Văn Thơ

DÂN CA DÂN NHẠC VN – LÝ MIỀN NAM

Miền Nam nước Việt chúng ta là một lảnh thổ có một lịch sử trải dài qua nhiều thời đại, khởi thủy bằng Vương quốc Phù Nam từ thế kỷ 1.

Phù Nam (tiếng Phạn: नाम) là một quốc gia cổ trong lịch sử Đông Nam Á, xuất hiện khoảng đầu Công Nguyên, ở khu vực hạ lưu và châu thổ sông Mê Kông. Theo nhiều thư tịch cổ Trung Hoa, thì trong thời kỳ hưng thịnh, Vương quốc này về phía Đông, đã kiểm soát cả vùng đất phía Nam Trung Bộ (Việt Nam), về phía Tây đến thung lũng sông Mê Nam (Thái Lan), về phía Nam đến phần phía Bắc bán đảo Mã Lai.

Quốc gia này tồn tại cho đến khoảng nửa thế kỷ 7 (sau năm 627) thì bị sáp nhập vào lãnh thổ của Chân Lạp. Mãi đến thế kỷ 17-18, phần lãnh thổ xưa kia được coi là trung tâm của Phù Nam, tách khỏi Chân Lạp để trở thành một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam, tức Nam Bộ ngày nay.

Chân Lạp (tiếng Khmer: ចេនឡា/Chenla, phát âm: Chên-la; Hán-Việt: 真臘) có lẽ là Vương quốc đầu tiên của người Khmer tồn tại trong giai đoạn từ khoảng năm 550 tới năm 802 trên phần lảnh thổ phía Nam của bán đảo Đông Dương gồm cả Campuchia và một số tỉnh phía Nam của Việt Nam hiện nay.

Chân Lạp-Phù Nam, vào năm 600.
Triều đại các vị vua của Vương quốc Chân Lạp theo truyền thuyết có nguồn gốc từ nhân vật thần thoại “Campu”, lấy nàng Naga (con gái thần nước, biến từ rắn thành thiếu nữ). Từ “Campu” cũng bắt nguồn cho tên gọi của Campuchia sau này.

Các vương quốc láng giềng xung quanh vào thời kỳ ban đầu của họ là Chăm Pa ở phía Đông, Phù Nam ở phía Nam và Dvaravati (thuộc Thái Lan ngày nay) ở về phía Tây Bắc.

Ban đầu là một nước chư hầu của Vương quốc Phù Nam (khoảng cho tới năm 550), trong vòng 60 năm sau đó nước Chân Lạp đã giành được độc lập và dần dần lấn lướt Phù Nam. Đến thế kỷ 6 thì họ đã xâm chiếm được miền Bắc của Phù Nam. Cuối cùng, trong thế kỷ 7 (khoảng giai đoạn 612-628), Chân Lạp đã xâm chiếm toàn bộ Phù Nam, chiếm toàn bộ dân cư của Vương quốc Phù Nam nhưng lại hấp thu nền văn hóa của họ. Năm 613, Ishanapura trở thành kinh đô đầu tiên của đế quốc mới Chân Lạp.

Bản đồ Đế quốc Khmer (Khmer Empire) cuối thế kỷ 12.
Đế quốc Khmer, tách ra từ Vương quốc Chân Lạp, là một cựu đế quốc rộng lớn nhất Đông Nam Á (với diện tích lên đến 1 triệu km², gấp 3 lần Việt Nam hiện nay) đóng trên phần lãnh thổ hiện nay thuộc Campuchia, đã từng cai trị và có phần đất phiên thuộc mà ngày nay thuộc lãnh thổ của các quốc gia: Lào, Thái Lan và miền Nam Việt Nam.

Sự khởi đầu của kỷ nguyên Vương quốc Khmer Angkor được cho là bắt đầu từ năm 802 sau Công nguyên. Trong năm này, vua Jayavarman II đã tự xưng “Chakravartin” (Hoàng đế của thiên hạ).

Trong quá trình tạo lập nên đế chế này, người Khmer đã có các mối quan hệ thương mại với Đế quốc Java và sau đó với Đế quốc Srivijaya giáp biên giới Đế quốc Khmer về phía Nam. Di sản lớn nhất của Đế quốc Khmer là Angkor – kinh đô của Đế quốc này vào thời cực thịnh của nó. Angkor là chứng tích của sức mạnh và sự thịnh vượng của Đế quốc Khmer và cũng là hiện thân của nhiều tín ngưỡng mà nó đã mang trong mình. Các tôn giáo chính thức của đế chế này là: Ấn Độ giáo, Phật giáo Đại thừa cho đến khi Phật giáo Nam truyền chiếm ưu thế sau khi được du nhập từ Sri Lanka vào thế kỷ 13.

Tuy nhiên tới năm 1431, cuối cùng thì Angkor thất thủ trước quân Thái. Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19 là giai đoạn suy tàn liên tục và thu hẹp đất đai của Đế quốc Khmer. Từ giữa thế kỷ 15, Đế quốc Khmer liên tục bị các cuộc xâm lăng của vương quốc Ayutthaya (Thái Lan cổ) tàn phá. Angkor liên tục bị chiếm đóng và tàn phá.

Tượng vũ nữ bằng đá thời Phù Nam, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng An Giang.
Sang đầu thế kỷ 17, Đế quốc Khmer có sự gắng gượng ổn định đôi chút dưới thời vua Chay Chettha II, tuy không thể bằng các thời kỳ trước đặc biệt là thời Angkor, với việc thành lập một thủ đô mới tại Oudong năm 1618. Vua Chey Chettha II đã mở rộng quan hệ với chúa Nguyễn ở Đàng Trong của Việt Nam, để cân bằng ảnh hưởng từ vương quốc Ayutthaya của Thái Lan. Ông đã cho phép một số ít người Việt đến sống tại Prey Nokor (sau này là Sài Gòn). Bằng sức ép lên đất nước còn đang suy yếu, vua chúa Việt Nam từ từ chiếm được tất cả các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bắt người Khmer phải đổi họ, tên theo tiếng Việt.

Từ giữa thế kỷ 17 trở đi, Đế quốc Khmer trở nên suy yếu trầm trọng trước hai láng giềng hùng mạnh và tham vọng bành trướng là Xiêm và Đàng Trong (Việt Nam). Sự định cư của người Việt ở châu thổ sông Cửu Long từ đầu thế kỷ 17 dẫn tới việc họ sáp nhập hoàn toàn vùng đó vào năm 1757, vì thế Đế quốc Khmer mất một trong những vùng lãnh thổ trù phú nhất của họ.

Đến cuối thế kỷ 17, Đại Việt hoàn thành việc chiếm đóng vùng đất Miền Nam, Việt Nam bây giờ.

Một hố khai quật khảo cổ trong khu di tích Nam Linh Sơn, nằm cách chùa Linh Sơn (Ba Thê) 60m.
Một hố khai quật khảo cổ trong khu di tích Nam Linh Sơn, nằm cách chùa Linh Sơn (Ba Thê) 60m.
oOo

Dân ca Dân nhạc cổ truyền của mỗi dân tộc trên thế giới đều có những nét đặc thù độc đáo riêng biệt. Những nét đặc thù độc đáo riêng biệt này đã đóng góp tạo nên một kho tàng văn hóa phi vật thể vô giá trên toàn cầu cho mọi người.

Dân ca Dân nhạc cổ truyền Việt Nam có những âm điệu ngũ cung đa dạng, phong phú. Những âm điệu và ca khúc dân dã này đã được sáng tác và truyền miệng trong dân gian qua nhiều thế hệ sau khi đã được gọt giũa, sàng lọc, phổ biến, vững bền cùng năm tháng.

Nền âm nhạc cổ truyền này mang âm hưởng của nhiều vùng miền cùng với nhiều thể loại trên khắp cùng đất nước. Và hôm nay mình trân trọng giới thiệu đến các bạn từng thể loại của từng vùng miền và trong những bài kế tiếp.

Đầu tiên mình giới thiệu đến các bạn các thể loại “Dân ca Miền Nam” ở miền Nam nước Việt. Câu châm ngôn “Nam lý, Bắc thơ, Huế hò” là câu đã được sự đồng tình của đa số các nhà nghiên cứu nền dân ca truyền thống Việt Nam.

Trong dân ca miền Nam, “Lý” là một làn điệu dân ca đặc trưng của những người nông dân mộc mạc chất phát. Những lời ca trong những điệu “Lý” luôn nói lên tinh thần tích cực và sức sống mạnh mẻ của nông dân, lời lẽ thường chân thật và mộc mạc, không văn chương, nhưng diễn tả tình cảm bộc trực mà đậm đà.

Dưới đây mình có bài “Hồn Quê Trong Các Điệu Lý Đồng Bằng Sông Cửu Long” của Trân Phạm, và bài “Hát Lý Và Những Điệu Lý Nam Bộ” của ông Nguyễn Hữu Hiệp để các bạn tiện việc tham khảo về bộ môn nghệ thuật dân gian đặc thù này của miền Nam chúng ta.

Theo khám phá của các nhà nghiên cứu, Dân ca Miền Nam có trên vài trăm bài “Lý”. Nhưng phổ biến nhiều nhất trong dân gian là các bài mà mình xin tạm giới thiệu đến các bạn sau đây… Lý Chiều Chiều, Lý Con Sáo, Lý Chim Quyên, Lý Quạ Kêu, Lý Kéo Chài, Lý Cây Bông, Lý Con Sam, Lý Ngựa Ô, Lý Cái Mơn.

Đồng thời mình còn có 12 clips tổng thể các điệu “Lý Miền Nam” giới thiệu đến các bạn để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.


Nghệ sĩ Linh Phượng trong tiết mục trình diễn Lý Chiều Chiều. Hồn Quê Trong Các Điệu Lý Đồng Bằng Sông Cửu Long

Trong kho tàng văn hóa dân gian của Việt Nam, dân ca có một vị trí quan trọng. Dân ca khắp ba miền Bắc Trung Nam có lịch sử hình thành khá lâu đời và dân ca Tây Nam bộ là một bộ phận của dân ca Nam bộ, có nguồn gốc từ những khúc hát cung đình (ngũ cung) lan ra giao thoa với ca hát dân gian (hát dâng bông, bóng rỗi) rồi biến hóa, linh động từ nội dung và hình thức, cô đặc lại, cấu thành món “đặc sản” tinh thần của người bình dân.

Tây Nam bộ hay Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất được tiền nhân khai mở sau cùng trong quá trình Nam tiến. ĐBSCL với địa hình thấp, mênh mang sông nước, vừa có biển lớn nhiều cá tôm, vừa có đồng bằng phì nhiêu rộng lớn, vườn tược xanh tươi, ở phía Tây Nam còn có núi non hùng vĩ. Cư dân ĐBSCL xưa nay được tiếng hiền lành, chân thật, cần cù, nhân nghĩa rạch ròi, cởi mở, hiếu khách và có lối sống thích nghi, sáng tạo. Dân ca Tây Nam bộ hầu như phản ánh hầu hết các nội dung trên.

Thông thường, nói đến sinh hoạt ca hát dân gian vùng ĐBSCL, nhiều người hình dung đến chiếu đờn ca tài tử, hoặc những bài bản vọng cổ giữa mênh mang sông nước. Nhưng sẽ là thiết sót nếu bỏ qua những điệu hò, hát ru và đặc biệt là các điệu lý xuất hiện khá nhiều trong sinh hoạt văn hóa dân gian và thường được dùng như một chất liệu để làm phong phú thêm các bài bản vọng cổ hay các vở cải lương. Lý là những khúc hát ngắn gọn với nhịp điệu phong phú và sinh động.

Lời hát của lý đa phần có vần điệu dễ nhớ nhưng khác với ca dao, hò, vè ở chỗ lý mang tính nhạc (hát), trong khi ca dao, hò, vè mang thuộc tính của thi ca (thơ). Các bài lý tiêu biểu, đại diện cho dân ca của các “miệt”, địa phương miền Tây Nam bộ như: Lý ngựa ô, Lý Cái Mơn, Lý cây bông, Lý con sáo Gò Công (Lý con sáo sang sông), Lý con sáo Bạc Liêu, Lý quạ kêu, Lý chiều chiều, Lý bông dừa, Lý Năm Căn, Lý Ba Tri, Lý tòng quân, Lý Mỹ Hưng, Lý kéo chài, Lý qua cầu… Các bài lý có nhịp điệu sinh động nhưng vẫn giữ sự chân chất mộc mạc, pha chút cảm giác mênh mông của hò. Lý cũng có những phân biệt câu cú, khúc, đoạn; phần âm điệu mạch lạc, nhất quán, không cầu kỳ. Mỗi bài lý cũng có thể có nhiều lời ca, soạn giả có nhiệm vụ quan trọng là làm sao cho lời ca mượt mà đi vào lòng người, hòa quyện với giai điệu.

Cũng như âm điệu, mỗi điệu lý đều có một nội dung rõ rệt, hoặc phổ biến những kinh nghiệm sản xuất, ca ngợi những đức tính, thiên nhiên tươi đẹp, hoặc oán trách nhau, hoặc mỉa mai, châm biếm bọn lý trưởng, cường hào… Nghiên cứu về dân ca Tây Nam bộ, người ta thấy rằng hầu như đa phần trong các điệu lý đều có hình bóng con sông, bến nước, làng quê và những làn điệu trữ tình tha thiết ấy luôn chứa đựng tình cảm nhớ quê hương, nhớ về ký ức lứa đôi nơi quê nhà. Ví dụ như lời ca trong bài “Lý Cái Mơn”:

Đàn cò bay về nơi thương nhớ
Nhớ bến sông xưa in hình bóng của người yêu…
… Sắc hương hoa đôi bờ sóng vỗ tình quê
Có hay chăng thuyền xa bến bến trông thuyền về
Thuyền tình ơi hãy chờ đợi ta bao tháng năm trôi qua
Nhưng người xưa vẫn luôn ngóng đợi tình chung

ly11

Không gian làng quê hiện ra thơ mộng, lãng mạn với nỗi hoài niệm man mác. Hay trong bài “Lý qua cầu”:

Trời bình minh chim về đây líu lo trên cành
Như mọi ngày dòng sông với con đò mong manh…

Bài Lý qua cầu cũng nói về một mối tình trên dòng sông, bến nước có cô lái đò và người lữ khách. Và chuyện tình ấy có kết cuộc dang dở, buồn tênh! Một bài lý nữa cũng gắn liền với sông nước- “Lý bông dừa”:

Sông dài còn chảy xuôi theo dòng
Mà sao xa vắng em tôi biết tìm nơi đâu
Dòng sông còn chứa chan ân tình
Nay dang dở tình đầu ta còn gắn đợi ai…

Tóm lại, các điệu lý ĐBSCL thường nghe mượt mà, dễ thương với vần điệu, lời ca giàu chất trữ tình, mang nhiều nỗi niềm hoài niệm quê hương, tình yêu, làng quê, dòng sông bến nước. Do đó các điệu lý thường khá dễ hát, dễ biểu diễn và cũng dễ đi sâu vào lòng người. Lý cũng như nhiều thể loại dân ca cổ nhạc khác đã in sâu vào lòng người đồng bằng, từ thuở tiền nhân khai mở đất phương Nam. Ngày nay các điệu lý là một bộ phận không thể thiếu được trong biểu diễn dân ca cổ nhạc. Những điệu lý với lời ca đẹp; nghệ sĩ – nghệ nhân biểu diễn đúng chất luôn được người thưởng thức trân trọng và mến mộ.

(Trân Phạm)

ly26

Hát Lý Và Những Điệu Lý Nam Bộ

Trên hầu khắc đất nước ta, nơi nào cũng có xuất hiện, định hình những làn điệu dân ca trữ tình rất ngọt ngào, đáng yêu. Có không ít làn điệu đã trở thành đặc sản của địa phương, khu vực, như hát ả đào, hát nói, hát đám, hát quan họ, hát huê tình, nói thơ, hò lờ… Nhưng chung nhất và phổ cập nhất của thời trước là “Nam lý, Bắc thơ, Huế hò”.

Giúp ta hiểu rõ thêm câu tục ngữ này, ông Trương Vĩnh Ký giải thích trong “Giáo trình Hát, lý, hò An Nam” (in thạch bản, 1886): “Người trong Nam (từ Đồng Nai ra tới Quảng Nam) thì hát lý hay hơn cả; còn ca, phú, thơ, vịnh thì người miền Bắc; còn về việc hò thì tại nơi kinh kỳ (Huế)”. Lẽ dĩ nhiên từ “hát” nói ở đây không mang hình thức diễn xướng như hát bội, hát cải lương… nó đích thực là một thể loại dân ca đặc hữu của những người thôn dân chân chất. Hát lý không chỉ đã đi vào sinh hoạt đời sống nhân dân ta từ hàng nghìn năm trước mà di sản văn hóa phi vật thể này còn biểu thị tinh thần lạc quan, sức sống mãnh liệt của dân tộc.

Chính vì thế nên khi xua quân xâm lược nước ta, vua Minh (Thành Tổ) ban chỉ dụ: “Một binh lính vào nước Nam… hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến những loại ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ nhỏ… một mảnh, một chữ đều phải đốt hết…” (đạo dụ ngày 21/8/1406). Rồi không đầy 9 tháng sau, ngày 16/5/1407, Minh Thành Tổ lại ban thêm một đạo chỉ dụ nữa, nội dung nhắc lại tinh thần chỉ dụ trước, đồng thời quở trách các tướng sĩ, khi bắt gặp “những thứ ấy” thì phải ra lệnh đốt ngay chứ không được xem rồi mới đốt, tức phải y lịnh thi hành cho nhanh, cho triệt để! Song như chúng ta đều đã biết, chẳng những họ đã không làm được điều đó mà còn bị nghĩa quân của Lê Lợi quét sạch ra khỏi cõi bờ! Nước nhà độc lập, tự chủ. Thế là giọng lý lại được tôn vinh, cất cao lên khắp các thôn làng! Nhân dân hát lý ở bất cứ nơi đâu, bất cứ vào dịp nào: một mình lúc đang làm đồng, chèo ghe, nghỉ lưng trên cánh võng; hoặc cùng bạn bè trong những cuộc hội hè, tết nhứt, giỗ quải…, có kẻ xướng người xô càng thêm hứng khởi. Ở miền Nam xưa được các nghệ sĩ xếp đứng đầu trong các điệu hát: “Nhứt lý, nhị ngâm, tam Nam, tứ oán…”.

Ta biết, lý là quê mùa, là điệu hát mà ca từ chính là những câu phong dao, ca dao được đệm lót thêm một số nhóm từ, cụm từ, tuy là “hư từ”, sáo rỗng và vô nghĩa nhưng lại rất cần để nhằm ngâm nga, đẩy đưa, hỗ trợ làn hơi, đồng thời nghệ nhân cũng hát xen những tiếng láy, điệp ngữ – chính là điệp khúc… làm cho tiết điệu thêm mượt mà, khúc chiết, khi thì tình tứ thiết tha, khi thì buồn thảm não nùng, khi thì nhẹ nhàng phấn khởi… Chính nhờ đề tài và nội dung phản ánh mọi hiện tượng xảy ra trong sinh hoạt đời thường của ca dao, nói được những góc cạnh tình cảm trong cuộc sống, và cũng nhờ ca từ giản dị tươi vui, dí dỏm nên lý dễ đi vào lòng người, rất được người bình dân ưa chuộng.

Nghệ sĩ Linh Phượng trong tiết mục trình diễn Lý Ngựa Ô.
Nghệ sĩ Linh Phượng trong tiết mục trình diễn Lý Ngựa Ô. (Photo: Nhạc sĩ Nguyễn Túc)
Về lý, ông Huỳnh Tịnh Của có giải thích và phân biệt rõ trong Đại Nam quốc âm tự vị (Imp, Rey Curiol & Cie Saigon, 1895):

Hát lý: Hát bắt nhịp, giọng cao giọng thấp, lặp đi lặp lại.
Lý hát: Và kể và hát có mau có chậm (hiểu là vừa kể vừa hát… và “hát theo điệu ca ngâm”).

Mà ca ngâm thì “muôn màu muôn vẻ”, thành ra hát lý phong phú đến mức có đến hàng trăm điệu (gần như mỗi bài là một điệu). Hiện người ta đã sưu tầm được ngót 160 bài! Con số này sẽ không dừng lại nếu các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian có điều kiện thực hiện thêm những chuyến điền dã tâm huyết.

Trong khẩu ngữ thông thường, dân gian ít phân biệt ca lý và hát lý, vì vậy ở khía cạnh này ta có thể hiểu ca hát là một. Về điệu lý, theo Lư Nhất Vũ – Lê Giang tác giả Tìm hiểu dân ca Nam Bộ thì, cũng như ở Bình Trị Thiên và Nam Trung Bộ, ông bà ta ở Nam Bộ có mấy cách đặt tên cho nhiều điệu lý, đại thể:

a) Lấy nội dung lời hát (ca dao) mà đặt: lý con cúm núm, lý con sam, lý con sáo, lý ngựa ô, lý cây bần, lý cây gòn, lý trái bắp, lý trái mướp, lý dầu dừa, lý mù u, lý bình vôi, lý cái phảng, lý chúc rượu, lý qua cầu, lý cấy, lý đương đệm, lý cảnh chùa, lý vọng phu v.v.

b) Lấy mấy chữ đầu câu hát mà đặt: lý con cua, lý con chuột, lý con mèo, lý chim chi, lý chim sắc, lý chim chuyền, lý cây xanh, lý cây bông, lý cây ớt, lý mạ non, lý dừa tơ, lý trồng hường, lý chẻ tre, lý chiếu bông, lý chiều chiều, lý bánh canh, lý dĩa bánh bò, lý ông hương, lý nàng dâu, lý ba xa kéo chỉ, lý xăm xăm, lý liễn vũ v.v.

c) Lấy tiếng đệm lót hoặc tiếng láy đưa hơi mà đặt: lý í a, lý băng rù, lý bằng lưu thủy, lý bằng rằng, lý cống xê xang, lý giọng ứ, lý hố khoan, lý hố mơi, lý kỳ hợi, lý lu là, lý tú lý tiên, lý rị đa (hoặc lý đu đê), lý rường ơ, lý tang tình, lý ợ, lý yến ảnh v.v.

Nghệ sĩ Linh Phượng
Nghệ sĩ Linh Phượng. (Photo: Nhạc sĩ Nguyễn Túc)
Ngoài ra người ta còn dựa vào xuất xứ của loại hình ca bóng rỗi mà đặt tên các điệu lý giọng bông; dựa vào đặc tính của nhóm tiếng đệm mô phỏng các bậc âm của “chữ đờn” dân tộc; hoặc tiếng tụng niệm kinh kệ mà đặt tên như: lý bản đờn, lý cống chùa v.v.

Cũng có trường hợp lấy địa danh để đặt cho: lý Ba Tri, lý Cái Mơn… Điều này ít thấy phổ biến trong dân gian. Tất nhiên vẫn có trường hợp cùng một làn điệu nhưng mang tên lý khác nhau, và ngược lại. Việc phân loại chỉ mang tính tương đối bởi “định danh” như vậy không thể tránh được tình trạng nhập nhằng – nhập nhằng cả về việc “định lượng” nữa.

Theo chiều dài lịch sử và tiến trình mở nước, ca dao dân ca lan toả khắp nơi, tuỳ theo hình thái địa lý, hoàn cảnh xã hội, và nhất là do cách phát âm từng nơi mà dân ca nói chung, điệu lý nói riêng có sắc thái mang dấu ấn của vùng miền, chung nhất là dân ca ba miền. Rồi do giao lưu, tiếp xúc mà âm điệu, thanh điệu và cả những tiếng đưa hơi cũng được biến hóa, co giãn, làm cho làn điệu thêm phong phú, đồng thời cũng làm bật lên nét đặc thù ngôn ngữ âm nhạc. Thí dụ như điệu lý con sáo, chỉ với câu ca dao Ai đem con sáo sang sông, Cho nên con sáo sổ lồng bay xa, các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, sơ bộ đã ghi nhận có tới 30 bài, trong đó có 4 bài lý con sáo trung du Bắc Bộ trong hát ghẹo, 3 bài lý con sáo Bắc trong hát quan họ Hà Bắc và hát trống quân, 1 bài lý con sáo Thanh Hóa, 4 bài lý con sáo Huế, Nam Bình Trị Thiên, 2 bài lý con sáo Quảng vùng Nam Trung Bộ, và hơn 10 bài lý con sáo Nam Bộ. Tác giả cuốn sách chuyên khảo về dân ca Nam Bộ đã dẫn có nhận xét: Trong lịch sử âm nhạc chắc chưa có hiện tượng nào cùng một đề tài xuất xứ, từ hai câu ca dao mà có tới hàng chục làn điệu với sắc thái khác nhau và muôn màu muôn vẻ!

Nghệ sĩ Linh Phượng trong tiết mục Liên Khúc Lý miền Nam: Lý Cây Bông, Lý Con Sáo, Lý Chim Quyên, và Lý Quạ Kêu.
Nghệ sĩ Linh Phượng trong tiết mục trình diễn Liên Khúc Lý Miền Nam: Lý Cây Bông, Lý Con Sáo, Lý Chim Quyên, và Lý Quạ Kêu. (Photo: Nhạc sĩ Nguyễn Túc)
Vì sao lý “con sáo sang sông – con sáo sổ lồng – con sáo bay xa” được các nghệ nhân dân gian ưa chuộng đến vậy?

Lý, ngoài sức cuốn hút nhất định của âm điệu, nội dung của câu ca dao này đã phản ánh trung tâm tư, ước vọng của tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân: truyền thống đấu tranh bất khuất, không chấp nhận làm nô lệ, luôn tìm mọi cách để “sổ lồng”, “sang sông”, “bay xa” tìm đến chân trời hạnh phúc. Và, thật kỳ diệu, dân tộc Việt Nam đã làm được điều đó!

Với hàng chục điệu lý như vừa nói, tưởng đã quá đủ để minh chứng tình cảm, cá tính người Nam Bộ – cũng là biểu tượng của sự hiên ngang, phóng khoáng của nhân dân. Nhưng nếu có chút tinh tế, ta sẽ thấy ở vùng miền nào cũng bật lên rất rõ nét sự tôn vinh điệu lý! Nếu lý ngựa ô đã có cuộc hành trình khắp nước thì lý con sáo cũng là bài lý thuộc loại dân ca ba miền, được các soạn giả dựa theo các làn điệu của lý mà sáng tác lời mới để mồi cho một làn điệu, một lớp, hay chuyển sang một ý khác đang diễn trên sân khấu nhằm làm thay đổi “thính vị” người nghe. Nó thường được đưa xen vào những bài vọng cổ, ca nhạc cải lương vì trước hết, đó là một điệu thức quen thuộc, dễ ca, có vui, có buồn nên dễ cảm nhận (nhưng dùng điệu lý trong những trường hợp vui dễ thành công hơn) như lý con sáo, lý giao duyên, lý vọng phu, lý ngựa ô, lý Phước Kiến, lý thập tình…

Trong khuôn khổ của một bài viết nhỏ, chúng ta chỉ có thể cảm nhận về lý một cách khái quát và mang tính chung nhất mà thôi. Việc tìm hiểu, phân tích sâu hơn tất nhiên đòi hỏi phải có công trình chuyên khảo dày công của các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, ở đó không thể thiếu phần ký âm từng điệu, giọng của các lão nghệ nhân.

Dưới đây là vài làn điệu lý “cùng lời khác nhạc” mà các nghệ nhân dân gian đã khéo xử lý những tiếng đệm lót, đệm phụ nghĩa, tiếng lý, tiếng đưa hơi, điệp ngữ… để nhằm hoàn chỉnh cấu trúc âm nhạc. Chúng tôi muốn giới thiệu một số làn điệu bài lý con sáo.

Nghệ sĩ Linh Phượng trong tiết mục trình diễn Lý Con Sam.
Nghệ sĩ Linh Phượng trong tiết mục trình diễn Lý Con Sam. (Photo: Nhạc sĩ Nguyễn Túc)
Trước tiên là bài được hát với tốc độ nhanh, nhịp điệu “nhát gừng”, khoẻ khoắn:

– Ai đem con sáo (ký) qua sông (ký) qua sông. Cho nên con sáo (ơ sáo) sổ lồng (à xa mà) bay xa. Cho nên con sáo (á sáo) sổ lồng (ờ xa mà) bay xa (Ai… xa).

Bài khác, hát theo giọng “ợ”, xử lý nhóm tiếng đệm “ừ vậy phải đó thê” với cơ cấu giai điệu cũng như cơ cấu điệu thức rất mượt mà, có duyên (do Huỳnh Ngọc Trảng sưu tầm):

– Ai đem con sáo (này ơ ợ là sông cái) qua sông (bớ em ôi! Dạ ừ vậy phải đó thê).
Cho nên con sáo sổ lồng bay xa (đồn rằng tang tình bớ mà… bay xa).

Và một bài nữa với giọng “bằng”, sử dụng cụm từ “ưng ứng ưng” (do Hoàng lê và Trần Kiết Tường ghi):

– Ai, ai đem, ai đem bằng chim sáo, ưng ưng ứng ưng ưng.
Sang sang sang sang sang sông ai đem chim sáo sang sông.
Tình bằng sang sông ưng ứng ưng ưng ưng ưng ưng.
Tình bằng sang sông ưng ứng ưng ưng ưng ưng ưng.
Cho, cho nên, cho nên bằng chim sáo, ưng ưng, ứng ưng ưng.
Sổ sổ sổ sổ sổ lồng cho nên chim sáo sổ lồng.
Tình bằng bay xa, ưng ứng ưng ưng ưng ưng.
Tình bằng bay xa, ưng ứng ưng ưng ưng ưng ưng.

Nghệ sĩ Linh Phượng trong tiết mục trình diễn Lý Quay Tơ.
Nghệ sĩ Linh Phượng trong tiết mục trình diễn Lý Quay Tơ. (Photo: Nhạc sĩ Nguyễn Túc)
Đúng như câu tục ngữ “Nam lý, Bắc thơ, Huế hò”, một thời hát lý từng được thế nhân coi là một thể loại dân ca trội bật ở miền Nam. Đặc biệt, ở Nam Bộ hát lý có sức cuốn hút rất mãnh liệt, đến mức:

Con cua quậy ở dưới hang,
Nó nghe giọng lý kềnh càng bò lên!
(Lý con cua quầy)

“Nam lý, Bắc thơ, Huế hò”, rõ ràng Nam Bộ không chỉ đã kế thừa cái vốn văn hóa cổ truyền có cội nguồn từ miền Bắc mà còn phát triển mạnh mẽ, làm tôn vinh cái vốn chung của dân tộc.

(Nguyễn Hữu Hiệp).

Article link: https://dotchuoinon.com/…/14/dan-ca-dan-nhac-vn-ly-mien-nam/