• Sinh Hoạt,  THO

    Nữ  Sĩ Dương Hồng Anh, 93 Tuổi Vẫn Sáng Tác Thi Ca

    Bài viết của Ký Giả Thanh Phong, Nhật Báo Viễn Đông

    Hai trong số các nhà thơ nổi tiếng trong văn học sử Việt Nam là cụ Dương Khuê (1839 -1902) và cụ Nguyễn Khuyến (1835-1909); cả hai là bạn tri kỷ của nhau. Khi nghe tin cụ Dương Khuê mất Nguyễn Khuyến đã làm bài thơ bất hủ “Khóc Bạn” (Khóc Dương Khuê) Bài thơ được coi là bài Văn Tế viết theo thể thơ song thất lục bát gồm 38 đã được ghi vào văn học sử. Hai câu đầu là tiếng than thở xót xa, bùi ngùi:

    Bác Dương thôi đã thôi rồi

    Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta..”

    Cụ Dương Khuê  mất đi song có người cháu ruột là nữ sĩ Dương Hồng Anh, năm nay đã 93 tuổi nhưng chất thơ trong người thi sĩ vẫn chưa cạn và luôn tuôn trào lai láng trên những tập thơ để cống hiến cho đời thêm tươi đẹp.

    Cách nay vài ngày, gia đình chúng tôi vinh hạnh đón tiếp  nữ sĩ Dương Hồng Anh ghé thăm. Với tuổi đời gần 100, thi sĩ Dương Hồng Anh không còn lái xe nên đã nhờ thi sĩ Tha Nhân, một bạn thơ luôn yêu mến, kính trọng và coi nữ sĩ Hồng Anh như người chị, cả về tuổi tác lẫn thơ văn nên sẵn sàng chở nữ sĩ Hồng Anh khi cần đi đây đi đó.  Sở dĩ chúng tôi được vinh dự đón tiếp một thi sĩ nổi tiếng như nữ sĩ Dương Hồng Anh và thi sĩ Tha Nhân là vì khi còn học Trung Học tại trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ  tôi được học Hán Văn với giáo sư Dương Tự Tam, một niên trưởng trong gia tộc thi sĩ Dương Hồng Anh.

    Mặc dù đã cao tuổi nhưng sức khỏe và nhất là tinh thần nữ sĩ Dương Hồng Anh vẫn rất minh mẫn, nữ sĩ cho chúng tôi biết đôi nét về thân thế và sự nghiệp làm văn thơ của mình:

    “Tôi sinh năm 1931 tại Hà Nội, nếu theo thế thứ họ Dương là Dương Nguyệt Anh – Hồng Anh, là cháu nội trực hệ cụ Dương Khuê, Vân Đình, Hà Đông. Thân phụ tôi là cụ Dương Tự Tám, từng làm Hiệu Trưởng trường tiểu học Nhật Tiến, Hà Nội trước năm 1945; bố tôi là nhà giáo sống thanh bạch nhưng rất ưa chuộng thi ca và nhờ giòng máu của bố, tôi cũng mê thi ca và khi còn nhỏ tuổi tôi đã làm bài thơ đầu tay được đăng trên báo Cậu Ấm Cô Chiêu năm 1949. Sau đó tôi làm nhiều bài thơ đăng rải rác trên các báo Cải Tạo, Hồ Gươm, Sinh Lực, Giang Sơn, Giác Ngộ. Từ năm 1952 đến năm 1954 tôi làm Thư Ký Tòa Soạn báo Sinh Lực tại Hà Nội. Tác phẩm đầu tiên là Hương Mùa Chinh Chiến in chung với các tác giả: Minh Tân, Hồng Anh, Minh Đức, Tuyết Lan năm 1952 tại Hà Nội. Sau khi sang định cư tại Hoa Kỳ, tôi sống tại thành phố Westminster và từ năm 2010 đến nay tôi đã xuất bản 11 thi tập: Từ Phương Trời Xa (2010),  Chiều Bến Đợi (2012), Tiếng Thầm (2013), Đôi Bờ Thương Nhớ (2014), Mầu Trăng Thuở Ấy (2015), Sợi Nhớ Sợi Thương (2016), Tình Thu (2017), Vương Vấn Hồn Quê (2018), Nguồn Cội (2019), Mầu Thời Gian (2021), Những Gì Để Nhớ (2023) và tôi vẫn tiếp tục làm bạn với Thơ, vẫn sáng tác cho đến khi Trời không cho sáng tác  nữa mới gác bút!”

    Thi sĩ Dương Hồng Anh có biệt tài “Xuất khẩu thành thơ”, nữ sĩ có khả năng làm đủ các thể thơ: Lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, thất ngôn bát cú v.v.. Nhà văn Khánh Lan, một văn thi sĩ nổi tiếng tại hải ngoại đã yêu mến và tỏ lòng kính trọng nữ sĩ Dương Hồng Anh nên xin được gọi nữ sĩ Dương Hồng Anh bằng Cô (viết hoa),  và nhà văn Khánh Lan viết về nữ sĩ Dương Hồng Anh : “..Với văn phong giản dị, nhẹ nhàng, trong sáng và chân thật, chắc hẳn nữ sĩ sẽ đưa khách thưởng ngoạn thi ca đến  khu vườn hoa đầy hương sắc, êm đềm và thơ mộng… Trong thi phẩm “Những Gì Để Nhớ” tác giả ghi lại trên trang giấy những kỷ niệm êm đẹp, xen lẫn những vui buồn đã trôi theo thời gian qua bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, về quê hương cách xa ngàn dặm với Hà Nội mến yêu, về nghĩa mẹ tình cha, tình nghĩa phu thê, lòng hiếu đạo của các con, tình bạn bè, và sau cùng về chính cuộc đời mình…. Đọc thơ của nữ sĩ Dương Hồng Anh, chúng ta không thể ngờ rằng Cô đã ngoài  90. Câu nói “90 tuổi vẫn còn xuân” có lẽ đúng với Cô Hồng Anh, bởi tâm hồn Cô vẫn trẻ trung, thơ Cô vẫn hồn nhiên và tươi mát như một đóa hoa mà Thượng Đế đã ưu ái dành cô Cô…”

    Ở tuổi đời như nữ sĩ Dương Hồng Anh chắc hẳn đã chất chứa quá nhiều kỷ niệm, và với tài làm thơ thiên phú, lại được sống trong gia đình lễ giáo, nữ sĩ Dương Hồng Anh đã hấp thụ biết bao tinh hoa của ông bà, cha mẹ và những người thân trong gia tộc, nên trong 11 tác phẩm đều có những bài thơ “Thương cha, nhớ Mẹ”, nhớ quê hương  như bài “Công Cha Nghĩa Mẹ”:

    Ngồi đây mà nhớ sông Hồng

    Bờ đê cát trắng nghe lòng nao nao

    Giòng sông kỷ niệm tuôn trào

    Công cha nghĩa mẹ, lẽ nào dám quên  (Những Gì Để Nhớ)

    Ngoài cha mẹ, nữ sĩ Dương Hồng Anh vẫn mãi không quên phu quân Nguyễn Sĩ Hiệp nay đã ra người thiên cổ:

    Thế là đũa đã không đôi

    Một người đi để một người cô đơn

    Hoàng hôn rồi lại hoàng hôn

    Có làn mây trắng  chở buồn lang thang

    Mấy mùa mưa nắng ngỡ ngàng

    Mấy mùa hoa rụng lá vàng về đâu

    Người đi đi mãi phương nào

    Có nghe tâm sự gửi vào thiên thu ( Bài Thế Là trong tp Những Gì Để Nhớ)

    Khi hay tin danh họa, nhà thơ Vũ Hối từ trần, nữ sĩ Dương Hồng Anh đã làm ngay bài thơ Tưởng Nhớ Vũ Hối:

     Thế là xa cách từ nay

    Tiếc thương Vũ Hối thiên tài văn chương

    Thơ văn, Thư pháp sở trường

    Anh đem gom tặng bốn phương bạn bè

    Hoa tay, hoa bút đam mê

    Lừng danh thế giới chẳng hề tính toan

    Với đời, sống trọn nghĩa nhân

    Với thơ, anh trải chữ tâm tháng ngày

    Quà xuân Mậu Tuất còn đây

    Mà sao anh vội về ngay nhà Trời

    Tâm hương đưa tiễn ngậm ngùi

    Chúc anh thanh thản mỉm cười Tiên Du

    Viết về nữ sĩ Dương Hồng Anh đã có rất nhiều bạn thơ, văn  như  các nhà văn Khánh Lan, Trần Việt Hải, thi sĩ Tha Nhân ..và theo tôi, nhà văn Trần Minh Trí trong bài “Cảm nghĩ về thơ Dương Hồng Anh” đã nói hết cho người đọc biết về con người, về chất thơ, về tấm lòng yêu quê hương, bạn bè và tha nhân của nữ sĩ Dương Hồng Anh “..qua ba tập thơ xuất bản kế tiếp tại Hoa Kỳ: Từ Phương Trời Xa, Chiều Bến Đợi và Tiếng Thầm, tôi cảm nhận được hồn thơ dạt dào của bà trong cuộc sống, từ thời thơ ấu, lớn lên ở miền Bắc, di cư vào Nam ở tuổi thiếu nữ còn cắp sách đến trường Trưng Vương, và nay định cư tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ. Bà cảm xúc với cuộc đời, với vạn vật, với người thân, với bạn bè, với nơi chốn cư ngụ, với quê hương gấm vóc, với hồn thiêng sông núi, với danh lam thắng cảnh của Hà Nội đẹp như tiên cảnh, với địa danh chiến công hiển hách của các vị anh hùng dân tộc, với ngày vui lễ hội, với thời tiết bốn mùa, và..với tình yêu, không phải chỉ tình yêu ích kỷ của đôi lứa mà là tình yêu bao la cùng thế sự. Đối với nhà thơ Hồng Anh mọi thứ đã thành thơ . Cả cuộc sống thành thơ trong rung cảm thiết tha say đắm ít ai đạt được. Đọc thơ của bà là một lý thú được chia sẻ cùng bà những cảm xúc tuyệt vời của thơ hay…(Đôi Bờ Thương Nhớ).

    Trước khi ra về, nữ sĩ Dương Hồng Anh còn cho chúng tôi nghe hai bài thơ, một bài nữ sĩ làm tặng nhà thơ Dương Tuyết Lan ở Hà Nội, nhưng cũng có ý nói với chúng tôi, bà “Vẫn Làm Thơ”:

    Em ơi! Chị vẫn làm thơ

    Vẫn còn đêm trắng thẫn thờ gió bay

    Nhớ nhau đếm tháng đếm ngày

    Sầu lên khói biếc hồn say ngàn trùng (Vẫn Làm Thơ trong tập thơ Nguồn Cội.

    Bài thứ hai, là bài nữ sĩ vừa viết khi tuổi đời  vừa đúng 93:

    Mới đấy, mà nay đã chín ba

    Con tàu chở chữ đậu sân ga

    Ga này ga nữa đi chưa hết

     Bút mực hành trang năm tháng qua

    Tôi vẫn đi hoài vẫn bước đi

    Mặc đời dâu bể có hề chi

    Nâng niu kỷ niệm thương và nhớ

    Một góc trời xa nghĩ ngợi gì…….”

    Kính chúc nữ sĩ Dương Hồng  Anh vẫn mãi làm thơ nâng niu kỷ niệm thương và nhớ, để cho đời mãi mãi nhớ thương./.

    Nữ Sĩ Dương Hồng Anh Ra Mắt tập thơ thứ 12 do Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian tổ chức ngày 17 tháng 12, 2024. Từ trái sang Phải: NV Khánh Lan, NV Kiều My, NS Dương Hồng Anh, NV Việt Hải, MC Mộng Thủy.

    Thanh Phong

  • DU LICH,  Khánh Lan

    Du lịch ngắm hoa anh đào và thăm bạn

    March 28, 2024: Cuộc thưởng ngoạn ngắm hoa anh đào vùng Washington D.C cuối tháng Ba đã đem đến cho chúng tôi nhiều ngạc nhiên và thích thú cũng như đã để lại trong chúng tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Tuy khởi đầu cuộc du lịch gặp nhiều trắc trở vì chuyến bay từ phi trường LAX đến phi trường Dulles International, Virginia bị đình trệ, “Stand by” flights đến ba lần vì hãng máy bay American đã “booked” quá tải, phải ngủ lại khách sạn một đêm, hành lý bị thất lạc, v.v… Tuy đó là “chuyện lớn” nhưng vẫn không làm nản lòng sáu chúng tôi gồm: Chị Tố  Đoan,  Kiều Chi, Tuyết Nga, Đức Hạnh, Khánh Lan, và Mạnh Bổng.

    Từ trái sang phải: Mạnh Bổng, Chị Hằng vợ anh Phạm Xuân Thái, Kiều Chi, Tố Đoan, Khánh Lan, Tuyết Nga, Đức Hạnh, Anh Phạm Xuân Thái. (Hình chụp tại Alexandia Harbor)

    March 29, 2024: Sau cùng chúng tôi đã được lên máy bay nhưng đường bay hoàn toàn thay đổi. Nếu đúng như chương trình hoạch định thì chuyến bay “one stop” của chúng tôi sẽ ghé phi trường Dallas Fort Worth (DFW) International, Texas rồi bay thẳng qua phi trường Dulles International, Virginia. Nhưng cuối cùng lại trở thành chuyến bay “Two stops”, máy bay đã dừng lại ở phi trường DFW, Texas và Des Moines International (DSM), Iowa trước khi bay đến phi trường Ronald Reagan National, Washington DC, thay vì đi đến phi trường Dulles International, Virginia như theo chương trình đã ấn định lúc ban đầu. Chính vì sự đảo lộn đó mà hành lý của chúng tôi đã đi theo máy bay về phi trường Dulles International, Virginia thay vì phi trường Ronald Reagan, Washington DC.

    Sau khi máy bay hạ cánh tại phi trường Ronald Reagan, Washington DC khoảng 11:30 tối, chúng tôi đã nhận thấy anh Phạm Xuân Thái đứng ở khu lấy hành lý từ bao giờ. Anh Phạm Xuân Thái là anh của Kiều Chi, anh là người đã sống tại tiểu bang Washington DC từ năm 1975 cho đến nay và cũng là bạn rất thân với gia đình NV Hồng Thủy. Từ đầu tháng Ba, Anh Thái đã rất chu đáo và tận tình trong việc hướng dẫn & hoạch định chương trình thăm viếng ba vùng Washington DC, Virginia, Maryland cho chúng tôi lần này. Trong khi Kiều Chi giới thiệu chúng tôi với anh Thái thì cũng là lúc chúng tôi được biết hành lý của chúng tôi hiện đang ở phi trường Duller International, Virgina.

    Từ giã anh Phạm Xuân Thái và Kiều Chi, chúng tôi thuê Uber về phi trường Dulles International, Virginia để lấy hành lý, lúc đó đã gần nửa đêm nên kho chứa hành lý của hãng máy bay American sắp đóng cửa. Lấy hành lý xong, chúng tôi đi lấy xe tại Dollar Rent A Car và lái xe về tư gia của NV Hồng Thủy, đồng hồ điểm 1:30 sáng. Thế mà NV Hồng Thủy vẫn thức để chờ đón chúng tôi. (Cám ơn lòng hiếu khách của chị Hồng Thủy). Như vậy, chúng tôi đã mất 2 ngày để bay từ California đến Washington DC.

    Khánh Lan, Ngân (bạn của Kiều Chi từ tiểu bang Kansas), Kiều Chi, Tuyết Nga, Đức Hạnh, Chị Tố Đoan.

    March 30, 2024: Ngắm hoa anh đào tại bờ hồ Tidal Basin, Vì là Easter Spring Break nên du khách đến thưởng ngoạn hoa anh đào rất đông và chúng tôi không sao tìm được chỗ đậu xe. Anh Mạnh Bổng và anh Xuân Thái đành phải hy sinh lái xe lòng vòng quanh khu Tidal Basin sau khi “drop chúng tôi off“, chờ chúng tôi đi xem hoa và chụp hình. (Cám ơn sự kiên nhẫn đáng yêu của hai anh).

    3,000 cây hoa anh đào Nhật Bản hơn 100 trăm năm tuổi đồng loạt nở rộ ở khu vực quanh bờ hồ Tidal Basin, thủ đô Washington D.C và đã thu hút hàng triệu người từ khắp nơi đến thưởng ngoạn. Quanh bờ hồ, những bông hoa đào đã nở rộ, rực rỡ. Những cánh hoa đào mong manh bay bay trong gió, những cành hoa đào nghiêng bóng xuống mặt hồ trong vắt tạo nên một khung cảnh thật thơ mộng và hữu tình.

    Tuyết Nga, Khánh Lan, Chị Hằng, Ngân, Kiều Chi, Tố Đoan, Hồng Thủy, Đức Hạnh.

    Hoa Anh Đào năm nay nở sớm do nhiệt độ bất thường tại Thủ đô Washington D.C., nhưng vẫn còn ưu ái để lại trên cành những chùm hoa màu trắng, màu Hồng xinh xắn. Du khách cũng như chúng tôi len lỏi, chen nhau ngắm hoa và chụp hình lưu niệm. Có lẽ để mừng lễ Phục Sinh nên khu Tidal Basin hôm nay vui quá, hàng ngàn cánh diều với nhiều hình dạng và màu sắc khác nhau tung bay phất phới trên bầu trời trông thật vui mắt, thật đẹp và hay lạ. Chuyến du lịch ngắm hoa Anh Đào năm nay của chúng tôi thật đúng lúc, đúng thời gian và “lucky” vì NV Hồng Thủy cho biết qua năm 2025 sẽ có khoảng hơn 200 cây hoa anh đào quanh khu Tidal Basin bị chặt, đốn đi vì rễ cây đâm xuống làm nứt hồ nước.

    NV Hồng Thủy & Khánh Lan

    Lincoln Memorial và Thomas Jefferson Monument cũng không xa nên chúng tôi tản bộ qua để chụp những tấm hình lưu niệm trước khi ra về.

    March 31, 2024: Ngắm hoa Anh Đào tại khu làng Kenwood: Theo lời chỉ dẫn của anh Phạm Hồng Thái, chúng tôi đi ngắm hoa anh đào tại khu làng Kenwood. theo tài liệu internet cho biết, Kenwood vào đầu những năm 1930 và 1940, một nhà phát triển địa phương đã trồng cây anh đào như một cách để thu hút những người mua nhà tại khu ngoại ô thành phố này. Hiện nay có hơn 1,200 cây hoa anh đào và những cây hoa Magnolia tại đây đã tô điểm cho khu làng Kenwood trở nên tuyệt vời với hàng trăm nghìn bông hoa nhỏ màu trắng xinh đẹp nở rộ trong mỗi mùa xuân. Làng hoa anh đào Kenwood là một trong những địa điểm ngắm hoa anh đào nổi tiếng tại thủ đô Washington D.C.

    Hoa Magnolia và Khánh Lan

    Khu làng Kenwood với những ngôi nhà trị giá hơn 1 triệu USD

    Kenwood là một khu phố đẹp với những ngôi nhà trị giá hơn 1 triệu USD nằm giữa River Road và Little Falls Parkway ở Chevy Chase. Nó được phát triển bởi Edgar Kennedy – ông chủ tòa nhà chung cư Kennedy-Warren trong Quận – và cộng sự của ông là Donal Chamberlin. Ted Beverly, người đã sống ở Kenwood từ năm 1978 cho biết các cây hoa anh đào được bắt đầu trồng cây ngay cả trước khi những căn nhà được bắt đầu xây cất. Những ngôi nhà đầu tiên tại Kenwood được hoàn thành vào năm 1929.

    Những con đường tràn ngập hoa anh đào

    Khi những cây anh đào được trồng xung quanh Tidal Basin vào năm 1912 đã truyền cảm hứng cho Kennedy và Chamberlin. Nhưng thực ra chính một cư dân Quận Montgomery mới là người đầu tiên đề xuất trồng những cây có hoa cho khu vực này, David Fairchild là một “nhà thám hiểm thực vật” của Bộ Nông nghiệp sống ở Chevy Chase. Năm 1906, ông đã nhập cảng 100 cây hoa anh đào từ Công ty Yokohama và trồng chúng trên sườn đồi trong khu đất của mình và nhận thấy cây phát triển mạnh ở khu vực này và đến năm 1934, 2,000 cây anh đào Yoshino đã được trồng tài Washington D.C.

    Vào mùa xuân, những cành hoa trĩu nặng uốn lượn trên các con phố Kenwood, che khuất bầu trời một màu trắng xáo tựa như một tấm màn phủ đầy tuyết và thu hút hàng ngàn du khách mỗi năm.

    Phong cảnh đẹp trong khu làng Kenwood

    Cũng trong ngày 31 tháng 3, chúng tôi tham dự buổi “Hội Ngộ Kinh Thương 2024” tại nhà Cô Vân Nga, giáo sư anh văn của trường Đại Học Kinh Thương Minh Đức, Saigon. Sau bao năm không gặp nhau, các anh chị Kinh Thương kẻ còn người mất, tay bắt mặt mừng.

    Khánh Lan và Cô Vân Nga

    Kinh Thương Hội Ngộ 2024

    Aril 1, 2024:  The US Capital, Botanical Garden, Hirshhorn Sculpture Garden, Galery Of Art Museum, v.v…Thật là một cực hình để tìm được một chỗ đậu xe tại các địa điểm này, vì thế Anh Mạnh Bỗng thường bỏ chúng tôi trước cửa để đi tìm chỗ đậu xe hoặc chạy lòng vòng quanh phố để 5 đứa con gái như chúng tôi có cơ hội chụp những tấm hình đẹp. (Cảm ơn anh Mạnh Bổng).

    The US Capital

    Hirshhorn Sculpture Garden, Galery Of Art Museum

    Botanical Garden, Khánh Lan, Tố Đoan, Đức Hạnh…cứ lội mưa mà đi…tỉnh bơ…

    April 2, 2024: The White House: Sau khi lòng vòng bên ngoài của The White House và chụp hình phía ngoài cổng. Chúng tôi đi ăn trưa tại khu VN Eden Center, đây là trung tâm sinh hoạt thương mại của người Việt giống như khu Little Sài Gòn ở quận Cam của chúng ta. Khánh Lan đã gặp Ông Nam Lộc tại đây như theo lời dặn của NV Việt Hải và chụp một tấm hình lưu niệm với ông như NV Việt Hải giao phó. Hôm ấy Ông Nam Lộc làm MC cho chương trình đại nhạc hội của tiệm Teletron.

    The White House

    Chúng tôi đi ăn trưa tại khu VN Eden Center

    Mạnh Bổng, Ngân, Hạnh, Khánh Lan, Kiều Chi, Xuân Thái, Tố Đoan, Tuyết Nga, Chị Hằng, Hồng Thủy, Mẫn

    Buổi trưa, họp mặt tại nhà của anh Phạm Xuân Thái & Chị Hằng và cũng là buổi tiễn chân bạn hai bạn  Mẫn & Ngân về lại tiểu bang Kansas. Tại đây, chúng tôi đã gặp con trai thứ của nhạc sĩ Hoàng Trọng, Ca nhạc sĩ Hoàng Cung FA và em họ của khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, Dương Nguyệt Thu Lan. Cũng tại đây, chúng tôi đã gặp nhiều anh chị khác như anh chị Hiệp & Thư, anh chị Tiến & Thu Lan. Tất cả các anh chị này đều hát rất hay và hát các nhạc phẩm thuộc thể loại nhạc tiền chiến mà chúng tôi rất yêu thích.

    Chị Hằng, Tuyết Nga, CNS Hoàng Cung Pha (Con của NS Hoàng Trọng), anh Xuân Thái, Mạnh Bổng, Đức Hạnh, Tố Đoan, Hồng Thủy, Khánh Lan

    Hàng đứng: Các anh Tiến, Mẫn, Thái, Hiệp, Hoàng Cung Pha và chị Hằng. Hàng ngồi: Tố Đoan, Khánh Lan, Tuyết Nga, Chị Thư, Ngân, Hạnh, Kiều Chi, Chị Thu Lan, NV Hồng Thủy

    Buổi tối, chúng tôi cùng NV Hồng Thủy đến dự buổi họp mặt văn nghệ tại tư gia của nhà văn tiến sĩ Lưu Nguyễn Đạt. Hôm ấy, ca sỹ Anh Dũng cũng đến giúp vui. Thật là thú vị được thưởng thức những tiếng hát rất hay và nghe những bản nhạc tiền chiến mà các anh chị đến giúp vui văn nghệ đã hát hôm ấy. Nhà văn tiếp sĩ Lưu Nguyễn Đạt đã tặng khánh Lan ba tác phẩm văn học của ông gồm: văn, thơ và biên khảo mà ông đã cho xuất bản cách đây vài năm trước. Ông cũng không quên gửi tặng NV Việt Hải một thi tập song ngữ: Heartfulness hay Hồn Nước.

    Họp mặt tại nhà của NV TS Lưu Nguyễn Đạt. NV Lưu Nguyễn Đạt & Ca Sĩ Anh Dũng

    Tại đây, chúng tôi cũng gặp được Thi sĩ Lê Thị Ý,  Bà là tác giả của bài thơ Tưởng Như Còn Người Yêu. Bài thơ này đã được Nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Chúng tôi cũng có cơ hội phỏng vấn Bà về nguồn cảm hứng gì đã khiến Bà sáng tác bài thơ này. Bà nói, Bà sống ở Ban Mê Thuật, nơi mà Bà đã nhìn thấy và là nhân chứng của nhiều chiến sĩ đã nằm xuống, cảnh những đám tang và những thiếu phụ đã khóc than trong đau khổ vì mất người yêu, v, v…nên vì thương cảm cho hoàn cảnh của họ, Bà đã viết nên bài thơ này.

    NV Khánh Lan, TS Lê Thị Ý, NV Hồng Thủy

    April 3, 2024: Thăm cô của Tuyết Nga ở Virginia cách Maryland khoảng hơn một tiếng lái xe và dùng cơm trưa với gia đình của cô.

    Thăm gia dình Cô của Tuyết Nga

    April 4, 2024: Thăm viếng “The Colonial Williamsburg” ở thành phố Virginia.  Williamsburg là một thành phố của bang Virginia ở Hoa Kỳ, trước kia là thủ đô của Thuộc địa Virginia từ năm 1699 đến năm 1780 và đóng một vai trò quan trọng trong Cách mạng Hoa Kỳ. Nó tạo thành “Tam giác lịch sử” cùng với Jamestown và Yorktown. Trung tâm của nó là Colonial Williamsburg, một khu làng lịch sử và bảo tàng lịch sử với những sinh hoạt sống động, các diễn viên hoặc người bán hàng tại Colonial Williamsburg mặc những trang phục cổ xưa mô tả cuộc sống thuộc địa hàng ngày trên đường phố, cửa hàng và công xưởng.

    Colonial Williamsburg

    April 5, 2024, Philadelphia, Pennsylvania và thăm Cô của Khánh Lan: Chúng tôi quyết định đi thăm thành phố Philadelphia thuộc tiểu bang Pennsylvania và tiện thể thăm cô của Khánh Lan sau khi chúng tôi ghé thăm The Liberty Bell, The Love Park, the Old City Hall và The Rading Terminal Market. Rất tiếc là chúng tôi không có đủ thời gian để ghé thăm The Old town of Philadelphia và The Amis town. Đã bao năm không trở về đây, thành phố đã thay đổi rất nhiều, đẹp hơn và đông du khách hơn. (Đây là lần thứ ba Khánh Lan trở lại nơi này).

    Tại “Liberty Bell”

    Tuyết Nga & Đức Hạnh ở “The Rading Terminal Market”

    Ghé thăm gia đình Cô của Khánh Lan

    April 6, 2024, ghé thăm nhà thờ The Basilica of the National Shrine of the Immaculate Conception và dạo phố Old town Alexandria, National Harbor:

    The Basilica of the Nationa Shrine of the Immaculate Conception hay Vương cung thánh đường của đền thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội

    Địa chỉ: 400 Michigan Ave NE, Washington, DC 20017 và mở cửa chính thức năm 1959. Architect: Charles Donagh Maginnis và Architectural styles: Romanesque Revival architecture, Neo-Byzantine architecture.

    Basilica of the National Shrine of the Immaculate Conception là nhà thờ Công giáo La Mã lớn nhất ở Hoa Kỳ và Bắc Mỹ, và là một trong mười nhà thờ lớn nhất trên thế giới. Nhà thờ được Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ chỉ định là Thánh địa cầu nguyện và hành hương quốc gia. Vương cung thánh đường là đền thờ Đức Mẹ nổi tiếng của quốc gia, dành riêng cho bổn mạng của Hoa Kỳ; Đức Trinh Nữ Maria dưới danh hiệu là Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và thường được gọi là Nhà thờ Công giáo của Hoa Kỳ. Được viếng thăm bởi Giáo hoàng Phanxicô, Giáo hoàng Benedict XVI, Thánh John Paul II, và Thánh Teresa of Calcutta, Vương cung thánh đường, sánh ngang với các thánh địa lớn của châu Âu và thế giới.

    Mang phong cách Byzantine-Romanesque, kiến ​​trúc thượng tầng đồ sộ là nơi có hơn 80 nhà nguyện và phòng thí nghiệm liên quan đến các dân tộc, nền văn hóa và truyền thống vốn là kết cấu của đức tin Công giáo. Vương cung thánh đường cũng là nơi lưu giữ bộ sưu tập nghệ thuật giáo hội đương đại lớn nhất trên trái đất. Mở cửa 365 ngày mỗi năm, Vương cung thánh đường đón gần một triệu du khách hàng năm, thu hút khách hành hương cũng như khách du lịch từ khắp nơi trên đất nước và trên thế giới.

    Vương cung thánh đường Đền thờ Quốc gia Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội phải mất 39 năm để xây dựng kể từ khi bắt đầu xây dựng vào năm 1920 cho đến khi hoàn thành vào năm 1959, sau một thời gian gián đoạn trong Thế chiến thứ hai. Các kiến trúc sư Maginnis và Walsh ở Boston đã chọn phong cách La Mã-Byzantine cho tượng đài Công giáo quốc gia để tượng trưng cho đức tin và tình yêu của Hoa Kỳ đối với người bảo trợ của nó, Đức Trinh Nữ Maria. Đức Maria dưới danh hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

    Kiến trúc La Mã được xác định bởi kích thước đồ sộ, tường dày, mái vòm, trụ cầu, vòm háng, tháp và xe cứu thương được trang trí, trong khi kiến trúc Byzantine được chú ý nhờ đặc điểm đặc biệt nhất của nó, mái vòm. Trong kiến trúc Byzantine, một mái vòm hình tròn hoặc hình elip được đặt trên một căn phòng hình vuông hoặc hình chữ nhật bằng các mặt dây chuyền, kết cấu hình tam giác giúp tăng cường và hỗ trợ phần đế giữ mái vòm. Phong cách Romanesque-Byzantine đã được chọn cho Đền thờ Quốc gia để cho phép xây dựng bên ngoài cùng một lúc và bên trong, để hài hòa với kiến trúc của Washington, D.C., và để phân biệt với Nhà thờ Quốc gia Washington – kiểu Gothic Nhà thờ Tân giáo có công trình đang được tiến hành vào thời điểm đó.

    Ngày nay, Vương cung thánh đường Đền thờ Quốc gia Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội là nhà thờ Công giáo La Mã lớn nhất ở Bắc Mỹ và nằm trong số mười nhà thờ lớn nhất thế giới và được xây dựng hoàn toàn bằng đá, gạch, ngói – không có khung hoặc cột thép kết cấu. Vương cung thánh đường chứa bộ sưu tập nghệ thuật giáo hội đương đại lớn nhất thế giới. Hơn nữa, sự trang trí nghệ thuật của Vương cung thánh đường, cả trong lẫn ngoài, đều phù hợp với phong cách kiến trúc La Mã-Byzantine. Bên ngoài của Vương cung thánh đường có hình tượng của các vị thánh cũng như các cổng vòm và cổng vòm được điêu khắc tinh xảo.

    Tympana được điêu khắc phù điêu trang trí các lối vào phía đông và phía tây bên trong cũng như các hốc khác nhau ở khu vực gian giữa và thánh đường. Cửa sổ kính màu và kính mài trang trí cho cả khu vực Nhà thờ Thượng và Hạ. Nghệ thuật Byzantine đáng chú ý ở việc sử dụng khảm và đá cẩm thạch. Điều này bao gồm việc trang trí khảm bảy mái vòm chính cùng với nhiều nhà nguyện và nhà nguyện bên cạnh. Nhà thờ cũng được trang trí bằng những tấm đá cẩm thạch tuyệt đẹp. Những viên bi mịn hơn mở ra cho phép các đường vân của đá cẩm thạch tạo thành các mẫu đối xứng. (dựa theo tài liệu Wikipedia)

    Old town Alexandria, National Harbor:
    Rời nhà thờ The Basilica of the Nationa Shrine of the Immaculate Conception, anh Phạm Xuân Thái đưa chúng tôi đi dạo phố Old town Alexandria và dùng bữa cơm trưa tại nhà hàng Thái. Ăn xong, chúng tôi đi đến National Harbor, chụp hình cùng với các pho tượng của các binh chủng Hoa Kỳ, pho tượng Marilyn Monroe, v.v…Sau cùng là thử thời vận, đen đỏ tại Casino. Xui quá, mỗi chúng tôi thua $20.

    Alexandria Harbor

    Dạo phố Alaxandria Harbor

    Dùng bữa cơm trưa tại nhà hàng Thái, Mai Restaurant

    Và dạo phố tại National Harbor

    The Famous Pictures

    April 7, 2024 thăm bạn của Chị Tố Đoan, một người bạn cùng quê và cùng trại tỵ nạn mà chị Tố Đoan đã không gặp lại từ ngày đi định cư tại Mỹ. Con gái của chị bạn này đã bị lạc đạn trong một lần đi chơi cùng các bạn tại Las Vegas khi em mới 21 tuổi, năm nay em mới 28 tuỗi. Em là đứa con gái duy nhất của bạn chị Tố Đoan.

    April 8, 2024: Đạo phố RIO, Buổi sáng, sau bữa ăn điểm tâm, Chị Hồng Thủy rủ chúng tôi đi mua sắm tại khu shopping Rio. Rio Shopping Center là khu mua sắm sang trọng của các khách hàng giầu có. Nơi đây có phong cảnh đẹp, hồ nước và các nhà hàng lịch sự. Sau khi mua sắm một vài món hàng và dạo phố, chúng tôi dùng bữa cơm trưa tại một nhà hàng Mexico.

    Rio Shopping Center

    Buổi chiều, chúng tôi cùng Chị Hồng Thủy chuẩn bị bữa cơm mời anh chị Thái & Hằng. Chị Hồng Thủy thật chu đáo và hiếu khách. Từ hôm trước, chị đã chuẩn bị thức ăn cho mọi người, nào là bún riêu cua, mì xào dòn. Đây là hai món ăn đặc biệt mà chị nấu rất ngon. Chiều nay, chúng tôi đã có một bữa tiệc gia đình thân mật và đầm ấm. Cám ơn Chị Hồng Thủy nhiều và nhiều lắm.

    Bữa cơm thân tình

    April 9, 2024: Ngày cuối ở Maryland và chuẩn bị về lại California. Chuyến bay non-stop lúc 5:30 chiều nay sẽ đưa chúng tôi trở về California. Hôm nay, chúng tôi không đi đâu cả và quyết định “spend some times” với Chị Hồng Thủy. Mười mấy ngày rong chơi, hôm nay là ngày đầu tiên chúng tôi “take it easy” và chị em ngồi nói chuyện với nhau như thể cùng sống chung trong một mái nhà từ lâu. Chúng tôi vừa ôn lại chuyện cũ và chia sẻ những chuyện mới. Có thể nói, đây là chuyến du lịch đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận được cái không khí thân tình giữa tình bạn hữu, sự ân cần, chăm lo của một người chị (Hồng Thủy) khiến chúng tôi vô cùng cảm kích.

    Trước cửa nhà của Chị Hồng Thủy

    Chúng tôi cũng xin mượn giây phút này để gửi lời cảm ơn đến anh Phạm Xuân Thái và chị Hằng đã rất chu đáo và hướng dẫn rất tường tận các địa điểm du lịch cũng như thắng cảnh đẹp. Nhất là Chị Hồng Thủy đã tiếp đón chúng tôi rất nồng hậu, nhiệt tình và chu đáo từ miếng ăn đến giấc ngủ như một người chị cả. Chúng em cảm ơn Chị thật nhiều.

    Khánh Lan, California 2024

    Khánh Lan tại “The Love Park”

  • Tin tức

    CHINH PHỤ NGÂM & VƯỜN HOA THƠ

    Lời Tựa Của Tác Gỉả (Vương Thanh)
    (Preface for Vietnamese & Bilingual Readers)
    Chinh Phụ Ngâm, nguyên tác của danh sĩ Đặng Trần Côn, diễn nôm song thất lục bát của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm là một áng thơ tình kiệt tác của Việt Nam và thế giới. Tập thơ diễn tả nỗi thương nhớ chồng, người chinh phu nơi quan ải, và những đau khổ người khuê phụ thời chiến loạn phải chịu đựng trong sự sự bạo tàn của chiến tranh. Tiếp tục sự đóng góp cá nhân cho công trình bảo tồn và phổ biến văn hóa Việt mà tôi bắt đầu từ tập thơ nhạc song ngữ “A Garden of Vietnamese Lyrics & Verse”, gồm khoảng 150 bài thơ và nhạc của nhiều tác giả, tiền chiến và hiện đại, xuất bản năm 2019, cho đến tác phẩm song ngữ “The Tale of Kiều” được phổ biến năm 2023 qua ebook, sách in, trang mạng và youtube videos, rồi năm giáp thìn này, tôi vừa hoàn tất tập thơ song ngữ “Chinh Phụ Ngâm / Lament Song of a Soldier’s Wife”.
    Để tiện lợi cho việc phổ biến văn hóa Lạc Hồng tới tay những người yêu thơ ở khắp nơi trên thế giới, tôi làm ebook thay vì sách in, tuy cũng có bản giấy đen trắng được phổ biến trên Amazon cho hai tập thơ nhạc song ngữ “The Tale of Kieu” và “A Garden of Vietnamese Lyrics & Verse”. Với sách ebook, tranh ảnh, lời thơ có màu sắc, đẹp, dễ đọc và có thể mang theo trong phone hay để trên mạng và xem bất cứ nơi nào, lúc nào. Ebook (sách điện tử) có links để bấm vào xem những tài liệu liên quan ở trên mạng Internet, hay là nghe nhạc, xem youtube videos. Bản giấy in không thể làm được những điều này.
    Chinh Phụ Ngâm dùng nhiều từ cổ và điển tích, nên bản tiếng Việt cũng không dễ đọc. Dưới mỗi trang thơ gồm những đoạn thơ Việt, Anh đối chiếu, tôi để chú thích tiếng Việt và có khi chú thích tiếng Anh. Chú thích tiếng Anh ít khi cần thiết vì bản dịch tiếng Anh cũng giải thích vừa đủ để thưởng thức và không có những từ cổ như bản tiếng Việt. Tôi nghĩ một thiếu niên lớp 10, lớp 11 ở Hoa Kỳ có thể đọc hiểu bản dịch tiếng Anh thoải mái.

    Thể thơ tự do được dùng trong việc chuyển ngữ. Với sự khác biệt rất lớn giữa hai ngôn ngữ Anh, Việt, thì chỉ có thể thơ tự do mới có thể diễn tả tương đối trọn vẹn ý nghĩa của một áng thơ nguyên tác dài. Không bị gò bó bởi khuôn khổ, bởi vần điệu, âm tiết, số câu, số chữ, nên có thể dùng những cụm từ thích hợp nhất với ý nghĩa của nguyên tác. Tuy thể tự do, nhưng cũng khá nhiều vần điệu vì tôi là nhà thơ song ngữ và là người Việt Nam, nên cố gắng làm cho những lời thơ dịch nghe nhẹ nhàng, tự nhiên, ngát hương vị thơ, để khỏi phụ lòng những áng văn chương kiệt tác của quê hương.
    Dịch thơ Việt qua tiếng Anh khác khá nhiều với dịch thơ tiếng Hán qua tiếng Việt. Tiếng Việt có rất nhiều vần và có nhiều từ Hán Việt thông dụng, nên dịch qua thơ Việt khá dễ dàng.
    Trong hơn 50 bài Hán thi mà tôi dịch qua thơ Việt, với những tác giả Lý Bạch, Đỗ Phủ, Lý Thương Ẩn, Lương Ý Nương, Tô Đông Pha, v.v., tôi đã dùng nhiều thể loại thơ bao gồm bát cú, lục bát, tứ tuyệt, thất ngôn, lục ngôn, tự do (và tự do phối hợp nhiều thể loại thơ). Quan điểm chính yếu trong dịch thuật của tôi là phải dịch tương đối sát ý nghĩa với nguyên tác, và cho bản dịch có “Hồn”, lời nghe tự nhiên, còn dùng thể thơ nào chỉ là tùy duyên.
    Tôi dịch những tác phẩm truyện Kiều, Khu Vườn Thơ Nhạc Việt, Chinh Phụ Ngâm, v.v. qua Anh ngữ cũng là DUYÊN.. Duyên là vì tôi lớn lên và ở Hoa Kỳ gần nửa thế kỷ và làm thơ từ thuở thiếu niên. Một hôm, tôi đọc lướt qua một số câu dịch truyện Kiều qua tiếng Anh của vài dịch giả, đăng ở trên mạng. Tôi thấy có những bản dịch phóng tác quá nhiều, thêm thắt ý tưởng, lời riêng của dịch giả để gò ép cho có vần, hay có bản vì gò ép số âm tiết (syllables) cho mỗi câu, nên nghe rất không tự nhiên, có khi rườm lời, có khi thiếu sót và làm mất đi khá nhiều cái Hay, cái Đẹp của câu thơ trong nguyên tác. Vì cái Duyên ở nước ngoài gần nửa thế kỷ, vì cái Duyên là một nhà thơ song ngữ, vì cái Duyên yêu thích thơ cổ phong (mời đọc áng thơ Vọng Tiền Nhân của VT), vì cái Duyên tôn trọng sự chính xác của một người làm việc trong ngành kỹ thuật, tôi muốn đóng góp, sau khi tham khảo vài bản dịch khác, một bản dịch truyện Kiều thật xứng đáng với văn chương tuyệt diệu của thi hào Nguyễn Du. Tôi đưa phổ biến đầu năm 2023, rồi mùa đông vừa qua,
    tôi chợt có cảm hứng muốn dịch áng thơ gửi gấm nỗi lòng người chinh phụ thời ly loạn: kiệt tác phẩm Chinh Phụ Ngâm. Quyển sách ebook gồm hai tập thơ: “Chinh Phụ Ngâm” và “Vườn Hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng”.
    Lúc đầu, tôi tính chỉ cho vào một ít thơ văn nhạc của mình ở cuối sách để bạn đọc biết thêm một chút về dịch giả Chinh Phụ Ngâm. Nhưng trước khi xuất bản lại chợt muốn chia sẻ một ít di sản của nền thi ca, âm nhạc Việt, nên quyết định làm một vườn hoa thơ nhạc cho vào cuối tập để tiện việc phổ biến văn hóa quê hương. Từ đó, tập thơ “Vườn Hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng” ra đời với thơ và nhạc của 165+ tác giả, 60+ nghệ sĩ, đường dẫn vào (links) 120+ youtube videos và mp3s, và 180+ đóa hoa thơ, hoa nhạc.
    Chúc bạn đọc những khoảnh khắc an vui, thoải mái khi xem tập thơ Chinh Phụ Ngâm và dạo bước Vườn Hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng. Xin tùy tiện chỉa sẻ tập thơ nhạc này với gia đình và quý bằng hữu.

    Vương Thanh
    March 25, 2024

    Thơ VƯƠNG THANH.jpeg

    ***********Lời Giới Thiệu (Nhất Hùng)CŨNG LÀ MỘT “CÔNG ĐỨC”
    Nhất Hùng Mar 01, 2024

    Là người yêu văn học, vì thế chẳng thể nào lại không nghiền ngẫm những tác phẩm “Văn Học Trung Đại” lớn của Việt Nam như TRUYỆN KIỀU, CUNG OÁN NGÂM KHÚC, CHINH PHỤ NGÂM. Trong dòng Văn Học Trung Đại ấy tôi đặc biệt yêu thích tác phẩm CHINH PHỤ NGÂM của Đặng Trần Côn bởi vì đây là một tác phẩm Văn Học có giá trị, có nội dung và có tính nghệ thuật sâu sắc, một viên ngọc quý trong kho tàng Văn Học Việt Nam. Chinh Phụ Ngâm còn là một trong những tác phẩm đầu tiên của thể loại ngâm khúc, nó có ảnh hưởng lớn đến các tác phẩm ngâm khúc sau này như Cung Oán Ngâm Khúc, Thu Dạ Lữ Hoài Ngâm…Và quan trọng nhất tác phẩm này vẫn còn nguyên giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc cho đến ngày nay.
    Điểm qua nội dung, tác phẩm Chinh Phụ Ngâm thể hiện giá trị nhân đạo, đồng cảm sâu sắc với những nổi đau khổ, bất hạnh của người “chinh phụ” phải chịu cảnh xa cách, biệt ly chồng trong hoàn cảnh ly loạn, điều này đúng cho bất cứ “chinh phụ” nào ở khắp nơi trên quả địa cầu. Tác phẩm đã gởi lời ẩn dụ lên án những cuộc chiến tranh phi nghĩa, tàn khốc, gieo rắc bao bi thương mất mát cho con người, nhất là phụ nữ trong thời chiến, ở bất cứ nơi nào, bất cứ thời đại nào.
    Điểm qua giá trị nghệ thuật, Đặng Trần Côn sử dụng thành công thể thơ Song Thất Lục Bát, thể hiện được những cung bậc cảm xúc phức tạp của nhân vật mà lại trữ tình sinh động và hiệu quả.
    Tác giả lại sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ, so sánh, nhiều điển tích điển cố để thể hiện nội dung tác phẩm một cách sâu sắc, gợi cảm. Bút pháp tả cảnh ngụ tình thể hiện tâm trạng nhân vật thật tinh tế thật hiệu quả.
    Một tác phẩm đạt được nhiều ưu điểm của Văn Học Việt Nam như thế mà lại không chuyển ngữ không giới thiệu cho những người yêu thích văn học của thế giới thì thật đáng tiếc. Đặc biệt là ở Mỹ, nơi có hàng triệu con em Việt đang trưởng thành, nếu bảo các em các cháu nói-viết tiếng Anh còn sõi hơn tiếng Việt chắc không sai. Thế sao không giúp cho thế hệ này biết các kiệt tác văn chương Việt Nam. Muốn thế thì phải chuyển ngữ mà chuyển ngữ tác phẩm Chinh Phụ Ngâm sang tiếng Anh, quả thật không đơn giản. Nó đòi hỏi dịch giả phải là người am tường, hiểu được cái tinh túy, cái thâm thúy của Văn Chương Việt
    Lại còn phải hiểu điển tích, điển cố xuyên suốt trong tác phẩm. Một câu thơ, một vài chữ điển tích điển cố được tác giả sử dụng nhưng lại diễn tả một câu chuyện, kể ra có khi dài hơn một trang giấy.
    Những tưởng sẽ không có ai có kỳ công làm cái chuyện tựa “dời non, lấp biển” này.
    Vậy mà hôm nay, bạn trẻ Vương Thanh báo cho biết, đã hoàn tất bản dịch CHINH PHỤ NGÂM qua Anh Ngữ và chuẩn bị in thành tác phẩm song ngữ. Trước hết, cảm ơn bạn đã đóng góp công sức truyền bá, phổ biến Văn Chương Việt cho ít nhất là thế hệ trẻ Việt ở hải ngoại, chỉ có người có tấm lòng yêu Văn Chương Việt, yêu tiếng Việt mới kỳ công đến thế, đúng là Công Đức Vô Lượng.
    Giá trị của tác phẩm Chinh Phụ Ngâm đã được khẳng định. Phần đánh giá bản chuyển ngữ qua tiếng Anh của bạn Vương Thanh xin dành cho độc giả thẩm định. Nhưng tha thiết mời bạn đọc và quảng bá rộng cho thế hệ trẻ Việt ở hải ngoại, làm thế là quý vị đã đóng góp một phần công đức trong nỗ lực ngợi ca và duy trì văn hóa Việt nơi xứ người.
    Được biết bạn Vương Thanh là con trai út của Nữ Sĩ Tuệ Nga, người đã thành danh trong giới Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam. Quả là “Hổ Phụ Sinh Hổ Tử”.
    Chúc Mừng Nữ Sĩ Tuệ Nga, Chúc Mừng Bạn Vương Thanh

    Nhất Hùng

  • RA MẮT SÁCH,  Sinh Hoạt,  Vương Trùng Dương

    Hồi Ký “Người Muôn Năm Cũ” của nhà văn Phạm Gia Đại

    Vương Trùng Dương

    Alexander Solzhenitsyn sau 8 năm lao tù  (1945-1953) trong chế độ Cộng Sản Liên Xô đã ghi lại hình ảnh kinh hoàng, đau thương đó trong các tác phẩm The First Circle (Tầng Đầu Địa Ngục), One Day in The Life of Ivan Denitsovich (Một Ngày Trong Đời Của Ivan Denitsovich), Khu Ung Thư (Cancer Ward), Tầng Đầu Địa Ngục (The First Circle), Quần Đảo Ngục Tù (The Gulag Archipelago)… Những tác phẩm này đã được dịch sang Việt ngữ, ấn hành trước năm 1975 ở Sài Gòn. (Bài viết “Solzhenitsyn, Chiến Hữu Văn Nghệ” của tôi đăng trên Đặc San Ức Trai của Trường ĐH.CTCT Đà Lạt năm 1973, giới thiệu tổng quát về giá trị tác phẩm của người cầm bút đã sống trong gông cùm của guồng máy cai trị độc tài đảng trị được phổ biến trên văn đàn quốc tế).

    Ngày 10 tháng 12 năm 1970, Hàn Lâm Viện Thụy Điển tuyên bố trao tặng giải Nobel Văn Chương trong toàn bộ tác phẩm của ông đánh động lương tâm mọi người trên thế giới.

    Trong thời gian ở Hoa Kỳ, nhà văn Solzhenitsyn tiếp tục cho ra đời những tác phẩm: Russian Nights, 1977 (Đêm Nước Nga), The Mortal Danger, 1980 (Nguy Hiểm Tử Vong), The Red Whell (Bánh Xe Đỏ), August 1914 (Tháng Tám 1914),  October 1916 (Tháng Mười 1916), March 1917 (Tháng Ba 1917) và April 1917 (Tháng Tư  1917)…

    Sau khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam năm 1975, Quần Đảo Ngục Tù dựng lên từ Nam ba Bắc. Trong chốn lao tù nầy đã có nhiều tù nhân đã ấn hành tác phẩm, tiêu biểu như: Cùm Đỏ của Phạm Quốc Bảo, Đáy Địa Ngục của Tạ Tỵ, Đại Học Máu của Hà Thúc Sinh, Cuối Tầng Địa Ngục của Đỗ Văn Phúc, Trại Ái Tử & Bình Điền của Dương Viết Điền… họ là những nhà văn nên viết hồi ký cũng là lẽ thường tình.

    Trải qua 17 năm trong lao tù, tác giả Phạm Gia Đại ấn hành hồi ký Người Tù Cuối Cùng năm 2011. Chương II với Cánh Cửa Địa Ngục, “Một năm ở trại Long Thành, họ đã để cửa ngỏ, bây giờ lần đầu tiên họ chính thức đối xử với chúng tôi như những tù nhân… Cánh cửa của Địa Ngục vừa mở rộng ra để đón nhận chúng tôi vào”. Chương Ngày Trở Về nơi trại tù Hàm Tân (Chương I Khu Rừng Lá Buông) có 3 chương. Chương XXIII (Kết). Danh sách hai mươi người cuối cùng còn sót lại bao gồm bốn ông tướng là Lê Minh Đảo, Lê Văn Thân, Đỗ Kế Giai và Trần Bá Di, mười lăm anh em nữa là hai anh Bửu Uy và trung úy Thắng trong Phủ Đặc Ủy; ba cảnh sát là hai trung tá NH Hải, TV Xoàn, thiếu tá PT Ngưu; người về từ Việt Nam Thương Tín Hoàng Hiểu; thiếu úy PRU trinh sát tỉnh Hòa “điếc”; anh Miên “hồi chánh viên”; ANQĐ là đại tá Sảo, Hãn, trung tá Hiếu, Kiên, thiếu tá Mẫn; lực lượng đặc biệt là thiếu tá LH Minh, nhà văn Thảo Trường TD Hinh và tôi thuộc tòa đại sứ HK”.

    Ngày trở về, anh không được niềm vui trọn vẹn vì người bạn đời “chia tay” trong lúc anh còn ở trong lao tù. Nhưng câu kết: “Anh muốn nói với em rằng anh còn thương yêu em, thương em rất nhiều dù cho kỷ niệm của chúng mình đã phần nào phai nhòa theo năm tháng”.

    Khi chúng tôi cùng làm chung tờ báo trong tòa soạn, tôi mới biết người bạn đời đó là em gái của người bạn cùng khóa với tôi và cùng học với anh ở trường trung học Chu Văn An.

    Tác phẩm Người Tù Cuối cùng với lối hành văn giản dị, nhẹ nhàng, không có gì hằn học nhưng qua từng chương sách với từng cảnh ngộ, nỗi xót xa, đau khổ qua tháng ngày nghịch cảnh và tình cảm cao đẹp của những người tù cư xử với nhau trong hoàn cảnh nghiệt ngã nên rất cảm động.

    Hồi Ký nầy do tác giả dịch sang Anh ngữ The Last Prioners để độc giả ngoại quốc và giới trẻ am hiểu.

    Tác phẩm Những Người Tù Cuối Cùng ra mắt ở Little Saigon ngày 18/5/2011 và The Last Prioners cũng ra mắt vào ngày 15/5/2016. Tác phẩm Người Muôn Năm Cũ sẽ ra mắt vào Chủ Nhật (từ 1 giờ chiều đến 4 giờ chiều) tại Westminster Community, 8200 Westminster Blvd. TP Westminster, đối diện Tượng Đài Việt-Mỹ. Tác giả chọn ngày ra mắt vào tháng 5 rất ý nghĩa vì đó là ngày mất nước.

    Hồi ký Người Muôn Năm Cũ dày trên 500 trang với 17 chương  là tác phẩm thứ nhì của nhà văn Phạm Gia Đại.

    Trải qua 17 năm lao tù với con người mảnh khảnh nhưng rất nghị lực, anh dấn thân trong lãnh vực truyền thông, xông xáo trong sinh hoạt cộng đồng trong những thập niên qua, thật đáng quý.

    Trong hai câu thơ của Vũ Đình Liên vào thời tiền chiến “Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ” thường được nhắc đến qua các bài viết khi nhớ đến hình ảnh trong quá khứ, nay nhà văn Phạm Gia Đại chọn tựa đề trong tác phẩm qua 17 chương để độc giả nhớ lại ngày tháng cũ… Nếu gọi “văn tức là người” thì bản tính hiền hòa, nhân hậu của tác giả sẽ cùng đồng cảm với người đọc.

    Vương Trùng DươngLittle Saigon, March 28, 2024

  • Âm nhạc,  KIẾN THỨC TỔNG QUÁT,  Vương Trùng Dương

    Nhạc Sĩ Lê Văn Khoa & Dòng Chuyển Của Âm Thanh (A Legacy of Sounds)

    Tên tuổi Lê Văn Khoa, nhạc sĩ, nhà soạn nhạc, nhiếp ảnh gia, giáo sư… đã được đề cập rất nhiều trước năm 1975 ở trong nước và những thập niên ở hải ngoại.

    Chiều Thứ Bảy 13/11/2013, Hội Hiếu Nhạc và Tổng Hội Sinh Việt Nam đứng ra tổ chức “Lê Văn Khoa – Một Đời Âm Nhạc (A Lifetime of Music)” tại hí viện La Mirada Theatre mừng sinh nhật ông ở tuổi tám mươi và tri ân nguời nhạc sĩ đã dành cả đời hơn nửa thế kỷ phục vụ cho nghệ thuật, cho âm nhạc.

    Trước và sau đó đã có những buổi vinh danh và trình diễn những tác phẩm âm nhạc của ông từ tân nhạc, cổ nhạc đến nhạc cổ điển Tây phương.

    Người con sinh ra trên mảnh đất Tây Đô, Cần Thơ bước vào tuổi chín mươi mốt, tuy sức khỏe yếu nhưng với âm nhạc như “liều thuốc bổ” nên từ Orange County bay sang thành phố Allen, tiểu bang Texas để tham dự buổi trình diễn Dòng Chuyển Của Âm Thanh (A Legacy of Sounds) với dàn đại hoà tấu Allen Philharmonic và ban hợp xướng Allen Symphony Chorus, vào tối ngày 6 tháng Tư 2024 tại khán thính đường của Allen High School Performing Art Center. Chương trình được chuẩn bị từ tháng Hai năm nay, có sự chấp thuận và ủng hộ của Chủ Tịch Kathy Litinas cùng ban quản trị The Allen Philharmonic tại thành phố Allen cùng các nhạc trưởng, giám đốc âm nhạc như Ryan Ross, Rusty King…. Giám đốc điều hành chương trình, Ian Bùi, Diễm Tú, nghệ sĩ Hải Yến và Chủ Tịch The Allen Philharmonic Kathy Litinas. Cô Diễm Tú viết và đọc các mẩu giới thiệu Anh-Việt cho từng bản nhạc.

    Theo các bản tin, bài viết ghi nhận được, tổng hợp chương trình nhạc giao hưởng với các ca nhạc sĩ Việt Nam và Mỹ. Theo nhà thơ Đinh Yên Thảo:

    Theo lời Ban Tổ Chức, “Dòng Chuyển Của Âm Thanh” là sự kết hợp Đông-Tây độc đáo, mang những thang âm mới mẻ, chưa từng được công diễn bất cứ nơi nào qua những tiếng đàn bầu, đàn kìm, đàn tranh, đàn T’rưng hoà quyện cùng dàn nhạc giao hưởng và ban hợp xướng Tây phương. Từ vọng cổ Cao Văn Lầu cho đến opera, từ nhạc sĩ Lê Văn Khoa cùng các nhạc sĩ qua nhiều thế hệ… Từ những tài danh Việt-Mỹ từng đoạt giải thưởng âm nhạc Grammy danh giá cho đến các nhà soạn nhạc trẻ tài năng gốc Việt đang tạo tiếng vang tại hải ngoại, chương trình là câu chuyện kể về chiến tranh và ước vọng hoà bình, về những mất mát trong hành trình tìm tự do.

    “Dòng Chuyển Của Âm Thanh” là cuộc hội ngộ văn hóa hiếm hoi tại Mỹ, không chỉ giới thiệu nhạc Việt và những tài năng trình diễn và sáng tác nhạc cổ điển gốc Việt đến các khán giả Mỹ mà còn mang đến cho khán giả Việt một hành trình âm nhạc Việt Nam, những hoài niệm về lễ hội trăng rằm, những ngày quê hương thanh bình ngày xưa, cùng niềm tự hào và hy vọng về một thế hệ trẻ gốc Việt đang bước vào lãnh vực nghệ thuật chưa mấy được phổ biến trong cộng đồng…

    Với gần 20 tiết mục, mỗi tiết mục đều mang một sắc thái và phong cách riêng biệt, đã mang lại sự bất ngờ, thú vị lẫn cảm kích cho khán giả hiện diện, trong đó có không ít khán giả đến từ các thành phố trong và ngoài Texas.

    Ca sĩ Teresa Mai, nghệ danh Sangeeta Kaur, người Mỹ gốc Việt “Nàng công chúa âm nhạc và khúc thanh âm” đầu tiên đoạt giải Grammy vào năm 2022 với dĩa ‘Mythologies’, hạng mục Best Classical Vocal Album. Teresa có bằng Cử Nhân môn Opera Performance từ California State University và bằng Cao Học (MS) môn Vocal Performance từ Nhạc Viện Berklee danh tiếng ở Boston. và ca sĩ Hila Plitmann gốc Do Thái đã hai lần được trao giải Grammy.

    Ba ca khúc trong trường ca Hòn Vọng Phu của nhạc sĩ Lê Thương được ban hợp xướng Allen trình bày dưới sự phụ họa các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam là một tiết mục thật xuất sắc.

    Nhạc trưởng Jon Lê Culpepper cho biết, anh lớn lên và theo đuổi đam mê trong môi trường không có nhiều nhạc sĩ cổ điển người Việt thì chương trình “Dòng Chuyển Của Âm Thanh” có lẽ đã mang lại cho anh và khán giả người Việt một cơ hội được gặp gỡ không chỉ nhạc sĩ Lê Văn Khoa mà cả những tài năng gốc Việt còn rất trẻ trong lãnh vực âm nhạc cổ điển này.

    Nhạc sĩ Patrick Vũ, đang theo học cao học âm nhạc nhưng tác phẩm của anh đã được các dàn hợp xướng Mỹ trình diễn nhiều nơi và đã được National Concerts mời sáng tác một bản hợp xướng sẽ được trình diễn tại Carnegie Hall tại New York, là một trong những trung tâm trình diễn âm nhạc cổ điển uy tín và danh giá nhất thế giới.

    Dylan Trần từ Lousiana, nhà soạn nhạc và từng được nhiều giải thưởng sáng tác và có tác phẩm được trình diễn ra ngoài nước Mỹ, như tại Úc, Anh, Pháp, Áo, Phần Lan… cựu sinh viên cao học về nhạc phim tại USC và là nhà soạn nhạc có những khách hàng như Sony, Samsung…, các tác phẩm của anh từng xuất hiện trong các liên hoan phim như Sundance, Hollyshorts… Nhạc sĩ Duy Trần cũng là nhà sản xuất chương trình “Dòng Chuyển Của Âm Thanh”, người đã bỏ rất nhiều công sức để phân lại các tác phẩm của nhạc sĩ Lê Văn Khoa cho từng nhạc cụ trong dàn giao hưởng, phối hợp cùng nhóm kỹ sư âm thanh và cùng với cô Diễm Tú làm MC với khán giả Việt-Mỹ.

    Jon Lê Culpepper là người sáng lập ca đoàn Dallas Chamber Choir và hiện là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị. Dưới sự điều khiển của Jon, DCC đã đoạt giải American Prize in Choral Performance – Professional Division năm 2019-2020. DCC từng trình diễn với Fort Worth Symphony, nhạc sĩ Hans Zimmer (2 Oscars, 4 Grammys) và Ramin Djawadi (“Game of Thrones”). Năm 2021 Jon được tặng American Prize của giải Dale Warland Award cho bộ môn Choral Conducting, hạng mục Professional Division. Jon sẽ điều khiển một ban hợp xướng học sinh chọn lọc từ ca đoàn của Allen High School.

    Chương trình kết thúc với nhạc phẩm “Việt Nam, Việt Nam” của nhạc sĩ Phạm Duy do nhạc sĩ Lê Văn Khoa hòa âm. Dàn hợp xướng Allen Symphony Chorus của Dallas, Texas đã kỳ công quyết định hát Việt Nam, Việt Nam bằng tiếng Việt cho bằng được, cho dù đã có lời đề nghị giảm khó khăn, chỉ hát với bản Anh ngữ của dịch giả Ian Bùi. Thời gian luyện tập phát âm, đã buộc các thành viên dàn hợp xướng làm việc gấp ba để có thể trọn vẹn trình diễn, và tạo những tràng pháo tay, và cả những giọt nước mắt của các khán giả Việt.

    Nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã chia sẻ, điều ông vui nhất là chúng ta đã đưa nhạc Việt âm vang, hoà vào với nhạc giao hưởng Tây Phương và khán giả Việt lần đầu được nghe ban hợp ca Mỹ trình bày một số ca khúc Việt quen thuộc. Ông cũng nói thêm rằng, các nhạc sĩ Mỹ trong chương trình đều bày tỏ sự thích thú và cảm ơn ông đã biên soạn những tấu khúc Việt Nam mà lần đầu tiên họ trình diễn.

    Nghệ sĩ Hải Yến, người trình diễn nhiều tiết mục nhạc cụ dân tộc phối hợp với dàn nhạc giao hưởng, các thành viên ca đoàn ở Dallas nói “Tự nhiên chúng tôi có cảm giác rất thân thuộc với người Việt Nam, với văn hóa Việt Nam”.

    Ca sĩ Phạm Hà (họ Nguyễn) là một giọng ca Baritone khá quen thuộc trong những chương trình nhạc thính phòng tại Nam Cali từ năm 1999 đến nay. Anh thường xuyên xuất hiện cùng ban hợp xướng Ngàn Khơi hoặc trình diễn solo những ca khúc operatic cổ điển bằng tiếng Anh, Pháp, Ý… Khi hay tin có “Dòng Chuyển Của Âm Thanh” anh tình nguyện tham gia, ví von với điều kiện “Chỉ cần bù cho mình tiền lương 3 ngày nghỉ việc!”.

    Đặc biệt Nguyễn Đức Đạt, khiếm thị từ nhỏ, sang Mỹ năm 1991 và được học bổng Âm Nhạc tại đại học Cal State Fullerton. Nguyễn Đức Đạt từng thắng nhiều giải Guitar như Disney Creative Challenge Award, National Panasonic Young Solo Artist Competition.

    Với nhà soạn nhạc Lê Văn Khoa, không thể nào quên Symphony 1975 và ngôn ngữ âm nhạc phi biên giới của nó vang vọng ở mọi nơi và được cảm thấu về nỗi đau của một quốc gia đã bị bôi xóa. Năm 2005, khi biểu diễn tại Úc với ban đại hòa tấu và hợp xướng Royal Melbourne Philharmonic, khán phòng phải chứa đến 2,000 khách. Khi chấm dứt Symphony 1975, khán giả đứng lên vỗ tay không ngớt trong gần năm phút, khiến nhạc trưởng Andrew Wailes phải ra hiệu cho dàn nhạc chơi lại phần chót Ca Ngợi Tự Do để đáp ứng thịnh tình khán giả.

    Nhạc sĩ Lê Văn Khoa trong những thập niên qua, ngoài đất nước nầy, đã từng “đem chuông đi dấm xứ người” với nhiều quốc gia trên thé giới, đặc biệt với Ukraine, đã mang lại tiếng vang, đem lại niềm hãnh diện tài hoa nhạc sĩ Việt Nam lưu vong.

    Hy vọng, tuy tuổi hạc đã cao nhưng với tấm lòng nhiệt huyết và uy tín, hy vọng sẽ có những buổi Dòng Chuyển Của Âm Thanh (A Legacy of Sounds) được quy tụ ca nhạc sĩ Việt-Mỹ trong nay mai để được thưởng thức.

    Vương Trùng Dương, Little Saigon, April 12, 2024

  • Âm nhạc,  Tha Nhân

    NẾU CÓ DỊP

    NẾU CÓ DỊP 

    Tha Nhân kính phụng họa Bài ‘’Còn gặp Nhau’’ của nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương

    Nếu có dịp thì ta cứ vui                                            

    Thời gian vẫn chảy giọt mưa trôi
    Công danh tăm tiếng rồi quên lãng
    Còn mãi tình thương sống với đời    

    Nếu có dịp thì ta cứ thương
    Văn thơ nghiệp chướng lỡ tơ vương                    

    Góp gom từng chút tình thương đó
    Đem biếu nhân gian khắp mọi đường.

    Nếu có dịp thì ta cứ chơi
    Chơi cho thoải mái chút quên đời
    Chơi cho thanh lịch và cao thượng
    Xả hết chân tình chớ nửa vời!

    Nếu có dịp thì ta cứ cười
    Cười vang sảng khoái dạ vui tươi
    Đề hoa thêm sắc hương thêm ngát
    Để thắm tình đời đẹp nết người

    Nếu có dịp thì ta cứ chào

    Cho dù biển rộng với trời cao
    Mặc cho biến đổi trò đen bạc
    Vẫn chữ chân tình mà đãi nhau

    Nếu có dịp thì ta cứ say
    Say thơ say nhạc vẫn lâu nay
    Say tình say nghĩa say bằng hữu
    Say để cho quên những tháng ngày

    Nếu có dịp thì ta cứ đi
    Đi thăm bạn hữu, kẻ hàn vi
    Dùng lời an ủi, hay tâm lý

    Giúp được tha nhân vui lạ kỳ!!

  • Lê Nguyễn Nga

    NHỚ THƯƠNG CHA

    Kính mời quý thầy và các thân hữu thưởng thức bản nhạc Nhớ Thương Cha, thơ Lê Nguyễn Nga

    30 THÁNG 4 – THƯƠNG TIẾC VIỆT NAM

    Tháng 4 lại về. Bao nhớ thương cho đất nước Việt Nam

    bị cưỡng chiếm từ Tháng 4, 1975.

    Xin đi ngược về quá khứ. Với Hiệp định Geneve 20 tháng

    7 năm1954, nước Việt Nam bị chia đôi, lấy vĩ tuyến 17

    làm ranh giới. Phía bắc là của Cộng Sản. Phía nam là

    phần đất tự do.

    Năm 1956 toàn dân miền Nam bầu cử tổng thống hợp hiến

    và hợp pháp. Tổng thống Ngô Đình Diệm đắc cử và thành

    lập nền Đệ Nhất Cộng Hoà. Nhưng, Việt Cộng đã chiêu

    dụ một số người tập kết ra miền Bắc và tiếp tục mưu đồ

    cướp chiếm miền Nam. Việt Cộng cũng gài người ở lại để

    âm mưu đánh phá miền Nam. Trong lúc này miền Nam lo

    thành lập chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. Một chính phủ

    chủ trương tự do. Vào những năm đầu, tuy gặp khó khăn

    vì còn phôi thai, nhưng đời sống người dân tương đối khá

    hơn Miền Bắc về mọi phương diện. Ít nhất người dân được

    hưởng không khí tự do. Từ năm 1956, xã hội miền Nam

    tiến triển tốt đẹp về quân sự và dân sự.

    Miền nam thành lập chính quyền. Với guồng máy hành

    chánh, kinh tế, và giáo dục theo chính thể Cộng Hòa. Các

    trường đại học được mở rộng. Nông dân được cấp đất và

    nông cụ để khai phá ruộng vườn. Kinh tế thương mại theo

    tự do tư bản. Nông sản thu hoạch được là của người dân,

    thuộc quyền xử dụng của người dân. Từ những thành phố

    nhỏ đến thủ đô Saigon, dân chúng buôn bán sinh sống

    hoàn toàn tự do phát triển. Tài sản riêng của người dân

    được tôn trọng. Một đất nước đang cố gắng tham gia vào

    cộng đồng thế giới từ năm 1960 và kiêm luôn vai trò là

    thành trì ngăn chận làn sóng CS tại Đông Nam Á từ năm

    1956 đến 1975.

    Trong lúc miền Nam lo cho đời sống dân chúng, thì miền

    Bắc, từ năm 1958 , bộ mặt lừa dối của CS núp dưới danh

    nghĩa Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, để đánh phá với

    chủ tâm cướp luôn miền Nam. Một điều đáng buồn là có

    nhiều người trí thức đã lầm lạc theo Việt Cộng giúp đánh

    phá miền Nam trên mọi mặt từ văn hoá, tư tưởng, đến quân

    sự.

    Những cuộc đánh phá giết chóc trên đất Nam từ năm 1960

    kéo dài thật nghiệt ngã. Bao nhiêu chiến sĩ Việt Nam Cộng

    Hòa và dân chúng đã hy sinh cùng với binh lính và sĩ quan

    Đồng Minh, nhiều nhất là Hoa Kỳ. Sử sách đã ghi công

    những trận chiến anh hùng như An Lộc, Huế, Đồi Charlie,

    cổ thành Quảng Trị, v.v. Cuộc tàn sát dân chúng khi tấn

    công vào Huế năm1968, Tết Mậu Thân, đã thảm sát trên

    năm ngàn người và người chết bị chôn chung trong nhiều

    nấm mồ tập thể. Việt Công vừa đánh cướp đất vừa lừa dối

    nhân dân và lừa dối thế giới. Không tàn ác không lừa dối

    không phải là Cộng Sản.

    Hậu quả đưa đến Hiệp Định Paris 1973. Mỹ ngừng viện

    trợ quân sự và rút quân.

    Không súng đạn, không xăng quân đội VNCH vẫn can

    đảm tiếp tục chiến đấu với những vũ khí còn lại. Những

    cuộc đánh phá tàn bạo vẫn tiếp diễn.

    Rồi ngày 30 tháng 4, 1975. Đài Phát Thanh đã tung ra bài

    White Christimas như là một ám hiệu. Quân đội Hoa Kỳ

    đã rút đi. Những người quân nhân và dân chính Mỹ cuối

    cùng đã rút đi bởi những chiếc trực thăng treo trên nóc Toà

    Đại Sứ Hoa Kỳ.

    Buổi sáng 30 tháng 4, 1975 . Đài Phát Thanh phát lời của

    Đại tướng Dương Văn Minh đại diện Chính Phủ miền

    Nam tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

    Không chỉ những người lính đã buông súng, tôi người viết,

    cũng là nhân chứng của ngày lịch sử đó. Những tiếng đại

    bác vọng lại từ Vùng Bốn Chiến thuật, từ vòng đai nới

    rộng của thủ đô Sài gòn. Những tiếng súng tử thủ có cả

    tiếng súng tự sát của nhiều tướng lãnh và nhiều sĩ quan,

    binh sĩ VNCH.

    Xin nghiêng mình ghi ơn các chiến sĩ VNCH.

    Các anh không thua trận chiến. Các Anh những người

    chiến đấu cho Tự Do đã bị bắt buộc buông súng.

    Thế hệ người văn minh trung trực đã thua đoàn người rừng

    rú, hèn hạ, tàn ác, đám người chuyên lừa đảo. Trò lừa đảo

    và tàn ác của VC đã áp lên toàn miền nam.

    Các anh chiến sĩ VNCH bị lừa dối đi học tập 10 ngày. VC

    Nói láo một cách hèn hạ. Một chế độ tù đày nghiệt ngã dã

    man, có nhiều người bị tù đến 16 năm. Bao nhiêu người

    đã bỏ mình trong các trai tù Cải Tạo.

    Bện cạnh đó, tại thành phố và các tỉnh, Việt Cộng đã lên

    chiêu bài kiểm kê tài sản của người dân. Nói rõ hơn là ăn

    cướp nhà và cướp tài sản của toàn dân.

    Chồng đi cải tạo. Trong nhà chỉ còn lại đàn bà và trẻ

    con đã bị cướp nhà, đuổi ra sống trong vùng Kinh Tế Mới.

    Họ chết trên đồng hoang vì không có nước và thức ăn.

    Những vùng kinh tế mới đã biến thành những vùng đồi

    khô, xương trắng.

    Dân chúng đã bắt đầu vượt biên tìm tự do, bất chấp nguy

    hiểm. Bao nhiều người đã chết trên biển cả.

    Cán bộ VC cướp nhà cướp tài sản và tham nhũng khắp nơi,

    trở thành giàu có và sống xa hoa. 

    Luân lý không còn.

    Lương tâm con người biến mất. Nhiều phu nữ và trẻ em

    đã bán mình trong những cuộc truy lạc chỉ để kiếm miếng

    ăn. Nhà nước chiếm đất thành phố để cho ngoại quốc vào

    kinh doanh. Bên cạnh đó là những xóm trọ của công nhân

    nghèo. Ngoài thành phố dân đen phải sống trong những

    nghĩa địa.

    Sự lừa dối đê hèn của CS đã thắng tầng lớp người có học,

    có nhân tâm của chế độ Viêt Nam Cộng Hoà. Một quân

    đội với hải lục không quân tinh nhuệ, với tinh thần cương

    quyết bảo vệ lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà đã bị cưỡng

    bức chết tức tưởi vì quyền lợi riêng tư khi tham chiến vào

    Việt Nam. Có bao giờ nước Mỹ nhìn lại về cái chết của

    cả một Dân Tộc Việt Nam không?

    Xã hội Việt Nam sau hơn 48 năm đã biến thành một xã hội

    trong đó con người đã bỏ mất nhân phẩm chỉ để sống còn

    dưới chế độ Cộng Sản.

    Nước Mỹ và thế giới nghĩ gì về hàng triệu chiến sĩ và nhân 

    dân Việt Nam Cộng Hoà đã hy sinh trong cuộc chiến này!

    Những thanh niên, từ tuổi 24 đến 40 đã chiến đấu anh dũng

    và đã hy sinh cho cuộc bảo vệ lý tưởng tự do của Miền

    Nam. Trong đó có nhiều người đã là thương phế binh, 

    tật nguyền đói khổ đang sống vất vưởng trong nước.

    Bao nhiêu hy sinh và nước mắt. Bây giờ chỉ còn lại Tháng Tư Buồn.

    Lê Nguyễn Nga

    Tháng 4 2022

  • Khánh Lan,  RA MẮT SÁCH,  Sinh Hoạt,  Tin tức

    KỶ NIỆM NGÀY RA MẮT SÁCH TẬP THƠ NHỮNG GÌ ĐỂ NHỞ CỦA NS DƯƠNG HỒNG ANH.

    Sau ngày Ra Mắt Sách thi tập NHỮNG GÌ ĐỂ NHỚ ngày 17 tháng 03, 2024, Nữ Sĩ Dương Hồng Anh đã sáng tác bài thơ “Kỷ Niệm Ngày Ra Mắt Sách” để gởi tặng Liên Nhóm NVNT & TTG. Khánh Lan xin gởi đến quý Giáo Sư, quý Văn Thi Sĩ và quý Anh Chị Em.

    Nữ Sĩ Dương Hồng Anh

    NS Dương Hồng Anh cắt bánh mừng ngày ra mắt thi phẩm NHỮNG GÌ ĐỂ NHỚ

    Mạnh Bổng, TS Lê Nguyễn Nga, NS Dương Hồng Anh, NV Việt Hải, Lệ Hoa, NV Khánh Lan

    Mừng ngày RMS của NS Dương Hồng Anh

    Mừng ngày RMS của NS Dương Hồng Anh: Ái Liên, Khánh Lan, Lệ Hoa, NS Dương Hồng Anh, Việt Hải, Minh Thư, Lâm Dung, Thụy Lan

    Con dâu Học Đức tặng hoa cho Mẹ chồng Hồng Anh

    Con trai Nguyễn Đại Thành và con dâu Học Đức tặng hoa

    mừng ngày RMS của Mẹ Hồng Anh

    BÀI THƠ MẸ TÔI

    Tuổi thơ nghịch té, mẹ vỗ về         

    Miếng ngon cho bé, mẹ hy sinh

    Vào đời ngơ ngác, mẹ cận kề

    Đưa lối ta thấy ánh bình minh

    Nếu hỏi rằng mẹ có hoàn hảo?

    Trả lời không … mẹ cũng thường tình

    Nhưng hoàn hảo, tôi không hoài bảo

    Chỉ cần mẹ đúng cho chính mình

    Trách nhiệm trong đời đã qua lâu

    Nay tuổi lớn, vai trò khác cũ

    Văn chương thơ phú, ngày qua mau

    Chỉ cần mẹ sống vui là đủ

    Nguyễn Đại Thành

    Nguyễn Đại Thành đọc bài thơ “Mẹ Tôi” do anh sáng tác để mừng NS Dương Hồng Anh ra tác phẩm.    

    Trong dịp này Khánh Lan cũng thay mặt Liên Nhóm NVNT & TTG sáng tác BÀI THƠ CẢM TÁC VỀ NS DƯƠNG HỒNG ANH, và bài thơ này cũng được ghi lại trong album CHẮT CHIU KỶ NIỆM.

    BÀI THƠ CẢM TÁC VỀ NỮ SĨ DƯƠNG HỒNG ANH

    Hồng Anh người bạn vong niên

    Hạc vàng cao vút trong nền thi ca

    Thơ văn gắn kết chúng ta

    Tâm đầu ý hợp vui niềm văn chương

    Tình bạn chan chứa tình thương

    Rạng ngời tinh tú bốn phương tuyệt vời

    Thi ca tâm đắc cho đời

    Tâm tình tri kỷ muôn lời thiết tha.

    Khánh Lan, March 17, 2024

    Album CHẮT CHIU KỶ NIỆM mà Liên Nhóm NVNT & TTG kính tặng NS Dương Hồng Anh, do GS Phạm Thái & NV Khánh Lan đã layout và design.

    GS Phạm Thái, NS Dương Hồng Anh, NV Khánh Lan

    GS Dương Ngọc Sum và NV Nguyễn Quang thay mặt Liên Nhóm NVNT &TTG kính biếu NS Dương Hồng Anh tập album lưu niệm những sinh hoạt với Nữ Sĩ từ ngày Nữ Sĩ gia nhập hội (2019-2024).

    NS Dương Hồng Anh đọc bài thơ “Tôi Vẫn Còn Đây” để cám ơn khách tham dự ngày RMS

    TÔI VẪN CÒN ĐÂY

    Hôm nay hoa nắng bay nhiều quá

    Hoa nắng vào thơ, ươm sắc xuân

    Mây nước hồng tươi, vui chào đón

    Tao nhân mặc khách mộng tao đàn

    Cám ơn bằng hữu đến chiếu nay

    Tôi vẫn còn đây mộng ước đầy

    Những gì để nhớ trong tim óc

    Chia sẻ cùng nhau, tay nắm tay

    Tôi vẫn còn đây dưới nắng chiều

    Nâng niu ngọn bút rất thân yêu

    Những gì để nhớ xin trao tặng

    Bằng hữu văn chương nhạc khúc reo

    Tôi vẫn còn đây trải mộng hồn

    Gửi về quê mẹ tấm lòng son

    Nhạc thơ bừng nở mừng xuân mới

    Còn đón hoàng hôn trong mắt trong.

    Hồng Anh, 20 tháng 02, 2024

    Mừng ngày RMS của NS Dương Hồng Anh

    Chúc mừng Nữ Sĩ Dương Hồng Anh,

    Khánh Lan, March 25, 2024

  • DU LICH,  Dương Viết Điền

    DU LỊCH THỤY SĨ

    …Đúng 8:00 giờ sáng, chúng tôi tất cả đều có mặt trước khách sạn Evergreen Laurel để lên xe buýt rời nước Pháp để tiếp tục cuộc hành trình du lịch sang Thuỵ sĩ. Sau khi trưởng đoàn du lịch điểm danh xong, xe buýt từ từ chuyển bánh. Vì phải mất 9 giờ mới đến Thuỵ sĩ nên anh tài xế biết chắc ngày hôm ấy không thể đi xem danh lam thắng cảnh nào kịp. Điều này khiến anh tài xế lái xe thong thả, không vội vàng như những lần trước. Vì vậy lúc xe buýt chạy chầm chậm ngang qua những con đường giữa thủ đô Paris, chúng tôi ngoái cổ nhìn Paris lần cuối. Paris ơi! Biết bao giờ trở lại chốn phồn hoa đô hội này để nhìn lại dòng sông Seine thơ mộng uốn khúc giữa nắng chiều? Paris ơi! Biết bao giờ trở lại đây để lên tháp Eiffel nhìn xuống thành phố Paris đẹp tuyệt trần khi mùa thu đang về trên đất Pháp? Thôi thì trăng tròn rồi lại khuyết, hoa nở để mà tàn, sum họp rồi ly tan. Xin vĩnh biệt dòng sông Seine, vĩnh biệt tháp Eiffel, vĩnh biệt Điện Versaille, vĩnh biệt Bảo tàng viện  Louvre, vĩnh biệt Paris ! Xúc động trước sự ly biệt nầy, bất giác tôi cất tiếng hát bài “Adieu, Paris” của nhạc sĩ Trần văn Lương:

    Adieu, Paris
    (Vĩnh biệt Paris)

    Ami, c’est à Paris,
    Cette ville éternelle,
    Qú une ironie mortelle
    Du sort nous a unis.

    Anh yêu, thành phố Paris
    Muôn đời là kinh kỳ
    Éo le truyện trần thế
    Se ta như phu thê.

    Notre amour, à Paris,
    A embrasé ma vie,
    Et ces jours, ralentis,
    De douceur l’ ont remplie.

    Paris, ta yêu nhau
    Tình em như lửa cháy
    Ngày chầm chậm qua mau
    Đầy dịu dàng nhiệm mầu.

    Le bonheur, à Paris,
    Est, hélas, si fragile.
    Quand j’ai quitté la ville,
    Nos voeux étaient finis.

    Paris, ta hạnh phúc
    Nhưng sao quá mong manh
    Khi em rời kinh thành
    Hẹn ước đã tàn nhanh .

    Tu trouves, à Paris,
    Ta nouvelle romance.
    En ce lointain pays,
    Je pleure ma malchance.

    Hóa ra Paris này
    Anh có tình yêu mới
    Phương trời xa vời vợi
    Em khóc đời chơi vơi

    J’ enverrai à Paris
    Mon âme déchirée,
    Et à toi les sourds cris
    D ‘ une amante oubliée.

    Paris, em gửi về
    Hồn em đau não nề
    Trao anh tiếng nấc nghẹn
    Của người tình bị quên .

    Il fait beau à Paris,
    Ensemble on se promène.
    Tu parles et tu ris,
    Connais-tu pas ma peine?

    Paris, trời nắng to
    Người đẹp đi bên anh
    Anh cười nói bên cạnh
    Em đau, biết chăng anh?

    Il fait froid à Paris,
    Tu embrasses ta belle,
    L’ ardent feu de jadis
    Bru^le à présent pour elle.

    Paris, trời trở lạnh
    Ôm người đẹp bên anh
    Lửa tình xưa, nay dành
    Cho người mới yêu anh

    Il fait chaud à Paris,
    Ton coeur est en délire.
    Chaque mot qú elle dit
    T’ apporte le sourire.

    Paris, trời đang nóng
    Tim anh như lửa bỏng
    Lời nàng nghe như mộng
    Anh cười dễ như không .

    Il fait gris à Paris,
    Tu lui lis le poème,
    Jadis pour moi écrit,
    Quand tu m’ as dit : “Je t’ aime!”

    Paris, trời ủ rũ
    Đọc cho nàng thơ cũ
    Ngày xưa viết tặng em
    Anh đã nói : “ yêu em!”


    Il pleut fort à Paris,
    Heureux, tu oublies l’ heure.
    Jamais tu ne saisis
    Que pour moi Paris pleure.

    Paris, trời mưa to
    Mải vui, quên thời giờ
    Có khi nào anh nhớ
    Vì em, Paris nức nở .

    Il fait nuit à Paris,
    Lentement l’ ombre efface,
    Sous son pas, toute trace
    De mon faux paradis.

    Paris đã vào đêm
    Bóng tối xóa chậm êm
    Bóng đêm, giờ còn lại
    Thiên đường ma của em !

    Il est tard à Paris,
    S’ endort la citadelle.
    Tu ne penses qú à elle,
    Et n’ entends point mes cris.

    Paris, đêm vào khuya
    Thành phố trong giấc nồng
    Anh đang say bóng hồng
    Có nghe em khóc không .

    Adieu, ami,
    Adieu, romance.
    Adieu, souffrance,
    Adieu, Paris.

    Xin vĩnh biệt anh yêu
    Xin vĩnh biệt cuộc tình
    Xin vĩnh biệt khổ đau
    Paris, Vĩnh biệt nhau !


    (Nguyễn Đàm Duy Trung chuyển ngữ)
    April 6, 2002

    Chiếc xe buýt đã lăn bánh ra khỏi thành phố Paris . Ông trưởng đoàn du lịch đã cho chúng tôi biết phải mất chín giờ mới đến thành phố Lucerne ở Thuỵ sĩ. Vì vậy khuyên chúng tôi hãy nhìn ra hai bên đường xem những phong cảnh thơ mộng hữu tình để giết thì giờ. Thế rồi ông trưởng đoàn Leung Reddy bắt đầu kể chuyện vui cho anh chị em du khách trong đoàn du lịch nghe. Hết chuyện này ông ta kể đến chuyện khác. Ông ta nói liên tu bất tận. Cứ mỗi lần nói tiếng Anh xong ông ta lại nói sang tiếng Hoa để cho một số người Hoa không biết tiếng Anh cũng có thể nghe được. Hết kể chuyện ông ta lại bắt đầu ca hát. Ông hát liên tục sáu, bảy bài mà không biết mệt. Ai đề nghị bài nào ông ta hát bài đó. Dĩ nhiên nhạc ông ta hát tất cả đều là nhạc bằng tiếng Hoa.

    Chúng tôi tất cả 42 người lúc đầu ai cũng lắng tai nghe để cho quên đường sá xa xôi, để cho quên nơi đến tham quan trên đất Thuỵ sĩ còn xa ngút ngàn. Dần dần một số người trong đoàn bắt đầu ngủ gà ngủ gật. Một số người khác lại tham gia chương trình văn nghệ bỏ túi trên xe buýt với ông trưởng đoàn bằng cách lên cầm Micro hát một bài giúp vui.  Tôi và bà xã tôi khi thức khi ngủ. Nếu ngủ thì thôi còn thức thì cũng lắng tai nghe chương trình văn nghệ bỏ túi ấy. Vừa nghe chương trình văn nghệ vừa nhìn ra ngoài, tôi thấy cảnh vật dọc hai bên đường cũng thơ mộng lắm. Hằng trăm mẫu đất trồng nho nằm sát bên đường trông thật xinh xắn. Thỉnh thoảng cứ cách nhau vài trăm mét lại có một đàn bò trắng đang gặm cỏ dưới ánh nắng chiều trông thật đẹp mắt. Đặc biệt có nhiều đồi núi sao mà giống núi đồi ở Đà lạt quá. Nhất là những dãy núi đồi nằm phía bên phải con đường giống hệt như những núi đồi từ thác Liên khương về đến thành phố Đà lạt vậy. Không ngờ những nhận xét của tôi lại trùng hợp với nhận xét của anh Bùi phước Ty khi anh Ty ngồi ghế phía trước tôi ngoái cổ lại nói nhỏ với tôi:

    -Điền nhìn dãy núi đồi phía bên phải kìa, sao mà giống hệt như dãy đồi núi từ thác Liên khương về tới thành phố Đà lạt quá .

    Thế rồi cái gì đến đã đến. Chẳng mấy chốc xe buýt chúng tôi đã đến gần biên giới của Pháp và Thuỵ sĩ. Bỗng tài xế cho  xe dừng lại. Ông trưởng đoàn nói cho chúng tôi biết là chúng tôi có 20 phút để làm vệ sinh cá nhân. Thế là chúng tôi cùng nhau xuống xe buýt vào nhà hàng bên đường tìm nhà vệ sinh. Lúc này tôi vẫn còn đau bụng đi tháo dạ vì không biết đã ăn nhằm thực phẩm độc gì ở restaurant tại Anh hay tại Pháp nên tôi cố đi hơi nhanh để tìm nhà vệ sinh. Khi thấy nhà vệ sinh rồi, tôi liền mở cửa từng phòng để vào. Tất cả trong nhà vệ sinh này có 4 phòng để đi cầu. Tôi mở phòng nào cũng không được cả vì tất cả đều bị khoá hết. Nhìn vào phía dưới chẳng thấy ai trong nhà cầu cả. Chỉ thấy một phòng có người ở bên trong thôi. Thế là tôi đứng chờ trước phòng có người ngồi bên trong. Chờ một phút rồi mà anh chàng ở trong phòng chưa chịu ra trong lúc Tào Tháo rượt gần kịp tôi rồi! Bí quá tôi quay lưng lại xem có người nào làm việc trong nhà hàng này để hỏi xem tại sao ba nhà  cầu kia lại khoá lại. Bỗng có một bà bán trong nhà hàng này đi ngang qua, tôi liền đến hỏi bà ta bằng một câu tiếng Anh:

    -Mrs,why did you lock the door of the restroom like that?

    Nghe tôi hỏi như vậy bà ta chỉ mở to cặp mắt nhìn tôi như có vẻ không hiểu tôi nói gì cả.

    Thấy bà ta có vẻ như không hiểu câu hỏi của tôi tôi liền hỏi lại bằng tiếng Pháp:

    -Madame, pourquoi fermez vous la porte de la toilette ?

    Lại một lần nữa bà ta nhìn tôi rồi nheo mắt lại!

    Thấy thế tôi nghĩ bụng, Tào Tháo rượt tới nơi rồi mà bà ta vẫn không hiểu gì cả thì coi như  sắp bỏ mạng sa trường rồi! Bỗng một tia sáng loé lên trong đầu tôi, hay là ta hỏi bằng tiếng Tây ban nha xem sao. Nghĩ thế tôi liền hỏi ngay bà ta một lần nữa bằng tiếngTây ban nha:

    – Senora, por qué cerras Usted la puerta de tocador?

    Nghe tôi hỏi như vậy, bà ta liền trợn mắt nhìn tôi rồi đưa hai tay lên trời và bỏ đi khiến tôi kêu trời không thấu!

    Bỗng đâu ông trưởng đoàn Leung Reddy xuất hiện như là vị cứu tinh khẩn cấp của tôi. Tôi liền hỏi ông trưởng đoàn ngay, dĩ nhiên bằngtiếng Anh:

    -Tại sao họ lại đóng cửa cả ba phòng kia làm sao mà đi cầu đây ông Leung Freddy ?

    Ông trưởng đoàn vừa chỉ tay vào nhà cầu vừa trả lời:

    -Họ mới mở thêm một phòng nữa kia kìa anh vào đi.

    Vừa nghe ông trưởng đoàn nói như vậy tôi liền bay thật nhanh như hoả tiển liên lục địa vào phòng vừa mới mở. Vừa ngồi xuống chưa kịp đóng cửa, một dòng thác từ trong ruột già đổ xô ào ạt xuống nhà cầu làm cho tôi thất điên bát đảo! Đi du lịch mà gặp đại nạn như thế này thì đúng là kêu trời không thấu.

    Sau khi lên xe buýt an toạ, tôi nghĩ lại chuyện đi vào nhà vệ sinh vừa rồi khiến lòng tôi có một vài thắc mắc. Tại sao tôi nói cả ba thứ tiếng rồi mà bà ta vẫn không hiểu? Hay là vì tôi phát âm không rõ hoặc là nói tiếng bồi nên bà ta không nghe được? Hay bà ta là người Đức, người Ý mới không hiểu được ba thứ tiếng kia? Chỉ có trời biết!

    Tôi đang miên man suy nghĩ thì xe buýt bắt đầu chuyển bánh lên đường.

    Thường thì mỗi lần đến nước nào khi chuẩn bị để vượt qua biên giới lãnh thổ của hai nước, chúng tôi luôn luôn phải qua thủ tục hải quan. Nhưng có lẽ tại biên giới Thuỵ sĩ và Pháp, vấn đề thủ tục hải quan tương đối dễ dàng sao đó, và có lẽ ông trưởng đoàn đã báo cáo tổng số du khách trên xe trước rồi nên chỉ sau mấy phút anh tài xế trình bày với giới hữu trách tại biên giới Pháp vàThuỵ sĩ, xe chúng tôi liền được phép vưượt qua biên giới để tiến về thành phố Lucerne. Mất một ngày đi đường rồi nên khi trời vừa tối, xe buýt chúng tôi cũng vừa đến thành phố Lucerne của Thuỵ sĩ. Tại đây chúng tôi được ông trưởng đoàn sắp xếp phòng ốc ngay trong  khách sạn Astoria ở đường Pilatusstrasse 29,CH6002Lucerne Switzerland.Sau đó chúng tôi tự túc ăn cơm tối sau khi ông trưởng đoàn giới thiệu cho chúng tôi tiệm Mac Donal ở một góc đường gần khách sạn .

    Như vậy nếu tính ngày giờ đã đi qua, chúng tôi đã du lịch tại Anh quốc hai ngày (ngày 20 và 21), tại Pháp 2 ngày ( ngày 22 và 23). Và hôm nay là ngày 24 tháng 09 năm 2007, chúng tôi bắt đầu đến Thụy sĩ.

    Như thường lệ sau khi điểm tâm xong, chúng tôi tất cả 42 người đều tề tựu đông đủ trước khách sạn Astoria để lên xe buýt đi xem các danh lam thắng cảnh tại Thuỵ sĩ.

    Lúc này ngoài trời mưa đang bay nhè nhẹ nên chúng tôi đều mang dù và áo mưa theo.

    Sau khoảng nửa giờ vòng quanh trong thành phố, xe buýt bắt đầu dừng lại. Chúng tôi liền xuống xe đi theo ông Leung Reddy để ông ta hướng dẫn đến đài tưởng niệm The Lion Monument . Khi ông trưởng đoàn du lịch đang giải thích và đề cập đến di tích lịch sử của đài tưởng niệm nầy thì trời bắt đầu mưa hơi lớn. Chúng tôi liền lấy dù và áo mưa ra để mặc và che mưa. Vừa nghe ông ta giải thích, chúng tôi vừa quay phim vừa chụp hình. Nhìn đài tưởng niệm The Lion Monument, tôi thấy những nét điêu khắc trực tiếp trên đá thật tinh xảo và tuyệt vời.

    The Dying Lion Monument (Hình trích từ Wikipedia)

    Thảo nào nhà văn Mark Twain đã diễn tả bức tượng con sư tử đang hấp hối này là một mẫu đá buồn nhất và cảm động nhất trên thế giới. Sau đó ông trưởng đoàn cho chúng tôi tự do đi shopping và vào các tiệm xem đồng hồ Thuỵ sĩ . Nhân lúc tôi đang bị đau bụng tháo dạ uống thuốc Pepto Bismol chúng tôi mang theo sẵn vẫn không hiệu quả, sau khi uống thêm mấy viên thuốc nho nhỏ màu trắng chị Ánh Tuyết cho vẫn chưa cầm hẳn, tôi và bà xã tôi liền ghé vào một tiệm thuốc Tây trong thành phố hỏi mua lọai thuốc trị bệnh đi cầu tháo dạ tương đối mạnh hơn hai loại thuốc kia. Bà chủ tiệm thuốc Tây liền bán cho chúng tôi một vĩ thuốc có tên imodium và nói với chúng tôi rằng lọai thuốc này rất hay. Thật thế, sau khi uống hai viên vào, tôi không còn đi cầu nhiều lần nữa và từ từ ngưng hẳn. Khi đến Thuỵ sĩ, bà xã tôi cũng bị đi cầu tháo dạ liền uống thuốc Imodium vào nên cũng đỡ dần dần. Trưa ấy đang ngồi trên xe buýt, bỗng một chị người Hoa trong đoàn du lịch của chúng tôi đến xin thuốc vì chồng chị ấy cũng bị đi cầu tháo dạ. Bà xã tôi liền cho chị ấy vài viên Sau đó rất nhiều người cũng đến xin, vì chúng tôi cũng vừa hết bệnh nên còn mấy viên  cuối cùng bà xã tôi tặng hết cho họ luôn. Sau khi hỏi ra mới biết rằng khoảng hai phần ba du khách trong đoàn đều bị đi cầu tháo dạ cả! Họ cũng bị Tào Tháo rượt chạy như điên. Người thì bị rượt ban đêm, người thì bị rượt ban ngày. Kẻ thì  bị rượt lúc đang ngồi dùng cơm trưa, người thì bị rượt lúc đang đi shopping, người khác thì bị rượt lúc đang chụp hình, quay phim, nhưng tất cả những người bị Tào Tháo rượt đều câm lặng như hến! Chỉ biết lặng lẽ đi tìm nhà cầu để trút bỏ bầu tâm sự kỳ quái này mà thôi! Sau khi biết được chuyện nầy, ông trưởng đoàn du lịch nói với chúng tôi rằng, ông ta rất ngạc nhiên vì đã nhiều lần hướng dẫn những đoàn du lịch khác đi, ông ta chưa bao giờ gặp những trường hợp như thế nầy cả. Không biết vì “ lạ nước, lạ cái” ở quê người đất khách hay vì ăn nhằm những đồ ăn thiếu vệ sinh trong các tiệm ăn nên mới bị đi tiêu chảy gần hai phần ba đoàn du lịch như vậy.

    Trở lại vấn đề đi shopping ở trên, khoảng 30 phút sau chúng tôi lại theo gót chân ông trưởng đoàn du lịch đến xem thắng cảnh ở bên bờ hồ Lucerne Lake giữa thành phố Lucerne.

    Hồ Lucerne ở Thuỵ  sĩ (Hình trích từ Wikipedia)

    Nơi đây chúng tôi cũng đã đi qua chiếc cầu gỗ nỗi tiếng Kapell Bridge bắc qua hồ Lucerne thật đẹp và thơ mộng. Theo sự giải thích của ông trưởng đoàn du lịch, cầu nầy nằm gần nơi nối liền con sông với hồ Lucern. Chiếc cầu Kapell Bridge được xây cất vào năm 1335, chiều dài 200 mét. Tuy nhiên khi nhìn vào chiếc cầu người ta thấy có vẻ còn mới chứ không cũ lắm. Sở dĩ như vậy là vì năm 1993, một trận hoả hoạn đã thiêu rụi gần như toàn bộ cây cầu nầy và tất cả đều mới được sửa chữa và phục hồi lại.

    Vì vậy mà ngày hôm nay khi nhìn vào ai cũng thấy cây cầu có nhiều nét có vẽ tân kỳ.

    Cầu Kapell (Hình trích từ Wikipedia)

    Sau đó ông trưởng toán hướng dẫn chúng tôi lên một chiếc du thuyền  để được lái đi vòng quanh bờ hồ Lucerne vừa nhìn phong cảnh hữu tình vừa ngồi ăn cơm trưa thật vui thú và hạnh phúc. Chiếc du thuyền này gọi là “ Lake Lucerne Happy Hour Cruise”.Vé để được ngồi trên du thuyền này là 30 Euro cho mỗi một người. Khoảng một giờ sau, chúng tôi từ giả du thuyền rồi lên xe buýt để về lại khách sạn.

    Sáng hôm sau, chúng tôi lại tập họp đầy đủ trước khách sạn để ông trưởng đoàn hướng dẫn lên đỉnh núi Mt.Titlis. Đây là ngọn núi cao nhất ở Thuỵ sĩ , độ cao 10,000 feet khoảng 3 cây số. Trong đoàn chúng tôi có một số du khách không tham dự vụ leo lên đỉnh núi nầy. Có lẽ có người không thích, có người không đem đủ tiền để mua vé vv…

    Giá vé cho mỗi người để được lên đỉnh Mt.Tilis là 50 Euro. Lúc ở nhà, tôi cứ tưởng leo lên đỉnh núi bằng cách đi lên tầng cấp. Vì vậy tôi mang theo một cái gậy và một cái belt để thắt lưng dự trù gặp trường hợp leo núi khó khăn tôi phải chống gậy và mang dây belt vào, vừa để khỏi té vừa đỡ đau lưng vì lưng tôi bị đau cột sống từ lâu. Nhưng khi đến nơi tôi mới biết rằng, chúng tôi lên tận đỉnh núi Mt.Titlis cao chót vót kia bằng cách ngồi vào trong những chiếc xe nho nhỏ do một hệ thống dây cáp (cable) vĩ đại kéo từ dưới mặt đất từ từ lên tận đỉnh núi. Mỗi xe ngồi chỉ 6 người, xe này cách xe kia khoảng vài chục mét. Sau khoảng 15 phút, chúng tôi đã đến đỉnh núi Mt.Titlis cao 10,000 feet. Tại đây, nhìn chung quanh tất cả bốn phương tám hướng, chúng tôi chỉ thấy toàn tuyết và tuyết trắng xóa mà thôi .Chẳng thấy mây trời cũng chẳng thấy cây cối và núi đồi đâu cả. Dĩ nhiên vì chung quanh chỉ thấy một màn tuyết trắng nên khí hậu cũng lành lạnh. Tuyết bay khắp nơi rồi phủ vào cả áo quần của du khách.

    Đỉnh núi tuyết Mt. Titlis (Hình trích từ Wikipedia)

    Thấy quang cảnh cũng hay hay và là lạ nên anh em lại rủ nhau quay phim và chụp hình. Mỗi toán lên xem khoảng vài chục người nên sau khoảng mười lăm phút, chúng tôi lại được lệnh xuống núi để cho toán khác lên xem. Thế là chúng tôi lại vào ngồi trong xe nho nhỏ như lúc mới lên và hệ thống dây cáp từ từ di chuyển đưa chúng tôi xuống lại mặt đất.

    Sau khi điểm danh đầy đủ, ông trưởng đoàn du lịch bảo lên xe buýt để về lại khách sạn chuẩn bị ăn cơm chiều. Sau đó như thường lệ, ông trưởng đoàn thông báo cho chúng tôi biết sáng mai sẽ rời khách sạn để sang nước Ý.

     (Trích từ tác phẩm “Ký Sự Du Lịch Âu Châu và Hạ Uy Di” xuất bản năm 2009)

     Dương viết Điền

  • Khánh Lan,  NGHIÊN CỨU,  Văn Thơ

    Tình bạn tri kỷ, tâm giao … dư âm hoài niệm tại Từ Mai Gia Trang (GS Trần Huy Bích)

    Khánh Lan

    Theo danh nhân thi ca Kahlil Gibran (1883-1931), thi sĩ và họa sĩ người gốc Lebanese (Li-băng), được xem như một trong các đạo sư vĩ đại của thế kỷ 20. Các tác phẩm của ông chứa đựng những thông điệp cao cả, nhất quán và vượt thời gian về một thế giới đại đồng, tôn giáo hòa đồng, tình huynh đệ, một tình thương vĩnh hằng nối kết con người với nhau trong tình yêu thương nhân loại từ Thượng đế giữa một trần gian hiệp nhất với không gian. Do vậy, Ngôn sứ (prophet), được hiểu như một sứ giả chuyển giao một thông điệp bằng ngôn từ…” Về Tình bạn.”

    Một người tuổi trẻ thưa, Hãy nói cho chúng tôi về tình bạn và Gibran đáp lại rằng:”Người bạn là những cần thiết của các bạn được đáp ứng”.

    Phải chăng,Giáo sư Từ Mai Trần Huy Bích chính là cánh đồng bao la với con tim vĩ đại và Từ Mai Trang là điểm hẹn để các bạn gieo hạt yêu thương và sẽ gặt hái tình bạn chân thật với lòng biết ơn người đã vun tưới nó …

    Cánh đồng Từ Mai Trang là bàn ăn đầy ắp thực phẩm và cái lò sưỡi kia là nơi ấp áp trong mùa đông lạnh giá. Đến gia trang của Thày Từ Mai Huy Bích hẳn các bạn đã tìm đến nơi tràn ngập sự bình an. Các bạn ơi, bạn có biết, bạn đã tìm đến một nơi để nghe thông điệp ngôn sứ của Thày Từ Mai Huy Bích về thế nào là tình bạn thực sự. Xin thưa rằng khi bạn đến với Từ Mai Gia Trang là bạn đã nghe The Prophet, một danh tác về tình bạn của cụ Khalil Gibran, giáng cơ qua Thày Từ Mai Trần Huy Bích.

    Tình Bạn và thi ca

    Một thi tác, bài thơ “The Pleasures of Friendship“, của thi sĩ Stevie Smith về ý nghĩa sâu xa của tình bạn.

    Stevie Smith [1902-1971]

    Stevie Smith sinh ra ở miền Bắc nước Anh nhưng bà chuyển đến London rất sớm. Bà là một trong những nhà thơ được yêu thích nhất nước Anh, giành được Huy chương Vàng của Nữ hoàng về Thơ vào năm 1969. Bài thơ “Không vẫy tay chào chia tay nhưng chết đuối” của bà thường xuyên nằm trong số 10 bài thơ hay nhất ở Anh trong các cuộc bình chọn của đài phát thanh Vox Pop.

    Những niềm vui của tình bạn (The Pleasures of Friendship):

    Niềm vui của tình bạn thật tuyệt vời,

    Thật thú vị biết bao khi được đi thăm một người bạn!

    Tôi đến bên bạn tôi, chúng tôi đi dạo trên bãi cỏ,

    Và những giờ phút như phút trôi qua.

    Phân tích bài thơ The Pleasures of Friendship: Bài thơ này ca ngợi những niềm vui giản dị của tình bạn, sự hài lòng trong những trải nghiệm được sẻ chia và thời gian trôi qua. So với những tác phẩm u ám hơn của Smith, nó mang đến một khoảng thời gian nghỉ ngơi sảng khoái với giọng điệu vui vẻ và tập trung vào những khía cạnh tích cực của sự kết nối tình bạn giữa con người với nhau. Nó phản ảnh của sự mong muốn được an ủi bằng sự thoải mái của thời hậu Thế chiến thứ hai, nhấn mạnh tầm quan trọng của mối liên kết giữa con người với nhau trong một thế giới đang phục hồi tái thiết sau chiến tranh và chịu dựng những mất mát.

    NV Việt Hải, GS Quyên Di, Chị Topaz, GS Trần Huy Bích, Minh Khai, GS Dương Ngọc Sum.

    Nói về tình bạn, Khánh Lan cũng đã sáng tác một bài thơ về tình bạn như sau:

    Tình Bạn Vô Biên

    Thời gian trôi lặng lẽ

    Thấm thoát bảy thập niên

    Văn thuần, thơ hiệp ý

    Tâm đắc bạn văn chương.

    Ước giao tình Tri kỷ           

    Xướng họa cùng ngâm nga

    Thầm khen thơ ý lạ

    Đáng yêu hạ bút thôi.

    Nhớ mãi những buổi chiều

    Cảm tác đôi vần thơ

    Vô biên về tình bạn

    Luôn đậm đà thiết tha.

    Hỡi tâm hồn khoáng đạt

    Mãi say đắm mộng mơ

    Những dòng thơ hoa mỹ

    Vằng vặc dưới trăng ngà.

    Xuân về tại Từ Mai Gia Trang:

    Trong bữa tiệc Tân Niên tại Gia Trang của Giáo Sư Từ Mai Trần Huy Bích, Nhà Văn Khánh Lan đã chúc Tết quý Thày Cô qua mấy câu thơ và gởi lời chân thành cám ơn Giáo Sư Trần Huy Bích cùng quý vị niên trưởng và quý anh chị em…

    Xuân về kính chúc quý thầy cô.

    An khang, thịnh vượng, bao niên kỷ.

    Trường thọ, Thanh Nhàn, khoáng đạt tâm

    Văn chương, lịch sử thời thông suốt

    Rạng danh nhà giáo khắp bốn phương.

    Nhân dịp xuân về Khánh Lan đã thảo một bài thi ca Hán Việt, tứ ngôn tứ tuyệt thể biền ngẫu cân đối:

    Mai khai phú quý.

    Đào tải an khang

    Thọ sinh vạn phúc

    Lộc cung thắng lợiPhúc cầu toàn gia.

    Mùa xuân đến, thiên nhiên chuyển mùa, không gian bừng sinh, Khánh Lan đã họa bài thơ chúc mừng xuân mới như sau:

    Xuân nay trở về 

    Không gian tái sinh

    May mắn vào cửa 

    Hoan hỉ tràn dầy.

    Khánh Lan cho rằng không hẳn chỉ có mùa Xuân ở Trung Hoa hay Việt Nam, mà mùa Xuân còn ở những nơi như Teipei (Đài Bắc Đài Loan), Seoul (Đại Hàn) …

    Đôi Nét về Thi Ca Truyền Thống Nhật Bản (Haiku) và thi ca Truyền Thông Đại Hàn (Sijo)

    Dựa theo bài viết trên trang nhà KBS-World-Âm Điệu Ngàn Xưa thì “khi ta đề cập đến thi ca truyền thống Nhật Bản, người ta thường nghĩ về thể thơ Haiku (句) bởi lẽ đây là một thể thơ thịnh hành ở Nhật Bản. Haiku là sự dung nạp và kết tinh của nhiều giá trị văn hóa tinh thần của người phương Đông như Hoa, Nhật, Hàn hay Việt tộc. Tương tự như thơ Haiku của người Nhật Bản, thơ Sijo (소지) của Đại Hàn. Xét về thơ cổ Sijo là thể thơ truyền thống của dân tộc Hàn, một bài thơ thuộc thể loại này thường có bố cục ba dòng truyền thống. Thơ cổ Sijo là thể thơ truyền thống của dân tộc Hàn. Một bài thơ thuộc thể loại này thường có bố cục ba dòng. Mỗi dòng có hai nhịp, mỗi nhịp có từ 3 đến 4 chữ. Vậy nên thơ cổ Sijo còn được gọi là thể thơ ba dòng sáu nhịp.

    동짓달 기나긴 밤을 한 허리 둘에 내어
    춘풍 이불 아래 서리서리 넣었다가
    임 오는 밤이어들란 구비구비 펴리라.

    Thơ cổ Sijo vừa là tác phẩm văn học vừa có thể trở thành lời của bài hát với những câu chữ ngắn gọn nhưng lại sâu sắc, có thể diễn tả mọi cung bậc của cảm quan, cảm xúc. Sau này bố cục truyền thống của thơ cổ Sijo dần biến đổi cách tân, thành thể loại có số âm tiết nhiều hơn được gọi là Saseolsijo. So với thơ cổ truyền Pyeongsijo, nhịp điệu và tiết tấu của thơ cổ Saseolsijo nhanh và sôi động hơn.

    Thơ cổ phổ nhạc Pyeongsijo và Saseolsijo

    Một bài thơ cổ Sijo thường có khoảng trên dưới 45 chữ. Đây là thể loại thơ cổ phổ biến và còn được gọi là Pyeongsijo. Sau này bố cục truyền thống của thơ cổ Sijo dần biến đổi thành thể loại có số âm tiết nhiều hơn được gọi là Saseolsijo. So với thơ cổ Pyeongsijo, nhịp điệu và tiết tấu của thơ cổ Saseolsijo nhanh và sôi động hơn.

    Trong tên của thể loại thơ cổ phổ nhạc Saseoljireumsijo, từ “Saseol” có nghĩa là “ca từ nhiều chữ”, ám chỉ không theo quy tắc thơ ba bốn chữ mà sáng tác tự do. Còn “Jireum” có nghĩa là “hét lên”, ám chỉ là “phần đầu của khúc hát được hát với giọng cao”. Vốn dĩ thơ cổ Pyeongsijo được hát với giọng đều đều, không quá cao hay quá thấp. Nhưng trích đoạn “Sanjunghae” (Giữa rừng xanh) mà chúng ta vừa nghe lại có phần đầu được hát bằng giọng rất cao. Câu ca mượn lời thoại giữa người thợ săn và con ngỗng trời để ví von tâm trạng sầu thảm của những người yêu nhau khi chia tay. Ngỗng trời nói rằng:

    Hỡi anh thợ săn vai đeo súng trong rừng xanh núi thẳm

    Dù anh có vác súng bắn muôn thú

    Thì cũng đừng bắn ngỗng trời đang khóc vì mất đôi

    Nghe vậy, người thợ săn liền trả lời, rằng: “Dù có vô tình thế nào đi chăng nữa thì chúng tôi cũng đâu nỡ bắn những con vật đáng thương”.

    Theo dòng chảy của thời gian, thơ cổ phổ nhạc chữ tình Pyeongsijo phát triển thành thể loại thơ cổ phổ nhạc tự do Saseolsijo trong sáng, đầy hứng khởi. Ví như “Saseol Nanbongga” (Lan phùng ca thể thơ tự do) có đoạn:

    Cô gái trước nhà đi lấy chồng, chàng trai sau nhà đi treo cổ

    Người chết thì không tiếc nhưng chẳng qua là không có dây thừng

    Chàng bỏ thiếp đi, chưa đi được 10 dặm đã đổ bệnh

    Chưa đi được 20 dặm đã gặp toán cướp

    Chưa đi được 30 dặm đã phải quay về bên thiếp

    Vài nét khác biệt giữa thơ cổ phổ nhạc Sijo và dân ca Minyo ở Hàn Quốc

    Trước hết ta hay xem quá trình hình thành nên các khúc dân ca Minyo ở Hàn Quốc. Dân ca Minyo thường không phải là những khúc hát có người phổ nhạc và người soạn lời riêng. Dân ca Minyo vốn là dòng nhạc mà ai cũng có thể nói lên tâm tư tình cảm của mình theo nhịp điệu nhất định nào đó. Và theo dòng chảy của thời gian, nó được nhiều người đồng cảm, hát theo và định hình thành khúc hát dân gian. Rồi mỗi người lại chỉnh sửa chút ít cho hợp với phong cách và tâm tư tình cảm của mình. Gần đây nghệ sĩ Lee Hee-mun đã biến tấu khúc ca “Saseol Nanbongga” thành khúc hát đại chúng“Saseol Nanbong” có phong cách và sắc thái khác hẳn với khúc ca gốc và còn được giới trẻ ngày nay hưởng ứng hơn nữa. Thế nên những người có tuổi khi nghe khúc hát này còn nói rằng “Liệu có thể gọi đây là khúc hát truyền thống hay không?”. Tuy nhiên, “Saseol Nanbong” của nghệ sĩ Lee Hee-mun vẫn được coi là một khúc hát truyền thống”.

    Nguồn:

    * Khúc thơ phổ nhạc “Pureun Sanjunghae” (Giữa rừng xanh) theo thể loại Saseoljireumsijo / Lee Jun-ah

    * Khúc thơ cổ phổ nhạc “Lan phùng ca” theo thể loại thơ tự do Saseolsijo / Kim Yeong-im 

    * Khúc hát “Saseol Nanbong” mang âm hưởng hiện đại / Lee Hee-mun

    Sau đây là bài đoãn thi chúc Tết theo thi ca Hàn ngữ: Bài “Vừa Đủ“. Bài “Vừa Đủ” là Thi Ca Biền Ngẫu Dạng Thức: 10-10-10-10. Ý tưởng khi Nếp sống vừa đủ là một triết lý hay nhân sinh quan của thi sĩ Nguyễn Công Trứ trong bài thơ nổi danh “Chữ nhàn “… trong chiều hướng tương đồng, bài thơ “Vừa Đủ” của Khánh Lan dưới đây như lời chúc đầu năm đến các mọi người: “Năm mới chúc mọi người vừa đủ, vừa đủ”

    Bài thơ Vừa Đủ

    Vừa đủ HẠNH PHÚC cho tâm hồn được bình an

    Vừa đủ THÀNH CÔNG cho mình luôn mãi kiên cường

    Vừa đủ HY VỌNG để thấy mình đủ hạnh phúc

    Vừa đủ THÀNH CÔNG để giữ cho mình mãi nhiệt tâm.

    Trích dẩn thơ của Nguyễn Công Trứ: Bài “Chữ Nhàn”.

    Link: Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc

    Bài Thơ Chữ Nhàn của Thi Hào Nguyễn Công Trứ

    Thị tại môn tiền náo,

    Nguyệt lai môn hạ nhàn.

    So lao tâm lao lực cũng một đàn,

    Người trần thế muốn nhàn sao được?

    Nên phải giữ lấy nhàn làm trước,

    Dẫu trời cho có tiếc cũng xin nài.

    Cuộc nhân sinh chừng bảy tám chín mười mươi,

    Mười lăm trẻ, năm mươi già, không kể.

    Thoắt sinh ra thì đà khóc choé,

    Trần có vui sao chẳng cười khì?

    Khi hỷ lạc, khi ái dục, lúc sầu bi,

    Chứa chi lắm một bầu nhân dục.

    Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc,

    Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?

    Cầm kỳ thi tửu với giang san,

    Dễ mấy kẻ xuất trần xuất thế.

    Ngã kim nhật tại toạ chi địa,

    Cổ chi nhân tằng tiên ngã toạ chi.

    Ngàn muôn năm âu cũng thế ni,

    Ai hay hát mà ai hay nghe hát?

    Sông Xích Bích buông thuyền năm Nhâm Tuất,

    Để ông Tô riêng một thú thanh tao.

    Chữ nhàn là chữ làm sao?

    Dẫn giải ý thơ “TRI TÚC TIỆN TÚC”

    Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc

     (Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ).

    Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn”

     (biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn)

    Hai câu thơ trên có nghĩa là làm người phải biết thế nào là đủ thì mới có thể vui hưởng cuộc sống. Ai không biết thế nào là đủ sẽ luôn cố sức, lao tâm lao lực để có nhiều hơn, hay để thõa mãn tự ái và tham vọng của mình. Nhưng đời người không phải lúc nào cũng may mắn vì theo quy luật đời sống thì có nhiều biến thiên, thăng trầm như trăng tròn rồi lại khuyết, …không khéo, khi hết thời mà không biết dừng sẽ bị mất hết những cái mình đang có. Thật vậy, chỉ có những người sống phải đạo, có ân phước của thánh thần mới được che chở tránh được những cơn lốc bất ngờ của số mệnh. Người có tài mà ỷ tài, kiêu ngạo thì bao nhiêu nỗ lực để đạt tham vọng không đáy của cá nhân rốt cuộc cũng sẽ trở thành công dã tràng mà thôi.

    Bài “Chữ Nhàn” được nhiều người coi là tuyệt tác trong các bài hát nói. Tác giả vạch rõ chữ nhàn rất dễ kiếm, ai cũng có thể có, dễ như thế mà các thi nhân từ xưa chưa ai tìm ra được. Những câu thơ cổ mà tác giả mượn dẫn vào thực là đắc cú, phân minh, chuyển đi láy lại tài tình. Vì thế, ngày xưa những khách phong lưu đi hát ưa nghe bài này, là có ý mượn tiếng giai nhân để kể lại áng văn chương danh cú.

    Sự bình an là trạng thái tâm trí, tinh thần của một người khi cảm thấy yên tĩnh, thoải mái, không có lo lắng, căng thẳng hay áp lực. Nó thường được miêu tả như một cảm giác an tĩnh, yên bình và ổn định bên trong thân tâm ta. Sự bình an được xem là một trong những yếu tố quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt là trong thời đại ngày nay với nhịp sống nhanh, áp lực của công việc và sự bận rộn trong cuộc sống. Sự bình an giúp chúng ta có thể tập trung, đạt hiệu quả khi làm những việc tốt hơn, tăng cường sức khỏe và tạo ra cảm giác hạnh phúc. Bình an là khi ta cần để tâm trí mình được nghỉ ngơi, nhìn sâu bên trong bản thân mình và tìm hiểu về bình an nội tâm. Vậy, giá trị của an bình, yên ổn là gì?

    Xét về ý tưởng “Đi tìm sự bình yên trong tâm hồn“, ai trong chúng ta cũng đều mong ước có được một cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Nếu không dành thời gian để nhìn nhận mọi việc một cách đầy đủ, chúng ta sẽ không thể cảm nhận được cảm giác yên bình. Muốn giữ được sự bình yên trong tâm, chúng ta biết giữ lấy sự tĩnh lặng của tâm hồn, sự buông lỏng những căng thẳng lo âu. Cố gắng trong công việc là điều cần thiết nhưng chúng ta cũng phải biết cho đi, sẵn sàng giúp đỡ người khác, thấy được những giá trị tốt đẹp của cuộc sống… Cho nên bình yên là cảm giác xuất phát từ nội tâm. Đó là khi chúng ta vui vẻ, thoải mái, cảm thấy hài lòng với những điều mình đang có; là khi ta sống lạc quan, tích cực; không tham lam, đấu đá, tranh giành; không suy nghĩ, ghen ghét, đố kỵ với những người xung quanh…

    Bình yên giống như liều thuốc bổ giúp mỗi người thêm khỏe mạnh, hạnh phúc. Bình yên giúp mỗi người sẽ càng yêu và trân trọng hơn những điều bình dị quanh mình. Có được sự bình yên trong cuộc đời là vô cùng quý giá, là bởi vì dẫu cho chúng ta có công danh, sự nghiệp như ý nhưng trong lòng không có được sự bình yên thì cuộc đời cũng sẽ mất đi ý nghĩa đích thực. Trái lại, khi chúng ta luôn cảm thấy bình yên, tất thảy mọi điều tốt đẹp sẽ tới, cuộc đời mỗi người vì thế mới trọn vẹn, ý nghĩa. Khi cảm nhận vừa dủ là vừa đủ, hãy bình yên giúp mỗi người biết buông bỏ những thứ không cần thiết để có cuộc sống hạnh phúc. Có thể thấy là sự bình yên trở thành thứ tài sản vô giá mang đến cho con người cuộc sống viên mãn, từ đó sản sinh ra nhiều giá trị nhân sinh cao đẹp khác như: tình yêu thương, lòng vị tha, tính bao dung; loại bỏ những thói quen, giá trị tiêu cực mà không hề đắn đo, suy tính. Khi một cá nhân hạnh phúc thì xã hội sẽ hạnh phúc. Và khi xã hội hạnh phúc luôn là khát vọng luôn mơ ước của mỗi quốc gia và toàn thể nhân loại.

    Bình yên là tấm gương phản chiếu của hạnh phúc. Muốn có được bình yên, bạn sẽ tự khắc biết cách đi tìm, bởi “không ai mang lại cho bạn sự bình yên ngoài chính bạn”. Dựa theo tư tưởng của Lão Tử trong Lão giáo; Hầu như toàn bộ Đạo Đức Kinh của Lão Tử nhằm nói đến sức mạnh của cái Nhu, của Vô Vi. Trong ý niệm đó, đặc biệt ở chương 8, Nước được coi như hình ảnh đặc thù để chuyển tải một triết lý sống và cũng chính là một nghệ thuật sống lý tưởng. Ông cho thấy đường lối sống Đạo tự nhiên như nước chảy xuôi: ở thì chuộng chỗ thấp, ân tình thì chuộng thâm sâu, xử sự chuộng lòng nhân, nói thì chuộng chân thật, cai trị thì làm cho cuộc sống an bình, làm việc thì hợp với tài năng, hành động thì hợp thời đúng lúc. Đức tính của nước là làm lợi cho tất cả thiên hạ mà không tranh công đoạt lợi, gặp chỗ thiếu thì chảy vào, chỗ thừa thì chảy ra, trên đời làm mưa, dưới đất thành sông lạch: “Thượng thiện nhược thủy. Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh”. Lão Tử nhận ra ưu điểm của nước là tính vô kỷ, vị tha, “Nhu thắng cương“, như cung cách ứng xử: “Cường đại xử hạ, nhu nhược xử thượng”: cư xử mạnh bạo là hạng dưới, mềm dịu là hạng trên. Thực tế cho ta thấy thái độ khắt khe, cứng cỏi là tiêu biểu những tâm hồn cằn cỗi, thấp kém. Uyển chuyển, khéo léo, dịu dàng mới tiêu biểu những tâm hồn cao thượng. Bởi vậy có câu thơ:

    Phàm phu mới cứng, mới cương,

    Dịu dàng mới thực lối đường người trên

    Bản chất của nước (l’eau, water) là như thế, không câu nệ vào một hình thức, khi tràn vào đủ nước ngưng lại trong trạng thái tĩnh lặng, bình yên. Đấy là nước, Nước lại còn có tính cách nén chịu, sự nén chịu của con đường Nhu: “Thọ quốc chi cấu”: nhận lấy cho mình bụi bặm của quốc gia. Đồng thời “Thọ quốc chi tường”: nhận lấy cho mình sự rủi ro của nước nhà. Đó cũng là tận cùng của vị tha, nhưng chính nhờ thế mới thực làm chủ được sơn hà, xã tắc. Nước nhà, xã hội cần thành công, gia dình cần hạnh phúc, với ý tưởng sao cho “vừa dủ“. Thi ca hạnh phúc, cho tâm hồn được bình an:

    Tóm lại, thể thơ Haiku của người Nhật Bản, hay thơ Sijo của Đại Hàn là những loại thơ biền ngẫu, y như thơ Lục Bát của Việt Nam (6-8), chịu sự chi phối của quy luật sắp sẵn.

    Khánh Lan, Kỷ niệm Từ Mai Gia Trang, Tháng 3 mùa Xuân Hội Ngộ 2024.

  • DU LICH,  Dương Viết Điền

    Du Lịch Hạ Uy Di.

    …Sau khi tham quan tất cả các làng trong Trung Tâm Văn Hoá Polynesian, chúng tôi liền đến bờ hồ, nơi được chọn để tất cả các bộ tộc biểu diễn các vũ khúc của mình trên một chiếc phà hay chiếc đò, để xem các vũ khúc do các diễn viên của các làng hồi nãy trình diễn chung trong cùng một chương trình. Trên đoạn đường từ làng của bộ tộc TONGA đến bờ hồ, trời lúc đó đã về chiều, xa xa khói lam chiều từ mái nhà tranh sau lùm cây bay lên cao làm tôi bỗng nhớ nhà da diết. Bất giác, tôi hát bài Chiều, thơ của thi sĩ Hồ Dzếnh do nhạc sĩ Dương thiệu Tước phổ nhạc:

    “Trên đường về nhớ đầy. Chiều chậm đưa trong ngày. Tiếng buồn vang trong mây. Tiếng buồn vang trong mây. Chim rừng thôi cất cánh. Xót xa tình ngây ngây. Có ai sầu vạn cổ.Chất trong hồn chiều nay.Chất trong hồn chiều nay. Tôi là người lữ khách. Trời chiều có làm khuây. Ngỡ hồn mình là rừng. Ngỡ hồn mình là mây.  Nhớ nhà châm điếu thuốc. Khói buồn vang trong mây.”

    Vừa hát xong bài Chiều thì chúng tôi cũng vừa đến bờ hồ.

    Nơi đây, tất cả các du khách đều ngồi ở những ghế đá có sẵn quanh bờ hồ nhìn ra giữa hồ để xem trình diễn. Một sân khấu lộ thiên ở cuối bờ hồ đã được dựng lên từ trước để các ca sĩ, các vũ công TRUNG TÂM đứng giới thiệu chương trình và các tiết mục trình diễn của từng bộ tộc.

    Các diễn viên của các bộ tộc gồm cả nam lẫn nữ mang áo quần đủ loại màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng,vừa hát vừa múa may quay cuồng trên một chiếc thuyền, hay phà theo những điệu vũ mang sắc thái văn hoá của bộ tộc mình, trông thật đẹp mắt, thật quyến rũ, thật thơ mộng. Đặc biệt các nam diễn viên hầu hết là những chàng trai vai u thịt bắp, nước da người nào người nấy rám nắng chứng tỏ ngày nào họ cũng phải trình diễn cho du khách thưởng ngoạn dưới ánh nắng mặt trời. Các nữ diễn viên múa thật điêu luyện, thật nhịp nhàng, uyển chuyển, chẳng khác gì vũ khúc của những tiên nữ ở trên Đào Hồng mà Lưu Nguyễn ngày xưa đã lạc bước vào thăm! Có bộ tộc thì vừa múa vừa hát những bản nhạc nghe thật nhẹ nhàng, êm dịu. Trái lại có những bộ tộc vừa hát vừa múa may quay cuồng vừa la hét thật ghê rợn như muốn ăn tươi nuốt sống người nào!

    Có một chiếc thuyền vì các diễn viên trình diễn vừa múa vừa nhảy quá mạnh khiến anh chàng chèo thuyền đứng thất thế nên rớt xuống nước ướt cả áo quần. Anh ta liền phải leo lên thuyền lại gấp rồi chèo cho chiếc thuyền đi nhanh để thuyền bộ tộc khác ra trình diễn.

    Sau đây là các hình ảnh của những thanh niên và thiếu nữ của các bộ tộc trình diễn trên hồ cho du khách xem:

    Màn trình diễn của bộ tộc này vừa chấm dứt thì một chiếc thuyền xuất hiện từ bờ hồ đằng xa từ từ tiến ra giữa hồ. Trên thuyền, một người đàn ông mang hia đội mũ, trang phục màu  vàng đỏ như những vị vua chúa ngày xưa, ngồi chểm chệ trên một chiếc ghế bành được đặt giữa thuyền. Bên cạnh là một người đàn bà bận áo quần muôn màu sặc sỡ: đó là Hoàng đế và Hoàng hậu của xứ HẠ UY DI một thời vang bóng. Hai bên có hai người lính cầm giáo đứng hầu.

    Chiếc thuyền này được người chèo thuyền chèo chầm chậm để du khách có thể quan sát, chiêm ngưỡng vua và hoàng hậu của xứ Hạ uy di, một xứ sở được mệnh danh là thiên đường hạ giới, một hải đảo mà văn sĩ Mark Twain gọi đây là miền đất thanh bình và hạnh phúc nằm giữa Thái bình dương với khí hậu quanh năm suốt tháng luôn luôn hiền hoà, dịu mát.

    Khi chiếc thuyền chở vị Vua và Hoàng hậu vừa biến mất cuối bờ hồ là xem như chấm dứt cuộc trình diễn ngày hôm nay của các bộ tộc, chúng tôi liền theo du khách vào Restaurant để chuẩn bị ăn cơm tối. Mặc dầu lúc bấy giờ đã 07 giờ chiều, nhưng vì mùa hè nên trời vẫn còn sáng. Sau khi làm thủ tục nộp vé vào cổng, cũng giống như buổi trưa lúc mới vào cổng để bắt đầu đi tham quan các làng, một thanh niên thân hình vạm vỡ và một thiếu nữ của một bộ tộc thay phiên nhau choàng cho chúng tôi mỗi người một vòng hoa tươi như mới hái từ trên cây xuống. Chúng tôi rất thích thú khi mang những vòng hoa này vì đây có lẽ là biểu tượng rõ nét nhất của cuộc du lịch trên xứ Hạ uy di nầy. Nhớ lại sáng nay khi được choàng những vòng hoa kết bằng những vỏ ốc nho nhỏ, chúng tôi cũng không được vui lắm và cũng hơi ngạc nhiên tại sao người ta lại không choàng cho mình vòng hoa mà lại choàng bằng vòng “võ ốc”. Sau khi suy nghĩ vài dây tôi nghiệm ra rằng trưa nay, có lẽ người ta chưa choàng cho mình những vòng hoa tươi, mà chỉ choàng bằng những vòng “võ ốc” vì trong thời gian đi từ làng này qua làng khác giữa trời nắng chang chang, những vòng hoa này sẽ bị héo đi chăng?

    Sau khi choàng những vòng hoa xong, họ cũng mời chúng tôi chụp chung một bức hình làm kỷ niệm. Khi đứng chụp hình với chúng tôi, chàng thanh niên và nàng thiếu nữ nầy cũng để các ngón tay thành biểu tượng của hangloose (relax) như chàng thanh niên và nàng thiếu nữ sáng nay vậy.

    Sau khi chụp chung một bức hình làm kỷ niệm, chúng tôi được nhận một tấm phiếu có đề số để vài giờ sau, nếu muốn lấy hình thì cầm phiếu ấy kèm thêm 15$ đến lấy hình về! Sau đó chúng tôi được mời vào phòng ăn để dùng cơm tối. Phòng ăn khá rộng rãi, có thể chứa khoảng 200 thực khách.

    Đối diện với phòng ăn là một sân khấu lộ thiên tương đối rộng được thiết lập đâu từ trước, nơi đây các diễn viên của các bộ tộc sẽ trình diễn văn nghệ giúp vui lúc du khách đang ngồi ăn cơm tối. Lần lượt từng bàn nọ đến bàn kia, chúng tôi tự động sắp hàng đi lấy dồ ăn kiểu self-service rồi đem về lại chỗ ngồi vừa ăn vừa xem văn nghệ. Tuy nhiên trước khi bắt đầu dùng cơm tối, một xướng ngôn viên đứng trên sân khấu thông báo cho toàn thể thực khách rằng, ai muốn đến xem lấy con heo quay dưới đất lên thì hãy tiến về phía trái của sân khấu. Con heo này được quay theo một tiến trình đặc biệt khác với heo quay như người ta vẫn làm ở nững nơi khác. Khi đến xem, tôi thấy người ta bắt đầu lấy lớp bao bố ở phía trên ra. Khi bao bố vừa

    được lấy ra, hơi nóng vẫn còn đang bốc lên. Sau lớp bao bố là một lớp lá chuối phủ lên trên. Hơi nóng cũng đang bốc lên từ lớp lá chuối này. Khi lấy hết lớp lá chuối, một chiếc rọ bằng sắt hiện ra trước mặt mọi người và dưới rọ là con heo đã được quay xong đang còn bốc hơi. Nước mỡ từ thân con heo quay chảy xuống đất toả mùi thơm phức khi người ta khiêng con heo lên để đem vào trong thái thịt cho thực khách dùng. Khi con heo vừa được nhấc lên, người ta thấy một lớp đá cuội nằm dưới cùng vẫn còn nóng và đang bốc hơi. Như vậy là lò lửa được thiết lập dưới đất bằng than, rồi được đun nóng thường xuyên trong một thời gian nào đó đủ để con heo vừa được quay chín vàng là có thể lấy ra ăn được. Sau khi xem lấy con heo quay ở lò quay ra, chúng tôi liền đi lấy thức ăn rồi vừa ngồi ăn vừa xem văn nghệ do các diễn viên của trung tâm văn hoá Polynesian trình diễn. Cũng giống như tại các làng chúng tôi ghé lại lúc buổi trưa và buổi chiều, tại đây chương trình văn nghệ gồm những vũ khúc và những bài ca cũng mang những  sắc thái của nền văn hoá từng bộ tộc. Các diễn viên nam nữ trình diễn rất nhuần nhuyễn. Nhìn những trang phục đủ màu sắc loè loẹt, nghe những lời ca khi thì nhẹ nhàng khi thì man rợ, khi thì chát chúa khi thì hãi hùng, du khách ngồi xem có thể đoán được nền văn hoá của từng bộ tộc như thế nào. Nếu đem so sánh những điệu vũ cũng như những giai điệu và tiết tấu trong các bản nhạc của nền văn hoá Polynesian này, tôi thấy nền văn hoá này không khác gì nền văn hoá của các dân tộc thiểu số ở nước ta bao nhiêu cả.

    Sau khoảng một giờ ngồi vừa dùng cơm tối vừa xem văn nghệ, chúng tôi lại chuẩn bị vào hội trường gần đấy để xem một màn trình diễn vĩ đại đầy đủ tất cả tiết mục mang hầu hết sắc thái văn hoá của các bộ tộc SAMOA, AOTEAROA, FIJI, HAWAII, MARQUESAS ISLANDS, TAHITI, TONGA. Sau khi nộp vé vào cửa, chúng tôi liền đi tìm số ghế để ngồi xem. Đứng trước chiếc ghế đã tìm ra số, tôi đảo mắt nhìn quanh một vòng trong hội trường mới thấy hội trường này thật là rộng, có thể chứa khoảng 10 nghìn người.

    Vị trí ngồi của khán giả xuôi như mái nhà từ cao xuống thấp trông giống như chỗ ngồi ở ngoài sân vận động vậy. Mặc dầu lúc bấy giờ đã gần 08 giờ tối nhưng trời vẫn còn sáng nên  chúng tôi nhìn lên sân khấu vẫn còn thấy sân khấu rất rõ ràng. Nói là nhìn lên sân khấu, nhưng thực ra là nhìn xuống vì chúng tôi đang ngồi ở một vị trí trên cao của hội trường.

    Nhìn thật kỹ trái, phải, trước, sau của sân khấu, tôi thấy đây là một ngọn núi nho nhỏ được biến chế, thiết lập, xây cất với những cây cối um tùm, rậm rạp bao bọc xung quanh. Một thác nước từ trên cao chảy xuống thường xuyên trông rất đẹp mắt nằm ngay phía sau sân khấu. Sân khấu là một mặt bằng diện tích rất rộng, bên trái, bên phải, phía sau sân khấu có những lối đi bằng đường hầm để các diễn viên đi từ sân khấu ra hậu trường và từ hậu trường ra sân khấu. Đặc biệt ở phía bên trái, bên phải của sân khấu nhìn lên cao, tôi thấy có hai mặt bằng tạo thành hai sân khấu nho nhỏ nằm ở lưng chừng núi, bao quanh với những cây cối um tùm để các diễn viên xuất hiện đột xuất khi trình diễn những vũ khúc man rợ giữa núi rừng. Tóm lại, mặt bằng sân khấu như là một thung lũng nho nhỏ được vây quanh bởi ngọn núi có cây cối rậm rạp và thác nước chảy liên tục đêm ngày.  

    Sau khi tất cả du khách an tọa đầy đủ trên các dãy ghế trong hội trường thì trời cũng bắt đầu tối, đèn điện trên sân khấu được bật sáng. Một vị đại diện lên chào du khách và đọc chương trình văn nghệ giúp vui, hầu hết là những vũ khúc của tất cả các bộ tộc mà tôi đã đề cập ở trên. Sau đó các vũ khúc của các bộ tộc bắt đầu. Trang phục của các diễn viên đủ tất cả màu sắc loè loẹt, sặc sở trên trần gian này. Xanh có, đỏ có, tím có, vàng có, nâu có, vv…Nhiều vũ khúc chỉ có hai hoặc ba người, nhiều vũ khúc năm hoặc mười người, có vài vũ khúc lên đến ba bốn chục người, năm chục người, hay gần một trăm người.

    Nhiều vũ khúc chỉ có nữ diễn viên của các bộ tộc trình diễn, lắm vũ khúc chỉ có nam diễn viên mà thôi, nhưng cũng có nhiều vũ khúc gồm cả nam lẫn nữ trình diễn chung với nhau.

    Khi những vũ khúc chỉ gồm những nữ diễn viên trình diễn, dưới ánh điện mờ mờ ảo ảo thêm vào những ánh trăng ảo ảo mờ mờ từ trên trời rọi xuống, tôi thấy những đôi tay của các thiếu nữ múa qua múa lại thật mềm mại, uyển chuyển, nhẹ nhàng, thật nhịp nhàng đều đặn, miệng luôn luôn nở những nụ cười thật là xinh. Toàn cảnh trên sân khấu trông rất đẹp mắt, thật ngoạn mục giống như những tiên nữ giáng trần đang múa những khúc nghê thường dưới chốn dương gian giữa rừng khuya đêm vắng.

    Bỗng đâu nơi hai sân khấu nho nhỏ ở trên cao giữa mấy lùm cây về phía trái và phía phải của sân khấu lớn xuất hiện hai cô sơn nữ mang gùi, mắt ngẩng lên nhìn ánh trăng đêm, nhìn lá vàng rơi, miệng cất tiếng ca giống như tiếng ca của đoàn vũ nữ đang vừa hát vừa múa dưới sân khấu chính, tạo thành một cảnh thật linh động như trên nguyệt điện của chị Hằng nga. Thấy hai cô sơn nữ mang gùi vừa múa vừa hát, vừa nhìn trăng rồi nhìn lá vàng rơi làm tôi chợt nhớ đến bài Sơn nữ ca.

    Bất giác tôi cất tiếng hát:

    “Một đêm trong rừng vắng, ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh thấp thoáng bóng cô sơn nữ miệng cười xinh xinh. Một đêm trong rừng núi, có anh lữ khách nhìn trời xa xa biết đâu sơn nữ nhìn mình đăm đăm. Môt đêm trong rừng vắng, có cô sơn nữ miệng cười khúc khích ngắm anh lữ khách rồi lòng bâng khuâng. Một đêm trong rừng núi, có anh lữ khách nhìn trời xa xa ngắm trăng say đắm một mình bâng khuâng.

    Sơn nữ ơi! Đời ta như cánh chim chiều phiêu bạt thời gian vun vút trời mây. Sơn nữ ơi!

    Đành lòng sống với bên rừng thơ mộng cùng hoa với lá ngàn hương.

    Sơn nữ ơi! Làm chi cho đớn đau lòng trong một thời gian rồi thương rồi nhớ. Sơn nữ ơi!

    Hoàng hôn xuống rồi đợi chờ ai đây.

    Hãy nhìn trăng lên, rồi lu mờ dần. Khi nhìn chim bay, thiết tha về ngàn chờ đợi tay người sơn nữ. Khi nhìn chim bay, bay đi tìm đàn, khi nhìn gió cuốn, lá thu rời cành cuộn bay lên người sơn nữ. Sơn nữ ơi! Làm chi cho đớn đau lòng trong một thời gian rồi thương rồi nhớ. Sơn nữ ơi! Hoàng hôn xuống rồi đợi chờ ai đây.”

    Tôi vừa hát bài sơn nữ ca xong thì vũ kúc cũng vừa chấm dứt, đèn điện trên sân khấu bỗng vụt sáng. Thác nước sau sân khấu vẫn đổ xuống ào ào đều đều trông thật thơ mộng.

    Màn vũ tiếp theo tôi nghe giới thiệu không rõ thì bỗng đâu, mấy chàng thanh niên thuộc bộ tộc nào đó vừa nhảy ra sân khấu vừa cầm giáo, mác, đoản côn, trường côn, vừa nhảy vừa múa, vừa la, vừa hét, làm âm thanh dội cả một góc rừng thật đinh tai nhức óc. Mấy anh chàng nầy có rất nhiều hình xâm trên mặt, trên người, trên tay, sau lưng, đầu chít một vòng đầy những lông chim giống hình ảnh của dân da đỏ. Họ vừa đi, vừa chạy, vừa nhảy, vừa hét, vừa quay lui, quay tới, trông thật hãi hùng man rợ cứ tưởng như họ sắp ăn tươi nuốt sống người nào. Khoảng mười phút sau, mấy anh chàng này chia làm hai toán, mỗi toán đi vào mỗi đường hầm nằm hai bên sân khấu rồi mất dạng.

    Nói chung, tất cả các vũ khúc mang sắc thái văn hoá của mấy bộ tộc thuộc quần đảo Polynesia đều được trình diễn trong đêm cho tất cả du kách xem. Vũ khúc độc đáo nhất và nguy hiểm nhất là vũ khúc múa đuốc. Gần năm, sáu chục người ở trên sân khấu cầm đuốc được thắp sáng rực cả một góc trời. Họ vừa cầm đuốc vừa nhảy vừa múa, chàng nào cũng ở trần, chỉ mang một cái váy che thân, nếu sơ ý một tí là đụng lửa vào da sẽ bị phỏng ngay. Vậy mà chẳng có chàng nào bị phỏng cả. Tuy nhiên tôi nhớ hồi còn đang theo học ở bậc trung học, một giáo sư vật lý có giải thích cho tôi nghe về một chất hoá học dưới dạng chất lỏng. Nếu bôi chất lỏng này vào da hay bất kỳ chỗ nào trên cơ thể thì khi đụng lửa, da ở nơi đó vẫn không bị phỏng. Vì vậy trong các gánh xiệc, khi một người biểu diễn đưa một que vải tẩm dầu với lửa đỏ rực vào miệng, khi lấy que lửa ra, miệng anh ta vẫn không bị gì cả nhờ đã bôi trong miệng một lớp chất nước hoá học kia rồi. Vậy thì tôi nghĩ rằng, chắc các chàng diễn viên nầy đã bôi một lớp nước hoá học kia khắp cả cơ thể rồi nên mới múa may quay cuồng mà chẳng lo ngại gì chăng?

    Đó cũng là lý do tại sao khi tôi thấy một anh chàng diễn viên người hơi thấp, đầu chít một vòng dây gắn mấy sợi lông gà, tay cầm một ngọn đuốc sáng rực đứng múa may quay cuồng giữa cả một rừng đuốc trên sân khấu, quay ngọn đuốc vòng quanh cơ thể mình rất nhanh, rất mạnh, lắm lúc đụng chân, đụng tay mà chàng ta vẫn cười tươi như hoa nở!

    ….Đúng 6 giờ sáng, vừa nghe đồng hồ báo thức từ chiếc cell phone, chúng tôi liền vùng dậy ngay. Nghe tiếng sóng vỗ ầm ầm ngoài xa , biết rằng sắp ra đi, biết rằng sắp giả từ, tôi và bà xã tôi tiến về phía cửa nhìn ra ngoài biển cả mênh mông bát ngát, nhìn xuống bãi biển sóng đang vỗ rì rào mà lòng buồn vời vợi vì “nghìn trùng xa cách, người sắp đi rồi, còn gì đâu nữa, mà khóc với cười!”. Bất giác tôi đọc mấy câu thơ của thi sĩ Lord Byron:

    When we two parted

    In silence and tears

    Half broken hearted

    To sever for years.

    mà một thi sĩ nào đó đã dịch là:

    “Giờ phút chia ly đã điểm rồi

    Nghẹn ngào lặng nuốt lệ thầm rơi

    Mang mang nửa cõi lòng tan tác

    Ly biệt xui chi tủi trọn đời.”

    Bỗng chuông điện thoại reo lên, tôi nhấc điện thoại lên nghe thì từ đầu dây, anh”TÀI xế” hỏi chúng tôi đã chuẩn bị hành trang xong xuôi chưa để xuống ăn điểm tâm mà lên đường. Sau đó chúng tôi liền xuống thang máy, ra nhà điểm tâm ăn qua loa vài món rồi lên lại phòng xách hành trang xuống văn phòng làm thủ tục trước khi rời khách sạn. Khoảng 5 phút đợi chờ, nhânviên khách sạn đã lái xe ra cho chúng tôi và chúng tôi bắt đầu lên xe nhắm hướng phi truờng HONOLULU trực chỉ. Vì sợ đến trễ sẽ vội vàng mệt nhọc nên chúng tôi quyết định đi thật sớm cho thoải mái .Theo chương trình, đúng 11 giờ máy bay sẽ cất cánh. Vì vậy chúng tôi quyết định đến phi trường trước khi bay 2 giờ để nếu vừa kẹt xe vừa làm thủ tục mất thì giờ cũng không thể nào bị trễ được. Vì đã thuộc đường đi nước bước nên anh“TÀI xế” lái một mạch đã đến phi trường. Sau khi làm thủtục trả xe rồi leo lên xe của hảng để vào phi trường làm thủ tục trước khi bay, chúng tôi đến trước giờ bay 1 giờ 30 phút nên cùng nhau ngồi chờ. Trước khi đi vào phòng đợi, chúng tôi phải đi ngang qua một phòng, tại đây có một ban nhạc đang trình diễn cho du khách xem trước khi du khách giả từ Hạ uy di. Khi đi ngang qua đây, tôi thấy một thiếu nữ có trang phục giống các cô đã trình diễn tại trung tâm văn hoá POLYNESIAN, cổ choàng một vòng hoa tim tím, vừa múa vừa hát theo tiếng đàn, tiếng trống của các nhạc công rất đẹp mắt và thật dễ thương.Sau những phút chờ đợi, chúng tôi được lệnh vào phòng để lên máy bay. Đúng 11 giờ, máy bay bắt đầu cất cánh rời phi trường HONOLULU để bay về California.

    Ngồi trên máy bay nhìn xuyên qua cửa kính, tôi thấy thành phố HONOLULU mỗi lúc một xa dần, xa dần, rồi quần đảo Hawaii cũng dần dần nhỏ lại, dần dần lu mờ. Thôi thế là hết! Biết bao giờ trở lại Hạ uy di để nghe sóng vỗ rì rào suốt ngàyđêm trên bờ biển. Biết bao giờ trở lại Hạ uy di để tắm nắng chiều trên bờ cát trắng dưới những bóng dừa loang loáng ánh nắng vàng. Xin tạm biệt Hawaii, xin tạm biệt các cô sơn nữ rất khả ái dễ thương như những nàng tiên giáng trần miệng luôn luôn nở những nụ cười tươi như hoa nở. Xin tạm biệt các chàng trai thân hình vạm vỡ, nước da ngâm ngâm của các bộ tộcSAMOA,AOTEAROA,FIJI,HAWAII,MARQUESA, TAHITI. Ngồi trong máy bay, tôi đưa tay vẫy chào Hạ uy di lần cuối mà lòng xao xuyến bâng khuâng, bất giác tôi cất tiếng hát bài Biệt ly của nhạc sĩ Doãn Mẫn:


    Biệt ly nhớ nhung từ đây
    Chiếc lá rơi theo heo may
    Người về có hay
    Biệt ly sóng trên giòng sông
    Ôi còi tàu như xé đôi lòng
    Và mây trôi nước trôi
    Ngày tháng trôi cùng lướt trôi
    Mấy phút bên nhau rồi thôi
    Đến khi bóng em mờ khuất
    Người về u buồn khắp trời
    Người ra đi với ngàn nhớ thương
    Mấy phút bên em rồi thôi
    Dáng em sống trong hồn tôi
    Xa cách ta còn tìm đâu ngày vui
    Biệt ly ước bao đường tơ
    Réo rắt trong muôn hương mơ
    Thành sầu tiễn đưa
    Biệt ly ước mong hoàng hôn
    Êm đềm về ru ấm tâm hồn
    Người yêu đương cách xa
    Đành sống vui cùng gió sương.

    California, ngày 14 tháng 10 năm 2006.
    Dương viết Điền
    (Trích từ tác phẩm “Ký Sự Du Lịch Âu châu và Hạ uy di” xuất bản năm 2009).

  • KIẾN THỨC TỔNG QUÁT,  Phạm Hồng Thái

    Những Huyền Thoại và Ý Nghĩa của Tuổi Thìn trong Năm Giáp Thìn

     3d rendering illustration for happy chinese new year 2024 the dragon zodiac sign with flower, lantern, asian elements, red and gold on background. ( Translation :  year of the dragon 2024 ) stock photo

    Rồng đã tồn tại từ thời xa xưa với những câu chuyện kỳ bí và những truyền thuyết đầy màu sắc. Rồng là biểu tượng của sức mạnh, quyền lực và sự thịnh vượng. Trong những nền văn minh khác nhau trên thế giới, rồng được tưởng tượng với những khả năng phi thường như biết bay, khạc ra lửa và hô mưa gọi gió…

    Rồng phương Đông được tôn sùng và thờ cúng trong các quốc gia châu Á, nhưng hình ảnh của chúng thay đổi tùy theo địa lý và thời đại. Ở Việt Nam, rồng được mô tả với hình ảnh mềm mại, hiền hòa, thường xuất hiện trong kiến trúc và nghệ thuật dân gian. Trong khi đó, rồng phương Tây thường được xem là biểu tượng của sự độc ác và hủy diệt, được tưởng tượng với khả năng khắc ra lửa và gây ra tai họa.

    Cũng theo truyền thuyết, rồng được chia thành bốn loại tượng trưng cho bốn yếu tố của thiên nhiên: lửa, nước, đất và gió. Bên cạnh đó, rồng còn có chín đứa con, mỗi đứa con mang một ý nghĩa riêng biệt và được tôn vinh theo cách khác nhau.

    Trong hệ thống 12 con giáp, con Rồng đứng ở vị trí thứ năm và là linh vật duy nhất trong bộ tứ linh được tôn sùng.

    Năm Giáp Thìn (1904, 1964, 2024) là năm con Rồng theo Âm lịch. Những người sinh năm này thường được coi là mạnh mẽ, sáng tạo và giàu trí tưởng tượng. Đối với những người sinh vào năm Giáp Thìn và các năm kết hợp như Bính Thìn, Mậu Thìn, Canh Thìn và Nhâm Thìn, con Rồng mang lại sức mạnh, quyền lực và may mắn trong cuộc sống.

    Ngoài ra, tuổi Thìn cũng có những kết hợp tốt và xấu với các tuổi khác. Những người tuổi Thìn thường hợp với tuổi Dậu, Tý và Thân, trong khi kỵ những người tuổi Tuất, Sửu và Mùi.

    Màu sắc

    Về màu sắc, người tuổi Thìn thường hợp với màu xanh lá cây, đỏ, hồng và tím, tạo nên một sức hút đặc biệt và tạo nên may mắn cho cuộc sống.

    Tính cách

    Những người sinh năm Giáp Thìn thường có tính cách mạnh mẽ, quyết đoán và tự tin. Họ là những người có tham vọng lớn và luôn nỗ lực để đạt được mục tiêu của mình. Họ cũng rất sáng tạo và giàu trí tưởng tượng, luôn có nhiều ý tưởng mới mẻ và độc đáo.

    Sự nghiệp

    Những người sinh năm Giáp Thìn thường rất thành công trong sự nghiệp. Họ là những người thông minh, nhanh trí và có khả năng giải quyết vấn đề tốt. Họ cũng rất chăm chỉ và luôn nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu của mình. Những người này thường phù hợp với các công việc đòi hỏi sự sáng tạo, độc lập và khả năng lãnh đạo.

    Tình yêu và gia đình

    Những người sinh năm Giáp Thìn thường rất chung thủy và tận tụy trong tình yêu. Họ luôn hết lòng vì người mình yêu và luôn cố gắng vun vén cho gia đình. Họ cũng rất yêu thương con cái và luôn cố gắng dành thời gian cho gia đình.

    Sức khỏe

    Những người sinh năm Giáp Thìn thường có sức khỏe tốt. Họ là những người năng động và luôn cố gắng giữ gìn sức khỏe của mình. Tuy nhiên, họ cũng nên chú ý đến chế độ ăn uống và luyện tập thể dục để duy trì sức khỏe tốt.

    Những người nổi tiếng sinh năm Giáp Thìn:

    – Albert Einstein
    – Sigmund Freud
    – Adolf Hitler
    – Martin Luther King Jr.
    – Nelson Mandela
    – Bill Gates
    – Warren Buffett
    – Oprah Winfrey
    – Michael Jordan
    – Pele    

    Tóm lại, tuổi Thìn không chỉ là một con giáp trong hệ thống 12 con giáp mà còn là biểu tượng của sức mạnh, quyền lực và may mắn trong đời sống con người. Hình ảnh của con Rồng và những truyền thuyết xoay quanh nó đã và đang làm cho tuổi Thìn trở nên đặc biệt và có ý nghĩa sâu sắc trong lòng mỗi người.

    Thái Phạm