chương ở hải ngoại).  .

    Là một cuốn tự truyện (autobiography), nhưng  chú trọng nhiều về tình cảm, và tâm sự riêng tư của tác giả, hơn là nhằm truyển đạt một thông điệp về một chủ đề . Tác phẩm gồm những câu chuyện tình, đôi khi éo le, được lồng thêm vào chi tiết tinh tế của cảm xúc riêng tư, nhiều dữ kiện, biến cố trong cuộc đời trải dài trên 70 năm của tác giả.

    Cầm bút sáng tác rất sớm (làm thơ từ thủa còn bé, lúc mới 6 tuổi), nhưng lại viết văn trễ, cho đến khi nghỉ hưu. Dù Hồi Tưởng là tác phẩm đầu tiên, nhưng nhà văn Từ Dung không xa lạ gì trong giới văn nghệ sĩ trước năm 1975: khi đó,  tác giả được biết đến như một ca sĩ :  ca sĩ Từ Dung; thường hát đôi với nhạc sĩ Từ Công Phụng và là người chồng đầu tiên của cô. Với giọng ngân nga, véo von, rất lả lướt (nhiều người cho là gần với của ca sĩ Châu Hà) ,tiếng hát Từ Dung thích hợp và lột trần được linh hồn của những bản nhạc trữ tình của nhạc sĩ Từ Công Phụng, ví dụ  như bài Bây Giờ Tháng Mấy đã nổi danh một thời.

    Nhà văn Từ Dung có lý do chính đáng để viết về cá nhân và người thân trong gia đình vì ngoài phần đi trình diễn trước công chúng,  tác giả còn là hậu duệ một gia đình gồm có nhiều văn sĩ, các nhà hoạt động cách mạng,  được ghi vào văn học sử . Vì lý do đó, viết về người thân này không phải là quá đáng hay có ý định khoe khoang (nhân vật thuộc vào lãnh vực của công chúng  celebrity). Là một ca sĩ  có tiếng một thời  trong giới sinh viên Đại Học Sài Gòn, Từ Dung còn là con út của Hoàng Đạo (tên thật là Nguyến Tường Long, một nhà văn sáng lập và chủ chốt của Tự Lực Văn Đoàn, đảng viên nồng cốt và lý thuyết giá của Việt-Nam Quốc Dân Đảng, là em của Nhất Linh và anh của Thạch Lam), về phía bên họ ngoại, tác giả là cháu của nhà văn, nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến.

    Trong “Mẹ Tôi” , viết về bà Hoàng Đạo Nguyến Tường Long và  “ Cậu Tôi” , viết về Như Phong Lê Văn Tiến (con nuôi của bà ngoại tác giả, được coi như một người cậu, được đăng trên tạp chí Diễn Đàn Thế Kỷ 21) , tác giảđã cống hiến độc giả nhiều chi tiết quan trọng về hai nhân vật văn học sử và lịch sử này. Bài Mẹ Tôi,  khi được phổ biến, đã có người cho rằng tác giả đã quá khen người  mẹ của mình (Từ Dung coi bà như  mẫu mực một người đàn bà vẹn toàn theo quan niệm Đông Phương về công, dung, ngôn và hạnh!), nhưng theo thiển ý, khen thân mẫu, nuôi nấng mình là bình thường, chỉ nếu có chê mới là đáng bàn tán.

    Khi đọc “Mẹ Tôi”, tôi không chú ý đến sự việc tác giả đã khen bà mẹ, nhưng thú vị được  thưởng thức  lời văn trong sáng,  nhẹ nhàng mạch lạc nên lột được cá tính của bà Hoàng Đạo và cuộc sống của một thời trong cuộc đời tác giả  Chê bai có khi dễ hơn là khen tặng, bởi vì khen cần có sự tể nhị và lòng thành thật, về hai điểm này, tác giả Từ Dung đã có được cả hai, Theo tôi, bài “Mẹ Tôi” là một tài liệu đáng quý , và một áng văn hay.

    Nổi bật trong Hồi Tưởng là các câu truyện được kể theo lối tâm sự về những mối tình của tác giả. Tất nhiên , trong những cuộc tình đó, đều có vui buồn, đôi khi có cả đam mê và …rất nhiêu thất vọng. Những mối tình tan vỡ thường đưa đến hận thù, nhưng ở đây, sau các lần chia tay, tác giả vẫn bao dung như tha thứ tất cả, cũng có thể vì Từ Dung đã yêu chính mình hơn tất cả mọi người ?

    Với giọng văn đọc lên như lời thầm thì, than vãn của một người kể chuyện, phải chăng,  tác giả muốn trút bầu tâm sự và mong được chia sẻ với độc giả , hay vì đã bị ám ảnh và  ray rứt về những mối tình không thành và mong có lối thoát? Tôi có cảm tưởng nhà văn Từ Dung , trong suốt cuộc đời, đã cố đi tìm một người yêu lý tưởng, nhưng đã không kiếm ra, và rồi thất vọng như lời kêu cứu không được hồi âm, chỉ là tiếng vọng của chính mình, vang lên từ đáy vực ! Làm sao có thể tìm ra một người yêu sánh với người cha lý tưởng của chị (nhà văn Hoàng Đạo, một người tài hoa về văn chương và có lý tưởng, suốt đời tranh đấu và hy sinh cho Dân Tộc và Tổ Quốc). Cũng có thể Từ Dung đã say mê cái tình yêu mình tạo ra hơn là người yêu, bởi vậy, những người đàn ông tác giả tưởng rằng đã yêu, lại hóa ra họ là nạn nhân của chị? Theo tôi, ranh giới giữa thật và ảo rất mơ hồ, như nhà văn Kafka, suốt đời vẫn thắc mắc với câu hỏi :trên đời, cái gì là có thật

    Tuy thuộc về dạng hồi ký, nhưng nhờ có tâm hồn dễ xúc cảm và bén nhạy, và cách xử dụng ngôn từ chính xác,  những câu chuyện riêng tư của tác giả viết lên vẫn hấp dẫn nhờ vào tài diên tả nhiều chi tiết tinh tế của tâm hồn (Tác giả có bằng cử nhân Văn Khoa Sài Gòn, 1969). Ngoài ra, lôi cuốn người đọc là giọng văn trong sáng và thành thật, điều đó làm cho câu chuyện kể trở nên  hiện thực, mường tượng như khung cảnh đang hiện ra trước mắt, khiến độc giả  dể rung động,  cảm thông như hai âm thanh cộng hưởng vì có cùng tầng số!

    Khi đọc xong Hồi Tưởng và đặt cuốn sách xuống… tôi bỗng ngẩn ngơ và bâng khuâng như đang đi lạc vào miền quá khứ xa vời …

    Ngọc Cường, Ohio Mùa Hè 2021

  • Ngọc Cường,  Văn Thơ

    NHÌN LẠI 72 NĂM

    NHÀ VĂN NGỌC CƯỜNG

    LTG: Bài viết dưới đây là một đoản văn hư cấu, nhân vật “tôi” có thể không nhất thiết là tác giả. Điều này không quan trọng, vì ngày nay, ranh giới giữa thật và ảo rất mơ hồ, có khi một thế giới “ảo” trong đó có đồng tiền ảo” và địa chỉ “ảo” đang lưu hành.

    Tôi vừa được 72 tuổi, ở cái tuổi người xưa cho là “thất thập cổ lai hy”, nhưng ngày nay, tất nhiên không còn hiếm hoi, và đối với mấy bậc niên trưởng tám, chín mươi, họ vẫn coi những ông già ở tuổi 70 như là một đứa em còn trẻ, và tôi cũng đồng ý như vậy, vì tự coi mình, ít ra trên phương diện tinh thần, cứ ngỡ còn là một thanh niên: vẫn ham ăn, ham chơi và ham sống. Nhưng có lẽ có khác là bây giờ không còn sợ chết như khi còn ít tuổi hơn, lúc bốn năm mươi, lúc đang trong cơn “khủng hoảng của tuổi trung niên”, rất sợ chết, sợ mất đi những bình thường, nhưng tha thiết: bạn bè, công việc và vợ con. Về cái khoản sợ chết, thật ra, khi còn trẻ hơn, ở tuổi thanh niên, cũng ít ai lo lắng, vì còn đang khỏe mạnh, và lo toan đến những vấn đề “lớn”, như làm thay đổi xã hội … hay tâm hồn đang giao động, bị hành hạ vì yêu thương, nhớ nhung cô bạn học hay cô láng giềng đầu ngõ?

    Vướng vào thể xác của một ông già 70, như bộ máy của một chiếc xe trên 100 ngàn miles, đương nhiên có nhiều trục trặc hay lủng củng, bát đầu có hiện tượng “ba cao và một thấp”, như thiên hạ thường nói tới: cao máu, cao mỡ, và cao đường, và thấp khớp! Một ông bạn ở trên San Jose, khi nghe tôi có 3 cao, đã bật cười “ở tuổi của cậu, nếu không có cái cao nào, mới là có vấn đề!”

                Gần đây, sau khi về hưu, tôi tập tành viết lách, và sau đó đã trở thành một nhà văn (theo định nghĩa khi một người viết có tác phẩm xuất bản). Nhưng, có một sự liên hệ, mà tôi cho là “kẹt” cho các văn sĩ, là thường được, hay bị (tùy theo quan niệm của độc giả và chính tác giả nữa) cho là đương nhiên phải là một nhà trí thức, hiểu biết rộng và thông thái!

    Tôi xin bác bỏ luận điệu này, và theo thiển ý: một nhà văn, tóm gọn chỉ là một người kể một câu chuyện, cốt mua vui cho thiên hạ, không hơn không kém, y hệt những “người đẹp” làm cái nghề lâu đời nhất trái đất, vì cả hai đều cốt sao “Mua vui cũng được một vài trống canh” (Nguyễn Du). Văn hào Tố Như còn nói như thế, xá chi một nhà văn vô danh như tôi, có gì mà phải hãnh diện hay khoe khoang chứ? Có lẽ vì đã từ lâu đời, khi chữ nghĩa còn khó học và hạn chế, khi mà chỉ có vài giới trí thức, học rộng, mới dám viết lách cho thiên hạ đọc, và từ đó, danh hiệu nhà văn vẫn thường lầm lẫn với trí thức và trở thành giới ưu tú trong xã hội. Ngày nay, quý độc giả ghé qua tòa soạn báo Người-Việt, ngay chỗ hành lang, sẽ thấy trên tường, đầy rẫy sách bày bán, người viết có thể nhiều hơn người đọc, có gì để hãnh diện? Theo tôi, một nhà văn, quan trọng nhất là phải tôn trọng độc giả, vì nếu khi họ vừa “kể truyện” mà còn có thêm ý định cổ động hay lên án, đả phá điều gì, như vậy, bài viết không còn thuần túy là văn chương nữa, sẽ chỉ là tuyên truyền và là một vết nhơ, như những bài thơ của Tố Hữu khóc ông Xít-Ta-Lin…

    Ở tuổi già, khi tương lai thu ngắn dần lại, người ta thích quay về với quá khứ xa xôi, cố bám lấy kỷ niệm cũ, như tôi đang làm ngày hôm nay:  

                Ngẫm nghĩ về quãng đời bình thường và tầm thường của mình, duy khởi đầu có một điều bất hạnh: tôi đã mất mẹ khi mới được 4 tháng. Bà cụ tôi qua đời vì bệnh lao sau khi sanh tới đứa con thứ 11. Biến cố này đã ám ảnh tôi rất lâu, nhưng hôm nay, bỗng như trong câu chuyện tái ông mất ngựa, thấy trong cái rủi đó, có thể lại đưa đến cái may khác: như nếu không là một đứa mồ côi mẹ, không chừng tôi đã không gặp và yêu một cô gái trở thành người bạn đời sau này, và đó là sự thiệt thòi vì không chung sống với cái “phần nửa tốt hơn “, my better half, của tôi.

                Khi còn trẻ, hay mơ mộng và có chút lý tưởng, tôi nghĩ mình sẽ làm được rất nhiều chuyện “lớn lao”. Chẳng hạn như hoàn thành một cuộc cách mạng, làm thay đổi cả một xã hội, rồi biến thế giới thành một đại gia đình vui tươi, sung sướng, mà trong đó không còn ai khổ đau, giống như những người mác-xít đã thường rêu rao, hay xa hơn nữa trong lịch sử tiến bộ của lòai người thì có Đức Phật giác ngộ chỉ ra cho chúng ta con đường để đạt đến.

    Nhưng chắc ai cũng đồng ý với câu “địa ngục được lót bằng những ý định tốt”, và đúng như người cộng sản đã tuyên truyền (tuyên truyền thôi, chứ khi họ hành động thì sai bét rồi mà vẫn ngoan cố không hề biết điều chỉnh). Và chính lịch sử cũng đã chứng minh: những gì không thích hợp với con người, không thuận thảo với lòng dân thì sẽ không tồn tại lâu được. Tiếc thay, mỉa mai thay, chỉ sau khi đã giết hàng chục triệu nạn nhân vô tội rồi phải đợi cho chính con người trên trái đất chủ động khiến cho khối Cộng sản thế giới mới sụp đổ, bằng sự kiện đã xẩy ra ở Liên-Xô và Đông Âu vào cuối thập niên 1980.

    Thời thơ ấu, tôi được ông cụ gửi cho đi học một trường Tây gần nhà, nằm trên đường Hồng Thập Tự (lúc đó có tên là Rue Chasseloup Laubat) và ngày nay nghe nói đã đổi tên nữa: đó là một trường tiểu học mang tên vị thánh Saint Martin de Pallières dành cho con em gia đình binh lính đóng ở thành Ông-Dzèm (đọc theo tiếng Tây là 11èm Régiment, tức Trung Đoàn 11) của quân đội thuộc địa của Pháp. Ngôi trường này rất nhỏ, nằm sâu trong trại gia binh của Trung Đoàn (đối diện với thành Cộng Hòa sau này). Cho đến giờ này, tôi vẫn chưa hiểu tại sao một cái tên dài như vậy mà nó lại đã ăn xâu vào trí nhớ thằng bé 5 tuổi là tôi từ hồi ấy.

    Vào ngày tựu trường đầu tiên, không phải bố mà lại là ông anh đưa tôi đến trường, anh ấy sau là một luật sư, hiện đang ở trên San Jose. Sở dĩ tôi nhớ đến chi tiết này, là vì có thằng nhỏ bạn cùng lớp, nó đã tưởng anh ấy là cha tôi. Tôi vẫn còn nhớ là mỗi lần đau ốm (tôi bị suyễn kinh niên khi còn nhỏ), cần xin phép thì ba tôi là người cầm cái bút máy viết trên một tờ giấy một hàng chữ Pháp gửi cho bà Đầm dạy tội học. Dường như nhờ đó, tôi bắt đầu mang máng hiểu được sức mạnh của chữ nghĩa. Ông cụ viết những chữ mà hôm nay tôi còn nhớ bắt đầu là:  Je soussigné…” (tôi ký tên dưới đây …). Nét chữ ông viết rất đẹp, nhưng nếu chỉ nhìn thấy chữ viết ấy thì không thể biết được rằng ông là một người cha vốn lạnh lùng và nghiêm khắc. Hầu như suốt đời tôi chưa hề được ngồi nói chuyện cùng ông; hai cha con như hai đồ vật trưng bày trong nhà, luôn luôn và vĩnh viễn xa cách nhau!

    Tôi học ở đấy 1 hay 2 năm, thì được chuyển qua trường Lamartine, cạnh hồ tắm thanh niên, trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, xế ngang trước mặt Sở Thú. Sau cả 70 năm, không biết ngôi trường này có còn hiện diện ở Sài-Gòn nữa hay không? Hay như mọi thứ trên đời đều vô thường…Có điều lạ lùng là mấy năm học tiểu học trường Tây làm tôi khổ sở, vì không thể nào hiểu nổi văn phạm Pháp văn, nó rắc rối và khó hiểu quá, nhất là đối với một đứa trẻ bình thường như tôi.  Và có thể do đó mà tôi đâm ra thù ghét ông tây – bà đầm, cùng tất cả những gì của Pháp. Đối với riêng tôi, họ chỉ là bọn Thực Dân bóc lột…Thế nhưng, sau hằng trên nửa thế kỷ, và nhất là gần đây (khi qua Mỹ định cư) đã vào tuổi trung niên, tôi tự dưng lại yêu thích du lịch Paris, được nghe và nói bặp bẹ dăm ba câu tiếng Tây đã học từ lúc nhỏ…; nhất là thích thú khi thăm viếng mấy ngôi làng nhỏ bé miền quê nước Pháp: cảnh trí hiền hòa, êm đềm và cổ kính. Nó có một vẻ xa xưa như trong truỵên cổ tích, và lãng mạn như trong tranh của Renoir! Tại sao? Tôi cũng chẳng hiểu nổi được sự thay đổi phức tạp trong tâm lý của chính mình…

    Trong những năm khổ sở ở trường Lamartine, khó khăn khi phải học bằng tiếng Tây, tối đến về nhà, tôi quay qua tự học lấy chữ quốc ngữ rồi tập đánh vần và viết được tiếng Việt. Được học tiếng mẹ đẻ, tôi như con chim sổ lồng, hớn hở cất cánh tung bay, mà không còn xa lạ như mấy verbe et vocabulaire francaise. Những cuốn Sách Hồng của Tự Lực Văn Đoàn viết dành cho thiếu nhi là lọai sách đầu tiên tôi tập đọc. Từ đó, chữ nghĩa đã mở ra một thế giới kỳ diệu cho đứa bé …Nhưng tất nhiên vì do tự học, văn phạm và viết lách tôi có phần giới hạn…Cho đến bây giờ, tôi là một nhà văn viết sai văn phạm nhiều nhất trong văn đàn hải ngoại! Hai nhà văn (giúp hiệu đính mấy tác phẩm của tôi) là PQB và BBH là hai nhân chứng cho sự kiện này.

    Cuộc đời diễn ra ít khi hữu lý và công bằng mà thường nhiều mâu thuẫn. Những kẻ côi cút, có một tuổi thơ thiếu thốn tình thương như tôi, khi khôn lớn lại yếu đuối và rất cần được săn sóc chiều chuộng. Đâu giống như bàn chân chúng ta đi đất lâu chai lại, trở nên cứng cáp để chống chỏi với đường đời gian nan. Con tim thì khác hẳn, một khi đã bị xúc phạm rồi thì nó sẽ trở nên yếu đuối cả đời. Tôi thành thật nghĩ, nếu bà cụ còn sống nuôi tôi đến khôn lớn, thì chắc tôi không thể là một nhà văn được. Chỉ có những kẻ cô đơn, mới dễ nhạy cảm và sợ tha nhân, mới phải lo lắng tìm hiểu tâm lý người khác. Dễ bị ảnh hưởng của người xung quanh, nhà văn tò mò chú ý nghe ngóng câu chuyện của thiên hạ để viết lại thành những mẩu văn chương.  Nhà văn William Somerset Maugham có ý nghĩ tương tự, khi ông nói là nếu không mất mẹ sớm thì có lẽ ông đã trở thành một vị Don, giáo sư trường Oxford (hoặc Cambridge), như người anh ruột của ông.

    Tuổi trẻ của tôi không có gì đặc biệt đáng để viết ra đây, ngoài sự kiện là như mấy thằng con trai mới lớn, có nhiều kích thích tố đang lưu hành trong máu nên cũng chú ý đến các cô gái, mà thường bị thu hút bởi sắc đẹp của họ mà lại không có mối tình nào cả. Dễ xúc động thì cũng chóng quên và hời hợt với mọi thứ, chỉ muốn chạy trốn vào mơ mộng, sống với tưởng tượng vì nó đẹp hơn sự thật…

    Những năm Trung Học, mỗi niên khóa thay đổi một trường, tôi đã gặp khó khăn với thầy giáo (hay bêu rếu, chế diễu học sinh) và tôi cũng không hợp với sự gò bó của nền giáo dục nhà trường. Không ai có thể chọn được cha mẹ, nhưng ít ra tôi nghĩ tôi có thể chọn được trường mình học. (Đây cũng là hậu quả của sự kiện tôi là út trong một gia đình đông con chăng!?)… Nhưng thế mà thật là kỳ diệu, tôi đã thi đậu hai cái bằng Tú Tài vào lúc 17 tuổi.

    Năm 1968 có cuộc tấn công Tết Mậu Thân, đợt I rồi đến đợt II, địch quân đặt tên là Tổng Công Kích-Tổng Khởi Nghĩa (TCK-TKN), nhưng họ đã không chiếm được lâu bất cứ thành phố nào. Một trong những nguyên nhân là thật sự chẳng có ai khởi nghĩa cả, họ rõ ràng thất bại về quân sự và chính trị trong nước. Nhưng nhờ vào tuyên truyền và sự ngoan cố trợ giúp của hệ thống Cộng Sản Quốc Tế, cũng như phong trào phản chiến nổi lên trong quần chúng Mỹ và chủ trương thay đổi chiến lược của chính phủ Hoa Kỳ mà họ đã biến sự kiện thất bại quân sự của họ thành ra một thành công trên diễn đàn quốc tế! Chính trị vốn đã không còn vẻ lý tưởng như khi còn trẻ tôi thường nghĩ, mà hôm nay, tuổi đã trên 70, tôi biết cốt lõi của chính trị là quyền hành và thế lực, và quyền hành luôn luôn hủ hóa con người…

    Ngày nay, kỹ thuật tuyên truyền của nhóm người “mang danh Cộng Sản”còn tinh vi khôn khéo hơn với trò chơi “chụp mũ” và “chia rẽ” cộng đồng, như ta đã thấy đang xảy ra trên các diễn đàn hải ngoại, nhất là ở thủ đô Bolsa…

    Khi chiến sự tạm lắng dịu, tôi cùng anh bạn thân leo lên chiếc xe gắn máy Suzuki cũ kỹ, phóng lên Đà-Lạt, hy vọng từ đó xuống Phan Rang thăm bà chị. Nhưng có lẽ thực tâm chúng tôi quyết định đi cốt để chạy trốn, thăm gia đình chỉ là cái cớ, chạy trốn cái không khí ngột ngạt của Sài-Gòn, của chiến tranh, hay một xã hội đầy đau khổ, bất công và phi lý. Không ngờ đang chạy phon phon qua Định Quán, tới Phương Lâm bỗng kẹt lại vì Quốc Lộ 20 bị đắp mô, nhiều đoạn bị hư hại. Chiếc Suzuki mòn nhông nên khi chạy qua bùn lầy cao tới mắc cá chân thì sợi xích cứ tuột ra! Và, như những cuộc phiêu lưu phải có gian nan và thiếu thốn mới kỳ thú, chuyến đi đã mang đến cho chúng tôi nhiều kỷ niệm khó quên.  Hơn nữa, chúng tôi chẳng có gì trên đời để mất, để sợ cả…

    Sau ba ngày đường, ngủ bờ ngủ bụi, tới được Phan Rang nắng ấm, gặp bà chị và ông anh rể, cả hai đều ngạc nhiên, trố mắt không tin. Có lẽ chúng tôi là hai người đầu tiên dùng đường bộ từ Sài-Gòn đã tới Phan Rang sau trận Mậu Thân! Sau ba tuần lễ rong chơi ở Phan Rang với bờ biển Ninh Chữ hiền hòa ấm áp, bà chị đã không cho hai đứa tiếp tục dùng xe gắn máy về Sài-Gòn, nên cho tiền chúng tôi đi xe đò. Nhưng như hầu hết các thanh niên cứng đầu, hay “ngu si hưởng thái bình”, chúng tôi vẫn cứ thế mà xách xe phóng về đến Sài-Gòn.

    Tuân thủ lệnh tổng động viên, tôi bị gọi đi lính và thụ huấn Quang Trung rồi Thủ Đức. Có một cựu chiến binh đã phát ngôn: một khi vào lính, dù chỉ một ngày, một tháng đi nữa, cả đời vẫn là lính, y hệt như một khi biết đi xe đạp thì sẽ không bao giờ quên, tôi nhớ mãi đồng đội và kỷ niệm ở quân trường. Trải qua chiến tranh và 7 năm quân ngũ, tôi đã từ biệt vài người bạn thân thiết và ông anh ruột. Họ đã nằm xuống để tôi có thể sống ung dung ở thành phố. Tôi không thể nào quên Cơ và Tường: Cơ là biệt kích nhảy xuống Trường Sơn mất xác. Còn Tường vì muốn tìm chút bóng mát đã đến một cây cao giữa cánh đồng lúa ở Bồng Sơn rồi vướng phải lựu đạn gài dưới gốc cây, anh chết bỏ laị mối tình câm với cô Út hàng xóm của tôi. Cũng như tôi vẫn bị ám ảnh bởi cái chết của ông anh, một người lính Thiết Giáp, độc thân nên tình nguyện lên chiếc GMC đi chuyến công tác thay thế cho một chiến hữu có vợ con, nhưng khi chạy qua mìn của Việt-Cộng, trên con đường làng thuộc tỉnh Cà-Mau, kích hỏa nổ tung khiến xác anh không toàn vẹn. Anh đẹp trai như Tây lai, có vài cô đeo, nhưng chưa có mối tình nào. Anh chết mới 26 tuổi, nếu còn sống, năm nay anh cũng đã 78 tuổi.

    Chiến tranh nào cũng tàn nhẫn và phi lý, nhưng chiến tranh vẫn cứ thế mà tiếp diễn trên trái đất khi con người còn tức giận và dã man…Và sự đau khổ không ngừng khi hòa bình trở lại, vì hòa bình của một kẻ đầu hàng, và khi đất nước bị bắt buộc phải ‘thống nhất’, tôi bị sống trong tù đầy và đói khổ.

    Khổng Tử, người được mang danh là vị thầy của muôn đời, “vạn thế sư biểu”, đã cho rằng khi người đã 50 tuổi tất “tri thiên mệnh”, hiểu được chuyện trời đất. Có lẽ vị thầy này có rất ít học trò ngoan, trong đó không có tôi, vì chẳng hiểu nổi chuyện của chính mình, nói gì chuyện trời biển? Chuyện trời đất đã không biết, thì còn nói gì đến chuyện Thượng Đế.

    Là một Phật tử không thông hiểu Đạo, nhưng tôi tin trong cái “không” có thể đưa đến “”, và trong “” vẫn có cái “không”, tương tự làn sóng trên biển cả, sóng không là biển nhưng cũng có thể coi như là biển.

    Vật lý lượng tử (quantum physic) đã chứng minh là thời gian không có điểm khởi đầu hay lúc kết thúc. Như vậy thì không có chỗ cho Đấng Tạo Hóa (Stephen Hawking trong cuốn The Grand Design)? Cũng là một Phật tử, tôi nhận ra sự nguy hiểm của cái ngã, nhưng tôi không hiểu Đức Phật dậy ra sao về cái ngã, vì tôi đâu có hiểu được Đạo. Dường như, Đạo chỉ có thể cảm nhận qua tu luyện mà thôi? Ông bạn “đắc đạo” hay “giác ngộ” của tôi trên San Jose đã cố gắng giải thích, thuyết pháp cho tôi nhiều lần, nhưng không tài nào tôi hiểu nổi cái ngã là gì. Tôi cho là (theo sự hiểu biết của kẻ u tối) ngã có thể ví như là cái lòng kiêu ngạo, vị kỷ của cá nhân. Phải chăng mọi đau khổ, như chiến tranh chẳng hạn, xẩy ra do cái lòng kiêu ngạo, tự coi kẻ khác thua kém mình.  Như người Đức khinh và thù dân Do Thái, nên Đại Chiến thứ Hai đã nổ ra? Cũng như bọn người da trắng cho mình cao cả hơn da màu, họ bóc lột người Á Châu và Phi Châu, gây ra chiến tranh chiếm thuộc địa. Và gần đây, có kẻ cho Thượng Đế của họ (Allah) hơn Thượng Đế (God) của tôn giáo khác nên đã mưu toan giết người như giết kẻ thù truyền kiếp.

    Tôi ít theo dõi tin tức hàng ngày, vì toàn tin về tranh chấp giữa Đảng Dân Chủ với Cộng Hòa, nhưng để ý thấy rằng trong Quốc Hội Hoa Kỳ, mấy bà dân biểu càng ngày càng đông mà quý bà làm việc hài hòa hơn mấy đấng mày râu, những kẻ chỉ thích xâu xé nhau. Phải chăng ta nên ra Luật cấm đàn ông làm chính trị, để chỉ toàn các bà thôi. Tôi nghĩ được vậy, Thế Giới sẽ thái bình và thịnh vượng hơn! Bên Anh Quốc có Nữ Hoàng, ở Đức có bà nữ Thủ Tướng thì đã sao? Làm cuộc cách mạng ngược đời!

    Là một văn sĩ, tôi cũng xin viết vài dòng về công việc viết lách, lý do đưa đến nghề cầm bút, cũng như quan niệm về nghề văn của mình. Chẳng qua bắt đầu cũng từ gia đình mà ra cả: Tôi có 3 ông chú là văn sĩ nổi tiếng, rồi đến ông anh cả cũng là nhà văn dù kém danh hơn. Dưới con mắt non nớt của tôi, đời sống của mấy ông chú rất ư là lãng mạn hấp dẫn, không kém phần ly kỳ. Kể từ nhỏ, đọc được tác phẩm của các bậc tiền bối, tôi bị ảnh hưởng không ít, và … cũng tập tành viết văn. Nhưng, như đã thưa với quý độc giả ở phần trên, tôi không rành văn phạm, lại nghèo từ ngữ và thiếu tài năng!

    Không thể sống như cái bóng của một người khác, và như người xưa (ông Socrate bên trời Tây) đã nói “hãy tự biết mình”! Sự thật quả là phũ phàng khi tôi tự biết mình không thể trở thành một nhà văn. Điều này đã khiến tôi đau buồn không ít, và ngay từ khi còn là một thanh niên, tôi đã quyết định từ bỏ ý định làm văn sĩ.

    Một hôm, lúc16,17 tuổi, tôi bỗng nghĩ ra ở trên đời này không phải chỉ có một thứ nghệ sĩ là các nhà văn, nhà thơ có tài, họ vốn bẩm sinh đã có sẵn khả năng sáng tác, nhưng cạnh đấy, cũng còn có người sở hữu một tâm hồn nghệ sĩ và sống rất bay bướm, dù không viết lách gì cả. Nhóm người này không có tác phẩm sáng tạo, nhưng chính cuộc đời của họ là một tác phẩm tuyệt vời. Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến anh bạn Đại Đội Trưởng Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù NT Út trên SJ, một chiến sĩ bay bướm, đạo Công Giáo nhưng lại thông hiểu Đạo Phật không thua mấy ông sư, anh vốn là một nghệ sĩ chưa chịu viết lách. Ước gì anh viết lại những gì anh đã kể cho tôi nghe…

    Viết văn là phải có gì cống hiến độc giả, mua vui cho họ. Nếu không có năng khiếu thì ít ra tôi cũng đã có trên 70 năm kinh nghiệm sống, đã vào tù ra khám, đã đau khổ khóc đứa con nhỏ chết trên tay mẹ nó, trong khi tôi còn đang trong tù ngoài Bắc. Tôi không có tài nhưng được sự giúp đỡ (sửa bài) của hai nhà văn chuyên nghiệp (nêu trên) nên mới cho ra đời đến nay được ba đứa con tinh thần.

    Đã thất thập cổ lai hy, tất nhiên cũng nên nghĩ đến chuyện hậu sự, tôi cũng đã ngỏ với vợ con rằng: mong sau khi chết, tôi được cống hiến cái xác xấu xí của mình cho trường Y-Khoa Wright State, một ngôi trường gần nhà mà tôi trước đây có học qua 4 năm, và từ khi ra trường đến giờ chưa bao giờ có dịp trở lại, mặc dầu vẫn chạy xe qua gần như mỗi ngày! Khi sống, tôi không có gì đóng góp cho xã hội, ngoài việc đóng thuế đầy đủ hàng năm, vậy khi chết, ít ra cái thân xác này có lẽ cũng giúp cho mấy sinh viên y-khoa biết thực tế cụ thể về cơ thể học. Nhưng tôi cũng thông cảm với bất cứ quyết định nào của bà xã và các con, vì đám ma cốt được tổ chức là cho họ, những người sống, chứ không phải cho cái xác ướp đã bất động nằm đó! Nên tôi dặn thêm là “như em đã từng lo cho anh khi sống bao năm qua rồi thì khi anh qua đời, thôi tùy em liệu định….”

    Thường có nhiều người hay hỏi tôi: “Bài học của đời anh truyền lại cho con cháu là gì?”. Tôi xin trả lời: “Lúc sống đã không làm chủ được hành động của mình, cũng không có tự do ý chí, đời tôi là do định mệnh đưa đẩy như một hệ lụy mà không một ai thoát ra khỏi được, vậy có gì để truyền lại!

    Phải chăng tôi chỉ đóng vai nhà văn Ngọc Cường như một nhân vật trong vở kịch đời mình… Nhưng không biết ai là tác giả nhỉ?

    Ngọc-Cường, Ohio 2022

  • Ngọc Cường,  Văn Thơ,  Việt Hải

    Truyện Ngắn: Ba Chị Em và Hai Buổi Chia Tay Ở Gare Du Nord Của Ngọc Cường.

    Nhà Văn Ngọc Cường

    Duyệt qua tác phẩm mới Ba Chi Em Ngọc Cường đề cập về 2 cổ thụ văn học, một ngườ Anh, một Pháp, là Guy de Maupassant, William Somerset Maugham. Cả 2 nổi tiếng về lãnh vực truyện ngắn. Với William Somerset Maugham, khi tôi học lớp văn chương Anh tại đai hoc Cal State Northridge,  tôi đọc truyện Mưa (Rain), cùng những truyện ngắn của W.S. Maugham thu hút tôi vì truyện ông chất chứa đầy triết lý và tiêu biểu bởi cái kết thúc bất ngờ, hình như truyện nào cũng vậy. Về lịch sử văn học Anh, khoảng về cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, tên tuổi Maugham thường được đặt bên cạnh những tên tuổi danh giá G. B. Shaw, J.Galsworthy, H.G. Wells, E.M. Forster, tức những tác giả cự phách trong dòng hiện thực phê phán. Bản thân Maugham lại rất nể phục Balzac, Tolstoy, Dostoievsky… và ông từng viết riêng một cuốn sách về các bậc thầy văn học này.

    Ngọc Cường nhắc cây cổ thụ Pháp Guy de Maupassant, tôi biết ông qua Une Vie, Bel Ami, Pierre et Jean, và Notre Coeur, thuở ở Alliance Française Saigon. Bạn bè trao đổi về sách ông. .Maupassant vốn là môn đệ của văn hào Gustave Flaubert cho nên Guy de Maupassant chịu nhiều ảnh hưởng sâu sắc của thầy mình về hai phương diện nghệ thuật và tư tưởng. Cũng từ các ảnh hưởng nghệ thuật của Flaubert, ông đã tiếp nhận tư duy khách quan hiện thực (pensée objective réaliste) và cung cách hành văn gọn gàng, nhưng trong sáng và sự tinh tế của bút pháp nghệ thuật mô tả nội dung truyện. Sở trường đặc biệt về truyện ngắn của Maupassant phải nói ông đã vững chãi khai thác từng khía cạnh cụ thể trong mỗi một thể loại truyện về nghệ thuật  trong những giới hạn số trang ông ấn định. Do vậy nên ông được xem là bậc thầy về truyện ngắn của thế giới.

    “Có thể quý độc giả cho chúng tôi là lẩm cẩm khi đặt ra câu chuyện vớ vẩn như trên. Sở dĩ câu hỏi được đặt ra với mục đích giới thiệu vấn đề chính của bài viết này: đó là lý do nào, khiến người ta ưa chuộng một sáng tác ? Trong cả ngàn văn nhân, thi  sĩ, biết chọn ai đây, đứng trước một vườn hoa, biết hái bông nào ? Do đó, vấn đề dựa vào tiêu chuẩn khách quan nào để có thể đánh giá ( phê bình) một tác phẩm?

    Trong cuốn Viết Và Đọc Tiểu Thuyết, Nhất-Linh đề nghị ra hai tiêu chuẩn: theo ông, một áng văn hay là qua được sự thử thách của không gian và thời gian. Nếu bất cứ ai, dù ở đâu và lúc nào đọc cũng thấy hay, tất là có gía trị lâu dài.  Sáng tác của Maugham rõ ràng đã qua 2 thử thách trên , bởi vậy, dù là người Việt, nhưng chúng tôi đã không ngần ngại chọn nhà văn người Anh này, sau khi đọc một cách thích thú một số lớn tác phẩm của ông. Văn của Maugham vừa mang tính lãng mạn và nhân hậu, vừa lôi cuốn người đọc, đưa độc giả về miền quá khứ xa xôi, và tạo cơ hội cho chúng ta lọt vào các nơi chốn xa lạ, từ Âu sang Á, y như đang sống thật trong câu chuyện của tác giả. Ông diễn tả sâu sắc tâm lý nhân vật, như hiểu thâm sâu  con người, câu chuyện sát với sự thật, như đưa người đọc đi lạc vào mê hồn trận của cuộc đời! Sống đến 91 tuổi, cuộc đời của tác giả cũng lâm ly và bi đát không kém…hơn nữa, ông có cả trăm tác phẩm xuất bản, sẽ giúp chúng tôi tiêu pha thời gian sống trên hoang đảo cô đơn ! Tuy nhiên, chúng tôi ngạc nhiên là ông không đoạt được giải Nobel về văn chương dù là một tác giả ăn khách nhất của Thế Kỷ XX? Có thể, giải thưởng đó không tương xứng với ông, và nếu được chọn, ông cũng sẽ khước từ, vì coi mọi giải thưởng là có ràng buộc, như J.P. Sartre đã làm năm 1964? Về lý do từ chối giải thưởng, Sartre nói “ một nhà văn không nên trở thành một định chế “. Tuy nhiên, có lời đồn đãi là: sau đó, Sartre muốn lãnh số tiền thưởng và bị Hội Đồng giải Nobel khước từ? Triết gia và nhà văn người Tây này có thể cao siêu về Triết Lý, nhưng lại ngây thơ về chính trị, đã tin tưởng vào sự tốt đẹp của chủ nghĩa Cộng Sản. Điển hình thuộc loại chính  trị gia salon,  Sartre thường la cà ở các quán cà-phê khu Montmartre ( với bà Simone de Beauvoir, một đồng chí, và có khi là tình nhân ), ngồi tán dóc chuyện triết lý, khạc ra những lời ca tụng chủ nghĩa Duy Vật, trong khi ( ngu si hay hèn nhát ) không lên tiếng bênh vực cho cả trăm ngàn tù nhân vô tội đang đói khổ trong các Trại tù Cộng Sản!

    Theo Maugham, một nhà văn cần vượt lên trên dư luận và viết đúng sự cảm nhận của mình ( độc lập và không chịu ảnh hưởng của bất cứ ai ) ?

    Không phải là một người đọc nhiều, và hiểu rộng, nhưng chúng tôi cũng xin mạo muội có nhận xét: ảnh hưởng của Maugham vượt ra ngoài nước Anh, lan tràn khắp thế giới, như văn chương là ngôn ngữ chung của loài người. Chính cả các nhà văn trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn của chúng ta cũng đã chịu ảnh hưởng của Maugham (và thêm Guy de Maupassant, một tác giả người Pháp 1850-1893). Chẳng thế, có sự tương đồng rất đậm nét giữa cuốn Đời Mưa Gió của Nhất-Linh viết chung với Khái-Hưng và  Of Human Bondage của Maugham… và trong nhiều tác phẩm khác, chúng tôi nhận thấy phảng phất tính lãng mạn, tình tiết éo le bất ngờ trong văn của cả ba người. Riêng Nhất Linh, trong cuốn Giòng Sông Thanh Thủy, có đoạn đã nêu đích danh Maugham trong một cảnh miêu tả một đêm trăng. Trong một  bài tiểu luận về sáng tác (A Traveller In Romance, Uncollected Writings, 1901-1964, tr 93 ) Maugham có một lời khuyên đến những kẻ tập tành viết văn ( xin lược dịch ) như sau :

     “bạn nên viết về những điều mình biết…bởi vì , nếu viết về những thứ quý vị không biết, sẽ đưa đến lỗi lầm khôi hài…”, rồi căn dặn thêm: “ nhà văn nên viết lên sự thật như họ đã nhìn thấy, về những  điều họ biết…dù cho đó là đề tài cũ…nhưng nếu người viết có cá tính,  nhìn nó với một nhận thức riêng, vẫn gây cho độc giả sự chú ý…một tác giả có thể luôn luôn muốn ở vị trí khách quan, nhưng tâm tính, thái độ riêng của họ với đời sống, vẫn là cá biệt, và sẽ tô đẹp quan điểm của mình.”

    Chúng tôi Nguyễn Quang, Ngọc Cường, Khánh Lan và bút tôi đọc Maugham và Maupassant trong thích thú. Sách mới “Ba Chị Em” hay Tuyển tập truyện ngắn của Ngọc Cường sẽ do Liên nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian giới thiệu. Hẹn Chủ Nhật ngày 4 tháng 10, cuối năm 2021.

    BTC: Khánh Lan, Lâm Dung, Mộng Thuỷ, Mai Hương, Vi Khiêm và Quyên Di.

    Ngoài tác phẩm của nhà văn Ngọc Cường buổi RMS còn giới hiệu tác phảm mới Hồi Tưởng của nhà văn Từ Dung (gia đình Hoàng Đạo).

    Việt Hải (October 2021)

    Phụ chú:

    Với nhà văn Ngọc Cường, tôi quý anh tự bản chất. Cái giá trị của con người Ngọc Cường là những đặc tính đáng quý như: sự thân thiện, hoà nhã, bình dị, cộng thêm sự khiêm cung, tránh ngã tôn, ngã chấp, hay “le moi ç’est pour rien”. Trong tình bạn văn chương, tôi quý anh, anh theo hai khuynh hướng: văn học truyện ngắn, phong thái như các cụ Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, những đại thụ văn học xứ ta, mà tuổi thơ của anh vốn gấn gũi. Và khuynh hướng khác tôi cảm nhận gần gũi với văn phong Ngọc Cường, anh còn theo văn học phê bình, nhận định nghệ thuật, tiểu luận văn học, hay bình luận văn học (critique littéraire, jugement artistique, essais littéraires, commentaire littéraire). Mỗi khi đọc sách mới Ngọc Cường, tôi xoáy tâm tư vào đề tài này. Ngọc Cường viết về Guy de Maupassant, William Somerset Maugham, J.P. Sartre, Fyodor Dostoyevsky, Mikhail Bakhtin, Roland Bathes, “Đôi dòng về nghệ thuật”, “Nghệ Thuật Là Gì”, Leo Tolstoy, Van Gogh, Édouard Manet,… Anh vốn có thú thưởng ngoạn văn học và hội hoạ…. Nhiều tiểu huyết của Ngọc Cường xây dựng trong bối cảnh Paris, một kinh đô văn học, nơi có đồi Montmartre, một tụ điểm nổi danh của nghệt thuật hội hoạ Âu châu.

    http://www.ninh-hoa.com/VietHai-DocThuBanVeKhiaCanhNgheThuatQuaBaiCuaNgocCuong.htm

    https://www.facebook.com/viethai.tran.942/posts/3907992309291410

    Cám ơn nhà văn Ngọc Cường cho tôi một tình bạn văn học cùng goût văn, cùng jeu viết.

    Việt Hải Los Angeles, Jan. 2nd, 2022.

    Từ trái: Nhà văn Khánh Lan, Lệ Hoa, Bích Điệp,
    Ngọc Cường, Việt Hải và Mạnh Bổng.
    Từ trái: Nhà văn Phạm Quốc Bảo, Ngọc Cường, Việt Hải,
    Khiếu Long,
    Dương Viết Điền và Ngọc Tuấn.